Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Khúc hát ngày lên

Khúc hát ngày lên 

       (Đọc Đêm hoa lửa của Đàm Lan và Phạm Thị Minh Hưng, NXB Hội Nhà văn-2012)
            " Thiên đường nào có đâu xa
              Nhàn tâm là thấy trong ta mỗi ngày”

          Ban mê, 10-10-2012, (Chữ kí) Đàm Lan. 

     Đây là lời đề tựa ghi bằng mực bút bi trên trang ba tập thơ "Đêm hoa lửa”(Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2012) của tác giả Đàm Lan in chung Phạm Thị Minh Hưng gởi tặng quả là điều bất ngờ với tôi. Chỉ biết Đàm Lan qua giọng nói trong veo và những truyện ngắn chị trên các trang sách báo còn Phạm Thị Minh Hưng thì… đâu đó còn mới lắm đối với tôi! Nhưng vấn đề con người sẽ có quá nhiều thời gian, tôi chỉ muốn được sẻ chia "Đêm hoa lửa” tỏa sáng hơn, ấm áp hơn của hai nữ sĩ giữa vòm trời yêu thương này.

     Ở đây không đề cập đến thể thơ, bởi thực tại cuộc đổi mới thi ca dù là tân hình thức hay hậu hiện đại, siêu thực đi chăng nữa kể cả nhịp điệu thể thơ truyền thống xưa nay… là nhằm thổi vào hồn thơ hương vị đậm đà cuộc sống dân tộc của đất nước nơi đó có dòng sông hiền hòa tắm mát tuổi thơ trong những ngày hè hay đậm đặc phù sa trong mùa thác lũ xuôi về đồng bằng cho ruộng lúa trĩu bông nương dâu mướt lá, có con đường bê-tông tăm tắp nối liền xóm thôn rộn rã tiếng cười, có xa lộ thử thách tay lái biết làm chủ tốc độ đến công xưởng nhà máy đúng giờ quy định, có trường học cao tầng lưu giữ tiếng giảng bài của thầy cô, có khu sinh hoạt văn hóa để mỗi công dân Việt Nam thể hiện được mình là người có văn hóa,… Nơi đó có những người thân của ta quanh năm cần cù chịu thương chịu khó lao động sản xuất, học tập nghiên cứu, … Và riêng một góc nhỏ nào đấy, Đàm Lan mạnh dạn sẻ chia cái bất chợt đến: "Khi ta ngồi một mình/ Trong đầu hiện ra biết bao là những thứ linh tinh/ Cái nọ đan vào cái kia,…” Gọi là linh tinh từ "muôn nghìn mảnh vụn kí ức tóe ra/ Bay chấp chới/ Bay là là/ Bay lãng đãng/ Như con sóng vừa ấp lòng lên bờ cát/ Vụt xoãi mình ngan ngát với biển khơi/ Từng cụm mây/ Từng hạt nắng/ Từng tản hương thì thầm trong gió/ Lại đơm chồi điểm nụ giữa trời xanh/ Xanh” (Khi ta ngồi một mình) kể từ: "Cái lứa tôi. Cái lứa bản lề /  Không của 20. Không của 21/ Nuối hoa xưa đã nghìn trùng vời vợi/ Gởi mộng vào chiều mây ảo xa xôi…” cũng dịu dàng nhập cuộc: "Gởi chút thương vay/ Góp làn hương muộn/ Nghe chấp chới bóng ngày/ Thoang thoảng một vành môi” (Cái lứa tôi). Tuy có bé bỏng nhưng là:

                    " Bé bỏng tôi. Bé bỏng niềm mơ ước

                       Khi đến với cuộc đời thì chỉ có một trái tim
                       Chẳng ở đâu xa, cũng chẳng phải kiếm tìm
                       Nó có sẵn trong mỗi người khi mở mắt”
                       …Ước mơ tôi, ước mơ thật bé bỏng
                       Chỉ mong đời biết hát tiếng yêu thương
                       Cõi nhân gian hư ảo những vô thường
                       Sao cứ phải những lận lường vô nghĩa
                                                                 (Bé bỏng tôi)
    Phải chăng với chị những khát khao hạnh phúc niềm mơ ước đâu xa, nó ngự trị trong trái tim người từ khi mở mắt chào đời. Cái triết lí nhân sinh của Đàm Lan không to tát trong lập luận dong dài, chị nói những điều thật dễ hiểu chân tình hãy yêu thương hết mình khi còn sống còn yêu thương, đừng để những "lường lận vô nghĩa” nhỏ nhoi hẹp hòi xấu xa ấy len lỏi vào trong từng cảm xúc suy nghĩ, nó sẽ là những mụt nhọt rất dễ di căn không làm cho ta thanh thản được khi tuổi thọ mỗi đời người có kéo dài cũng chỉ đến quá trăm năm. Còn nếu lỡ bị chà đạp dập vùi, mọi hụt hẫng cũng được đắp đầy: "Dẫu con tim có bao lần trầy tróc/ Lành sẹo rồi lại hát khúc tình ca”/ (Yêu)
      Cuộc sống dễ dàng nở hoa khi ta biết sống hết mình, vẻ đẹp của mỗi thành viên trong từng gia đình, trong xã hội kết nối nhau. Chính vì thế mà không gian vũ trụ trong thơ của Đàm Lan vô tận không hề ô nhiễm:

Xuân không chỉ đến khi đất trời thay áo
                         Xuân đến khi môi người nở những nụ cười tươi

                         Xuân đến khi tay trong lòng tay ấm

                         Với yêu thương, xuân đến cả bốn mùa

                                                                                 (Xuân)

    Đàm Lan càng vô tư thẳng tiến bao nhiêu thì ngược lại đằng sau bước chân chị cũng có rất nhiều sự rình rập gièm pha bởi tính ích kỉ con người nào chẳng có. Nếu chưa sẵn lòng tha thứ, đôi lúc gặp những bứt rứt, chị cũng thẳng băng như đường bay cánh chim trời: " Ai cũng có đôi lần lầm lỡ/ Chốn thị phi giữ lấy làm điều/ Ngửa cổ mà trông những cánh diều/ Thì mỏi lắm, chi bằng giật nó xuống”/ (Thị phi) Đàm Lan hân hoan cánh én giữa trời xanh còn mùa xuân là bất tận:

                       "Ta bây giờ trái ngọt với môi thơm
                        Nghe thanh thản những chiều hoe bóng nắng
                        Lối ta đi, những người thưa đường vắng
                        Nên bềnh bồng khúc nhạc gió vờn trăng
                                                               (Ta bây giờ)
     Nhưng nói đến Đàm Lan là không thể không nhắc"Đêm hoa lửa” lời khấn nguyện rưng rưng: " Xin cho người bao hạnh phúc bình an/ Tạ ơn trời đất/ Nặng ơn mẹ cha” sinh ra ta trên cõi đời này, vun đắp tình yêu bền vững như sự lặp lại không dừng, chị tự thắp sáng bình minh cho tình anh –em xích lại: "Và đêm nay/ Chỉ cần những ngón tay nhấn nút/ Anh đã như hiện hữu nơi này/ Tròn đầy/ Đêm hoa lửa/ Nồng say”/(Đêm hoa lửa). Và còn rất nhiều những "Tháng mười một”* tri ân thầy cô, nhớ về bạn bè; chị nhớ về khoảng trời Hà Nội* có li cà phê "Bốn mùa” có chiều "Tao ngộ”; nhớ "Tiếng chuông an lành”* khắp nẻo gần xa đến với mọi nhà; nhớ " Tiếng chim hót”* lánh lót vút cao vui say khoảng trời hồng,…Và còn rất nhiều, rất nhiều những bài thơ giàu cảm xúc tình yêu tình người, những trải nghiệm cuộc sống được truyền tải ở nhiều thể loại phù hợp với cái tứ thơ đã chọn, nghe chị khẳng định:
                        "Những giấc mơ có thể không thật dài
                          Nhưng đốt nóng trong tim sự sinh sôi nhiệt huyết
                          Những giấc mơ không phải là bông tuyết
                          Chỉ để mơ màng bay lượn giữa trời đông
                                                                 (Những giấc mơ)
    Nếu như thơ Đàm Lan với quy luật tự nhiên: "Mưa vẫn cứ thản nhiên từng hạt/ Chẳng ngại ngần bởi những rắc reo”/ (Mưa) , ngược lại Phạm Thị Minh Hưng trăn trở: "Mưa rơi lách tách mái tôn buồn/ Hàng hiên lả tả nước rơi tuôn/ Gió vờn cành lá, la đà gió. Mưa gió lạnh lùng, cõi riêng ta!”phải chăng một tâm trạng cần giải tỏa cảm xúc thân phận mình như trách móc: "Mưa có bao giờ biết xót xa/ Thương cho kiếp sống kẻ không nhà/ Mưa rơi rơi mãi lòng băng giá/ Mưa mãi, mưa hoài, xót hồn hoa”/ (Mưa buồn). Đến cả Mưa chiều*: "Mưa rơi thấm lạnh vai em gầy…/ Sao trời mưa mãi khóc thương chi” Có lẽ từ trong một khoảng không gian nào đó nơi xa xứ xưa kia gợi bao kỉ niệm: "Trời thu Phong đỏ, dáng cô liêu / Em đứng bơ vơ tương tư chiều / Áo vàng thơ thẩn, sương thu lạnh / Người ơi! Còn nhớ thuở dấu yêu!” (Tương tư chiều). Với sắc đỏ cây Phong trong mùa thu là tự nhiên, còn với sắc vàng chiếc áo "Em” thơ thẩn giữa chiều thương nhớ thuở dấu yêu để rồi gởi thấp thỏm âu lo: 
                       "Hương ngát hương, tình quân nào thấy
                         Dáng hao gầy, thơ thẩn, tóc mây bay
                         Dịu dàng, thổn thức, mơ say
                         Sợ hương phai nhạt…sợ ngày xuân qua/ (Hoa lý)
    Nỗi sợ cứ neo sâu trong cảm xúc Phạm Thị Minh Hưng, nhất là những khi "Đêm xuống trên đại dương”*, chị thấy mình bé nhỏ đơn côi quá: "Cuộc đời sóng gió bể dâu/ Mình em một cõi, ôm sầu đại dương”. Đó là lúc Cách xa*: "Thu buồn lá rụng chiều qua/ Lạc rồi hai nửa trăng già… hai nơi”. Chị thả tình vào trăng đêm, bụi đỏ thẩn thờ say mê: " Ước gì đời tựa giấc mơ/ Ta về, ôm mối Tình – Thơ - Trăng vàng! (Tình và trăng). Minh Hưng đắm những khát khao tình ái thể như lời dặn lòng nhắc nhở: "Trăng tròn trăng khuyết hư hao/ Xoay vần nhật nguyệt, khuyết bao tháng ngày/ Héo hon, vàng võ thân gầy/ Ngày về, em có đắm say tình nồng?!”(Bụi đỏ đợi chờ). Và chính chị chưa thoát ra được nỗi ám ảnh bế tắt ngỡ số phận mình đã an bài: 
                     "Em áo ảnh, bên trăng vàng hư ảo
                     Bên mạn thuyền định mệnh hôm nao!”/(Biển chiều xưa)
    Trong "Đêm hoa lửa” thơ Đàm Lan chiếm số lượng hơn cả hai phần ba trong tập, nhưng thu hút người đọc bởi cái nhìn của Đàm Lan thiên hướng tích cực, trong bầu không khí đượm hương vị cuộc sống của Đàm Lan được nhào trộn những con chữ luôn khởi sắc, sự thánh thiện thiêng liêng luôn được đề cao, đánh thức cái tốt khơi gợi cái đẹp còn tiềm ẩn trong nhận thức mỗi người, còn với Phạm Thị Minh Hưng cũng là câu chữ ngôn từ nhưng ẩn chứa tình điệu thẩm mĩ lại nghiêng về hoài niệm, man mác buồn thả mình vào cảnh vật mong tìm chút sẻ chia sự đồng cảm cho mình. Có lẽ chị chưa thấu hết một cách khách quan trong chừng mực thực tại của lịch sử dân tộc và thời đại ở một số bài thơ như Mùa xuân cũ-Xuân ly tan*, Tương phùng rồi chia xa*, nửa vòng trái đất*, Ốc biển cô đơn*,… thêm vào nữa cách dùng từ ngữ Hán Việt mang tính chất ước lệ điển tích "tương phùng, đoạn trường, loan phụng, nhật nguyệt, bể dâu…” chùng câu thơ lại, ta trân trọng những cảm xúc về thầy cô đã hết lòng dạy dỗ thời sinh viên thuở nào đâu nguôi hiện ra trên những câu chữ thơ văn xuôi: " Ngày tháng giảng đường xưa…Thầy dạy dỗ/ Giờ đây sao tiếc nuối vô bờ”( Lời dâng thầy). Rồi bước ngoặt tự uốn dần đã thành lối thẳng, Minh Hưng nào còn chùng chình nghiêng ngã, đọc những bài như Hoa bất tử*như thể tứ thơ đang chuyển biến trở mình: "Nhưng, Em ơi, tóc có xanh hay bạc trắng/ Lòng mình cứ trẻ mãi nhé em/ Cứ trẻ hoài với ngày tháng không tên/ Cứ trẻ mãi, mặc thời gian Em nhé”, Lá mai cuối đông* là sự khởi sắc đón chào xuân về trên cây cảnh, lòng người mở ra không gian mới tươi tắn trong tứ thơ lục bát mà chị đã chọn:
                   "Lá sầu… Tơi tả chiều đông
                     Xuân về, rực ánh mai vàng, hoàng hoa
                     Tìm đâu chiếc lá đã xa?
                     Cành cao, Mai đã mượt mà sắc xuân!”
    Đến với "Đêm hoa lửa” là đến với văn phong của Đàm Lan và Phạm Thị Minh Hưng đã chắc lọc trong cách tả và kể cũng như quan niệm về cuộc đời song hành nhau, bổ sung cho nhau sự chịu đựng, nét dịu dàng đằm thắm vốn có của phụ nữ Á Đông. Đó là cái đẹp cơ sở, nguồn gốc vừa có tính cách cá nhân vừa có tính chất xã hội đan xen, bởi con người đâu thể rời xa cuộc sống. Tách rời cuộc sống là tự chôn mình, thơ văn cũng vậy. "Đêm hoa lửa” đã bùng nở trên những tứ thơ có cùng một tạng như nhau. Lúc sâu lắng, lúc hồ hởi tạo nên nét riêng biệt cho mỗi tác giả. Phải chăng trái tim muôn đời của người Việt Nam đậm chất văn hóa dân tộc Việt Nam với tâm hồn cao đẹp, lòng vị tha, đề cao tính hướng thiện trong tình người cũng như thơ ca đem lại cho người đọc những giây phút yên bình đồng cảm yêu thương, vì đây chính là khúc hát ngày lên giữa Giao lộ cuộc đời*: "Khi trời sáng người ơi đều chân bước/ Sức sống vươn dũng mãnh đến đỉnh trời/ Bao tâm ý dạt dào trong huyết quản/ Sẽ cất thành lời trong khúc hát ngày lên(Khi trời sáng/ Đàm Lan). 
Nguyễn Thị Phụng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...