Ký túc xá mưa buồn da diết... Lắng nghe tiếng mưa gào thét
trong khu vườn hoang phía sau trường đại học, không ai nói với ai lời nào mà
lòng người xa nhà cũng đủ tan hoang, vỡ nát… Những khi ấy bạn tôi cất tiếng
hát, nhạc Trịnh ngân buồn một điệp khúc đau nhói, rưng rưng “ Chiều nay
còn mưa sao em không lại? nhớ mãi trong cơn đau vùi…”.
Nhạc Trịnh đi vào ký ức tuổi thanh xuân của chúng tôi bằng những
phút giây vô tình mà trong trẻo, tinh khôi như thế…Và không biết từ lúc nào
chúng tôi đã say mê nhạc Trịnh.
Đối với những đứa sinh viên năm nhất như chúng tôi lúc ấy,
say mê không phải vì đã hiểu, say mê không phải vì một trào lưu, hay thói mộng
mị đời thường của những cô con gái tuổi mười chín đôi mươi…Mà đơn giản là vì nhạc
Trịnh xoa dịu được nỗi buồn, nỗi nhớ nhà, và vỗ về được giấc mơ thầm kín về
tình yêu đầu đời của chúng tôi, một chút ý thức về thân phận, về con người, và
cái cảm nhận ban đầu về chữ “ đời” hãy còn ngây ngô qua con mắt và ý nghĩ của
chúng tôi.
Sau này, khi lớn khôn hơn, tôi mới biết hát nhạc Trịnh không
phải để hiểu, mà là cảm và ngộ theo suy nghĩ mỗi người. Sự huyền bí trong nhạc
Trịnh đã khiến hàng triệu con tim thổn thức, họ đam mê cái huyền bí ấy, và họ
hát, những câu hát mang ẩn ý triết lý mà mỗi chúng ta đều thấy có thấp thoáng
bóng dáng của mình, gần gũi mà lạ lùng, không thân thuộc mà không bao giờ thôi
hết những đam mê…
Hãy thử trải lòng mình nhé:
Nắng có hồng bằng đôi môi em?
Mưa có buồn bằng đôi mắt em?
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…
Ca từ rất đỗi trong sáng, lạc quan, nhẹ nhàng như một bài
thơ. Hỏi mà không phải là hỏi, bởi vì làm sao ai có thể trả lời được câu hỏi ấy.
Vẻ đẹp của người con gái luôn hiện lên rạng ngời, thánh thiện trong nhạc Trịnh…
Nghe như xa xôi ảo ảnh mà quả thật rất gần, xung quanh ta thôi. Đó có lẽ cũng
là một sự ưu ái của Trịnh đối với mỗi người phụ nữ:
Em qua công viên mắt nai ngây tròn
Lung linh nắng thủy tinh vàng chợt hồn buồn dâng miên man
Lùa nắng cho buồn vào tóc em…
Trịnh đã xây dựng nên một huyền thoại người con gái đẹp mê hồn,
một nhan sắc và một tâm hồn trong veo, tinh khiết, môi nàng hồng hơn màu nắng,
mắt nàng buồn hơn những giọt mưa, tóc nàng bay “ dài đêm thần thoại” khiến nắng
lung linh như “thủy tinh” rơi vỡ, khi nàng khóc mây mưa cũng kéo về bập bùng
bão tố: “ còn gì nữa đâu sương mù đã lâu…”
Lại nói về ý nghĩa triết lý trong nhạc Trịnh, Trịnh xây dựng
nên huyền thoại người con gái, đẹp nhưng dường như mong manh hư ảo, và khó có
ai có thể hiểu nhan sắc ấy phải nhìn ở góc độ nào mới là xác thực “ trong vườn
trăng vừa khép những đóa mong manh”. “ Đóa” ở đây được nghĩ là “ đóa hoa quỳnh”,
nhưng chẳng phải Trịnh cũng đã từng cho rằng đó là “ đóa hoa vô thường” hay
sao. Nên cứ là “ mong manh”, yếu ớt, dễ vỡ. Trăm năm cho một kiếp người, những
buồn vui, trăn trở, yêu đương, hờn giận thì một ngày kia “Dù trần gian có xót
xa cũng đành về với quê nhà…Một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa “. Trịnh
ca ngợi người phụ nữ bằng nghệ thuật áp dụng thuyết luân hồi trong nhà Phật,
hoàn hảo tinh vi, sâu sắc, với một thái độ trân trọng tuyệt đối :
Từ đó hoa là em một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường
Những kiếp người đẹp như những bông hoa, dù có qua những biến
thiên của cuộc sống, thì kiếp sau cũng xin hãy đẹp như những bông hoa, sinh sôi
không ngừng, tiếp tục ban cho cuộc sống những nguồn yêu thương, gửi đến đời sắc
hương trong những sớm mai tinh khiết…
Hoà quyện giữa cuộc sống và tình yêu, giữa niềm vui và tiếng
khóc, thật sự may mắn khi chúng ta được sinh ra trong đời có đầy đủ những cảm
xúc, là một con người thật sự. Nhưng có ai nghĩ rằng chúng ta xuất phát từ đâu
và đi về phương nào… Có khi nào ta cảm thấy mình quá cô đơn không?
Buồn như giọt máu Lặng lẽ nơi này
Trời cao đất rộng Một mình tôi đi
Đời như vô tận Một mình tôi về với tôi.
“Cô đơn” không phải vì thiếu vắng tình người, mà cô đơn ở điểm
xuất phát, kiếp người tựa như một “giọt máu lặng lẽ” giữa đời. Sống và yêu, quy
luật may rủi muôn đời, tay người “hẹp hay rộng” cũng là do nhân quả đã gieo từ
kiếp trước. Có lẽ vì thế trong “cõi tạm” này, hạnh phúc hay khổ đau thì Trịnh vẫn
cảm thấy mình ” cô đơn”.
“Thôi về đi đường trần đâu có gì”, cay đắng là thế nhưng cũng
an ủi, tự mình an ủi mình nếu phải đến điểm cuối con đường, cũng nên biết rằng
cuộc sống là tươi đẹp biết nhường nào.
Nữa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương
Trịnh dùng từ “ thương” ở đây rất đặc biệt, “ thương” là
thương cho “ cõi tạm” mà Trịnh đang sống, để xoa dịu nỗi “cô đơn” của một tâm hồn,
một “giọt máu” bị lạc vào chốn vô thường, hay là “ thương” khi tuổi trẻ đã qua,
và “thương” trên cõi “vĩnh hằng” sắp tới…?Với một “ tên hát rong” như Trịnh,
thì điều ấy có bao hàm là sự bi quan? bỡi lẽ Trịnh từng nhắn gửi “ Ngày sau sỏi
đá cũng cần có nhau”, lưu luyến và thương quá đi thôi những tháng ngày đã sống,
mai này hãy nhớ về nhau những phút giây” cô đơn giữa đời” ai đó nhé!
Ta dễ dàng nhận ra Trịnh hay nhắc tới “ giọt máu” trong ca
khúc của mình, như trên đã nói, vì Trịnh quan niệm một kiếp người là một “giọt
máu lặng lẽ” giữa đời. Nghĩa là chứng nhận cho một sự sống, một cảm xúc, một sự
lăn lộn, sinh sôi và khô khan trong một đời người.
Khi tình đã vội quên
Tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên
Con chim đứng lặng câm…
Có đường phố nào vui cho ta qua một ngày?
Vẫn là cái lối ngắt câu và sử dụng ca từ chỉ ở Trịnh mới có.
Hỏi mà không phải hỏi, vì câu trả lời mênh mông muôn trùng quá, hay nói đúng
hơn là không thể có câu trả lời, hỏi mà như nhắc nhở một cách ý nhị rằng “ mình
đang đi trong cõi vô thường”, ngắn ngủi lắm những tháng ngày sống và yêu! “Giọt
máu” trở nên “ cuồng điên”, con tim lăn lóc khi đã đi hết cõi tình này, vẫn là
cái nỗi “cô đơn” thấm đẫm, cúi mặt “ngậm ngùi một phút tự ru ta”…
Phải công nhận rằng Trịnh gửi gắm rất nhiều những triết lý sống
vào các ca khúc của mình, về tình yêu, về thân phận, về luân hồi, nhân quả, về
sự sinh ra và mất đi của một kiếp người, về sự “vô thường” của “ những giấc mơ
đời hư ảo” như Trịnh đã từng nói:
“Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những
linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”…
Nhạc Trịnh đi vào ký ức tuổi thanh xuân của chúng tôi bằng những
phút giây vô tình mà trong trẻo, tinh khôi như thế…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét