Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Về bản chất và ý nghĩa của văn chương

Về bản chất và ý nghĩa của văn chương
GS. Nguyễn Văn Hạnh
Văn chương là một hiện tượng không ngừng vận động, không ngừng đổi mới, từ môi trường xã hội văn hóa này sang môi trường xã hội văn hóa khác, từ nhà văn này sang nhà văn khác.
Trong lĩnh vực này, đối với mỗi người sáng tác, thì những gì làm được, cho dù là thành tựu xuất sắc đi nữa, của một thời, một người nào đó, chỉ có thể là một kinh nghiệm, một lời khuyên, một sự gợi ý, một điểm xuất phát, cũng có thể là một thách thức, thúc giục, khai phá những con đường mới. Tuy nhiên trong lịch sử lâu dài của nó, văn chương vẫn có một số nét bản chất khá bền vững mà nhà văn và nhà nghiên cứu văn học cần ý thức rõ, nhằm khai thác có hiệu quả nhất sức mạnh đặc trưng của văn chương.
Việc chú trọng đến bản chất tư tưởng của văn chương đã có từ xa xưa. Có thể nhận thấy điều này trong quan niệm của Khổng Tử và các nhà nho về “văn tải đạo? thi dĩ ngôn chí?, trong nhận thức về sự bất phân giữa văn và sử, văn và triết ở thời kỳ đầu sự phát triển của văn chương.
Những người mác xít cũng đặc biệt nhấn mạnh bản chất tư tưởng của văn chương, coi văn chương và nghệ thuật nói chung là một hình thái ý thức xã hội, một công cụ nhận thức, một “vũ khí tư tưởng”. Tất nhiên cách nhận thức cuộc sống, tác động tư tưởng của văn chương nghệ thuật có những nét riêng, có tính đặc thù, so với các hình thái ý thức xã hội khác, như triết học, đạo đức, tôn giáo…
Một hướng tiếp cận khác chú trọng bản chất nghệ thuật của văn chương, mối liên hệ mật thiết giữa văn chương và nghệ thuật, coi văn chương là một loại hình nghệ thuật. Đây là cách xem xét của Aristote trong quyển Thi học (có lúc gọi là Nghệ thuật thơ ca). Đặc biệt ở các nhà mỹ học Đức từ cuối thế kỷ XVIII, ở Kant và Hegel, bản chất nghệ thuật của văn chương càng được nhấn mạnh, và họ coi nghiên cứu văn chương, thi học là một bộ phận của mỹ học. Theo hướng tiếp cận này, người ta lưu ý nhiều đến mối liên hệ giữa văn chương với âm nhạc, với nghệ thuật tạo hình, với kiến trúc, và gần đây là với nghệ thuật điện ảnh, đề cao giá trị thẩm mỹ của văn chương, xem xét, đánh giá văn chương theo yêu cầu của cái đẹp, sự hài hòa, sự sống.
Việc chú trọng đến bản chất ngôn ngữ của văn chương gắn với ngôn ngữ học hiện đại. Roman Jakobson trong một tiểu luận nổi tiếng Ngôn ngữ học và thi học (1960) xem nghiên cứu thi ca, thi học là một ngành của ngôn ngữ học. Đối tượng của thi học, theo ông, trước tiên là phải trả lời câu hỏi: cái gì làm cho một thông điệp bằng lời nói biến thành một công trình nghệ thuật? Và ông cho rằng có thể tìm lời giải đáp trong chức năng thi ca của ngôn ngữ.
Dù đặt trọng tâm chú ý vào đâu, dù xuất phát từ điểm nhìn nào, từ tư tưởng, nghệ thuật hay ngôn ngữ, thì trong thực tiễn sáng tác hay nghiên cứu văn chương hiện nay, cả ba mặt bản chất của văn chương là tư tưởng, nghệ thuật và ngôn ngữ cần được quan tâm theo cách này hay cách khác, ở mức độ này hay mức độ khác. Chúng ta không ngạc nhiên là những nhà văn lớn xưa nay là những nhà tư tưởng lớn, đồng thời là những nghệ sĩ tài ba và là những bậc thầy về ngôn ngữ. Ngay cả những người cầm bút bình thường, muốn phát huy được sức mạnh riêng, sức mạnh tổng hợp của văn chương, cũng phải biết khai thác cả ba mặt tư tưởng, nghệ thuật và ngôn ngữ của nó.
Nhưng trong tình hình hiện nay, một phần do ảnh hưởng tiêu cực của các khuynh hướng hình thức chủ nghĩa trong văn học phương Tây hiện đại, một phần do quan niệm và cách làm của chúng ta đối với vấn đề tư tưởng trong văn học còn thô thiển, áp đặt, khiến người ta có thành kiến, thậm chí “dị ứng” với tư tưởng. Việc coi nhẹ tư tưởng, thành kiến đối với tư tưởng sẽ tước đi sức mạnh quan trọng nhất của văn chương so với các loại hình nghệ thuật khác, khuyến khích việc chạy theo hình thức, kỹ thuật, chiều nịnh thị hiếu tầm thường của công chúng, sớm muộn sẽ dẫn văn chương đến chỗ cằn cỗi, bế tắc, không có nghĩa gì đáng kể đối với xã hội, nhân sinh.
Tất nhiên tư tưởng ở đây phải được quan niệm một cách đúng đắn và rộng rãi, bao quát không chỉ vấn đề chính nghĩa và phi nghĩa, thiện và ác ở đời này, mà toàn bộ nhận thức, suy nghĩ, tình cảm, thái độ của con người đối với cuộc sống, trong quan hệ với tự nhiên, xã hội và với chính bản thân.
Có thể nói, trong sự vận động của nó, văn chương đích thực dù biến hóa muôn hình nghìn vẻ vẫn luôn đứng trên một cái thế chân kiềng tư tưởng, nghệ thuật, ngôn ngữ, nó là một hợp chất tư tưởng - nghệ thuật - ngôn ngữ, và đòi hỏi người sáng tác cũng như người nghiên cứu có cách khai thác có hiệu quả nhất các mặt bản chất đó, tùy theo yêu cầu của thời đại và tài năng, sở trường của mỗi người.
Đứng trước tình trạng bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội lan tràn, sự suy thoái về đạo đức và sự vô cảm của con người ngày càng đáng lo ngại, tự nhiên tôi nghĩ đến văn chương, nghĩ đến tác dụng “cứu rỗi” của văn chương, mặc dù tôi cũng như không ít người đã nhiều lần nhận chân khá rõ cái khó khăn của văn hóa đọc và sự bất lực của văn chương trong thế giới xô bồ và đầy hiểm họa hiện tại.
Đương nhiên văn chương cũng như nghệ thuật không thể thay thế cho kinh tế, chính trị và những lĩnh vực quan trọng khác của đời sống xã hội. Nhưng, ngược lại, cũng không một lĩnh vực nào có thể thay thế được văn chương trong việc giúp con người hiểu cuộc sống và hiểu chính mình, sống có tình thương, có đạo lý, có văn hóa, vượt qua cái tầm thường, phàm tục, giả dối, để thăng hoa, để ước mơ, vươn đến chân, thiện, mỹ.
Qua văn chương, con người cảm nhận và ý thức được cái đẹp, sự hài hòa, sự sống, tiếp cận và tự nâng mình lên với những tư tưởng, tình cảm cao đẹp, sâu sắc, tinh tế, được bồi dưỡng về ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ phong phú, sinh động, giàu sức biểu cảm nhất của dân tộc. Đối với cộng đồng cư dân văn hóa nào cũng vậy, văn chương có một ý nghĩa cực kỳ to lớn là vì thế. Đối với nước ta là “một nước thơ”, như Ngô Thời Nhậm từng khẳng định, thì chân lý này càng hiển nhiên. Rõ ràng văn chương, mà trước hết là thơ, là phần có giá trị bậc nhất trong di sản tinh thần của dân tộc ta. Người Việt không chỉ hôm qua mà cả hôm nay nữa đã gửi vào văn chương cả kinh nghiệm sống, tình yêu, khát vọng, cả đạo đức, triết học, tín ngưỡng của mình. Cho nên, muốn biết ông cha chúng ta đã sống như thế nào, đã nhắn gửi những gì cho các thế hệ mai sau, cũng như muốn biết con người Việt Nam trong thời đại này đang buồn vui, lo lắng, đau khổ, hi vọng ra sao, thì rất cần đọc thơ văn Việt Nam.
Tham gia vào hoạt động văn chương, cho dù là sáng tác hay thưởng thức, người ta đều được “thanh lọc”, ít nhiều sẽ trở nên tốt hơn, nhân ái hơn. Trong thế giới ồn ả, xô bồ hiện nay, khi con người luôn bị lôi ra bên ngoài, bị cuốn vào đám đông và bị nhu cầu vật chất cám dỗ dữ dội, thì thi ca, văn chương lại càng cần thiết. Tiếp xúc với văn thơ, con người có điều kiện giao lưu với những giá trị tinh thần, suy ngẫm, chiêm nghiệm về những vấn đề nhân bản, nhân văn, không phải giữa đám đông, hay trong lúc bận rộn bởi bao điều rắc rối, phiền toái ở đời này, mà tương đối thanh thản, ở tư thế một mình, chỉ riêng mình trò chuyện với tác giả, riêng mình đối diện với lương tri, với cái phần người nhất của chính mình. Những khoảnh khắc đó thật đáng quí cho con người trong thời buổi này để bảo tồn và phát huy phẩm giá và năng lực làm người.
Xã hội luôn chờ đợi những tác phẩm văn chương hay. Làm thế nào để có tác phẩm hay? Điều này tùy thuộc chủ yếu vào tài năng và bản lĩnh của người cầm bút. Nhưng không khí xã hội chung, công tác tổ chức, quản lý sự nghiệp văn học nghệ thuật cũng có vai trò rất lớn. Nhà toán học Poincare người Pháp có nói: “Tự do đối với khoa học cũng giống như không khí đối với động vật”. Đây cũng là một nguyên lý đối với sáng tạo văn chương nghệ thuật.
Việc dạy và học văn ở nhà trường là một việc đáng bỏ công sức để làm cho tốt hơn. Ngành giáo dục được giao trách nhiệm mà cũng là đặc quyền rất lớn là tổ chức việc dạy văn và học văn cho thế hệ trẻ từ mẫu giáo cho đến hết bậc trung học phổ thông, và một chừng mực nào đó ngay cả ở đại học. Rõ ràng chúng ta chưa khai thác tốt thuận lợi và ưu thế này để bồi dưỡng cho lớp trẻ, những công dân tương lai, những phẩm chất và năng lực mà văn chương thực hiện có kết quả nhất. Nhằm mục đích này, nên cấu tạo lại chương trình văn theo hướng dành một vị trí xứng đáng hơn cho văn học dân gian và cổ điển, chọn để dạy những tác phẩm văn chương thật sự có giá trị, cả trong nước và nước ngoài, chứ không phải để đáp ứng những chủ điểm hay yêu cầu định trước nào đó.
Tác phẩm văn chương có giá trị luôn dồi dào khả năng đáp ứng những nhu cầu tư tưởng và nghệ thuật cơ bản và lâu dài, hàm chứa cả sự sâu sắc và phong phú, gợi mở nhiều liên tưởng, liên hệ. Có thể nói văn chương là một hiện tượng đồng chất. Một câu thơ, một đoạn văn giống như một giọt nước, một giọt sương mang hình bóng của biển cả, của bầu trời. Cần dành một khoảng không rộng lớn cho hiểu biết, sở đắc, tâm huyết của người thầy giáo, cho hứng thú, trí tưởng tượng của học sinh. Không có gì trái với bản chất của văn chương hơn là sư hời hợt, máy móc, áp đặt. Văn chương là chuyện tâm hồn, chuyện cuộc sống. Cho nên môn văn ở phổ thông phải quan tâm trước hết đến tư tưởng, tình cảm.

Có lúc người ta đã thành kiến, thậm chí phê phán nặng nề tác dụng giải trí, “mua vui” của văn chương. Nhưng văn chương chân chính xưa nay luôn nhằm một mục tiêu kép: có ích và vui, bồi dưỡng và hấp dẫn, giúp cho cuộc sống đẹp hơn, tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Hoàn thành kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du coi đó là “Lời quê góp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh”, nhưng “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ” này đã góp phần sâu thẳm biết bao trong việc tạo dựng nên khuôn mặt tinh thần của dân tộc, và bao nhiêu thế hệ người Việt đã và sẽ còn khóc, cười trên những trang viết của nhà thơ.
Cứ tưởng như là trò chơi, một cái gì rất phù phiếm, phù du, nhưng trong văn chương nước ta xưa nay vẫn âm ỉ ngọn lửa thiêng lẽ sống mà “những kẻ tư văn quê đất Việt” (Nguyễn Trãi) vượt qua bao trắc trở, trầm luân, oan khiên đã ấp ủ và truyền lưu âm thầm và bền bỉ qua bao đời, mong con người nhìn vào đấy biết mình là ai và nên sống như thế nào cho phải.
Văn chương luôn luôn trẻ trung, mới mẻ.
Ở các nhà văn trẻ, sức trẻ và niềm khao khát cái mới như được nhân đôi. Sáng tạo văn chương là một chọn lựa tự nguyện đầy hứng thú, say mê, nhưng cũng là một nghề đòi hỏi nhiều công phu, lao tâm, khổ tứ, nghề “phu chữ”, nói theo cách của nhà thơ Lê Đạt, mà văn chương đâu phải chỉ là chữ mà là chữ nghĩa, lo việc chữ đã khó mà lo việc chữ nghĩa càng khó hơn. Hay nói như Nam Cao, đây là nghề “chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Bàn về nghề văn, Thạch Lam nhấn mạnh: “Làm thợ, đi buôn còn phải khó nhọc, còn phải học nghề, tại làm sao viết văn lại không phải học, không phải cố”. Thừa nhận vai trò quan trọng của cảm hứng trong nghề văn, Thạch Lam luôn nhắc lại ý kiến của Dostoevski rằng “chỉ có những cảm hứng là đến đột ngột, hẳn một lúc, còn ngoài ra là công việc nhọc nhằn cả”. Nói đến thành công, giá trị trong nghề văn, Thạch Lam quả quyết: “Chỉ những nhà văn không chạy theo thời, không nghe theo tiếng gọi của sự háo hức, hám danh, sự chiều lòng công chúng, mà biết đi sâu vào tâm hồn mình, phát hiện ra những tính tình, cảm giác thành thực, tức là tìm thấy tâm hồn mọi người qua tâm hồn chính mình, mới có thể tạo được những giá trị bền vững, mới có thể đi đến chỗ bất tử mà không tự biết”. Quả đúng văn chương là vậy, nghề văn là vậy. 
Nguồn: Tạp chí Sông Hương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...