Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Nhà vườn bên dòng sông Hương

Nhà vườn bên dòng sông Hương

Ai đặt chân đến thành phố Huế cũng đều có ấn tượng sâu đâm trước vẻ đẹp êm đềm của cố đô. Trừ khu buôn bán không rộng lắm bên tả ngạn sông Hương tập trung xung quanh chợ Đông Ba và đường Trần Hưng Đạo, cả thành phố còn lại đều dịu dàng yên tĩnh, không khí trong sạch, rất ít bụi bặm, mọi tiếng ồn ào đến đây hình như đều bị lọc bớt, lắng xuống. Nắng hè ở miền Trung nước ta gay gắt đến thế mà ở Huế cũng dịu được nhiều phần. Mọi ngôi nhà ở Huế kể cả các công thự lớn, dường như đều được che chở sau màu xanh của các rặng cây. Những con đường lớn của Huế đều râm mát nhờ những hàng cây đẹp. Người ta cho rằng sở dĩ thành phố Huế có được cái êm đềm hiền hòa, dịu dàng, yên tĩnh ấy phần lớn là nhờ dòng sông Hương và những ngôi vườn, vườn quanh nhà ở, vườn chùa, vườn đền, vườn ngự, vườn lăng... Sông và vườn cùng với các công trình văn hóa nghệ thuật cổ kính đã đem lại cho Huế cái chất thơ trầm lắng và cái hài hòa trong sáng tỏa ra từ những đô thị có chiều sâu văn hiến.
Thiên nhiên đã giữ một vai trò thật quan trọng trong sự tổng hợp nên bản sắc Huế. Khi xây dựng đô thị của mình, người Thuận Hóa - Phú Xuân của những thế kỷ trước đây không hề bộc lộ được cái ham muốn chế ngự thiên nhiên mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành có văn hóa để tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người. Lớn lên ở Huế không lúc nào người Huế không cảm thấy thành phố này như một khu vườn thân mật của mình. Ít có một thành phố nào như Huế, nơi mà giữa tạo vật và con người luôn luôn gắn bó một tình bạn thân thiết và tươi xanh.
Nhà vườn xứ Huế dù giàu hay nghèo thường vẫn có cổng gạch, mái khá rộng, phía ngoài trồng vài cây có quả: ấy là chỗ dừng chân qua cơn mưa, là bóng mát dành cho người đi đường, là chút lộc hoa trái dành cho trẻ con trong xóm. Người Huế lập vườn trước hết là nơi cư ngụ của tâm hồn mình giữa thế gian, ước mong nó sẽ là chút di sản tinh thần để đời cho con cháu. Ngôi vườn An Hiên trong vùng Kim Long ở gần chùa Linh Mụ là một kiểu vườn Huế như vậy. Muốn vào vườn người ta bước qua một cái vòm cổng xây gạch và thấy nhô lên ở cuối sân chiếc mái ngói cổ với những nét uốn cong ẩn hiện giữa tán lá xanh biếc. Một lối đi khá dài, hai bên trồng mai trắng, lá đan vòm che trên đầu người như nối dài thêm cái vòm cổng vào đến sân. Vườn An Hiên có một cây ngọc lan già nửa thế kỷ đứng sát cổng, thu tàn đông lạnh nó chỉ rụng lác đác ít lá vàng, vẫn giữ một màu lục tươi nguyên khối, cây già mà hoa trẻ, hoa nở không có mùa cứ mỗi cơn mưa cơn nắng chợt đến lại bừng lên dễ đến hàng vạn đóa hoa trên cây, hương bay xa mấy dặm. Gần gũi với cây ngọc lan là cây hoàng lan, thường gọi là bông sứ vàng, loài hoa màu vàng đu đủ chín - một giống còn lại ở Huế rất hiếm.
Vườn An Hiên thật là Huế trong cái nét tổng hợp những loài thực vật đa dạng đó của đất nước. Vườn trồng nhiều loại hoa, mỗi thứ một ít nhưng đủ loại, dân dã có các loài nhài, lý, thạch lựu, tường vi và các giống hồng bản địa, quý phái có các loại thổ lan và phong lan; bên cạnh những khóm hồng hiện đại nhập từ châu Âu, người ta có thể thấy một bụi hoa sim dại. Khách đến thăm vườn thế nào cũng dừng lại ngắm hai cây hải đường đứng đối nhau trước tấm bình phong cổ, rộ lên hàng trăm đoá phơi phới ở đầu cành, nhìn gần hải đường có một màu đỏ thắm rất quý phái. Ở Huế, hải đường không chỉ mọc ở sân nhà quyền quý nó sống khắp các vườn nhà dân, các sân đình, chùa, nhà thờ họ. Dáng hải đường khá độc đáo: lá to, thân khoẻ, sống lâu nên cội cành thường sần lên những lớp rêu da rắn màu gỉ đồng, trông dân dã như cây chè vùng đất đỏ. Hoa hải đường rạng rỡ nồng nàn mà không có vẻ gì là yểu điệu.
Vào dịp Tết, những chậu trà mi đỏ tươi, màu đỏ rất sâu, cứ hút lấy cái nhìn của người xem, hoa đỏ đã đẹp, hoa trắng càng đẹp, có cái gì thật trong sáng tinh khôi trong màu trắng trà mi, toàn đoá hoa như một phiến ngọc bạch. Đến quá giữa xuân thì hoa lê bắt đầu nở, nhìn cây lê đang nở hoa thấy trên những cành thẳng có những chấm mắt nhỏ gồ ghề, dáng đốt trúc, mấy chùm hoa trắng điểm lên ít lá non, xanh mơn mởn, bóng loáng. Cành lê to khoẻ, hoa chỉ điểm năm ba chùm rung động nhẹ như những cánh bướm trắng. Măng cụt trong vườn cũng đang nẩy lộc chi chít.
Vào hè vườn An Hiên vào mùa quả. Khởi đầu là mùa thơm: giống thơm Nguyệt Biều vỏ chín đỏ như lửa, cắt ra từng lát tròn to vàng màu mật ong. Dâu chín vào tháng năm tháng sáu. Sau vườn, cạnh giếng nước có một vạt đất trồng những loại cây leo: hồ tiêu, thanh long, trầu không...
Vườn An Hiên còn có mấy cây vải Phụng Tiên giống vải đặc sản của Huế quả lớn hơn quả nhãn một chút, hạt bé bằng hạt tiêu, hương vị không kém vải thiều xứ Bắc. Giống vải này được xếp vào hàng quý tộc, xưa chỉ trông nơi cung cấm.
Vào thu, khu vườn An Hiên càng hiện ra trong vẻ đẹp của trái: cam và thanh trà làm cho khu vườn nặng trĩu xuống khác với dạo đầu hạ, đến cuối tháng tám những cây thị nhung chi chít những quả đỏ, loại thị này giống như những quả táo tây, cũng là một loại cây trái lạ đã được đưa đến Huế. Mấy cây hồng Tiên Điền, không hạt, già tuổi nhất trong vườn An Hiên, là đặc sản của quê hương Nghệ Tĩnh được cụ nghè Mai - chắt nội thi hào Nguyễn Du tặng ngày mới thành lập vườn.
Người Huế trồng vườn, ngoài hoa lợi vật chất còn coi trọng nguồn hoa lợi tinh thần do cây cối đem lại.
Hàng năm, mùa xuân người chủ vườn trồng thêm cây, mùa hạ làm cỏ đốt lá, mùa thu hái hồng, mùa đông đọc sách trong niềm vui thầm lặng chờ mùa xuân đến.
Bích Loan (suutap.com)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lời Tạ Lỗi Muộn Màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ l...