Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Một lá thư nhạc

Một lá thư nhạc

Cảm xúc sáng tác: Thời còn là sinh viên của những năm 1986-1990, chúng tôi rất thích ca hát trong những giờ nghỉ giải lao tại lớp hoặc trong những buổi sinh hoạt tập thể, đặc biệt là vào những dịp tổ chức dạ hội khiêu vũ dành cho các bạn sinh viên trong trường.
Thuở ấy, chúng tôi thường chơi nhạc quốc tế Anh - Pháp để trau dồi ngoại ngữ. Bỗng dưng một hôm, anh bạn cùng lớp đến vỗ vai tôi rồi nói: “Này, cậu thử sáng tác nhạc xem sao”.
Không ngờ một cái vỗ vai thật mạnh của người bạn đó như một chất xúc tác mãnh liệt giúp tôi hé mở cánh cửa bước vào sáng tác ca khúc như một thú tiêu khiển tao nhã. Song, thú tiêu khiển ấy vấp phải nhiều thử thách và khó khăn chưa lường trước được. Là người “ngoại đạo” trong âm nhạc, lúc đó tôi không biết phải thể hiện như thế nào về thang âm, điệu thức, hình thức âm nhạc, chủ đề âm nhạc, chủ đề ngôn ngữ… cho ca khúc đang ấp ủ.
Cuối cùng, sau một thời gian tự tìm tòi, lòng kiên nhẫn đã mang lại kết quả bước đầu với ca khúc Một Lá Thư Nhạc, được xây dựng bằng đoạn nhạc mở đầu, đoạn phiên khúc, đoạn cầu nối và đoạn điệp khúc với tuyến giai điệu được phát triển trên 2 thang âm Ré thứ (phiên khúc) và Sol thứ (điệp khúc).
Một Lá Thư Nhạc, hoàn tất vào tháng 02/1988, là nhạc phẩm đầu tay ở tuổi đôi mươi mười tám còn trẻ người non dạ và hay yêu thầm nhớ trộm. Bài hát như một bức thư nhạc tình, nhưng không bao giờ gửi đến tận tay người nhận, bởi lẽ:
“Lá thư nhạc đã phai màu hoa
Nát tươm bao lần viết bao lần xóa
Đành lòng không trao thư khi bút hoa đã nhạt nhòa.”

Mộcquốckhanh

Góc nhìn nghệ thuật: Một Lá Thư Nhạc 

Khi nghe để so sánh một ca khúc Việt Nam với một ca khúc ngoại quốc, chúng ta dễ cảm thấy buồn vì có một khoảng cách khá xa giữa hai loại nhạc. Chúng ta thường lo sao cho sanh được “mẹ tròn, con vuông” là mừng rồi; nhưng người ngoại quốc còn chuẩn bị thêm cả việc ăn mặc, phương tiện giáo dục, nuôi dưỡng đưa bé sắp chào đời. Trong âm nhạc cũng thế, những ca khúc Việt không kém phong phú về giai điệu, ca từ nhưng phần hòa âm, phối khí thường bị coi nhẹ hoặc không được ngó ngàng đến.
Khi nghe “Một Lá Thư Nhạc”, sáng tác đầu tay của Mộc Quốc Khanh viết từ cuối thập niên 1980, chúng tôi thấy thật thú vị vì chàng sinh viên trẻ tuổi lúc bấy giờ đã biết lo xa, chuẩn bị khá chu đáo cho đứa con tinh thần đầu tiên chào đời. Bài tình ca được mở đầu bằng phiên khúc ở âm thể Ré thứ (d-moll), nhưng lại kết bằng điệp khúc ở Sol thứ (g-moll). Điều này gợi nhớ đến kiểu xây dựng chủ đề 2 ở âm thể bậc IV hoặc bậc V so với chủ đề 1 thường gặp trong hình thức Sonate allegro của âm nhạc kinh điển.
Ở 3 nhịp cuối của Điệp khúc (kết ở hợp âm D7, bậc V trong thang âm Sol thứ của Điệp khúc), trước khi bất ngờ quay lại phiên khúc (hợp âm Dm, bậc I trong thang âm của phiên khúc), tác giả đã chứng tỏ bản lĩnh gây yếu tố độc đáo, ngạc nhiên cho người nghe. Chuỗi liên kết ở phần kết hòa âm (cadence): Edim7 - A7 - D7 làm nhiều người “kinh điển” cau mày khó chịu, nhưng lại khiến người nghe thú vị như bắt gặp một cảm giác mới lạ. Tác giả đã giải quyết hợp âm bảy giảm một cách bất thường nhưng hợp lý, một kiểu “phá cách trong khuôn khổ”. Nếu xem nốt Ré giáng là đẳng âm với Do thăng, chúng ta thấy có đến ba nốt chung trong số 4 nốt thành phần của hai hợp âm Edim7 và A7. Vậy, liên kết hai hợp âm tưởng chừng hoàn toàn xa lạ này lại là điều hiển nhiên, hợp quy luật thông thường, nhất là khi cho nốt Si giáng trong Edim7 chuyển động xuống liền bậc nửa cung (theo quy luật chuyển động tự nhiên của dấu giáng) để về nốt La, âm nền của hợp âm A7.
Trong lá thư nhạc này còn không ít cách dùng “bất thường về nguyên tắc” nhưng “hợp lý theo quy luật tự nhiên” như vậy. Chàng sinh viên “trẻ người non dạ và hay yêu thầm nhớ trộm” năm xưa đã cho thấy mình rất chu đáo, táo bạo nhưng cẩn trọng.

Thạc sĩ - Nhạc trưởng Nguyễn Bách 

(Hội Âm nhạc TP. HCM, Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

MỘT LÁ THƯ NHẠC 
Nhạc và Lời: Mộc Quốc Khanh 
Ánh mắt đầu tiên tan giọt sương
Lắng sâu trong niềm vui trong buồn vương
Để lại nơi con tim bao vấn vương bao niềm thương.
Gót sen nhẹ bước trên đường vắng
Bóng chim theo lặng lẽ trong chìm lắng
Hình hài em chênh vênh trong ánh trăng
Mây ngàn giăng phiến băng.
Đêm suy tư nằm trơ gác buồn cầu nguyện
Trong trang thư là những nốt nhạc im tiếng.
ĐK:
Một lá thư nhạc đề tặng giai nhân đôi mắt xanh nét rất xinh.
Một cánh chim hạc gọi bầy ca hát bên suối tiên chốn vĩnh sinh.
Một tiếng im lặng cuộn theo chiều gió chôn vùi hiển vinh.
Một kiếp mang nặng một cây thập giá ru cuộc sống yên lời kinh.
Lá thư nhạc đã phai màu hoa
Nát tươm bao lần viết bao lần xóa
Đành lòng không trao thư khi bút hoa đã nhạt nhòa.
Bước lên triền dốc đêm hạ trắng
Nhớ em xinh màu mắt tươi màu nắng
Từng hàng cây nương nhau xua giá băng
Hôn bàn tay búp măng.
ĐK:
Một lá thư nhạc đề tặng giai nhân đôi mắt xanh nét rất xinh.
Một cánh chim hạc gọi bầy ca hát bên suối tiên chốn vĩnh sinh.
Một tiếng im lặng cuộn theo chiều gió chôn vùi hiển vinh.
Một kiếp mang nặng một cây thập giá ru cuộc sống yên cuộc tình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...