Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Một "Biến tấu" thơ độc đáo

Một "Biến tấu" thơ độc đáo

Từ lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, hậu hiện đại rồi tân cổ điển,… dường như bút pháp thơ nào Mai Văn Phấn cũng đã thể nghiệm. Lục bát, thơ tự do, trường ca, thơ văn xuôi, thơ ba câu,… dường như thể thơ nào ông cũng đã dụng bút. Quá trình sáng tác của Mai Văn Phấn cho thấy một ý thức và nỗ lực sáng tạo đặc biệt dồi dào, bền bỉ. Với ông, giá trị của sáng tạo không phải ở chỗ kế thừa mà ở chỗ tiếp biến và làm mới. Đó là lý do ông xem “vong thân” (một cách nói khác về ý thức làm mới) như bản chất của sáng tạo. Tư tưởng này được thể hiện trong nhiều sáng tác của ông và Biến tấu con quạ là một ví dụ tiêu biểu. Bài thơ này được viết vào năm 2002, in lần đầu trong tập Vách nước (2003), Nxb Hải Phòng.
Thực ra, quạ là một biểu tượng quen thuộc trong đời sống văn hóa, văn học nhân loại. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới [1], “con chim đen” là một biểu tượng đa nghĩa. Một mặt, quạ là tượng trưng cho điềm dữ, là sứ giả cái chết, nỗi bất hạnh. Mặt khác, quạ còn là đại diện cho điều chưa biết tới, cõi Khác, thế giới thần linh. Nó còn được xem là con vật thiêng, kẻ tiên tri, tiên báo; biểu tượng của sự sáng suốt. Ngoài ra, quạ còn là biểu tượng của nỗi cô đơn cao cả, siêu hình, thần bí… Trong thơ, hình ảnh con quạ gắn với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Con quạ của Edgar Allan Poe; Từ ô dạ đề (Lý Bạch), Đêm thu nghe tiếng quạ kêu (Quách Tấn), Nấm mộ (Bích Khê), Tiếng quạ trên sông Chu (Yến Lan)... Với tính chất bí ẩn và ám ảnh của nó, dù có thể chỉ xuất hiện thoáng qua, quạ là hình tượng thơ dễ gợi “tình hoang mang gợi tứ hoang mang” (Quách Tấn)…
Chắc chắn Mai Văn Phấn không xa lạ gì với ý nghĩa tượng trưng của con quạ và mục tiêu của ông sẽ không dừng lại ở những nét nghĩa có tính ổn định của “mẫu gốc”. Điều này thể hiện ngay trên tên của bài thơ - Biến tấu con quạ.  Nghĩa là nhất định sẽ phải khác, dẫu từ “biến tấu” cho thấy một thái độ dụng chữ cân nhắc và khá chừng mực. Vậy con quạ trong thơ Mai Văn Phấn đã được “biến tấu” thế nào? Đâu là nét mới, nét độc đáo của sự “biến tấu” nghệ thuật này?
Với 101 dòng thơ tập trung vào hình tượng con quạ, văn bản Biến tấu con quạ cho thấy “tham vọng” của người viết là nhằm biến quạ, từ một biểu tượng phần nào đã bị “chai nghĩa” do quá quen thuộc, thành một biểu tượng thơ giàu khả năng sinh nở nghĩa/ ý nghĩa. Trong bài thơ, quạ cũng là biểu tượng chứa nhiều ý nghĩa đối lập. Ý nghĩa thứ nhất, khá quen thuộc - nó là sứ giả của cái chết: Tử khí kéo ngọn bấc đến đỉnh trời/ Con quạ rực sáng. Cái chết mà loài ác điểu này đại diện bao trùm phạm vi khá rộng. Đó không chỉ là cái chết về mặt thân xác của một cá thể. Đó còn là sự “băng hoại” của nhiều giá trị đời sống, những thiết chế tín điều tưởng đặc định, bất tử, chi phối lịch sử, xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo… Và đương nhiên, cả văn học nghệ thuật. Đó là cái chết của những giá trị tinh thần: Sau tiếng quạ kêu/ Ra đi không cưỡng lại/ Gói bọc được mở ra/ Sự băng hoại không thể cất giấu… Con quạ là sự hủy diệt không khoan nhượng đối với mọi “xác chết”. Không xác chết nào thoát khỏi móng vuốt tàn bạo của nó:
Bổ nhào từ đỉnh cao
Bằng đôi cánh sắc
Lấy tâm điểm xác chết
Chém toác bầu không
Gió hấp tấp không kịp băng bó
Móc từ hốc mắt
những nhãn quan
Di ảnh là vật chứng
Mổ vào lưỡi
và kéo dài
Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ
Bóc từng mảng thịt
Tháo rời tứ chi
Sổ tung lục phủ ngũ tạng
Nhưng bên cạnh ý nghĩa "khai tử", trong văn bản, sự xuất hiện của quạ còn có ý nghĩa “khai sinh” - mở ra sự sống mới. Đây là chỗ Mai Văn Phấn kế thừa kiểu khai thác chủ đề quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn - nhìn sự vật trong tương quan đối lập mà thống nhất. Ở phần đầu bài thơ, từ “khai sinh” được lặp lại trong ba đoạn liên tục, nhấn mạnh những gì đã xuất hiện “sau tiếng quạ kêu”: Gói bọc được mở ra/ Sự băng hoại không thể cất giấu; Thầy lang đốt sách cuối vườn/ Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng… Sự thật đã phơi bày sau tiếng quạ kêu. Những sự thật tàn bạo, đau đớn, đáng căm phẫn. Bằng hình ảnh siêu thực, Mai Văn Phấn đã khái quát về thực tạị nhân sinh như một trạng thái sống thường trực bị đe dọa: Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn/ Buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu. Hình ảnh con cá nhảy vào mây đầy hư ảo không thể xóa cảm giác bi đát khi trùng trùng trong không gian bao la trời mây ấy vẫn là “ngàn vạn lưỡi câu” vây bủa, rình rập. Không gian càng rộng thì hiểm họa càng lớn. Nhảy vào đám mây, rốt cục, chỉ là một cách trốn chạy cùng quẫn, một cách “tự vẫn”.  
Những hình ảnh phía sau tiếp tục đẩy tới những ám ảnh bi đát. Có điều, sắc thái bi đát và đe dọa ấy còn được nhân lên, một mặt, do tính chất “kinh dị” của hình ảnh mô tả, mặt khác, do tính “liên văn bản” với những sự kiện lịch sử, những huyền tích văn hóa (câu chuyện rắn trả thù, cái chết thảm khốc của Nguyễn Trãi và gia tộc, cái chết dữ dội của Cao Bá Quát, của rất nhiều kẻ sĩ trong lịch sử dân tộc và nhân loại…) - câu chuyện về bút, mực và số phận con người, rộng hơn, là câu chuyện của đời sống, của quá khứ nối liền hiện tại và không hề loại trừ tương lai:
Khai sinh
Mực đổ dưới chân và máu
vón cục ở yết hầu, phế quản
Viết một nét lên trang đầu
Thấm suốt cả ngàn trang sách
Từ góc nhìn này, mực không còn là mực, mực là máu. Không chỉ của một thân thể cá nhân, nó còn là dòng huyết mạch văn hóa của lịch sử đất nước, dân tộc, nhân loại. Bao oan khuất, bi thương đã được diễn tả qua hình ảnh sóng đôi mực/ máu. Như một tiếng thét vô thanh, uất hận, dữ dội: Viết một nét lên trang đầu/ Thấm suốt cả ngàn trang sách. 
Ở nghĩa thứ hai, biểu tượng con quạ đặt ra vấn đề nhận thức về bi kịch của kẻ sĩ, nỗi đau oan khuất, đồng thời, cả sức mạnh và sứ mệnh của kẻ sĩ - trí thức, thông qua biểu tượng mực/ máu. (Máu cũng là biểu tượng rồi đây sẽ trở thành rất mãnh liệt, tập trung và kinh dị trong trường ca Thời tái chế, tác phẩm mới nhất của Mai Văn Phấn, xuất bản 2019). Nó đem lại cơ hội để nhận ra chân dung của sự thật, từng bị che giấu, chôn vùi. Sự xuất hiện và hủy diệt của quạ, trong trường hợp này, có thể hình dung như một cơn đại hồng thủy, một dịch bệnh toàn cầu, hủy diệt để sắp đặt lại một trật tự thế giới mới. Không gì có thể cản trở được sức mạnh hủy diệt tàn bạo mà hữu lý đó:
Con quạ bay vào phòng
Một ngón tay yếu ớt giơ lên
Ý nói:
Đây là họng súng
Là lưỡi mác
Thậm chí cuốc thuổng
Thậm chí chính ngón tay rất cứng
Đúng hơn là đông cứng
Rồi băng đá
Rồi rữa tan.
Một "biến tấu" đáng kể nữa trong Biến tấu con quạ là tính chất cảm tính, sống động của hình tượng. Con quạ của Mai Văn Phấn hiện ra không phải như một biểu trưng bị ép khô với những ý nghĩa mặc định. Nó hiện ra với vô số phẩm tính cụ thể, sinh động của loài chim ăn thịt xác chết. Điều này thể hiện qua các hoạt động cơ thể con chim như cổ họng (kêu), cánh (bổ nhào, bay, xõa), chân, móng (móc, bóc, sổ tung), mỏ (mổ, kéo dài, khoét)… Và cả những hành động phức tạp hơn, không chỉ của động vật, ví dụ, thảng thốt kêu, mơ. (Lưu ý là chi tiết “con quạ mơ” được nhắc tới hai lần và đều là những giấc mơ đa nghĩa: Con quạ mơ/ Mọi cái chết đều được sắp đặt; con quạ mơ mỗi mẩu thức ăn đang nén chặt trong diều đều biến thành qua trứng).
Quạ được tác giả tập trung khắc họa trong một bối cảnh vừa có tính tượng trưng, vừa có tính cụ thể, xác thực. Mở đầu bài thơ là khung cảnh quạ xuất hiện. Vì nhân vật chính là loài ác điểu, nên phông nền tương ứng đằng sau sẽ là “tử khí kéo ngọn bấc đến đỉnh trời”. Trên nền ngùn ngụt tăm tối tử khí đó, chân dung nhân vật chính trở nên hoàn toàn nổi bật: CON QUẠ RỰC SÁNG. Toàn bộ ánh sáng tập trung vào con quạ. Quạ là tâm điểm của sân khấu thế giới. Từ đây, cùng với sự “ập tới” tàn bạo của quạ, song song diễn ra hai diễn trình trái ngược, thế giới đồng thời vừa bị phá hủy, vừa được “khai sinh”. Tất cả được mô tả trong một quá trình diễn tiến tất yếu, không thể đảo ngược, bao trùm bởi những linh cảm sợ hãi chết chóc: Bóng mình/ không cất tiếng/ Sợ biến thành gà con. Trong nhập nhoạng tranh tối tranh sáng, những giá trị thực ảo, giả thật lẫn lộn, người cũng có khi “khoác áo đen, mặt nạ đen, đập cánh tay vào hai bên sườn”, “bay là là mặt đất”. Và con quạ, trong giấc mơ hung hiểm của nó, cũng mơ mỗi mẩu thức ăn biến thành quạ. Cái ác nhân lên, cái chết và nỗi kinh hoàng bội trương trong bóng tối tử khí. Nhưng nhân loại vẫn tìm cách để có thể chiến đấu với loài ác điểu. Việc bị đẩy đứng trước bờ vực cái chết thảm khốc, trong bụng quạ dữ, thực chất cũng là đối diện với nguy cơ bị xóa sổ bởi cái Ác, chết chóc và sự tăm tối, con người buộc phải học nhiều bài học mới. Và buộc phải chấp nhận sự trả giá, ngay cả những giá cao nhất, kinh hoàng và đau đớn nhất: “Đây là dòng cuối cùng trong một bản di chúc: “Bắt đầu lễ Thiên táng lúc xuất hiện bóng quạ”. Đó dường như là cánh cửa nhân loại buộc phải đi qua trên hành trình tái thiết lịch sử đầy nước mắt, hận thù và máu, để lại có thể trỗi dậy: Sau những loạt đạn không sát thương, khói hương căng thành bảng, viết con chữ đầu tiên của bài học mới. Nhìn từ một góc độ nhất định, hình tượng Biến tấu con quạ mang dáng dấp của Kẻ Phá Hủy Vĩ Đại. Nó phá hủy trật tự cũ để kiến tạo trật tự mới, vốn là điều cần thiết trong đời sống xã hội cũng như nhận thức cá nhân, nhưng luôn gây đau đớn, luôn đòi hỏi nhiều sức mạnh và sự can đảm. Đây cũng là một kiểu hình tượng ưa thích của chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng tác giả không đề nghị với chúng ta một kết thúc lạc quan dễ dãi. Một phần có lẽ bởi vì ông tôn trọng tính diễn trình như một “đặc thù” của Biến tấu con quạ. Nó vẫn là cái đang là, đang diễn ra. Bởi vậy, ở phần kết thúc, “bóng đêm chui dần vào bụng quạ”, nhưng “chúng ta” vẫn chưa thể rời bỏ bóng tối. Bởi bóng tối vẫn ở trong “chúng ta”. Và con người vẫn nằm trong sự tăm tối, trong sự mù lòa tự thân: “Bật que diêm rồi, vẫn nhớ ngọn bấc còn rất xa. Vung tay lên, nói to một mình trong bóng tối”. Mặt khác, ý thức thế sự cùng tác động mạnh mẽ của nhiều sự kiện thời sự diễn ra vào thời điểm ông viết Biến tấu con quạ (đúng hơn, là một trong những yếu tố thúc đẩy ông cầm bút), đã tạo nên sự điều chỉnh cần thiết, giúp ông vượt qua cái bẫy ý tưởng quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn. 
Trên trục chủ đề “biến tấu con quạ”, với hình tượng trung tâm, xuyên suốt là loài chim đen, mạch thơ phăng mạnh với nhiều tầng liên tưởng dày rậm, bất ngờ song vẫn giữ được nét mạch lạc. Tác giả thường chú ý đến tính hoạt cảnh trong liên tưởng hơn là những chi tiết liên tưởng riêng lẻ, đứt gãy. Nên dù khá dài, Biến tấu con quạ không gây cảm giác nặng nề. Thậm chí, nếu đọc riêng từng đoạn nhỏ (được ngăn cách bởi dấu hoa thị), ta vẫn thấy rõ sự kết nối của nó với chủ đề trung tâm, nhưng đồng thời, nó vẫn mang tính độc lập tương đối, với những tìm tòi chi tiết, hình ảnh riêng, gây ấn tượng lạ lẫm. Chẳng hạn đoạn thơ văn xuôi đầy hình ảnh siêu thực này:
Những đau khổ tột cùng ngoái nhìn đời sống tưởng chừng đã chết. Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ. Không ai mở cổng. Nhiều người vẫn tìm được lối đi vào.
Đấy là một bức tranh đời sống nghịch dị. Ở đó, mọi trật tự bị đảo lộn. Ở đó, bóng tối, cái ác, sự tàn bạo chiếm hữu. Thế giới bị xô lệch, đảo ngược, với những hình hài ma quái méo mó, vật vờ, gợi nhớ đến thế giới đồ vật kỳ dị trong tranh Salvador Dali. Và cảm giác thống khổ cuồng nộ kìm nén chực vỡ tung gợi nhớ bức Tiếng thét của Edvard Munch. Điều đáng nói là thế giới kỳ dị ấy lại cũng rất gần với thế giới mà chúng ta đang sống.  
Biến tấu con quạ cho thấy nội lực của Mai Văn Phấn trong việc bao quát và chuyển tải các vấn đề “nóng”, phức tạp của đời sống thế sự thành ngôn ngữ hình tượng. Dĩ nhiên, bài thơ không chỉ thành công trên phương diện đề tài. Tác phẩm này, như chính tên gọi của nó, cho phép ta hình dung sáng tạo như là quá trình nhà thơ "tái chế", "biến tấu" những vật liệu sẵn có (chẳng hạn biểu tượng, nghĩa, thủ pháp...) để cho ra sản phẩm mới. Từ góc độ đó, có thể hiểu Biến tấu con quạ là một cách đặt vấn đề giàu tính hình tượng về sự kế thừa và đổi mới trong sáng tạo, về vai trò và đóng góp của cá nhân nghệ sỹ trong lịch sử thi ca, về tính liên văn bản của tác phẩm nghệ thuật v.v... Chọn con quạ - một biểu tượng thơ nổi tiếng, quen thuộc - để thực hành "biến tấu", để làm mới lại biểu tượng, đó là một thử thách khó khăn, nhưng dường như chính độ khó của nó càng gây hứng thú với tác giả. Biến tấu con quạ mang tầm vóc của một trường ca (hiểu theo nghĩa tác phẩm có khả năng chuyển tải những vấn đề lịch sử - thời đại lớn, chứ không chỉ dừng lại ở độ dài của số lượng câu chữ) và không bị đóng kín trong một “kết thúc đẹp, trọn vẹn” (là cái Mai Văn Phấn vẫn mắc phải ngay trong các tác phẩm viết về đề tài thế sự như trường ca Người cùng thời trước đó hoặc Thời tái chế sau này). Nó tạo nên độ sâu cũng như tính mở của biểu tượng. Một thành công rất đáng kể của tác phẩm, xét về phương diện nghĩa/ ý nghĩa lẫn kỹ thuật viết. Đấy là “biến tấu” mang chiều sâu triết học và thật sự đầy chất thơ.               
Chú thích:
[1] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, tr. 750-751.
Mai Văn Phấn
BIẾN TẤU CON QUẠ
Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời
Con quạ rực sáng.
Khai sinh
Sau tiếng quạ kêu
Ra đi không cưỡng lại
Gói bọc được mở ra
Sự băng hoại không thể cất giấu
Thày lang đốt sách cuối vườn
Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng
Những phù thủy chịu hình phạt
Miệng bị đóng bởi những móc sắt
Khai sinh
Khi quả chuông rơi xuống bất ngờ
Chụp lên đầu người bõ già
Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn
Buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu
Khai sinh
Mực đổ dưới chân và máu
vón cục ở yết hầu, phế quản
Viết một nét lên trang đầu
thấm suốt cả ngàn trang sách.
Bổ nhào từ đỉnh cao
Bằng đôi cánh sắc
Lấy tâm điểm xác chết
Chém toác bầu không
Gió hấp tấp không kịp băng bó.
Móc từ hốc mắt
những nhãn quan
Di ảnh là vật chứng
Mổ vào lưỡi
và kéo dài
Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ
Bóc từng mảng thịt
Tháo rời tứ chi
Sổ tung lục phủ ngũ tạng
Hộp sọ vừa được dựng lên
Rêu đã phủ đầy
Không viết nổi những dòng bi ký.
Con quạ mơ
Mọi cái chết đều được sắp đặt
Sau tiếng quạ kêu
Ai đã tự nguyện nằm xuống.
Con quạ bay vào phòng
Một ngón tay giơ lên yếu ớt
Ý nói:
Đây là họng súng
Là lưỡi mác
Thậm chí cuốc thuổng
Thậm chí chính ngón tay rất cứng
Đúng hơn là đông cứng
Rồi băng đá
Rồi rữa tan.
Đừng đến gần bóng râm
Chúng là con quạ
Xõa cánh lúc hoàng hôn, rạng đông
Nanh vuốt bám gió
Xay nghiền lá khô
Bẻ những cành vượt
Nhà thơ trú trong bóng râm
Từng con chữ bị khoét mất mắt.
Trông
Sự vật
Trừng trừng
Bởi chớp mắt
Bóng quạ
Ập tới.
Bóng mình
Không cất tiếng
Sợ biến thành gà con.
Một số người trỗi dậy từ đám đông, khoác áo đen, mang mặt nạ đen. Vừa chạy, họ vừa đập cánh tay vào hai bên sườn. Đầu cố ngước lên. Bóng đen bay là là mặt đất.
Đậu trên chạc cây trong trạng thái bội thực và ngủ gật, con quạ mơ mỗi mẩu thức ăn đang nén chặt trong diều biến thành quả trứng. Đàn quạ con lũ lượt chui khỏi ngũ quan, lập tức sà xuống săn mồi theo bản năng của loài ăn thịt.
Những đau khổ tột cùng ngoái nhìn đời sống tưởng chừng đã chết. Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ. Không ai mở cổng. Nhiều người vẫn tìm được lối đi vào.
Những linh hồn thoát xác tìm cách quay về chiến đấu với loài quạ dữ. Sau những loạt đạn không gây sát thương, khói hương căng thành bảng, viết con chữ đầu tiên của bài học mới.
Đây là dòng cuối cùng trong một bản di chúc:
“Bắt đầu lễ Thiên táng lúc xuất hiện bóng quạ”.
Bóng đêm chui dần vào bụng quạ.
Cả chúng ta nữa, đang cồn cào cùng dòng sông đói khát. Những giọt nước đục tìm cách lọt qua khe vải. Mặt nước khổng lồ ghìm nén xao động, mong giữ lại bóng người. Bật que diêm rồi, vẫn nhớ ngọn bấc còn rất xa. Vung tay lên, nói to một mình trong bóng tối.
Con quạ khật khừ xuyên đêm
Thảng thốt kêu
Lần đầu tiên tiếng động ra đi không vọng lại.
(Rút từ tập thơ “Vách nước”, NXB Hải Phòng, 2003)
1/5/2020
Lê Hồ Quang
Nguồn: Blog Lê Hồ Quang
Theo http://maivanphan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...