Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Nghìn năm đối mặt chưng tình

Nghìn năm đối mặt chưng tình
 Nguyễn Tấn Thái

Qua dòng luân chuyển thời gian... Lãng đãng miền sương khói thơ ca, tôi yêu mến nhận diện chân dung bao con người làm thơ, yêu thơ ca và...điên vì thơ.
      Ngà ngà say niềm vui của một ngày vàng rực nắng xuân, bước chân loạn thả nhẹ về miền Thuận An, Đông Phú huyện Quế Sơn, nhìn dáng quê qua lởn vởn mây chiều, thấy đàn bướm sắc màu vẫy nhau trong vườn xanh râm bóng, bao dáng mỹ miều, ngang bướng khuấy động tâm can.
     Tôi chợt thấy đời còn ưu ái với bao con người, thể tất với bao lỗi lầm, sai sót, khoan dung với bao ngược đãi, tị hiềm... Trong mẫn cảm hương vị ấm êm của đất trời, là đà của mây gió miền Thuận An, tôi đọc, ngẫm nghĩ về thơ ca của bao thân hữu, thi hữu... Mỗi người - một giọng điệu, mỗi sáng tác – một khắc khoải, trăn trở...
      Tất cả tạo nên giàn hợp xướng đa thanh, đa sắc và cũng lắm trắc ẩn, đa đoan.
      KÝ NHẬN GIAO MÙA là tiếng lòng thổn thức đau đáu của nhà thơ La Trung về nhân thế mang mang, ngổn ngang những số phận nổi chìm, đớn đau của kiếp người trầm luân, khổ ải.
      Nhà thơ Lê Bá Duy đã nói: “Đến với thơ, trước hết là cái tình, là cái tâm, là tấm lòng khao khát yêu thương và giãi bày, mong tìm sự đồng cảm, tri âm”. Vâng ,nếu không có sự sẻ chia, đồng điệu, làm sao có những thi hữu từ mọi miền đất nước tìm về Hội An, Đà Nẵng, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn... giao lưu kết nối duyên thơ nhạc. Tuyệt diệu hơn nữa, từ những chuyến đi bất chợt ấy, cảm hứng – thi tứ La Trung thăng hoa Giấu lời trong cuộc nắng mưa. Ru tình lận đận giữa mùa nhớ quên. Giữa lãng đãng sương khói quê nhà, giữa bộn bề mưa nắng trần ai  anh đã nặng lòng, nặng nợ tình yêu:
                        Ngày em sắc màu vô tội
                        Hương trinh tỏa ngát bên đời
                        Tôi say giữa mùa duyên nợ
                        Đâu ngờ trượt dốc tình trôi...
        Khởi thủy tình yêu bao giờ cũng đẹp, bao giờ cũng nên thơ nhưng ít khi tương phùng, trọn vẹn trăm năm. Hữu hạn đời người muốn níu kéo vô hạn thời gian là một thách đố nghiệt ngã. Thế mà nhà thơ La Trung vẫn cứ thích cài đặt trong hồn thơ mình niềm tin yêu chân thật Hoa yêu nở mùa chân thật. Tôi quỳ hứng giọt sương rơi... Hình ảnh một con chiên thành kính hiến mình giữa thánh đường Tình yêu thật nông nổi, đáng yêu. Người bạn thơ La Trung cứ chập chờn, ẩn chìm giữa đèn lồng phố cổ Hội An, giữa rêu phong mờ ảo Mỹ Sơn, giữa hư thực, nổi trôi trong ký ức bạn hữu, thâm tình.
     Tôi yêu từng chữ, từng nghĩa của anh qua đêm trắng khắc khoải bởi một GÓT QUÊ lận đận,thấm đẫm tình người.
                          Ai vừa chạm bậc tri âm
                Nghe như có tiếng vọng thầm bên tai
                          Giật mình đứng giữa trần ai...
        Nếu Nguyễn Kim sơn - tác giả TÓC RỐI- từng than vãn, đăm chiêu“Tình em mỏng mảnh như sương, Phả qua hoang đảo...gọi tương tư chiều” thì La Trung lại khiến tôi suy nghĩ bởi sự sâu lắng.
                          Bờ khuya nghìn đêm đối mặt
                          Ấm nồng chỉ một màu trông
                          Tình em neo bờ ký ức
                          Mà trơn trợt mấy ngõ lòng
       Sử dụng danh từ “bờ” trong đoạn thơ là một dụng ý nghệ thuật tinh tế của người viết. Chính danh từ “bờ” đã biến những gì trừu tượng, không rõ hình nét (Khuya,ký ức) trở nên cụ thể hơn, có dáng nét hơn.
     Tương tự như thế, trong khổ thơ thứ năm của CHƯNG TÌNH , người con của đất Điện Bàn Quảng Nam chân thực thổ lộ “Chưng tình đã không chín tới. Thì đâu dám trách.Vô cùng!” Trân trọng đối với con người, đối với quê xứ, tự nguyện đem chưng cất để gạn tìm được độ chín như mong ước vẫn là điều tốt đẹp, đáng mến trọng.
     Đồng cảm, day dứt với những rủi may, số phận. Nhà thơ Nguyễn Cường – một thầy giáo vùng đất núi Đông Giang - Quảng Nam, thầm lặng gieo tình qua câu chữ “Em xa vắng nắng gầy mái lá. Rưng rưng chiều không vơi bớt nhớ thương”
      Khi nghĩ về thơ, cảm nhận về loại hình nghệ thuật tinh tế, vi diệu này, nhiều khi tôi tự hỏi “Tại sao những thi nhân lại tự hành hạ thể xác, tinh thần đến mỏi mệt, rã rời như thế. Có họa là...điên.” Vậy mà đã có hàng nghìn kẻ điên dại đáng yêu như thế, từ xa xưa đến thời nay: Lý Bạch đến Đỗ Phủ, Hàn Mặc Tử đến Đinh Hùng, Bùi Giáng đến Phạm Công Thiện...và nay, còn nhiều nữa.
      Trong cuộc thế “Ngày càng trở nên quá lạnh và con người ngày càng ít cô đơn... Như một tất yếu khách quan, khi cô đơn ta mới tìm nhau” Mượn trải nghiệm cô đơn của Từ Linh Nguyên trong lời bạt tác phẩm KÝ NHẬN GIAO MÙA, tôi – với trạng thái cô độc, chiếc bóng – thường tìm gặp các thi hữu, thấy ở họ sự đồng cảm, sang sẻ về thế thái nhân tình, về mất mát lẫn hạnh ngộ, tin yêu.
        Nhà thơ H.Man cũng hữu lý, thấu tình khi đưa ra suy gẫm về thơ La Trung “Tôi gọi những sự trở trăn và bức bối ấy là hiệu ứng của tâm hồn với những khát khao hướng vọng về cái đẹp khi chạm đáy đời thường” .Vâng hiệu ứng tâm hồn của La Trung đã bắt nhịp kịp thời với chất liệu ngôn từ nghệ thuật. Tác giả KÝ NHẬN GIAO MÙA tinh tế sàng lọc, nhận diện:
                              Nhìn hoa bồng bềnh trên sóng
                                    Và em hẫng bước bên đời
                                    Tôi về tu trong cõi mộng
                            Chay lòng mặn ủ duyên. Trôi...
       Sự liên tưởng giữa hình ảnh “hoa bồng bềnh trên sóng” và bóng dáng người em “hẫng bước bên đời” là một hiện tượng hợp lý, thú vị. Bóng dáng thân yêu Em ngày nào có thể nhạt mờ dần sau những va đụng, đắng cay, tê điếng. Thế nhưng kỷ niệm của thanh nhã hương trinh, của bờ mi lấp lánh, sự dằn vặt, đày ải của tình yêu khiến hồn thi nhân mãi lưu viễn, quằn quại và nguyện chay lòng mặn ủ duyên xưa.
       Đọc thơ, văn của tao nhân mặc khách khắp mọi miền là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Được gặp những CON NGƯỜI KHÔNG BÌNH THƯỜNG ấy, cùng luận bàn, ký thác nỗi niềm lại là một thức ngộ, diễm phúc.
       Và tôi đã gặp những CON NGƯỜI KHÔNG BÌNH THƯỜNG  ấy khắp dải đất miền Trung. Trên rẻo cao heo hút,trong huyên náo của phố bụi đô thành, nơi duyên hải ầm ào sóng vỗ... Dấu ấn khó phai mờ  vẫn là KÝ NHẬN GIAO MÙA của La Trung và một CHƯNG TÌNH rát bỏng tình yêu thủy chung, thi vị.

                                                                                                                                                 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...