Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Mải mê theo tiếng khèn gọi

Mải mê theo tiếng khèn gọi

Thú thực, tôi không rành lắm về âm nhạc. Với âm nhạc dân tộc thì lại càng không. Vậy mà lạ, tiếng khèn bè réo rắt của ông Khà Văn Ư, xóm Nà Phòn, xã Nà Phòn (Mai Châu) như một chất men say. Cứ dìu dặt, thiết tha đưa hồn người phiêu lãng với núi, với rừng trong màn sương chiều bảng lảng.
Khèn bè - một nhạc cụ độc đáo từ lâu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Thái ở Mai Châu. Tiếng khèn xuất hiện trong tất các các lễ nghi và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Giai điệu khèn bè theo những ngón tay và hơi thổi trong ánh lửa đêm giữa mùa vàng trĩu hạt; giữa những điệu xòe, tiếng khèn réo rắt cứ say trong điệu múa, say trong ánh lửa đêm bập bùng của những đôi trai gái. Khi đôi má ửng hồng, chẳng biết người con gái say men rượu nồng hay men tình dìu dặt, thiết tha trong tiếng khèn của chàng trai bản. Đôi mắt ấy của người con gái với cái nhìn tha thiết đã gợi nhắc đến quá khứ xa xưa về một câu chuyện tình buồn.
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia ở một bản nọ, có chàng trai nghèo họ Lò sống nhân hậu và có tài thổi sáo. Mỗi khi chàng đưa cây sáo trúc lên miệng thổi là một âm thanh thật kỳ lạ thoát ra. Chính âm thanh dìu dặt, mê hoặc ấy đã làm xao xuyến biết bao tâm hồn những cô gái khắp 9 bản, 10 mường. Trong số ấy có con gái “rượu” xinh đẹp của Tạo bản. Cô gái yêu chàng tha thiết, chàng trai cũng vậy. Ngày tháng êm đềm cứ yên bình trôi, tình yêu của đôi trai gái ngày càng sâu đậm. Biết chuyện, Tạo bản đã tìm đủ mọi cách để ngăn cấm tình yêu của con gái với chàng trai nghèo họ Lò. Dẫu vậy, họ vẫn cứ là một đôi, lén lút gặp nhau nơi con suối mát lành, nơi chàng trai ngân lên những khúc nhạc yên bình. Biết con gái vẫn còn nặng tình với chàng trai nghèo, Tạo bản đã sắp xếp một đám cưới, gả con gái cho một người giàu có ở bản bên.
Không trái được ý cha, ngày ngày ngồi bên khung cửi, cô gái khóc thương cho mối tình còn dang dở. Vào một đêm trăng tròn, cô gái trốn nhà ra ngoài để gặp chàng trai lần cuối. Mắt rưng rưng sóng nước, cô đưa cho chàng một kỷ vật là miếng sáp ong rừng còn hằn in đậm dấu tay cô mỗi khi kéo sợi, dệt vải. Kỷ vật ấy sẽ thay hình bóng cô gái ở bên chàng trai mãi về sau. Nhận kỷ vật của người yêu, chàng trai buồn bã bỏ bản ra đi. Lang thang qua khắp núi rừng, đến một dòng suối nhỏ chàng trai dừng chân nghỉ. Thấy bên suối có nhiều cây nứa tép, chàng chọn chặp lấy từng dóng nứa to, nhỏ khác nhau, miệt mài gọt thành sáo đem thổi. Càng thổi, càng thêm buồn. Chàng lại chặt thêm các dóng nữa, bó cây sáo lạ với nhau, lấy sáp ong người yêu tặng bịt kín các kẽ hở giữa ống sáo, dùng dao vạt chéo hết phần đầu các ống sáo rồi ngồi bên bờ suối thổi. Lạ thay, âm thanh từ thứ nhạc cụ chàng vừa làm phát ra cao, thấp nỉ non như tiếng khóc thầm của người yêu. Tiếng khèn càng thổi, càng làm cho chàng trai buồn nhớ người yêu da diết. Chàng cứ mải mê thổi, thổi mãi cho tới khi lịm đi và không còn tỉnh dậy được nữa. Khi chết, trên tay chàng vẫn ôm chặt cây khèn. Từ đó, câu chuyện về cây khèn của chàng trai họ Lò và tình yêu với người con gái Tạo bản được người Thái ở khắp bản, mường vẫn mãi nhắc đến như một biểu tượng tình yêu bất diệt cho đến tận ngày nay.
Cùng tấu lên những khúc nhạc vui.
Mỗi cây khèn bè được tạo bởi 14 ống nứa là 14 âm điệu. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Chẳng vậy mà năm 2011, cụ Khà Văn Ư được huyện mời đứng lớp truyền dạy cách làm khèn cho 24 người trong huyện. Nhưng cho đến nay chỉ duy nhất 1 người làm được. Vuốt ve cây khèn đã bóng láng mồ hôi, cụ Khà Văn Ư chia sẻ: Làm khèn cái quan trọng nhất là ống nứa và lưỡi gà. Ông nứa thì phải chọn những cây bằng nhau, không được mỏng quá cũng không được dày quá và phải là cây nứa bánh tẻ, không được làm bằng những cây non hoặc già quá. Còn lưỡi gà thì có thể làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng phải mài thật khéo léo nếu không cây khèn sẽ bị “lệch” âm. Thế nên, với người Thái, người làm khèn là một người thợ tài hoa. Một người mà luôn được bản mường quý trọng. Chính họ đã làm cho cuộc sống nơi núi rừng trở nên vui tươi, sống động. Người làm khèn cũng chính là người thổi khèn hay nhất. Chẳng vậy mà người ta vẫn bảo, tiếng khèn bè chính là cái hồn của người dân bản Thái. Nó trở thành thứ nhạc cụ không thể thiếu trong bất cứ sinh hoạt văn hóa như cưới hỏi, lễ tết hay trong ngày hội đón xuân. Tiếng khèn còn là khúc dạo đầu cho các chàng trai, cô gái Thái đến với nhau. Khi tiếng khèn bè cất lên nó như mở ra cả một thế giới rộng lớn. Thế giới của tình yêu đôi lứa lúc thì da diết sâu lắng, lúc lại ngân nga như tiếng suối reo ghềnh đá, tiếng gió hát qua khắp núi đồi...
Đã một lần được nghe tiếng khèn bè réo rắt khi ánh trăng chiếu rọi khắp núi rừng mới thấy đó là những thứ âm thanh làm mê hoặc lòng người. Giữa đêm khuya thanh vắng, lời khèn cất lên những tiếng trầm, tiếng bổng, bỗng như trái tim yêu trở nên lạ như anh bạn thi sĩ người Thái, Lò Cao Nhum từng thổn thức, mải mê với “Lời khèn” vọng lại từ núi rừng xa: “Tiếng khèn gọi trời xanh/ Gió hiu hiu mà liếp nhà em suốt chiều không hở/ Lời khèn là hoa là quả/ Hoa chỉ cuối mùa, quả chỉ cuối năm/ Tiếng khèn hát cầu van/ Ngày một ngày hai ngóng sang cửa liếp/ Chẳng nguồn mạch đâu, suối còn có khúc/ Lời cạn rồi, khèn treo vào đâu?”. Và chúng tôi cũng vậy, cứ mải miết theo “lời khèn” để thấy như “suối hát tình ca”...
21/2/2015
Mạnh Hùng
Theo http://www.baohoabinh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...