Thông điệp thương yêu của Trịnh Công Sơn
Hôm nay chúng ta sẽ được nghe quý thầy, quý sư cô hát nhạc Trịnh
Công Sơn. Bây giờ mời đại chúng nghe Sư cô Chân Không hát bài Nắng Thủy Tinh.
“Màu nắng hay là màu mắt em, mùa thu mưa bay cho tay mềm, chiều
nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm, rồi có hôm nào mây bay lên (...) ngàn cây
thắp nến nến hai hàng, để nắng đi vào trong mắt em”.
Trịnh Công Sơn sinh năm Kỷ Mão, 1939. Thân phụ là một người yêu
nước, đã tham gia kháng chiến chống Pháp nên đã bị cầm tù nhiều năm ở Lao Thừa
Phủ, vì vậy Trịnh Công Sơn được tiếp nhận hạt giống yêu nước và dũng cảm từ ba
mình.
Sở dĩ
Trịnh Công Sơn dám nói những gì mình nghĩ qua những bài hát ông sáng tác là nhờ
Trịnh Công Sơn có sự can đảm, có lòng yêu nước, yêu dân. Có nhiều người cũng có
cùng cảm nghĩ như Trịnh Công Sơn nhưng không dám nói ra. Thế nên có những bài
hát của ông được gọi là phản chiến, phản chiến nhưng kỳ thực không phải là phản
chiến. Những lời nói của ông là những lời nói rất trung thực. Thấy những người
anh em của mình, anh em miền Nam cũng như miền Bắc, chết mỗi ngày, Trịnh Công
Sơn rất đau khổ nên đã nói ra sự thực đó.
Yêu nước,
yêu dân, can đảm, đó là những hạt giống chúng ta có thể nhận thấy trong Trịnh
Công Sơn. Trong mỗi con người chúng ta cũng vậy, cũng có hạt giống yêu nước
thương dân. Vì vậy nghe Trịnh Công Sơn, chúng ta có cảm nhận như Trịnh Công Sơn
đang nói dùm cho ta.
Mẹ của Trịnh Công Sơn là một người mẹ kiểu mẫu, một phật tử rất
thuần thành, đi chùa thường xuyên, có lòng từ bi rất lớn, đã chịu đựng bao
nhiêu khó khăn, gian khổ để nuôi con. Thân phụ của Trịnh Công Sơn bị tai nạn
mất năm Trịnh Công Sơn mới 15 tuổi, bà phải một mình vừa làm cha, vừa làm
mẹ nuôi tám đứa con. Đã có rất nhiều người đàn bà đi ngang qua cuộc đời của
Trịnh Công Sơn, nhưng không có ai ở lâu với Trịnh Công Sơn cả, chỉ có một người
duy nhất ở lâu với Trịnh Công Sơn đó là mẹ ông. Trịnh Công Sơn luôn luôn quay
về nương tựa mẹ, một tình mẫu tử rất bền bỉ. Lớn rồi mà vẫn thấy mình là đứa
con nít cần có mẹ. “Mẹ bỏ con
đi, mẹ bỏ con bơ vơ một mình”. Trịnh
Công Sơn có lần than thở, có lần ký thác tâm sự của mình rằng đứng trước một
xác chết, một thây người vừa ngã xuống vì súng đạn, Trịnh Công Sơn không nghĩ
đó là ta hay địch, cộng sản hay quốc gia. Trịnh Công Sơn chỉ biết đó là một
người đồng bào, một người anh em vừa mới chết, là nạn nhân của một cuộc chiến
tranh thảm khốc vô nghĩa. Đây là nguyên văn của Trịnh Công Sơn:
“Khi tôi đứng bên một xác người, tôi không nghĩ đó là ta hay là
địch, mà đó là một thân phận chịu đựng sự vô nghĩa của chiến tranh”.
Thấy người nào chết cũng thương hết vì người nào cũng là đồng bào
của mình. Hát và nói ra như vậy rất nguy hiểm. Chúng tôi cũng đã làm những bài
thơ như vậy, những bài thơ nói về kháng chiến, nói về sự vô lý của chiến
tranh và nói rằng anh em một nhà không nên bôi mặt đá nhau. Những bài thơ đó
được xuất bản trước những bản nhạc của Trịnh Công Sơn vài năm, được đăng trên
các tờ báo Hải Triều Âm và Thiện Mỹ nhưng người ta gọi đó là thơ phản chiến. “Anh
nhân danh ai, em nhân danh ai, mà giết nhau?” và
tôi kêu gọi hai bên đều trở về quỳ dưới chân mẹ sám hối. Những bài thơ đó, nếu
quý vị muốn đọc lại thì tìm trong cuốn “Thơ Từng Ôm Và Mặt Trời Từng Hạt”.
Mẹ của
Trịnh Công Sơn đã trao cho Trịnh Công Sơn những hạt giống rất lành và rất đẹp,
đầy tình người, đầy tình thương yêu. Trịnh Công Sơn là người thực tập giới thứ
nhất rất tốt, bởi vì nhận thức của Trịnh Công Sơn về sinh mạng con người rất
phù hợp với nhận thức của Đức Thế Tôn. Trịnh Công Sơn nói rằng không ai có
quyền quyết định sinh mạng của con người, không ai có quyền cho người này chết
hay người kia sống. Tôi xin đọc nguyên văn của Trịnh Công Sơn để quý vị có thể
thấy rõ điều này:
“Chúng ta là một con người, chúng ta không phải là thượng đế,
chúng ta không có quyền định đoạt số phận của người khác. Ta không thể nói
người này đáng được sống, người kia đáng giết. Mình không có quyền cho phép ai
chết cả, ngay cả giải quyết số phận của một ngọn cỏ cũng phải suy nghĩ, ngắt đi
một bông hoa bên vệ đường cũng phải suy tư, huống chi số phận con người quá lớn
và chúng ta không có quyền quyết định số phận con người”.
Đó là giới thứ nhất, bảo vệ sinh mạng. Lời nói này là lời nói của
Bụt, của Đức Thế Tôn. Trịnh Công Sơn đã đại diện Đức Thế Tôn để nói lên điều
này. Vì vậy Trịnh Công Sơn không tham dự vào cuộc chiến, đó cũng là chuyện
đương nhiên. Hạt giống của nhân ái, của từ bi mà mẹ nhạc sĩ đã trao cho nhạc sĩ
được thấy rất rõ trong những bài hát của Trịnh Công Sơn. Những bài hát chuyên
chở lòng nhân ái và tình người đó, chúng ta có thể hát để tưới tẩm hạt giống từ
bi và để làm tan rã những chất liệu hận thù trong ta. Những bài hát của Trịnh
Công Sơn nói về tình người giống như những bài kinh mà ta có thể tụng được. Tôi
bắt đầu thương Trịnh Công Sơn khi nghe Khánh Ly hát bài Tình ca của người mất trí.
“Tôi có người yêu chết
trận Plei-me
Tôi có người yêu ở chiến khu "Đ"
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới
Tôi có người yêu chết trận Chu Prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng
Chết rừng mịt mùng mình cháy như than…”
Người
yêu, người thiếu nữ đó là ai? Là bất cứ người nào. Họ là người Nam. Họ là người
Trung, tất cả đều là người yêu của tôi và họ chết thì tôi điên. Tôi muốn yêu
anh, yêu Việt Nam và tình yêu này là tình yêu đối với một người, mà cũng là
tình yêu chung cho cả dân tộc. Nghe bài này chúng ta thấy rất rõ, rằng người
yêu trong bài hát đó là tất cả những người con trai Việt Nam, những người con
trai sinh ra ở miền Bắc, những người con trai sinh ra ở miền Nam, và những
người con trai sinh ra ở miền Trung. Vì cuộc chiến tương tàn mà những người này
phải chết, thế nên ta thương hết tất cả những người này, vì tất cả là người yêu
của mình.
Thiền là chánh niệm, chánh niệm là khả năng nhận biết những gì
đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Có những người muốn làm lợi trên chiến
tranh, có những người muốn bưng bít sự thật đang xảy ra, sự thật đang xảy ra là
anh em một nhà đang giết nhau, thảm kịch đang xảy ra cho đất nước, mà chúng ta
không được phép nói lên. Khi Trịnh Công Sơn hát lên và nói lên niềm đau đó của
dân tộc, của người trẻ tức là Trịnh Công Sơn đang thực tập thiền, “anh có biết, chị có biết những gì
đang thực sự xảy ra không?” Đó là những chuyện ta đang giết nhau. Chúng ta
đang chết vì một cuộc chiến tranh, chiến tranh vì ý thức hệ với vũ khí của
ngoại ban. Lời hát đó một mặt nói lên được lòng yêu nước, yêu dân, một mặt nói
lên được sự can trường của nhạc sĩ, nói lên được lòng từ bi và ý nguyện bảo vệ
sự sống, bảo vệ giống nòi. Đó là hạt giống tốt mà Trịnh Công Sơn đã tiếp nhận
từ ba và từ mẹ.
Nếu biết ơn Trịnh Công Sơn đã viết cho mình những bài ca rất đẹp
đó thì mình phải biết ơn ba mẹ Trịnh Công Sơn. Bởi vì chúng ta, người nào cũng
có cội nguồn, gốc rễ và cội nguồn, gốc rễ của chúng ta là ba mẹ, ông bà chúng
ta.
Chúng ta thấy rằng tình yêu trong bản tình ca đó, không phải là một cá nhân, mà cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã ngã gục trong chiến tranh ý thức hệ, rất tàn ác. Năm 15 tuổi, thân phụ Trịnh Công Sơn bị tai nạn chết, tất cả mọi người đều lên chùa Phổ Quang để làm lễ cầu siêu, thầy trụ trì chùa Phổ Quang hồi đó là hòa thượng Chánh Pháp. Hòa thượng là một vị kinh sư nổi tiếng ở Huế, tụng kinh rất hay, âm nhạc Phật Giáo rất giỏi. Có nhiều ngày, vì nỗi đau mất cha, Trịnh Công Sơn đã ở luôn trong chùa từ sáng đến tối. Ở lại chùa nghe kinh, kệ và gần gũi quý thầy cho niềm đau lắng xuống. Chùa Phổ Quang ở gần Bến Ngự và nhà của Trịnh Công Sơn cũng ở gần đó, nên Trịnh Công Sơn thường thích qua chùa.
Chúng ta thấy rằng tình yêu trong bản tình ca đó, không phải là một cá nhân, mà cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã ngã gục trong chiến tranh ý thức hệ, rất tàn ác. Năm 15 tuổi, thân phụ Trịnh Công Sơn bị tai nạn chết, tất cả mọi người đều lên chùa Phổ Quang để làm lễ cầu siêu, thầy trụ trì chùa Phổ Quang hồi đó là hòa thượng Chánh Pháp. Hòa thượng là một vị kinh sư nổi tiếng ở Huế, tụng kinh rất hay, âm nhạc Phật Giáo rất giỏi. Có nhiều ngày, vì nỗi đau mất cha, Trịnh Công Sơn đã ở luôn trong chùa từ sáng đến tối. Ở lại chùa nghe kinh, kệ và gần gũi quý thầy cho niềm đau lắng xuống. Chùa Phổ Quang ở gần Bến Ngự và nhà của Trịnh Công Sơn cũng ở gần đó, nên Trịnh Công Sơn thường thích qua chùa.
Trịnh
Công Sơn cũng đã quy y với Hòa thượng chùa Phổ Quang với pháp danh là Nguyên
Thọ. Nguyên là suối nguồn, Thọ là trao truyền, được trao truyền từ suối
nguồn. Trao truyền cái gì? Trao truyền lòng nhân ái, từ bi và dũng cảm. Nếu
không thấy được gốc rễ của Trịnh Công Sơn thì chúng ta chưa thấy Trịnh Công Sơn
một cách sâu sắc. Bổn sư của Trịnh Công Sơn là Hòa thượng Chánh Pháp. Hòa
thượng là người quen của thầy Nhất Hạnh. Làng Mai chúng ta cũng có một cuốn băng
tụng kinh của Hòa thượng tụng với sư anh của thầy Nhất Hạnh là Thượng tọa Chí
Niệm ở chùa Linh Mụ và trong cuốn băng ấy có cả công phu sáng mà hầu hết quý
thầy, quý sư cô Làng Mai đều đã được nghe. Tiếng của hai thầy rất hay. Chắc
chắn Trịnh Công Sơn đã nghe quý thầy tụng rất nhiều lần, và âm nhạc của kinh kệ
đã đi vào trong máu huyết củaTrịnh Công Sơn, cho nên sau này âm nhạc của Trịnh
Công Sơn có âm hưởng của kinh kệ.
Hoàng Phủ
Ngọc Tường là một người bạn rất thân của Trịnh Công Sơn kể lại rằng Trịnh Công
Sơn cũng hay tới Chùa Hiếu Quang. Quý vị có biết chùa Hiếu Quang là chùa nào
không? Chùa Hiếu Quang là chùa có vị kinh sư rất giỏi mà tiếng tụng kinh của
ngài có thể nói là hay bậc nhất ở Huế, đó là một trong ba vị kinh sư nổi tiếng
nhất ở Huế, có giọng tụng cao nhất. Bây giờ ta cũng đang có cuộn băng những bài
xướng, tán, tụng và hô canh của hòa thượng Hiếu Quang. Trịnh Công Sơn
cũng đã được nghe hòa Thượng Hiếu Quang tán tụng.
Hôm qua
Ni sư Như Minh có điện thoại về Huế, thượng tọa Phước Toàn và thượng tọa Hải Ấn
cho biết vào khoảng năm 1955 đến 1958 Trịnh Công Sơn đi chùa rất nhiều. Nhiều
khi ở luôn trong chùa và ngủ lại qua đêm. Thường là lên chùa Hiếu Quang và chùa
Phổ Quang. Lúc đó hòa thượng Hiếu Quang có mở một lớp dạy tán tụng tại chùa Phổ
Quang và Trịnh Công Sơn đã tham dự vào lớp học đó, đã học tụng kinh và học tán
với hòa thượng Hiếu Quang và Bổn sư của mình. Theo thượng tọa Huệ Ấn, đương kim
trụ trì chùa Phổ Quang, là đệ tử thầy Chánh Pháp, cho biết tuy thầy Huệ Ấn là
người xuất gia nhưng là em của Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn tuy là cư sĩ
nhưng là anh đồng sư của thầy Huệ Ấn vì Trịnh Công Sơn quy y trước.
Trịnh
Công Sơn thông minh và có năng khiếu tán tụng. Trong khi cùng học chung với các
sư chú khác, các sư chú tán chưa được thì Trịnh Công Sơn đã tán được rồi, Trịnh
Công Sơn học rất mau. Vì thế ta biết rằng Trịnh Công Sơn nắm được kỹ thuật tán
tụng từ trong nhà chùa. Thượng tọa Chân Thức (ngày xưa là thị giả của đức Tăng
Thống Thích Tịnh Khiết) Thượng tọa Phước Toàn, Thượng tọa Huệ Ấn cũng đã từng
chơi với Trịnh Công Sơn. Điều này chứng tỏ Trịnh Công Sơn đã được nuôi dưỡng
nhiều ngày, nhiều năm trong không khí thiền môn và cũng đã nghe âm nhạc Phật
giáo rất nhiều.
Có rất nhiều bản nhạc của Trịnh Công Sơn vừa có thể hát được vừa
có thể tụng được. Giữa âm nhạc của nhà chùa và âm nhạc Trịnh Công Sơn có một sự
tiếp nối rất lạ kỳ. Chúng ta sẽ nghe tụng bài “Quy
y Phật” bằng chữ Hán, rồi
nghe tụng bài “quay về nương tựa” bằng
tiếng Việt và sau đó nghe tụng bài “Đại bác ru đêm”, ta sẽ thấy được đều
đó. Hôm nay Trịnh Công Sơn đang có mặt với chúng ta, đang tu với chúng ta, đang
nghe pháp thoại với chúng ta.
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe, `
Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy
Đại bác qua đây con thơ buồn tủi
Nửa đêm sáng chói, hỏa châu trên núi
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Từng chuyến bay đêm, con thơ giật mình
Hầm trú tang hoang ôi da thịt vàng
Từng đêm trông sáng, làm mát quê hương
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng
Đại bác như kinh không mang lời nguyền
Trẻ thơ quên sống từng đêm nghe ngóng
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe .
Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng
Đại bác nghe quen như câu dạo buồn
Trẻ thơ chưa lớn để thấy quê hương .
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt nam cháy đỏ cuối thôn.
Hàng vạn chuyến xe claymore, lựu đạn ,
Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành
Từng vùng thịt xương có mẹ có em”.
Trong
truyền thống đạo Bụt, chúng ta được học rằng, trong tâm thức có nhiều hạt
giống. Chúng ta có hạt giống của thương yêu, của tha thứ, của hy vọng, nhưng
chúng ta cũng có những hạt giống của giận hờn, của tuyệt vọng, của khổ đau.
Những bài kinh có tác dụng tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp, hạt giống hiểu
biết, hạt giống thương yêu. Một số bài hát của Trịnh Công Sơn cũng có tác dụng
tưới tẩm những hạt giống hiểu biết và thương yêu trong ta và những bài hát đó
người tu có thể hát được.
Trịnh Công Sơn có rất nhiều tuệ giác của đạo Bụt. Nghe cho kỹ,
chúng ta có thể nhận diện được tuệ giác đó trong nhạc Trịnh Công Sơn. Ở Làng
Mai chúng ta thực tập an trú trong giây phút hiện tại, không để tâm buồn khổ về
những chuyện quá khứ, không để tâm lo lắng về những sợ hãi trong tương lai. Bụt
dạy chúng ta trở về giây phút hiện tại để sống với giây phút đó cho sâu sắc.
Giáo lý đó gọi là hiện pháp
lạc trú. Trong giây phút hiện
tại có đủ những mầu nhiệm của sự sống, nếu chúng ta biết trở về với sự sống
hiện tại thì chúng ta có thể tiếp xúc được với sự sống và chúng ta được nuôi
dưỡng bằng sự sống đó. Nhờ vậy chúng ta có đủ bình an và vững chãi để chuyển
hóa được những nỗi khổ, niềm đau trong ta. Trịnh Công Sơn cũng có được tuệ giác
này. Tuệ giác của hiện pháp
lạc trú. Đức thế Tôn luôn luôn khuyên chúng ta trở về sống với giây phút
hiện tại mà đừng đi tìm hạnh phúc ở tương lai. Hạnh phúc đã có mặt sẵn trong
giây phút hiện tại rồi.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo, phóng viên hỏi Trịnh Công Sơn
thế nào về chủ nghĩa hiện sinh, Trịnh Công Sơn nói: “hiện sinh chân chính không phải là
xấu”. Hiện sinh có nghĩa là phải để ý tới giây phút hiện tại. Hiện là bây
giờ, sinh là sự sống, sự sống trong giây phút hiện tại. Trịnh Công Sơn nói rằng“
Bụt là nhà hiện sinh” vì Ngài
khuyên chúng ta trở về sống với giây phút hiện tại, và Bụt Thích Ca là bậc
thượng thừa, bậc thượng thừa của chủ nghĩa hiện sinh. Đây là nguyên văn của
Trịnh Công Sơn:
Trịnh Công Sơn đã đưa ra ví dụ là khi tôi và anh uống một ly bia ,
thì chúng ta hãy hưởng trọn vẹn sự sung sướng của ly bia, hoặc khi ăn cơm mình
hãy tập trung vào chén cơm và thức ăn đưa vào miệng. Tức là ăn cơm có chánh
niệm, có ý thức; nghĩa là khi ăn chỉ nghĩ đến chuyện ăn thôi mà đừng nghĩ đến
chuyện khác. Thực tình, khi con người tỉnh thức trong từng sát na một thì chủ
nghĩa hiện
sinh không còn là gì cả. Sống nếp sống tỉnh thức trong từng giây phút là điều Trịnh Công Sơn hướng tới. Người này sống bình tĩnh trong từng sát na chứ không sống vội vàng. Chúng ta thấy rằng Trịnh Công Sơn đã nắm được giáo lý hiện pháp lạc trú.
sinh không còn là gì cả. Sống nếp sống tỉnh thức trong từng giây phút là điều Trịnh Công Sơn hướng tới. Người này sống bình tĩnh trong từng sát na chứ không sống vội vàng. Chúng ta thấy rằng Trịnh Công Sơn đã nắm được giáo lý hiện pháp lạc trú.
Có điều, Trịnh Công Sơn không có tăng thân cho nên Trịnh Công Sơn
không được bảo hộ và sống đúng theo tuệ giác này. Mặc dù có tuệ giác nhưng bạn
bè cứ mời đi uống rượu, mời đi chơi hằng ngày thì làm sao sống được với tuệ
giác ấy. Chúng ta thật may mắn là chúng ta làm được những gì mà Trịnh Công Sơn
muốn làm. Ông đã đưa được tuệ giác này vào trong bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
“Mỗi ngày tôi chọn một
niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời, mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay.
Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời,
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi.
Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em, đường đến bạn bè
Tôi đợi em về, bàn chân quen quá
Thảm lá me vàng lại bước qua.
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay.
Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi
Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời,
Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới
Để lá reo mừng tựa vẫy tay.
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên,
Nhìn rõ quê hương và nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim.”
Nếu sống
được như tuệ giác của bài hát này thì chúng ta có khả năng mang lại hạnh phúc
cho rất nhiều người. Cho nên có thể nói Trịnh Công Sơn đã kiến đạo, kiến đạo
tức là thấy đạo, thấy con đường để trở về sống sâu sắc từng giây từng phút của
cuộc sống hằng ngày. Kiến đạo rồi ta phải tu đạo nữa thì mới chứng đạo được.
Muốn tu đạo, phải có tăng thân, có bạn đồng hành cùng có chung tuệ giác với
mình. Ba bốn người, năm sáu người bạn quyết tâm sống theo cái thấy này thì
chúng ta có hạnh phúc rất rộng lớn và có thể làm chỗ nương tựa cho nhiều
người. Cho nên nếu có khả năng, có điều kiện may mắn, chúng ta nên thành lập
một nhóm gồm những người bạn cùng chung tuệ giác, để cùng nâng đỡ nhau, cùng
nhau sống theo tuệ giác ấy. Nhóm người đó gọi là tăng thân.
Tăng thân là yếu tố căn bản che chở, bảo hộ, giúp mình có thể sống
được với tuệ giác của mình. Mình phải nương vào tăng thân, vào nhóm người đó để
có thể sống vui vẻ, hạnh phúc và khi nương vào nhóm người đó thì gọi là quy y
Tăng, hay nương tựa Tăng. Trong chúng ta, người nào có tăng thân để nương tựa
thì người đó có cơ hội rất lớn để sống với cái thấy của mình. Vì kiến đạo là
mới thấy đạo thôi, còn muốn chứng được đạo thì phải tu đạo. Chúng ta rất tiếc
là Trịnh Công Sơn không có tăng thân.
Có lần Vĩnh Trinh than phiền với bạn: “Anh ơi, anh khuyên anh của em dùm một chút, ảnh uống rượu nhiều quá, sáng giờ là ba chai rồi đó”. Những người kia không khuyên được vì họ cũng là những người uống rượu. Do đó mình cần phải có tăng thân để dìu dắt, nâng đỡ và bảo hộ cho mình. Cho nên quý vị nào có tuệ giác, muốn sống đúng theo tuệ giác của mình, sống vững chãi, thảnh thơi và làm chỗ nương tựa cho người khác thì phải có tăng thân để quay về nương tựa. Người nào chưa có tăng thân thì người đó vẫn mồ côi như thường.
Có lần Vĩnh Trinh than phiền với bạn: “Anh ơi, anh khuyên anh của em dùm một chút, ảnh uống rượu nhiều quá, sáng giờ là ba chai rồi đó”. Những người kia không khuyên được vì họ cũng là những người uống rượu. Do đó mình cần phải có tăng thân để dìu dắt, nâng đỡ và bảo hộ cho mình. Cho nên quý vị nào có tuệ giác, muốn sống đúng theo tuệ giác của mình, sống vững chãi, thảnh thơi và làm chỗ nương tựa cho người khác thì phải có tăng thân để quay về nương tựa. Người nào chưa có tăng thân thì người đó vẫn mồ côi như thường.
Trịnh Công Sơn có nhiều bạn bè rất nổi tiếng, và tài ba của Trịnh
Công Sơn rất được nhiều người thán phục, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn cô đơn. Trịnh
Công Sơn cũng than thở là có những giờ phút Trịnh Công Sơn rất đau khổ. Dù dưới
sân khấu có hàng ngàn thính chúng vỗ tay tán dương, nhưng trên này Trịnh Công
Sơn vẫn đau khổ như thường. Thỉnh thoảng Trịnh Công Sơn cũng thấy rằng mình cần
rút lui để có sự tĩnh lặng, nhưng Trịnh Công Sơn chưa được học phương pháp
thiền tọa, thiền hành, bài ca “không năm tháng” do nhà xuất bản Âm Nhạc ấn hành năm
1998, có một bài của Trịnh Công Sơn mà tôi đọc thấy rất thương. Bài đó nói lên
những giây phút đau khổ nhất của Trịnh Công Sơn, những giây phút ấy thường rơi
vào trước giấc ngủ. cho nên nhiều khi ông cảm thấy rất cô đơn. Trong tuyển tập những
“Tôi thường rơi vào một cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới
đó tôi hốt hoảng thấy mình lơ lững giữa sự sống và cái chết. Những giây phút
như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm khi quanh tôi mọi người đã ngủ yên và tôi đau
đớn nhận ra rằng có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh”.
Có nhà
phê bình nói rằng người tình đầu tiên và cuối cùng của Trịnh Công Sơn là cô
đơn, dù Trịnh Công Sơn có nhiều người bạn biết thưởng thức và công nhận tài ba
của ông. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao Trịnh Công Sơn không giải tỏa được niềm
cô đơn đó. Có lần Trịnh Công Sơn nói rằng tình yêu không bằng tình bạn, trong
tình yêu không có cái vĩnh cữu. Nói cái tuyệt đối trong tình yêu chẳng qua là
phóng đại cho lãng mạn lên thôi, thực sự không có sự tuyệt đối trong tình yêu.
Tình yêu sinh ra rồi chết đi, tình yêu đôi khi tạo cho mình những nỗi thất
vọng, có khi dẫn đến tuyệt vọng. Trịnh Công Sơn có viết một câu rất ngộ nghĩnh:
“Với tôi trong tình yêu không có sự bất tử, người ta chỉ muốn lãng
mạn hóa nó mà thôi. Nhưng tuy như vậy trong sự bất tử có thể có tình yêu.”
“Trong
tình yêu không có sự bất tử, nhưng trong sự bất tử lại có tình yêu”. Đọc tới
đây tôi hiểu liền lập tức. Người yêu đích thực của mình là người có khả năng
tháo gỡ được cho mình ra khỏi trình trạng tuyệt vọng, khó khăn. Khi thấy được
tính chất đó trong người yêu thì mình biết là trong tình yêu có sự bất tử.
Trịnh Công Sơn nói rằng: “may
thay trong đời người ngoài tình yêu còn có tình bạn”. Nói đến Trịnh Công
Sơn, chúng ta không thể không nói đến tình yêu. Nhưng Trịnh Công Sơn được nuôi
dưỡng bằng tình bạn nhiều hơn và Trịnh Công Sơn có nói rằng sở dĩ Trịnh Công
Sơn có viết những bài tình ca hay là nhờ mình bị phụ tình. Đây là lời của Trịnh
Công Sơn chứ không phải do tôi đặt ra. “Cái
may ở đời là bị phụ tình”.
Nếu Trịnh Công Sơn không bị cô Diễm cho leo cây thì Trịnh Công Sơn
đâu viết được bài “Diễm xưa”, cho nên mình phải cám ơn cô Diễm và những cô khác
nữa. Trong chúng ta ai cũng có hạt giống của tình thương yêu, ai cũng khao khát
muốn yêu và muốn được yêu. Trong chúng ta lại có những người đã từng bị phụ bạc
cho nên bài hát của Trịnh Công Sơn đã ru nỗi niềm đó trong lòng chúng ta, “ Ru
ta ngậm ngùi”. Trịnh Công Sơn nói gì về tình bạn? “Tình bạn thường có khuôn
mặt thật hơn tình yêu”. Có một chỗ nào đó Trịnh Công Sơn nói: “Tôi với Khánh Ly giống như hai
người bạn trai, chia cho nhau những dĩa cơm, những miếng bánh”. Trịnh Công
Sơn được nuôi bằng tình bạn chứ không phải tình yêu. Tình yêu chỉ giúp cho
Trịnh Công Sơn viết thành những ca khúc mà thôi. “Tình bạn thường có khuôn mặt thật
hơn tình yêu”.
Trong đạo
Bụt chữ Từ Bi là thương yêu bắt nguồn từ chữ Maitri và Karuna (tiếng Phạn).
Maitri là Từ, Karuna là Bi. Mà Maitri có nguồn gốc từ Mitra, có nghĩa là bạn.
Người yêu của mình phải là bạn mình, phải hiểu mình và mình phải hiểu người đó.
Hai người đi như một đôi bạn thì mình mới có hạnh phúc. Nếu hai người không
hiểu nhau, không có sự thông cảm nhau, nếu tôi không thể hiểu em, em không thể
hiểu tôi thì cái đó có thể tạm gọi là tình yêu, nhưng trong đó không có tình
bạn, mà không có tình bạn thì không phải là tình yêu đích thực. Vì vậy ai đang
yêu thì nên đặt câu hỏi: “Trong tình yêu này có tình bạn không?” Nếu không có
tình bạn thì tình yêu này chưa phải là tình yêu đích thực.
“Tình bạn có bộ mặt thật hơn tình yêu, trong tình bạn sự bội bạc
có, nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu, vì tình bạn có khả
năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và phục sinh lại một cuộc đời tưởng rằng không
còn tái tạo được nữa.”
Tình bạn
có công năng cứu chữa. Đúng vậy! Một người bạn có thể cứu chữa cho ta mặc dù đã
có lúc ta có rất nhiều lầm lỡ. Dù ta đã sa vào hầm hố của khổ đau, người bạn
của ta cũng có thể kéo ta ra khỏi hầm hố đó. Có khi mình nằm trong vực sâu đen
tối và người bạn đó tới thả một chiếc thang dài xuống cho ta leo lên vùng chan
hòa ánh sáng để tìm lại được màu trời xanh và tiếng suối, tiếng chim. Khả năng
cứu chữa đó là tình bạn. Và Đức Bụt Thích Ca cũng có tình bạn, tình bạn rất
lớn, tình bạn đó có khả năng cứu chúng ta ra khỏi những trạng huống khó khăn
tuyệt vọng. Nếu học theo được tình bạn này thì chúng ta là sự nối tiếp của Đức
Thế Tôn, và chúng ta có khả năng đưa cách tay của tình bạn ra để cứu giúp những
người khác. Những giờ phút có thể nói là hạnh phúc nhất của Trịnh Công Sơn là
giờ phút ngồi với bạn, vì ngồi như vậy thì không cần phải đối phó, không cần
phải nói gì, không cần phải làm gì hết. Sự có mặt của bạn bên mình đem đến cho
ta sự an ủi, không cần phải giữ gìn, không cần phải đối phó. Nếu anh có một
người bạn như vậy thì quá quý. Trịnh Công Sơn có một số người bạn như vậy nhưng
sao anh lại cô đơn? Vì giây phút đó ít quá, Trịnh Công Sơn đã nói như thế này:
Trịnh
Công Sơn nói, khi ngồi bên cạnh một người bạn yên lặng không nói gì hết cũng
giống như một dấu lặng trong âm nhạc. Không nói gì mà hay hơn nói. Đoạn đó rất
hay, tôi muốn đọc lại cho quý vị nghe:
“Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong
âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta sự thoải mái,
thảnh thơi tựa hồ như là niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần
phải đối phó, không cần phải lấp đầy khoảng trống bằng câu chuyện gắng gượng và
nhạt nhẽo”.
Trịnh
Công Sơn đã có những giây phút đó, giây phút ngồi với bạn mà không cần
làm gì cả, chỉ để được nuôi dưỡng bằng tình bạn. Tất cả chúng ta đều rất cần
tình bạn như vậy. Sự ồn ào làm cho Trịnh Công Sơn mệt mỏi dù sự ồn ào đó là để
tán thưởng hay ca ngợi mình, cho nên Trịnh Công Sơn rất cần những giờ phút yên
lặng. Tuy nhiên Trịnh Công Sơn chưa học được cách ngồi một mình để hưởng sự yên
lặng, nên Trịnh Công Sơn cần một người bạn ở bên cạnh, để cảm thấy mình hưởng
được sự yên lặng. Chúng ta cũng vậy, chúng ta đã học ngồi thiền, nhưng ngồi
thiền một mình chưa thấy vui lắm. Ngồi thiền thì đâu được nói chuyện thế mà
ngồi ba bốn người vẫn vui hơn. Có phải như vậy không?
Trong khi ta ngồi yên như thế, sự có mặt của nhau nuôi dưỡng được
tất cả mọi người trong đó. Có một lần ở tu viện Cấp Cô Độc, trong khi các thầy
đang chuẩn bị khóa an cư mùa mưa, thì có khoảng ba bốn trăm thầy từ Kosambi tới.
Gặp lại các huynh đệ mừng quá, nên các thầy nói chuyện rất ồn ào. Ngồi trong
phòng nghe ồn, Bụt hỏi thầy Xá Lợi Phất: “Có chuyện gì mà ồn như cái chợ vậy?
Thầy xá Lợi Phất trả lời: “Có
một số huynh đệ từ Kosambi tới; gặp nhau, mừng quá nên họ cười nói ồn ào, mất
hết uy nghi, xin Đức Thế Tôn tha lỗi cho họ.” Đức Thế Tôn bảo: “Không được, làm
ồn như thế thì phải đi chỗ khác tu học, không thể ở đây, tôi không thể ở chung với những
người ồn ào như vậy.” Ta thấy trong lòng đức Thế Tôn chủ yếu muốn dạy cho
những người đó nên Đức Thế Tôn nói không thể ở đây, phải đi chổ khác tu học.
Sau đó thầy Xá Lợi Phất ra báo tin cho các huynh đệ là “Đức Thế Tôn không muốn cho quý vị
ở đây, vì từ đầu giờ vào đây quý vị ồn quá làm mất không khí thanh tịnh của nhà
thiền.” Nghe thế quý thầy yên lặng, quyết định đi tới một địa phương khác
gần đó để an cư.
Trong suốt mùa an cư đó, các thầy nhớ lời Bụt dạy không nói
chuyện, không cười giỡn, người nào cũng hạ thủ công phu, cho nên cuối mùa an
cư họ chuyển hóa rất nhiều, mặt người nào cũng sáng rực ra, nụ cười nào
cũng rất tươi tắn. Sau mùa an cư họ muốn đến cám ơn Đức Thế Tôn đã quở trách họ
và nhờ lời quở trách đó mà họ tinh tấn hơn, nên đã thành công trong tu tập.
Thầy Xá Lợi Phất vào thưa với Bụt: “Bạch
Đức Thế Tôn, các thầy đã an cư xong rồi và họ muốn vào chào Đức Thế Tôn”.
Đức Thế Tôn cho quý thầy vào. Lúc đó khoảng 7 giờ chiều. Đức Thế Tôn chắp tay
chào các thầy. Ba trăm thầy đó với hai trăm thầy ở địa phương cùng ngồi với Đức
Thế Tôn trong thiền đường rất lớn. Thầy trò ngồi với nhau như vậy từ 7 giờ tối
cho tới 12 giờ khuya. Ngồi yên lặng không nói gì hết.
Thầy Anan, thị giả của Bụt, tới gần Bụt và bạch: “Bạch Đức Thế Tôn, gần tới nửa đêm
rồi, Đức Thế Tôn có dạy gì cho các thầy không?” Đức Thế Tôn vẫn ngồi yên và thầy trò
ngồi yên như thế cho tới 3 giờ sáng. Ngồi yên bên nhau, không nói gì hết, thầy
Anan lại nóng ruột nên đến bạch với Đức Thế Tôn một lần nữa:“ Ba giờ sáng
rồi, Ngài có muốn khai thị cho các thầy điều gì không?” Đức Thế Tôn vẫn ngồi yên với các thầy
cho đến 5 giờ sáng. Lúc này thầy Anan tới “Bạch
Đức Thế Tôn, trời rạng đông rồi, Ngài có muốn nói gì với các thầy không?”
Đức Thế Tôn nói: “Thầy muốn
tôi nói gì nữa. Thầy trò ngồi với nhau như vậy chưa đủ hay sao.”.
Thầy trò huynh đệ ngồi với nhau, thấy được và trân quý sự có mặt
của nhau là một hạnh phúc rất lớn, rất được nuôi dưỡng. Tuy không có âm thanh
nhưng giá trị bằng 10 lần âm thanh. Trong tác phẩm “Tỳ Bà Hành” cũng có một câu
nói tương tự “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.” Người nữ đó đàn tỳ bà, có lúc nàng
im bặt và trong thời gian im lặng đó, giữa hai nốt nhạc rất hùng hồn, rất thấm
thía. Còn hay hơn có âm thanh nữa.“Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.”
Thử thời là bây giờ, vô thanh là không có âm thanh. Không có âm thanh mà hay
hơn là có âm thanh. Trịnh Công Sơn đã thấy được điều đó. Ngồi với bạn bè không
cần nói năng gì, chỉ cần có sự thông cảm và hưởng sự có mặt của nhau là đủ rồi.
Tôi nghĩ sự an ủi lớn nhất của Trịnh Công Sơn là những giờ phút ngồi với bạn
bè. Nhưng nếu bạn không biết ngồi chỉ biết uống rượu thôi thì những giây phút
đó không còn quý nữa.
Chúng ta nghe lại bài “Tình
ca của người mất trí”
Tôi có người yêu, chết
trận Pleime
Tôi có người yêu ở chiến khu Đ
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới
Tôi có người yêu chết trận Chu Prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng chết rừng mịt mù
Chết lạnh lùng mình cháy như than
Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam
Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng.
Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay dư làn môi
Từ nay tôi quên hết tiếng người
Tôi có người yêu, chết trận A Sao
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo
Tôi có người yêu, chết trận Ba Gia
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ chết chẳng hẹn hò
Không hận thù nằm chết như mơ.
Trịnh Công Sơn bị ám ảnh bởi cái chết. Chúng ta và nhiều người
khác cũng thế. Vì sống trong hoàn cảnh đó, chúng ta đã chứng kiến không biết
bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu người trẻ, bao nhiêu đồng bào của mình chết. Trịnh
Công Sơn là người rất yêu đời và không muốn chết, nhưng ông biết rất rõ rằng
một ngày nào đó mình sẽ chết. Có lần một ký giả phỏng vấn ông: “Nhạc sĩ có dự
án nào cho tương lai không? Những ngày sắp tới, nhạc sĩ sẽ làm gì?” Trịnh Công Sơn trả lời: “ Sắp tới tôi phải làm việc nhiều hơn
để lẫn trốn sự ám ảnh về cái chết”. Cái chết ám ảnh nhạc sĩ và ông nghĩ
rằng để đừng bị cái chết làm ám ảnh mãi thì phải làm việc thật nhiều. Và Trịnh
Công Sơn nghĩ rằng mình có sứ mạng là phải chuyển tới những người thương, những
người hâm mộ mình một thông điệp, thông điệp của tình thương, của lòng nhân ái.
Đó là lời nguyện của Trịnh Công Sơn.
Nếu lời
nguyện của Đức Bồ Tát Địa Tạng là đi vào địa ngục để cứu độ chúng sanh, lời
nguyện của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm là lắng nghe tiếng kêu đau thương của muôn
loài để tìm tới cứu khổ, thì lời nguyện của Trịnh Công Sơn là gởi tới những
thính giả của mình thông điệp của tình yêu thương, tức là tưới tẩm hạt giống
thương yêu và tha thứ nơi mọi người. Trong cuộc đời mà ai cũng được dẫn đạo
bằng hướng đi như vậy thì thật là quý hóa. Tuy Trịnh Công Sơn đã được tiếp nhận
hạt giống thương yêu từ mẹ, từ chùa nhưng chưa có cơ hội học hỏi và thực tập về
phương pháp thiền quán để có thể tiếp xúc được với tự tính vô sinh bất diệt của
mình. Vì vậy cho nên Trịnh Công Sơn chưa vượt thoát được nỗi ám ảnh của cái
chết.
Tôi không bị ám ảnh bởi cái chết vì tôi có tuệ giác về sống chết,
tôi đã thiền quán và tôi đã tiếp xúc được với tính vô sinh bất diệt của mình.
Quý vị hãy nhìn lên đám mây trên bầu trời. Đám mây đó chiều nay hoặc ngày mai
sẽ biến thành mưa. Đám mây đó từ đâu mà có? Có phải từ không mà trở thành có hay không? - Không. Đám mây đó từ nước
ao hồ, sông biển do sức nóng mặt trời bốc hơi lên ngưng tụ mà thành. Đám mây
không phải từ không mà trở thành có. Có lần Trịnh Công Sơn nói
rằng, chúng ta từ hư vô tới và chúng ta sẽ trở về hư vô. Nói như vậy tức là
chưa có tuệ giác của người tu thiền. Chúng ta không phải từ hư vô tới và chúng
ta cũng không đi về hư vô.
Trong Thánh Kinh có nói chúng ta từ hạt bụi tới và chúng ta sẽ trở
về cát bụi. Trịnh Công Sơn cũng có cùng quan điểm đó “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để
một mai tôi về làm cát bụi.” Hạt
bụi không phải hư vô, hạt bụi cũng không đủ để hóa kiếp thân tôi. Nhiều nhân,
nhiều duyên kết hợp lại tôi mới biểu hiện, chứ một nhân, một duyên thì tôi
không thể nào biểu hiện được. Theo đạo Cơ Đốc thì Thượng Đế là nhân và là nhân
duy nhất để có hiện hữu, nhưng trong đạo Bụt ý niệm về nguyên nhân duy nhất là
vô lý. Không có cái gì có thể phát sinh ra từ một nhân duy nhất. Ví dụ như bông
hoa này, phải có hạt giống của hoa, phải có đất, có phân, có ánh sáng mặt trời,
phải có đám mây biến thành nước mưa… tức là nhiều nhân, nhiều duyên mới có thể
làm cho bông hoa biểu hiện được. Thành ra ý niệm một nguyên nhân duy nhất không
phù hợp với sự thật. Sự thật là đa nhân đa duyên “trùng trùng duyên khởi”.
Rất tiếc
là Trịnh Công Sơn trong những năm tháng đó đã không có cơ hội lên chùa để học
hỏi thêm về thiền quán. Trịnh Công Sơn có gởi cho tôi một tập nhạc đề là “Tặng
thầy Nhất Hạnh”. Bây giờ tôi vẫn còn giữ. Tôi cũng có viết thư cho Trịnh Công
Sơn yêu cầu Trịnh Công Sơn phổ nhạc dùm một số bài kinh. Vì tôi biết rằng nếu
Trịnh Công Sơn phổ nhạc những bài kinh này thì Phật tử đọc, tụng, hát sẽ hay
lắm, sẽ được nhiều lợi lạc. Thế nhưng thư của tôi bi thất lạc, đến khi Trịnh
Công Sơn nhận được thư đó thì ông đã bị bệnh nặng nên không làm được. Thật đáng
buồn! Nhưng Trịnh Công Sơn vẫn đang còn đó. Trịnh Công Sơn đang nghe lời tôi
nói, mai mốt Trịnh Công Sơn sẽ sáng tác những bài thơ, bài nhạc, bài kinh theo
tinh thần của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn đang ở đây, đang ở trong quý vị.
Trong số các thượng tọa, ni sư từ Việt Nam sang có Trịnh Công Sơn trong đó.
Đừng tưởng Trịnh Công Sơn chết rồi. Trịnh Công Sơn đang sống hùng mạnh hơn bao
giờ hết. Đám mây kia không phải từ hư vô tới và nó cũng không phải trở thành hư
vô. Mai mốt nó sẽ biến thành mưa. Nó chỉ biến đổi hình thức thôi.
Bây giờ xin quý vị quán chiếu với tôi: giả dụ 2/3 đám mây kia gặp
khí lạnh trở thành mưa, rơi xuống, một phần biến thành dòng, thành khe, một
phần đi vào trong ruộng lúa xanh tươi. Đứng trên cao, đám mây kia nhìn xuống và
nhận ra mình đang ở dưới đó. Một phần của mình biến thành ruộng lúa xanh tươi,
một phần biến thành dòng suối. Rồi đám mây nói:“Chào em, tôi biết em là tôi,
em là sự tiếp nối của tôi”. Như vậy đám mây kia đâu chết, khi không còn
hình thức của đám mây nữa thì nó biến thành một hình thức khác, hình thức của
dòng suối hay hình thức của đám mạ xanh tươi. Thế nên trong đạo Bụt nói bản
tánh của chúng ta là “vô sinh bất diệt”, chúng ta chỉ thay đổi hình thức
thôi. Tự tánh của đám mây cũng vô sinh bất diệt. Trịnh Công Sơn cũng vô sinh
bất diệt.
Nếu ta có con mắt của Bụt, nếu ta có con mắt của thầy thì ta có
thể thấy Trịnh Công Sơn có mặt một cách rất đích thực ngay trong thính chúng
này. Quý vị có thấy được Trịnh Công Sơn trong trái tim mình hay không? Ngày hôm
qua thầy nghe thầy Thông Hội hát nhạc Trịnh Công Sơn. Người ta thường hỏi: “Sau
khi chết ta sẽ đi về đâu?” Câu hỏi đó làm tốn rất nhiều bút mực và nước bọt
để giải thích. Thông thường muốn trả lời câu hỏi đó phải trả lời một câu hỏi
khác là “Trong giây phút hiện tại chúng ta đang đi về đâu?” Chúng ta tưởng rằng
sau khi thân xác này tàn hoại chúng ta mới đi, nhưng kỳ thực bây giờ chúng ta
đang đi, chúng ta đang trở thành một cái khác.
Hãy tưởng tượng Trịnh Công Sơn lúc 5 tuổi và Trịnh Công Sơn lúc 25
tuổi, hai người rất khác nhau, và khi Trịnh Công Sơn 45 tuổi thì lại khác nữa.
Chúng ta chuyển biến, sinh diệt trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày.
Đứng về phương diện năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) ta so sánh ta
trước khi vào đây và ta bây giờ là đã có sự khác nhau rồi. Bao nhiêu sinh diệt,
bao nhiêu biến chuyển đã đi qua trong chúng ta và chúng ta luôn luôn được tiếp
nối. Nước mưa tiếp nối đám mây, sương mù cũng tiếp nối đám mây. Khi chúng ta
nâng một tách trà lên để uống, nếu có chánh niệm, có tuệ giác của Bụt, thì
chúng ta thấy rằng mây đang nằm đây trong ly trà này. Thay vì đang uống nước
chúng ta đang uống mây. Đây là một sự thật rất khoa học. Nó không phải chỉ là
thi ca mà thôi.
Tôi đang uống mây và đám mây chiều nay có thể trở thành một bài
thơ, hay ngày mai mây trở thành bài pháp thoại. Mây biến hóa vô cùng. Cho nên
ta phải có khả năng nhận diện sự có mặt của Trịnh Công Sơn dưới những hình thái
biểu hiện khác của Trịnh Công Sơn. Thế nên ta không thể nói Trịnh Công Sơn chết
được. Vì sự thực không có cái gì chết đi cũng không có cái gì sanh ra. Chết
nghĩa là từ có trở thành không, Trịnh Công Sơn không
phải từ có trở thành không. Đã không có từ không mà trở thành có thì cũng không thể nào từ có mà trở thành không được. Nếu quý vị vừa mới mất một người
thân mà quý vị tưởng người thân đó không còn nữa là quý vị lầm. Người thân đó
bây giờ đang biểu hiện dưới một hình thức khác. Nhìn cho kỹ ta sẽ thấy được
người thân của mình và ta nói: “Chào
em, chị rất hạnh phúc nhận ra em dưới một hình thức mới”. Đó là diệu dụng của thiền quán.
Trong
những năm 80, 90 nếu Trịnh Công Sơn có được tuệ giác đó thì Trịnh Công Sơn sẽ
không bị ám ảnh bởi cái chết, vì Trịnh Công Sơn biết rõ mình không bao giờ chết
cả. Trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, mình đã hiến tặng những lời
nói, những lời ca, những tư duy và những hành động của mình cho đời và đó là sự
tiếp nối của mình. Đó gọi là ba nghiệp. Ba nghiệp là thân, khẩu, ý. Cũng như
cây đèn cầy, khi được thắp sáng lên thì trong mỗi giây phút nó đều hiến tặng
ánh sáng, sức nóng và hương thơm. Con người cũng vậy, trong mỗi giây phút của
đời sống hằng ngày, chúng ta đã hiến tặng tư duy, lời nói và hành động của ta.
Nếu tư duy của ta đầy tham, sân, si thì những hiến tặng của ta sẽ không có giá
trị, chúng sẽ làm hư xấu cuộc đời, như thế chúng ta sẽ không có sự tiếp nối đẹp
đẽ. Còn nếu tư duy của ta có lòng thương yêu, có lòng nhân ái, có tha thứ, bao
dung thì sự tiếp nối của ta sẽ đẹp đẽ.
Trịnh Công Sơn đã hiến tặng tư duy của mình qua nhiều hình thái
khác nhau. Hình thái mà ta dễ thấy nhất là những ca khúc của ông. Trịnh Công
Sơn đã cống hiến những ngôn từ, hành động, cử chỉ biết thương yêu, chăm sóc,
biết tha thứ, bao dung. Có lần ngồi chơi với Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một
quán cà phê ở Huế, cô bé bán quán bưng tới cho Trịnh Công Sơn một ly cà phê,
nhưng vô tình, bé làm đổ hết ly cà phê vào chiếc áo vest của Trịnh Công Sơn, bé
sợ xanh mặt, bà chủ tới la bé rất dữ dội. Cô bé sợ quá co rúm người lại. Rất
tội nghiệp! Trịnh Công Sơn thấy vậy thương quá, liền nói: “Không phải nó làm
đổ đâu, chính tôi làm đổ đó”. Và
Trịnh Công Sơn móc túi lấy tiền ra trả cho ly cà phê ấy để cho bà chủ đừng la
bé. Sau khi trả tiền Trịnh Công Sơn đứng dậy, nháy mắt cô bé đó rồi ra đi. Đó
là một hành động biểu dương lòng tốt của tình thương trong Trịnh Công Sơn.
Những cái đó không bao giờ mất đi cả. Đó là nghiệp. Chúng ta đừng hiểu nghiệp
là xấu. Nghiệp có thể xấu mà cũng có thể là tốt. Nghiệp xấu gọi là ác nghiệp,
nghiệp tốt gọi là thiện nghiệp.
Trịnh
Công Sơn đã làm ra những thiện nghiệp và những thiện nghiệp ấy đang tiếp tục đi
về tương lai. Chúng ta có thể nhận diện sự có mặt của Trịnh Công Sơn qua những
thiện nghiệp mà Trịnh Công Sơn đã tạo tác ra qua những tư duy, lời nói và hành
động của ông. Trịnh Công Sơn chưa bao giờ giết người. Trịnh Công Sơn không kỳ
thị, Trịnh Công Sơn có can đảm dám nói ra sự thật, yêu nước, yêu dân. Ba mẹ
Trịnh Công Sơn phải hãnh diện về điều đó.
Quý vị đã nghe và đã thấy Trịnh Công Sơn có mặt trong mình và bây
giờ tôi muốn chia sẻ để quý vị thấy mình cũng có mặt trong Trịnh Công Sơn. Có
một lần Trịnh Công Sơn được nhà báo hỏi: “Anh có bao giờ hình dung ra thân
xác và tâm hồn mình lúc ở bờ bên kia chưa?”- “Chưa! Đó là tại do lười biếng mà ra.” Do
không chịu quán chiếu. Mình có tự do, có thiền đường mà không chịu tham khảo đề
tài sống chết, để rồi mai mốt khi nằm trên giường không biết mình đi về đâu.
Trịnh Công Sơn công nhận mình làm biếng, không chịu giành thời gian để quán
chiếu sâu sắc về vấn đề sinh tử. Các cô, các chú có thấy mình có trong Trịnh
Công Sơn không?
Trịnh Công Sơn nói: “…Vì do lười biếng mà ra cả, mình không bao
giờ chuẩn bị trước cho mình cái gì hết cho những ngày sắp tới, như thể là khi
muốn về Huế là cứ bỏ đồ đạc vào vali mà đi thôi”. Ra Huế thiếu gì thì tính sau.
Điều đó rất con người. Và ta thấy sự lười biếng đó nằm trong tất cả chúng ta.
Chúng ta giãi đãi, làm biếng, như thể là mình sẽ sống cả ngàn năm và mình có cả
ngàn năm để thiền quán, nhưng kỳ thực chúng ta không biết mình sống được bao
lâu. Vì vậy chúng ta phải tinh tiến và phải làm thay cho Trịnh Công Sơn. Trịnh
Công Sơn chưa làm được thì mình phải làm cho Trịnh Công Sơn. Thầy cũng đang làm
cho Trịnh Công Sơn, các thầy, các sư cô cũng đang làm cho Trịnh Công Sơn. Quý
vị cũng phải làm cho Trịnh Công Sơn. Chúng ta phải đưa Trịnh Công Sơn đi tới.
Bởi vì Trịnh Công Sơn không phải là Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn là quý vị.
Khi người ta hỏi Trịnh Công Sơn: “Không biết có cõi nào mà sau khi chết mình
đi về hay không?” Thì Trịnh
Công Sơn trả lời:
“Nếu có một sự tiếp nối ở một cõi khác, một thế giới khác thì
chắc là vui lắm. Và tôi nghĩ nếu thực sự có một cõi khác với cõi đời này thì
tôi hy vọng chúng ta sẽ được rong chơi mãi mãi”.
Rong chơi
là từ của Trịnh Công Sơn. Mình ở trên cuộc đời này là để rong chơi, và nếu hết cuộc
đời này có một cõi khác, mình cũng sẽ tiếp tục rong chơi. Đó là hy vọng. Cõi đó
gọi là thiên quốc hay thiên đường. Nhưng nếu Trịnh Công Sơn nhưng nếu biết quán
chiếu sâu hơn thì sẽ thấy được rằng thân xác này chẳng qua là sự chấm dứt của
một giai đoạn biểu hiện và mình sẽ được biểu hiện lại dưới một hình thức khác
trong giai đoạn kế tiếp. Đám mây khi không còn là hình thức của đám mây nữa thì
nó tiếp tục làm con suối hay làm tảng băng. Làm mây bay trên trời cũng vui mà
làm mưa rơi xuống ruộng đồng cũng vui. Tại sao phải sợ?
Trịnh
Công Sơn có thể rong chơi mãi mãi trên thế gian nầy mà không cần phải giả định
có một thế giới khác hay có một cõi nào khác nữa. Không có cái gì tự nhiên mà
có, cũng không có cái gì từ có trở thành không. Trịnh Công Sơn là một thực tại.
Trịnh Công Sơn là mãi mãi. Trịnh Công Sơn tha hồ rong chơi, nếu không dưới hình
thức của một người Huế, thì dưới hình thức của người Thụy Sĩ. Làm người Huế
cũng vui mà làm người Thụy Sĩ cũng vui. Làm một bông hoa thủy tiên cũng hay,
làm một bông sen cũng hay. Hình thức nào của sự sống cũng đẹp cả.
Khi Trịnh Công Sơn thấy được điều đó thì Trịnh Công Sơn sẽ thấy
được tự tánh của mình là vô sinh bất diệt, mình có thể rong chơi mãi mãi hoài
hoài. Mong rằng các thầy, các sư cô, các sư chú, các đạo hữu nắm được chân lý
này và thấy được tự tánh vô sinh bất diệt của mình. Cho nên đối với tôi, Trịnh
Công Sơn chưa bao giờ chết. Nếu thắp một nén hương cho Trịnh Công Sơn thì
chúng ta không nên thắp bằng sự tiếc thương mà thắp bằng ý thức là Trịnh Công Sơn
đang còn đó với mình và mình có thể mang Trịnh Công Sơn đi về tương lai, để
Trịnh Công Sơn có thể tiếp tục sứ mạng của mình, sứ mạng chuyên chở thông điệp
thương yêu. Chúng ta hãy cùng hát với nhau bài “Nối vòng tay lớn” để
tưới tẩm hạt giống của tình huynh đệ, của hy vọng và của tình thương yêu trong
ta.
Nhất Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét