Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Những phát hiện mới thú vị về Truyện Kiều

Những phát hiện mới thú vị 
về Truyện Kiều
Khán phòng của chương trình Cà phê thứ Bảy vào chiều 20-6 chật kín khiến người hâm mộ Truyện Kiều của Nguyễn Du phải đứng đầy bên ngoài hành lang để nghe buổi nói chuyện của thầy giáo Nhật Chiêu và TS. Bùi Trân Phượng.
Một góc khán phòng buổi trò chuyện 
về Kiều chật kín người nghe - Ảnh: L.ĐIỀN
Giá trị của Truyện Kiều kết tinh thành một phần của đời sống người dân Việt kể từ khi 3.254 câu lục bát được tác giả trình làng. 
Trong âm hưởng của dịp kỷ niệm 200 năm ngày thi hào Nguyễn Du tạ thế, một buổi trò chuyện về Kiều thu hút đông công chúng trẻ đến như vậy đã khiến cô Bùi Trân Phượng phải thốt lên: "Như vậy là tôi yên tâm, vì người đồng điệu yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn còn nhiều đến như vậy".
Ba cuộc rượu khác nhau của ba người phụ nữ
Nghệ thuật trước hết là phải đẹp. Và hai diễn giả trò chuyện về Kiều hôm nay đã chọn cách tiếp cận từ cái đẹp trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, được chính thi hào dùng chữ là "cái hồng nhan". 
Hai diễn giả tập trung vào ba trường hợp trong Truyện Kiều để nói về "cái hồng nhan", là Thúy Kiều, Thúy Vân và Hoạn Thư. 
Phát hiện mới của ông Nhật Chiêu là có một thứ gắn kết ba nhân vật này lại, không chỉ thế còn làm cho cả ba nhân vật bộc lộ mình ra, "phơi ruột phơi gan" để người đọc qua đó có thể hiểu được ba thân phận người phụ nữ, đó là rượu. 
"Cả ba nhân vật nữ trên đều bộc lộ chân tướng khi gặp rượu, cả tâm hồn, dục vọng. Suy nghĩ của họ cũng đều lộ ra khi ba người này uống rượu", ông Nhật Chiêu giới thiệu.
Và quả thật, Nguyễn Du đã chuẩn bị cho các trường hợp rượu của Thúy Kiều, Thúy Vân và Hoạn Thư đều khác nhau và đều thật độc đáo. 
Thúy Kiều uống rượu với Kim Trọng ở đầu Truyện Kiều được Nguyễn Du mô tả đầy hứng khởi ở hai chữ "tàng tàng" trong câu "Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng". 
Thúy Vân lộ tâm can khi cuối truyện trong khung cảnh đoàn viên, tác giả dùng lại hai chữ "tàng tàng" của bữa rượu Thúy Kiều mười lăm năm trước nhưng nay ở một không gian khác, một trường nghĩa khác: Thúy Vân muốn nhắc lại một nỗi éo le chẳng những của đời mình đã qua mà còn của cả hai chị em đang gặp phải trước một chàng Kim Trọng bây giờ. 
Và cũng vì rượu, thái độ Thúy Vân mới bộc lộ qua ngữ điệu của câu:
Cũng là phận cải duyên kim
Cũng là máu chảy ruột mềm chứ sao
Còn rượu của Hoạn Thư chính là bữa uống cùng Thúc Sinh có cả Thúy Kiều góp mặt trong thân phận người phục rượu. Nguyễn Du lại một lần nữa tài tình khi dùng chữ "Vợ chồng chén tạc chén thù", cuộc rượu vợ chồng Thúc - Hoan sao nghe xã giao quá, cái tình chồng vợ kiểu này tự nó cũng nói lên phần nào diễn biến có tính nhân quả của mối (ngoại) tình Thúc Sinh - Thúy Kiều.
Tính cách của người phụ nữ Việt trong cốt cách Thúy Kiều
TS. Bùi Trân Phượng lại tâm đắc ở tính cách của người phụ nữ Việt trong cốt cách Thúy Kiều. 
Mặc dù không gian truyện là đời sống phong kiến, nhưng Thúy Kiều hoàn toàn không có ý thức rằng mình là phận liễu bồ cần núp bóng tùng quân. Trong khi nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân lấy lý do rằng Kiều là phận gái vốn xem là ngoại tộc, mai sau không gả chỗ này cũng sẽ về chỗ khác thôi, thì Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều phát biểu một câu chí tình: 
Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây
Thái độ hi sinh cho gia đình, chủ động bán mình cứu cha là sự đánh đổi vì chữ hiếu, vì thương cha và hiểu được vị trí của người cha cần thiết như thế nào cho mái ấm cả nhà lúc bấy giờ. 
"Đây cũng chính là quan niệm "ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" trong gia đình người Việt: người chị cả thường nhận phần hi sinh, chịu thiệt cho các thành viên khác" - cô Bùi Trân Phượng nêu ra.
TS. Bùi Trân Phượng (trái) chia sẻ những 
tâm đắc về Truyện Kiều - Ảnh: L. ĐIỀN
"Hơn nữa, trong Truyện Kiều, Thúy Kiều có ba mối tình và đều là ba mối tình đẹp, không hề có mô thức chân dài - đại gia như thường thấy, mà cả ba mối tình đều xuất phát từ sự kính phục của người đàn ông, kính phục tài, sắc, cách cư xử của Kiều mà đến với nàng. Đây chính là mẫu hình truyền thống của phụ nữ Việt" - TS. Bùi Trân Phượng chia sẻ.
Cũng theo bà Phượng, chính đặc tính của phụ nữ Việt là gắn với lao động, không ăn bám, phụ nữ Việt không học theo cách bó chân như người Trung Quốc mà quan niệm "tay làm hàm nhai", như vậy thì từ nội tại đã có tinh thần tự do, dẫn đến việc xem chuyện quan hệ nam nữ là bình thường, là hạnh phúc, là nhân tính. 
Cái này nằm sâu trong tâm thức người dân Việt, đủ để lý giải hành động "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" của Thúy Kiều, hay nhiều hoàn cảnh yêu đương của những người phụ nữ trong Truyện Kiều tựu trung thành "cái hồng nhan" rất Việt Nam.
Đóng góp lớn của Truyện Kiều là ngôn ngữ
Bà Phượng chia sẻ khởi đi từ những ngày còn thơ với người thầy đầu tiên dạy Kiều cho mình chính là bà nội, Truyện Kiều đã khiến bà dần nhận ra đây là một kiệt tác "bởi nó cắt nghĩa cho thấy người Việt Nam là như thế nào".
Trong khi đó, ông Nhật Chiêu nhấn mạnh rằng đóng góp lớn của Truyện Kiều của Nguyễn Du là ngôn ngữ. 
"Tiếng Việt đến Nguyễn Du bỗng phi thường hẳn lên, có ai vào thời đó dùng chữ "nỗi nàng" như cụ Nguyễn, và có ai dùng được chữ "âu" tài tình như trong câu Càng âu duyên mới càng dào tình xưa như Nguyễn Du khi viết về thái độ Kim Trọng khi ăn ở cùng Thúy Vân.
"Âu, vừa mang nghĩa âu yếm, vừa hàm nghĩa âu lo, vừa có nghĩa âu là, cũng như mấy chữ đầu tiên của Truyện Kiều "trăm năm" mang nghĩa tình duyên chứ đâu chỉ có nghĩa là đời người... Chính điều này khiến cho câu chữ của Nguyễn Du thường chuyển tải nhiều trường nghĩa.
Nâng mình lên để hiểu Nguyễn Du
Đóng góp thú vị của ông Nhật Chiêu trong lần trình bày về Kiều lần này là những phát hiện mới. Trước hết là mô thức phản hướng, trong trường hợp cái phòng của Thúy Vân vui duyên với Kim Trọng được gọi là phòng xuân - chữ xuân mang nghĩa tình ái, thì phòng của Thúy Kiều được gọi là phòng thu (Từ nay khép cửa phòng thu/ Không tu thì cũng như tu mới là), và phòng thu chính là phản hướng của phòng xuân.
Hoặc quan trọng hơn là phát hiện về dấu hiệu chơi chữ bằng cách nói lái trong Kiều. Ông Nhật Chiêu nêu trường hợp câu "Dải là hương lộn bình gương bóng lồng" với chữ "lộn" được dùng rất bất thường, bởi vị trí đó có thể chọn các chữ khác nhã hơn, hay hơn, như "hương đượm", "hương đậm", "hương thắm", "hương ngậm"... 
Vậy tại sao Nguyễn Du lại chọn chữ "lộn" để thành một cấu trúc "là hương lộn" rất độc đáo siêu phàm như vậy?.
Buổi trò chuyện nhận được nhiều ý kiến 
từ các bạn trẻ tham dự - Ảnh: L. ĐIỀN
Thao tác ấy, ông Nhật Chiêu nhận xét rằng: "Tiếng Việt như bị Nguyễn Du kéo căng ra, bộc lộ hết chiều kích, và Nguyễn Du đã đi đến chỗ sơn cùng thủy tận của tiếng Việt. Đây cũng chính là lý do không có một bản dịch sang tiếng nước ngoài nào diễn đạt hết được ý nghĩa Truyện Kiều".
Và Nhật Chiêu hình dung: Nguyễn Du là như vậy, ông viết Truyện Kiều để người đời sau mãi bàn bạc hoài không dứt. 
"Và nếu cụ Nguyễn đã tinh tế đến như vậy thì người đọc như mình cũng phải ráng tinh tế lên một chút để hiểu Nguyễn Du chứ" - ông Nhật Chiêu chia sẻ.
8/7/2020
Lam Điền
Theo http://vannghedatto.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...