Biểu tượng Việt Nam: Tre xanh, xanh tự bao giờ
Can trường, điềm tĩnh như đất nước Việt
"Tre xanh/ Xanh tự bao giờ/ Chuyện
ngày xưa đã có bờ tre xanh...(Nguyễn Duy). Không biết tự thuở nào cây tre đã
gắn bó máu thịt với mỗi người dân Việt. Cây tre có trong khúc hát mẹ ru ầu ơ
thuở lọt lòng, trong những câu chuyện cổ tích ba kể trưa hè ngày xưa có ông
Gióng, cưỡi ngựa dùng tre đánh giặc, trong bài giảng lịch sử của thầy cô về
trận chiến Bạch Đằng..."Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và
đánh giặc"...(Nguyễn Khoa Điềm).
Tre có trong những trò chơi con nít ngày
thơ ấu, với những trận đòn roi nhớ đời....Lớn lên một chút, mỗi lần về thăm
quê, rời bến xe xuống đi bộ đến đầu làng, đã thấy thấp thoáng bóng tre xanh là
lòng bình yên lắm. Tre gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người dân Việt, từ
cái rổ, cái rá, đôi đũa trong bữa cơm, đến cái quạt tay....
Rồi khi con người ta mất đi, vẫn cây tre
là "đòn" đưa con người trở về với cát bụi, trở về với đất... Một năm
ba trăm sáu mươi năm ngày, đối với người Việt, Tết là dịp đặc biệt nhất. Không
phải tự nhiên mà cây tre luôn có có mặt gắn bó với đời sống của người Việt đến
thế. Cây nêu làm bằng tre là thứ không thể thiếu trong ngày lễ cổ truyền này.
Chuyện kể rằng xưa kia, người Việt thông
minh, đem cây tre đi làm vật thách đấu với lũ quỷ, bóng tre đi đến đâu, lũ quỷ
thua cuộc phải nhường đất cho dân lành đến đấy...Người Việt mình tin rằng, cây
nêu giúp xua đuổi tà ma, hy vọng một năm mới với đủ đầy, no ấm.
Còn đối với người ở Nam Bộ, quê hương đất
nước là hình ảnh của chiếc cầu tre thu nhỏ. Nơi ấy không chỉ là nơi qua lại mà
còn là nơi hẹn hò gái trai ghi dấu bao kỷ niệm. "Ầu ơ, cầu tre lắt lẻo gập
ghềnh khó đi..." tiếng ru con buồn bã của số phận người đàn bà phương Nam
ấy có lẽ sẽ mãi khắc sâu trong tâm thức của mỗi bé con khi chúng lớn lên. Đó là
tiếng ru thương yêu, mang mùi mồ hôi mặn chát của nắng, của những vất vả, nhọc
nhằn, nhưng trên hết là của tình mẫu tử thẳm sâu..
Cây tre đã gắn bó máu thịt với mỗi người dân
Việt Tre lặng lẽ chứng kiến biết bao sự biến chuyển của thời gian, của lịch sử,
của con người và đất nước Việt. Nhắc đến tre là nhắc đến những gì can trường,
điềm tĩnh mà thanh thản như chính quê hương ta, xứ sở ta, đất nước Việt Nam ta.
Một vẻ đẹp bình dị, độc đáo, khác thường, rất Việt Nam: "Thân gầy guộc, lá
mong manh/ Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi/ Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù
cát sỏi đá vôi bạc màu".
Không phải tự nhiên mà hai từ "cây
tre" hiếm khi được dùng riêng. Người ta thường dùng "lũy",
"khóm" cũng bởi vì tre không bao giờ mọc một cây riêng lẻ, bao giờ
tre cũng mọc thành cụm. Phải chăng điều đó làm nên nét đẹp hài hoà của làng quê
và con người Việt? Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người
Việt.
Người Việt mình dù ở đâu, dù có "sỏi
đá vôi bạc màu" vẫn lớn lên, sinh tồn, vẫn "xanh tươi" như sức
sống của lũy tre làng. Tre cũng là loài cây khá cứng và dễ trồng. Sự bền bỉ của
nó hệt như sức sống bất diệt của con người Việt Nam. Đất nước bao phen thăng
trầm, từ thuở sơ khai dựng nước xa xưa cho đến hội nhập mở cửa thời nay:
"Có gì đâu, có gì đâu/ Mỡ màu ít chất dồn lâu hoá nhiều/ Rễ siêng không
ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù/ Vươn mình trong gió tre đu/
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành".
Cây tre hay hình ảnh và cốt cách người Việt
Cây tre giống với người Việt chúng ta.
Nghèo khó, lam lũ nhưng vẫn lạc quan vượt khó. Tre không chê đất nghèo, chắt
chiu dinh dưỡng cho những ngọn măng non nớt, mập mạp nhô lên. Qua ngày, qua
tháng, qua năm, măng mọc lên như là sự tiếp nối của tre với bao hy vọng. Sự
sống vẫn diễn ra, sinh sôi và nảy nở, dẫu cho mảnh đất ấy có khô cằn sỏi đá.
Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng
quê Việt Nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí. Tre
cùng người trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trải qua bao cuộc chiến tranh
giữ nước, giành độc lập tự do dân tộc. Tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho
tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp Việt Nam: "Yêu
nhiều nắng nỏ trời xanh/ Tre kia không ngại khuất mình bóng râm/ Bão bùng thân
bọc lấy thân/ Tay vin tay níu tre gần nhau thêm".
Và trong vô vàn những khó khắn ấy, tre vẫn
truyền lại nguyên cái gốc cho con như bao thế hệ người Việt đi trước. Dù có hội
nhập đến đâu, người Việt đã, đang và vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống
đạo lý dân tộc. Đó là tinh thần đoàn kết, tương trợ, chung thuỷ và hiếu thuận.
"Thương nhau tre chẳng ở riêng/ Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người/ Cho dù
thân gãy cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho con". "Tre già,
măng mọc" đó là quy luật lẽ thường của tự nhiên. Điều quý giá nhất là tre
để lại "cái gốc" cho con.
Đó cũng là cái gốc đạo lý, nền tảng sinh
thành và dung dưỡng khí phách, phẩm chất một dân tộc. Thế hệ trước ngã xuống vì
độc lập dân tộc, thế hệ sau phải củng cố và phát triển những thành quả ấy. Và
dù thế nào măng cũng vẫn mang cái "dáng thẳng, thân tròn" ấy, cũng
như người Việt Nam qua bao thế hệ vẫn gìn giữ và kế thừa những giá trị đạo đức
ấy.
Ngày nay, khi nhịp sống thành phố xô bồ,
con người ta lại có xu hướng thích tìm về với đồng nội, với luỹ tre, giếng
nước, con đò. Về với làng với xóm là về với khóm tre, với bình an tâm hồn. Đối
với những người con xa quê, mỗi lần về quê là thêm một lần cảm nhận, phát hiện
chính mình. Ở đó có luỹ tre xanh, có cha mẹ hiền, về quê là để được hít hà mùi
"quê hương".
Phải, "quê hương" có mùi rất lạ,
mà thành phố xô bồ, khói bụi không bao giờ có được. Yêu lắm sự thanh thản, bình
yên, mát mẻ của những khóm tre làng. Ở đó có những người cha trưa hè nóng bức
ngồi râm ran chuyện trò việc làng việc nước dưới tán lá tre cùng những người
hàng xóm thân thuộc, ở đó, có các em tôi nô đùa hớn hở với con diều...Chỉ cần
một giờ về quê thôi, đôi khi chỉ là những lần chớp nhoáng, nhưng gói gém theo
bao nhiêu là thương yêu, để rồi mang lên thành phố, mỗi khi nhớ về, lại có thêm
động lực để sống, làm việc, để khát khao...
Mai sau, mai sau, mai sau...Đất xanh, tre
mãi xanh màu tre xanh! Cây tre xứng đáng là biểu tượng của đất nước, con người
Việt Nam. Dù thời gian có trôi đi, và dù đất nước có hội nhập đến đâu, những
giá trị tinh thần chung của dân tộc không bao giờ mất. Tôi đố bạn tìm được nơi
nào đó trên thế giới, giữa phố phường đô thị mà có nhiều những người buôn bán
nhỏ như ở Hà Nội. Gánh trên vai bao nỗi nhọc nhằn, thì tre chính là chiếc đòn
gánh giúp họ mưu sinh, tồn tại.
Giờ đây tre lại xanh ngắt một màu. Dù thế
nào tre vẫn mãi xanh như màu xanh ước vọng của đất nước thời hội nhập. Cây tre-
không chỉ là biểu tượng của khí phách, tâm hồn Việt. Tre còn toát lên một màu
xanh tươi mới- của vận hội và cả những thách thức đang chờ đợi đất nước....
Rời quê lên Hà Nội, hoà mình vào cuộc sống
bon chen, đầy áp lực, vẳng bên tai tôi tiếng lá tre xào xạc, khuất sau lưng là
một màu xanh ngắt....Tôi lại xa quê lên thành phố, hành trang mang theo vẫn là
màu xanh ngắt của lũy tre làng! Vẳng tiếng ca của bà và hình ảnh bé con ngon
lành, ngoan ngoãn trong giấc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét