Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Đi vẽ giữa trời và đất

Đi vẽ giữa trời và đất
Trịnh Tú
Hội họa, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, có muôn vạn nẻo đường để đến với một thế giới riêng, một ngôn ngữ riêng, mà người nghệ sĩ đôi khi phải đánh cược cả cuộc đời tìm kiếm.
Người may mắn thì hành trình đó sẽ nhẹ bước vì vứt bỏ được những hành trang cồng kềnh của biết bao những giá trị cũ, thật nhiều ý nghĩa, nhưng lại không phải của mình. Điều may mắn hiếm hoi đó không hẳn là món quà của Thượng đế ban tặng, mà phần lớn là do từ thái độ sống của mình gặt hái được. Nếu hiểu theo cách đó thì tác giả Trịnh Lữ là người may mắn ở cả hai ý.
Ông sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật, được học vẽ, học đàn từ tấm bé, được bố mẹ: Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, họa sĩ Nguyễn Thị Khang mở cánh cửa ra thiên nhiên dạy dỗ, biết yêu quý từ ngọn cỏ giọt sương... Và như thế, dường như ông bắt đầu cuộc đời của mình bằng nghệ thuật. Và cũng chỉ có nghệ thuật mới trợ giúp được cho ông bước qua biết bao gian truân, vất vả trong cuộc mưu sinh này, để giữ được tấm lòng thanh thản, ắp đầy cảm xúc.
Ông đi nhiều, làm việc nhiều, trải nghiệm nhiều, và đã từng có những thành công trong lĩnh vực dịch thuật, độc giả trong nước biết đến qua những tác phẩm dịch như: “Rừng Na Uy”; “Cuộc đời của Pi”, “Đại gia Gatsby” v.v… Nhưng hình như hội họa mới là mảnh đất ông vun trồng bền lâu hơn cả. Những năm tháng dài sống tại Hoa Kỳ bộn bề công việc, ông vẫn vẽ vào bất kỳ lúc nào rảnh rỗi. Vẫn kịp bày hai cuộc triển lãm cá nhân tại Ithaca và New York, được tờ Ithaca Journal chọn là “Artist of the Year 1992” (một trong những nghệ sĩ của năm 1992). 
Nhưng phải một vài năm trở lại đây, ông mới có được nhiều thời gian cho đam mê của mình. Niềm đam mê và quan niệm thẩm mỹ của ông được khơi nguồn trọn vẹn từ thiên nhiên bốn mùa chuyển sắc. Ông vẽ trực họa giữa trời và đất, cảm nhận sự vận động tinh tế từ ngọn gió, vệt nắng, từ hơi thở nhịp nhàng của lùm cây, con đường nhỏ. Tất cả vào tranh ông như để tiếp tục một đời sống khác gần với phận người hơn. Tưởng như ông trung thành với cảnh vật hiện hữu bởi bút pháp của ông quá điêu luyện, nhưng tranh ông lại là một cảnh sắc khác giữa thực vào ảo. Có lẽ ông đã sắp xếp lại sắc màu theo con mắt của ông, con mắt không bao giờ dừng lại trước cái nhìn thấy. Sự sắp xếp của ông cũng khác với những gì các họa sĩ Ấn tượng đã trình bày, ông tránh cái ấn tượng rực rỡ của ánh sáng và màu để thay vào đó là cái mịn màng vô hình của sắc độ trên từng vệt bút. Đây là lối đi riêng của ông đến với thiên nhiên và cũng là lối ông đưa người xem đến với thế giới của ông, cho ông và cho mọi người. Những bài viết trong hành trình hội họa của ông cũng vậy.
Ông viết về thiên nhiên bằng tình yêu và sự cảm thông thật sâu nặng. Mỗi sáng, mỗi chiều, ngày mưa, ngày nắng, tuyết băng và tan chảy đều được cất lời cùng ông, được ông đón nhận giao hòa trong từng trang sách. Đây là một dòng chảy khác, không ồn ào, đưa người xem vào một cõi riêng, bình an và vui sống. Đó cũng là một trong những tiêu chí muôn thuở của nghệ thuật chỉ có điều mỗi người phải tìm cho được một lối riêng của mình.
Vào ngày 1 tháng 3.2015 ông trưng bày 67 bức tranh chọn trong gần 100 bức của ông vẽ trong ngót 100 ngày tại Mỹ (từ 14.7 đến 20.10.2014) tại 31 - 33 Hàng Đồng, Hà Nội. Năm ông 67 tuổi. Cuốn sách của ông “Đi vẽ nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ” do người bạn tâm đắc của ông - Tiến sĩ Vật lý Phạm Long - biên soạn cũng sẽ phát hành vào ngày đó.
Theo http://laodong.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...