Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Phạm Đương - Cảm thức thời gian và những cơn mơ

Phạm Đương - Cảm thức thời gian và những cơn mơ 

Nó bông lơn nó, tôi cười cợt tôi
(MBA- Thơ tặng nó)
Nó hay cợt đùa. Nó hay huých cùi chõ. Nó hay bông lơn. Nó hay móc họng người khác… Vì nó đã là nhà báo nổi tiếng Trần Đăng. Nhưng… Nó ân tình. Nó trăn trở. Nó đau đời… Vì trước khi làm báo, nó là một “nhà thơ” theo đúng danh xưng (Cho dù nó mới được trở thành Nhà thơ chính thức kể từ khi kết nạp Hội Nhà văn vài ba năm nay).
Đời người, nhứt là đàn ông “có chữ” (ý thơ Cao Bá Quát), ai lại không “ham” danh. Tất nhiên, danh của thời phong kiến trung đại là đồng nghĩa với thực của người quân tử “gánh vác giang sơn”. Với Phạm Đương (của thời đại hôm nay), tôi nghĩ, nó muốn “danh” với bút danh Trần Đăng (Báo), còn với cái tên thiệt, thì nó là một hồn thơ thứ thiệt. Còn cái chuyện Nhà báo giúp (làm cứu cánh) cho Nhà thơ hiện nay, thì cũng xin ai đừng quá băn khoăn, vì nó đã quá hiểu… nó rồi.
Bạn đọc thân mến, xin hãy một lần nghe tôi đi! Phạm Đương đã “hiện nguyên hình” là một nhà thơ thứ thiệt cho dù anh chỉ mới có ba tập thơ mỏng mảnh trình làng còn tác phẩm báo chí có nhiều vô kể, mà chất lượng cũng chẳng phải vừa với rất nhiều giải thưởng danh giá. Nhưng tôi nghĩ, cái giải thưởng mà anh mong đợi hơn vẫn cứ là Giải thưởng Hội Nhà văn cho tập thơ “Giờ thứ 25”, và anh đã thực sự trở thành một hiện tượng của đời sống thơ ca Việt Nam năm 2012.
Đọc suốt ba tập thơ của Phạm Đương gồm: Bùn non (2005), Những bước chân gửi lại (2007) Giờ thứ 25 (2012), hiển hiện trong tôi sau cảm xúc mà các tập thơ đem lại là sự xuất hiện ngồn ngộn ý niệm thời gian và bề bộn những cơn mơ…
1. Phạm Đương và cảm thức thời gian
Không biết có phải vì là một nhà báo chuyên nghiệp (trọng thời gian, thời điểm phản ánh của một bản tin hay không), nhưng tôi thấy, đúng là thời gian đã trở thành một cảm thức, một ám ảnh thơ của Phạm Đương. Bạn đọc hai câu thơ này:
giăng mắc những chiếc dây vô hình
nối về một vùng sáng trong mơ sót lại
(Gió dại)
Thời gian trôi qua như mơ, thời gian vô tình nước chảy, chỉ cơn mơ còn lại. Mơ mà thật, vì nó là thời gian… Nhưng thời gian đâu chỉ là thời điểm, thời khắc, là giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm… của nhà báo, mà nó là cái đã qua thời điểm, thời khắc, còn đọng lại, “sót lại” trong thẳm sâu vô thức của con người. Nhà báo trọng sự chính xác đến từng phút giây của sự việc phản ánh, nhưng sau cái phản ánh thực của dòng tin tức, trong lòng nhà báo chứa biết bao nhiêu nỗi đau, nỗi xót xa… của mẫu tin mình đưa nóng. Tin đó, sự kiện đó, nhưng chứa đằng sau nó là bao nỗi niềm. Thơ ở đó, Phạm Đương khuất sau Trần Đăng bắt đầu ở đó. Và nhà thơ bắt đầu nhìn nhận. Cảm thức thời gian trong thơ Phạm Đương phức tạp, đa chiều, nhiều lẽ… như chính cái sự đời phức tạp mà anh nhìn, cảm nhận qua những sự kiện báo chí với chức năng “thông tin và định hướng”. Thơ mất định hướng ư? Không đâu! Thơ dắt còn người đi về bản chất đời, bản chất nhân văn của cuộc nhân sinh trên tầm nhân loại. Bản tin báo chí nào chẳng thế: thời gian, địa điểm, sự việc. Chấm hết. Còn thời gian trong cảm nhận của thơ thì quá đa chiều, phức tạp đến mức, ai cũng có thể phán: “Phi lý! Đồ điên!”. Thơ chính là cái thời gian phi lý, là cái thằng điên đầy chất người ấy.
Thử cảm nhận, giải mã một vài khía cạnh thời gian thơ Phạm Đương…
1.1. Thời-gian-phi-thời-gian để tự nhìn nhận mình
Đó là cái “giờ thứ 25” anh tự thoát xác mình để làm một “tên khùng”, một “gã rồ” trước thơ:
Bỏ lại mọi toan tính phía sau lưng
anh có giờ thứ hai lăm khuya khoắt
giờ thứ hai lăm ngọt nhạt
giờ thứ hai lăm bồn chồn
hai mươi bốn giờ đi qua nhìn anh bằng đôi mắt khác
một tên khùng trong bóng đêm
một gã rồ trước nến (Giờ thứ hai lăm)
Cái “giờ thứ 25” ấy thực ra không thể gọi là “thứ 25” vì làm gì có thời gian đó, mà đó là cái thời gian anh nghỉ ngơi công việc thường ngày để sống với chính mình, sống thật với lòng mình:
kim đồng hồ nhích dần đến khoảng tối
nơi tôi có thể gặp lại khuôn mặt thật của mình
sau một ngày sắm vai kẻ khác /…/
tôi hi vọng gặp lại mình một giây
trước khi bắt đầu sắm vai kẻ khác
(Những mảnh vỡ)
Đọc Phạm Đương, ta chợt giật mình thon thót, vì hình như anh đã nói hộ chính ta cái 24 giờ không là chính ta ấy. Có những cái mà trong 24 giờ thường nhật ta tưởng thật, té ra lại là không, ta đã tự đào huyệt chôn mình cho dù đang ngả nghiêng, nói cười ồn ả:
rồi mình xóa mình
xóa cả chiếc bóng hờ bao năm tưởng thật
xóa một màu trắng xóa
rét run
ồn ã nói cười ồn ã ngả nghiêng
cố chôn trống vắng
bằng những chiếc huyệt ồn
làm sao lấp được? (Một ngày xanh)
Sống thật với lòng mình trong cái khoảng thời gian phi thời gian ấy để những câu thơ thật sự là thơ, để cuộc sống trong veo cùng cuộc sống, để ta về lại với cái sơ nguyên bản thể của chính ta. Có thể đó là Nát bàn của Phật, Thiên đường của Đức Chúa Trời… Nhưng có lẽ đúng hơn, ít mơ hồ, xa xôi hơn tôn giáo, là chính cái Nát Bàn trong lòng của mỗi con người trần ai hướng thiện để tâm hồn không mảy may “nhiễm độc” bởi những lố lăng buôn Thánh bán Thần:
anh chẳng đem lại gì cho em
trong giờ thứ hai lăm khuya khoắt
ngoài những câu thơ như khói thuốc
những câu thơ không nhiễm độc bao giờ
(Giờ thứ hai lăm)
Chính cái thời gian “thứ 25” ngắn ngủi ấy sẽ “cứu rỗi” anh, “cứu rỗi” tôi, và thậm chí là cả nhân loại rộng lớn, cả vũ trụ bao la này còn biết mình được sống, còn thấy tương lai để mà sống giữa cuộc đời toàn cốt thép bê tông:
ba phần tư ngày
ba phần tư thời gian xoay vần trong tù mù
cơm áo
hy vọng nửa chiều sót lại
cứu rỗi những hố đen trên sao hỏa
khỏi bị khỏa lấp bằng sắt thép
(Một phần tư ngày)
Không cần đến “một phần tư ngày” đâu, chỉ cần một sát - na “thứ 25” kia, ta biết thế giới vẫn còn tồn tại.
1.2. Thời gian theo dòng ký ức để nhìn nhận tình đời
Ngoài cái thời-gian-phi-thời-gian ấy, Phạm Đương vẫn thường đứng ở thực tại, đẩy cái thời gian lùi về quá khứ để nhìn nhận muôn mặt cuộc đời. Hình như với Phạm Đương, muốn nhìn nhận tình đời để thành thơ nhằm ghi lại cái điều mình cảm được trong một khoảnh khắc thời gian nào đó, anh cứ đẩy nó về quá khứ:
Tình cờ gặp lại chú Năm đồng hương nơi đất Mũi
bốn mươi năm xa quê
chừng ấy thời gian đủ để quên nhiều thứ
nhưng giọng Quảng thì không lẫn vào đâu được
(Trên chiếu rượu với chú Năm
đồng hương nơi đất Mũi)
“Bốn mươi năm” lưu lạc, xa quê, mà giọng Quảng cứ y sì giọng Quảng, để từ cái chất Quảng ấy, anh nhận ra giá trị một con người, giá trị một đời người, giá trị của cuộc sống biến chuyển không ngừng nghỉ:
hành trang mang theo là giọng bài chòi
rơi rớt dọc đường cùng ghe bầu tắc ráng
giờ chỉ còn câu vọng cổ
mỗi câu hát một phận đời xa xứ
lục bình trôi biết bến đỗ nơi nào (Trên chiếu
rượu với chú Năm đồng hương nơi đất Mũi)
Đứng ở “tuổi năm tư” trừ “tuổi hai lăm” nơi “rừng săng lẻ”, Phạm Đương đã bộc lộ ký ức của một thời những người lính Trường Sơn. Thơ Phạm Đương cứ hư thực, thực hư khi thời gian được cảm thức từ mặt sau thực tại:
rừng săng lẻ năm ta hai lăm tuổi
lá xanh hoa tím
giờ tuổi năm tư
hoa tím ngày xưa vẫn tím
tóc ta nay đã sương mù (Ký ức)
Và cũng trong thời máu lửa gian nan với “kỷ luật thép” của chiến tranh ấy, sau “bốn mươi mốt năm”, người đàn bà và người đàn ông ấy mới lại gặp nhau. Chứng kiến cuộc gặp gỡ éo le này trong hiện tại, Phạm Đương đã có những dòng thơ vô cùng xúc động khi anh đẩy câu chuyện lùi lại “bốn mươi mốt năm” xưa:
Sáng nay nghe một chuyện không vui không buồn
Người đàn bà sáu mươi tuổi bất ngờ gặp lại
người tình cũ
Trong trại an dưỡng thương binh nặng
Một gã du kích cách đây đã bốn mươi mốt năm
Bà thì nhận ra ngay còn ông lơ đễnh như kẻ
xa lạ/…/
trong đáy thẳm gã du kích năm xưa
người ấy luôn luôn mười chín tuổi
(Biện hộ cho những giấc mơ không có thật)
Rồi lại ký ức “hai mươi tư năm” của những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Nam mà chính anh là người trong cuộc:
tôi gặp lại trong ký ức những hàng bia Đức Cơ
hai mươi tư năm vẫn một màu trắng xóa
(Những bông quỳ muộn)
Đọc Phạm Đương, ta dễ nhận ra, sau cái hiện thực trụi trần của nhà báo Trần Đăng, anh là người nuôi thơ bằng ký ức, bằng những cái đã qua, mà 24 giờ trần ai có đi hết một phận người, cũng không thể nào gột sạch:
có một vệt bùn trôi nhanh trong trí nhớ
ô mô ô miếc gì cũng không tẩy được
vệt bùn mọc rêu ký ức
lấy nỗi nhớ ra mà giặt (Suýt nữa thì vỡ)
Không chỉ có ký ức tha phương về lịch sử mở cõi của toàn dân tộc, quá khứ chiến tranh mà toàn dân tộc đã đi qua; trên bình diện rộng cả thế giới, Phạm Đương cũng dằng dặc phân thân bằng chính quá khứ nhân loại đã đi qua:
chim khuôn ngọc quay về sau mùa di thực
cây vô ưu ra hoa qua hai nghìn năm hành khất
rơm rạ oằn lưng trong mắt người nghèo
(sóng giêng hai)
Ngay cả chuyện hạt thóc cổ khai quật được ở thành Dền nẩy mầm (!) trong hiện tại cũng được anh nối với quá khứ, với nhân loại bằng cái nhìn đối sánh để nâng tầm rộng của chiều liên tưởng thời gian, để cân bằng chính mình giữa muôn biến thiên của xa rộng cuộc đời:
Những hạt thóc bị giam suốt ba ngàn năm
giờ vẫn nảy mầm
không một nhà tù nào có thể nhốt được khát vọng
(Hạt thóc và bom)
Những hạt thóc bị giam suốt ba nghìn năm” - “Những trái bom mai phục trong đất ba mươi lăm năm trước”, cái thì “nẩy mầm khát vọng”, cái lại “bị xới tung lên vung vãi tội ác”, làm sao có thể cân bằng?:
chúng ta đang đi trên những chiếc dây
căng qua đời sống
tìm sự thăng bằng giữa hạt thóc và bom
(Hạt thóc và bom)
Về với cuộc sống đời thường, cả những chuyện trớ trêu, vặt vãnh hàng ngày, Phạm Đương vẫn cứ đẩy lùi thời gian về phía của ký ức. Mà một khi phủ lên chuyện thường ngày lớp sương của quá khứ, của ký ức, thơ Phạm Đương cứ đẩy người đọc về phía bồng bềnh của những liên tưởng, để bất chợt nhận ra một nụ cười thật buồn, một ý vị triết lý sâu cay qua cái giọng thơ tưởng cứ cợt đùa theo kiểu Phạm Đương:
mười năm ở nhà chật
lúc nào cũng canh cánh bên lòng
không biết đêm nay có thằng bạn nào say
rượu xin ngủ nhờ không?/…/
cả trăm bài thơ từ căn nhà chật/…/
ba tháng rộng cửa cao nhà
rồi một năm tường cao kín cổng
vẫn chưa thấy có đêm nào ngủ yên
vẫn không thấy có thằng bạn nào say rượu
xin ngủ qua đêm
một câu thơ cũng không viết nổi
bỗng thèm cái thời nhà chật
hỏi có điên không?(Một thời nhà chật)
Ai điên, ai tỉnh trong cái chuyện thường ngày này? Nhưng rõ ràng, nhà thơ chính là người tỉnh nhất. Tỉnh để nhận nhìn phía sau cái kín cổng cao tường kia, phía bên dưới của tòa nhà cao tầng kia,… ký ức của một thời - “Một thời nhà chật” mà tràn đầy nhân ái, ăm ắp những câu thơ.
Ký ức ám cả đến chuyện tình yêu “hai mươi ba năm”:
em vẫn như hai mươi ba năm trước
ám vào tôi không gỡ ra được/…/
hai mươi ba năm sau
kem đã tan thành nước
sao tôi còn nghe buốt (Hai mươi ba năm)
Cả chuyện mới diễn ra chỉ có “ba trăm sáu tư ngày”:
có một thằng đàn ông
chẳng thèm buông nửa câu thề thốt
lặng lẽ theo em cuối đất cùng trời
đủ ba trăm sáu tư ngày
chỉ trừ
mùng một tháng tư (Cá tháng tư)
Và… chuyện vợ chồng “bao năm qua”:
bao năm qua
anh luôn để ngỏ tất cả các lối vào
không dựng trạm thu phí
bởi anh tin vào sự lương thiện
khi kẻ trộm vào nhà ta
bằng những bước chân không hề lẻn
ấy là lúc
những chiếc khóa tâm hồn trở nên vô nghĩa
(Nhè nhẹ)
Kẻ trộm vào nhà một cách ngang nhiên “không hề lẻn” vì đã có “tín hiệu báo yên” của người trong nhà thì rõ ràng, không ai có tài nào “giữ của”, cho dù đó là “của quý” nhất trên đời. Khi mà niềm tin tuyệt đối vào sự lương thiện bị đánh tráo, thì “chiếc chìa khóa tâm hồn” cũng bị vô hiệu huống hồ là những chùm chìa khóa thật khóa chặt các tường rào, cổng ngõ, cửa nhà… Đọc những câu thơ bình thường này mà bỗng thấy “kinh”, thấy “rợn”. Phạm Đương đã làm được điều đó.
Tôi có cảm giác, thơ Phạm Đương chỉ cần đọc đã thấy thích, cảm được cái lạ rất bất chợt, mà chẳng cần nhọc công phân tích, vì những chuyện thường ngày anh viết ra, chẳng có gì là lạ. Tất cả đó, cứ đọc lên thấy xót, thấy vui, thấy hay, thấy lạ... Và đặc biệt là người đọc nếm được vị đắng triết lý cuộc đời qua cái giọng thơ không lấy gì làm nghiêm trọng của anh.
1.3. Lỡ nhịp thời gian
Cái vị đắng triết lý càng thấm đượm ở những bài thơ, những đoạn thơ viết về những hối tiếc, nuối tiếc đã vuột khỏi tầm tay trong dòng chảy thời gian:
năm mươi tuổi làm điều chi cũng muộn
ước điều chi cũng quá trễ tràng (Đà Lạt)
Những loài hoa khác nở vào cuối mùa cũng chẳng ai cho là muộn, là trái mùa. Nhưng hoa mai lỡ hẹn không rộ nở được vào dịp tết thì xem như đã vô duyên vì đã quá muộn màng, cho dù vẫn còn đó sắc vàng gắng gượng:
Những đóa mai cuối mùa
gượng vàng lên lần chót
anh biết
em đã lỡ một nhịp
lỡ một nhịp
bông vẫn vàng cây vẫn xanh chồi xanh chầm chậm
chẳng hiểu vì sao
mùa gọi mùa đi đàn chim sẻ chưa bao giờ trễ hẹn
mất mùa lúa úa cả mùa cau hết nơi chim làm tổ
(Một ngày xanh)
Chỉ “lỡ một nhịp” thời gian thôi, tất cả rồi cũng vô tình đi qua tự nhiên như “cây xanh chồi”, như “mùa gọi mùa chim về đúng hẹn”, nhưng “lỡ một nhịp” dù chỉ là cái sát-na bé nhỏ trong thân phận người, là mất đi tất cả:
anh bị hất ra rìa cơn bão giá
chợt thấy mình chưa kịp nở đã già nua…
(Nhịp mùa)
Và cái cảm giác muộn màng giữa bóng đêm và ánh ngày này, cứ rờn rợn trong ta khi lỡ để trượt qua dù chỉ một phút giây trong dằng dặc kiếp người:
Chỉ còn lại những bông quỳ muộn
run lập cập
trong bóng đêm
nơi ánh ngày vừa tắt
tôi muộn màng như một bông quỳ
mơ giấc mơ sũng nước
đêm mùa khô Tây Nguyên
gió trôi ngược
(Những bông quỳ muộn)
Đã lỡ nhịp rồi, dù có cố mượn thời gian để “vá vết thương” thì vô tình anh lại cố tình rạch thêm vết thương lòng mà mỗi lần khâu là mỗi lần “đầm đìa” máu đỏ:
anh như chiếc đồng hồ ngược
mượn thời gian vá vết thương khuya
ai đã rạch một đường hư ảo
để anh khâu những nhát đầm đìa?
(Ý nghĩ rách)
Ôi! Dài rộng là thời gian, chữa lành vết thương cũng nhờ vả thời gian. Nhưng sao cái thời gian lỡ nhịp của Phạm Đương cứ mê hoặc ta bằng những rợn rợn của mất mát. Cái “đoạn trường lỡ nhịp” của Phạm Đương là những khoảnh khắc thơ độc sáng bằng nỗi ám ảnh lớn.
2. Phạm Đương và cảm thức của những cơn mơ
Khi thời gian được đẩy lùi về quá vãng, đã trở thành ký ức qua màn sương giăng giăng mờ của không gian không hạn lượng, và khi cái ký ức mãi ám ảnh ta, tất sẽ dắt ta vào những cơn mơ, cho dù “nuôi giấc mơ, không bao giờ được trả lãi”:
xa xôi ầu ơ một dòng tin ngắn
gió nồm đã ngược hướng khơi
nuôi làm gì giấc mơ
dù không trả lãi? (Giấc mơ không tính lãi)
Nhưng, hãy cứ mơ đi! Vì những cơn mơ không bị đánh thuế bao giờ:
nào hãy mơ đi các bạn
đừng sợ
không ai đánh thuế giấc mơ bao giờ
(Biện hộ cho những giấc mơ không có thật)
2.1. Những cơn mơ từ quá khứ
Dù chỉ mới vượt qua tuổi 50, nhưng đọc Phạm Đương, ta luôn thấy anh đứng về phía của thời quá khứ để đào sâu cái hiện tại vốn dĩ của cuộc đời. Câu chuyện “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ở Quảng Ngãi quê anh đã nổi tiếng trên toàn thế giới, đã lên phim, lên ảnh khắp nơi, và ngọn lửa quá khứ ấy đang bùng cháy, đang lan rộng cho dù ai cũng thốt lên: “Đừng đốt!”:
khó mà tin được
đám cháy ngày ấy
ba mươi lăm năm sau
vẫn còn ngút khói (Chị Thùy)
Cái giấc mơ ngày xưa (giấc mơ thời chiến) về thời bình đã được nhiều người lính mơ, nhưng chiến tranh mà, có phải ai cũng đi được hết qua thời chiến để mà thực hiện ước mơ “ôm nhau thoải mái ngày hòa bình” như đã từng mơ ước. Người hi sinh, không hi sinh thì ly tán sau cuộc chiến, ngày gặp lại nhau, cả hai đã chẳng còn nhận ra nhau, và cái giấc mơ ấy đã đến (được gặp nhau sau ngày hòa bình), nhưng họ đã già nua, bệnh tật… giấc mơ xưa vĩnh viễn cũng chỉ là mơ:
theo ký ức mù sương của bà thì họ đã một lần
hôn nhau
nhưng không dám bước qua lằn ranh ám ảnh về những cuộc kiểm điểm liên miên thời chiến/…/
giấc mơ được thoải mái ôm nhau ngày hòa bình
đã vĩnh viễn gửi lại cánh rừng mười chín tuổi
đó là giấc mơ nặng nhọc nhất mà cả hai phải
gồng gánh
suốt chặng đường còn lại
(Biện hộ cho những giấc mơ không có thật)
Khi Barack Obama, người da đen đầu tiên trở thành Tổng thống Mỹ, Phạm Đương cảm nhận ông chính là người cứu rỗi những cơn mơ, những cơn mơ tưởng không bao giờ có của một quá khứ đen. Và ông đã trở thành “Viên ngọc đen” đúng nghĩa:
những thân phận chưa bao giờ dám mơ ước
dù là mơ một mẩu bánh mì (Viên ngọc đen)
Ám ảnh Phạm Đương hàng đêm không chỉ là những cơn mơ lớn về chiến tranh, về hòa bình, về tự do, dân chủ… mà còn là những cơn mơ gụi gần trong tình thân của quá khứ mẹ cha:
chập chờn hàng đêm khuôn mặt cha già
từng bước dõi con là đôi mắt mẹ
nhớ lá mít rụng đầy mỗi sáng
mẹ nhặt lá mít già vứt vô chuồng trâu
anh nhặt hi vọng
anh vứt vào đâu?(Nha Trang, chào!)
Và cuối cùng, Phạm Đương nhận ra, trong muôn mặt xô bồ, quái quỷ của cuộc sống thực tại 24 giờ trần ai nhuốm bụi ấy, chính cái “Giờ thứ 25”, chính những cơn mơ đã giải thoát con người:
cũng may là còn sông Hương
làm chiếc lông ngỗng
cũng may là còn có thơ
để anh tát cạn vui buồn trần thế
trong mơ gặp một con bò
bình yên gặm cỏ… (Cũng may là còn)
Với Phạm Đương, trong thực tại cuộc sống hôm nay “Cũng may mà còn” có những cơn mơ, để có thơ, để có tình yêu thương, lòng nhân ái của con người.
2.2. Những cơn mơ từ thực tại
Quá khứ, ký ức ám ảnh tạo nên những cơn mơ là chuyện đã đành. Vậy mà, thơ Phạm Đương vẫn có những cơn mơ dấy lên tự thực tại. Giấc mơ chính là những ước mơ đau đáu của kiếp người. Trong cuộc sống hiện nay, ai chẳng mơ con “đỗ vào Đại học” cho dù biết rằng, với học phí vời vợi của thời nay, con “đỗ” thì cha sẽ… chết. Chẳng lẽ… mơ được chết! Không ai ước mơ mình chết bao giờ. Nhưng dù có chết… vẫn cứ mơ. Chết để con được “cày ải trên cánh đồng chữ” vẫn hơn sống mà con lại tiếp tục nối nghiệp mình mãi “cày ải trên mảnh ruộng đầy hóa chất và thuốc trừ sâu”:
Con được vào đại học là giấc mơ của tất cả
các bậc cha mẹ /…/
con thi đỗ thì cha sẽ chết
nhưng thà chết như thế may ra còn được sống
nuôi giấc mơ được cày ải trên cánh đồng chữ
vẫn dễ chịu hơn là cày ải trên mảnh ruộng
đầy hóa chất và thuốc trừ sâu
(Biện hộ cho những giấc mơ không có thật)
Không những cha mẹ mơ mà con cũng mơ, giấc mơ của những đứa con nông dân lầm lũi:
hàng triệu đứa trẻ nông thôn luôn nuôi giấc
mơ không có thật
bằng những phép màu rạ rơm…
(Biện hộ cho những giấc mơ không có thật)
Ủ trong rơm rạ mà mơ, chân lấm tay bùn mà mơ. Đúng là những cơn mơ trộn mồ hôi, toen hoẻn, chập chờn, nhão nhoét nước của “chiếc tủ kem ngày cúp điện”:
Tôi nuôi giấc mơ Đà Lạt, Sa Pa chạy dọc
miền Trung
bất ngờ điện cúp không báo trước
mồ hôi trộn với cơn mơ
mang hình chiếc tủ kem ngày không có điện
(Biện hộ cho những giấc mơ không có thật)
Sáng nào cũng gặp “người đàn bà xa lạ” nhìn mình, tối nào cũng nằm bên cạnh người đàn bà quen thuộc của mình, thế mà rồi mộng mị của những cơn mơ đẩy người xa về gần, người gần lại hóa xa xôi. Phạm Đương nghịch lý mà cũng vô cùng hữu lý:
người đàn bà trong tranh
sáng nào cũng nhìn tôi không chớp mắt
người đàn bà trong đời
tối nào cũng lấp đầy mộng mị
khó mà bắt được sóng của họ
(Những mảnh vỡ)
Bỏ thì thương, vương thì tội, Phạm Đương đã nuôi trong thơ mình những cơn mơ như nuôi trong đời một con nợ:
giội một gáo nước lạnh
cho tỉnh cơn mơ
anh đã nuôi cơn mơ ấy
như nuôi một con nợ (Sóng ảo)
Có những cơn mơ dữ dội, nhưng Phạm Đương cũng có những cơn mơ tưng tửng, nhẹ nhàng, vui vui, mà cũng đầy nghịch lý:
những nàng béo lúp
nằm mơ dáng gầy/…/
người trong bóng tối
nằm mơ trăng đầy/…/
anh con lật đật
mơ chạm cung mây (Bye bye good good)
2.3. Bí ẩn những cơn mơ
Đã là mơ tất nhiên chứa đựng nhiều bí ẩn. Bí ẩn từ vọng âm đập vào thần kinh của đời thực cũng có, nhưng cũng bí ẩn bởi những cơn mơ mang những tình tiết siêu hình. Có những cơn mơ lạ, mà khi tỉnh lại, người ta chỉ mang máng nhớ là có mơ mà không thể kể lại, cũng không nhớ rõ mặt người trong mơ:
như tiếng chuông canh chừng bước chân sợ
hãi của người đi đêm
em đã ném anh vào hoang mạc
bằng tiếng thở dài
lời khẩn cầu lúc này không phải là nước
mà là giấc mơ/…/
gửi lại những bước chân sợ hãi
từng đi qua hoang mạc đời người
(Những bước chân gửi lại)
Chính cái bí ẩn, hoang dại, tù mù này đã phủ lên một trường nghĩa mông lung cho thơ về những cơn mơ, đẩy thơ về một miền xa lắc nào đó. Tôi yêu những cơn mơ hoang dại, tù mù này của Phạm Đương:
tràn qua anh ngọn gió dại
mọc hoang lưng chừng trời/…/
ngọn gió dại mọc hoang bờ rào
tràn qua anh hồi còi báo động
âm âm u u
tờ mờ tù mù (Gió dại)
Hoang dại thế, âm âm u u thế, nhưng sự cắn xé của những cơn mơ đau thì để lại vết tích hằn sâu rất thật như vết răng loài chó dại phập vào người:
từng cơn gió dại chưa tiêm phòng
phập vào anh những dấu răng chí mạng
(Gió dại)
Thương tật hình hài cũng có thể tạo nên những giấc mơ thương tật. Nhưng tất nhiên thương tật tâm hồn thì chẳng bao giờ là do… chó dại gây ra. Dẫu có là giấc mơ “không thành hình hài” đi chăng nữa thì vẫn xin những cơn mơ để trong bão động cuộc đời, người còn nơi để trú ngụ, ủi an:
ngôi nhà ấy từng thắp lên niềm tin
từng dụi tắt những mơ ước
nhưng anh đã biết đứng lên
bằng những giấc mơ thương tật
những giấc mơ không thành hình hài
đã nuôi nấng dỗ dành đêm bão rớt
(Ngôi nhà ấy) 
Tự “nuôi nấng dỗ dành” mình bằng những cơn mơ, nhưng rồi cũng có lúc ta trốn vào mơ mà người đời vẫn không chịu buông tha, vẫn cứ săn đuổi. Mà một khi họ dồn ta vào bước đường cùng (vào tận nơi xuất phát cơn mơ để xé toạc nó ra) bằng một “đường dao không thấy lưỡi” thì chẳng kim chỉ nào trên đời này vá vúi cho lành lặn những cơn mơ:
em đã nghĩ rách về anh
toạc một vệt trong đầu
chiếc áo giấc mơ anh lành lặn thế
rạch một đường dao mà không thấy lưỡi
kim chỉ nào vá được ơi em ? (Ý nghĩ rách)
Lại một cảm giác rờn rợn dâng lên khi đọc “Ý nghĩ rách” của Phạm Đương. Tôi không hiểu sao, cái anh chàng hay cợt đùa này, cứ bắt ta phải giật thót mình bởi những câu thơ đớn đau như thế.
Có những giấc mơ bị xé rách, cũng có những giấc mơ bị “đứt nối” để rồi “nuối tiếc” vì người chẳng cùng mình đi hết cơn mơ:
Chỉ còn lại loáng thoáng
những đứt nối
những nuối tiếc
những nông nổi vội vàng
em của những muộn phiền dằng dặc
sao không cùng ta tát cạn giấc mơ này?
(Còn lại)
và cũng có những giấc mơ “dài hơn cả đời người”. Đó chính là bí ẩn của những cơn mơ, nhưng dẫu có thế nào, Phạm Đương vẫn cứ xin được mơ, dù chỉ để lại một niềm an ủi nhỏ:
có những giấc chiêm bao dài hơn cả đời
người
xin một lần được chiêm bao
dù chỉ thấy mùa thu qua khung cửa hẹp
(Ở ngả tư đường)
Những vần thơ nho nhỏ về những giấc mơ nho nhỏ được Phạm Đương thả trôi theo thời gian, giọng điệu bí ẩn, hoang dại, tù mù mà ray rứt, đớn đau… Bất chợt thời gian, bất chợt những cơn mơ, ta có những câu thơ bất chợt tài hoa của thi sĩ Phạm Đương in dấu trên thi đàn Việt.
Quảng Ngãi, cuối Xuân 2013
Theo phongdiep.net


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...