Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Tuyên ngôn sáng tác của Nguyễn Du

 Tuyên ngôn sáng tác của Nguyễn Du

Những nhà văn, nhà thơ lớn, ý thức đầy đủ về sự nghiệp lập ngôn, trước tác, thường đều có tuyên ngôn sáng tác. Tuyên ngôn đó, hoặc viết thành văn bản riêng, hoặc nôm ngay trong tác phẩm sáng tạo, ẩn giấu hay bộc lộ, gián tiếp hay trực tiếp, nhằm nói lên ý đồ hay quan niệm, cương lĩnh hay phương pháp sáng tác của nghệ sĩ.
Thi hào Nguyễn Du của chúng ta, ý thức sâu sắc và nhức nhối hơn ai hết về sự nghiệp "văn chương" của mình, không thể không có tuyên ngôn sáng tác.    
Mở đầu Truyện Kiều, ông viết:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Và ông kết thúc tác phẩm:
Lời quê chấp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Theo ý tôi, chẳng thể xem đó là những lời mở đầu và kết thúc  hình thức, mà đó chính là những lời tuyên ngôn sáng tác của Nguyễn Du, trong đó được nêu lên ý đồ sáng tác và cả một số đặc trưng chủ yếu của phương pháp sáng tác của nhà thơ, phương pháp hiện thực chủ nghĩa. Điều đặc biệt đáng chú ý là hầu hết những ý trên đây trong Truyện Kiều đều được lặp lại trong Thơ chữ Hán là trong Bắc hành tạp lục. Chẳng hạn, câu thơ cô đọng:
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Đã được ghi lại trong bài thơ Mộ Ti Can:
Mục trung sở xúc năng vô lệ
(Những điều trông thấy không thể không làm rơi nước mắt).
TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA
Dường như đây là lần đầu tiên một nhà thơ Việt Nam khẳng định rõ ràng dứt khoát rằng ông viết về "những điều trông thấy" «ở đây và bây giờ». Ở đây, tức là «trong cõi người ta», trong xã hội trần gian này, bây giờ hay lúc này tức là trong khoảng «trăm năm» của một đời người. Trong Thơ chữ Hán, Nguyễn Du cũng nhiều lần nhắc những chữ mục trung, sở kiến, cũng như nhân sinh bách niên, thậm chí có bài thơ ông lấy hẳn  nhan đề là Sở kiến hành (Bài hành về những điều trông thấy). Còn như trong Truyện Kiều thì ông viết nhiều lần những chữ đây và bây giờ.
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây
Hay:
Mười lăm năm mới bây giờ là đây
Thế nhưng, điều oái oăm là ở chỗ Nguyễn Du trong phần lớn sáng tác của mình lại kể chuyện người xưa và ở nước ngoài. Tại sạo như vậy? Đây chính là vấn đề đặt ra trước tiên cho chúng ta giải quyết. Nhưng không ai khác hơn là chính Nguyễn Du đã giải đáp rõ ràng. Trong Thơ chữ Hán, ông nhắc đi nhắc lại mấy làn cái kế "tàng sinh" của ông:
Ở đất khách giả vụng về để phòng thói tục
Gặp đời loạn vì muốn giữ toàn sinh mệnh nên luôn luôn sợ người ta.
Cái mà Nguyễn Du rất sợ chính là cái án «yêu thư yêu ngôn», búa rìu kiểm duyệt phong kiến. Có điều là ông luôn luôn mặc nhiên liên hệ chuyện xưa với chuyện nay, chuyện nước ngoài với chuyện trong nước. Chẳng hạn, khi ông viết:
Thường nghe nói đất Trung Hoa ai cũng no ấm
(Không ngờ) Trung Hoa cũng có người như thế ấy.
Thì phải đâu ông chỉ nói về Trung Quốc, mà chính là ông nói đến Việt Nam.
Sự sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều không chỉ đơn giản là một việc "gia công" vụn vặt và máy móc như có người nói.
Thật ra, Nguyễn Du đã chủ động mượn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân để phóng tác Truyện Kiều là vì xã  hội phong kiến nhà Minh về cơ bản giống xã hội phong kiến Việt Nam thời Nguyễn Du. Song, thật sự Nguyễn Du đã làm một việc tái tạo tinh vi, phức tạp để biến một tác phẩm văn học tầm thường, tự nhiên chủ nghĩa đến thô tục, trở thành một tác phẩm văn học hiện thực chủ nghĩa kiệt xuất, tuyệt vời. Chỉ cần đối chiếu những nhân vật cùng tên của hai tác phẩm cũng thấy rõ điều đó. Chắc hẳn những điều trông thấy, nghe thấy của hai nhà văn có chỗ giống nhau, nhưng rõ ràng là cách biểu thị của hai tác giả thật khác xa nhau, khác nhau về nghệ thuật mà cũng do cả cách nhìn. Thay vào lời kẻ lể nhạt nhẽo, khô khan của Thanh Tâm tài nhân là nét vẽ sắc sảo, sống động của Nguyễn Du. Ngọn bút của nhà thơ là có thần, nhân vật của ông có linh hồn, không chỉ ông trông thấy, nghe thấy, mà ông còn khiến cho cả người đọc tưởng đâu như cũng tự tai tự mắt mình nghe thấy, trông thấy. Cách nhìn của Nguyễn Du vượt xa cách nhìn của Thanh Tâm tài nhân ở chỗ nhà thơ nhìn thấy cả cái riêng và cái chung và từ cái bên ngoài Ông nhìn thấu cái bên trong. Nguyễn Du không bận tâm về những chi tiết vụn vặt mà ông biết tóm lấy một số chi tiết vừa cá biệt vừa điển hình, vừa phản ánh cái ngoại hình mà vừa soi sáng cái nội tâm. Một chi tiết về Mã Giám Sinh như ghế trên ngòi tót sỗ sàng, hay về Tú Bà như vắt nóc lên giường ngồi ngay, thuộc vào loại chi tiết đó, nó là một chi tiết  khêu gợi khiến người đọc từ một nhân tố riêng lẻ, cục bộ, có thể trực giác được cái chung, cái toàn bộ, cụ thể như từ một cử chỉ, một hành động, một lời nói, thậm chí một cách ăn mặc, trang phục của nhân vật mà hình dung được cả tâm lý, tính cách của một con người. Mà sở dĩ Nguyễn Du có cái nhìn tinh vi, bao trùm và thấu suốt như vậy trước hết bởi ông rất nhạy cảm và có mối quan tâm sâu sắc, tha thiết với cuộc đời và con người.
Tựu trung, có thể nói rằng Nguyễn Du từ những điều trông thây đã vươn tới chiều rộng và chiều sâu của sự vật, của con người, chủ nghĩa hiện thực của ông đạt tới trình độ vừa khái quát xã hội cao, vừa đi vào chiều sâu của tâm hồn, tâm lý con người.
Từ đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi bước đầu đã vạch ra một phần bộ mặt tàn bạo của chế độ phong kiến. Sang thế kỷ XVI, khi chế độ phong kiến bước vào con đường suy thoái, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới thật sự là người đầu tiên vạch ra tương đối có hệ thống những tệ lậu của xã hội phong kiến.
Phải tới cuối thế kỷ XVIII, sau ngót ba trăm năm rối ren, đảo lộn xã hội, liên miên, dồn dập chiến tranh phong kiến, chiến tranh nông dân, chiến tranh dân tộc, chế độ phong kiến đi tới chỗ mục ruỗng; suy, sụp. Nguyễn Du mới thật sự là người vẽ lên được bức tranh khái quát xã hội phong kiến rộng lớn, vạch trần một cách cụ thể, ác liệt chưa từng thấy bản chất của chế độ phong kiến với những tệ lậu của nó, không phải chỉ là từng nơi, từng lúc mà là phổ biến, kéo dài.
Trước Lỗ Tấn hàng trăm năm, Nguyễn Du đã khẳng định chế độ phong kiến là chế độ "ăn thịt người". Trong bài thơ Phản chiêu hồn, ông viết:
Bụi bay mù mịt bẩn cả quần áo,
Họ đi ra ngựa ngựa xe xe, họ ở nhà vênh vênh váo váo,
Đứng ngồi bàn tán tựa như ông Cao, ông Qùy
Họ không để lộ vuốt nanh, sừng và nọc độc,
Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường.
Và sự khái quát hóa xã hội của Nguyễn Du là bao trùm cả không gian và thời gian. Truyện Kiều đã từng cho ta cái cảm giác chế độ phong kiến với mọi thiết chế xã hội của nó (kể cả lầu xanh), dăng ra như thiên la địa võng mà nạn nhân của nó là Thúy Kiều không sao ra thoát khỏi:
Ma đua lối, quỷ đem đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Hết nạn nọ đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần
Đến như Thơ chữ Hán của Nguyễn Du đặc biệt là Bắc hành tạp lục, lại đưa khái quát hóa lên mức độ cao hơn. Cũng trong bài Phản chiêu hồn, ông viết:
Đời sau ai ai cũng đều là Thượng quan
Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch la
Cá rồng không ăn hùm sói cũng ăn
Điều mỉa mai là chính Nguyễn Du cũng đã làm một bài Văn tế chiêu hồn cho cả "thập loại chúng sinh", và ở đây ông cũng khái quát hóa cao độ:
Đêm trường dạ tối tăm trời đất
Ôi! Cái đêm dài phong kiến Việt Nam, cái đêm dài phong kiến phương Đông mà lục địa Trung Hoa mênh mông là một hình mẫu, đó là cơ sở hiện thực cái tầm nhìn nhân loại, "trông thấy cả sáu cõi" của Nguyễn Du.
Khi mà Nguyễn Du bao quát chiều rộng của xã hội thì ông cũng đi sâu vào tâm hồn, tâm lý con người. Kế thừa được những thành tựu bước đầu của Truyền kỳ mạn lục, Thiên Nam ngữ lục, của ngâm khúc và truyện thơ nôm, Truyện Kiều, vượt lên trên truyện thơ nôm đương thời, cùng với Hoàng Lê nhất thống chí, đã xây dựng được hàng loạt những nhân vật sinh động, những tính cách hoàn chỉnh và sắc nét ở đó cá tính hóa kết hợp với điển hình hóa đến mức những danh từ riêng như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, hay Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư... trở thành những danh từ chung để chỉ những hạng người nhất định trong xã hội, trong cuộc đời cho đến cả ngày nay.
Có điều là, một mặt, tuy Nguyễn Du đạt tới trình độ khái quát hóa xã hội cao, ông lại chưa nhận thức được vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, cho nên ông chưa đạt tới được điển hình xã hội trọn vẹn mà còn dừng lại ở trình độ điển hình tầm lý. Mặt khác, do tinh thần phân tích khoa học chưa phát triển, và cũng một phần do phong cách hàm súc đặc biệt Việt Nam, Nguyễn Du không mô tả ngoại hình dài dòng, tỉ mỉ mà tập trung vào một sổ chi tiết khêu gợi như đã nói ở trên, và cùng với sự trình bày hành động và nhất là ngôn ngữ, đối thoại, ông phanh phui tâm lý của nhân vật đến mức độ tinh vi. Những diễn biến tâm lý của bộ ba nhân vật Thúy Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư trong quan hệ với nhau có thể xem như mẫu mực về phân tích tâm lý mà văn học cổ điền Việt Nam đã đạt được. Đặc biệt, với nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã đạt tới tính cách hoàn chỉnh, có phát triền tâm lý, có vận động qua thời gian: từ một Thúy Kiều "e lệ nép vào dưới hoa" đến một Thúy Kiều "sánh với Từ công cùng ngồi" trên ghế pháp quan để báo ân báo oán, là cả một quá trình phát triển lâu dài của tính cách theo quy luật nội tại của nó.
Tuy nhiên, cũng không thể bảo rằng Nguyễn Du đã không đạt tới điển hình xã hội ở mức độ nào đó, dù chỉ là tự phát. Chẳng hạn, cái ghen kiểu Hoạn Thư thì chỉ có thể là cái ghen của một tiểu thư con vị " thiên quang trủng tể", và mối quan hệ Hoạn Thư - Thúc Sinh - Thúy Kiều ít nhiều cũng phản ánh được mối quan hệ quý tộc - phú thương - bình dân trong xã hội đương thời.
Có thể khẳng định rằng tính hiện thực ở những nhân vật phản diện cao hơn ở những nhân vật chính diện. Ngay trong việc khắc họa nhân vật, hoặc là về mặt ngoại hình, hoặc là về mặt ngôn ngữ, những yếu tố biểu hiện ước lệ, tượng trưng được sử dụng với nhân vật chính diện nhiều hơn là với nhân vật phản diện.
Điều đó có mặt hạn chế trong chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du,  nhưng cũng có mặt là ước lệ, biểu tượng ở đây lại thích hợp với tính chất trang trọng, nghiêm chỉnh của nhân vật chính diện, nhất là vì những nhân vật này mang khá nhiều yếu tố trữ tình, lãng mạn, thể hiện một phần lý tưởng ước mơ gắn bó với tâm hồn, tâm sự của chính nhà thơ. Điều này lộ rất rõ trong Thơ chữ Hán.
Điều rõ ràng là Nguyễn Du đã lấy văn thơ làm nơi ký thác tâm sự của mình. Về bản thân, ông từng viết:
Bốn bề gió bụi nghĩ tình nhà việc nước mà rơi lệ
Ta có một chút tâm sự không biết tỏ, cùng ai.
Và trong các nhân vật lịch sử của Trung Hoa, có lẽ Khuất Nguyên là người mà Nguyễn Du tâm đắc nhất.
Cũng như Khuất Nguyên vì không được Sở hoài vương trọng dụng và bị lưu đày mà phải mượn Ly tao để ký thác tấm cô trung, Nguyễn Du vì không gặp thời để thi thố tài năng nên phải mượn văn thơ đề gởi gấm tâm sự. Chính vì vậy mà có thể nói chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du vừa mang tính chất tâm lý vừa mang tính chất trữ tình.
CHỮ TÀI CHỮ MỆNH KHÉO LÀ GHÉT NHAU
Với quan điểm «tài mênh tương đổ» của Nguyễn Du, chúng ta đi vào vấn đề triết lý Truyện Kiều mà cũng là vấn đề thế giới quan của Nguyễn Du. Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu những vấn đề này.
Ở đây không đi sâu vào lý luận và phân tích tác phẩm mà chỉ đưa ra một số nhận xét cơ bản và tổng quát nhằm làm sáng tỏ vấn đề chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du. Trước tiên, để nghiên cứu và phân tích Truyện Kiều và đặc biệt là thế giới quan của Nguyễn Du một cách toàn diện, ở đây hơn ở đâu hết cần phải nhất thiết đối chiếu Truyện Kiều với Thơ chữ Hán, lấy hai tác phẩm bổ sung và soi sáng cho nhau.
Điều đáng chú ý là Thơ chữ Hán, viết rải rác trên một thời gian dài hàng ba mươi năm trời gần như những tập nhật ký, là nơi Nguyễn Du, thông qua người thật việc thật (kể cả người và việc trong lịch sử), bộc lộ trực tiếp tư tưởng tâm sự của mình, nếu nó mang nhiều tính chất chính xác hơn về mặt tư liệu thì chính cũng vì lý do đó nhà thơ không khỏi có chỗ dè dặt, thận trọng vì cái họa "bút sa gà chết". Trái lại, Truyện Kiều là một truyện hoàn toàn hư cấu mà lại mượn của nước ngoài, thông qua hình tượng nghệ thuật có tính phức âm mà phản ánh cuộc đời, cho nên nó có chỗ kém chính xác hơn về mặt tư liệu, nhưng ở đây nhà thơ lại có một khoảng cách rộng, vẫy vùng thoải mái hơn, dễ «tàng hình» hơn để nói lên đầy đủ hơn tư tưởng tình cảm của mình. Điều này sẽ đặc biệt nổi bật khi ta đối chiếu chẳng hạn nhân vật lịch sử Hoàng Sào trong Thơ chữ Hán với nhân vật hư cấu Từ Hải của Truyện Kiều. Nhưng cả hai nhân vật thật và không thật ấy sẽ bổ sung cho nhau để soi sáng một quan điểm phức tạp vào bậc nhất về tư tưởng chính trị trong thế giới quan Nguyễn Du.
Hãy nhắc qua bối cảnh xã hội - lịch sử sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Điều nổi bật nhất là thời đại Nguyễn Du thuộc giai đoạn cuối cùng cả một quá trình ngót ba trăm năm suy sụp của chế độ phong kiến Việt Nam và mở đầu cho bước «phản ứng trung cổ» của triều đình nhà Nguyễn. Trong ngót ba trăm năm, chiến tranh phong kiến, chiến tranh nông dân, chiến tranh dân tộc kế tiếp nhau triền miên kéo theo bao nhiêu cuộc "thay đổi sơn hà", thay bậc đổi ngôi và đảo lộn xã hội, đưa tới phân hóa đến cao độ trong tầng lớp nho sĩ. Thời đại Nguyễn Du có thể xem như thời cao điểm của hoang mang và bế tắc trong tầng lớp sĩ phu. Danh không chính thì ngôn không thuận, danh nghĩa mơ hồ thì lời nói cũng mơ hồ, lúng túng, thậm chí mâu thuẫn. Nguyễn Du chính là bị đặt vào cái tình trạng:
Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ
Nguyễn Du trước hết là một nhà nho, thế nhưng trong Truyện Kiều cũng như trong thơ chữ Hán có cả nho giáo, phật giáo, và đạo giáo. Ông quý trọng tấm «cô trung» của Khuất Nguyên hay của Văn Thiên Tường, nhưng ông lại chê Phạm Tăng «quá trung thành với người mình thờ và chính bản thân ông đã ra làm quan với Gia Long. Ông viết trong Truyện Kiều.
Tu là cõi phúc tình là dây oan
Nhưng ông đã chẳng đưa thẳng Thúy Kiều lên  sau khi lấy nước sông Tiền đường rửa oan cho nàng, mà lại bắt nàng tái hợp để làm "vợ hờ" của Kim Trọng hay tu cho «trót» cho "qua thì". Ông từng ước mơ về ẩn trong «xóm nhỏ trên núi Hoàng Mai» nhưng rút cục cái mộng "rau thuần cá vược" của ông chỉ là ở trên giấy mà chính ông thì "trở thành vật trong lồng cũi".
Rõ ràng là tư tưởng Nguyễn Du hoang mang, bế tắc, thế giới quan ông mang rất nhiều mâu thuẫn sinh ra từ những mâu thuẫn xã hội. Nếu ông xem mình là kẻ "độc tỉnh" như Khuất Nguyên thì dường như ông chỉ tỉnh táo ở duy một điểm, đó là ông đã phản ánh hết sức đậm nét trong văn thơ ông cái hoang mang, bế tắc của giai cấp ông, cái mục ruỗng cùng cực của chế độ phong kiến đang suy sụp, và đó chính là mặt thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du.
Song, nếu học thuyết, tôn giáo không đủ tin cậy thì con người chỉ còn duy một cách là bám sát thực tiễn, tìm ánh sáng trong thực tiễn đời sống xã hội, đời sống dân tộc. Thế mà dân tộc Việt Nam có đầu óc thực tiễn rất cao. Đấu tranh tự nhiên, đấu tranh xã hội (kể cả đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc trong những điều kiện đặc biệt khắc nghiệt đã mài sắc óc thực tiễn cũng như tinh thần lạc quan của nhân dân. Những học thuyết, tôn giáo từ nước ngoài vào, Nho, Phật, Lão Trang, đều qua thực tiễn Việt Nam mà được nhân dân hóa, và đặc biệt những yếu tố tích cực của các học thuyết, tôn giáo ấy, như «nhân nghĩa», «ý dân là ý trời», "nhân định thắng thiên được khai thác, vận dụng, kết hợp với lương tri nhân dân để trở thành triết lý, đạo đức dân gian.
Nguyễn Du người con ưu tú của dân tộc ấy, không thể không tiếp thu tinh thần thực tiễn truyền thống của nhân dân. Ông đã từng viết:
Thầm đọc bài ca "Hỏi trời"
Trời cao biết đâu mà hỏi?
Tựu trung có thể dựa trên tinh thần thực tiễn đó mà giải thích giằng co giữa lý thuyết và hành động, cũng như mâu thuẫn tư tưởng trong Thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Về Truyện Kiều, tôi đã có lần nhận xét rằng nó là biểu hiện của cuộc đấu tranh, xung đột giữa triết lý duy tâm và tinh thần thực tiễn. Cần nhận thấy rằng trong Truyện Kiều, triết lý duy tâm được biểu hiện chủ yếu thông qua những hình tượng nhân vật mờ nhạt về mặt nghệ thuật như Đạm Tiên, Tam hợp đạo cô, hay những lời lẽ mang tính chất phát ngôn giáo điều, trái lại tinh thần thực tiễn thấm nhuần những nhân vật tích cực nhất là Thúy Kiều, điển hình của người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, những hình tượng nhân vật này cùng với những nhân vật phản diện, sinh động với chất lượng nghệ thuật cao, khả dĩ đánh bạt được những bóng ma Đạm Tiên hay đạo cô Tam hợp.
Điều đáng chú ý là Truyện Kiều thấm nhuần tinh thần thực tiễn đến mức bất cứ cảnh ngộ, tình huống nào của cuộc sống và con người cũng có thể tìm thấy trong tác phẩm những lời tương ứng khiến ở người xưa đã có thể nảy nở thói quen "bói Kiều" "lẩy Kiều". Điều này cũng nói lên Nguyễn Du hiểu biết nhân tình thế thái, hiểu biết con người và cuộc đời sâu sắc đến mức nào. Cuối cùng mặc dầu phát ngôn chính thức của nhà thơ như thế nào, ở Truyện Kiều, chủ nghĩa lạc quan yêu đời, tinh thần chủ động và tích cực xây dựng cuộc sống của con người vẫn thắng. Và điều này lại một phần được thể hiện một cách đặc biệt Việt Nam trong cái kết thúc có hậu của Truyện Kiều.
Một số người chê trách đoạn đoàn viên. Kiều gặp lại Kim Trọng, là công thức, thậm chí cho rằng nó "không có một tí nội dung hiện thực nào". Cũng có người quen với phong cách tiểu thuyết phương Tây thiên về kịch tính, ưng kết thúc Truyện Kiều ở tấn bi kịch sông Tiền Đường. Thiết tưởng, đoạn đoàn viên có mặt không hiện thực mà cũng có mặt hiện thực của nó. Nguyễn Du kết thúc Truyện Kiều có hậu trước hết là tuân theo một phong cách văn học dân tộc thích hợp với tâm lý con người Việt Nam, tránh cái cực đoan trong kịch tính, ưa cái đôn hậu thủy chung, nó cũng là một khía cạnh của tinh thần thực tiễn, tinh thần lạc quan cố hữụ của dân tộc. Cảnh đoàn viên có mặt hiện thực của nó là vì, dù nó xảy ra như một trường hợp cá biệt hay ngẫu nhiên, nó vẫn tô đậm tính bi kịch của cuộc đời Thúy Kiều một cách khác:
Dở dang nào có hay gì?
Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi!
Mặt khác, nó lại phù hợp với một ước mơ phổ biến của nhân dân, hơn thế, nó là yêu cầu tha thiết của nhân dân ta trong cái thời đại chiến tranh, loạn lạc kéo dài ấy, với bao nhiêu cảnh gia đình ly tán, tan tác.
Bây giờ đi hẳn vào cái thuyết «tài mệnh tương đố». Hãy nhắc lại rằng Nguyễn Du không thu hẹp nội dung chữ tài vào tài hoa, tài tình. Trong thơ chữ Hán, vấn đề rất rõ. Thậm chí "nhân thương con chó chết", ông cũng viết:
Phàm những người sinh ra có khí phách khác thường “Thì trời đất vẫn hay ghen ghét”
Thật ra cái thuyết siêu hình «tài mệnh tương đố» có cơ sở thực tế, cơ sở xã hội của nó, và nó có tính chất phổ biến, nghĩa là nó nảy sinh bất cứ chế độ xã hội nào có đấu tranh giai cấp, có áp bức bóc lột, khi người ta chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề đấu tranh xã hội và quan niệm những lực lượng xã hội như những thế lực siêu nhiên. Trong xã hội phong kiến, tài được quan niệm một cách trừu tượng mà mệnh thì là một yếu tố siêu nhiên, và vấn đề xung đột giữa tài và mệnh mang tính chất trừu tượng, siêu hình. Đến xã hội tư bản, khi người ta đã ý thức được rõ hơn vai trò và quyền lợi cá nhân cũng như vấn đề đấu tranh xã hội thì thuyết "tài mệnh tương đố" chuyển hóa thành vấn đề cụ thể hơn, đó là vấn đề mâu thuẫn giữa cá nhân tài năng và xã hội, rồi, đi đến chung hơn, nó được mở rộng thành vấn đề mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội. Vấn đề này trở thành đề tài chung của rất nhiều tiểu thuyết phương Tây thế kỷ XIX. Nhưng dù ở trình độ nhận thức nào đi nữa thì thực chất xã hội của vấn đề vẫn là một, và khi hiểu được, như chúng ta ngày nay, tài năng cá nhân là kết tinh trí tuệ và nghị lực của quần chúng nhân dân thì vấn đề càng có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Cuối cùng, về thực chất, đó là vấn đề quyền sống của con người và vấn đề chế độ xã hội.
Tựu trung, Truyện Kiều, mà Nguyễn Du muốn thu hẹp vào cái chủ đề "tài mệnh ghét nhau", có ý nghĩa khách quan, ý nghĩa xã hội rộng lớn vượt xa chủ đề đó, vượt xa tư tưởng chủ quan của tác giả, nó đề cập tới vấn đề quyền sống của con người trong xã hội phong kiến. Điều đáng chú ý là những lực lượng xã hội mà nhà thơ nhận thức một cách siêu nhân thì khi đi vào hình tượng nghệ thuật lại hiện ra như một lực lượng vật chất là đồng tiền:
Trong tay đã sẵn đồng tiền
Đầu lòng đòi trắng thay đen khó gì
Hay như những con người cụ thể, có xác có hồn hẳn hoi, kể từ Hồ Tôn Hiến, mẹ con Hoạn Thư, các bọn sai nha, Ưng khuyển, và cả bọn Tú Bà, Mã Giám Sinh... chính chúng là "ma đưa lối quỷ đem đường", đồng phạm gây nên kiếp đoạn trường của Thúy Kiều.
Trong Thơ chữ Hán, cũng vấn đề "tài mệnh" nhức nhối ấy được Nguyễn Du thường xuyên đặt ra:
Người có tài thường bị văn chương ghét ghen
Thịt người thì ma quỷ thích nhất
Ma quỉ ăn thịt người đó là ai, chúng ta đã biết. Và Nguyễn Du khái quát hóa trong bài Phản chiêu hồn cũng như ông khái quát hóa cho tất cả mọi kiếp người trong Văn tế chiêu hồn. Những lời thơ ấy nếu đạt tới cái bi  tráng của Mac-bet thì cũng đồng thời bao hàm cái lời tự vấn "tồn tại hay không tồn tại" (to be or not to be) của Ham-let.
Hồn ơi! Hồn ơi! Hồn làm thế nào?
Câu hỏi bi thương vô hình trung đã đặt vấn đề quyền sống của con người, vấn đề đặc biệt bức thiết của thời đại Nguyễn Du.
TRẢI QUA MỘT CUỘC BỀ DÂU
Điều trước tiên phải nói là ở đây không phải cái thuyết tuần hoàn "bãi bể nương dâu" trừu tượng, chung chung, mà là những biến thiên, vật đổi sao dời cụ thể xảy ra trong mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều, hay trong khoảng trăm năm của cuộc đời một con người, cụ thể là cuộc đời Nguyễn Du. Chính những biến thiên dồn dập trong thời đại Nguyễn Du đã tạo nên ở nhà thơ, chưa phải là một quan điểm lịch sử hay chủ nghĩa lịch sử hiểu một cách khoa học như chúng ta ngày nay, mà là một thứ "cảm quan lịch sử", theo ý chúng tôi, nó bao gồm cảm giác thời đại và mường tượng mơ hồ về tương lai.
Nguyễn Du ý thức sâu sắc về cuộc đời trước mắt, về thời đại của mình, mối quan tâm day dứt, nhức nhối của ông là chuyện đương thời:
"Tráng tâm tịch mịch phụ cả cây đoản kiếm
Nỗi buồn lữ thứ càng tiêu điều khi nghe khúc ca đương thời"
Trước hết vì chuyện vật đổi sao dời là chuyện thiết thân của chính ông và gia đình ông. Bản thân Nguyễn Du đã trải qua "mười năm gió bụi", "xiêu giạt đến bạc đầu". Nghĩa là, cũng như Thúy Kiều, Nguyễn Du đã trải qua một cơn "gia biến nhưng ở đây nó có tầm rộng lớn hơn nhiều, bởi nó gắn với những cuộc "thay đổi sơn hà", thay đổi triều đại có ý nghĩa lịch sử. Trong khoảng hai mươi năm (1782-1802) đã xảy ra đến bốn cuộc thay đổi: Trịnh, Lê, Tây Sơn, Nguyễn, mà trong đó lại xuất hiện một triều đại ngoại lệ, với một ông vua « áo vải cờ đào» làm nên hai cuộc chiến thắng ngoại xâm kinh thiên động địa. Suốt cả hàng ngót nghìn năm phong kiến Việt Nam, những biến chuyển lần này là chưa từng  thấy và mang tính chất rung chuyển chế độ, trong đó binh lính và nông dân, tức là quần chúng nhân dân, dự một phần vai trò chủ động. Thiết tưởng những chuyện đó không thể không tác động đến thế giới quan cùa nhà thơ ưu tú rất mực nhạy cảm và rất mực lo đời, nó tạo cho ông hơn cho ai hết cái cảm giác thời đại sắc nhọn thế tất phải đi vào văn thơ của ông.
Song, cảm giác thời đại của Nguyễn Du không chỉ biểu hiện trong những bài ký sự bằng thơ chữ Hán nóng hổi tính thời sự mà nó cũng bộc  lộ trong Truyện Kiều. Thật ra, cơn «gia biến» của Thúy Kiều và cả cuộc đời "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần" của nàng cũng dễ chìm đi trong cái khuôn sáo «hồng nhan bạc mệnh» của xã hội phong kiến nghìn năm. Như vậy cảm giác thời đại cũng dễ mờ nhạt. Thế nhưng, đã có một người khác thường đi vào cuộc đời Thúy Kiều:
Bỗng dưng lại có một người
người ấy đã
Vẫy vùng, trong bây nhiêu niên
Làm cho động địa kinh thiên đùng đùng
Chính con người đó thật sự đã làm nổi bật cái cảm giác thời đại trong Truyện Kiều. Hơn thế nữa, chính nhân vật đột xuất đó thể hiện rõ nét cái cảm quan lịch sử chớm nở trong thế giới quan Nguyễn Du. Nhân vật đó là Từ Hải.
Song, sự kiện Từ Hải lại là vấn đề cho đến nay vẫn dang còn gây nhiều tranh luận trong giới nghiên  cứu văn học. Tựu trung, câu hỏi đặt ra là nhân vật Từ Hải có liên quan gì với người anh hùng Nguyễn Huệ, và thái độ của Nguyễn Du đối với triều đại Tây Sơn là như thế nào?
Người ta thường nói đến tấm lòng «cô trung» của Nguyễn Du đối với nhà Lê. Tấm cô trung này là có thật, thậm chí nó còn dai dẳng như một "trường hận" kiểu tấm lòng của Hônôrê đơ Bandăc đối với giai cấp quý tộc. Song, trên cơ sở của tinh thần  thực tiễn, cơ thể phân biệt hai thứ cô trung: một là lòng trung đối với một triều đại để chống giặc ngoại xâm, như cô trung của Văn Thiên Tường hay Nhạc Phi, đó là thứ cô trung kiên cường; hai là lòng trung đối với một triều đại này để chống một triều đại khác trong cuộc tranh chấp nội bộ phong kiến, như cô trung của Khuất Nguyên hay Phạm Tăng, mà thứ cô trung này thì kém phần kiên cường, cho nên Nguyễn Du đã có thể chê Phạm Tăng là «không biết mệnh trời». Tấm cô trung của Nguyễn Du chính là thuộc loại thứ hai cho nên ông đã có thể đi theo nhà Nguyễn mà vẫn luyến tiếc nhà Lê.
Thế thì đối với nhà Tây Sơn, thái độ của Nguyễn Du là thế nào? Triều đại Tây Sơn chung quy cũng là một triều đại phong kiến, chỉ mỗi tội nó là phong kiến "áo vải" không chính thống. Nhưng nó đã đánh bại hai cuộc ngoại xâm trong khi kẻ đại diện cuối cùng của nhà Lê chính thống lại chạy theo giặc. Lẽ nào Nguyễn Du lại không thấy rõ điều đó? Cho nên nếu có hai thứ cô trung thì cũng có hai thứ chống đối: một là chống đối quyết liệt như Phạm Thái, hay  như Nguyễn Quýnh, một anh ruột của Nguyễn Du, đánh Tây Sơn hẳn hoi; hai là chống đối không quyết liệt mà nếu dùng đúng chữ thì phải gọi là bất hợp tác, như trường hợp của nhiều  nho sĩ  Bắc hà thời bấy giờ.
Cứ theo gia phả họ Nguyễn Tiên điền thì dường như Nguyễn Du chống đối quyết liệt. Song, gia phả đó được viết dưới triều đại nhà Nguyễn thì có chỗ phải dè dặt. Cả ba anh em cùng mẹ của Nguyễn Du, gia phả đều ghi là năm 1789 đều «không chạy theo kịp» Lê Chiêu Thống, phải chăng mấy chữ «không chạy theo kịp» chỉ là một lối nói thoái thác để "chiêu tuyết"?. Thế mà quan hệ giữa Nguyễn Du với anh rể là Đoàn Nguyễn Tuấn và anh ruột là Nguyễn Nễ, những người đi theo Tây Sơn ấy, là khá mật thiết. Thái độ như thế phải đâu là chống đối quyết liệt?
Trong Thơ chữ Hán có hai bài nói đến Tây Sơn là bài Vị Hoàng doanh và bài Long thành cầm giả ca, đều không có một ý gì là chống đối Tây Sơn mà chỉ nói lên mối cảm khái trước cảnh vật đổi sao dời. Thậm chí bài thứ hai "dường như nhớ tiếc cả Tây Sơn nữa" (như Hoài Thanh đã nói):
Cơ nghiệp Tây sơn tiêu vong hết
Mà còn sót lại một người trong làng ca múa.
Người ta sẽ bảo, thế năm 1796, Nguyễn Du đã chẳng mưu toan vào Gia Định theo Nguyễn Ánh và bị Tây Sơn cầm tù đó sao? Thiết tưởng cần chú ý rằng năm 1796 là lúc Nguyễn Huệ đã qua đời từ bốn năm rồi, và những người kế nghiệp ông bất tài đã đưa sự nghiệp Tây Sơn mau đến chỗ suy vong. Người ta rất có thể tự hỏi một cách chính đáng rằng có lẽ nào một người như Nguyễn Du, mà lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là không chối cãi   được, lại không có chút tự hào nào về chiến thắng oanh liệt của Nguyễn Huệ đánh bại hai mươi vạn quân nhà Thanh? Và tại sao lại chẳng thể nghĩ rằng trong khoảng 1789- 1796, dường như Nguyễn Du ở vào cái thế chờ đợi nghe ngóng đối với nhà Tây Sơn, cụ thể là đối với Quang Trung. Và như thế, vô hình trung, chúng ta buộc phải xét đến mối liên quan giữa Nguyễn Huệ và Từ Hải trong Truyện Kiều.
Với mối băn khoăn đi tìm một ánh hồi quang của sự nghiệp người anh hùng Nguyễn Huệ trong văn thơ của thi sĩ kiệt xuất đồng thời Nguyễn Du, người ta tự hỏi Nguyễn Du đã dựa trên cơ sở hiện thực xã hội nào mà sáng tạo nhân vật Từ Hải vượt rất xa nhân vật Từ Minh Sơn của Thanh Tâm tài nhân. Rõ ràng sự xuất hiện của Từ Hải đã thổi vào Truyện Kiều một hơi thở sử thi hào hùng mà nguồn cảm hứng chỉ có thề tìm thấy ở một sự nghiệp anh hùng như của Nguyễn Huệ:
Thừa cơ trúc chẻ ngói tan
Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài...
Những lời thơ hừng hực khí thế Bình Ngô đại cáo ấy chỉ có thể bắt nguồn từ những chiến công như Ngọc Hồi. Đống Đa.
Theo tôi nghĩ, trong những điều kiện lịch sử - xã hội như đã nói ở trên, sự nghiệp anh hùng của Nguyễn Huệ không thể được phản ánh trực tiếp, mà chỉ có thể được khúc xạ vào Truyện Kiều. Điều đáng chú ý là khi sáng tạo Từ Hải, Nguyễn Du chắc hẳn đã có chỗ liên hệ với Hoàng Sào. Nhưng nếu ở Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mượn cái bụng dạ đàn bà của Thúy Kiều để chê Hoàng Sào, thì trong bài thơ chữ Hán Hoàng Sào binh mã, nhà thơ lại trực tiếp bộc lộ niềm thông cảm, tuy dè dặt với người lãnh tụ khởi nghĩa nông dân ấy, một nho sĩ bị hỏng thi. Chi tiết này giải thích được một phần lai lịch của Từ Hải mà tôi đã cố lần bàn đến Từ Hải với cái phong thái «gươm đàn nửa gánh non sông một chèo» quả là bóng dáng của một nho sĩ bất đắc chí mà ngang tàng như Hoàng Sào của Trung Quốc, hay như một Phạm Công Thế, một Cao Bá Quát của Việt Nam mà Nguyễn Du rất dễ cảm thông dù ông chưa hoàn toàn cảm thông với khởi nghĩa nông dân. Như vậy Từ Hải chẳng phải là hình ảnh trực tiếp của Nguyễn Huệ nhưng điều này không ngăn cản Nguyễn Du tìm cảm hứng trong sự nghiệp của Nguyễn Huệ để sáng tạo nhân vật Từ Hải.
Hình tượng Từ Hải, mặc dầu có hạn chế, vừa hiện thực vừa lãng mạn, từ hàng trăm năm nay đã đọng lại trong lòng nhân dân ta như một ước mơ đẹp thể hiện khát vọng tự do và công lý. Và đặc biệt. Từ Hải là nhân vật quá khổ đã vượt lên trên «thiên mệnh», bởi cái lẽ như Nguyễn Du đã nói về Hoàng Sào:
Người đến lúc cùng cũng có thể làm biến đổi mây gió.
Có thể nói, nhân dân Việt Nam, ở thời đại Nguyễn Du, đã bị phong kiến dồn đến bước đường cùng, cho nên đã sinh ra được người con ưu tú là Nguyễn Huệ, anh hùng dũng cảm đứng lên tìm con đường giải phóng cho nhân dân. Chỉ tiếc rằng Nguyễn Huệ qua đời quá sớm, chưa tạo được điều kiện xã hội - lịch sử làm cơ sở cho cách mạng xã hội. Tựu trung, sự nghiệp hai mươi năm của Nguyễn Huệ chỉ như một ánh chớp trong cả đêm dài phong kiến Việt Nam. Anh chớp đó tuy nhiên đã có tác dụng lớn là vừa nâng cao lòng tự hào dân tộc vừa củng cố niềm tin và hy vọng ở sức mạnh của nhân dân có thể làm nên sự đổi thay... Cũng như một ánh chớp, Từ Hải xuất hiện trong cuộc đời mười lăm năm oan khổ lưu ly của Thúy Kiều, và dù sao, với cảnh báo ân báo oán, nó cũng đã nhen lên niềm hy vọng nào đó ở một sự đổi thay, ngày mai sẽ dẹp sạch mọi áp bức bất công ở đời. Cho nên nói cảm quan lịch sử ở Nguyễn Du bao gồm cả cảm giác thời đại và mường tượng mơ hồ về tương lai là như thế.
NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG
Trong Truyện Kiều vang lên và lặp lại như điệp khúc những tiếng thương tâm, đau lòng, đoạn trường, cũng như trong Thơ chữ Hán hay trong Văn tế chiêu hồn. Điệp khúc não nuột, nát lòng nói lên tấm lòng lo đời, thương con người, xót xa, mênh mông của nhà thơ. Tuy nhiên Nguyễn Du không rơi vào bi lụy, bi quan, bởi lòng ưu ái của ông vừa là mối cảm thông sâu sắc với mọi đau khổ cơ cực của những người bị áp bức, vừa là mối căm hờn phẫn nộ đối với những kẻ đi áp bức và tất cả bọn "bạc ác tinh ma", bọn «quỷ ăn thịt người», và do đó, giữa đau thương quằn quại vẫn có phản ứng, trỗi dậy, giữa «đêm trường dạ» vẫn le lói ước mơ, hy vọng. Đây chính là một chủ nghĩa nhân đạo tích cực đặt cơ sở trên mối quan tâm tha thiết tới số phận con người, nó đặt ra vấn đề "quyền sống con người" với câu hỏi bức thiết:
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Chính trong Thơ chữ Hán, tấm lòng nhân ái bao la của Nguyễn Du được bộc lộ trực tiếp, rõ ràng: cùng với niềm thương tiếc những tài năng bị vùi dập là lòng cảm thông rộng lớn, không phân biệt dân tộc, đối với những người lao động như một bác kiếm củi, một anh đẩy xe; lòng xót thương đối với những người nghèo khổ, như một ông lão hát rong, những nông dân mất mùa bị đói phải «làm loạn hay bốn mẹ con vì đói phải đi ăn xin đến chết ở dọc đường, lòng xót thương rung chuyển cả đất trời:
(Trông lên) trời, mặt trời vàng úa
Trong xã hội phong kiến và  nói chung trong xã hội cũ, phụ nữ là hạng người xấu số nhất, bị vùi dập nhiều nhất. Cho nên Nguyễn Du thương xót trước hết là số phận người phụ nữ. Hai lần ông cất lên tiếng than đứt ruột, như một tiếng nấc:
Đau đớn thay phận đàn bà
Điều đáng chú ý là Nguyễn Du nhận rõ rằng phụ nữ trong xã hội cũ ở bất cứ địa vị nào cũng bị chà đạp, nhất là ở thời đại ông cái số phận của những kẻ "màn lan trướng huệ" thật là thê thảm một khi "thay đổi sơn hà".
Nhưng Nguyên Du đặc biệt giỏ nước mắt vì hai hạng phụ nữ: trước hết là những kỹ nữ mà ông nói đến nhiều lần và ông thâu tóm số phận trong hai câu thơ não nùng:
Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay chết xuống làm ma không chồng
Song, bên cạnh những kẻ «không chồng» ấy lại có  những người chịu một số phận không kém phần thảm hại, đó là những kẻ «chung chồng». Hoặc là những kẻ làm lẽ, như Tiểu Thanh phải chết dần chết mòn, đến nỗi một chút văn chương để lại sau khi chết cũng cũng bị vợ cả đốt đi. Nhưng Nguyễn Du không nhìn một chiều, ông lại hiểu thấu cả cái cảnh:
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai
Của người vợ cả. Và điều này cho thấy cái độ lượng và thấu suốt tình người của Thúy Kiều, khi nàng cho tha bổng Hoạn Thư trong cuộc báo ân báo oán.
Điều quan trọng nhất là đối với phụ nữ, tư tưởng Nguyễn Du có hai điểm tiến bộ vượt thời đại của ông: một là, ông bênh vực quyền tự do trong tình yêu của phụ nữ mà tiêu biểu là tình yêu của Thúy Kiều đối với Kim Trọng đã khiến cho khống ít nhà nho đã chau mày; hai là ông đã đưa ra một quan niệm táo bạo về chữ "trinh" làm sửng sốt bao nhiêu người ngay cả ở thời đại ngày nay. Tố Như đã "chiêu tuyết" cho Thúy Kiều:
... Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
Hơn một trăm năm trước khi Tố Hữu đáp lời cô gái sông Hương:
Răng không cô gái trên sông
Ngày mai em sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài..,
LỜI QUÊ CHẮP NHẶT DÔNG DÀI
Chính là qua "mười năm gió bụi", lưu lạc khắp nơi, cùng với nhân dân sướng khổ vui buồn, thực tiễn đời sống xã hội, đời sống dân tộc đã rèn luyện Nguyễn Du thành nhà thơ vĩ đại.
Trong bài thơ chữ Hán Thanh minh ngẫu hứng, Nguyễn Du đã viết:
Câu hát thôn dã giúp ta biết những tiếng nói trong nghề... trồng dâu gai.
Như vậy khi ông viết "lời quê", chẳng phải chỉ là nhà thơ khiêm tốn, mà ông cũng nói lên một sự thật là: khi viết Truyện Kiều, ông đã mượn lời ăn tiếng nói của nhân dân. Thực tế, không kể những yếu tố đạo đức, triết lý bình dân nằm trong ca dao tục ngữ được Nguyễn Du sử dụng rất nhiều, như:
Sợ khi ong bướm đãi đàng
Đến điều sống đục sao bằng thác trong
Truyện Kiều đã tiếp thu của văn học dân gian cả ngôn ngữ và thể tài. Song, ngôn ngữ và thể tài hình  thành trên cơ sở thực tiễn đời sống xã hội, đời sống dân tộc. Và sở dĩ Truyện Kiều vượt lên trên tất cả các truyện thơ nôm đương thời, chính là vì Nguyễn Du đã sống cái thực tiễn đó mãnh liệt hơn cả, sâu sắc hơn cả. Đến mức Nguyễn Du đưa ngôn ngữ dân tộc (chữ nôm) và thể tài dân tộc (thể truyện và thơ lục bát) lên đỉnh cao rực rỡ chưa từng thấy, cũng như thi hào Pu-skin của Nga.
Nguyễn Du không chỉ tiếp thu mà ông còn nâng cao. Một mặt ông nâng cái dung tục lên thành cái văn học, cái đơn điệu lên thành cái muôn điệu. Hoặc là ông lấy lời văn chương để biểu thị cái nôm na:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Hoặc biến lời nôm na thành văn chương:
Mụ già hoặc có điều gì
Liều công mất một buổi quỳ mà thôi
Thơ lục bát dễ rơi vào cái đơn điệu, tẻ nhạt, Nguyễn Du đã bằng khắc họa, tạo hình, bằng nhạc điệu, tiết tấu, làm cho nó thành phong phú, muôn điệu muôn vẻ, khi thì dịu dàng, êm ả, khi thì dồn dập, dai dẳng, sôi sục cồn cào. Thật là thiên biến vạn hóa. Cấu trúc thơ thay đổi theo cấu trúc của tình huống, tâm tư. Nhịp độ thơ là nhịp độ của cả thời gian khách quan và thời gian tâm lý, mà thời gian thì trở thành «chiều thứ tư» của sự vật và tâm hồn:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài  ghê
Song Nguyễn Du lại là một nhà thơ uyên thâm về Hán học, về văn học, lịch sử Trung Quốc, cho nên ông cũng tiếp thu nhiều yếu tố bên ngoài. Nhưng, với tinh  thần dân tộc cao, tính nhân dân sâu sắc, cũng như Hồ Xuân Hương đã Việt Nam hóa thể thơ thất ngôn Trung Quốc, Nguyễn Du đã nhân dân hóa , Việt Nam hóa những yếu tố vay mượn của nước ngoài. Từ những điển cố, điển tích:
Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia
Cho đến những qui phạm, ước lệ, dễ rơi vào khuôn sáo, "hóa thạch", Nguyễn Du đã thổi vào đó một linh hồn, một hơi thở nóng hổi của cuộc sống:
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu,
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Như vậy, rõ ràng quy phạm, ước lệ hay tượng trưng không hề cản trở Nguyễn Du đi vào chủ nghĩa hiện thực, mà chính là chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du đã có chỗ phá vỡ quy phạm khuôn sáo. Vả chăng, ước lệ hay biểu tượng chẳng phải là món độc quyền của mỹ học phong kiến, như có người nghĩ, trái lại, chủ nghĩa hiện thực trong Văn học hiện đại không khước từ ước lệ, biểu tượng, và cả huyền thoại, trong những trường hợp thích đáng, phù hợp với những mặt nhất định của cuộc sống hiện đại đa dạng và phức tạp.
Cho nên, có thể nói rằng chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du đã hình thành trên sự rạn vỡ của mỹ học phong kiến cũng như sự suy sụp của hệ ý thức phong kiến nói chung. Một mặt khác nó đã tiếp thu một cách sáng tạo những yếu tố hiện thực chủ nghĩa phong phú của văn học dân gian.
Để kết luận, theo ý tôi, có thể xem Nguyễn Du như người mở đầu cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam. Chủ nghĩa hiện thực ở bước đầu đó có những hạn chế và mang những đặc thù do điều kiện xã hội - lịch sử và cũng do thế giới quan của nhà thơ: có thể gọi đó là chủ nghĩa hiện thực tâm lý - trữ tình tạo nên cái âm hưởng chủ đạo cho cả nền văn học đương thời.
20/1/2015
Đỗ Đức Dục
Theo http://caohocvan16qnu.blogspot.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...