Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du,
không khó để nhận thấy sự tồn tại đồng thời của hai thế giới nghệ
thuật. Một thế giới thực với những miêu tả, phản ánh cụ thể và xúc
động về cuộc sống xã hội - con người xung quanh nhà thơ. Một thế
giới khác - vô hình - tồn tại song song, mập mờ lằn ranh và đôi khi hòa
lẫn vào thế giới thực. Đó là thế giới của những giấc mơ, của mong
ước, của mộng mị…
Thế nào là thực? “Thực” nghĩa
là có thật, có thể nhận biết trực tiếp bằng các giác quan(1). Cái tồn tại trong
thực tế thì gọi là “hiện thực”. Về mặt lý luận văn học, tác phẩm văn học nào
cũng phản ánh hiện thực. Tinh thần hiện thực trong tác phẩm văn chương được
hiểu là toàn bộ sự phản ánh trung thực cuộc sống. “Vì vậy, khi nói đến tính
hiện thực hoặc chủ nghĩa hiện thực trong văn học cổ, trong sáng tác của
Hô-me-rơ, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… là người ta muốn lưu ý rằng tác phẩm của nền văn
học đó, của tác giả đó gần gũi, gắn bó với cuộc sống và mang tính chân thực sâu
sắc” (2) . Ở đó, tác giả không né tránh việc phản ánh xã hội ở những góc khuất,
ở những mặt tiêu cực. Trong văn học Việt Nam, chất hiện thực thường được nhìn ở
khía cạnh hiện thực phê phán, thường gắn với thái độ tố cáo hiện thực bằng cách
phơi bày, lột trần hiện thực xã hội với những ung nhọt, những tật bệnh xấu xa.
Tiếp cận với những hiện thực trong đời sống, nhà văn, nhà thơ không phải như
một người ghi chép thụ động dửng dưng, mà luôn ý thức chủ động khám phá. “Điều
quan trọng nhất đối với văn học hiện thực chủ nghĩa là sự trung thành, chính
xác trong nhận thức tái hiện bản chất cuộc sống và tầm quan trọng của những tư
tưởng mà nhà văn muốn thể hiện” (3). Tính chất hiện thực trong văn học Việt Nam
trung đại thường gắn với một số tác phẩm chứa chan tinh thần nhân đạo phản ánh
những số phận đầy bi kịch, đau khổ do hoàn cảnh mang lại.
Thế nào là mộng? “Mộng” là hiện
tượng thấy người hoặc sự việc hiện ra như thật trong giấc ngủ (chẳng hạn: giấc
mộng, bàng hoàng như người trong mộng…). “Mộng” còn là điều luôn luôn được hình
dung, tưởng tượng tới và mong muốn trở thành sự thật (chẳng hạn: ôm ấp mộng văn
chương, xây mộng, vỡ mộng…)(4). Mộng trong đời sống thể hiện trong giấc mơ khi
ngủ hoặc là những tưởng tượng của con người khi thức. Ở trường hợp thứ nhất,
mộng hình thành trong cõi vô thức, tiềm thức, vượt ra khỏi ý thức của con
người, không do một ý thức nào chi phối trực tiếp. Do đó, những yếu tố phi lí
rất thường thấy trong mỗi giấc mơ. Dù ý thức không chi phối trực tiếp nhưng các
hình ảnh trong giấc mơ xét đến cùng chính là những hình ảnh gián đoạn của những
ý thức nào đó ám ảnh con người lúc thức. Ở trường hợp thứ hai, mộng được hiểu
là những ước mơ, khát vọng của con người vượt ra ngoài giới hạn thực tại của
cuộc sống. Những mong ước này đều có sự chi phối của ý thức.
Thế giới mộng ảo cũng chính
là một khía cạnh của đời sống tâm linh con người. Mộng đối với những bậc tao
nhân mặc khách thời xưa giống như một quá trình ảo hóa hoặc tự hóa thân, làm
cuộc siêu thoát tâm linh để khi tỉnh dậy tâm hồn rời bỏ sự chấp mê, nhận ra ý
nghĩa của cuộc đời. Chẳng hạn giấc mơ của chàng nho sinh họ Lư, thường
gọi là giấc mộng kê vàng; giấc mơ của Trang Tử: “Trang Chu nằm mộng
thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa.
Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình
là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu” (5).
Còn theo thuyết nhà Phật thì có thể ví cuộc đời này là một giấc mộng
lớn (đại mộng) với muôn ngàn giấc mộng nhỏ (tiểu mộng) bên trong nữa. Thế
giới mộng ảo cũng thể hiện niềm tin vào thế giới vô hình, thế giới
của những người đã khuất, của thiên địa, thần linh, ma quỷ…
Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, cả
hai phạm trù thực và mộng đều thể hiện rõ nét.
Thế giới hiện thực
Nguyễn Du không thể xao lãng
với “những điều trông thấy”. Với “Con mắt trông thấy sáu cõi, tấm lòng nghĩ
suốt nghìn đời” Nguyễn Du đã đưa vào thơ chữ Hán mọi vang vọng của cuộc đời,
tạo nên một bức tranh hiện thực rộng lớn và sinh động. Thực trong tác phẩm
của Nguyễn Du được hiểu là thế giới hiện thực được ông phản ánh trong tác phẩm.
Một khối lượng không nhỏ các tác phẩm chữ Hán chứa đựng tinh thần phản ánh hiện
thực của Nguyễn Du đã thể hiện nỗi lòng da diết của thi nhân trước hiện thực mà
ông mục kích. Những điều Nguyễn Du viết ra là những điều “sở kiến” (Sở kiến
hành), những điều “nhãn kiến” (Trở binh hành), “Ngã sạ kiến chi” (Thái Bình mại
ca giả), “Mục trung sở xúc” (Tỷ Can mộ). Thực còn là thái độ của nhà văn hiện
lên trong sự phản ánh hiện thực ấy. Thái độ ấy là gì? Là “Ngã sạ kiến chi, bi
thả tân” (Tôi trông thấy mà thương xót), là “Mục trung sở xúc, năng vô lệ”
(Không thể không rơi lệ vì những điều trông thấy).
Cách quan sát của nhà thơ tinh
tế, tình cảm của nhà thơ chân thành, thế nên bức tranh hiện thực đời sống
xã hội, con người của thời đại hiển hiện sinh động đầy ám ảnh trước mắt độc
giả. Trước hết là hiện thực bản thân nhà thơ. Lý tưởng một thời tuổi trẻ va
chạm mạnh mẽ với bão táp thời đại. Nguyễn Du không tài nào lường hết được những
đổi thay ghê gớm của thời cuộc. Từ cuộc sống quý tộc phong lưu, Nguyễn Du bị
đẩy ra giữa “gió bụi cuộc đời” (U cư II). Trong quãng thời gian ấy, nhà thơ
sống nghèo túng, ăn nhờ ở đậu, tình cảnh chật vật mà Chốn non Hồng không còn
nhà, anh em tan tác/ Đầu bạc nhiều giận nỗi ngày tháng trôi (Quỳnh Hải nguyên
tiêu) (6). Chí hướng nhập thế, tài kinh bang tế thế và lý tưởng một thời tuổi
trẻ nung nấu để phục vụ nay không biết gửi vào đâu. Triều đại trong giấc mộng
cống hiến ấy nay đã thành xưa cũ. Tráng tâm lâm vào cảnh tịch mịch cộng với nỗi
buồn của người lữ thứ, xa quê, Nguyễn Du khẽ buông một tiếng thở dài. Nhưng
càng ngày tiếng thở dài ấy càng não ruột, xót xa: Thân thế trăm năm phó mặc gió
bụi/ Ăn nhờ ở bến sông rồi ăn nhờ nơi bãi biển (Mạn hứng I) .Về ở Hồng Lĩnh,
đường sinh kế của ông vẫn không thể nào xoay sở khá hơn được. Ông vẫn nghèo,
vẫn đau ốm liên miên, thậm chí không có tiền uống thuốc: Nhiều bệnh nhiều sầu
thần khí không thư thái/ Mười tuần nằm co trong nhà bên Sông Quế (Ngọa bệnh I).
Mang trong mình mặc cảm bất lực trước thời cuộc Sống chưa làm nên danh, thân đã
suy yếu (Tự thán), thấm thía sâu sắc nỗi buồn của kẻ có tài nhưng vô dụng Tóc
bạc rồi, dù còn có hùng tâm nhưng chỉ còn biết than thở (Khai song), tiếng thơ
Nguyễn Du càng não nuột. Sẽ dễ dàng tìm thấy những từ ngữ mang màu sắc ảm đạm,
buồn thảm trong thơ ông: “suy”, “liêu lạc”, “tiêu điều”… Giữa thời tao loạn,
mọi giá trị của cuộc sống đều bị lật tung lên. Một khi nhận ra “tài vô sở dụng”
(tài không được chấp nhận), Nguyễn Du “đóng cửa” (bế môn) và sống “hướng nội”.
Thái độ ấy “trải đường” cho tiếng thơ buồn thương, nhiều trăn trở của nhà thơ.
Nguyễn Du từ chỗ thấm thía nỗi
đau của riêng mình để rồi đồng cảm và đau đớn với nỗi đau của dân tình mà giải
bày lên trang thơ như một hành động chia sẻ cảm thông với cuộc đời. Bức tranh
hiện thực cuộc sống dân đen làm xúc động lòng người. Đó là hình ảnh của một anh
phu xe vất vả làm việc trong cái nắng gắt của những ngày tháng tám: Anh chàng
đẩy xe kia quê ở đâu nhỉ?/ Nhìn nhau thấy vất vả như nhau (Hà Nam đạo trung
khốc thử). Nguyễn Du xót thương cho người mà cứ như nhà thơ đang xót thương cho
chính mình hay cho anh, cho em, cho những người máu mủ ruột rà với mình vậy.
Còn đây là tình cảnh cuộc sống của người dân thành Tín Dương vất vả và thiếu
thốn khôn kể xiết: Ngựa hí đòi ăn thóc lúa/ Dân ăn chỉ nửa tấm cám (Tín Dương
tức sự). Nhưng phần lưu tâm, thương mến sâu sắc nhất của mình, thi nhân dành
cho những người nhỏ yếu, cực khổ, sa cơ lỡ vận. Đó là cảnh ngộ của ông cháu
người hát rong ở Thái Bình:
Miệng sùi bọt, tay rã rời,
Ngồi yên, cất đàn, ngỏ lời đã
đàn hát xong.
Dốc hết tâm lực gần một trống
canh,
Mà chỉ được năm sáu đồng tiền
(Thái Bình mại ca giả)
Nhà thơ cảm nhận tiếng đàn của
người hát rong không chỉ bằng tai mà còn bằng tất cả giác quan nên tác giả
không khỏi xót xa khi phải chứng kiến dáng điệu của ông lão khi ông mò mẫm
trong bóng tối, “sờ soạng” để tìm chỗ ngồi, khi “vừa múa vừa hát không ngừng
nghỉ”. Rồi lại “hai ba lần giơ tay lên thi lễ tạ ơn”, lúc ra khỏi thuyền rồi
hãy còn “quay đầu lại chúc đa phúc”. Tiếng đàn và dáng diệu đáng thương của ông
lão đã mãi ở lại trong lòng ông chánh sứ đa cảm đất Việt. Không chỉ đơn giản là
mô tả cảnh ngộ đáng thương của ông lão mù đất Thái Bình, ngòi bút chân tình và
nồng thắm của nhà thơ còn khơi sâu được các mặt mâu thuẫn trong đời sống, và
biết làm cho những mâu thuẫn ấy hiện ra nhức nhối. Những hình ảnh được vẽ nên
như tạc kia càng khắc rõ nét khi nhà thơ nhẹ nhàng đem đặt vào bên cạnh một
cảnh sống khác hẳn, cảnh sống xa hoa thừa thải “Cơm thừa canh cặn đổ rất bừa
bãi” của những người trong thuyền. Hoặc là “lệ cung đốn” của đoàn sứ bộ: Thuyền
này thuyền nọ đều đầy gạo thịt/ Người trong đoàn sứ ăn no còn thừa thì vứt/ Cơm
nguội, thức ăn thừa đổ xuống đáy sông… Bấy nhiêu chi tiết tương phản đã chứa
đựng một dấu hỏi đau đớn, thâm trầm, một dụng ý tố cáo tinh tế mà sâu sắc.
Đặc biệt trong bài Sở kiến
hành, ai cũng thấy rõ dù đi sứ nhưng Nguyễn Du vẫn quan sát cuộc sống nhân dân
rất tỉ mỉ. Tác giả đã ghi lại dáng hình người mẹ hành khất nghèo cùng ba con
ngồi nghỉ chân bên đường với quần áo lam lũ: Quá trưa rồi vẫn chưa được ăn.
Không chỉ miêu tả mấy mẹ con người hành khất với nỗi đau đớn nhục nhã của kiếp
người cơm vãi, cơm rơi, với cảnh nằm cầu gối đất, Nguyễn Du còn nhìn thấy bi
kịch, nỗi đau trong lòng người mẹ nghèo: Trong lòng đau xót lạ lùng/ Mặt trời
cũng vì người mà vàng úa! Người mẹ đáng thương khiếp hãi khi nghĩ đến nắm xương
tàn không có chỗ chôn, “máu thịt nuôi sài lang”. Than trời, trời có thấu? Chẳng
phải mặt trời cũng vàng úa đấy ư ? Càng đau lòng thay khi những đứa trẻ
thơ ngây vẫn vô tư vui trong khi lòng người mẹ quặn thắt, chúng “không biết
lòng mẹ đau”.
Đề tài dân đói, dân khổ là
chuyện không mới, ta vẫn thấy nhan nhản trong thi ca nước ta cũng như nước
người, nhưng nói cho chân tình và thấm thía như Nguyễn Du thì được mấy ai? Hiện
thực cuộc sống nhân dân bi thương ở nước ta lẫn Trung Hoa thuở ấy đã vén bức
màn của xã hội phong kiến cho thấy một hiện thực lớn nữa: hiện thực vua quan.
Chốn quan trường phức tạp, đầy
những bon chen, tranh cạnh. Quan lại trong triều đình là những người “quen hơi
đồng” trước tiên, thường ganh đua nhau, người này tìm cách chèn ép người kia để
có thể tiến nhanh hơn và cao hơn kẻ khác trên bậc thang danh vị: “Những con
oanh đẹp trong vườn thượng uyển ghen nhau vì sắc đẹp” (Tống nhân). Xung quanh
Nguyễn Du toàn là những “dì gió tính rất chua ngoa” (Ngẫu thư công quán bích
II), là những loài “khổng tước” với vẻ ngoài rực rỡ, tốt đẹp nhưng ẩn chứa chất
độc khủng khiếp bên trong: Mật công chứa chất độc/ Uống lầm không thuốc chữa/
Mã ngoài lộ ra vẻ đẹp/ Bên trong giấu chất độc giết người (Khổng tước vũ).
Nguyễn Du đi từ thất vọng này đến thất vọng khác khi mắt thấy, tai nghe hầu hết
những rối ren, mục nát bên trong chính quyền phong kiến thời bấy giờ. Tệ tham
nhũng, đục khoét hoành hành khắp nơi. Những chuyện hiềm khích, hãm hại lẫn nhau
nhiều không kể xiết. Đám nha lại bên dưới thì lấn quyền, khinh nhờn phép tắc.
Những bậc vua quan - phụ mẫu
của dân - nào có lo lắng gì cho dân, họ phủi tay trước trách nhiệm. Họ thờ ơ
trước cái đói, cái khổ, trước cả vận mạng của bao sinh linh bé nhỏ, vô tội. Bởi
theo lý lẽ của họ thì: Dân chết vì gặp năm hạn, đâu phải tại ta (Trở binh
hành). Quan lại làm sao có thể yêu dân cho được khi trên họ là sự thống trị
không bắt nguồn từ đức Nhân. Nguyễn Du chỉ trích bản chất tàn ác của vua Minh
Thành Tổ, người đã giết hại vô số sinh linh: Khi cơn giận nổi lên hắn giết hại
mười họ người ta: Giết trung thần bằng cách đánh bằng gậy lớn và nấu trong vạc
dầu lớn/ Trong năm năm giết trên trăm vạn mạng người/ Xương trắng chất thành
núi, đất ngập máu… (Kỳ Lân mộ). Là đấng quân vương mà hành xử không theo đạo
Nhân thì sao có thể trị quốc an dân ? Đến nỗi con vật thiêng là kỳ lân
chừng như cũng “không nỡ nhìn cảnh chém giết” mà thà chết trước khi được đưa
đến yết kiến vua. Hiện thực vua quan như đã nói ở trên cho thấy chế độ phong
kiến đã đến hồi cáo chung. Những giềng mối phong kiến đã lung lay đến tận gốc
và sự sụp đổ của nó là một điều tất yếu.
Thế giới mộng ảo
Song song với bức tranh hiện
thực nói trên, Nguyễn Du có cả một thế giới mộng ảo giàu màu sắc và đa cung
bậc. Con người thơ vốn thâm trầm, kín đáo và nội tâm ấy đã tự tìm
cho mình một thế giới riêng tây. Hoặc thả hồn theo những giấc chiêm
bao, hướng mình về quá khứ với cảm hứng hoài cổ, hoặc đắm mình trong
những suy tưởng về cuộc đời hư ảo… Mộng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du theo
nghĩa hẹp có thể hiểu là những giấc mộng, cơn mơ của ông; theo nghĩa rộng là
toàn bộ những tưởng tượng lãng mạn, vượt ra ngoài “đường biên” thực tế
của tác giả thể hiện trong sáng tác. Yếu tố mộng mị, mộng ảo này là một
nét lớn trong mạch trữ tình của thơ chữ Hán Nguyễn Du. Chính nhà thơ cũng tự
thấy mình là người hay sống trong mộng mị như bạn ông từng nhận xét: Bạn bè
thân thiết lấy làm lạ rằng sao ta hay sầu mộng?(Ngẫu đề).
Có đến 26 lần từ “mộng” xuất
hiện trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Trước hết, mộng được dệt nên bởi muôn vàn
những mong ước. Phải nói đến đầu tiên là mộng công danh. Kỳ vọng nhiều vào
tương lai, mong ước lập nghiệp thôi thúc con người tự tin hành động. Nguyễn Du
say sưa nghĩ đến tương lai với “hoàng các mộng” (giấc mộng gác vàng) (Mạn hứng
I), với “vân tiêu mộng” (mộng bay lên mây xanh) (Ngẫu thư công quán bích III).
Thế nhưng, danh không đạt, mộng không thành bởi thời cuộc nhiều ly loạn, tan
vỡ. Mệt mỏi và buồn hận, lòng bảo lòng trở về chốn quê xưa. Con người thơ khát
khao được về với sông Lam, núi Hồng nhưng điều mong muốn ấy đâu dễ thực hiện
được trong thực tại. Đành gửi cả vào giấc mộng:
Trong giấc mộng tàn canh nằm
vẫn còn mơ về quê hương
(Thủy Liên đạo trung tảo hành)
Xa nhà ngoài ngàn dặm, giấc
mộng đất khách dài
(Đại tác cửu thú tư qui)
Trong mộng, rừng tùng khóm cúc
làm ta nhớ chuyện trở về
(Lạng Sơn đạo trung)
Sao cho quê nhà luôn đi vào
trong giấc mộng?
(Tam Giang khẩu đường dạ bạc)
Không thể trở về quê hương, nhà
thơ bế tắc và chán nản. Kể từ đây, thơ Nguyễn Du tràn ngập những mơ ước về một
cuộc sống tươi đẹp, bình yên:
Ước gì nhảy thoát ra khỏi vòng
trần tục
Dưới bóng cây tùng già, thích
biết bao
(Sơn thôn)
Ước gì trước cửa huyền vầng
trăng sáng hiện ra,
Ánh sáng rọi xuống phá tan mọi
u ám
(Ngoạ bệnh II)
Và Nguyễn Du mộng được đi tu:
Ước sao có thể xuống tóc vào
rừng,
Nằm nghe tiếng thông reo lưng
chừng mây.
(Tự thán II)
Không chỉ dừng lại ở niềm mong
ước, những giấc mộng của thi nhân cũng hướng đến những điều tươi sáng, ngọt
ngào, khao khát hạnh phúc. Giấc mộng hái sen mới lung linh, huyền ảo làm sao.
Nhà thơ mơ thấy mình hẹn đi hái sen cùng cô láng giềng:
Buộc chặt quần cánh bướm,
Hái sen, chèo thuyền con
Nước hồ sao lai láng
Trong nước có bóng người.
(Mộng đắc thái liên)
Không gian giấc mộng là Hồ Tây
với “nước hồ lai láng”, với “chiếc thuyền con”. Người đi hái sen thì xinh tươi
trong quần cánh bướm bay phấp phới. Khung cảnh thần tiên với mặt nước hồ in
bóng người, in sắc trời, sắc sen. Hương sen ngát thơm. Mọi thứ xuất hiện trong
giấc mộng cũng đều lung linh: thuyền mộng, sen trong mộng, người trong mộng. Có
tâm trạng hồi hộp chờ đợi cô gái, có cái nín thở lắng nghe tiếng cười? Giấc
mộng đưa thi nhân đến những bến bờ xa lạ, nó là hiện thân cho khát vọng vượt ra
khỏi những gò ép, bó buộc của cuộc sống tầm thường, vươn tới thế giới lãng mạn
bay bổng. Cũng có lúc nhà thơ ước mơ được chiếm lĩnh những không gian cao,
những miền xa để thả hồn cùng trời đất, đi tìm những giây phút tự do, đẹp đẽ:
Giữa mùa thu, nếu có được người
thả bè vượt sông này
Ta cũng muốn cưỡi theo chiếc bè
đó lên trời lần nữa
(Hoàng Hà)
Mơ ước thoát tục và mộng “lên
trời” vì không muốn “chết ngạt” trong thực tại, nhà thơ mơ ước những hành trình
vượt thoát miễn là thoát khỏi cảnh chật chội tù hãm của cuộc sống chung quanh.
Cuộc sống tự do không bị ràng buộc, cuộc sống vô ưu, vô lo luôn là niềm mong
mỏi thường trực của thi nhân:
Thèm chết đi được như người nằm
khểnh bên song cửa sổ phía bắc
Thường ngày không có việc gì
bận đến tâm tình trong sáng
(Ký hữu)
Thèm được như đàn âu kia theo
giòng nước lội đi
(Đồng Lung giang)
Nguyễn Du mong muốn được say
mãi, say quên tháng ngày, say quên nhân thế:
Cuộc đời trăm năm chỉ ước được
say suốt ngày
(Đối tửu)
Mệt mỏi, chán chường, Nguyễn Du
ước muốn tìm quên trong men say, như muốn lao vào hưởng lạc với tiệc rượu, với
thú đi săn, … (Hành lạc từ). Trở đi trở lại trong thơ ông là ước mơ về chốn
“cửa huyền”, về chuyện “học đạo thần tiên”… Nguyễn Du có những ý định táo bạo,
liều lĩnh như thật, nhưng những ý định ấy có đi đâu xa ngoài ranh giới của niềm
mong ước.
Cõi hư ảo cũng là một phần của
thế giới mộng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Đó là cõi của những giấc chiêm bao,
của những điều thực mà như hư, có mà như không, hiện hữu mà không thể nắm bắt,
mong manh như mây như khói mà vấn vít tâm trí người. Những điều ấy chỉ có trong
tưởng tượng, đầy huyễn hoặc, mơ hồ hoặc chỉ có trong thoáng chốc, có rồi đi
mất. Ở giấc mộng hái sen (Mộng đắc thái liên), hình ảnh “cô láng giềng” hiện
lên chỉ với vài nét chấm phá ít ỏi, nhưng những nét chấm phá ấy cũng thật mơ
hồ. Không thấy người thật mà chỉ thấy bóng người, chỉ nghe tiếng người cười.
Nhưng điều đáng nói là cái bóng kia lại in trên một bề mặt vô định là nước hồ.
Nước sóng sánh, bóng sẽ tan biến ngay. Tiếng cười cách khóm hoa kia cũng không
biết là xa hay là gần. Cô gái trong giấc mơ của thi nhân không được miêu tả rõ
ràng mà chỉ được hình dung qua ảo ảnh đưa đến, qua âm thanh vọng lại. Tất cả
đều huyền ảo và mơ hồ. Ngỡ như vén khóm hoa kia là thấy ngay cô gái nhưng cả
nhà thơ và ta đều không tìm thấy gì. Thế nên, nhà thơ hái sen cũng nhẹ nhàng,
sợ khuấy động mặt nước bóng người đẹp tan biến. Tơ sen cũng mỏng mảnh làm sao!
Nhà thơ khẽ khàng, nâng niu từng chút một cái "vũ trụ riêng tư" ấy.
Đang ở giữa cõi mộng mà dự cảm về sự mất mát, tàn phai đã cận kề. Những câu thơ
ngắn của thể thơ năm chữ cũng tựa như giấc mơ kia ngắn ngủi và bất định. Nguyễn
Du như muốn nối thêm câu chữ, nối dài giấc mơ mà nào có được. Mộng tan để lại
nỗi vấn vương như tơ sen, mãi không thể dứt được.
Giấc mộng gặp vợ của thi nhân
cũng chỉ đến và đi trong thoáng chốc. Người vợ đã khuất hiện về trong giấc
chiêm bao ngắn ngủi: Trong mộng thấy rõ ràng/ Tìm ta ở bến sông/ Nhan sắc vẫn
như xưa/ Áo quần thì lếch thếch/ Thoạt đầu nói khổ vì bệnh hoạn/ Kế đó nói xa
nhau lâu (Ký mộng). Người vợ của thi nhân phải đối mặt với bao hiểm nguy trên
đường đi tìm chồng. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi của giấc mộng, người vợ nào đã
kịp giãi bày hết nỗi niềm bởi “nghẹn ngào khóc không nói hết câu”. Câu thơ nén
chặt những âu lo, căng thẳng của nhà thơ. Không gian giấc mơ nằm ngoài ý thức
của con người – đó là không gian vô thức. Giấc mơ cũng ngổn ngang những bất an
vô thức. Mộng không đơn thuần diễn ra ở một vị trí cố định mà có sự lắp ghép
giữa các vùng không gian: núi- sông- bến sông- đường đi… tạo nên cõi mộng rộng
lớn, rợn ngợp. Rồi chính bản thân nhà thơ cũng ở trong trạng thái lưỡng phân,
không biết mình đang ở không gian nào Trong hồn mộng là thực hay hư. Nhà thơ
như chập chờn bất định giữa chiêm bao và sự thực, giữa mộng và thực, giữa âm và
dương. Hình bóng người vợ đã ẩn hiện xa xôi, lại còn bị che phủ bởi màu sương
khói của không gian huyền ảo Phảng phất như cách nhau bức màn. Nó gợi ra ấn
tượng nhân ảnh ấy nửa thực nửa mộng mơ, vừa như đã có và dường như chưa hề có,
vừa ở hiện hữu cụ thể vừa như mang mang tan loãng trong không gian.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du trùng
điệp biết bao nhiêu là giấc mộng: mộng gặp anh, mộng cỏ bờ ao, mộng lấy lá giấu
hươu, mộng phồn hoa… Nhắc nhiều đến mộng, Nguyễn Du bày tỏ một nhân sinh quan
đậm màu sắc Lão Trang, xem kiếp sống như một trò mộng huyễn. “Nhân gian như
mộng” là vậy. Từ cõi nhân gian cuộc sống đời thường đến miền tâm tưởng qua
những giấc mơ, qua những mộng ảo, vươn xa đến cả những nơi xa thẳm như trời
cao, cõi huyền ảo và qua những miền không gian ấy, nỗi ám ảnh về hư vô cuộc đời
càng hiện rõ:
Cuộc đời trăm năm thương thay
chỉ là chớp mắt
Cuộc vui chơi lúc tuổi già,
tiếc chỉ là thoáng chốc
(Mạn hứng)
Sáng và chiều đổi thay theo
bóng mây trôi lờ lững
Xưa và nay lênh đênh như hoa
sóng cuồn cuộn
Cuộc đời trăm năm trên trần thế
chỉ là giấc mộng vừa mở mắt
(La Phù giang thủy các độc tọa)
Trong giấc mộng đời ấy, con
người chỉ như một người khách trọ, thoắt đến, thoắt đi. Thế nên trong thơ, Tố
Như luôn nhận mình là "hành nhân", "chinh nhân", "du
tử", "du khách", "chinh khách", "trệ
khách"...
Thiết nghĩ, nếu thơ chữ Hán
Nguyễn Du chỉ toàn là những miêu tả hiện thực hoặc chỉ rặt những mộng mị thì chắc
vấn đề sẽ giản đơn hơn nhiều. Chính sự song tồn, xóa nhòa ranh giới của hai thế
giới thực và mộng đã mang đến nét độc đáo và những giá trị đặc sắc cho thơ chữ
Hán Nguyễn Du
Từ thực đến mộng
Thơ Nguyễn Du có hiện thực trần
trụi. Nhưng không chỉ có thế, nhà thơ thường xuyên bước qua ranh giới của hiện
thực để đến với thế giới mộng ảo lung linh. Điều này làm thơ Nguyễn Du kết nối
được với lòng người bao thế hệ một cách diệu kỳ mà đôi khi không giải thích
được. Nguyễn Du đã xếp muôn vàn những điều trở trăn, suy nghĩ, buồn thương
trong cuộc đời thật thành những nấc thang để tìm đến cõi mộng. Hiện thực càng
khắc nghiệt, mong ước càng nhiều, mộng mị càng chồng chất. Nhưng nhân vật trữ
tình với tâm sự nhiều buồn hận, nhiều điều bất đắc chí như Nguyễn Du thì những
giấc mộng đẹp có được là mấy. Chính Nguyễn Du cũng thường nói: Người đã đến
bước đường cùng không mộng đẹp (Trệ khách). Tự nhận mình là người đến bước
đường cùng, Nguyễn Du cũng nhận về mình những giấc mộng đầy ám ảnh. Với thi
nhân đó là những giấc mộng lạnh lẽo: Khí lạnh rặng núi xa thấm vào giấc mộng
người du tử (Tạp ngâm III). Không rõ là mộng mơ điều gì, chỉ biết một cảm giác
lạnh lẽo đang xâm chiếm. Giấc chiêm bao lạnh. Người nằm mộng lạnh. Cái lạnh đến
từ rặng núi xa hay cái lạnh cố hữu từ trong lòng người xa xứ. Cái lạnh ấy
đã triền miên, âm ỉ bao lâu nay. Đã vậy, nó còn dai dẳng, khiến xác thân và tâm
hồn con người mệt mỏi, rã rời: Sự xa cách (quan sơn) dẫn hồn vào giấc mộng dài
(Bất mị). Chính khoảng cách địa lý, chính sự xa xôi cách trở đã nối dài những
giấc mơ lạnh lẽo, và hãi hùng. Mỗi lần mộng đến - đi là mỗi lần con người nhận
ra hoàn cảnh cô đơn, đau khổ hiện tại, là mỗi lần khắc sâu thêm nỗi chán
chường, tuyệt vọng. Mộng là một nhu cầu tất yếu, một động thái tinh thần không
thể thiếu để nhà thơ giải toả nỗi buồn chất ngất. Không thể hoà đồng với thực
tại ông chỉ còn biết tìm đến thế giới mộng ảo để mong gặp một sự đồng cảm, an
ủi. Nhưng càng mộng nhà thơ càng nhìn sâu vào lòng mình, bắt gặp nỗi buồn của
chính mình do đó nỗi buồn hận càng thêm nặng nề, xót xa.
Càng đi nhiều, quan sát nhiều,
càng nhìn sâu vào hiện thực, Nguyễn Du càng thất vọng cho cuộc thế. Ông đi vào
thế giới mộng với những ước muốn bay bổng, lãng mạn. Hiện thực chính là điểm
xuất phát đưa tác giả tìm đến mộng và cũng là điểm kết thúc đưa tác giả ra khỏi
mộng.
Từ mộng đến thực
Nguyễn Du để cho trí tưởng
tượng của mình thoả sức bay bổng với những mong ước rồi chìm vào mộng ảo, say
sưa với mộng hưởng lạc… Nếu như toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du đều là thế giới
mộng, và nếu như mộng trong sáng tác của ông hoàn toàn là những thú vui hưởng
lạc nhằm thoát li cuộc đời thì vấn đề đã đi theo một hướng khác. Nỗi niềm mơ
ước, những mộng mị ấy cho thấy tính chất bi của một cá nhân có nhiều thất vọng,
bất mãn trong cuộc đời. Người nghệ sĩ đa sầu, đa cảm sớm nhận ra những mất mát,
đau thương, sớm nhận ra vết thương lòng nhức nhối khi cứ mãi kiếm tìm nơi chốn
bình yên. Và trong hành trình tìm kiếm ấy, mặc cảm bất lực luôn đè nặng tâm hồn
thi nhân. Chính qua những giấc mộng này chúng ta hiểu hơn về Nguyễn Du, hiểu
sâu hơn và đúng hơn về tấm lòng và thái độ của ông đối với hiện thực. Thế giới
mộng của Nguyễn Du chính là cách nhìn, cách đánh giá thế giới thực, bộc lộ thái
độ bất đồng với hiện thực.
Mộng cũng chính là niềm khao
khát một hiện thực tốt đẹp hơn cho đời, cho người. Một hiện thực mới, cuộc sống
mơ ước mà ở đó con người hạnh phúc, không cần quan tâm đến thời cuộc hay thế
sự. Con người sống tự do, không màng đến lẽ thị thi, hưng phế. Sẽ không có
những sóng gió để gieo đau thương, mất mát.
Trong mộng Nguyễn Du có cuộc
“hội ngộ” với những người đã khuất - các nhân vật trong lịch sử. Điều đáng lưu
tâm là ông toàn gặp những người mang nỗi đau, nỗi oan khuất trong cuộc đời như
Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nhạc Phi... Đây là một cách phản ánh hiện thực của thơ
chữ Hán Nguyễn Du. Còn đó những nỗi oan khiên, những bí mật lịch sử, những kết
cục bi thảm dành cho những người tài hoa, tài tình. Với Nguyễn Du, đây là sự
gặp gỡ của những nỗi đau tri âm, tri kỉ trong dòng chảy khắc nghiệt của hiện
thực và lịch sử.
Không thể cứ mãi đắm chìm trong
mộng khi mà nhà thơ vẫn nặng nợ với trần gian. Tỉnh mộng rồi nhưng nỗi đau đời
vẫn còn đó nhức nhối, “tiếng khóc nơi đồng nội” vẫn dội vào tâm trí ông, tình
cảnh dân đen đói khổ cùng đường vẫn làm tim ông rỉ máu. Ngay cả trong giấc mơ
thi nhân cũng không chạy trốn được nỗi sầu lo cho người vợ mình rằng Thân yếu
đuối dựa vào đâu? khi mà Núi Tam Điệp nhiều hổ báo/ Sông Lam nhiều thuồng
luồng/ Đường đi hiểm và dữ (Ký mộng). Cái nghĩa tình chồng vợ mới đằm thắm và
chân thực biết bao!
Hình như không có giấc mộng nào
là trọn vẹn với Nguyễn Du. Mộng gác vàng, mộng công danh không thể trở thành
hiện thực trước bão táp thời đại. Những giấc mộng khác cũng vụn vỡ, đứt nối.
Mộng gặp anh mà Hồn phách tìm nhau dầu trong mộng cũng khó (Ức gia huynh). Mộng
gặp vợ mà chưa kịp giãi bày, “nghẹn ngào chưa nói hết câu (Ký mộng) gió đã lạnh
lùng thổi. Mộng hái sen mà cuộc gặp gỡ hình như chưa thật sự xảy ra. Bóng dáng
cô em láng giềng mãi ở đâu khiến nhà thơ loay hoay kiếm tìm… Nguyễn Du tìm đến
mộng song cuối cùng, giấc mộng nào cũng dẫn ông trở về thực tại. Mộng hưởng lạc
nhưng càng mơ mộng càng tuyệt vọng, chính những giấc mộng ấy nhắc nhở ông về
hiện thực bản thân và cuộc sống của thi nhân. Mộng tan rồi còn trơ lại tấm thân
gầy yếu, bệnh tật, đang phải chịu đựng những đổ vỡ, cô đơn. Thi nhân nhận ra
mình cùng với sự già nua, bất lực:
Muốn gán chiếc áo cừu lông chim
túc sương đổi lấy một cuộc say
Nhưng tóc trên đầu đã bạc trắng
thì biết làm thế nào?
(Quảng Tế ký thắng)
Muốn tìm thú vui mới nhưng già
rồi làm sao được?
(Trên đường đi Từ Châu)
Mộng đánh thức vết thương lòng
thi nhân, nhẫn tâm kéo nó ra giữa ánh sáng của hiện thực, của lý trí. Mộng
nhưng không hoàn toàn là mộng, đó còn là bóng hình của hiện thực. Đó là lý do
những giấc mộng ấy mãi tươi nguyên trên trang viết Nguyễn Du.
Sự tương tác hai chiều thực –
mộng
Hành trình từ thực dẫn đến mộng
rồi từ mộng trở về thực đã đem đến một sự tương tác kỳ diệu giữa hai thế giới
này trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Trong mộng có thực và trong thực có mộng.
Trong nghệ thuật, mộng không
chỉ là việc ghi lại những giấc mơ khi ngủ của nhà văn, mộng còn là mong ước,
tưởng tượng của tác giả trong cuộc sống thực tại. Dù trong trường hợp nào, khi
đã là một sáng tạo hiện hữu trong văn bản ngôn từ nghệ thuật, mộng đều đã đi
qua sự khúc xạ đặc biệt của ý thức nhà văn để diễn tả một quan niệm của nhà văn
về cuộc sống, về thế giới. Mặc dù những giấc mơ đến từ tiềm thức, vô thức
nhưng khi nhà văn viết lại, tái hiện lại những giấc mơ ấy thành mộng trong tác
phẩm thì ý thức của ông đã làm việc, đã in dấu vào giấc mộng trong nghệ thuật
kia rồi. Nhìn vào những mơ ước, mộng mị hư ảo trong thơ Nguyễn Du người ta lại
nhận thấy một “hiện thực”, đó chính là hiện thực tâm hồn thi nhân. Thơ chữ Hán
ghi lại những thăng trầm trong cuộc đời, những điệu buồn thương của tâm hồn thi
nhân.
Nguyễn Du, từ lúc chưa ra làm
quan đến khi làm quan cho nhà Nguyễn rồi đi sứ sang Trung Quốc, nhà thơ luôn
mang trong lòng nỗi buồn chất chứa, u uẩn: đó là nỗi buồn vì thế sự đảo điên,
thời cuộc đổi thay, những giá trị tốt đẹp cũng bị đảo lộn. Có người cho rằng
mộng mị là một cách con người trốn chạy khỏi thực tại, không dám đương đầu với
thực tại. Thực ra, mộng mị không phải là một hành động trốn chạy thực tại. Bởi
lẽ nếu không mở rộng lòng mình ra với thực tại, không đón nhận lấy không khí,
hơi thở của thời hiện tại thì làm sao thấy được thực tại ấy có gì đáng buồn,
đáng chán ngán để mà mơ mộng điều tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn? Khoảnh khắc mộng
đến tâm hồn thi nhân được sưởi ấm lên đôi chút. Mộng tan rồi, trả về lại cho
thi nhân cái lạnh lẽo rợn ngợp của thực tại. Nguyễn Du không ngại ngần sống với
cả hai thế giới ấy. Thực và mộng – hai thế giới soi chiếu vào nhau, tồn tại
trong nhau. Đó là sự tương giao giữa ý thức và vô thức, giữa tình cảm và lý
trí. Tất cả đều mong manh, hư ảo…
Thế giới mộng ở đây có khi là giấc mơ về cuộc sống không có thực của quá khứ, hiện tại, tương lai. Nó là một thế giới viển vông, là “mộng” là “ảo” nhưng không phải là giả. Bởi trong thế giới mộng đó có ẩn chứa, lẫn khuất cái thực.
Thế giới mộng ở đây có khi là giấc mơ về cuộc sống không có thực của quá khứ, hiện tại, tương lai. Nó là một thế giới viển vông, là “mộng” là “ảo” nhưng không phải là giả. Bởi trong thế giới mộng đó có ẩn chứa, lẫn khuất cái thực.
Thế giới thực và thế giới mộng
có lúc đối lập nhau, cách xa nhau nhưng cũng có lúc đan xen ràng rịt trong nhau
khó phân biệt. Hai thế giới này tưởng như tách biệt nhau nhưng từ tầng sâu giữa
chúng có sự nối kết. Xét đến cùng, cái thực và cái mộng vốn nằm sẵn trong bản
thân con người, là những chiều kích khác nhau trong con người. Từ thực tế khổ
đau người ta mơ ước, khát khao, mong mỏi, kiếm tìm một cuộc sống lý tưởng tốt
đẹp khác biệt; trong mộng mị và những mơ tưởng như chỉ là viển vông ấy lại có ý
nghĩa tích cực, khích lệ sự cố gắng phấn đấu của con người vươn tới cuộc sống
hiện thực đẹp đẽ như trong mộng ước. nó chính là niềm hi vọng sống, là nơi bám
víu của con người trong cuộc đời này.
Sự nối kết, tương tác giữa hai
cõi thực - mộng thực sự đã làm nên sức hút kỳ lạ và vẻ đẹp của thơ chữ Hán
Nguyễn Du.
Ngô Thị Thanh Tâm
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(*) Bài viết này chỉ khảo sát
trong phạm vi thơ chữ Hán Nguyễn Du, gồm 3 tập: Thanh Hiên thi tập, Nam trung
tạp ngâm và Bắc hành tạp lục.
(1) Hoàng Phê
(2002), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, Hà Nội – Đà
Nẵng, tái bản lần thứ 8; tr. 973.
(2) Lê Bá Hán, Trần
Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2000), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Đại học quốc
gia Hà Nội; tr. 77-78.
(3) Lê Bá Hán, Trần
Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2000), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Đại học quốc
gia Hà Nội; tr. 77-78.
(4) Hoàng Phê
(2002), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, Hà Nội – Đà
Nẵng, tái bản lần thứ 8; tr. 642.
(5) Nguyễn Hiến Lê
(chú dịch và giới thiệu) (1994), Trang Tử - Nam Hoa Kinh, Nxb. Văn hóa, TP HCM;
tr.175.
Xin xem: Nguyễn Du toàn tập,
tập I (Mai Quốc Liên chủ biên). Nxb. Văn học, H, 1996. Các trích dẫn thơ trong
bài đều theo sách này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét