1. Những yếu tố kỳ ảo
Việc sử dụng các yếu tố kỳ ảo xuất hiện từ lâu trong văn học
nghệ thuật. Nhà văn sử dụng các yếu tố kỳ ảo như một phương thức nghệ thuật để
chiếm lĩnh và khám phá hiện thực. Trong phương thức kỳ ảo, các nhà văn thường
sử dụng các dạng thức khác nhau tạo nên các sắc màu phong phú đa dạng, hấp dẫn
cho tác phẩm, góp phần cùng với các yếu tố nghệ thuật khác để xây dựng cốt
truyện, nhân vật hướng đến việc bộc lộ chủ đề tư tưởng tác phẩm. Chính cái kỳ
ảo cũng là một trong những yếu tố tạo nên phong cách nghệ thuật của tác phẩm
văn học. Sáng tác của Y.Kawabata chứa đựng và đan cài nhiều yếu tố huyễn tưởng,
cũ và mới, thực và ảo, sống và chết, tính hiện đại với phong cách haiku, tính
siêu thực với tinh thần Thiền tông, cảm thức thẩm mỹ phương Đông với dòng ý
thức... Có thể nói, trong một số tác phẩm của Y.Kawabata, nhà văn đã đưa vào và
sử dụng các yếu tố kỳ ảo như một biện pháp đặc trưng mang tính nghệ thuật.
Chính các sắc thái thẩm mỹ của cái kỳ ảo không hề làm giảm giá trị hiện thực
của tác phẩm mà nó còn cung cấp cho chúng ta cách nhận diện về cuộc sống làm
gia tăng điểm nhìn nghệ thuật và các chiều tiếp cận hiện thực.
Các yếu tố kỳ ảo xuất hiện trong sáng tác của Y.Kawabata ở tất
cả các thể loại (truyện ngắn trong lòng bàn tay, truyện ngắn, tiểu thuyết),
nhưng với những mức độ đậm đặc khác nhau. Nếu như ở truyện Bất
tử, Con châu chấu và con dế đeo chuông, Mặt nạ cho người chết, Người đàn ông
không cười, Sự sống dưới tấm mặt nạ, tiểu thuyết Tiếng
rền của núi, Người đẹp say ngủ, yếu
tố kỳ ảo được sử dụng còn ít, bàng bạc, thì ở Quả trứng, Con rắn, đặc biệt là truyện Cánh
tay, chúng ta như lạc
vào thế giới mộng ảo, kỳ dị. Ở đó, cái kỳ ảo thực sự trở thành một phương tiện
nghệ thuật đặc sắc, làm nên giá trị của tác phẩm. Trong các tác phẩm của
Y.Kawabata, các yếu tố kỳ ảo được nhìn nhận như những nguyên nhân chứ không
mang lại kết quả như kỳ ảo trong sáng tác của G.G.Marquez. Đó là điểm khác nhau
(tuy có một số điểm giống nhau) của văn học huyền ảo Mỹ Latinh và văn học huyền
ảo phương Đông. Chính truyền thống văn hoá và tư duy nghệ thuật trong suốt hàng
nghìn năm phát triển của các dân tộc đã hun đúc tạo nên những giá trị văn hoá
nghệ thuật độc đáo khác nhau. Nếu như ở G.G.Marquez, cái kỳ ảo được sử dụng
trong tác phẩm như là một mục đích sáng tác cơ bản góp phần tạo thành phong
cách nhà văn và trào lưu văn học thì ngược lại, Y.Kawabata chỉ sử dụng kỳ ảo
như là một hình thức đặc biệt để chuyển tải các thông điệp nghệ thuật trong tác
phẩm. Bởi vì, nhà văn châu Mỹ Latinh thông qua các hình thức kỳ ảo nhằm hướng
tới việc lên án, phê phán hiện thực xã hội, trong khi đó, cái kỳ ảo của
Y.Kawabata lại hướng đến việc phản ánh cái đẹp hư ảo trong thiên nhiên và con
người.
Trong một số sáng tác của Y.Kawabata, các yếu tố kỳ ảo phổ biến
là mặt nạ, cái chết, sự vật nhân hoá, sức mạnh siêu nhiên...
Trong Bất tử, mối tình của một ông già và một cô
gái trẻ chênh lệch nhau chừng 65 tuổi được mô tả bằng những chi tiết kỳ ảo, lạ
thường thể hiện sức mạnh siêu nhiên của con người. Trên đường tình tự “chân họ
chẳng dừng mà đi xuyên qua tấm lưới như một làn gió xuân” và “cô gái dễ dàng đi
xuyên qua thân cây. Và ông lão cũng làm như thế (...). Họ biến mất vào trong
thân cây. Ông già và cô gái không trở ra nữa”(Bất tử). Chi tiết ông già và cô gái đi
“xuyên qua lưới”, “xuyên qua thân cây” và “biến mất trong thân cây”(Bất tử), cũng giống như
việc nhân vật Đuytion trong truyện Người đi xuyên tường (Macxen Aymê - nhà văn Pháp) đi xuyên
tường và cuối cùng “Đuytion như đông cứng lại ở trong tường. Hiện nay chàng vẫn
còn ở đấy, biến vào trong đá”(Người
đi xuyên tường). Cả hai nhà văn trên đều sử dụng một yếu tố kỳ ảo,
đó là sức mạnh phi thường của con người và chỉ ra kết cục của họ. Tuy nhiên, ý
nghĩa của truyện thông qua các nhân vật trong hai tác phẩm trên lại hoàn toàn
khác nhau, mặc dù họ dường như cùng sống trong một thời đại và đều sử dụng chi
tiết nghệ thuật mang tính kỳ ảo giống nhau (Y.Kawabata (1899 - 1972), M.Aymê
(1902 - 1967)). Nếu qua Người đi xuyên tường,
M.Aymê thể hiện ước mơ của những con người nhỏ bé trong xã hội phương Tây, khi
không còn con đường nào khác, họ tìm đến với mộng tưởng để có thể giúp họ trở
thành người “phi thường” nhằm kiếm sống và trả thù cuộc đời, thì ngược lại, ở
truyện Bất tử, Y.Kawabata mượn
yếu tố kỳ ảo nhằm thể hiện cái bất tử của tình yêu và cái đẹp hư ảo mà ông suốt
đời đi tìm kiếm.
Chi tiết chiếc mặt nạ, được nhà
văn lặp lại trong nhiều truyện. Có thể hình ảnh những chiếc mặt nạ trong sân
khấu kịch Noh (thế kỷ XV, XVI) ám ảnh nhà văn, đồng thời tác giả muốn sử dụng
nó như một yếu tố kỳ ảo thuộc biện pháp nghệ thuật để thể hiện những vấn đề
hiện thực của cuộc sống. Nó là một hình ảnh rất đặc sắc, sinh động, chứa đựng
nhiều bí ẩn, nhiều tầng ý nghĩa sâu xa, thâm trầm. Qua hình ảnh chiếc
mặt nạ, Y. Kawabata muốn gửi gắm một ý nghĩa triết lý sâu sắc về
con người và cuộc đời. Cái mặt nạ dành cho người chết “vừa giống đàn ông vừa
giống đàn bà. Nó vừa giống một cô thiếu nữ vừa giống một cô thiếu nữ luống
tuổi” và đằng sau cái mặt nạ ấy “là nàng nhưng chẳng phải là nàng. Đằng sau đó
ta chẳng phân biệt được giới tính”(Mặt
nạ cho người chết). Phải chăng khi chết, con người trở nên thánh
thiện và mọi vương lụy của cuộc đời dường như không còn nữa? Chiếc mặt nạ không
có giới tính phủ lên mặt người phụ nữ đã chết như che đậy một quãng đời đầy
lãng mạn trong tình yêu của nàng. Thông điệp mà Y.Kawabata muốn gửi đến người
đọc là cái đẹp tự nhiên không cần che đậy, tô vẽ; con người, đặc biệt là phụ nữ
phải có lòng chung thuỷ.
Đối với nhân vật “tôi” trong Người đàn ông không cười,
chiếc mặt nạ cười khi đặt lên khuôn mặt người vợ anh ta đang ốm thì một điều
thật khủng khiếp đã xảy ra. Và “khi tôi vừa gỡ mặt nạ ra, khuôn mặt nàng hiện
ra xấu xí một cách thậm tệ gần như trở thành kỳ quái. Tôi rợn cả tóc gáy khi
nhìn vào khuôn mặt phờ phạc đó (...) không chỉ phải xấu xí, khó coi, khuôn mặt
đó giờ đây hiện ra còn héo hon, trầm uất đến cực độ”(Người đàn ông không cười).
Và nhân vật “tôi” thốt lên rằng: “Hay khuôn mặt vợ tôi - mà bấy lâu nay tôi
quen thấy với nụ cười dịu dàng nhân hậu - chẳng qua cũng chỉ là một thứ mặt nạ?
Phải chăng nụ cười trên khuôn mặt người phụ nữ cũng được tạo ra như những chiếc
mặt nạ đã được tạo ra như thế này?”(Người
đàn ông không cười). Ý nghĩa nhân sinh và triết lý sâu sắc về cuộc
đời được nhà văn khái quát từ chiếc mặt nạ thông qua cảm nhận của nhân vật “tôi” trong tác phẩm. Trong cuộc đời nhiều
bộ mặt con người cũng được che đậy dưới các cái mặt nạ khác nhau. Nhưng khát
vọng của Y.Kawabata là đi tìm cái đẹp vĩnh hằng trong tự nhiên, xã hội và con
người. Đó là vẻ đẹp trinh nguyên và tự nhiên, không cần tô vẽ, che đậy; là ước
muốn nhân bản cao đẹp của người nghệ sĩ.
Truyện ngắn Cánh tay là một minh chứng đầy thuyết phục cho
tài năng phản ánh cái kỳ ảo trong văn học của Y. Kawabata. Cánh
tay chứa đựng nhiều
yếu tố kỳ ảo, thần bí mang sức sống mạnh mẽ, đầy bất ngờ. Trong truyện, nhà văn
miêu tả chàng trai mượn cánh tay của người tình để qua đêm. Cánh tay được miêu
tả có một cuộc sống thực sự như một con người. Cánh tay biết nói, biết bật
điện, biết cử động, thậm chí đi lại, biết cảm nhận được mùi vị, màu sắc, ánh
sáng và biết suy nghĩ. Cánh tay mang một vẻ đẹp kỳ lạ giống như vẻ đẹp tràn đầy
sức sống của người con gái: “Nó rất đầy đặn, nở nang (...) Vẻ tròn trịa này
thường gặp ở người đẹp phương Tây chứ hiếm thấy ở Nhật. Một vẻ tròn đầy thanh
tao, trong sạch có ở bản thân cô gái (...) vẻ tròn đầy nơi cánh tay làm tôi cảm
thấy vẻ đầy đặn của thân hình nàng” (Cánh
tay). Nhà văn đã thổi vào cánh tay người tình của nhân vật “tôi”
một sức sống mãnh liệt biến nó thành một cô gái đẹp tuyệt vời. Cánh tay là một
hình ảnh thực, nhưng khi tách ra khỏi thân thể nó vẫn có một cuộc sống bình
thường như con người là một sáng tạo kỳ diệu mang tính chất kỳ ảo của nhà văn
Y. Kawabata. Chỉ một đêm với cánh tay mà nhân vật “tôi” cảm thấy như sống trong
hạnh phúc ngập tràn với người tình của mình. Cái phi lý trở thành hợp lý, cái
ảo trở thành cái thực. Câu chuyện dường như hoang đường, khó tin nhưng lại rất
sống động, hấp dẫn. Biện pháp nhân hoá sự vật ở tác phẩm này được hiểu như là
một thủ pháp nghệ thuật nhằm thể hiện vẻ đẹp của người con gái và sự khát khao
tình yêu của nhân vật “tôi”. Tước bỏ màu sắc thần bí, kỳ ảo bên ngoài của truyện
thì đây là một niềm đam mê cháy bỏng của con người vươn đến cái đẹp về hình thể
của người con gái và tình yêu bất tử của lứa đôi. Chính truyện này đã góp phần
đưa Y.Kawabata đứng vào đội ngũ những nhà văn hiện đại Nhật Bản tiếp thu và
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ trào lưu hiện đại của văn học phương Tây về phương diện
sử dụng yếu tố kỳ ảo trong văn học.
2. Những giấc mơ
Các giấc mơ cũng là một phương tiện để thể hiện những yếu tố kỳ
ảo trong tác phẩm của Y.Kawabata. Một điều đặc biệt là, hầu hết các giấc mơ trong
các tác phẩm của Y.Kawabata đều là của người già, và chủ yếu là ông già. Trong
các giấc mơ đó đều liên quan đến những điều khủng khiếp như: ngôi nhà đổ, nơi
đảo vắng, chó ngoài đời biến thành chó trong tranh, chiếc mặt nạ biến thành cô
gái, người bị cháy, phụ nữ bốn chân, con tàu, người có bộ râu đen, đàn muỗi,
quái thai, trứng rắn, sa mạc... Trong Sự sống dưới tấm mặt nạ,
ông già Shingo ở tuổi 62 mơ về một cuộc du ngoạn của ông và một cô gái trẻ đến
một hòn đảo vắng. Ở đó, ông như trẻ lại tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống bên
cạnh một cô gái trẻ, trinh bạch. Đây là sự nuối tiếc tuổi thanh xuân, một thời
hạnh phúc mà giờ đây nó chỉ còn là hoài niệm trong mơ.
Ở Tiếng rền của núi, ông
già Shingo có 9 giấc mơ về những sự vật, con người và trong những khoảng thời
gian và không gian khác nhau. Đó là những người không đủ vóc dáng, không tên
tuổi (người đàn bà không đầu), đàn muỗi khổng lồ như một cái cây, cát, trứng,
là không gian mờ ảo không định danh hoặc là sa mạc, đảo vắng không bóng người.
Sự biến ảo kỳ lạ trong các giấc mơ đều gắn với một nguyên do nào đó đối với
nhân vật trong quá khứ, hiện tại hoặc trong tương lai. Nhân vật mơ về một con
tàu đang lao đi vun vút, về bộ râu đen của một người đàn
ông
đang nô đùa với một cô gái trẻ nơi đảo vắng. Đôi khi trong mơ, Shingo thấy mình
trở thành một sĩ quan với gươm và súng rồi bỗng nhiên “hoá thành hai người: một
Shingo đứng nhìn một Shingo kia với bộ quân phục đang bốc lửa”. Có lẽ chính
những ức chế về đạo đức đã ảnh hưởng đến ông ngay cả trong giấc ngủ. Ở nhân vật
này, những ức chế của cuộc sống thường ngày là nguyên nhân dẫn đến sự giải toả
về mặt tâm lý thể hiện trong những giấc mơ về ban đêm.
Trong Người đẹp say ngủ, nhân
vật Êguchi đã có ba lần nằm mơ về những sự việc khác nhau. Nếu ở giấc mơ thứ nhất,
ông bị một người đàn bà bốn chân quặp chặt và ông cảm thấy “một cảm giác khoan
khoái”; giấc mơ thứ hai, Êguchi thấy con gái mình sinh ra một quái thai khủng
khiếp đến nỗi ông phải băm nát và vứt đi, thì giấc mơ thứ ba là một chuỗi những
mộng mị liên tiếp kéo dài. Thoạt đầu ông mơ về những trò dâm dục bệnh hoạn, sau
đó ông thấy mình đang đi về nhà sau chuyến du ngoạn trăng mật và “ngôi nhà của
ông như bị chìm trong một biển đầy hoa giống như hoa thược dược đang lay động
dưới làn gió” (Người đẹp
say ngủ). Đó là những điều kỳ lạ chỉ gặp trong mơ thể hiện trí
tưởng tượng ly kỳ hấp dẫn của tác giả và lôi cuốn sự tò mò của người đọc. Đây
có thể là tâm trạng bất an, dấu hiệu tuổi già của nhân vật.
Những giấc mơ kỳ lạ của các nhân vật trong những tác phẩm trên
của Y. Kawabata suy cho cùng chỉ là những biện pháp nghệ thuật mà nhà văn sử
dụng để khai thác tâm lý nhân vật. Những biểu hiện của các giấc mơ phản ánh
những ẩn ức về đạo đức và sinh lý con người, những điều không thể thực hiện
được trong ngày thường đã đi vào giấc mơ dưới một hình thức vô thức.
3. Kết luận
Cái làm nên giá trị trong những tác phẩm của Y. Kawabata và việc
nhà văn được giải Nobel văn học (1968) được thể hiện trên nhiều phương diện
nghệ thuật đặc sắc và phong phú khác nhau mà yếu tố kỳ ảo và giấc mơ cũng là
một đóng góp không nhỏ. Những yếu tố kỳ ảo, giấc mơ trong sáng tác của
Y.Kawabata là những yếu tố nghệ thuật độc đáo mang vẻ đẹp của phương Đông gắn
với tư duy nghệ thuật và hệ thống thi pháp của nhà văn. Đó là sự tiếp nối mang
tính truyền thống trong văn học Nhật Bản qua các thời đại và sự học tập những
phương thức nghệ thuật hiện đại của phương Tây. Sự hoà quyện này càng làm cho
những sáng tác của Y.Kawabata vừa mang hơi thở của cuộc sống vừa hấp dẫn, lôi
cuốn người đọc.
Hà Văn Lưỡng
Đại học Khoa học Huế
Tài liệu tham khảo
1. Tzevan Todorov (2008), Dẫn luận về văn chương kỳ ảo,
Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
2. Tuyển tập Yasunari Kawabata (2005), NXB Lao động, Trung tâm văn
hóa và ngôn ngữ Đông - Tây, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét