Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Những cơn mưa vô thường

Những cơn mưa vô thường

Cảm xúc sáng tác: Vào một buổi trưa nắng tháng 03/2000, khi đang ngồi làm việc trong văn phòng, bỗng nhiên một cơn mưa bất chợt đổ ào xuống giữa lúc ngoài trời vẫn đang nắng gắt. Một anh bạn đồng nghiệp thốt lên: “Ê, tự nhiên trời mưa ngon lành giữa trưa nắng, thấy lạ không”? Tôi đáp “để viết một bài tặng anh nhé”. Nghe vậy, cả hai cùng bật cười sảng khoái.
Thế nhưng, tôi không hề nói đùa với lời hứa ngẫu hứng ấy. Những hình ảnh “trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu” (*) tái hiện trong tâm trí tôi ngày càng rõ nét. Chính cái tính âm dương “chợt mưa, chợt nắng” của cuộc đời được khơi dậy thật đúng lúc khiến tôi mong muốn được bày tỏ những cảm xúc lắng đọng về lẽ vô thường của đời người mà chính mình cũng bắt đầu cảm nhận giữa vòng xoay không ngừng của tạo hóa.
Như một nguồn cảm hứng đã được khơi dòng, nhiều cặp từ đối nhau trong ca khúc “Những Cơn Mưa Vô Thường” như “về che-đi khuất”, “xuân vừa hôn-thu vây kín”, “ngày líu lo-đêm ru rú”, “tươi sớm mai-khuya khô héo”, “kề vai-quay gót”, “cười duyên-đang khóc”, “buồn-vui”, “nhớ nhung-lãng quên”, “xa-gần”… bất ngờ tuôn trào như dòng suối mát rượi. Những dòng chữ này tuy đối nghĩa, nhưng không đối nghịch, vì chúng nương tựa vào nhau như hình với bóng, như âm với dương tương sinh, tương khắc.
Từ nỗi ám ảnh về sự thăng trầm của cuộc sống, bài hát khi còn dở dang thường xuyên đánh thức tôi vào tầm 2-3 giờ sáng để giúp ghi lại những gì chợt thoáng qua trong vô thức. Được chắp bút từ tháng 03/2000, Những Cơn Mưa Vô Thường hoàn tất vào tháng 06/2000, để lại trong tôi một trải nghiệm thú vị về ngôn ngữ thể hiện và chủ đề tư tưởng cùng với một sự thăng hoa tinh thần hiếm hoi.
Không chấp nhận dừng lại ở những dòng chữ đối nghĩa mang màu sắc của một câu chuyện triết lý âm dương đơn thuần, tôi thực tâm muốn đi xa hơn bằng cách phác họa một bức tranh thủy mặc ca ngợi tình cảm con người trong cõi vô thường đầy biến ảo dưới lăng kính tình yêu như cứu cánh cuối cùng. Những hình ảnh thiên nhiên về “mây gió tâm tình” (tức tình yêu đơm hoa kết trái) trên “đồng hoang khát mưa” (tức dù cuộc sống khắc nghiệt đến chừng nào) mang hàm ý rằng trong kiếp vô thường đầy biến động này, con người luôn tìm đến Tình Yêu để che chở cho nhau và dìu nhau đi hết cuộc hành trình còn lại:
“Trong rừng khô lá thưa, ngồi trông con suối lau mình
Trên đồng hoang khát mưa, nằm nghe mây gió tâm tình
Vườn yêu còn xa bước chân, gần con tim ấm quen hơi
Nụ hôn ngày xưa chóng qua, ngày nay in dấu muôn đời.”
Mộc quốc khanh

(*): Bài Áo Lụa Hà Đông, Nhạc: Ngô Thụy Miên, Thơ: Nguyên Sa.
Góc nhìn nghệ thuật: Những Cơn Mưa Vô Thường 

“Những Cơn Mưa Vô Thường” mở đầu và kết thúc bằng tiếng đàn réo rắt mang âm hình của những giọt mưa trên nền cấu trúc hòa âm của phần điệp khúc (âm thể La thứ, a-moll) với hai hợp âm chủ đạo Fa trưởng (F) và Sol trưởng (G) được hoán chuyển và tái hiện liên tục như những cơn mưa không dứt.
Phiên khúc của bài hát gồm hai câu nhạc có các vế đều được chấm câu bằng những quãng nhạc đi xuống (chân trời, chân người, trên cây, thân gầy…): những giọt mưa rơi lác đác! Trong cái tưởng chừng như bất chợt, vô tình thật ra đều có báo trước, “quả” đều có “nhân”, chỉ là chúng ta chưa kịp nhận ra, “tâm chưa ngộ” mà thôi. Trong cuộc đời náo động, nhịp sống vội vã mưa vẫn lác đác rơi một cách thong thả, vô thường đến khó nhận ra. Mộc Quốc Khanh đã dùng những dấu lặng khéo léo để làm lộ ra những giọt mưa âm thầm ấy. Dấu lặng không tĩnh nhưng có âm nhạc, có vai trò không thể phủ nhận được.
Cơn mưa ngày càng nặng hạt: trong điệp khúc không chỉ là những quãng xuống cuối câu mà cả câu nhạc là những giai điệu chuyển động xuống nối tiếp nhau, mô phỏng bằng những quãng khác nhau như những đợt “chợt mưa, chợt nắng”.
Giai điệu của “Những Cơn Mưa Vô Thường” có âm vực trải rộng trong hai quãng 8. Đó không chỉ là một thử thách cho ca sĩ, mà còn diễn tả khoảng cách xa xôi giữa trời và đất mà giọt mưa phải trải qua. Nhưng với Mộc Quốc Khanh, giọt mưa không chỉ dừng cuộc du hành nơi đất thấp. Câu nhạc cuối cùng của điệp khúc“Buốt tim em đau mình/Hồng nhan phai sắc em khóc soi kính” đã cho mưa tiếp tục vươn lên thấu trời xanh, đến một cao trào tột đỉnh đầy kịch tính được bỏ lững bằng hợp âm bảy át: mưa đã giao hòa trời với đất!

Thạc sĩ-Nhạc trưởng Nguyễn Bách 

(Hội Âm nhạc TP. HCM, Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

Những cơn mưa vô thường 
Nhạc và Lời: Mộc Quốc Khanh 
Mây về che nắng trưa, rồi bay đi khuất chân trời
Xuân vừa hôn mắt em, giờ thu vây kín chân người
Bầy chim ngày vui líu lo, vào đêm ru rú trên cây
Nụ hoa hồng tươi sớm mai, về khuya khô héo thân gầy.
Bước chân em kề vai với tôi tựa như quay gót xa dần
Em cười duyên đóa môi tựa như đang khóc âm thầm
Đàn tôi buồn rơi lá thu là vui trong gió tiêu dao
Một đêm nằm ôm nhớ nhung, nghìn thu lãng quên trong mưa gió gào.
ĐK:
Đời là những cơn mưa vô thường
Trói chân em bên đường
Nước dâng cao chân tường
Đường xa chân ướt phơi nắng dầm sương.
Trời làm những cơn mưa vô tình
Tán cây che vô hình
Buốt tim em đau mình
Hồng nhan phai sắc, em khóc soi kính.
Trong rừng khô lá thưa, ngồi trông con suối lau mình
Trên đồng hoang khát mưa, nằm nghe mây gió tâm tình
Vườn yêu còn xa bước chân, gần con tim ấm quen hơi
Nụ hôn ngày xưa chóng qua, ngày nay in dấu muôn đời.
Gót chân em dìu cơn gió thưa, chợt đâu mây kéo đen trời
Em về say nắng trưa, chợt đâu mưa trút tơi bời
Tình em là con nước êm, thuyền tôi vô bến sang chơi
Tình em là con nước lên, thuyền tôi sóng to lênh đênh giữa trời. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...