Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Giao hưởng No. 1 giọng Son thứ “Những giấc mơ mùa đông”, Op. 13

Giao hưởng No. 1 giọng Son thứ “Những giấc mơ mùa đông”, Op. 13 
 
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky
Thời gian sáng tác: 1866, sửa lại 1866, 1874
Công diễn lần đầu: ngày 03/02/1868 tại Moscow, do Nicolai Rubinstein chỉ huy
Thời lượng: khoảng 45 phút
Đề tặng: Nicolai Rubinstein
Xuất bản lần đầu: 1875
Tổng phổ: 2 flute, 1 piccolo, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, 1 tuba, timpani và bộ dây.
Tác phẩm gồm 4 chương
I- Allegro tranquillo. (Dreams of a winter journey - Những ước vọng trên hành trình mùa đông)
II- Adagio cantabile ma non tanto. (Land of desolation, land of mist - Miền thê lương, chốn sương mù)
III- Scherzo: Allegro scherzando giocoso
IV- Andante lugubre. Allegro moderato. Allegro maestoso. Andante lugubre. Allegro vivo. 
Hoàn cảnh sáng tác
Cuối năm 1865, Tchaikovsky tốt nghiệp nhạc viện St. Petersbough. Tchaikovsky bắt tay viết giao hưởng số 1 đầu năm 1866 khi ông vừa chuyển đến làm giảng viên hòa âm ở nhạc viện Moscow. Ông đề tặng bản giao hưởng của mình cho Nicolai Rubinstein, giám đốc nhạc viện Moscow, người mời ông vào làm việc. Mới đầu bản giao hưởng không được mọi người đón nhận. Đến năm 1868 Rubinstein mới chỉ huy trọn vẹn bản giao hưởng, lần này tác phẩm được tiếp nhận nồng nhiệt. Tchaikovsky còn tiếp tục sửa chữa cho đến khi bản giao hưởng được xuất bản vào năm 1875.
Phân tích
I- Allegro tranquillo
“Những ước vọng trên hành trình mùa đông“ – tác giả đặt tên cho chương I của bản giao hưởng như vậy. Ông muốn truyền đạt trong chương này những ấn tượng thơ mộng mà phong cảnh mùa đông nước Nga đem lại. Chỉ những ai từng trải qua hành trình mùa đông nước Nga mới cảm nhận được khung cảnh này. Những bình nguyên phủ đầy tuyết trắng trải dài ra vô tận. Con đường trở nên bé nhỏ, lạc giữa không gian bao la của đất nước Nga. Tiếng nhạc ngựa vang lên một cánh nhịp nhàng, hòa vào tiếng kêu kẽo kẹt của xe trượt tuyết. Người đánh xe cất tiếng hát, giọng hát vang xa vọng vào những cánh rừng. Cứ thế trên suốt hành trình xa xôi, hiện thực quyện lẫn với ước mơ tạo thành những cảnh tượng mờ ảo…
Chương I được viết bằng hình thức sonata rõ nét. Trong tiếng thì thầm của bè violin, tiếng kèn bassoon cất lên chủ đề 1 – một giai điệu ngắn mềm mại, đắm mình trong nỗi buồn. Cảm xúc ập đến thật trực tiếp và dồn nén. Tiếp sau đó dàn dây diễn tấu nét nhạc dưới nhiều cung bậc khác nhau cùng tiếng đệm của bè gỗ, tô đậm phong cảnh đơn điệu, bầu không khí tĩnh mịch và những mong ước lờ mờ trong hành trình mùa đông lẻ loi. Nhưng chốc chốc, mọi vật như lóe sáng trong tiếng sáo, có thể đó là những lúc “thiên nhiên mang lại niềm khoái cảm" như nhạc sĩ đã viết trong một bức thư. Ở phần kết của chủ đề một, cảm xúc dồn nén được bung ra phần nào trong sự diễn tấu của cả dàn nhạc. 
Sau phần kết mạnh mẽ của chủ đề 1, chủ đề 2 – một giai điệu nhẹ nhàng, thơ mộng, bình yên - cất lên như một luồng gió mới. Dòng suy tưởng mới đầu còn lặng lẽ và sáng sủa trong tiếng kèn clarinet ấm áp, nhưng chẳng mấy chốc đã trở nên xao động như bị cuốn vào những trận gió tuyết xa xôi và lạnh lẽo của mùa đông. Tiếp đó, có một khoảng lặng, tiếng kèn cor rền xa xăm. Thoáng chốc thiên nhiên như bừng tỉnh, hùng vĩ và đầy vận động. Những tiếng động kỳ ảo trong rừng vọng ra làm cảnh vật bỗng trở nên sinh động. Tâm hồn nhạc sĩ như bừng tỉnh, tạm thời thoát khỏi những suy tưởng cô tịch, xao động để quay lại với hành khúc nhạc ngựa hối hả, đồng thời trở nên tươi mới, như bay cao thu vào tầm mắt cảnh thiên nhiên hùng vĩ trong tiếng hát của cả dàn nhạc.
Phần phát triển cô đọng và kịch tính. Chủ đề một được tập trung phát triển, màu sắc đậm lại một cánh đáng ngại, báo trước những nét kịch tính khủng khiếp của những bản giao hưởng thời kỳ thành thục của Tchaikovsky. Những hồi rúc dài của kèn cor chuyển tiếp sang phần tái hiện của chương nhạc, nơi cả hai chủ đề xuất hiện trở lại. Có lẽ do ảnh hưởng của phần phát triển kịch tính, chủ đề 1 trở nên hối thúc hơn còn chủ đề 2 trầm hơn, buồn hơn.
Trong phần kết (coda), chủ đề 1 vẫn giữ vai trò trung tâm, xuất hiện dưới nhiều âm hình khác nhau. Ngoài ra phần đệm của bè trầm dàn dây mang âm hưởng của chủ đề 1 (xuất hiện từ đầu chương) cũng tái xuất hiện, giữ vai trò dẫn dắt vào phần kết và kết thúc chương nhạc.
Suốt cả chương nhạc, tiếng kèn cor nhiều lần xuất hiện như để tô đậm cảnh tượng xa xôi diệu vợi của con đường mùa đông và những dòng suy nghĩ không dứt.
II- Adagio cantabile ma non tanto
Chương adagio của bản giao hưởng – với tiêu đề “miền thê lương, chốn sương mù”- ghi lại cảm xúc của tác giả về chuyến đi chơi đến đảo Valaam trên hồ Ladoga. Vang lên một cách trang nhã ở bè dây, một nét nhạc chậm rãi dựng lên hình ảnh hồ nước bao la của phong cách miền Bắc. Khoan thai và ngân nga, chủ đề này làm ta liên tưởng đến cảnh mặt hồ mênh mông hiền hòa, dập dìu song nước với những cảnh vật tĩnh lặng xa xa.
Nhưng chẳng mấy chốc, sự thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên đã đưa đến dòng tình cảm và sự suy tưởng cao quý: dần dà trên nền sóng nước đó, chủ đề hai – một âm điệu mềm mại - cất lên một cách buồn rầu, tư lự trong tiếng kèn oboe. Mới đầu, giai điệu được diễn tấu bởi bè gỗ, sau đó dàn dây cũng góp mặt. Được lặp lại nhiều lần, âm điệu này trải rộng ra và vang lên ngày càng to hơn như muốn thu hút cả thiên nhiên vào trong đó. Những nhạc cụ mới hợp vào, trong đó nổi bật là tiếng kèn cor. Cuối cùng chúng quyện vào nhau trong tiếng vang hùng tráng của cả dàn nhạc.
Đến cuối chương, chủ đề một – đóng vai trò như một cái khung để dẫn dắt và kết thúc – quay trở lại trong thoáng chốc để khép lại chương nhạc.
III- Scherzo: Allegro scherzando giocoso
Chương III của bản giao hưởng được trình bày trong tiếng thì thầm xen lẫn với những điểm nhấn dứt khoát của cả dàn nhạc, nhưng chung quy cũng chỉ phản ánh một chữ “cảm xúc”. Con đường mùa đông như trở lại, làm nền cho những đợt sóng cảm xúc mới – những ảo tưởng và tiếc nuối về cảnh bình yên, sum vầy… Về mặt phối khí thì lại một lần nữa trong chương nhạc này thính giả cảm thấy được sức sống vô tận của hơi thở âm nhạc.
Nét nhạc mở đầu hư hư thực thực, mênh mang và xao động như không đứng trên một điểm tựa nào cả.  Đấy có thể là những hình ảnh hoang đường kỳ quái, những mơ tưởng lờ mờ thoảng qua của người đi đường quá mệt nhọc trên con đường mùa đông. Lòng đầy cô đơn trống trải, anh ta mơ về một mái nhà ấm cúng và tiện nghi…
“…Ôi buồn đau ôi cô lẻ
Trở về với em ngày mai…”
Xa xa, ở đâu đó vọng lại điệu Valse - nét nhạc thứ hai của chương nhạc. Mới đầu nghe loáng thoáng, sau đó rõ dần như đang tiến lại gần. Trong giấc mơ, người đi đường đã thấy mình ở trong cảnh gia đình, quãng đường mệt mỏi đã tạm thời lùi xa. Mới đầu diệu Valse còn rụt rè, e ấp trìu mến nhưng chẳng mấy chốc đã trở nên tươi tắn, đầy đặn và rộn rã hơn. Trong đó nghe ra không khí thơ mộng của những buổi vũ hội gia đình, những lời tỏ tình rụt rè chân thành, những cảnh tượng bình yên ...
Nhưng, niềm vui trong cảnh bình yên sum vầy chẳng kéo dài lâu, bỗng nhiên những chỗ ngoặt bất ngờ của xe trượt tuyết làm người đi đường rùng mình tỉnh giấc và trở lại với cuộc hành trình mệt mỏi. Xung quanh dường như chỉ có thảo nguyên vô tận phủ khói xanh cùa bình minh… Cuối chương lại vẫn những mơ tưởng lờ mờ của chủ đề một và điệu Valse sum họp trở về, nhưng điệu Valse trở nên buồn tênh, nhuốm đầy sắc thái luyến tiếc, như hồi tưởng về điều gì đã qua đi không bao giờ trở lại...
IV- Andante lugubre. Allegro moderato. Allegro maestoso. Andante lugubre. Allegro vivo
Trong chương IV chất trữ tình mơ mộng của những chương trước nhường bước trước những hình tượng khác tươi vui hơn, khoáng đạt hơn. Xương sống của chương nhạc này là bài dân ca Nga “Ta sẽ đánh mất đứa con thơ chăng”.
Phần mở đầu andante trầm buồn mang âm hưởng suy tư của những chương trước. Mở đầu bằng phần diễn tấu của bộ gỗ, chủ đề dân ca được chuyển sang điệu thứ, nghe nặng nề và rời rạc. Dần dần, nét nhạc trở nên đầy đặn hơn, nhịp nhàng chậm rãi và buồn man mác. Rồi có một khoảng lặng, bóng đêm tan dần, một nét nhạc tươi mới cũng dựa trên chủ đề dân ca cất lên quét sạch chút nặng nề còn sót lại của điệu thứ. Một cảnh vũ hội mở ra trong sự diễn tấu của cả dàn nhạc, theo cách nói của Asaphiev là "bức tranh tươi sáng của ngày hội dân gian với tiếng ồn ào phóng túng, với tiếng chuông vang rền đinh tai nhức óc". Tiếng kèn lanh lảnh, âm nhạc linh hoạt và cực kỳ hấp dẫn. Những vũ điệu đậm chất Nga nối tiếp nhau, sôi nổi và phóng khoáng. Giai điệu dân ca trong phần mở đầu cũng tham gia vào cuộc nhảy múa tưng bừng mãnh liệt.
Một chút suy tư và hoài niệm dẫn dắt thính giả vào đoạn kết tươi vui hùng tráng, với những nét lướt của bộ dây và những điểm nhấn của bộ đồng. Phấn chấn, cảm phục, hân hoan, đó là những cảm giác khi nghe đoạn kết này.
Ở tuổi 26, với “Những giấc mơ mùa đông”, Tchaikovsky bước vào hàng ngũ những nhà soạn nhạc giao hưởng. Mặc dù đây là thể nghiệm đầu tiên của nhạc sĩ trong lĩnh vực này, nhưng xét về tài nghệ và lòng tự tin của phong cách viết, “Những giấc mơ mùa đông” là một tác phẩm hoàn chỉnh. Bản giao hưởng giàu chất thơ đã thổi một luồng gió mới tươi trẻ vào giới yêu âm nhạc Nga. Đây là sáng tác mà Tchaikovsky đặc biệt yêu thích trong cả đời mình.
Bảo Nam (nhaccodien.info) tổng hợp
Nguồn:
1. “P.I.Tchaikovsky”, N. Vla-đư-kin-na Ba-trin-xkai-a, NXB Âm nhạc, Ma-xcơ-va, 1971 (Vũ Việt Nga dịch, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1978).
2. Sách "Dành cho người nghe hòa nhạc giao hưởng", Nguyễn Cửu Vỹ dịch.
3. http://w3.rz-berlin.mpg.de/cmp



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...