Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Việt ngữ nghiên cứu 2

Việt ngữ nghiên cứu 2
Trên, dưới, trong, ngoài, lên, xuống, vào, ra
Những chữ dùng làm đầu đề trên đây, ngó như là bình thường lắm, không có gì là khó khăn cả, nhưng thực ra, nghĩa nó cũng khá rắc rối lôi thôi, có khi làm cho ta dùng lầm mà không tự biết.
Bốn chữ trên, không cứ nó thuộc về từ loại nào, nghĩa nó thế này: từ chỗ thấp chỉ chỗ cao là trên, từ chỗ cao chỉ chỗ thấp là dưới, từ chỗ quang chỉ chỗ kín là trong, từ chỗ kín chỉ chỗ quang là ngoài.
Bốn chữ dưới, thường thường nó là động từ, nghĩa nó thế này: từ chỗ thấp đến chỗ cao là lên, từ chỗ cao đến chỗ thấp là xuống, từ chỗ quang đến chỗ kín là vào, từ chỗ kín đến chỗ quang là ra. Lệ như: lên đồi, xuống ao, vào nhà, ra sân.
Người ta cũng nói đi từ đông đến tây là lên, đi từ tây đến đông là xuống, đi từ bắc đến nam là vào, đi từ nam đến bắc là ra. Là vì ở nước ta, suốt cả nước, phía tây đều là cao nguyên hay núi, cao hơn phía đông; phía đông đều là bờ biển, thấp kém phía tây; phía bắc mở mang trước, coi như quang; phía nam mở mang sau, coi như kín. Cho nên khi nói lên tây, xuống đông, vào nam, ra bắc, cũng tức là cái nghĩa: từ chỗ thấp đến chỗ cao, từ chỗ cao đến chỗ thấp, từ chỗ quang đến chỗ kín, từ chỗ kín đến chỗ quang.
Nhưng gần nay, người ta cũng có nói từ Sài Gòn lên Hà Nội, từ Hà Nội xuống Sài Gòn, đó là nói theo lối tiếng Pháp: tiếng Pháp nói lên phía bắc, xuống phía nam, vì họ theo hình quả đất phía bắc ở trên, khi vẽ địa đồ cũng vẽ phía bắc ở trên.
Không những người Pháp mà người Tàu cũng vậy, họ cũng nói xuống phía nam, lên phía bắc, tức như nam hạ, bắc thướng, hay là hạ Giang Nam, thướng Bắc Kinh. Đó là vì người Tàu đã quen phân biệt địa thế nước mình như nhiều sách xưa có nói: phía bắc đất cao, nhiều rừng núi, phía nam đất thấp, nhiều hồ chằm.
Như thế, đi từ nam đến bắc và đi từ bắc đến nam, theo người Pháp là lên phía trên, xuống phía dưới; theo người Tàu là lên chỗ cao, xuống chỗ thấp; mà theo ta là ra chỗ quang, vào chỗ kín: ta dùng động từ khác nhau với họ vì cái quan niệm về nam bắc ở đất nước ta khác với họ.
Khi dùng chính cái động từ vào, ra, ta cũng có dùng trái với người Pháp và người Tàu. Người Pháp nói về diễn kịch: vào, tức là ở hậu trường đi đến sân khấu; ra, tức là ở sân khấu đi đến hậu trường. Còn ta, ở hậu trường đến sân khấu lại nói ra; ở sân khấu đến hậu trường lại nói vào. Không phải bây giờ diễn kịch mới nói như vậy, mà là thói quen từ xưa, hát tuồng hát chèo cũng nói vào buồng, ra rạp. Người Tàu nói "nhập thế", vào đời, tức là chung đụng với người đời và gánh vác việc đời, xuất thế, ra đời, tức là ra ngoài đời, không dính dấp với cuộc đời, như những người ở ẩn. (Bởi vậy họ mới gọi Khổng giáo là nhập thế chi giáo, Phật giáo là xuất thế chi giáo). Còn tiếng ta từ đây về trước, không nói vào đời mà chỉ nói ra đời, nhưng ra đời lại có nghĩa trái với xuất thế: ra đời là chung đụng với người đời và gánh vác việc đời.
Chỗ trái nhau đó cũng lại vì cái quan niệm không giống nhau. Người Pháp người Tàu xem trọng ở mục đích điểm là chỗ hoạt động, cho nên nói vào sân khấu, vào đời; còn ta xem trọng ở xuất phát điểm, từ chỗ lập trường của mình mà kể đi, cho nên nói ra sân khấu, ra đời. Nói như thế cũng lại không lìa cái nghĩa từ chỗ kín đến chỗ quang: hậu trường là kín, sân khấu là quang; nhà là kín, đời là quang. Ra đời, còn có nghĩa nói về đứa bé mới sinh nữa: ở trong bụng mẹ là kín, lọt khỏi bụng mẹ là quang.
Kể ra thì ta dùng bốn chữ ra, vào, lên, xuống, đều là xuất phát điểm làm căn cứ. Như ở Huế thì nói ra Hà Nội, ở Hà Nội thì nói vào Huế, ở Hải Dương thì nói lên Hà Nội, ở Hà Nội thì nói xuống Hải Dương. Trừ ra: Pháp ở phía tây mà không nói đi lên Pháp, nói đi sang Pháp; Trung Hoa ở phía bắc mà không nói đi ra Trung Hoa, nói đi sang Trung Hoa, là vì khi đó có vượt biển hay vượt qua biên giới. Cho đến vượt qua con sông hay cái hàng rào cũng nói như thế: ở Hà Nội sang Bắc Ninh, ở nhà ông Kèo sang nhà ông Cột.
Lấy xuất phát điểm làm căn cứ thì cũng có cái hay, như nói ra Hà Nội thì biết đi từ phía nam Hà Nội, xuống Hải Dương thì biết đi từ phía tây Hải Dương. Nhưng cũng có cái không hay: mỗi khi nói như thế, thấy ra cái ý người nói cứ bám khư khư lấy cái chỗ mình ở, cứ một mực chủ quan, làm cho khẩu khí có vẻ tủn mủn và văn chương đôi khi có vẻ câu thúc không phóng khoáng. Không phải người ta không nói đi Hà Nội, đi Hải Dương, nhưng lấy xuất phát điểm làm căn cứ là cách nói rất thông thường.
Nhẫn lên cắt nghĩa tám chữ ấy theo như ước lệ xưa nay của tiếng Việt, và giải tỏa một vài điểm tiếng ta sử dụng khác với tiếng ngoại quốc. Đây nhẫn xuống nghiên cứu đến những trường hợp có thể dùng lầm những chữ ấy hay đã dùng lầm nhiều lần rồi.
Khi ta nói trên trời, dưới đất, trong gia đình, ngoài xã hội, có nghĩa là: trên thì trời, dưới thì đất, trong thì gia đình, ngoài thì xã hội; mà cũng có nghĩa là: bên trên của trời, bên dưới của đất, bên trong của gia đình, bên ngoài của xã hội, nhưng cái nghĩa thứ hai này không được rõ lắm, nó chỉ chờ thêm mỗi từ ngữ một động từ hiệp với nó, tức khắc cái nghĩa ấy rõ mồn một.
Vậy ta thử đặt trước trên, dưới, trong, ngoài mỗi chữ một động từ xem sao, ấy là: lên trên, xuống dưới, vào trong, ra ngoài. Nếu chỉ có thế mà thôi thì trên, dưới, trong, ngoài coi như danh từ làm bổ túc từ cho lên, xuống, vào, ra, cũng như nói lên chỗ cao, xuống chỗ thấp, vào chỗ kín, ra chỗ quang, chứ không có gì lạ. Một ví dụ đủ chứng tỏ nghĩa ấy. Truyện Kiều có câu "Thoạt đưa đến trước, vội mời lên trên", "lên trên" đây tức là lên bàn trên, lên hàng ghế trên, chữ trên là danh tự làm bổ túc từ cho động từ lên.
Rồi ta lại thử đặt đứng trước trên trời, dưới đất, trong gia đình, ngoài xã hội mỗi từ ngữ một động từ, ấy là: lên trên trời, xuống dưới đất, vào trong gia đình, ra ngoài xã hội, thì nó đã rõ mồn một ra nghĩa khác, không còn giống với nghĩa mới vừa nói.
Ở trường hợp này, những chữ trên, dưới, trong, ngoài phải kể là giới từ làm dính động từ với danh từ để chỉ cái sức đi đến của động từ ấy, và tỏ nghĩa là: lên không những đến trời mà đến bên trên trời, xuống không những đến đất mà đến bên dưới đất, và không những đến gia đình mà đến bên trong gia đình, ra không những đến xã hội mà đến bên ngoài xã hội. Một ví dụ nữa cũng trong Truyện Kiều đủ chứng tỏ nghĩa ấy: "Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa", là: vào tận trong phong nhã, vượt ra ngoài hào hoa.
(Câu Truyện Kiều này có thể có ba nghĩa, mà nghĩa trên, tôi cho là thông hơn cả. Nghĩa thứ nhất: vào trong nhà thì phong nhã, ra ngoài với xã hội thì hào hoa. Nhưng như thế thì phải nói ở trong, sao lại nói vào trong? Nhà của mình ở, còn vào gì nữa? Vả lại, như thế thì ra ngoài không phong nhã hay sao? Thật là không ổn. Nghĩa thứ hai khá hơn: Đây là cách đặt câu "hỗ văn kiến nghĩa" (sẽ giải sau đây), vào trong ra ngoài đều phong nhã hào hoa cả. Nhưng cũng còn đáng ngại: Trong là đâu? Sao lại phải vào? Nghĩa thứ ba như trên, tỏ ra rằng Kim Trọng phong nhã cực kỳ mà không thèm theo thói hào hoa là thói công tử. Có thể bẻ rằng Kim Trọng đi ra cỡi ngựa mặc áo đẹp, có vài hề đồng đi theo, chẳng hào hoa là gì? Nhưng có thể cãi rằng đó chỉ là mực tường của nhà nho "phú hậu", không gọi là hào hoa được, phải là như Thúc Sinh: "Trăm ngàn đổ một trận cười như không" mới thật là hào hoa. Tóm lại tám chữ này Nguyễn Du muốn tả Kim Trọng là một nhà nho đứng đắn).
Đã rõ các lẽ như vậy rồi, đây ta có thể lập một cái quy tắc cho khi sử dụng những chữ ấy. Khi lên, xuống, vào, ra chỉ muốn đến một mục đích điểm thì đặt ngay bổ túc từ dưới động từ mà nói lên trời, xuống đất, vào gia đình, ra xã hội, không nên có giới từ; còn khi muốn vượt quá mục đích điểm thì mới phải nói lên trên trời, xuống dưới đất, vào trong gia đình, ra ngoài xã hội, nghĩa là mới phải dùng giới từ trên, dưới, trong, ngoài để chỉ cái sức đi đến của động từ.
Thế mà có nhiều khi ta hay dùng lầm lắm. Đáng nói vào Huế mà lại nói vào trong Huế, làm cho có thể hiểu rằng vào đến Quảng Nam, Bình Định; đáng nói xuống Hải Dương mà lại nói xuống dưới Hải Dương, làm cho có thể hiểu rằng xuống đến Hải Phòng hay đến biển.
Cũng vì lẽ ấy ta nên nói đứa bé ngồi trên đất cũng như nó ngồi trên ghế, không nên nói đứa bé ngồi dưới đất; nên nói là quả na rụng xuống đất không nên nói quả na rụng xuống dưới đất. Vì dưới đất thì thành ra ở bên dưới đất, ở bên dưới đất thì đứa bé không thể ngồi, quả na không thể rụng xuống đến đó được, và nếu được thì ta cũng có thể thấy đâu mà nói.
Có khi ý ta muốn nói ra xã hội hay là ra giữa xã hội mà lại nói ra ngoài xã hội. Ra ngoài xã hội thì là không còn ở trong xã hội nữa, đồng nghĩa với cái danh từ "xuất thế", không còn chung đụng với người đời, không còn gánh vác việc đời, một là vào núi ở ẩn, hai là chết đi với như thế mà thôi. Sai một chữ mà phản hẳn lại với cái ý mình muốn nói.
Hiện nay, thấy trong nhiều bài trên báo có nói ra ngoài mặt trận hùng dũng oanh liệt thế nọ thế kia, cũng lại phản ý nữa. Ra ngoài mặt trận tức là không ở trong mặt trận, có thể là ở hậu phương. Ở hậu phương thì như cái người ngồi dưới chân núi mà viết cái bài khô khan này. Làm thế nào hùng dũng oanh liệt được? Vậy theo ngữ pháp, phải nói ra mặt trận hay là ra giữa mặt trận, không được nói ra ngoài mặt trận.
Tuy vậy, chỉ có khi nói lên trên, xuống dưới, ra ngoài mà có thêm bổ túc từ thì mới hay có cái lầm ấy; còn khi nói vào trong, có bổ túc từ - trừ ra nói về địa dư như nói vào trong Huế không kể - thì lại làm chắc thêm nghĩa chứ không lầm. Ví dụ: Vào nhà với vào trong nhà; rót rượu vào bình với vào trong bình; đổ mực vào lọ với vào trong lọ thì cách thì cách nói sau cũng không khác nghĩa với cách nói trước. Thế là vì lẽ gì? Là vì trên, dưới, ngoài đều tiếp giáp với không gian vô hạn, thêm lên, xuống ra thì nó phải quá trớn mà trật đi đường khác; còn trong thì như nhà bị vách ngăn lại, bình, lọ bị cái thành, cái đáy ngăn lại, cách với không gian, cho nên nói vào trong chỉ làm chắc thêm nghĩa vào càng sâu mà thôi, chứ không thể trật đi đường nào được.
Chưa hết đâu. Những chữ lên, xuống, vào, ra còn nhiều rắc rối lôi thôi khác nữa.
Lên đồi, xuống ao, vào nhà, ra sân thì đồi, ao, nhà; sân là mục đích điểm như trên đã nói. Nhưng khi nói lên ngựa xuống ngựa, vào tù ra tù thì lên và vào vẫn một nghĩa ấy mà xuống và ra lại khác. Xuống ngựa là ở ngựa xuống, ra tù là ở tù ra, ngựa và tù lại là xuất phát điểm. Đến như nói vào cửa biển, ra cửa biển, lên thang gác, xuống thang gác, thì cả vào ra lên xuống đều có nghĩa khác: ở đây nó chỉ là đi trải qua từ ngoài đến trong, từ trong đến ngoài, từ thấp lên cao, từ cao đến thấp mà thôi. Vì vào cừa biển còn đến sông, ra cửa biển còn đến biển, lên thang gác còn đến gác, xuống thang gác còn đến đất; cửa biển, thang gác không phải xuất phát điểm đã đành mà cũng không phải mục đích điểm nữa, nó chỉ là kinh quá điểm.
Ở những trường hợp ấy, muốn cho nghĩa thật rõ, khỏi hiểu lầm, có khi cần phải nói: ở ngựa xuống hay là xuống khỏi ngựa, ở tù ra hay là ra khỏi tù, do cửa biển vào hay ra, do thang gác lên hay xuống.
Truyện Kiều có nói "vào sinh ra tử", vào ra đây lại còn khác với mấy nghĩa trên kia. Theo phép đăt câu, đặt cách này gọi là "hỗ văn kiến nghĩa". Nghĩa là tréo trả những chữ với nhau để mà thấy cái nghĩa của nó. Thế thì vào sinh ra tử không phải là vào chỗ sinh ra chỗ tử hay ra khỏi chỗ tử mà là vào ra cái chỗ có thể sinh có thể tử (may thì sống, rủi thì chết), muốn nói vào ra cái chỗ cực kỳ nguy hiểm.
Đến như hai cái thành ngữ "lên xe xuống ngựa", "lên võng xuống dù" thì nghĩa nó lại oái oăm lắm. Lên xe đáng lẽ xuống xe, sao lại xuống ngựa? Lên võng đáng lẽ xuống võng, sao lại xuống dù? Vả lại dù không phải "cái chỗ" có thể xuống đó hay là ở đó xuống được. Đây là một cách đặt câu khác nữa: lên xe xuống ngựa nghĩa là lên xe, xuống xe rồi cỡi ngựa; lên võng xuống dù nghĩa là lên võng, xuống võng rồi che dù, có ý nói là người sang không hề đi đất, mà có đi đất nữa cũng không hề giang nắng. Cách đặt câu như thế gọi là "tỉnh văn", nghĩa là gọn bớt chữ đi cho khỏi lòng thòng.
Một điều rất đáng chú ý là có khi lên và xuống dùng cho cùng một động tác, có thể coi là đồng nghĩa, là khi nói lên thuyền xuống thuyền. Lên thuyền là ở đất bước lên thuyền, xuống thuyền là ở trên bờ bước xuống thuyền, hai cách nói đều chỉ nghĩa là đi đến thuyền cả. Cũng đáng chú ý nữa là: xuống xe là ở xe xuống, xuống ngựa là ở ngựa xuống, mà xuống thuyền không thể có nghĩa ở thuyền xuống, muốn tỏ cái nghĩa này người ta không nói thế mà chỉ nói ở thuyền lên, tức là lên bờ.
Điều này thật là điều quá rắc rồi lôi thôi trong ngôn ngữ văn tự của ta. Ước gì cải cách nó đi, bắt nó theo một loạt như lên xe xuống xe, lên ngựa xuống ngựa: nói lên thuyền tức là ở đất bước lên thuyền, nói xuống thuyền tức là ở thuyền bước xuống đất. Nhưng, ngặt một nỗi đất là bờ, phần nhiều cao hơn thuyền, nếu nói xuống thuyền để chỉ nghĩa ở thuyền bước xuống đất thì có lắm khi trái với luận lý. Có lẽ vì e dè đến luận lý mà tiếng nói của ta từ xưa đến nay phải dung nhận cái điều quá rắc rối lôi thôi ấy chăng.
Bài này chỉ nghiên cứu những cách dùng bất nhất về những chữ lên, xuống, vào, ra theo nghĩa đen. Còn nghĩa bóng như lên voi xuống chó, vào thầy ra tớ, lên nước, xuống màu, vào khuôn, ra dáng v.v... không nói đến.
Kiểm thảo về đại danh từ
Tôi thường lấy làm lạ sao trong tiếng nói hiện hành của ta không có một thứ đại danh từ trung lập, nghĩa là không trọng, không khinh, ai nấy dùng mà xưng mình, xưng người đều được cả, như đại danh từ của tiếng Pháp: je, tu, il, nous, vous, ils; của tiếng Trung Hoa: ngã, nễ, tha, ngã môn, nễ môn, tha môn, bất kỳ hạng người nào cũng dùng một cách phổ thông, không phân biệt đằng nào là khinh, đằng nào là trọng.
Tôi muốn đi tìm đến tiếng nói của người Việt Nam nguyên thủy xem sao. Xưa hơn hết là tục ngữ ca dao, hoặc giả có giấu trong đó ít nhiều đại danh từ tối cổ. Thì đã tìm thấy những câu:
Đông có mầy, tây có tao.
Mầy bằng tao, ao bằng giếng.
Cha nó lú có chú nó khôn.
Một đời ta, ba đời hắn.
Đố bay con rết mấy chân,
Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người.
Không biết còn có nữa chăng, tôi tìm được trong trí nhớ chỉ có bấy nhiêu.
Dầu sao tôi cũng mạnh bạo đặt ra một cái giả thuyết: Tiếng Việt Nam đời xưa, vào đời Hồng Bàng (?) chẳng hạn, vốn có đại danh từ trung lập: Số một tự xưng là tao, đối xưng là mầy, tha xưng là nó hay hắn; số nhiều: tự xưng là ta, đối xưng là bay, tha xưng tất nhiên là chúng nó.
Tôi giả định lúc bấy giờ Mỵ Nương đối diện với vua cha gọi bằng mầy, xưng minh bằng tao, gọi Lạc Hầu chồng mình bằng nó; còn bọn dân cày Lạc điền chẳng những sau lưng các quan lang gọi họ bằng chúng nó, mà ngay trước mặt cũng gọi bằng bay, xưng mình bằng ta. Ấy vậy mà mọi người đều coi là tự nhiên, không có ý gì là hỗn xược cả, vì nó là đại danh từ trung lập và phổ thông.
Nếu quả thật như thế và nếu giữ mãi được như thế cho đến bây giờ thì tiện lợi biết bao. Ngặt một điều là chúng ta chàng ngày càng văn minh ra, ăn nói càng lịch sự ra, làm cho trong tiếng nói ngày nay gọi là đại danh từ không hẳn là đại danh từ nữa, mà chỉ là một mớ xưng hô táp nham lộn xộn.
Cái giả thuyết trên đây không phải là không có một ít chứng cứ.
Trong kinh thánh người Hê-bơ-rơ viết ra bốn năm ngàn năm về trước, gọi Giê-hô-va (Đức Chúa Trời) bằng một chữ Hê-bơ-rơ đúng nghĩa là mầy. Kinh thánh bằng tiếng Pháp dịch là tu, bằng tiếng Trung Hoa dịch là nhữ, đều nghĩa là mầy cả. Riêng Kinh thánh bằng tiếng Việt Nam của Công giáo hay của Tin Lành cũng vậy, không dám dịch là mầy mà dịch là Ngài hay Chúa! Người Hê-bơ-rơ tôn kính ai cho bằng tôn kính Giê-hô-va, thế mà gọi bằng mầy, đủ biết chữ mầy ở đời xưa không có ý gì là khinh miệt cả.
Bên Trung Hoa hơn bốn ngàn năm trước, vào đời Nghiêu, Thuấn cũng thế. Trong Kinh thư, còn chép lại, bấy giờ tôi gọi vua bằng nhữ (mầy), xưng mình bằng trẫm (ta), vua đối bầy tôi cũng thế, không hề có phân biệt cách xưng hô giữa bề trên đối với bề dưới và bề dưới đối với bề trên.
Dựa vào hai cái chứng cứ chắc chắn ấy, tôi có thể giữ vững cái giả định trên kia được lắm. Vì Giê-hô-va, Nghiêu Thuấn, gọi bằng mầy được, thì Lạc Long Quân hay Hùng Vương, Lạc Hầu hay các quan lang, sao lại không gọi bằng mầy bằng nó bằng bây được?
Hoan hô đại danh từ của đời Hồng Bàng (?)! Đại danh từ của đời Hồng Bàng muôn năm! Nhưng than ôi, nó có được muôn năm đâu!
Tiếng nói của loài người cứ dần dần thay đổi, của dân tộc nào cũng thế. Tiếng Pháp, tôi không biết rõ lắm, chỉ thấy đại khái có phân biệt khinh trọng giữa chữ tu và chữ vous. Nhưng tiếng Trung Hoa, nói đúng là chữ Hán, thì cái sự thay đổi rõ ràng lắm.
Ở đời Nghiêu Thuấn, vua tôi gọi nhau bằng mầy như vậy, mà đến đời Khổng Tử đã khác rồi. Khổng Tử gọi học trò mình bằng nhĩ (bây), nhữ (mầy) mà học trò gọi Khổng Tử thì phải bằng phu tử, hay tử, nghĩa là thầy. Đến Tần Thủy Hoàng choán chữ trẫm làm của riêng, chỉ thiên tử mới được dùng nó tự xưng. Từ đó về sau, vua gọi bầy tôi bằng nhĩ, nhữ là thường, còn bầy tôi gọi vua phải bằng bệ hạ, bằng thánh thượng, còn bằng những cái quái gì nữa.
Hai ngàn năm nay, viết bằng chữ Hán, văn ngôn, nếu là bậc ti ấu xưng mình đối với bậc tôn trưởng thì chữ ngã (ta) hầu như không được dùng đến nữa. Đối với cha, con tự xưng là nhi; đối với vua, bầy tôi tự xưng là thần; đối với đàn ông, đàn bà, tự xưng là thiếp. Đại để là phải biểu lộ trong sự xưng hô cái ý kẻ ti ấu phải cúi mình sát đất đội kể tôn trưởng lên đầu. May ra trong bạch thoại, tiếng nói thường ngày của dân chúng, mới còn giữ lại thứ đại danh từ trung lập, ngã, nễ, tha, ngã, môn, nễ môn, tha môn như trên đã nói.
Cách xưng hô bị thay đổi ở nước ta cũng giống như ở Trung Hoa mà có lẽ còn hỗn tạp hơn.
Sự thay đổi ấy do trong xã hội càng ngày càng chia ra giai cấp. Giai cấp đây không phải tư bản và vô sản mà là thượng và hạ, tôn và ti, quý và tiện, trưởng và ấu. Và chính do cái sự chia ra giai cấp ấy chúng ta đã nhận cho xã hội càng văn minh ra, ăn nói càng lịch sự ra.
Không biết bắt đầu từ bao giờ, những người lớn kể cả xứ ta đã choán lấy chữ tao chữ ta làm của riêng để xưng mình cũng như Tần Thủy Hoàng đã choán lấy chữ trẫm. Rồi thì những người dưới kẻ bé phải tìm một chữ hèn hạ nhất để tự xưng: chữ tôi, nghĩa là tôi tớ.
Rất đỗi một mụ trùm đĩ nói với một cô con gái:
"Con kia đã bán cho ta, nhập gia phải cứ phép nhà tao đây".
"Lão kia có giở bài tây, chẳng văng vào mặt mà mầy lại nghe?"
Và cô con gái kia đáp lại:
"Nhưng tôi còn sá chi tôi, phận tôi đành vậy, vốn người để đâu!"
Thật là tách bạch lắm. Tao, ta là tiếng tự xưng của những kẻ có quyền làm gió làm mưa trên kẻ khác và gọi kẻ khác ấy bằng mầy; còn tôi là tiếng tự xưng của những kẻ chịu đè bẹp dưới quyền kẻ khác và phải gọi kẻ khác ấy bằng người, người đây có ý nghĩa tôn kính, ý nghĩa đặc biệt của nó.
Do đó đã nảy ra một cái thành ngữ trong tiếng Việt Nam là "mầy tao mi tớ", và đồng thời cái thành ngữ ấy cũng là cái luật xưng hô giữa xã hội chúng ta nữa. Người nào đã có quyền gọi kẻ khác bằng mầy thì tự xưng bằng tao; người nào đã bị gọi bằng mi thì phải tự xưng bằng tớ. Điều sau đây đã thông hành giữa hoàng phái ở Huế, người hoàng phái gọi kẻ dưới họ bằng mi, những kẻ này xưng mình bằng tớ. (Tớ đây tỏ ý hèn hơn tôi nữa, khác với chữ tớ dùng tự xưng ở miền Bắc).
Chữ tao, chữ ta đã trở nên hách dịch, chữ mầy phải trở nên hèn hạ, rồi những chữ nó, hắn, bay, chúng nó cũng theo đó mà trở nên hèn hạ nốt. Rốt lại, những chữ ấy chỉ dùng để xưng hô hạng người cặn bã (thấp kém) trong xã hội và loài vật như con trâu, con chó, và trong tiếng ta không còn có đại từ trung lập và phổ thông xứng với cái tên nó nữa. Chúng ta phải tạm bợ, lấy danh từ làm đại danh từ.
Những chữ như cụ, ông, bác, chú, cậu, anh, bà, cô, dì, mợ, em, cháu là những danh từ để chỉ các hạng người cùng trong huyết thống với mình, hoặc đồng thế hệ, hoặc khác thế hệ. Chúng ta đã chẳng những lấy chữ ấy trùm lên một cái tên như ông Nguyễn Du, bà Đoàn Thị Điểm, mà khi đối diện nói với ông bà ấy cũng xưng họ là ông là bà để thay cho cái đại danh từ mầy đời xưa. Vả lại phải nhìn đúng đắn bậc nào gọi theo đấng bậc ấy, nếu đáng gọi cụ mà gọi ông, đáng gọi bà mà gọi cô, sẽ có lỗi lớn. Thật là phiền phức vô cùng và rối trí người ta lắm lắm.
Đã thế mà lại còn vẽ ra thêm nhiều điều để càng phiền phức và rối trí hơn.
Con, chính cha mẹ đẻ ra, vì lẽ gì đó, không gọi cha mẹ bằng cha mẹ, lại gọi cha mẹ bằng cậu mợ, vợ chồng cũng gọi nhau bằng cậu mợ, đầy tớ cũng lại gọi chủ nhà bằng cậu mợ. Đối với người ngoài, ông bà nội ngoại gọi cháu mình bằng cháu, cha mẹ đôi khi đối với người ngoài cũng lại gọi con cháu nhà người ta bằng cháu.
Cùng một danh từ mà có khi trọng khi khinh khác nhau. Bọn ông nghè, ông bảng, ông cử, ông tú gọi nhau bằng anh, bằng bác, cũng lại gọi người nấu bếp kéo xe bằng anh, người thợ mộc rèn bằng bác. Nữ học sinh, gọi bằng cô, đào hát, cũng gọi bằng cô. Vợ bạn, gọi bằng chị. Đừng thấy gọi giống nhau mà tưởng là đối đãi bình đẳng, lầm chết đi đấy; thực ra thì trong đó có hai hạng anh, hai hạng bác, hai hạng cô, hai chạng chị, phân biệt rành rọt lắm.
Chỉ một chữ có thể dùng cho ba ngôi là chữ ông, xưng mình bằng ông, xưng người đối diện bằng ông; còn xưng người không có mặt bằng ông nữa. Chữ ông thứ ba này tức là ông ấy, mà khi nói ông ấy người ta thấy không được tôn kính mấy cho nên bỏ chữ ấy đi. Một điều đáng buồn cười là khi người đàn bà nổi tam bành lên cũng xưng mình bằng ông. Thật là một nồi xáo, một nồi hẩu lốn! Ở miền Trung Nam lại còn chuyển ông ấy thành ra ổng, bà ấy thành bả, rồi những ảnh, chỉ, cẩu, mở... một cách rất dễ dàng tùy tiện.
Viết thêm về sau
Có người nói, người Việt Nam lấy những tiếng xưng hô trong thân thuộc làm đại danh từ mà xưng hô khắp cả người trong nước như thế, là một thói tục tốt. Đó là suy rộng cái chủ nghĩa gia tộc ra trong toàn quốc, coi hết thảy người trong nước là họ hàng bà con với nhau, nhân đó càng thương yêu nhau. Thói tục tốt thì nên giữ, sao lại công kích?
Ta gọi bằng chủ nghĩa gia tộc đó, tức là chế độ tông pháp, cái chế độ lập ra để giữ cho chế độ phong kiến được bền vững.
Tông pháp, nói Nôm, tức là cái lề lối chia ra con trưỏng, con thứ, con chi, chi nhánh trong gia tộc, do đó lập nên cái quyền gia trưởng, tộc trưởng, những kỷ luật nghiêm ngặt trong một nhà một họ. Theo tông pháp thì hầu hết người ta không là cá nhân độc lập nữa, ai ai cũng đều là con cháu, em, thuộc dưới quyền ông, cha, anh và chú bác. Nói rằng nó giữ chế độ phong kiến được bền vững là ở chỗ đó: Vua cai trị một nước không xuể, mới lập ra chế độ tông pháp để tộc trưởng gia trưởng cai trị thay cho, mỗi khi có việc biến động gì thì trách cứ vào những người tộc trưởng gia trưởng là yên tất cả. Thực dân Pháp, năm 1930 còn đặt thêm vai trò (tộc biểu) trong mỗi họ ngoài tộc trưởng gia trưởng, để đàn áp phong trào cộng sản, là họ thông hiểu và kính trọng cái thói tục tốt ấy của người Việt Nam lắm lắm!
Do tông pháp mới có những sự mấy đời ở chung trong một nhà và đặt hương hỏa, chia gia tài, và do những sự này mới có những sự rầy rà, thù ghét, kiện cáo nhau trong gia đình. Trong khi đó thì những tiếng xưng hô thân mật trong ruột thịt với nhau như anh em, con cháu, chú bác cũng không còn có giá trị gì cả.
Hiện nay nước ta đang xây dựng để đi đến chủ nghĩa xã hội, thì chính bản thân cái chế độ tông pháp phải tiêu diệt đi luôn với cái chế độ phong kiến. Nếu đã là một xã hội xã hội chủ nghĩa thì cái lối xưng hô theo chủ nghĩa gia tộc cũng không thích dụng nữa. Có điều rất khó là những tiếng xưng hô ấy đã ăn sâu trong ngôn ngữ rồi, muốn cải cách, chế tạo ra cho được một thứ đại danh từ trung lập và phổ thông để thay vào, cũng còn phải mất một thời gian lâu lắm. Tuy vậy, tôi tưởng rằng chúng ta không phải không thể làm được. Hễ khi mọi người đều thấy cái lối xưng hô như thế không còn thích dụng nữa, thì tự nhiên nó bị đào thải đi mà có lối khác mọc lên, tức là đại danh từ trung lập và phổ thông.
Trên kia nói có hại cho ngôn ngữ, thế nào là có hại?
Có hại là như cứ theo lối xưng hô gia tộc, nó sẽ làm mất cái ý khách quan và bình đẳng trong lời nói hay bài văn.
Đại khái như ta muốn viết một cái ký sự mà thuần dùng khách quan đối đãi với những nhân vật trong đó thì khó cho đạt được cái ý ấy của ta lắm, bởi vì trong khi xưng hô những nhân vật ấy không thể nào không dùng những đại danh từ (tức là danh từ) khác nhau, hoặc cụ, hoặc ông, hoặc anh, hoặc bà, hoặc cô, hoặc chị, thế là đã phải lập định chủ quan của ta rồi.
Còn như sự mất tinh thần bình đẳng dễ thấy nhất là trong khi dịch sách nước ngoài. Một cuốn tiểu thuyết bằng chữ Pháp hay chữ Hán, trong đó người ta dùng đại danh từ một loạt như nhau, mà mình dịch ra theo lối xưng hô tiếng ta thì thành ra như có chia tôn ty thượng hạ. Tôi từng vấp phải sự khó khăn ấy. Khi dịch cái tiểu thuyết "Ánh lửa đằng trước", những chỗ cán bộ quân sự cao cấp và binh sĩ đối thoại với nhau, nguyên văn đều dùng chữ "nễ", tôi đều dịch là "anh" để giữ cho còn cái tinh thần bình đẳng. Đối xưng, làm như vậy cũng tạm được rồi, nhưng đến tha xưng, nguyên văn đều dùng chữ "tha", đáng lẽ dịch là "hắn" hay "nó" mà không dám dịch, cũng lại dùng chữ "anh" nữa. Thành ra ngôi thứ hai và ngôi thứ ba cùng chung một chữ là "anh", không phân biệt, rất là bất tiện cho người đọc.
Lại còn có khi gặp một chữ mà không biết dịch là gì cho phải nữa. Ông Ehrenburg có lần hỏi một người trẻ tuổi mới tập viết văn bằng hai câu, bảo phán đoán thử câu nào có lực lượng hơn, hai câu ấy, theo tiếng Pháp là: Je t'aime với Je t’aime beaucoup; theo chữ Hán là: ngã ái nễ với Ngã hẫn ái nễ. Thế thì hai chữ "t’" và hai chữ "nễ" đó nên dịch là gì? Nếu dịch phức đi là "mầy" thì đúng và tiện lắm, nhưng tiếng Việt hiện tại không cho phép. Vậy trước hết phải biết cái tánh biệt của đại danh từ "t’" và "nễ" ấy thì mới dịch được, vì theo tiếng Việt hiện tại, khi đối xưng, cố nhiên cũng phải mượn danh từ xưng hô trong gia tộc, nhưng còn phải phân biệt nam tánh và nữ tánh. Thật là dễ bí! May còn có thể đoán mà biết được nhờ ở hạ văn. Hạ văn: người trẻ tuổi trả lời rằng cố nhiên câu thứ hai có lực lượng hơn. Ông Erenburg cười và bảo, thế thì anh đánh giá từ ngữ còn kém các cô thôn nữ. Nhờ đó, ta có thể đoán cái đại danh từ ấy là nữ tánh. Nhưng còn ngần ngại không thể dứt khoát trong ba lối dịch này: Tôi yêu cô, tôi yêu cô lắm, tôi yêu em, tôi yêu em lắm; hay là tôi yêu mình, tôi yêu mình lắm? Rắc rối thay, ba chữ "cô", "em", "mình" đó phải đặt cho đúng từng trường hợp, chứ có phải dễ đâu?
Vì những lời lẽ trên đây, tôi phải đặt vấn đế về đại danh từ tiếng Việt. Tôi tin rằng khi tiếng Việt có đại từ trung lập và phổ thông thì văn học Việt mới tiến lên mức nào.
Hà Nội, 12-1-1955
Mấy đặc điểm trong tiếng Việt
Trên quả đất này, mỗi dân tộc có một thứ tiếng nói khác nhau. Tuy vậy, hết thảy các thứ tiếng đều có những cái điểm cộng thông, nghĩa là giống nhau.
Những điểm cộng thông như là: Thứ tiếng nào cũng có thể chia ra các từ loại như danh từ, động từ v.v... Thứ tiếng nào khi muốn làm thành một mạng đề cũng phải có đủ ba phần là chủ từ, danh từ, túc từ v.v... Nhưng ngoài điểm cộng thông ra, mỗi thứ tiếng lại có những đặc điểm đặc biệt.
Tiếng Việt cũng có những đặc điểm của nó.
Đặc điểm thứ nhất: Theo thứ tự của thời gian.
Cái ví dụ sắp cử ra đây đã có người cử ra rồi; đây tôi thuật lại và thêm mấy ví dụ khác.
Trên đường về của người thợ săn, có kẻ gặp và hỏi: Anh đi đâu về? Theo tiếng Pháp thì đáp lại rằng: "Je reveiens de la chasse", dịch thuật đúng là "Tôi trở về từ sự đi săn"; nhưng theo tiếng ta, không nói như thế đâu, mà nói: "Tôi đi săn về".
Lúc gặp kẻ hỏi đó, người thợ săn đang làm cái việc gì? Đang làm cái việc trở về. Vậy việc trở về là việc chính của người thợ săn trong lúc đó, cho nên nói "tôi trở về", chữ "trở về" dính liền với chữ "tôi", chủ từ, để tỏ ra cái việc chính mình đang làm. Nhưng trước khi về còn có việc đi săn, cho nên nói tiếp: "từ sự đi săn".
Như thế, thấy trong câu tự sự, tiếng Pháp lấy việc chính làm trọng, người thợ săn phải tự thuật cái động tác hiện tại của mình chính lúc đáp lời hỏi đó rồi mới đến việc gì từ trước.
Theo câu đáp của tiếng ta thì hoàn toàn khác với cái nguyên tắc ấy của tiếng Pháp. Tiếng ta lấy thứ tự của thời gian làm trọng. Việc đi săn ở trước việc trở về, đi săn xong rồi mới trở về, cho nên nói "Tôi đi săn về". Theo cách nói của tiếng ta, không cần kể trở về là việc chính mà chỉ cần kể đi săn là việc trước.
Trong sách Trang Tử có câu: "Trang Tử xuất ư sơn, nhập cố nhân chi gia". Nếu dịch đúng từng chữ thì phải nói: "Trang Tử ra từ núi, vào nhà của người bạn". Nhưng nếu không dịch đúng từng chữ mà nói theo lối thường của tiếng ta thì nói: "Trang Tử ở núi ra, vào nhà người bạn".
So sánh cái ví dụ này với cái trên, thấy về trường hợp này, chữ Hán cũng có đồng một nguyên tắc như tiếng Pháp, mà tiếng ta thì bao giờ cũng theo thứ tự thời gian: cái việc ở núi trước cái việc ra, ở núi rồi mới ra, cho nên nói: "ở núi ra".
Cái ví dụ trên, "Je reviens de la chasse" với "tôi đi săn về", cách nói khác nhau mà nghĩa không khác. Nhưng cái dưới, nói theo tiếng ta như thế, e không thật đúng với nguyên văn chữ Hán.
Theo ý nghĩa của câu chữ Hán thì Trang Tử nguyên ở trong núi mà nhà người bạn ở ngoài núi. "Xuất ư sơn", có nghĩa là Trang Tử ra khỏi núi rồi mới vào nhà người bạn. Thế mà ta nói "ở núi ra" thì có thể là đang ở núi ra, chưa biết ra khỏi núi chưa, và có thể chưa ra khỏi núi đã vào nhà người bạn thì thành ra nhà người bạn ở trong núi.
Gặp trường hợp khắt khe như thế, có lẽ ta nên bỏ lối thường nói của mình đi mà nói theo lối tiếng Pháp chữ Hán là hơn. Chẳng những phải nói "ra từ núi" mà còn phải nói "ra khỏi núi" hầu cho cái ý nghĩa của câu văn được rõ ràng dứt khoát.
Trong những câu tự sự, tiếng ta đã theo thứ tự thời gian như vậy rồi, trong những câu mệnh lệnh cũng lại theo như vậy nữa.
Như một đoạn tiếng Pháp này:
"Couchea vous dès que vous avez envie de dormir, levez-vous dès que vous vous éveillez; travaillez dès que vous êtes levés. Ne mangez que lorsque vous avez faim; ne buvez que lorsque vous avez soif; ne parlez que lorsqu'il le faut".
Nếu dịch cho thật đúng thì phải dịch: "Hãy đi ngủ liền khi buồn ngủ, hãy chỗi dậy liền khi thức giấc; hãy làm việc liền khi đã chỗi dậy. Chỉ nên ăn lúc nào thấy đói; chỉ nên uống lúc nào thấy khát; chỉ nên nói lúc nào thấy đáng nói".
Nhưng lối nói đó không là tiếng Việt thuần túy, cho nên có người đã dịch đoạn ấy đăng trên Đông Dương tạp chí Nguyễn Văn Vĩnh như thế này: "Buồn ngủ thì đi ngủ ngay; thức giấc thì chỗi dậy ngay; chỗi dậy rồi thì làm việc ngay. Khi nào đói hãy ăn; khi nào khát hãy uống; khi nào đáng nói hãy nói".
Thật vậy, chúng ta hẳn cũng thấy cách dịch trên không bằng cách dịch dưới đúng tiếng Việt Nam hơn.
Vậy thì hỏi: Trong sáu câu này những cái mệnh lệnh ở việc gì? Cố nhiên là ở những việc đi ngủ, chỗi dậy, làm việc, ăn uống và nói. Cái trọng tâm của mỗi câu ở một việc trong sáu việc ấy, cho nên tiếng Pháp đặt nó đứng trực hết rồi sau mới đến những từ ngữ phụ gia chỉ về thời gian là "liền khi", "lúc nào". Tiếng Việt không nhận thấy cái trọng tâm đó mà vẫn theo thứ tự thời gian: buồn ngủ trước khi đi ngủ, thức giấc trước khi chỗi dậy, chỗi dậy trước khi làm việc, thấy đói trước khi ăn, thấy khát trước khi uống, thấy đáng nói trước khi nói, cho nên mỗi câu mới đặt cái việc trước ở trước, cái việc sau ở sau. Cái điều đáng chú ý là nói theo lối tiếng ta đó, cái trọng tâm của mệnh lệnh đáng đọng lại ở chỗ nào cũng vẫn đọng lại ở chỗ ấy chứ không thể chệch đi được.
Cho đến trong những câu giả thiết, tiếng ta cũng theo thứ tự thời gian. Việc có tiền ở trước việc mua xe hơi, cho nên nói: "Nếu tôi có tiền tôi sẽ mua xe hơi". Nhưng mua xe hơi là trọng tâm trong câu giả thiết này cho nên tiếng Pháp có khi theo đồng một nguyên tắc trên mà nói ngược lại: "Tôi mua xe hơi nếu tôi có tiền".
Trong những câu như thế, gần nay chúng ta cũng có nói "nếu" ở sau theo lối tiếng Pháp. Nhưng trong sách Việt Nam văn phạm, tác giả có lập luật buộc chỉ phải nói "nếu" ở trước.
Tiếng nói phải theo thời đại mà biến hóa để tiến bộ; trong sự biến hóa, thứ tiếng này bắt chước thứ tiếng khác là thường, miễn không làm hại đến căn bản. Cái luật của Việt Nam văn phạm sẽ không có ai tuân cả nếu người ta công nhận nói "nếu" ở sau là một dấu tiến bộ của tiếng Việt chứ chẳng có hại gì. Một sách ngữ pháp Trung Hoa cũng có nói về điều ấy như vầy: Trước kia người Trung Quốc vốn nói "nếu" ở trước trong câu giả thiết, song sau khi Âu hóa cũng có nói "nếu" ở sau [1].
Về điểm này, có người cho rằng tiếng ta theo thứ tự thời gian tức là sắp đặt cái thứ tự phát sinh của sự vật theo khách quan, một phương thức đúng đấy. Tôi xin ghi vào đây, chưa dám phê bình vội.
Đặc điểm thứ hai: Theo yêu ghét của chủ quan:
Điểm này thì thật là đặc biệt và đặc biệt, dễ thường chỉ trong tiếng nói Việt Nam mới có.
Trong khi làm một động từ thành ra hình thức bị động, tiếng ta dùng hai phó từ khác nhau để chỉ hai ý khác nhau: Cái điều mình nhận lấy mà lấy làm thích, mình yêu nó, thì dùng chữ được, như được thưởng, được khen, được thăng chức; Cái điều mình nhận lấy mà lấy làm không thích, mình ghét nó, thì dùng chữ bị, như bị phạt, bị quở, bị cách chức.
Bị động là bị động, chứ sao lại còn chia ra theo yêu ghét của chủ quan bằng chữ này hay chữ khác, ấy là thật một sự lạ.
Do đó sinh ra một lối nói như là phản ngữ. Nếu được mời ăn mà không lấy sự ăn ấy làm thích, có thể nói "bị mời" nếu bị tát (tát tai) mà lấy sự tát ấy làm hân hạnh, có thể nói "được tát".
Nhưng đã chia ra như thế thì, ngoài cái trường hợp phản ngữ ra, cùng một bị động từ có thể dùng cho hai phương diện yêu và ghét nhau, thành ra bị động không hẳn là bị động nữa. Như nói "tôi được ăn cỗ", và nói "không có muối tôi bị ăn nhạt mất một tháng", thì "ăn" ấy đều là "tôi ăn", chủ động, chỉ vì thích ăn cỗ nên nói "được" không thích ăn nhạt nên nói "bị", chứ có phải là bị ăn như nói "bị cọp ăn" hay là như tiếng Pháp nói être mangé đâu.
Theo như cái hình thức bị động từ của tiếng ta như thế, nó sẽ không giống với bị động từ của một thứ tiếng nào cả.
Tiếng Hán, tiếng Pháp hay tiếng Anh cũng vậy, chỉ có ngoại động từ (verb transitif) thì mới chuyển làm bị động từ được, như đánh, giết, chuyển làm bị đánh, bị giết được; còn nội động từ (verbe intransitif) thì không thể chuyển, như bay, chạy, có khi nào nói được bị bay, bị chạy đâu. Nhưng tiếng ta, vì chia ra "được" và "bị", làm mất cái nghĩa bị động thuần túy đi rồi, cho nên dù là nội động từ cũng nói "được" hay "bị": Tức như đi, "đi" là nội động từ mà có thể nói "tôi được đi sứ" và "tôi bị đi đày".
Không những thế, theo lối nói của tiếng ta, dù là khi dùng ngoại động từ chuyển sang hình thức bị động cũng còn có sự rắc rối lôi thôi có thể lầm lẫn đấy. Như nói "bị đánh", cố nhiên là bị người khác đánh, nhưng nói "được đánh" ngoài cái nghĩa phản ngữ như "được tát" trên kia, còn có nghĩa là được đánh người khác, như theo phong tục xã hội cũ, người ta nói "chồng được đánh vợ, vợ không được đánh chồng". Thì ra tại chữ "được" này có nghĩa khác, nó ở đây không phải "nhận lấy" mà là "có thể", "được phép".
Như thế, chữ "được" chữ "bị" trong hình thức bị động từ tiếng ta nó là cái gì, chứ không phải là hình thức bị động nữa. Có lẽ nó là động từ phụ như verbes auxiliaires của tiếng Pháp chăng. Điều này, nhà làm sách ngữ pháp Việt Nam còn phải thảo luận kỹ lưỡng lắm rồi mới quyết định bề nào được.
Về sự theo yêu ghét của chủ quan còn có một ví dụ nữa là đặt chữ "ra" hay chữ "đi" sau một hình dung từ dùng như động từ: Hễ cái gì mình lấy làm không thích, mình ghét nó, thì nó "đi". "Ra" và "đi" có nhiều nghĩa khác, nhưng ở đây lại là nghĩa đặc biệt của nó.
Như nói: "Càng ngày càng giàu ra", "càng ngày càng nghèo đi", "dạo này chị béo ra", "dạo này tôi gầy đi", rồi thì trắng ra, đen đi, giỏi ra, dốt đi, khôn ra, dại đi, tươi ra, héo đi, thừa ra, thiếu đi v.v...
Cố nhiên phải hiểu "ra" để chỉ nghĩa tích cực, "đi" để chỉ nghĩa tiêu cực, nhưng đồng thời, giàu, béo, trắng, giỏi, khôn, tươi, thừa là những cái người ta lấy làm thích, người ta yêu nó; còn nghèo, gầy đen, dốt, dại, héo, thiếu là những cái người ta lấy làm không thích, người ta ghét nó: cũng lại là theo yêu ghét của chủ quan.
Đặc điểm thứ ba: chủ từ tổng hợp:
Một điều thông thường trong ngữ pháp các nước: Có khi lấy cả một ngữ làm chủ từ cho động từ, như nói "ăn cơm độn khoai, đỗ, bắp hay sắn là một sự cực chẳng đã", thì "ăn cơm độn khoai, đỗ, bắp hay sắn" là một ngữ mà làm chủ từ cho động từ "là". Lại có khi lấy cả một cú (câu) làm chủ từ cho động từ, như nói "đoàn chủ tịch không đến đủ mặt làm cho không thể khai hội được", thì "đoàn chủ tịch không đến đủ mặt" là câu mà làm chủ từ cho động từ "làm cho".
Khi lấy một ngữ làm chủ từ thì coi cả ngữ ấy như một danh từ, trong ngữ pháp gọi là danh từ ngữ (tiếng Anh là noun phrase); khi lấy một câu làm chủ từ thì coi cả câu ấy như một danh từ, trong ngữ pháp gọi là danh từ cú (tiếng Anh là noun clause).
Cái trường hợp ấy thông dụng trong các thứ tiếng ngoại quốc mà cũng thông dụng trong tiếng ta nữa. Bởi vì trong khi không thể phân tích một ngữ một cú ra lấy một danh từ nào làm chủ từ được, người ta buộc phải lấy cả một ngữ một cú làm chủ từ.
Nhưng, ngoài trường hợp ấy, tiếng ta có nhiều khi không cần dùng danh từ cú làm chủ từ mà cũng cứ dùng; việc dùng như thế ông Đoàn Phú Tứ đã mệnh danh là "chủ từ tổng hợp" trong bài Đi tìm chủ từ của ông (do Hội Văn hóa Việt Nam xuất bản năm 1948).
Ông Đoàn có đưa ra một ví dụ: "Cha tôi chết làm cho tôi buồn". Lấy cả một khối "cha tôi chết" làm chủ từ cho động từ "làm cho", trong khi theo tiếng ngoại quốc có thể phân tích khối ấy ra lấy một danh từ làm chủ từ mà thôi, tức như: tiếng Pháp nói La mort de mon père m'attriste, danh từ la mort làm chủ từ cho động từ attriste; chữ Hán nói "ngã phụ chi tử sử ngã bị thương", danh từ "tử" làm chủ từ cho động từ "bị thương".
Tôi đưa ra thêm vài ví dụ nữa để rồi tìm ra cái chỗ nhược điểm của cách đặt câu trong tiếng ta như thế là tại đâu.
Trong một cuốn tiểu thuyết có câu: "Chúng tôi đi chơi ở Đồ Sơn vui quá", đáng lẽ nói "Cuộc đi chơi của chúng tôi ở Đồ Sơn vui quá'', "cuộc đi chơi" làm chủ từ cho chuẩn động từ "vui", không buộc phải dùng cả khối "chúng tôi đi chơi ở Đồ Sơn".
Trong một tạp chí có câu: "Chúng ta cãi lẽ với nhau chẳng đi đến đâu cả", đáng lẽ nói "Sự cãi lẽ nhau của chúng ta chẳng đi đến đâu cả", "sự cãi lẽ" làm chủ từ cho động từ "đi", không buộc phải dùng cả khối "chúng ta cãi lẽ với nhau".
Đáng lẽ dùng một danh từ, không dùng cả khối mà lại dùng cả khối, không dùng một danh từ, cái cớ ấy vì đâu?
Vì tiếng ta không có đủ danh từ để chỉ cái sự hay cái việc. Ngoài những danh từ cố định như trời, đất, sông, núi, cỏ, cây, đạo, nghĩa, óc, lòng, ra, về động tác và trạng thái của vật, tiếng ta chỉ có một động từ, hình dung từ mà thôi; rồi một khi muốn có một danh từ và đặt lên trên nó chữ "cái đẹp", "sự học" chẳng hạn. Ấy là một tình trạng nghèo nàn trong tiếng ta, không thể chối.
Chứng cứ ở cuốn tự vị Pháp Việt Trương Vĩnh Ký. Tự vị ấy cắt nghĩa: ciel: trời, terre: đất v.v... nhưng đến danh từ nào không có tiếng tương đương thì phải phối hợp một mớ động từ lại rồi đặt chữ "sự" lên trên, như ở đâu sách ấy: abasourdissement: sự làm cho ngờ ngẫn đi; abatardissement: sự làm cho lai đi.
Khi ông Đoàn Phú Tứ đưa cái ví dụ ra, có nói rằng: "Đành rằng ta cũng có thể nói "cái chết của cha tôi làm cho tôi buồn", nhưng đó là ta nói như tiếng Pháp rồi, chứ không còn nói tự nhiên như lối thường của ta nữa". Thật thế, trên đây tôi nói đáng lẽ phải nói "Cuộc đi chơi của chúng tôi..." và "sự cãi lẽ nhau của chúng ta...", cũng lại nói theo lối tiếng Pháp chứ tiếng ta vốn không nói thế. Rõ ràng trong đó ta thấy sau khi tiếng Pháp nhập cảng, ta mới bắt đầu làm như Trường Vĩnh Ký dịch la mort là cái chết, la promenade là cuộc đi chơi, la discussion là sự cãi lẽ nhau, cả đến chữ "của" cũng dịch ở chữ "de" ra nữa. Thế nào? Đó là một bước tiến của tiếng Việt đấy chứ!
Không những chỉ có ba điểm, còn nữa, sẽ tiếp sau.
Viết thêm về sau
Đính chính
Trong bài này, về chỗ "theo yêu ghét của chủ quan", có cử ra cái ví vụ đặt chữ "ra" hay chữ "đi" theo sau một hình dung từ dùng như động từ, như "giàu ra", "nghèo đi" v.v...
Tiếp ngay đó, tôi cũng có nói "ra" để chỉ nghĩa tích cực, "đi" để chỉ nghĩa tiêu cực nhưng cái ý chính vẫn cho là theo yêu ghét của chủ quan.
Một hôm mới đây, ông Ngô Quang Châu có đọc qua bản thảo, chỉ trích điều đó là không đúng, ông nói:
"Nếu có người đau bụng báng nói: Tôi ở mạn ngược, cái báng càng ngày càng to ra, mà từ ngày về Hà Nội, cái báng càng ngày càng nhỏ đi - thì "ra" không phải chỉ cái mình yêu và "đi" không phải chỉ cái mình ghét, mà trái ngược lại".
Tuy tôi nghĩ mãi chưa tìm ra được thêm một câu lệ chứng phản lại nào giống như câu ông Ngô Quang Châu đưa ra đó, nhưng chỉ một câu của ông không thể cãi được, tôi cũng phải chịu nhận sự chỉ trích của ông là đúng. Vậy tôi viết mấy lời này, xin xóa bỏ cái ví dụ đó dưới điều "Đặc điểm thứ hai theo yêu ghét của chủ quan".
Tôi đính chính lại rằng: Khi nói "ra" và "đi" như thế, không phải theo yêu ghét của chủ quan mà chỉ để chỉ nghĩa tích cực và tiêu cực.
Hà Nội, 8-1-1955
Hư tự trong Truyện Kiều
Sách ngữ pháp Trung Hoa có sách chia hết thảy những chữ trong các từ loại ra làm hai loại lớn: Một là thực tự, một là hư tự. Thực tự là những chữ thuộc về các loại như danh từ, động từ, hình dung từ, những chữ có hình thể thực tại hay là không có hình thể thực tại mà ta có thể gẫm thấy cái đối tượng của nó, như: bay, ta gẫm thấy đối tượng là con chim trên không; chạy, là con ngựa trên đường; lạnh là da đồng; nóng là hơi lửa. Còn hư tự là những chữ không cứ thuộc về từ loại nào mà đã không có hình thể lại không có đối tượng, như những chữ nếu, bèn, mà, ư... trong đầu ta không thể tìm cái gì để hình dung ra nó được cả. Vì lẽ đó, đem hai loại so sánh nhau, thực tự có ý nghĩa chắc chắn rõ ràng làm ta dễ hiểu hơn, hư tự có ý nghĩa bấp bênh mập mờ làm ta khó hiểu hơn.
Đã thế mà tiếng ta, khi nói thành lời, viết thành văn, những hư tự lại choán một phần công dụng lớn. Tiếng Pháp, danh từ có chia ra giống và số, động từ có chia ra cách và thì, gánh hết một phần nhiệm vụ quan trọng; nhưng tiếng ta không có thế, bao nhiêu nhiệm vụ ấy đều đổ trên đầu hư tự cả. Cho nên trong khi nói hay viết câu, mặc dầu những danh từ động từ trong đó dùng đúng cả, chỉ hư tự dùng sai đi một cái là cả câu hỏng hết.
Hư tự ở một địa vị trọng yếu trong tiếng ta như vậy, mà xưa nay bao nhiêu sách tự vị, tự điển giải nghĩa không được rạch ròi cặn kẽ, thành thử người ta có thể dùng lầm hay mỗi người dùng một cách, như "thà" và "chẳng thà" "biết đâu" và "biết đâu không", sự ứng dụng hầu như không một loạt in nhau. Một thứ tiếng nếu còn bừa bãi như thế, hẳn là khó mà tiến đến bậc hoàn mỹ được.
Dùng hư tự, theo tôi thấy, Truyện Kiều của Nguyễn Du dùng đúng hơn hết, ta nên lấy đó làm gương mẫu. Tôi bèn đọc hết cả cuốn truyện, gặp mỗi một hư tự thì lục riêng từng chữ ra với nhau, có chữ dùng năm ba lần hay mươi, mười lăm lần, có chữ dùng đến năm bảy chục lần. Xong rồi, tôi soát đi soát lại từng chữ, quy nạp nó vào một nghĩa hay mấy nghĩa và tìm thấy cái quy luật ứng dụng nó, lần lượt đem viết ra đây. Không dám nói mười phần đúng cả, đủ cả, nhưng ít nữa cũng dám nói mình làm một việc có căn cứ, không phải võ đoán hay ước chừng theo ý riêng. Trong bài này, bắt đầu đưa ra một ít chữ.
Bao, bây, bấy - Ai đã ở Nam Bộ, chắc có nghe người trong đó nói hai tiếng "bây dai". Khi mình hỏi họ về một vật gì dài bao nhiêu, họ vừa đưa hai tay lên để cách nhau một quãng nhất định, vừa nói rằng: "nó bây dai". Tôi khi mới nghe hơi ngờ ngợ, rồi cũng hiểu ngay vì nhờ có ra bộ. Nhưng hai tiếng ấy ở Trung Bắc không hề nghe thấy, làm mình phải ngẫm nghĩ tại sao họ lại nói như thế.
Ngẫm nghĩ một dạo lâu, tôi hơi thấy mối manh, bụng bảo dạ rằng: Người ta đã nói "bây dai" chắc còn có nói "bao dai" nữa.
Thì một lần khác, ở Hóc Môn, nghe một người đàn bà trong khi cầm một xấp vải ra cửa, ngoảnh lại hỏi chồng rằng: "Áo cắt bao dai?" Người đàn ông trả lời: "Dài bằng áo cũ". Tôi hiểu toạc cả và lấy làm đắc ý vì mình dè chừng mà đã quả trúng.
Không có gì lạ, "bao dai" nghĩa là dài chừng nào; "bây dai" nghĩa là dài chừng này.
Nhưng sao chữ "dài" trong hai câu vấn đáp ấy lại biến thành chữ "dai"? Lại phải ngẫm nghĩ một dạo lâu nữa mới nhận thấy rằng nó cũng như chữ "nhiều" biến thành chữ "nhiêu" trong khi nói "bao nhiêu" nghĩa là nhiều chừng nào, "bây nhiêu" nghĩa là nhiều chừng này. Chỉ biết được như thế, chứ còn tại sao nó phải biến, cái lý sở dĩ nhiên ấy đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm thấy.
Hiểu đại khái như thế cũng chắc là đúng rồi, nhưng chưa thật đúng. Cuối cùng nhờ nghiên cứu những chữ "bao" "bấy" dùng độc chiếc trong Truyện Kiều mà tôi cắt nghĩa nó ra được một cách thỏa mãn.
Nói thật nhanh hay là nói theo lối phiên thiết thì "bằng nào" thành ra "bao", "bằng này" thành ra "bây", "bằng ấy" thành ra "bấy". Vậy thì "bao dai", "bây dai" tức là dài bằng nào, dài bằng này mà nói tắt đi; cũng như "bao nhiêu", "bây nhiêu" tức là nhiều bằng nào, nhiều bằng này mà nói tắt đi.
So sánh với tiếng ngoại quốc thì cái thuyết ấy in được lắm. Chữ Hán: "hà tất" thành ra "hạt", "bất khả" thành ra "phạ", "chi ư" thành ra "chư"; chữ Pháp: "du" thay cho "de le", "aux" thay cho "à les", "des" thay cho "de les", "au" thay cho "à le", thì tiếng ta có quyền làm "bằng nào" ra "bao", "bằng này" ra "bây", "bằng ấy" ra "bấy" lắm; và hà tiện cho ngôn ngữ như thế cũng là sự rất chính đáng ấy.
Đến đây xin cử ra những chữ ấy đã dùng trong Truyện Kiều: Chữ "bao" dùng độc chiếc, như:
1. Trải bao thỏ lặn ác tà;
2. Quản bao tháng đợi năm chờ;
3. Trời Liêu non nước bao xa;
4. Biết bao duyên nợ thề bồi;
5. Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao.
Năm chữ "bao" đều dùng chữ "bằng nào" mà cắt nghĩa được cả. Câu 1, trải bằng nào ngày đêm; câu 2, đợi chờ đến bằng nào năm tháng; ba câu 3, 4, 5, xa bằng nào, thề bồi bằng nào, đội trên đầu bằng nào, đều có ý hỏi (interrogatif) để tỏ ra nghĩa là nhiều, không phải ít.
Phàm những chữ có ý hỏi như nào, đâu, bao (nhớ nó là bằng nào đấy nhé)... khi đi với một chữ nào có sức làm cho cái ý hỏi của nó càng mạnh lên thì nó thành ra cái ý "không" (négatif) hay là phủ định. Trong năm câu đó, câu 2, bao đi với "quản", có ý đợi chờ bằng nào cũng không quản; câu 5, bao đi với "xiết", có ý đội trên đầu bằng nào cũng không xiết: thành ra hai câu có ý phủ định. Vả lại, những chữ phủ định như thế có thể đảo ngược lại mà không đổi nghĩa. Xiết bao có thể là đảo là bao xiết, nhưng trong Truyện Kiều không có dùng; quản bao có thể đảo là bao quản, thì Truyện Kiều có câu "Búa rìu bao quản thân tàn", ý là không quản, cũng vẫn là phủ định.
Chữ "bây" dùng độc chiếc, như:
1. Khéo vô duyên bấy là mình ta;
2. Phũ phàng chi bấy hóa công;
3. Trời làm chi cực bấy trời;
4. Thân sao bướm chán ong chường bấy thân;
5. Hoa sao hoa khéo đọa đày bấy hoa;
Năm chữ "bấy" ấy đều dùng "bằng ấy" mà cắt nghĩa được cả: vô duyên bằng ấy, phũ phàng bằng ấy, cực bằng ấy, chán chường bằng ấy, đọa đày bằng ấy. Bấy = bằng ấy ở đây tỏ ý thương tiếc hoặc trách móc, chẳng khác nào nói "đến nỗi thiếu ư", đều có thể cho một dấu chấm than.
Chỉ có chữ "bây" không hề dùng độc chiếc. Trong Truyện Kiều có một câu chữ bây: "Lão kia có giở bài bây", nhưng nghĩa khác.
Rồi đến đặt sau bao, bây, bấy một chữ làm thành liên tự để chỉ thời gian, như bao giờ, bây giờ, bấy giờ, bấy chầy, bấy lâu, bấy nay, trong Truyện Kiều dùng những liên tự ấy nhiều lần lắm. Tựu trung, bao giờ, bấy giờ, nghĩa nó có đại đồng, tiểu dị.
Bao giờ = bằng nào thì giờ, nói chung, nghĩa cũng như khi nào, lúc nào, nhưng khác nhau ở chỗ khi thi chỉ quá khứ, khi thì chỉ vị lai.
1. Chỉ quá khứ như: Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ; Nhớ lời nói nhẫn bao giờ hay không.
2. Chỉ vị lai như: Biết bao giờ lại nối lời nước non; Bao giờ mười vạn tinh binh.
3. Dùng y nguyên cái nghĩa như khi nào, lúc nào, chứ không chỉ quá khứ hay vị lai, như: Mai sau dù có bao giờ; Nỗi nàng nhớ đến bao giờ. Làm chắc thêm sự nhận định này có câu Tưởng bây giờ là bao giờ, chữ bao giờ này không chỉ quá khứ vị lai, hay là muốn chỉ quá khứ, chỉ vị lai đều được cả.
Bấy giờ = bằng ấy thì giờ, nói chung nghĩa cũng như khi ấy, lúc ấy, nhưng cũng có đại đồng tiểu dị ở chỗ khi chỉ quá khứ khi chỉ vị lại như chữ bao giờ trên kia.
Bấy giờ, chỉ quá khứ được, như ta nói: "Bấy giờ tôi chưa để", nhưng trong Truyện Kiều không có dùng như thế lần nào. Truyện Kiều dùng nó trong ba trường hợp này:
1. Chỉ vị lai, như: Bấy giờ ai lại biết ai, bấy giờ vượt biển ra khơi quản gì.
2. Dùng y nguyên cái nghĩa như khi ấy, lúc ấy, không chỉ quá khứ vị lai gì cả, như: Thúc sinh trông mặt bấy giờ.
3. Dùng đi theo "bao giờ" để hô ứng nhau, như: Bao giờ mười vạn tinh binh, tiếng loa dậy đất bóng sinh lợp đường, làm cho tỏ mặt phi thường, bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia, tuy chỉ vị lai, nhưng đã ứng với "bao giờ", chẳng khác nào nói "khi nào... khi ấy".
Bây giờ = bằng này thì giờ, Truyện Kiều có nhiều lần dùng, độc chỉ về hiện tại, không có gì khác, không cần cử lệ.
Bấy chầy = bằng ấy chầy, cũng như bấy lâu = bằng ấy lâu, nghĩa giống nhau; bấy nay - bằng ấy (thì giờ đến) nay: cả ba, trong Truyện Kiều đều có dùng nhiều lần, và không có gì lạ, cũng không cần cử lệ. Duy có điều này: hai chữ "bao", "bây" chỉ ghép được với chữ "giờ" để chỉ thời gian trong Truyện Kiều không có dùng "bao lâu" lần nào tuy nó cũng chỉ thời gian); mà chữ "bấy" ngoài với chữ "giờ" ra, còn ghép được với ba chữ nữa là "chầy", "lâu" và "nay", là điều đáng ghi lấy để tìm thấy cái lẽ sở dĩ.
Cuối cùng còn có hai liên tự "bao nhiêu", "bấy nhiêu", đã nát nghĩa nó ở trên rồi, thì Truyện Kiều dùng nó trong ba trường hợp:
1. Sinh nghi xin dạy bao nhiêu cho tường; bao nhiêu của, mấy ngày đường; dùng độc chiếc, không đi với bấy nhiêu.
2. Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên; gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình: dùng độc chiếc, không đi với bao nhiêu.
3. Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi: bao nhiêu đi đôi với bấy nhiêu, càng tỏ ra đúng với nghĩa đã nát: nhiều bằng nào, nhiều bằng ấy. (Bây nhiêu, ta thường nói, nhất là Nam bộ, nhưng Truyện Kiều không có dùng).
Đâu - Chữ "đâu", Truyện Kiều dùng đến năm sáu chục lần. Nhiều câu lục bát trong mỗi câu dùng đến hai chữ. Nó có thể chia làm mấy nghĩa khác nhau như dưới.
Đâu, chính nghĩa nó là ở chỗ nào, trong câu có nó thường cho được dấu hỏi. Truyện Kiều dùng nó theo nghĩa ấy như những câu này:
1. Lòng đâu sẵn mối thương tâm;
2. Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần;
3. Sự đâu chưa kịp đôi hồi, duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ;
4. Kiệu hoa đâu đã đến ngoài, quản huyền đâu đã giục người sinh ly;
5. Duyên đâu ai dứt tơ đào, nợ đâu ai đã dắt vào tận tay.
Năm câu đó, chữ "đâu" đi với danh từ lòng, nhạc vàng, sự, duyên, kiệu hoa, quản huyền, duyên, nợ thì nghĩa nó là thế. Nhưng nó là chữ có ý hỏi, cho nên khi nó đi với một động từ, phó từ, hình dung từ nào có sức làm cho cái ý hỏi của nó càng mạnh lên thì nó thành ra có ý "không" hay là phủ định như trên đã nói về chữ "bao". Xem đây:
1. Dạy rằng mộng triệu cứ đâu;
2. Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi;
3. Nghe thôi kinh hãi xiết đâu;
4. Nguyên người quanh quất đâu xa,
5. Hẳn ba trăm lạng kém đâu.
Năm câu đó, chữ "đâu" đi với động từ cứ, nghĩ, với phó từ xiết, với hình dung từ xa, kém, làm mỗi câu thành ra có ý phủ định: không cứ, không nghĩ, không xiết, không xa, không kém. Nhưng chỉ có ý thôi. Khi chữ "đâu" đi với một chữ có ý hỏi khác nữa, như chữ "gì", chữ "nào", lại càng làm bật lên cái ý phủ định rõ ràng, những câu ấy thành hẳn câu phủ định. Như:
1. Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu;
2. Trông theo nào thấy đâu nào;
3. Cơ duyên nào đã hết đâu, vội gì.
Xem đó, chữ "đâu" đã do có ý hỏi dần dần thành ra có ý phủ định. Thật thế, ta đã dùng nó đi theo một chữ phủ định khác để làm cho cái ý phủ định càng gắt hơn. Như nói "không ăn đâu" thì ý phủ định gắt hơn "không ăn", "chẳng chịu đâu" thì gắt hơn "chẳng chịu", "chưa đi ngủ đâu" thì ý gắt hơn "chưa đi ngủ". Truyện Kiều cũng có vài lần dùng như thế.
1. Lạ tai nghe chữ biết đâu.
2. Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.
Đến trình độ ấy, chữ "đâu" không còn có ý hỏi nữa, mà chỉ có ý phủ định, nó là "chữ phủ định".
Theo phổ ngữ pháp, trong câu dùng hai chữ phủ định thì ý câu thành ra khẳng định (positif) bất kỳ ngôn ngữ nước nào cũng thế.
Ở đây, ta có thể lập ra một cái luật được rồi: Chữ đâu phú định, khi nó đi theo sau một chữ phủ định khác thì nó làm cho ý phủ định của câu càng gắt hơn; nhưng khi nó đứng trước một chữ phủ định khác thì mới kể là hai phủ định làm thành ra kháng định để chỉ cái khả năng tính.
Cái luật đó, phân nửa trên đã thực hiện trong mấy ví dụ vừa kể; phần nửa dưới thì có căn cứ rành rành ở hai câu này:
1. Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.
2. Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh.
Biết đâu chẳng là chiêm bao: là chiêm bao; đi đâu chẳng biết Sở Khanh: là biết. Hai câu đều là câu khẳng định để chỉ khả năng tính, rõ ràng lắm.
Thế mà thỉnh thoảng thấy trên báo hay sách có những câu đặt cách ấy để tỏ ý khẳng định mà chỉ dùng "biết đâu' chứ không có "không" hay "chẳng" theo sau. Như ông Trần Trọng Kim trong cuộc bút chiến về Nho giáo, có viết rằng: Khổng Tử học với Lão Tử, biết đâu cũng theo cái chủ trương "vô" của Lão tử (không đúng hẳn nguyên văn, nhưng cái chỗ hỏng của nó thì đúng hơn). Hơn hai mươi năm nay hôm nay tôi mới dám thò bút chữa lại cho ông thế này: Khổng Tử học với Lão Tử, biết đâu không theo cái chủ trương "vô" của Lão Tử: chữa chỉ một chữ thôi.
Dùng "biết đâu" mà không có "không" hay "chẳng" theo sau thì nó vẫn là câu phủ định, như:
1. Biết đâu Hợp Phố mà mong Châu về;
2. Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu;
Có làm sao cắt nghĩa được là biết Hợp Phố, biết địa ngục thiên đường?
Dầu, dẫu, mặc dầu - Theo chữ Nôm "dầu" viết bằng chữ "du" (chữ Hán) nghĩa là "dầu" (một chất lỏng), nơi thì đọc là dầu, nơi thì đọc là dù, nhưng hoàn toàn đồng nghĩa; còn chữ "dẫu" cũng đồng nghĩa với dầu, dù chỉ khác là khi nói "mặc dầu" thì chỉ nói được mặc dầu chứ không nói được "mặc dẫu".
Xét theo Truyện Kiều đã dùng thì dầu và dẫu là như vậy. Khác nhau một thanh bình một thanh trắc là chỉ để tiện cho khi làm vận văn cũng như đà, đã, chưa, chửa mà thôi; ngoài sự mặc dầu không nói mặc dẫu được thì hai chữ ấy vẫn đồng nghĩa.
Cũng xét theo Truyện Kiều, dầu hay dẫu cũng trong hai trường hợp khác nhau, mỗi trường hợp một nghĩa khác.
Một là dùng trong câu giả thiết:
Trước hết phải lấy làm lạ rằng trong Truyện Kiều không hề có chữ "nếu" một lần nào. Thì ra, bao nhiêu chỗ theo chúng ta bây giờ đáng nói "nếu" thì Truyện Kiều đều nói dầu hay dẫu cả. Hình như về thời đại Nguyễn Du, trong tiếng ta chưa có chữ "nếu" hay là có rồi mà chưa được thông dụng. Xem đây:
1. Dẫu chăng xét tấm tình si;
2. Lượng trên dầu chẳng dứt tình;
3. Sau dầu sinh sự thế nào;
4. Thế trong dầu lớn hơn ngoài;
5. Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.
Những câu như thế đều là câu giả thiết. Nghĩa là một sự, chưa biết nó có xảy ra hay không xảy ra, nhưng mình thử đặt ra một cảnh ngộ hoặc nó sẽ xảy ra, hoặc nó sẽ không xảy ra. Như câu 1, tấm tình si chưa biết có xét đến chăng, hẵng đặt ra một cảnh ngộ chẳng xét; câu 4, thế trong chưa biết có lớn hơn ngoài chăng, hẵng đặt ra một cảnh ngộ lớn hơn. Những câu giả thiết như thế tiếng Việt Nam ngày nay đều dùng chữ "nếu": nếu chẳng xét... nếu lớn hơn... nhưng Truyện Kiều đều dùng dẫu hay dầu. Vậy biết rằng cái nghĩa của dẫu hay dầu dùng trong trường hợp ấy tức là "nếu".
Một là dùng trong câu nhượng bộ, như những câu:
1. Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ;
2. Chị dầu thịt nát xương mòn;
3. Dẫu bằng xương trắng quê người quản đâu;
4. Dẫu sao bình đã vỡ rồi;
5. Dẫu trong nguy hiểm dám dời ước xưa.
Những câu như thế này đều là câu nhượng bộ. Một sự, chưa biết nó xảy ra như thế nào, nhưng mình cho đi rằng nó sẽ xảy ra thế nọ hoặc thế kia và định trước cách đối phó. Như câu 1, cho đi rằng mái tóc có thay đi nữa, lòng tơ cũng không dời; câu 3, cho đi rằng xương trắng quê người cũng không quản. Nhượng bộ ở đây có nghĩa là: trong khi nói, cái ý mình lùi lại một bước, nhường cho cái sự đi quá một bước.
Trong tản văn, khi ta dùng chữ dầu hay dẫu ở trước thì thường có chữ cũng theo sau. Vận văn vì số chữ và âm điệu trói buộc nên có khi không đưa chữ cũng vào được, nhưng câu nào đã có dầu hay dẫu theo nghĩa nhượng bộ thì đằng sau nó đều hàm có ý chữ cũng cả. Như hai câu trên mới vừa nát ra thành tản văn, câu nào cũng phải có chữ cũng thì nghĩa mới đầy đủ.
Tuy vậy, Truyện Kiều không phải là toàn những câu không có chữ cũng đi theo dầu hay dẫu đâu, có nhiều câu có, như những câu này:
1. Dầu khi lá thắm chỉ hồng, nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha;
2. Dẫu là đá cũng nát gan lọ người;
3. Dẫu sao cũng ở tay người biết sao;
4. Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên;
5. Dẫu rằng sông cạn đá mòn, con tằm đến chết cũng còn vương tơ;
Trong tản văn, ta hay nói "dầu muốn dầu không cũng...", "dầu sớm dầu muộn cũng...", trong một câu dùng chữ dầu hai lần và có chữ cũng theo sau, Truyện Kiều cũng có khi dùng như vậy: Phận hèn dầu rủi dầu may tại người, ta có thể thêm chữ cũng vào đó lắm: dầu rủi dầu may cũng tại người.
Nhân đó ta có thể nhận định rằng: chữ dầu hay dẫu ở trường hợp câu giả thiết với ở trường hợp câu nhượng bộ có sự phân biệt nhau tại chỗ này: trường hợp thứ hai thì có chữ cũng đi theo hoặc tỏ hoặc ngầm, mà trường hợp thứ nhất thì không có.
Đến chữ "mặc dầu". Nó cũng dùng trong câu nhượng bộ nhưng có ý khác một chút. Nó là bởi "dầu thế nào cũng mặc" mà nói tắt đi, chính trong nó đã có chữ cũng rồi, và có ý là "bất luận", không nói tới. Truyện Kiều có hai câu, nghĩa rõ ràng như thế:
1. Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa;
2. Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay.
"Mặc dầu" dùng như thế gần giống như "mặc kệ". Lại cũng có khi dùng độc một chữ dầu thì nghĩa lại giống như chữ "mặc".
Phận dầu dầu vậy cũng dầu;
Dầu lòng biển rộng sông dài thênh thênh.
Câu 1, chữ dầu thứ nhất có ý nhượng bộ nhưng không nói hết ý, chữ dầu thứ hai lắp lại chữ thứ nhất và chữ "vậy" để chỉ cái ý còn hàm súc đó, chữ dầu thứ ba, nghĩa như chữ mặc. Theo phép viết cho đúng thì phải viết: "Phận dầu... dầu vậy cũng dầu", nghĩa là dầu cái phận có như vậy nữa cũng mặc. Câu 2, dầu lòng tức là mặc lòng.
Theo như trên, trong chữ "mặc dầu" vốn đã có ý chữ cũng; nhưng trong tản văn hiện thời, mặc dầu ở trên ta đã có dùng chữ "mặc dầu" rồi, ở dưới cũng dùng được chữ "cũng" nữa, như nói: mặc dầu trời mưa, tôi cũng cứ đi. Khi nói như thế, chữ "mặc dầu" cũng chỉ như một chữ "dầu" mà thôi.
Tóm lại, chữ dầu hay dù hay dẫu ở trường hợp thứ nhất giống như chữ "si" trong tiếng Pháp, ở trường hợp thứ hai giống như bien que hay quoi que, còn mặc dầu giống như quoi qu'il en soit.
Viết thêm về sau
Về chữ bao chữ bấy:
Trong bài này, về chữ bao, chữ bấy, tôi cho là bởi bằng nào, bằng ấy, mà nói tắt đi. Khi viết ra, tôi chỉ lấy lý mà đoán như thế. Không ngờ đến sau gặp được một cái chứng cứ rất sống, rất sốt dẻo.
Ngày 9-6-1950, là ngày thứ bảy, tôi đi có việc đến Dốc Điệp, chỗ cách Đại Từ ba cây số về phía Nam, không có chỗ nghỉ, gặp một ông già người Thổ (Tầy) đưa vào trong làng. Đến nơi, là nhà ông, nghe ông nói chuyện với người khác, có câu thế này: "Anh ta (chỉ người nào đó) tưởng bằng ấy lâu tôi tiêu số tiền đã hết rồi". Ấy là dùng bằng ấy lâu thay cho bấy lâu.
Lại ngày 5-3-1951, nghe ông Thuyền, chủ nhà tôi trọ tại Cảm Nhân, hỏi một anh thanh niên câu thế này: "Anh bắn nỏ bằng nào xa?". Ấy là dùng bằng nào xa thay cho bao xa.
Hầu hết người Thổ nói tiếng Kinh đều trôi chảy, chỉ có một vài giọng hơi khác. Có người nói tiếng Kinh, lại còn sành hơn người Kinh chúng ta. Nhưng theo tôi thấy đại khái thì họ nói tiếng Việt xưa, còn từ ngữ nào đã đổi mới thì họ chưa biết mà dùng đến. Ấy là nói về tiếng dùng thông thường, chứ những danh từ mới về chính trị v.v... thì họ có học có nghe diễn thuyết nên biết mà dùng được cả.
Bằng nào, bằng ấy là tiếng Việt xưa sau, đã đổi ra bao, bấy rồi, mà người Thổ còn cứ nói bằng nào, bằng ấy.
Gần nay tôi lại còn thấy ra chữ đâu, để thay cho đằng nào, chữ đây thay cho đằng này, chữ đấy thay cho đằng ấy, tuy chưa có chứng cớ, nhưng cũng chắc không sai. Nó cũng theo một công lệ "nói tắt" như bao, bây, bấy.
Hai việc trên, khi gặp được, tôi ghi lập tức. Về sau mới viết thêm vào đây.
Tại Hán Đà, ngày 2-12-1951
Chú thích:
[1] Lê Cẩm: Quốc ngữ văn pháp.
Đề nghị về danh từ ngữ pháp I
Trong bài, dưới cái đầu đề "Thời gian và không gian trong ngữ pháp", tôi có dùng chữ "phó từ" (theo danh từ hiện hành phải nói là "trạng từ") và có chứa mấy dòng ở dưới, đại ý nói rằng từ ngày làm việc ngôn ngữ văn tự, về danh từ ngữ pháp tôi dùng theo danh từ hiện hành, nhưng thấy trong đó có một vài điều không đúng tôi muốn đề nghị xin sửa đổi, thì hôm nay tôi trình bày một phần cái đề nghị ấy ra đi.
Trước hết tôi phải thanh minh rằng tôi không có ý lập dị để phủ nhận những danh từ hiện hành ấy, nhưng tôi chỉ thật thà nói rằng hễ cái nào tôi thấy hợp lý thì tôi theo, còn cái nào thấy chưa hợp lý thì tôi muốn đưa ra để thảo luận rồi sửa đổi.
Cái tôi thấy hợp lý mà tôi theo, tức như trước kia, trong bài thuyết trình ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1948, tôi dùng chữ "văn pháp", nhưng sau đó tôi bỏ đi mà dùng chữ "ngữ pháp" theo danh từ hiện hành cho đến bây giờ.
Dùng chữ "văn pháp", tôi lấy lẽ rằng "sách mẹo" (nói theo Trương Vĩnh Ký) để dạy nói và viết cho đúng, mà viết (văn) trọng hơn nói (ngữ), cho nên dùng chữ "văn pháp" đắt hơn, vì cử cái trọng tự nhiên bao hàm được cái khinh. Nhưng sau khi nghe một người bạn bảo cho biết danh từ hiện hành là "ngữ pháp" và có nói rằng năm trên, sau một cuộc tranh luận khá lâu mới quyết định dùng chữ ấy, thì tôi ngẫm nghĩ mới thấy là đúng, từ đó, tôi tự đánh đổ cái lẽ đã lấy như trên mà tìm thấy một lẽ khác xác đáng hơn.
Truy nguyên ra, chữ "văn pháp" là do người Trung Quốc dịch ngữ grammar hay grammaire ra trước đây đến năm sáu chục năm. Lúc bấy giờ, ở nước Tàu, ngữ và văn còn chưa có cái khuynh hướng hợp nhất, họ nói bằng bạch thoại, viết bằng văn ngôn, mà họ cho viết trọng hơn nói, nên mới dịch là "văn pháp", ý muốn nói đây là phép tắc cho sự viết. Cuốn "sách mẹo" đầu tiên của Trung Hoa là cuốn Mã thị Văn thông, không nói "văn pháp" mà nói "văn thông", thì cũng là "văn", cùng một ý ấy.
May mắn cho tiếng nói nước ta không ở vào cái trường hợp ấy mà ở vào cái trường hợp ngữ văn hợp nhất, nói thế nào, viết thế ấy, như các thứ tiếng của các nước Âu châu.
Chữ "ngữ" tương đương với chữ langue trong tiếng Pháp: Pháp ngữ: Langue Françcaise; Anh ngữ: Langue Anglaise. Thứ tiếng nào đã là ngữ văn hợp nhất thì khi nói gọi là khẩu ngữ (langue parlée), khi viết gọi là bút ngữ (langue écrile), đều là "ngữ" cả. Vậy thì ngữ pháp tức là văn pháp, phép tắc cho sự nói tức là phép tắc cho sự viết, hễ nói đúng thì viết đúng. Và như thế, ở trường hợp tiếng Việt lại có cái lẽ của nó trái với trên; ngữ bao hàm được văn chứ văn không bao hàm được ngữ, cho nên nói "ngữ pháp" phải hơn là "văn pháp".
Cái điều tôi đem đề nghị ở đây là cái mà tôi thấy không hợp lý. Trước hết là chữ "tự" trong những cái danh từ: tự loại, danh tự, động tự, mạo tự v.v... chữ tự ấy không đúng với nguyên lý của ngữ pháp, thế nào cũng phải đổi làm chữ từ mới đúng.
Hết thảy danh từ ngữ pháp của ta đều dịch ở tiếng Pháp ra, vậy khi thảo luận về nó phải lấy nguyên lý ở ngữ pháp tiếng Pháp làm căn cứ. Lại khi lập nên danh từ ngữ pháp ta đều mượn ở chữ Hán, vậy phải lấy nguyên nghĩa chữ Hán làm căn cứ. Hai điều này rất chính đáng, tưởng chúng ta có thể phải đồng ý với nhau. Được rồi, ta đứng trên lập trường này mà thảo luận.
Danh từ hiện hành gọi là "câu tự loại" đó theo tiếng Pháp là gì? Là Les parties du discours. Trong tiếng Pháp chia làm chín từ loại cho nên nói les neuf parties du discours. Và discours là gì? Theo tự vị Larousse thì là la suite des mots qui forme le langage: sự nối tiếp nhau của những tiếng làm thành ngôn ngữ. Xin chú ý ở chỗ: Không nói "những tiếng làm thành ngôn ngữ" mà nói "sự nối tiếp nhau của những tiếng làm thành ngôn ngữ".
Những tiếng nối tiếp nhau đủ tỏ một ý tưởng thì tiếng Pháp gọi là gì? Gọi là proposition mà ta dịch là mệnh đề. Trong mỗi một mệnh đề có ba phần và mỗi một phần ấy tiếng Pháp gọi là một terme. Cũng theo tự vị: Terme là: un des élemént de la proposition: một phần tử của mệnh dề. Xin chú ý ở chỗ: Không nói mot là một phần tử của mệnh đề mà nói terme là một phần tử của mệnh đề.
Xem đó thấy trong ngữ pháp, cái địa vị của terme trọng yếu hơn mot lắm lắm. Bây giờ ta thử đi tới dần dần để tìm biết cái lẽ sở dĩ nhiên ấy và so sánh xem chữ "tự" hay chữ "từ" là đúng với nguyên lý.
Mở miệng ra thành tiếng, đó gọi là "tiếng", chữ Hán gọi là "âm", tiếng Pháp gọi là son. Tiếng Pháp là phức âm, cho nên một son hoặc nhiều hơn son hợp lại tỏ được một khái niệm, gọi là mot. Và mỗi cái tỏ được khái niệm ấy nói ra hay viết ra đều gọi là mot. Nhưng tiếng ta là đơn âm, một phần lớn mỗi tiếng đủ tỏ một khái niệm, và cái tiếng ấy viết ra gọi là "chữ", mà chữ Hán gọi là "tự". Tuy vậy, trong khi nói nếu chỉ dùng độc một tiếng, dù tiếng ấy đủ tỏ một khái niệm chăng nữa, người nghe cũng không hiểu là gì. Như khi ta vẫy một người mà nói độc một tiếng "lại", hay độc một tiếng "đây" thì người ấy chắc không hiểu được ý ra. Phải nói cả hai tiếng "lại đây" thì người ấy mới hiểu (trừ ra khi có hỏa hoạn mà la lửa! lửa! đã thành ước lệ ai cũng hiểu, không kể). Trong khi nói, dùng hai tiếng trở lên để đạt được ý như vậy người ta gọi là "lời". Tục ngữ có câu "ăn cho nên đọi, nói cho nên lời", vậy biết rằng khi nói cốt trọng ở lời chứ không trọng ở tiếng tức chữ. Chữ "lời" ấy theo chữ Hán là "từ", hợp hai ba tự mới thành một từ, tương đương với terme tiếng Pháp, hoặc một mot hoặc mấy mot hợp lại cũng gọi là terme.
Theo những điều vừa chỉ ra trên đây thì "tự" tức là mot, "từ" tức là terme. Và "tự" chỉ là hình thức của ngôn ngữ, mà "từ" mới là tinh thần của ngôn ngữ vậy. Nói một cách khác, "tự" chỉ là chất liệu rời rạc, mỗi một tự là một đơn vị của tự vị tự điển chứ không có công dụng mấy nổi trong ngữ pháp mà có công dụng lớn trong ngữ pháp là "từ"; từ là đơn vị trong ngữ pháp vì chính nhờ nó mà làm thành ngôn ngữ.
Muốn được càng rõ hơn, xin cử ra thêm một nghĩa này nữa dưới chữ terme trong tự vị Pháp: Les termes d'un syllogisme, les termes dont les idées combinées deus à deux forment les trois propositions: Các từ của tam đoạn luận, là các từ mà ý nó cứ hai cái một giao hỗ với nhau làm thành ba mệnh đề. Đây tuy nói về luận lý học nhưng cũng tương quan với ngữ pháp, vậy ta hãy đặt ra một cái tam đoạn luận để càng nhận thấy rõ cái giá trị của terme hay "từ" là dường nào:
Người ta phải chết; tôi là người ta; tôi phải chết.
Trong ba mệnh đề đó duy có "người ta" là hai chữ mà thôi, còn "phải", "chết", "tôi" đều chỉ có một chữ. Chỉ có một chữ mà cũng gọi là terme, đủ biết rằng trong ngữ pháp không kể phần chất liệu của văn tự mà chỉ kể phần công dụng của nó; gọi là terme hay "từ", cái chữ ấy là để biểu dương cái công dụng trong ngôn ngữ của nó ra. Đến đây, thấy rằng trong ngữ pháp chỉ có "từ" là đơn vị trọng yếu; còn "tự", hầu như nó không còn có địa vị nào ở đó.
Còn một lẽ này nữa tuy có hơi vụn vặt nhưng không phải là không đáng kể: Tiếng ta tuy là đơn âm, kỳ thực không hoàn toàn là đơn âm. Như "loét chét", "dửng dừng dưng", "lủng ca lủng củng"... hai, ba, bốn, chữ mới hợp thành một nghĩa (mỗi chữ riêng ra không có nghĩa gì cả, hay nếu có thì là nghĩa khác), những tiếng ấy không gọi là đơn âm được. Mỗi một âm của ta viết thành một chữ tức là "tự", mà nó đã hợp hai, ba, bốn "tự" mới thành một nghĩa thì không còn là "tự" nữa rồi, nó là "từ". Đây này: cái máng xối, cái cối đạp, con ngựa nhà trời[1], con chim bắt cô trói cột... những cái những con ấy mà gọi là "danh tự" thì oan nó quá: cái tên của nó là bằng một "từ" chứ có phải một "tự" đâu.
Căn cứ cái lý do trên đây, chữ "tự" đã dùng trong ngữ pháp mà bài này gọi là danh từ hiện hành ấy không còn viện lấy lẽ gì nữa mà không đổi làm chữ "từ", các tự loại phải đổi làm các từ loại; danh từ, động tự, mạo tự v.v... phải đổi làm danh từ, động từ, mạo từ v.v...
Nói đến cái danh từ "trạng từ". Chữ "tự" ấy đã phải đổi làm chữ "từ" rồi, chỉ chữ "trạng" còn nên đưa ra để thảo luận. Nên nói sớm rằng theo cái lẽ sẽ trình bày dưới đây thì "trạng từ" nên đổi làm "phó từ".
Trạng từ, do chữ adverbe dịch ra. "Trạng" là trạng mạo, trạng thái, nói Nôm là bộ, là cách, là dáng, như bộ đi, bộ đứng, cách nói, cách làm, dáng buồn, dáng vui, miêu tả cái "nhiên"[2[ của động tác và của chất, tính, sắc, thái thuộc về người hay sự vật, nghĩa chữ trạng chỉ có thể. Chỉ có thế thì không đủ để dịch chữ adverbe.
Theo ngữ pháp tiếng Pháp, adverbe chia ra nhiều thứ và ngữ pháp tiếng ta cũng thế. Trạng từ, như nghĩa chữ trạng đã giải ở trên, chỉ đủ để dịch một thứ là adverbe de manière (Việt Nam văn phạm gọi là trạng tự chỉ thể cách) mà thôi. Còn mấy thứ khác như adverbe de liu, adverbe de temps (Việt Nam văn phạm gọi là trạng tự chỉ không gian, trang tự chỉ thời gian)... chữ trạng không bao hàm nổi, vì mấy thứ adverbe này nó đã vượt ra ngoài cái "trạng".
Thử lấy những câu Truyện Kiều dưới đây mà xết thì đủ rõ. Như:
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham;
Hỏa bài tiền lộ ruổi mau;
Mồ hồi chàng đã như mưa ướt đầm;
Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây.
thì "sạch sành sanh" trạng cái động tác "vét"; "mau" trạng cái động tác ruổi; "đầm" trạng cái chất "ướt"; "phau" và "dầm" trạng cái sắc "bạc" và "đen": gọi là "trạng" được lắm. Còn như:
Tìm đâu cho thấy cố nhân;
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa;
Lễ nghi dàn trước, bác đồng phục sau:
Trong sao châu nhỏ doành quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điềm mới đông.
thì những chữ "đâu", "rày", "phỏng", "đã... chưa", "trước", "sau", ấy đều là adverbe nhưng không gọi là nó trạng các cái động tác "tìm", "xem", "cam", "dàn", "phục" được; và hai chữ "sao" cũng không gọi được là trạng cái tính "trong" và "ấm' của tiếng đàn. Nếu những adverbe này mà cũng gọi là trạng tự thì chỉ gọi một cách ép uổng chứ không đúng.
Nên nói thêm một lần nữa rằng trạng tự không dùng để dịch chữ adverbe được, vì chữ trạng nghĩa nó không bao hàm nổi hết thảy các thứ adverbe.
Có nhiều sách ngữ pháp chữ Hán gọi adverbe là "phó từ". Chữ "phó" đây tức là chữ phó đối với "chính". Nó có nghĩa là "phụ", như ta nói phụ giáo, phụ bút, phụ biện, cùng giữ một chức vụ với vai chính nhưng kém vai chính một bậc.
Theo ngữ pháp tiếng Pháp, adverbe dùng để "phụ" với danh từ, hình dung từ, làm sáng thêm nghĩa chúng nó ra. Thế thì trong khi danh từ hay hình dung từ làm vai chính, adverbe làm vai phụ, phụ tức là phó: gọi nó là "phó từ" ổn lắm.
Dùng chữ phó nó có nghĩa rộng bao hàm hết thảy các thứ adverbe, không thiên về chỉ một mặt như chữ trạng, vậy nên đổi "trạng tự" làm "phó từ".
Pronom, theo danh từ hiện hành dịch là "đại tự", tưởng nên đổi là "đại danh từ". "Đại" đây nghĩa là "thay". Đại danh từ nghĩa là thay cho danh từ, đủ ý và đúng nghĩa lắm. Còn chỉ nói "đại" mà bỏ chữ "danh" đi thì không đủ ý, không biết thay cho cái gì. Bớt đi một chữ thì cái danh từ cón gọn đôi chút, nhưng đã không đủ ý không đúng nghĩa thì cái danh từ ấy không có thể thành lập được vậy.
Adjectif, theo ngữ pháp tiếng Pháp là chỉ một tự loại rồi chia ra làm mấy thứ; nhưng theo danh từ hiện hành thì lại chai làm hai từ loại riêng biệt nhau: adjectif déterminatif gọi là "định tự"; adjectif qualificatif gọi là "tính tự". Chia ra và gọi như thế nghe cũng chưa ổn.
Sự chia làm hai loại này hình như là theo Việt Nam văn phạm. Việt Nam văn phạm chia như thế thành thử ngữ pháp tiếng Việt có cho đến mười ba từ loại. Có lẽ là nhiều từ loại hơn hết thảy trong các sách ngữ pháp của các thứ tiếng trên tiếng Hán. Thật chỉ làm thêm rộn trí mà không có ích gì. Cả cái vấn đề này một bài sau sẽ bàn đến.
Trong khi chưa dứt khoát, ở bài này, tôi tạm gọi adjectif là hình dung từ như trước kia quen gọi, vẫn biết gọi như thế cũng vẫn là chưa ổn.
Viết thêm về sau
Về adjectif:
Sau khi viết bài này, tôi mới nghĩ ra được rằng adjectif có thể dịch là định từ. Chữ "định" này có nghĩa như chữ định trong "định giá" hay "định nghĩa", mọi vật mọi sự được định cho sai biệt về hình dạng, tính chất, số lượng hoặc định cho vị trí về không gian, thời gian.
Như vậy, hết thảy mấy thứ adjectif đều gọi một tên chung là "định từ", rồi chia ra, như adjectif qualificatif thì gọi là "hình dung định từ", adjectif démenstratif thì gọi là "chỉ định từ".
Trong tiếng Việt không có adjectif posessif. Những ngữ như "cuốn sách của anh", "cái nhà của tôi" thì không liệt vào định từ mà liệt vào hạng danh từ có túc từ.
Tôi chỉ mới nghĩ phác được như thế, cốt tìm cho được một cái tên ổn hơn cái tên "hình dung từ" mà tôi cho là chưa ổn.
Năm 1951, ở trong Vụ Văn học nghệ thuật, nói chuyện về ngữ pháp với anh Phan Ngọc, anh nói muốn đổi hình dung từ làm "hạn định từ". Thấy giống ý kiến tôi, tôi reo lên và tán thành. Nhưng bàn với anh không cần có chữ "hạn", thì anh cũng đồng ý với tôi mà bỏ chữ "hạn", chỉ xưng là "định từ".
Cái tên "hình dung từ" do người Trung Quốc dịch từ lâu rồi, mấy chục năm nay các sách ngữ pháp Trung Hoa vẫn theo như thế. Theo ý tôi thì nó chỉ được adjectif qualificatif mà thôi, không bao hàm được mấy thứ adjectif khác, cũng như cái tên "trạng từ" không bao hàm được hết thảy các adverbe, cho nên tôi cho là chưa ổn.
Cuối năm 1951, vào chơi một cơ quan khác, tôi thấy trên bàn có tập báo "Nhân dân giáo dục" là tờ báo mới của Trung Quốc. Mở ra xem, gặp một bài nói về văn học, trong đó có một câu có chữ   (định từ) mà chua bằng chữ Tây là adjectif, thì ra cũng đã có người thấu như chúng tôi, đổi hình dung từ làm định từ rồi. Ở đó, muốn reo lên, không tiện, khi nào gặp anh Phan Ngọc, thuật lại chuyện này, tôi sẽ reo lên với anh.
Tại Bệnh viện Quẵng ngày 1-3-1952
Ngôn ngữ đổi làm ngữ ngôn
Ở Trung Quốc, từ lâu, dùng chữ "ngôn ngữ" dịch chữ langue, "ngữ ngôn học" dịch chữ linguistique. Nhưng ở ta thì nói "ngôn ngữ", "ngôn ngữ học". Từ năm 1948, tôi làm việc ở Ban Ngôn ngữ văn tự cũng dùng quen như thế.
Có một lần tôi muốn dịch chữ langage, định dịch là "ngôn ngữ", mà sợ nó trùng với ngôn ngữ là langue theo sự quen dùng của ta, tôi bèn tra Pháp Hoa tự điển thử xem. Thì ra họ dịch là "ngôn ngữ". Tôi nhận thấy họ có lý lắm: Có dùng "ngữ ngôn" mà dịch langue thì mới té chữ "ngôn ngữ" ra để mà dịch langage.
 
Tôi quan niệm như thế không đúng. Đó không phải là sự vụ lấy tiện lợi, mà là sự vụ lấy chính xác.
Trung Quốc từ xưa, chữ "ngữ" đã có nghĩa là tiếng nói (langue) rồi, đã có một bộ sách tên là Quốc ngữ (Langue nationale) rồi. Về sau, còn dùng để chỉ tiếng nói Giang Tô, Chiết Giang là Ngôn ngữ, tiếng nói Quảng Đông là Việt ngữ. Còn chữ "ngôn" (danh từ) chỉ là lời, lời nói thường. Theo phép cấu thành từ ngữ, phải đặt chữ có ý chính lên trên, chữ có ý phụ xuống dưới, cho nên langue là ngôn ngữ mà langue là ngữ ngôn.
Ta nói "ngôn ngữ", "ngôn ngữ học", đã làm choán mất phần, không còn có chữ gì để dịch chữ langage, đã đành, mà cái điều không đúng là trái với phép cấu thành từ ngữ.
Bởi những lẽ đó, tôi đề nghị đổi chữ "ngôn ngữ" làm "ngữ ngôn" trong khi nói langue, để phần "ngôn ngữ" cho chữ langage.
Gần nay, tôi đã bắt đầu dùng chữ ngữ ngôn để chỉ langue, ngữ ngôn học để linguistique mà không nói ngôn ngữ và ngôn ngữ học nữa.
Hà Nội, ngày 20-10-1954
Chú thích:
[1] Ở Trung Nam gọi con bọ ngựa là "ngựa nhà trời".
[2] Adverbe không miêu tả cái động tác và những cái chất, tính, sắc, thái thuộc về người hay sự vật, nhưng miêu tả cái gì của động tác và của tính chất, tính, sắc, thái thuộc về người hay sự vật. "Cái gì" ấy tôi tìm không ra tiếng để gọi, phải mượn chữ "nhiên" để gọi nó. Trong chữ Hán có một số nhiều adverbe đều có chữ "nhiên" theo sau một chữ khác để chỉ "cái gì" ấy, như ngẫu nhiên, đột nhiên, hốt nhiên, hân nhiên, nghiễm nhiên, uyển nhiên, hồn nhiên, đương nhiên, tự nhiên, ngạc nhiên, sốt nhiên, xán nhiên v.v... Và những adverbe ấy ta cũng thường dùng trong quốc ngữ.
Phụ lục
Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta
(Thuyết trình tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 16-7-1948)
Tôi không có cái học chuyên môn về văn pháp, vả lại không biết được nhiều thứ tiếng ngoại quốc, thế mà dám gánh lấy cái công việc khó khăn này đem trình bày trước các ngài, thật tôi tự biết là táo bạo quá. Chỉ bị bắt buộc phải có một cái thuyết trình về văn học ngày hôm nay mà tôi không biết nói cái gì, nhân gần nay có đọc được cuốn sách văn pháp của người Tàu, thấy cái phương pháp dạy rất hợp lý, muốn căn cứ vào đó để soạn văn pháp tiếng ta, đến nỗi quên cái việc mình làm là hấp tấp, mang nó ra giới thiệu cùng các ngài trong buổi họp văn hóa toàn quốc này.
Cuốn sách ấy nhan là Tân trước quốc ngữ văn pháp, dày hơn năm trăm trang, tác giả Lê Cẩm Hy, văn khoa, bác sĩ, xuất bản đã nhiều lần trong mấy chục năm nay và đã dùng dạy trong các trường trung học cho đến văn khoa đại học. Tôi sở dĩ căn cứ vào nó không phải vì khiếp cái quyền uy ấy, mà rất đồng ý với cái nội dung, huống chi tiếng ta và tiếng Tàu cùng một thứ tiếng đơn âm vả lại có chỗ giống nhau, thì mượn mà giúp cho nhau cùng có phần dễ.
Sách của người Tàu làm để dạy văn pháp tiếng Tàu, mà trong đó cái phương pháp lại dùng của người Tây. Như thế, có lẽ cái phương pháp ấy không lạ gì với các thính giả của tôi ở đây đều là người có nhiều Tây học chăng. Tôi lo lắm. Đời xưa có người nhà quê có con lợn cái đẻ mười con đều trắng đầu cả, anh ta nghe nói xứ Liêu Đông có nhiều nhà giàu thích mua của lạ, bèn gánh sang bán, không ngờ đến chợ Liêu Đông thấy nhiều lợn bán ở đó mà con nào cũng trắng đầu, anh phải cụt hứng mà gánh trở về. Tôi lo lắm. Rủi mà cái thuyết trình này của tôi lại là mười con lợn của anh nhà quê kia, thì tôi còn nguy hơn anh ta nữa, vì tôi không gánh nó trở về được.
Phương pháp này gọi là phương pháp dạy văn pháp theo "cú bản vị" và "đồ giải".
Cách sách văn pháp của các thứ tiếng trên thế giới từ trước đều làm theo lối "từ bản dị", nghĩa là lấy từ làm căn bản của văn pháp. Trước hết chia ra các từ theo từng loại, hết một phần lớn của cuốn sách, rồi sau đến phép đặt câu, chỉ một phần nhỏ thôi. Như thế là có ý trọng ở phần phân tích mà khinh ở phần tổng hợp.
Nhưng thấy nói, gần nay trong các nước Âu châu đã có những sách văn pháp làm theo lối khác, lối "cú bản vị", nghĩa là lấy câu làm căn bản của văn pháp. Trước hết dùng một phần lớn của sách dạy phép đặt câu, rồi một phần nhỏ sau mới chia loại các từ. Trái với lối trên, thế này lại trọng ở phần tổng hợp mà khinh ở phần phân tích.
Dạy theo lối sau, người ta lấy lẽ rằng cái công dụng của mỗi một từ phải là khi nó ở trong câu mới thấy được rõ. Vậy nếu khi chưa biết phép đặt câu mà cứ dạy cho phân tích các từ loại, kẻ học dù có biết được rành mạch chữ nào thuộc về từ loại nào chăng nữa, sự học cũng thấy vô vị, dễ chán. Chi bằng cho nghiên cứu phép đặt câu trước, nhân đó chỉ ra chức vụ, công dụng của mỗi từ và ghép nó vào loại nào, thì sự học sẽ thấy linh hoạt có hứng vị hơn nhiều.
Ấy là một sự tiến bộ về văn pháp học. Sự tiến bộ ấy, tôi tưởng phải được nhìn nhận ở giữa chúng ta. Văn pháp của tiếng nước ta từ trước đến giờ chưa có đủ điều kiện để thành lập. Ba mươi năm nay đã có mấy thứ sách văn pháp ra đời, đều làm theo lối "từ bản vị" nhưng đều chưa được người trong nước công nhận.
Tiếng nước ta viết thành chữ tuy đã lâu nhưng mới thông dụng bốn năm chục năm nay, cái quy luật của một thứ ngữ ngôn còn chưa đủ thì giờ để nhất định được, thì cái sự chưa thành lập được văn pháp vẫn không đáng trách. Tuy vậy, mấy thứ sách văn pháp đã ra đời mà chưa được công nhận đó thì lại có một phần lỗi ở chỗ theo lối "cú bản vị", nhất là theo sát với văn pháp tiếng Pháp, không hợp với tính chất riêng của tiếng ta.
Người Âu châu ngày nay làm sách văn pháp theo "cú bản vị", và văn cứ ở cái lý luận của họ như đã nói trên, nếu chúng ta cho là hợp lý thì văn pháp tiếng ta làm theo "cú bản vị" lại còn hợp lý hơn bội phần. Bởi vì, các thứ tiếng Âu châu, như tiếng Pháp, khi có nhiều tiếng có họ với nhau, thì mỗi chữ đều tự phân biệt ở cái đầu chữ, hoặc đuôi chữ, lại phân biệt ở giống đực giống cái, số một số nhiều, về động từ còn phân biệt ở "cách" và "thì". Do những sự phân biệt ấy, hình như chữ khác nhau, thấy thì biết công dụng khác nhau, không đem dùng lẫn lộn với nhau được, cũng vì vậy mà văn pháp của họ lúc đầu dễ dàng lắm mà chia ra từng loại. Thế mà họ còn bỏ "từ bản vị" đi để theo "cú bản vị" huống chi tiếng ta là thứ tiếng mà mỗi chữ, công dụng của nó chỉ có khi nào dùng vào trong câu mới phân biệt, chứ tự nó không phân biệt sẵn bởi hình của nó.
Như chữ "ăn", khi nghe một mình nó, ta có thể nhận cho là động từ được lắm, nhưng khoan đã. Vì còn nhiều khi nó vẫn mang cái hình ấy đứng trong những chỗ khác, như trong "nhà đủ ăn", "đứa bé háu ăn", "đồng tiền ăn sáu", thì nó lại thuộc về từ loại khác, hoặc là danh từ, hoặc là hình dung từ. Vậy thì chỉ có khi nào thấy chữ "ăn" dùng trong câu "tôi ăn cơm" - Vì đó quả là một câu - mới nên quả quyết nhận nó là động từ mà thôi.
Đối với một thứ tiếng có tính chất riêng như thế, mà sách văn pháp lại cứ bắt đầu chia ra từ loại, thì thật là xa với sự thực quá nếu không nói là vô lý. Mỗi chữ hay mỗi từ có thể thuộc về nhiều loại, ít nhất là hai loại, dùng cách nào mà chia? Sự chia không dứt khoát đã đành, mà còn sau khi chia, trong cuốn văn pháp ấy nếu có chín từ loại thì là chín đơn vị đứng riêng, không có liên quan với nhau, đọc xong chẳng thấy linh hồn của cuốn sách ở chỗ nào: không được công nhận cũng là phải.
Theo "cú bản vị" thì lấy tổ chức của câu làm gốc, làm phần chính trong sự dạy văn pháp. Bắt đầu từ câu ngắn rồi đến câu dài, từ câu đơn rồi đến câu kép, rồi sau nữa đến những câu ấy hợp lại mà thành một bài, một thiên.
Trong khi ấy mới tùy ở vị trí và chức vụ của từng từ mà quy nhập nó vào loại, và nhân đó mà nhìn rõ công dụng của nó, cả đến sự liên quan của câu này với câu kia, đoạn trên với đoạn dưới, cũng dần dần thể nhận và lĩnh hội được một cách hoàn toàn, không đến nỗi mập mờ hay hẩu lốn. Dạy cách ấy làm cho kẻ học chóng thông, rất có lợi cho sự nói và viết, và nhất là để nhìn thấy sự viết trúng hay viết trật trong khi đọc văn của mình hay của người. Điều này cũng ví như người thợ máy đã biết rõ chỗ then chốt của cái máy ở đâu và các bộ phận của nó tương quan như thế nào, thì một khi máy hỏng, khắc biết hỏng tại đâu mà chưa, hơn là người thợ chỉ mò mẫm ở từng cái răng cưa, từng cái dây sên, từng cái đinh ốc của máy.
Nói đến "đồ giải".
Muốn thực hành cái phương pháp dạy văn pháp theo "cú bản vị", không gì thích hợp bằng dùng phép "đồ giải". Nó cũng là phép đặt ra bởi người Âu châu mà ta đem châm chước ứng dụng theo các đặc điểm của tiếng bản quốc.
Ngày xưa trong các trường học dạy tiếng Pháp cũng có dạy phân tích từng chữ trong một câu viết ra trên giấy, kể rõ mỗi chữ thuộc về từ loại nào, giữ chức vụ gì trong câu. Phép đồ giải cũng hơi giống như thế, nhưng không phải viết suôn trên giấy mà là dùng phấn vẽ thành đồ trên bảng đen để làm cái việc phân tích.
Ta nói mỗi từ ở trong câu đều có vị trí, chức vụ, công dụng, quan hệ của nó, nói thế cho cặn kẽ đến đâu đi nữa là kẻ học cũng còn chưa lĩnh hội ngay được. Nhưng khi đem vẽ ra trên bảng đen thì rõ ngay.
Ấy là nhờ đã thấy cái vị trí của mỗi từ ở chỗ nào trong đồ, tự nhiên nhận biết được các cái khác của nó vậy.
Đến bậc học cao lên, chẳng những dùng "đồ giải" phân tích từng câu, hoặc đơn hoặc kép, mà có thể dùng để phân tích từng đoạn từng bài dài nữa. Một bài văn có sự sống và linh hoạt của nó, song dùng lời nói mà thuyết minh, dù thuyết minh khéo đến thế nào cũng gần như trừu tượng, chỉ có vẽ ra thành đồ mới thấy là cụ thể mà thôi. Ấy là cái mục đích gần nhất của phép "đồ giải", nó làm cho cái phương pháp "cú bản vị" được thực hiện một cách thỏa mãn.
Trên đó là nói về cái phương pháp căn bản. Từ đây bắt đầu nói về cái thứ tự dạy văn pháp theo phương pháp mới ấy.
Trước hết hãy làm cho kẻ học biết những điều này:
Một là: Phân biệt về tự, từ, ngữ, cú.
a. Tự và từ - "Tự", là từng chữ từng chữ rời ra. "Từ" là một lời để tỏ ra một khái niệm trong khi nói. Có khi một tự tức là một từ, vì chính nó đủ tỏ ra một khái niệm, như "người", "ngựa", "trắng", "khóc" v.v... Có khi phải hai từ trở lên mới đủ tỏ một khái niệm mà thành một từ, như "ông già", "bồ câu ra ràn", "trăng trắng", "hắt hơi" v.v... Văn pháp lấy từ làm đơn vị, không cứ một chữ hay mấy chữ, hễ đủ một khái niệm thì gọi là một từ. Vậy không nên tưởng mỗi tự nào cũng là một từ cả, để khỏi nhận lầm mỗi đơn vị ở trong câu.
b. Ngữ và cú - Hai từ trở lên hợp lại mà còn chưa thành câu thì gọi là "ngữ". Còn khi nói về sự vật nào mà chỉ rõ được những động tác, tính chất, tình hình của nó, đủ biểu thị được một ý hoàn toàn trong tư tưởng thì mới thành câu, tức là "cú". Vậy như "nước chảy" có thể là một câu, vì chỉ rõ được động tác của nước. Và trong câu ấy có hai từ mà mỗi từ là một tự. Lại như "đường sắt Hà Nội - Lào Cai bị phá cả" cũng là một câu, vì chỉ rõ được tình hình của đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Và trong câu này, chặng trên, dùng ba từ "đường sắt", "Hà Nội", "Lào Cai" họp lại thành một ngữ, chặng dưới, dùng hai từ "bị phá" "cả" để chỉ rõ tình hình: thế là câu ấy nhờ một ngữ hai từ kết hợp mà thành ra "cú" vậy. Vậy không nên coi những ngữ chưa thành câu là những cú, để được nhận định rõ ràng các điểm chủ yếu trong khi đặt câu và cũng rành rẽ trong khi chấm câu.
Hai là: Phân biệt chín thứ từ và thành phần trong câu
a. Chín thứ từ. - Tiếng nước ta có thể chia làm chín thứ từ gồm vào năm loại. Ấy là: 
1. Danh từ
2. Đại danh từ gồm vào loại Thực thể từ.
3. Động từ vào loại Thuật thuyết từ.
4. Hình dung từ
5. Phó từ gồm vào loại Khu biệt từ.
6. Giới từ
7. Liên từ gồm vào loại Quan hệ từ.
8. Trợ từ
9. Thán từ gồm vào loại Tình thái từ.
b. Thành phần của câu. - Hai phần khinh khí, một phần dưỡng khí hợp lại thành ra nước. Thế thì nói: trong nước có hai thành phần là khinh và dưỡng; hay nói: khinh và dưỡng là hai thành phần của nước. Đằng này, câu hay cú trong văn pháp cũng có thành phần như vậy.
Câu có ba thành phần hay kể tách ra làm sáu cũng được. Ấy là:
1. Thành phần chủ yếu, gồm có: g Chủ ngữ, dùng danh từ hay đại danh từ làm nên; d Vị ngữ, dùng động từ làm nên.
2. Thành phần liên đới, gồm có: g Tân ngữ, dùng danh từ hay đại danh từ làm nên; d Bổ túc ngữ, dùng danh từ, đại danh từ hay hình dung từ làm nên.
3. Thành phần phụ gia, gồm có: g Hình dung phụ gia ngữ, dùng hình dung từ làm nên, gọi tắt là hình phụ; < Phó từ phụ gia ngữ, dùng phó từ làm nên, gọi tắt là phó phụ.
Như thế, thành ra tuy có chín thứ từ gồm vào năm loại, mà thực ra chỉ có năm thứ từ gồm vào ba loại được kể làm thành phần của câu mà thôi. Còn bốn thứ từ thuộc vào hai loại kia tuy có giữ chức vụ trong câu nhưng không kể làm thành phần được.
Điều này nên biết rõ và nhớ kỹ trước khi đem thực hành phép "đồ giải".
Ba là: Định nghĩa chín thứ từ.
Đây chưa phải đã đến chỗ phân tích các loại từ tỉ mỉ đâu. Cũng như hai điều trên, cái mục đích chỉ là nói cho biết qua đại khái, để thuộc lòng các tiếng chuyên môn về văn pháp, ngõ hầu đi đến cái mục đích khác chú trọng hơn, là phép tổ chức câu và ghép "đồ giải".
Trên kia đã nói rõ số mục và danh xưng của các thứ từ rồi, đây là định nghĩa của mỗi thứ từ và về mỗi thứ cử ra một vài cái lệ.
I. Thực thể từ có hai thứ:
1. Danh từ là danh xưng của sự vật, dùng để biểu thị cái thực thể trong quan niệm của người nói. Như "súng", "mặt trời".
2. Đại danh từ dùng để thay thế cho danh từ. Như: "tôi" vác súng; "nó" (chỉ mặt trời) là "cái gì" - "tôi", thay cho tên họ người nói; "nó", thay cho cái vật tròn, đỏ, sáng và nóng ở trên trời; "cái gì", thay cho cái danh xưng mà người nói chưa biết.
II. Thuật thuyết từ có một thứ:
Động từ còn chia ra nội động và ngoại động, dùng để tự thuật những động tác của sự vật. Như: Những người thợ đang "đúc" súng; mặt trời "mọc" rồi.
Ngoài ra còn một thứ cũng thuộc về động từ, nhưng gọi là chuẩn động từ, dùng để thuyết minh cái tính chất hình trạng của sự vật. Vì nó không tự thuật những động tác nên không được gọi hẳn là động từ, nhưng nó thuyết minh chủ ngữ là thế nào, thì công dụng của nó cũng như động từ, cho nên được coi như là động từ vậy. Như: Súng "là" vật giết người; lửa "có" khói, mặt trời "giống" lửa. Ba chữ "là", "có", "giống", đó tức là chuẩn động từ.
Lại hết thảy hình dung từ khi được dùng làm thuật thuyết từ, ở cái địa vị vị ngữ, thì cũng coi như chuẩn động từ cả. Như: Khẩu súng này "nặng" lắm; mặt trời "đỏ" quá.
III. Khu biệt từ, cũng có hai thứ:
1. Hình dung từ, dùng để khu biệt những hình trạng, tính chất, số lượng, địa vị của sự vật, nên phải phụ gia nó vào danh từ. Như: "một" khẩu súng "lớn"; "cái" mặt trời "sáng chói" "kia".
2. Phó từ, dùng để khu biệt hoặc hạn chế một lần nữa những động tác, hình trạng, tính chất của sự vật, nên phải phụ gia nó vào động từ, hình dung từ hoặc phó từ khác. Như: Người thợ "vội vã" đúc những khẩu súng "rất" lớn; mặt trời "còn" chưa mọc.
IV. Quan hệ từ, cũng có hai thứ:
1. Giới từ, dùng để giới thiệu danh từ hoặc đại danh từ đến với động từ, danh từ hoặc đại danh từ khác để tỏ ra sự quan hệ giữa chúng nó với nhau. Như: Người thợ đúc súng "bằng" gang; mặt trời mọc "từ" phương đông; vườn hoa "của" thành phố; cuốn sách "của" tôi.
2. Liên từ, dùng để làm dính nhau tự với tự, từ với từ, cú với cú, để tỏ ra sự quan hệ giữa chúng nó. Như: Đồng "và" sắt đều để đúc súng được; "tuy" trời đã sáng rồi "nhưng" mặt trời còn chưa mọc.
V. Tính thái từ, cũng có hai thứ:
1. Trợ từ, dùng vào đằng sau từ, ngữ hoặc cú, để biểu thị cái thần tình, thái độ trong lúc nói. Thứ từ này không có ý nghĩa gì lắm, chẳng qua để thay cho một thứ phù hiệu nào đó thôi. Như: Có súng "à"? thế thì ta bắn "vậy"; mặt trời còn đợi đến bao giờ mới mọc "ư".
2. Thán từ, dùng để nhại theo một thứ thanh âm biểu bình trong lúc nói. Nó cũng không có ý nghĩa gì lắm, chỉ chữ cái chức vụ truyền thanh cho nên thường không phụ thuộc vào trong câu. Như: "Thôi rồi!" khẩu súng hỏng rồi; "ối dà dà"! mặt trời gay gắt quá.
Mọi sự dự bị như trên kia cũng tạm gọi là đủ rồi, bây giờ đi đến chỗ thực hành. Cái khẩu hiệu của sự thực hành này là:
"Cú pháp" đi với "đồ giải".
Trên kia nhiều lần nói đến "phép đặt câu", "tổ chức câu", song ở đây phải trịnh trọng gọi nó là "cú pháp". Cú pháp tức là luật của cú hay câu, câu dù biến hóa thế nào mà cái luật của nó phải nhất định. Dạy văn pháp là dạy lấy cái luật nhất định ấy.
Đã biết trong câu có thể có đến sáu thành phần rồi, bây giờ cắt nghĩa mỗi thành phần cho rõ ràng và cắt nghĩa đến đâu vẽ thành đồ đến đó.
I. Thành phần chủ yếu: chủ ngữ và vị ngữ.
1. Chủ ngữ - Khi nói, phải là nói về "cái gì", ấy tức là "chủ thể" trong câu. Chủ thể hoặc là người, hoặc là sự vật. Cái từ chỉ về chủ thể ấy gọi là "chủ ngữ", chủ ngữ đã đứng đại biểu cho người hoặc sự vật là chủ thể, cho nên thường phải dùng thực thể từ là danh từ hay đại danh từ.
Nhưng "cái gì" ấy phải nói nó "thế nào" mới được chứ. Nếu không nói rõ nó "thế nào", "cái gì" tức là chủ thể ấy chỉ là một khái niệm đứng trơ mà không phải là một tư tưởng biểu thị ra với sự hoạt động, không thành câu được, cho nên sau chủ ngữ phải có tiếp theo một vị ngữ.
2. Vị ngữ, nghĩa là dùng một thứ từ khác để thuật thuyết cái "thế nào" của chủ ngữ ấy. Thứ từ dùng làm vị ngữ thường là động từ, cho nên động từ gọi là thuật thuyết từ. Như: Súng "nổ"; mặt trời "mọc".
Đồ giải:     Súng || nổ              Mặt trời || mọc
("Đường ngang dài" đội lấy "đường đứng kép" hơi thò xuống, chủ ngữ ở bên tả, vị ngữ ở bên hữu, đó là phần cốt tử, rồi sau còn gì nữa, cứ dần dần cho thêm vào).
Vậy thì chủ ngữ và vị ngữ, hai cái nếu thiếu một thì không thành câu, cho nên hai thành phần ấy gọi là thành phần chủ yếu.
II. Thành phần liên đới: Tân ngữ và bổ túc ngữ.
1. Tân ngữ - Trong một câu có thành phần liên đới hay không có, là quyết định ở thứ vị ngữ nào đã dùng. Như hai cái cử lệ trên sở dĩ thành câu được là vì "nổ" và "mọc" đều là nội động từ, sự động tác từ trong phát ra là đủ. Nhưng khi nào sự động tác có chạm đến vật khác ở ngoài thì vị ngữ phải dùng ngoại động từ.
Thứ tự này bao giờ cũng đòi một thực thể từ theo sau nó, tức là cái nó chạm đến. Cái thực thể từ ấy gọi là tân ngữ. Như: Tôi ăn "cơm".
Đồ giải:     Tôi    ||    ăn || cơm
(Thêm "đường đứng đơn" trên "đường ngang dài" sau vị ngữ, rồi đặt tân ngữ bên hữu nó Tân ngữ, "tân" nghĩa là "khách", dịch chữ object của tiếng Anh, đối với chủ ngữ là subject. Là khách đối với chủ, cho nên tân ngữ và chủ ngữ bao giờ cũng không là đồng một vật, và vị ngữ giữa nó phải là ngoại động từ. Xem đến bổ túc ngữ sau đây càng rõ).
Thế là "cơm" làm tân ngữ đi theo ngoại động từ "ăn" khi nó làm vị ngữ, là một thành phần liên đới.
2. Bổ túc ngữ - Có khi cái chủ ngữ không động tác gì mà chỉ cần thuyết minh nó "là" cái gì, "có" cái gì, "giống" cái gì, thì khi ấy phải dùng chuẩn động từ làm vị ngữ. Những chuẩn động từ ấy có đeo theo thực thể từ làm bổ túc ngữ (trừ ra thứ chuẩn động từ làm bằng hình dung từ thì không có). Như: Thợ "là" người lao động; lửa "có" khói; mặt trời "giống" lửa.
Đồ giải:     Thơ     ||     là người lao động
                Lửa     ||     có khói; mặt trời     ||     giống lửa.
Cái dấu hiệu bổ túc ngữ đặt cùng chỗ với tân ngữ, chỉ khác là dùng cái "đường vạch xế", xế tả hay xế hữu đều được).
Nhưng không phải chỉ chuẩn động từ mới có bổ túc ngữ thôi đâu. Có một số nội động từ hay làm cho chủ ngữ biến hóa ra một sự vật khác, thì nó cũng đeo theo bổ túc ngữ. Như: Con tằm hóa "con nhộng"; người thợ trở nên "nhà tư bản".
Đồ giải theo y như trên. Thứ nội động từ này gọi là nội động từ bất hoàn toàn, hơi giống ngoại động từ, nhưng nó không theo luật tân ngữ được, vì chủ và khách vốn là đồng một vật: con nhộng trước là con tằm, nhà tư bản trước là người thợ. Lại có một số ngoại động từ đã có đeo theo tân ngữ rồi, còn đeo theo thêm bổ túc ngữ nữa. Như: Họ mời tôi "diễn thuyết"; tôi ưa nó "thật thà"; người ta cử tôi "làm" "đại biểu", thì đồ giải phải là:
Họ     ||     mời tôi diễn thuyết
Tôi     ||     ưa nó thật thà
Người ta     ||     cử tôi làm đại biểu.
(Cũng thêm cái dấu hiệu bổ túc ngữ sau tân ngữ. Chỉ câu lệ thứ ba, trong bổ túc ngữ (làm) lại còn có bổ túc ngữ (đại biểu) nữa, cho nên thêm một "vạch xế ngắn").
III. Thành phần phụ gia:
Hình dung phụ gia ngữ và phó từ là phụ gia ngữ.
1. Hình dung phụ gia ngữ. - Không cứ chủ ngữ tân ngữ hay là bổ túc ngữ, hễ chúng nó đã làm bằng thực thể từ thì đều có thể thêm cho hình dung từ làm phụ gia ngữ cả. Như: "Sáu" anh dân quân "mạnh mẽ" khiêng "một" khẩu súng "lớn".
Đồ giải:     Anh dân quân     ||      khiêng | khẩu súng
                Sáu → mạnh mẽ một lớn
(Bốn thành phần kia đều ở trên "đường ngang dài", đến hai thành phần phụ gia thì ở dưới. Dấu hiệu hình dung phụ gia ngữ là "đường vạch xế tả" ở dưới "đường ngang dài").
Lại, thực thể từ cũng có khi dùng làm hình dung phụ gia ngữ được. Là khi chúng nó nhờ giới từ làm cho biến tính thành ra hình dung từ để làm phụ gia ngữ cho thực thể từ khác. Như: Sinh hoạt "của cá nhân" tùy theo hoàn cảnh "của xã hội", sợi dây "bằng đồng" vướng chân "của tôi".
Đồ giải:     Sinh hoạt     ||     tùy theo | hoàn cảnh
               cá nhân  | của                  xã hội |       của
               cá nhân  | của                  xã hội |       của
                    Sợi dây      ||      vương | chân
               đồng | bằng                      tôi | của
               đồng | bằng                      tôi | của
(Dấu hiệu của hình dung phụ gia ngữ làm bằng thực thể từ là: "đường ngang ngắn" gặp "đường đứng" bên hữu nó làm nên góc thước thợ, rồi thực thể từ nằm trên "đường ngang ngắn", giới từ đứng bên "đường đứng").
Nhưng những giới từ như "của", "bằng" ấy có nhiều khi bỏ đi được, mà cái thực thể từ đáng lẽ có nó giới thiệu cũng vẫn ở nguyên cái vị trí ấy và làm hình dung phụ gia ngữ như thường.
2. Phó từ phụ gia ngữ - Đối với một vị ngữ trong câu; nếu cần thêm cho nó cái ý tu sức hay hạn chế, phải dùng phó từ, cho nên cái phần phụ gia ấy gọi là phó từ phụ gia. Như: Vệ quốc đoàn "hăm hở" giết giặc; Việt Nam "chưa" độc lập "hoàn toàn".
Đồ giải:     Vệ quốc đoàn     ||     giết giặc
                                                           | hăm hở
                                                           |   hăm hở
              Việt Nam    ||    độc lập  --------
                                          | chưa             | hoàn toàn
                                          | chưa             |   hoàn toàn
(Dấu hiệu của phó từ phụ gia ngữ là: "Đường vạch xế hữu" ở dưới "đường ngang dài").
Nhưng phó từ chẳng những tu sức cho động từ thôi đâu, nó còn tu sức cho hình dung từ hoặc phó từ khác nữa. Cho nên ngoài sự làm phụ gia ngữ cho vị ngữ, nó còn làm phụ gia ngữ cho hết thảy phụ gia ngữ khác trong câu. Như: Chính phủ "rất" sáng suốt, "rất" cương quyết, "quyết" không nhận những điều kiện "rất" hà khốc.
(Khi phó từ làm phụ gia ngữ một lần nữa, dấu hiệu của nó là một "cái ngoặc" ở dưới "đường vạch xế").
Lại, thực thể từ cũng có khi nhờ một giới từ giới thiệu đến với vị ngữ để tu sức hoặc làm lọn nghĩa vị ngữ ấy. Thế rồi những thực thể từ được giới thiệu ấy đều biến tính thành ra phó từ mà làm phụ gia ngữ của vị ngữ. Như: Anh em thợ "đương mùa nồng nực này" "ở bên cạnh lò lửa" "dùng các thứ đồng, gang, sắt" đúc súng đạn "cho chúng ta".
(Dấu hiệu của phó từ tự phụ gia ngữ làm bằng thực thể từ là: "đường ngang ngắn" gặp "đường đứng" bên tả nó làm nên góc thước thợ, phản đối với dấu hiệu của hình dung phụ gia ngữ làm bằng thực thể từ.
Đến đây sinh ra một vấn đề. Trong câu cử lệ vừa rồi dùng bốn giới từ "đương", "ở", "dùng", "cho", nhưng duy có "cho" đi sau vị ngữ "đúc", đi trước "chúng ta", nhân đó sinh ra cái vấn đề "tân ngữ trực tiếp và tân ngữ gián tiếp".
Theo văn pháp tiếng Pháp thì cái từ "chúng ta" đó là tân ngữ gián tiếp, vì có giời từ "cho". Nhưng theo phương pháp này thì chỉ có một tân ngữ đi theo vị ngữ là ngoại động từ mà thôi, chứ không kể trực tiếp gián tiếp gì cả, lấy lẽ rằng làm như văn pháp tiếng Pháp thêm rộn mà vô ích, còn làm như thế này rất có lý mà giản tiện hơn.
Như trong câu này, "đương" để chỉ đúc lúc nào, "ở" để chỉ đúc chỗ nào, "dùng" để chỉ đúc bằng gì, "cho" để chỉ vì ai mà đúc: cả bốn giới từ đều có chung một chức vụ làm giới thiệu cho thực thể từ đến với vị ngữ "đúc" cả, thì sao lại tách riêng ba chữ "cho chúng ta" ra làm tân ngữ gián tiếp làm gì? Có hai tân ngữ lòng thòng đằng sau câu thì nhiều khi đến khó xử trí. Chi bằng cho cái tân ngữ thứ hai ấy vào thành phần phụ gia, kể như là phó từ phụ gia, có phải gọn gàng và dứt khoát hơn không?
Xin cử thêm vài cái lệ nữa cho thấy cải cách này là rất hợp lý. Như: Vợ gửi thư "cho chồng"; tôi ăn phở "ở quán bình dân"; họ làm giấy "bằng dó".
Đó là những câu mà vị ngữ làm bằng ngoại động từ, đến đây vị ngữ bằng nội động từ, cũng thế, không có tân ngữ chứ đừng nói gián tiếp. Như: Mặt trời mọc "từ phương đông"; chim bay "về núi".
Gửi cho ai? Cho chồng. Ăn ở đâu? Ở quán bình dân. Làm bằng gì? Bằng đó. Mọc từ đâu? Từ phương đông. Bay về đâu? Về núi. Cả 5 giới từ "cho", "ở", "bằng", "từ", "về" đều dính với năm cái động từ làm vị ngữ là "gửi", "ăn", "làm", "mọc", "bay" cả. Thế thì nhận cho nó và thực thể từ đi theo nó làm thành phần phụ gia coi như phó từ, giúp cho vị ngữ là phải lắm, hợp lý lắm.
Văn pháp làm theo hệt lối tiếng Pháp, nhiều khi đến bất thông, nhân đây tôi kể ra vài điều.
Vào khoảng ba mươi năm trước, có một cuốn Mẹo tiếng Việt Nam ra đời. Trong đó có mục "túc từ gián tiếp", tác giả dựng một cái thuyết rằng: Có những túc từ gián tiếp mà theo thói quen bỏ bớt giới từ đi. Như nói: "Tôi nhớ nhà", đáng lẽ phải nói "tôi nhớ nơi nhà" - vì Truyện Kiều cũng nói "nhớ nơi kỳ ngộ" - mà đã bỏ bớt giới từ "nơi" đó. Thuyết ấy không đúng. Tiếng ta có thể dùng chữ "nơi" như vậy đâu, chỉ nói "tôi nhớ nhà" là đủ rồi. Chắc tác giả muốn cưỡng bách động từ "nhớ" của ta phải giống như verbe penser của tiếng pháp thường có chữ "à" theo sau nó, còn câu Truyện Kiều cử ra đó, chữ "nơi" là danh từ, nói "nhớ nơi" cũng như nói "nhớ nhà" vậy thôi, chứng cứ là ở trên còn có nói "nhớ cảnh, nhớ người" nữa.
Lại gần nay có cuốn Việt Nam văn phạm, do ông Trần Trọng Kim cùng làm với ông Phạm Duy Khiêm, trong đó cũng có chỗ nói về "túc từ trực tiếp và gián tiếp", tác giả cử lệ rằng: Nói "cuốn sách anh Sửu" là trực tiếp, nói "những sách của tôi" là gián tiếp. Cũng lại không đúng nữa. Một cái cử lệ này phạm cho đến hai điều lỗi.
Khi người ta nói "cuốn sách anh Sửu" là lược bớt giới từ "của" giữa nó đi, cũng như nói "cha tôi, mẹ tôi", phải đều là "cha của tôi, mẹ của tôi". Vậy, sao lại gọi là trực tiếp được? Hỏi vặn thế này thì người lập luận phải bí: Trong cái lệ "những sách của tôi" mà ông cho là gián tiếp đó, há lại không bớt được chữ "của" mà nói "những sách tôi" hay sao?
Cái lỗ thứ nhất ấy thấy có người đã vạch ra trong báo Thanh Nghị. Nhưng còn cái lỗi thứ hai này nữa: Khi nói túc từ trực tiếp hay gián tiếp là khi đã thành câu rồi kia: chứ còn như hai cái lệ cứ ra đây nó chỉ là một "ngữ", là danh từ có túc từ, chẳng có trực tiếp gián tiếp gì cả.
Nếu còn để có tân ngữ gián tiếp thì sợ không khỏi có những cái nhố nhăng làm trò cười ấy, cho nên ở đây quyết bỏ đi, coi nó như phó từ và cho vào thành phần phụ gia vậy.
Sau cùng, cái công thức của phép đồ giải.
Cái khẩu hiệu "cú pháp đi với đồ giải" thực hiện ra đến đây tạm gọi là đủ, vì sáu thành phần của câu đã được chỉ ra cả rồi. Bây giờ xin tóm lại, đưa ra một cái công thức của phép "đồ giải", mà vì đây là khái luận về phương pháp, cho nên cái "công thức” chỉ có về đơn mà thôi. Theo đây, dùng một cái "tổng đồ giải" để biểu hiện cái công thức ấy.
Thuyết minh: "Tổng đồ giải" này lấy "đường ngang dài" làm "đường ngang cốt tử", trên nó có hai phần:
Từ "đường đứng đơn" giở sang bên tả, giữa có "đường đứng kép", là thành phần chủ yếu, chia ra:
1. Chủ ngữ, dùng thực thể từ, tức là: d Danh từ, Đại danh từ.
2. Vị ngữ dùng thuật thuyết từ, tức là: d ngoại động từ, nội động từ, chuẩn động tự, chuẩn động từ làm bằng hình dung từ.
3. Từ "đường đứng đơn" sang bên hữu là thành phần liên đới, chia ra:
Tân ngữ, chỉ có ngoại động từ đeo nó;
4. Bổ túc từ, chỉ có chuẩn động từ đeo nó; cả hai đều chỉ bằng mũi tên đen.
Còn ngoại động từ và nội động từ hoặc có khi đeo bổ túc ngữ, thì chỉ bằng mũi tên trắng.
Dưới "đường ngang cốt tử" là thành phần phụ gia, dùng khu biệt từ, chia ra:
5. Hình dung phụ gia ngữ, tức là: t hình dung từ hoặc thực thể từ nhờ giới từ giới thiệu;
6. Phó từ phụ gia ngữ, tức là: t phó từ hoặc thực thể từ nhờ giới từ giới thiệu. Đó là phần từ: đường đứng đơn" giở sang bên tả.
Dưới "đường ngang cốt tử", từ "đường đứng đơn" giơ sang bên hữu, hoặc có đủ hai thứ phụ gia ngữ (5) và (6), đó là thuộc về tân ngữ và bổ túc ngữ theo sau ngoại động từ, nội động từ và chuẩn động từ, hoặc chỉ có một phụ gia ngữ (5), đó là thuộc về chuẩn động từ làm bằng hình dung từ, nó chỉ có thể có phó từ phụ gia ngữ mà thôi.
Đó, cứ như cái công thức tổng đồ giải đó, thì có thể nhận ra mỗi từ ở trong câu là thuộc về loại nào. Ấy là: chỉ có danh từ, đại danh từ, động từ (và hình dung từ khi làm bổ túc ngữ) mới nằm trên đường ngang dài và ngắn; còn hình dung từ nằm trên đường vạch xế tả, phó từ nằm trên đường vạch xế hữu, đến như giới từ thì đừng bên cạnh đường đứng gặp đường ngang ngắn làm nên góc thước thợ.
Trong công thức chia làm hai phần lớn do cái đường ngang cốt tử. Trên đường ngang cốt tử là hai thành phần chủ yếu và liên đới, dưới nó là thành phần phụ gia.
Còn liên từ, trợ từ, không quan hệ với đồ giải lắm, nên chưa nói đến.
Trên kia có nói, khi đã vẽ ra đồ, nhìn vào đó thấy cái vị trí của mỗi từ ở chỗ khác, nhận biết được chức vụ và công dụng của nó, thật quả như vậy.
Muốn có cái gì làm kết luận, tôi xin trình các ngài một sự nhận xét. Học văn pháp để mà nói và viết cho đúng. Song viết, không những cậy ở văn pháp thôi đâu, còn cậy ở luận lý học và tu từ học nữa. Thế nhưng văn pháp lại có quan hệ với luận lý học và tu từ học.
Cứ theo cái công tác tổng đồ giải đây, phần trên, trên "đường ngang cốt tử" quan hệ với luận lý; phần dưới, dưới "đường ngang cốt tử", quan hệ với tu từ. Xin cử ra đây mấy cái lệ để chứng minh điều đó.
Giá dụ có hai câu: 1. Vua Quang Trung tức là Nguyễn Huệ; 2. Tôi là nhà văn; nếu đem vẽ nó ra theo phép "đồ giải", có phải hết thảy những từ của hai câu đều nằm trên "đường ngang cốt tử" cả không? Thế nhưng câu 1 đúng với luận lý, mà câu 2 có phần không đúng.
Ấy là lấy luật "chuyển đầu" của luận lý học làm tiêu chuẩn. Câu 1 có thể đảo ngược lại mà nói "Nguyễn Huệ tức là vua Quang Trung", không có khác nghĩa một tý nào cả. Nhưng câu 2 nếu đảo lại mà nói "nhà văn là tôi", thì cái chỗ không đúng của nó phơi ra dễ thấy lắm, vì "nhà văn" còn có nhiều người, có phải một mình "tôi" đâu. Thế thì muốn cho đúng, không nên nói "tôi là nhà văn" mà phải nói "tôi là một nhà văn".
Phần dưới quan hệ với tu từ học là vì những cái ý nhị, màu mè, bay bướm của văn chương hầu hết ở phần ấy cả. Thử lấy ra một đoạn này trong Truyện Kiều:
Lần thâu gió mát trăng thanh,
Một đoạn bốn câu lục bát ấy nếu đem vẽ ra theo "đồ giải" thì chỉ có bốn chữ "có khách sang chơi" là thành phần chủ yếu nằm trên "đường ngang cốt tử" mà thôi, còn kỳ dư đều phải đặt ở dưới cả, coi như hình phụ hay phó phụ cả. Nhưng đoạn ấy sở dĩ hay, đọc lên thấy cái vẻ hùng vĩ của người khách sang chơi ấy, là toàn nhờ ở cái phần phụ gia đó. Cái ý nhị, màu mè, bay bướm của văn chương là ở đó, cho nên nói phần dưới quan hệ với tu từ học.
Cái kết luận này tôi chỉ có ý tỏ ra rằng theo phép "cú pháp đi với đồ giải" có thể chỉ cho kẻ học thấy phần nào quan hệ với luận lý, phần nào quan hệ với tu từ, để mà chú ý làm cho bài văn của mình được đúng được hay, chứ không có ý nói cái phương pháp dạy văn pháp mà tôi đưa ra đây có thể chiếm lãnh cả địa bàn của luận lý học và tu từ học đâu.
25/12/2004
Phan Khôi
Nguồn: Nxb Đà Nẵng, 1997
Theo http://www.talawas.org/

x

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh 11 Tháng Mười, 2022 Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chấ...