Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Âm nhạc Trịnh Công Sơn - Đẹp như tranh trừu tượng

Âm nhạc Trịnh Công Sơn - Đẹp như tranh trừu tượng
Âm nhạc đến với mọi người bằng giai điệu chứ không phải bằng ca từ. Nhưng “bài hát đâu chỉ là nốt nhạc”. Bởi khi là ca khúc, lớp vỏ ca từ cũng có đời sống riêng. Có khi nó làm cho âm nhạc vì thế mà sâu lên, nhưng cũng có lúc nó làm cho người ta chán ghét.
Bản thân nhạc Trịnh Công Sơn là những giai điệu rất đẹp. Nhưng cái mà làm cho nhạc Trịnh sống mãi với thời gian, làm lay động bao nhiêu con người, đó chính là lớp vỏ ca từ. Như những hạt phù sa tích tụ lâu ngày, nó ăn sâu vào trong lòng người nghe, in sâu vào trong tâm trí họ. Nhạc Trịnh với những dòng xoay chuyển của thời gian, từ những ca khúc DA VÀNG, đến NỐI VÒNG TAY LỚN,hay như một câu chuyện cổ tích:
Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân.
Một buổi sáng mùa xuân
Ngực đứa bé tan tành
Ngàn hoa đồng cỏ nội
Cúi xuống nhìn con tim.
Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé yên nằm
Bàn tay cầm cỏ dại
Có hoa vàng mong manh...
Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé im lìm
Bờ môi dường thầm hỏi
Có thiên đường hay không?
(Một buổi sáng mùa xuân)
Nhạc Trịnh đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, và vẫn tồn tại, được đông đảo người nghe đón nhận.Có lẽ ngoài sự mê hoặc của bản thân âm nhạc, ca từ trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn, đó là sự hoà quyện nhuần nhụy những cảm xúc của một thời mà không hề gượng gạo, không bộc lộ những đường gân trên tay người cầm bút.
Trong nhạc Trịnh, nốt nhạc không tuyền là nốt nhạc, bài hát không tuyền là bài hát. Mỗi bài hát là một truyện ngắn, mỗi ca khúc là một câu chuyện của một thiên truyện dài.Những câu chuyện có khi là kết thúc có hậu như các câu chuyện cổ tích, cũng có thể lại có 1 kết cục dở dang, không vuông tròn, như kiểu TÌNH NHỚ, TÌNH SẦU, TÌNH VƠI.
Nhạc Trịnh, trước triên là ngôn ngữ của triết lí, là những điều dăn dạy mà ông muốn nói với mọi người. Để rồi người nghe phải suy nghĩ, chiêm ngắm, và nhìn lại cuộc đời:
Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. (Để gió cuốn đi)
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. (Diễm xưa)
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. (Mưa hồng)
Là ngôn ngữ của tình yêu.
Của cái chân lí: HÃY YÊU NHAU ĐI.
Rồi cái nhẹ nhàng thánh thiện như:
Từ khi trăng là nguyệt, đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt, em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt, tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt, trong tôi có những mặt trời ....
(Nguyệt ca)
Hay đôi khi người ta thấy một cái gì đó rất hồn nhiên trong tình yêu:
Tôi đã yêu em như trẻ thơ
Đâu biết đôi khi có lìa xa
Yêu em trái tim thật thà.
(Trong nỗi đau tình cờ)
Nhưng có lúc tình yêu là những đau xót, dằn vặt của những lần chia tay, nỗi đau chia lìa:
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa. (Tình xa)
Dù ngày mai em như chim bay, bỏ quên đây một người...
(Hãy cứ vui như mọi ngày)
Để hiểu được ngôn ngữ trong nhạc Trịnh, người ta phải chiêm nghiệm, phân tích, nhưng đôi khi người ta phải cần tưởng tượng. Bởi lẽ trong ca khúc của Trịnh Công Sơn, không chỉ có ngôn ngữ thơ mà còn có ngôn ngữ của hình ảnh. Có khi là những nét kí hoạ, có khi là bức chân dung của “người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm”.
Hay là những bức tranh cảnh vật đầy màu sắc:
Hồ Tây chiều thu mặt nước vàng lay, bờ xa mờ gọi
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời. (Nhớ mùa thu Hà Nội)
Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng
Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me. (Tuổi đời mênh mông)
Có người cho là âm nhạc hay nhất và đẹp nhất là âm nhạc mang tính nhân bản. Không biết nhạc của Trịnh Công Sơn có hay nhất, đẹp nhất hay không, nhưng có lẽ nhạc của Trịnh Công Sơn mang nhiều tính nhân bản nhất. Ngoài những ca khúc về tình yêu và quê hương, Trịnh Công Sơn còn viết nhiều ca khúc để đời về thân phận. Một trong những bài ca mà tôi cho là có tính đại diện cho phong cách sáng tác và nhạc thuật của Trịnh Công Sơn là bài Cát Bụi. Bài ca được viết theo thể điệu chậm, khoan thai (như phần lớn các ca khúc của Trịnh Công Sơn); lời rất đơn giản, không có tính cách trao chuốt, và gần như một bài thơ :
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy.
Ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi.
Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi.
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày.
(Cát bụi)

Tặng cho một người cũng yêu nhạc Trịnh, và cho tớ, kẻ bị dựng dậy để nghe nhạc Trịnh .. nhưng lại được cảm nhận nhưng êm đềm trong từng lời ru của ông .. Yêu quá con người ấy ... âm nhạc ấy ... như dòng suối nhẹ chảy về đêm ....
Theo http://www.slna-fc.com/

1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...