Chất thơ trong một số sáng tác tiêu biểu của Thạch Lam
Thạch
Lam là một trong những cây bút xuất sắc của nhóm Tự lực văn đoàn và của văn
xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Dẫu đời văn ngắn ngủi, song những tác phẩm
mà Thạch Lam để lại cho chúng ta hôm nay "mang một giá trị khó ai có thể
phủ định... giá trị ấy là đã hòa nhập vào mạch dân tộc, đã được thời gian thử
thách "(1).
Sáng tác của Thạch Lam không chỉ hấp dẫn người đọc bởi ý nghĩa
nhân văn sâu sắc mà còn bởi giọng điệu thủ thỉ tâm tình, chất thơ bàng bạc trên
từng trang văn. Ba truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa", "Hai đứa
trẻ" và Dưới bóng hoàng lan" là những tác phẩm tiêu biểu cho phong
cách nghệ thuật của tác giả: Truyện không có cốt truyện, mạch đi của truyện là
dòng chảy tâm trạng với những biến thái tinh vi, chất trữ tình và hiện thực đan
cài, đằng sau tác phẩm thấp thoáng một cái tôi giàu lòng nhân hậu...
Cốt truyện "Hai đứa trẻ" khá đơn giản, đó là cảnh một
phố huyện nghèo được miêu tả trong một khoảng thời gian ngắn từ chiều muộn cho
đến đêm. Nơi ấy, có những người dân nghèo, ngày nào cũng tái diễn những công
việc đơn điệu, buồn tẻ và đặc biệt trong thế giới ấy có hai đứa trẻ được mẹ
giao cho trông coi một cửa hàng nhỏ, đêm chúng cố thức để đợi chuyến tàu đi
qua. Có gì đáng kể đâu trong nhưng cái ngày thường tẻ nhạt ở một phố huyện tù
mù ánh đèn dầu. Vậy mà, qua sự cảm nhận và miêu tả của nhà văn đã khiến lòng ta
biết bao vấn vương suy nghĩ.
Diễn biến của truyện “Gió lạnh đầu mùa” cũng chỉ xoay quanh việc
bé Sơn cho đứa bạn nghèo chiếc áo khi mùa lạnh đến, song tác phẩm đã chuyển tải
một thông điệp sâu sắc, giàu ý nghĩa nhân văn: gió lạnh nhưng tình người không
lạnh.
Trong ba truyện thì "Dưới bóng hoàng lan" là truyện ngắn
giàu chất thơ hơn cả. Thanh - nhân vật chính của truyện sau hai năm xa nhà làm
việc trên tỉnh trở về thăm nhà. Một thế giới "cổ tích" mở ra trước
mắt chàng đó là người bà hiền hậu nhân ái, là khu vườn thoảng hương ngọc lan và
đặc biệt là cô bạn gái xinh xắn từng chơi đùa với chàng thủa ấu thơ. Hôm sau,
Thanh ra đi mang theo những kỷ niệm đẹp đẽ, dịu êm và cả hương ngọc lan thoang
thoảng ngọt ngào.
Không chú trọng khai thác nhiều các tình tiết, sự kiện- một dấu
hiệu đặc trưng của truyện ngắn, sức hấp dẫn trong các sáng tác Thạch Lam là ở
chiều sâu của thế giới nội tâm, những trạng thái xúc cảm tinh tế của con người.
Chỉ khoảng với sáu trang văn, tác phẩm "Gió lạnh đầu
mùa" đã diễn tả đặc sắc cái lạnh đầu mùa của xứ Bắc và đặc biệt miêu tả
sinh động và chân thực đời sống tâm lý trẻ thơ.
Tác giả để cho nhân vật cảm nhận cái lạnh hiện hữu trong không
gian, thấm vào cảnh vật. Là một cậu bé nhạy cảm, Sơn nhận thấy "những cây
lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét". Mặc dù được mặc
những tấm áo ấm áp nhưng Sơn vẫn dễ dàng cảm nhận được cái lạnh thấm vào da
thịt bạn mình: "Sơn nhận thấy ... môi chúng nó tím lại và qua những chỗ
rách, da thịt thâm đi, mỗi cơn gió đến, chúng nó lại run lên, hai hàm răng va
đập vào nhau". Có gắn hành động Sơn cho bé Hiên chiếc áo trong mạch diễn
biến tâm lý, trong hệ thống chi tiết, lời văn miêu tả của tác phẩm mới thấy hết
được tính chất đẹp đẽ trong hành động của em. Tuy đó là một hành động bột phát
chợt đến nhưng đó lại là hệ quả tất yếu của những con người có đời sống tâm hồn
phong phú, giàu lòng nhân ái như chị em Sơn.
Trong truyện "Dưới bóng hoàng lan", dư vị trữ tình tỏa
ra từ không gian trong lành, mát rượi, thoảng hương ngọc lan, từ những câu đối
đáp khẽ khàng của các nhân vật và tên gọi là những thanh không dấu (Nga -
Thanh), đặc biệt là ở các cảm giác yên bình dịu ngọt trong tâm hồn Thanh- người
vừa từ chốn thị thành ồn ã trở về. Truyện mở đầu bằng cảm giác xúc động đến
nghẹn giọng" khi Thanh từ giã cái bức nóng của phố xá bước chân vào ngôi
nhà mát rượi của bà, gặp lại những gì thương mến sau hai năm xa cách. Sự chăm
sóc ân cần của bà, hương ngọc lan dịu ngọt của phảng phất đâu đây đã đem đến
chàng sự nhẹ nhõm, "tươi mát như tắm suối".
Cũng đi vào khám phá vẻ đẹp tâm hồn với những xúc cảm tinh tế của
nhân vật, truyện "Hai đứa trẻ" có cấu tứ như một bài thơ trữ tình
đượm buồn. Nỗi buồn man mác của Liên được bắt đầu và có nguyên cớ từ cảnh chiều
muộn ở phố huyện "Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt
chị bóng tối ngập dần đầy và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn
ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước
cái giờ khắc của ngày tàn". Đêm đến khi cảnh vật phủ đầy bóng tối, hơn thế
nữa dường như bóng tối còn tỏa ra từ những cảnh đời lay lắt không tương lai đã
có tác động đến tâm hồn nhạy cảm của Liên làm cho cô có "những cảm giác mơ
hồ không hiểu". Niềm vui duy nhất trong ngày của chị em Liên là được ngắm
chuyến tàu đêm từ Hà Nội về. Chuyến tàu đã mang theo một không khí huyên náo
khác hẳn cái buồn vắng thường ngày của phố huyện. Nó đã khơi dậy trong Liên
những mơ ước, hy vọng dù mơ hồ nhưng đầy ý nghĩa trước cảnh sống quẩn quanh,
buồn tẻ của chị em Liên và cả những người dân nghèo nơi phố huyện.
Để làm nổi bật tâm trạng nhân vật, Thạch Lam thường gắn
"kể" với "cảm", dùng bút pháp "tả cảnh ngụ tình".
Cảnh thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt trong truyện ngắn của Thạch Lam không chỉ
đóng vai trò là phông nền, là những chỉ dẫn về hoàn cảnh, môi trường sống của nhân
vật mà nó trở thành điểm tựa để "bộc lộ thế giới nội cảm".
Đặc điểm nổi bật của Liên trong "Hai đứa trẻ" là luôn
luôn ngắm nhìn và nghĩ ngợi. Cảnh hiện lên trước mắt Liên không phải là sự ngẫu
nhiên bắt gặp mà là sự chủ động quan sát. Trong tác phẩm rất nhiều lần nhà văn
lấy lại các từ cùng "trường nghĩa" quan sát như: nhìn - ngắm
- trông
- Liên mãi ngồi nhìn phố
quên mất
- Hai chị em đứng sững nhìn
Thực ra, cảnh đó thực sự hấp dẫn lôi cuốn đến vậy không? Ngoại trừ
ánh sáng rực rỡ, tiếng ồn ào của chuyến tàu, còn lại là những hình ảnh rất đỗi
bình thường, quen thuộc đối với Liên. Cái nhìn một mặt thể hiện sự kiếm tìm
phát hiện, mặt khác nó cũng cho thấy Liên là một cô gái có tâm hồn tinh tế và nhạy
cảm. Cô không hề dửng dưng, lạnh lùng trước tất cả mọi sự việc đang diễn ra.
Đằng sau mỗi cảnh vật, số phận là một nỗi niềm của chị. Nhìn bóng tối mênh
mang, Liên thấy lòng "buồn man mác"; cảnh những đứa trẻ con nhà nghèo
nhặt nhạnh những rác rưởi trên mặt đất, Liên "động lòng thương", thấy
cảnh cụ Thi điên, chị chạnh lòng ái ngại và niềm vui chợt bùng lên khi đoàn tàu
từ Hà Nội về mang theo thế giới "xa xăm, sáng rực và huyên náo".
Ở ba truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa", "Hai đứa
trẻ" và "Dưới bóng hoàng lan", Thạch Lam không đi sâu miêu tả
chi tiết về cuộc đời, số phận mà chỉ dựng lên những cảnh ngộ để qua đó làm nối
bật tâm trạng của nhân vật.
Thế giới nhân vật trong truyện "Hai đứa trẻ" là những
người nghèo khó, hèn mọn. Đó là mẹ con chị Tý, là gia đình bác Xẩm, bà cụ Thi
điên... và cả hai chị em Liên nữa. Tất cả họ hợp thành bức tranh phố huyện vận
động theo chiều hướng lụi tàn, hiu hắt. Có người khi nói tới "Hai đứa
trẻ" đã nhấn mạnh cuộc sống nghèo khổ bế tắc trong truyện được miêu tả như
một khía cạnh làm nên giá trị của truyện. Song đấy chưa phải là giá trị đích
thực của truyện. Cuộc sống nơi phố huyện chỉ là cái nền để tác giả nói quan hệ
giữa những người dân nghèo. Cảnh nghèo cũng là phương tiện làm nổi bật sự phong
phú trong đời sống tâm hồn, ước mơ đẹp đẽ của những đứa trẻ.
Cũng như tác phẩm "Hai đứa trẻ", trong "Gió lạnh
đầu mùa" và "Dưới bóng hoàng lan" bên cạnh không gian tự nhiên
còn có sinh hoạt bình dị gần gũi. Bút pháp của nhà vănthiên về dựng cảnh hơn là kể chuyện.
Với một vài câu văn miêu tả, những cảnh đời của bức tranh sinh hoạt hiện lên
trong khoảng khắc ngắn ngủi và lưu lại trong dòng suy tưởng của nhân vật chính.
Từ đó vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật được thể hiện tinh tế và sâu sắc.
Chất thơ trong truyện Thạch Lam không chỉ có ở những khung cảnh
thơ mộng, đẹp đẽ gợi xúc cảm lòng người, mà còn được tỏa ra từ những gì bình
thường nhất. Với Thạch Lam, "cái đẹp man mác khắp trong vũ trụ, len lỏi
khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn
là phát hiện cái đẹp chính ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che
lấp của sự vật, cho người khác một bài học về trông nhìn".
Thạch Lam không cầu kỳ trong việc lựa chọn chi tiết, hình ảnh.
Cảnh sắc tự nhiên hay khung cảnh sinh hoạt trong "Gió lạnh đầu mùa",
"Hai đứa trẻ" và "Dưới bóng hoàng lan" đều hết sức gần gũi
quen thuộc. Tuy nhiên, trong khi bài trí, sắp xếp chi tiết, hình ảnh nhà văn đã
chí ý chọn một "điểm nhấn". Điểm nhấn ấy có thể là
một sự việc, một cảnh sắc hay một hương vị được các nhân vật nhận biết bằng
trực cảm và sự tự nhận biết ấy gợi dẫn biết bao xúc cảm, thức dậy những vùng ký
ức đẹp đẽ. Thế giới nhân vật trong truyện Thạch Lam thường nặng lòng với quá
khứ, một quá khứ êm đềm và đẹp đẽ. Với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, chỉ cần một
dấu hiệu nào đấy của cảnh, việc là có thể gợi dậy trong lòng họ biết bao nỗi
niềm. Mùi ẩm mốc của quần áo của nhắc bé Sơn (Gió lạnh đầu mùa) nhớ đến cái rét
năm xưa, nhớ tới người em đã mất. Hương ngọc lan thoang thoảng trong vườn bà
ngoại (Dưới bóng hoàng lan) dẫn Thanh đi vào miền ký ức đẹp đẽ của những ngày
ấu thơ. Mùi thơm của gánh phở bác Siêu (Hai đứa trẻ) gợi nhớ đến những thức quà
Hà Nội. Và đặc biệt, các âm thanh ồn ào náo động, ánh sáng lấp lánh của chuyến
tàu đêm đưa Liên và dòng ký ức.
Truyện Thạch Lam đầy ắp những cảm giác, nhà văn hết sức nâng niu
trân trọng những xúc cảm rất tinh tế của con người. Đến với những trang văn của
Thạch Lam, sức truyền cảm của những trạng thái tâm hồn phong phú và tinh tế,
ngôn ngữ thấm đẫm chất thơ, những lời nhắn gửi giản dị mà sâu sắc mãi lắng sâu
trong lòng người đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét