Lả tả bay trên đường phố đông người
Tro quá khứ tình yêu em đã đốt
Cái quá khứ không đem mà ăn được
Nhưng con người lại chẳng thể nguôi quên.
Dẫu bây giờ không được nắm tay em
Mắt trong mắt như cái thời lửa cháy
Nhưng hãy nhặt trong tàn tro đen ấy
Có những điều đốt mãi chẳng thành tro.
(Trích "99 bài thơ tình chọn lọc”
của Văn Thơ Việt)
Lê Quang Trang (TP.Hồ Chí Minh)
Trong biết bao kỉ niệm vui buồn của một đời người có
lẽ những dư vị của tình yêu là sâu lắng,mặn nồng nhất. Chính nó - tình yêu chứ
không gì khác rất khó thiêu cháy ’’thành tro’’ dẫu có những lúc ta muốn quên đi
tất cả hay sẵn sàng chôn chặt trong mình. Bài thơ ’’Tro tàn quá khứ’’ của Lê
Quang Trang đã nói hộ cho biết bao đôi lứa duyên không thành về cái điều tưởng
như hiển nhiên đó.
Bài thơ thật ngắn, vỏn vẹn hai khổ với 8 câu thơ nhưng
lại chứa đựng một nội dung lớn hơn nhiều so với câu chữ. Đó chính là cả một mối
tình tưởng chừng đã vùi sâu trong quá khứ nhưng đột nhiên vọng về nơi hiện tại. Hai câu mở đầu lạ mà độc đáo:
Lả tả bay trên đường phố đông người
Tro quá khứ tình yêu em đã đốt.
Đọc câu thứ nhất người đọc dễ nhầm tưởng cái lả tả bay
ở đây có thể là vật chất, một thứ gì đó phảng phất từ em đang lẫn
trong dòng người hối hả trên phố đông mà ta có thể đuổi bắt. Nhưng không phải
vậy, cái lả tả bay ấy hoá ra lại là ’’tro quá khứ’’. Một cách diễn đạt thật độc
đáo, tài tình. Ta từng bắt gặp hình ảnh anh chàng chôn chân ’’đứng thành
tro’’ trong ’’áo đỏ’’ của Vũ Quần Phương khi bị hút trong cái màu đỏ giữa phố
đông,thì quả ’’đứng thành tro’’đã là sáng tạo. Đến ’’tro quá khứ’’ cũng không
kém phần thú vị . Cái tàn tro quá khứ có dễ đâu đuổi tìm nếu như không muốn nói
là không thể tiếp cận. Mặc quá khứ tình yêu đó là đẹp hay buồn thì em cũng đã
qyết đem ’’đốt’’ hết. Nhưng có phải đâu đốt đi rồi là hết,vẫn còn đó lả tả bay
bụi tro tàn. Buồn, day dứt quá!. Đọc hai câu này tôi còn liên tưởng đến những câu
thơ của Phạm Đình Ân trong ’’những cái giật mình ’’. Đó cũng là sự hồi tưởng
của một quá khứ tình yêu mà cái ’’giật mình’’ cũng hoá thành điều thiêng liêng
có thể…tặng em. Đọc đến đây ta hiểu rõ hơn nhân vật trữ tình chính là chàng
trai đang ’’ngắm nhìn ’’những mảnh vỡ tình yêu hay đúng hơn là những làn khói
tình mà em đã đốt đang nhẹ bay trong dòng người xuôi ngược kia.
Cái quá khứ không đem mà ăn được
Nhưng con người lại chẳng thể nguôi quên.
Điều đó là hiển nhiên nhưng đọc lên sao thấy day dứt, chua chát đến
thế. Quá khứ nào đâu ăn được, giá có ăn được thì tốt biết mấy. Nó dẫu không thể
nuôi sống bản thân thì cũng có thể ’’nuốt’’ trôi đi điều mình muốn quên lãng. Và
vì thế, ’’chẳng thể nguôi quên ’’là điều âu cũng dễ hiểu. Ai đó từng viết’’tình
chỉ đẹp khi còn dang dở’’,song cái dở dang mà để lại một vết thương lòng không
thể hàn gắn thì có đẹp chăng?. Khổ thơ đầu khép lại dẫu nhà thơ không bộc lỗ trực
tiếp tâm trạng nhưng ẩn đằng sau giọng thơ, tứ thơ người đọc dường như có thể
’’nắm’’được sợi buồn đang dần cột chặt nhà thơ.
Sang khổ hai,nhân vật trữ tình giãi bày tâm sự rõ hơn. Những
kỉ niệm tình yêu bắt đầu ùa về:
Dẫu bây giờ không nắm được tay em
Mắt trong mắt như cái thời lửa cháy.
Cái ’’Dẫu bây giờ ’’ở đây cũng chính là dấu ấn của mối
tình sâu đậm, mãnh liệt ngày xưa vọng về.Bàn tay, đặc biệt là ánh mắt em đã
không còn trong thực tại, đã hoá thành tàn tro thì nó vẫn còn vương vấn,còn phủ
đầy trong anh.’’Mắt trong mắt như cái thời lửa cháy’’-thật mãnh liệt, đó có thể
là sự bùng cháy của mối tình đầu vụng dại, cái nồng nàn,hết mình của một thời
tuổi trẻ đã xa.’’Thời lửa cháy’’ nó tạo nên một sức nóng vượt qua ngưỡng cửa
của một tình yêu đơn thuần. Ở đó dường như còn là một khát vọng cháy bỏng của
lứa tuổi thanh xuân. Hai câu kết đầy bất ngờ mà sâu sắc.
Nhưng hãy nhặt trong tàn tro đen ấy
Có những điều đốt mãi chẳng thành tro.
Em đem đốt quá khứ tình yêu, kết quả anh nhận được một ngày nào đó
là những tàn tro lả tả bay. Tưởng chừng như những tàn tro đen ấy sẽ vụt đến vụt
tan trong cuộc đời, nhưng ’’nhặt’’ trong đó có điều đốt mãi đâu thành tro. Tình
cảm con người nhất lại là tình cảm yêu đương đâu dễ gì nói quên là quên
được. Một lần dang dở sẽ là vạn lần dở dang, buồn đau, nuối tiếc. Cái khổ tâm là
đốt mãi chẳng thành tro. Tuy nhiên,nó không trở thành bi luỵ mà chỉ phảng
phất một nỗi buồn lan toả nhẹ nhàng như những gợn sóng nơi mặt hồ mùa thu.
Bài thơ khép lại nhưng nó vẫn đồng vọng trong
lòng độc giả một nỗi buồn sâu kín. Dư vị của nỗi buồn ấy không làm cho lòng
người chán nản,khổ đau quằn quại mà phảng phất mùi hương toả ra từ trong những
tàn tro quá khứ đủ nuôi dưỡng cho tâm hồn thêm trong sáng hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét