Họa sĩ Phạm Mai Châu: "Người phụ nữ Việt Nam
đẹp nhất
trong chiếc áo dài"
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha là họa sĩ Phạm Văn
Đôn, mẹ là nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim; tuổi thanh niên cầm súng ra chiến trường
nhưng ông không vẽ về người lính mà dành nhiều tình cảm với người phụ nữ Việt
Nam nền nã, đằm thắm trong trang phục cổ. Mời độc giả gặp gỡ họa sĩ Phạm Mai
Châu qua cuộc trò chuyện với Tạp chí Hồn Việt.
* Xin họa sĩ cho biết quan niệm của mình khi đến với việc
vẽ người phụ nữ Việt Nam mặc yếm váy dân tộc, mang hồn dân tộc một thời?
Tranh Cánh cửa
chạm khắc của
Phạm Mai Châu
|
HS Phạm Mai Châu: - Tôi vào học Trường Mỹ thuật Việt Nam từ
năm 10 tuổi, nhưng theo tôi, hội họa không bắt buộc phải học nhiều, người thưởng
thức cũng thế. Người nghệ sĩ nhìn con người và xã hội ở góc cạnh của mình, chọn
cái gì đẹp theo nhân sinh quan của mình và biểu hiện nó bằng khả năng và ý muốn
riêng của tác giả. Bản thân tôi chỉ rung cảm với người phụ nữ Việt Nam trong
trang phục dân tộc chứ không thể có cảm hứng sáng tác với một cô gái Việt Nam
trong trang phục hiện đại. Vẫn là cô gái Việt thời nay với khuôn mặt hiện đại
nhưng khi mặc trang phục cổ xưa vào thì trông họ đẹp hẳn. Và chính các cô ấy
cũng thấy thế! Như vậy, tôi đã đặt nhân vật của tôi trong một không gian ghép,
cái đẹp thực trong không gian không thực, mục đích là để biểu hiện cái đẹp của
con người Việt Nam.
* Niềm xúc động của họa sĩ khi vẽ?
- Người phụ nữ Việt Nam rất đẹp, dù vào thời đại nào, nhất là
những thiếu nữ với vẻ đẹp trong sáng, căng tràn sức sống. Cái vẻ đẹp kín đáo rất
Việt Nam ấy phải đặt vào không gian cổ xưa, nếu đặt vào không gian phố mới thì
lại không hợp nữa. Và cũng đúng nhân vật ấy, cũng đúng khung cảnh ấy mà cho
trang phục thời nay vào thì tôi không còn cảm hứng nào để vẽ nữa.
* Lâu nay, nhiều họa sĩ đã vẽ phụ nữ theo nếp cổ truyền
- dân tộc, vậy thì họa sĩ cho rằng mình có cái gì mới, cái gì thêm vào khi vẽ đề
tài ấy?
- Người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất trong chiếc áo dài, rất
duyên dáng. Áo dài trắng nữ sinh sẽ thơ mộng hơn, nữ tính hơn trong không gian
như thế nào, điều đó còn phụ thuộc vào nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ. Cũng vẫn
đề tài những cô gái, tôi cho người xem cảm nhận được cái đẹp của họ không riêng
về trang phục, màu sắc, không gian thiên nhiên, kiến trúc (không gian và thời
gian) mà còn kỹ tính từng cái nếp áo, nét mặt, từng đường nét cơ thể... Tất cả
những cái rất thật và không thật ấy cho người xem cảm nhận được tâm trạng và
tình cảm của nhân vật.
* Dạy học với mức lương khiêm tốn để tập trung sáng tác.
Thường các họa sĩ ngày xưa rất nghèo dù họ rất tài năng. Vậy theo họa sĩ
thì thời nay có gì khác?
- Thời nay khác nhiều chứ. Các họa sĩ ngày xưa có gia đình,
có người vợ trợ giúp rất nhiều để tập trung sáng tác. Tôi tham gia bộ binh tại
chiến trường Quảng Trị từ năm 1971 đến 1975, trong chiến tranh, ranh giới giữa
sống và chết rất gần nhau, chứng kiến bao nhiêu cái khốc liệt, ngày ngày phải
chôn xác đồng đội, vô cùng căng thẳng tinh thần. Chiến trường có hằng ngàn câu
chuyện, bây giờ gặp lại đồng đội, chúng tôi vẫn kể lại và cùng vui cười với
nhau, tuy nhiên cũng có những chuyện đau thương không muốn nhắc lại nữa.
Nước ta chiến tranh kéo dài, sau chiến tranh lo khôi phục
kinh tế, họa sĩ thế hệ chúng tôi sau kháng chiến trở lại trường và cũng có điều
kiện sáng tác. Tuy nhiên, như bao người khác cũng phải kiếm tiền để trang trải
cuộc sống nên họa sĩ không có điều kiện vẽ tranh nhiều mà nếu vẽ được tranh
cũng không có điều kiện trưng bày. Hơn 10 năm nay, tôi đã có nhiều cuộc triển
lãm, đều đặn mỗi năm một lần. Một bức tranh tôi bán được bằng lương dạy học 2
năm nhưng tôi quan niệm, bán tranh được thì tốt, không được cũng không sao vì
tôi không có tham vọng làm giàu nhờ bán tranh. Nếu gặp người mua tranh biết tôn
trọng thật sự giá trị của bức tranh thì không cần mặc cả, với mức giá nào tôi
cũng thấy vui vì tranh của mình đã tìm được người đồng điệu.
* Sinh viên của Khoa Tạo dáng công nghiệp Viện Đại học Mở Hà
Nội nói với nhau rằng họ may mắn khi được học lớp của thầy Phạm Mai Châu. Vậy,
với họa sĩ, sáng tác và dạy học có tương tác gì không?
Tranh Sen xanh
của Phạm Mai Châu
|
- Sau nhiều năm sống và làm việc ở Canada, Mỹ… năm 1995 tôi
trở lại Việt Nam. Tôi đã từ bỏ công việc chuyên môn ở nước ngoài với mức lương
rất cao so với Việt Nam để trở lại quê hương; từ bỏ công việc thiết kế lương
cao tại Việt Nam để đi dạy học với mức lương vô cùng khiêm tốn để có thời gian
vẽ tranh hơn 10 năm nay thì đủ thấy sáng tác nghệ thuật phải quan trọng thế nào
với tôi. Tôi luôn coi sáng tác là nghề của mình, nhưng tôi vẫn dành thời gian
cho giảng dạy. Khi dạy tôi quan tâm đến sinh viên, đến kiến thức mà tôi truyền
đạt lại cho thế hệ trẻ với tư cách là người đi trước còn môi trường xung quanh
đối với tôi không quan trọng.
* Gần đây họa sĩ vẽ tranh khỏa thân. Phải chăng họa sĩ đã
chán vẽ tranh về phụ nữ Việt Nam trong trang phục dân tộc?
- Tranh khỏa thân cũng giống như các tranh nghệ thuật khác,
phải làm sao cho người xem cảm giác được cái đẹp. Đương nhiên tôi vẫn theo đuổi
dòng tranh phụ nữ Việt Nam với trang phục dân tộc và càng ngày càng khó tính
hơn.
* Họa sĩ có nhắn gửi gì với độc giả Hồn Việt?
- Chúng ta tự hào về nền văn hóa lâu đời với hằng ngàn năm lịch
sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đi đâu, làm gì cũng để cho người nước
ngoài thấy cái đẹp từ trong cốt cách, bản chất của người Việt Nam. Cái đẹp đáng
yêu, thật thà, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam càng đáng trân trọng hơn nữa,
nên lưu giữ, mất nó chính là mất gốc. Nhìn một cô gái Việt Nam nhuộm tóc, mặc
trang phục hiện đại thì người ta có thể bảo cô ấy là người Trung Quốc, Đài
Loan, Hàn Quốc cũng chẳng có gì lạ. Như vậy thì còn đâu bản sắc dân tộc nữa. Vẻ
đẹp của người phụ nữ Việt Nam chính là chiếc áo dài, mái tóc đen… Trong một cuộc
giao lưu với sinh viên, một bạn người Anh có hỏi: “Việt Nam có nền văn hóa lâu
đời, thanh niên Việt Nam nên làm gì để giữ?”. Đáng buồn là sinh viên của chúng
tôi đều im lặng. Lớp trẻ hiện nay bế tắc về sáng tác, không có khuynh hướng
sáng tác riêng. Có không ít họa sĩ trẻ đi theo trường phái tranh trừu tượng, đó
là cái mà người ta đã làm từ đầu thế kỷ XX rồi.
* Xin cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện này.
Bích Đào thực hiện
hãng máy bay eva
vé máy bay đi mỹ eva air
korean airlines vietnam
săn vé máy bay đi mỹ giá rẻ
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich