Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Thơ Ý Nhi hành trình trong lặng lẽ

Thơ Ý Nhi hành trình trong lặng lẽ 
1 Xuất hiện từ trong giai đoạn chống Mỹ nhưng chủ yếu khẳng định bút lực của mình trong thời hậu chiến và Đổi mới, Ý Nhi là một trong những cây bút nữ xuất sắc của nền thơ Việt Nam đương đại. Có thể hình dung về thơ chị như một hành trình truy vấn tinh thần mà trong đó, cái tôi nhà thơ, lặng lẽ nhưng quyết liệt và bền bỉ, không ngừng tự ý thức nhằm tìm kiếm cái "bản lai diện mục" của tâm hồn. Với Ý Nhi, ý thức cá nhân tỉnh táo này vừa là một nhu cầu nội tâm tự nhiên, vừa là một nỗ lực tinh thần nghiêm nhặt. Dĩ nhiên, đi cùng óc phân tích tỉnh táo ấy còn là một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn. Chính điều này đã tạo nên chất "duy lí" độc đáo của thơ Ý Nhi giữa một nền thơ Việt hiện đại (nhất là thơ nữ) vốn nặng chất "duy tình", "duy cảm". Chất triết lí ấy cũng tạo nên nét riêng của thơ chị: không lạm dụng các mĩ từ kêu vang, nó toát ra từ một cái nhìn nội tâm trầm tĩnh, sâu sắc nhưng đầy khắc khoải của một con người đang trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình.
Ý thức cá nhân này, trước hết, được thể hiện một cách rõ nét trong nỗi khát khao "tôi muốn được là tôi" của tác giả. Trong thơ chị, chủ thể trữ tình thường xuất hiện ở ngôi đại từ nhân xưng thứ nhất - Tôi, với một tâm thế đối thoại, bộc bạch trực tiếp, tự nhiên và giản dị: Tôi làm ra bài ca/ tự mình tôi hát/ tự mình khổ đau/ tự mình hạnh phúc/ tôi một mình lặng bước tới trùng khơi (Gửi một người bạn đọc)... Hình tượng "cái tôi" vừa là phương tiện đồng thời cũng chính là nội dung giao tiếp với cuộc đời của nhà thơ, do đó, nó trở thành một điểm nhấn hết sức nổi bật trong diện mạo nghệ thuật của tác giả. Ta thấy hiện lên trong thơ Ý Nhi là hình tượng "người đàn bà tìm về kết cục", với cái nhìn độ lượng về quá khứ, rạch ròi vào hiện tại và khắc khoải, lo âu về tương lai. Không còn những niềm vui bồng bột, những ảo tưởng ngây thơ và dễ dãi thời tuổi trẻ, người đàn bà ấy ý thức rất rõ rằng mình "đang đứng kề bên giới hạn của mình" và do đó, "không còn nhiều thời gian do dự/ không còn nhiều thời gian cho sai lầm". Chị khao khát sự bình yên, nói chính xác hơn là sự yên tĩnh, như "cái đích sau cùng của mọi lối ta qua", song, lại vẫn hiểu rằng, trong sâu xa, tâm hồn mình vẫn đang đầy những "xao động cuộc đời". Đấy là tâm thế của một con người từng trải qua những cảnh ngộ ngặt nghèo, nên dễ dàng thấu hiểu và chấp nhận những quy luật đời sống, cho dù nghiệt ngã: Tôi sống trong cuộc đối thoại ngầm cùng bạn/ chấp nhận cái nghèo/ chấp nhận sự đơn độc/ như người ta chấp nhận khuôn mặt vốn có của mình (Gửi bạn)... Với Ý Nhi, những xúc cảm nồng nhiệt dường như luôn đi cùng ý thức tiết chế, ngọn lửa đam mê luôn song hành cùng niềm kiêu hãnh, sự truy vấn tỉnh táo, rạch ròi được nhìn nhận trong sự thấu đáo và cận nhân tình. Điều này cho phép tác giả dễ dàng khách quan hóa thế giới nội tâm, giúp chị nhìn thấu sự "giản đơn và rối ren, lớn lao và cạn hẹp" trong chính mình. Nó cũng tạo ra một độ lùi chiêm nghiệm trong cách mô tả đời sống của tác giả, cho dù chị viết về những vấn đề thời cuộc nóng bỏng hay những tâm sự sâu kín, riêng tư. Song, cũng vì vậy mà thơ Ý Nhi thường nghiêng về những nỗi ưu tư nghiêm trang, đôi khi trĩu nặng nỗi niềm. Nó thiếu vắng một chút tếu táo, hài hước, hay bông lơn như trong thơ của một số tác giả thuộc thế hệ trẻ hơn sau này... điều có thể khiến mọi chuyện đôi khi trở nên giản đơn, nhẹ nhõm. Âu đó cũng là cái "tạng chất" riêng của chị.
2. Như đã nói trên, nhu cầu nhận thức, đánh giá cuộc sống trong chiều sâu bản chất sẽ dẫn nhà thơ đến cái nhìn cuộc đời trong sự đối lập mâu thuẫn có tính phổ quát. Trong thơ Ý Nhi, bức tranh cuộc đời hiện lên hết sức phức tạp, đầy những nghịch lí và không dễ nắm bắt bằng vẻ ngoài. Motip hình ảnh con người với những trạng thái cảm xúc, suy tư đối lập chói gắt trở đi trở lại trong thơ chị: Thiếu nữ đã là người đàn bà ở tuổi bốn mươi/ Cam chịu và cuồng nộ, mong mỏi và buồn nản/ Đem cho và nhận về, kiếm tìm và đánh mất/ Giản đơn và rối ren, lớn lao và cạn hẹp (Về Thái Nguyên); Tôi thường đợi mùa thu với nỗi lòng không xác thực/ Vừa hân hoan vừa ưu phiền/ Vừa mong ngóng vừa ngại ngùng (Mùa thu); Giữa chiều lạnh/ Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/ Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã/ Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời/ Vội vã như thể đó là lần sau chót (Người đàn bà ngồi đan)... Cũng giống như người bạn thơ thân thiết của mình, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, Ý Nhi nhận thấy trong tâm hồn chị, những trạng thái cảm xúc đối lập mạnh mẽ luôn song song tồn tại. Nhưng với Xuân Quỳnh, việc ví tâm hồn mình như con sóng "dữ dội và dịu êm/ ồn ào và lặng lẽ" chủ yếu xuất phát từ cái nhu cầu thổ lộ những cảm xúc mãnh liệt nội tâm hơn là mục đích truy cầu một sự phân tích, lí giải thấu tỏ về cái thế giới đó. Ý Nhi thì khác. Ở chị, cái khát khao được "nghĩ", được "hiểu" dường như là thường trực và nhu cầu giãi bày cảm xúc thường nhường chỗ cho ý thức tự phân tích. Sự "tự họa" phổ biến trong thơ chị không nhằm để tự ve vuốt hay tô vẽ bản thân mà chính là một hành động "tự vấn" lương tri nghiêm khắc, nhằm buộc bản thân trước hết phải trung thực với chính mình. Tính chất quyết liệt, thậm chí có phần khắc kỉ của cá tính thơ Ý Nhi bộc lộ rất rõ trong thái độ ứng xử đó.

Cũng chính vì vậy mà thơ chị thường xuất hiện rất nhiều câu hỏi đầy băn khoăn, trăn trở: Đốm lửa rừng giờ cháy nơi đâu/ con chim rừng giờ hót nơi đâu/ đóa hoa rừng giờ thơm nơi đâu (Cửa rừng); Cô gái đi qua tôi dưới bóng những bờ cây/ Cô sẽ nói điều gì về hạnh phúc/ Cô sẽ nói điều gì về những câu thơ/ Cô sẽ nói điều gì (Thư mùa đông); Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu/ Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng (Người đàn bà ngồi đan)... Do vậy, nếu Xuân Quỳnh khao khát hướng tới cuộc sống đời thường với điểm tựa bình yên là mái ấm gia đình, thì với Ý Nhi, hướng ngoại dường như chỉ là một phương thức giúp chị nhìn sâu hơn vào bản ngã, vào thế giới tinh thần "đơn độc và kiêu hãnh" của chính chị. Nỗ lực tinh thần bền bỉ ấy đã tạo nên trong thơ Ý Nhi một niềm tin và sức mạnh nội tại mãnh liệt. Cho nên nhà thơ không ngần ngại khi tự trình bày trước độc giả bằng những đường nét thẳng thừng, gai góc, không tô vẽ và có thể làm giật mình ai đó bởi tính chất "đối mặt" quyết liệt và không khoan nhượng của nó:
Tôi không ưa đồ trang sức
kể cả nhẫn, vòng và các chức danh...
Tôi rất ít bạn
đôi khi tôi mất họ vì một lẽ nào đó
ngoài 30 tuổi tôi không tìm thêm bạn mới
và không thường giao du với các đồng nghiệp...
Tôi ngại các tiệc vui
nhiều khi tôi khóc vì chính cái khiến những người xung quanh tôi vui sướng
và lại muốn thét lên khi mọi người yên lặng.
(Tiểu dẫn)
Có lẽ, đây chính là một nét nổi bật trong hình tượng cái tôi nhân cách của Ý Nhi: rắn rỏi và kiêu hãnh, khẳng định và bảo vệ đến cùng, thậm chí có phần cực đoan, những giá trị mà mình tôn thờ, tin tưởng. Không đơn thuần chỉ là sự khẳng định cá tính, Tiểu dẫn còn là một triết lí sống rõ ràng, sòng phẳng, thậm chí đầy thách thức. Nó thể hiện khát vọng về một cuộc sống lí tưởng mà ở đó, mỗi cá nhân phải có ý thức vượt lên thói quen "đồng phục tinh thần" để suy nghĩ, hành xử một cách độc lập và có trách nhiệm. Với Ý Nhi, nhiều khi, khát vọng ấy đã trở thành một nỗi giày vò cuồng nộ, khiến chị chỉ "muốn thét lên khi mọi người yên lặng".
3. Nhưng trong thơ Ý Nhi, chân dung chủ thể trữ tình không chỉ được tô đậm trên phương diện ý thức phân tích tỉnh táo, mà còn được thể hiện như một thế giới tâm trạng, cảm xúc hết sức phức tạp. Đây cũng chính là một biểu hiện cụ thể khác của cái tôi duy lí trong thơ Ý Nhi. Điều này thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn, song cũng rất dễ hiểu, bởi vì xét đến cùng, những phản ứng tâm lí - cảm xúc, thực chất là một kiểu phản ánh và nhận thức thực tại. Tuy nhiên, trong rất nhiều sắc thái tâm trạng, cảm xúc được thể hiện trong thơ Ý Nhi, bao trùm lên tất cả vẫn là cảm giác bất an và lo âu. Cảm giác lo âu trở đi trở lại, như một ám ảnh thường trực, dai dẳng và mơ hồ. Nỗi niềm "xao xác trước ngày yên" này gần như xuyên suốt trong thơ Ý Nhi, không chỉ là một tâm trạng hay cảm giác nhất thời, mà đã trở thành một motip chủ đề nổi bật. Có thể "nhặt" ra rất dễ dàng những câu thơ đầy ám ảnh về chủ đề này: Tôi không sao tránh được lo âu trước mỗi độ thu/ Trước chiếc lá chợt ánh vàng/ Trước ngọn gió may/ Và chân trời xám bạc (Mùa thu); Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu/ Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng (Người đàn bà ngồi đan); Trong ánh rực rỡ của biển chiều/ Chỉ còn lại nỗi lo âu vẫn theo ta như chiếc bóng/ Không thể nắm giữ/ Cũng không thể lìa bỏ (Biển chiều); Thôi từ biệt/ Vầng sáng lo âu của ngọn đèn bàn/ Và gương mặt thân yêu/ Vừa gần gụi/ vừa xa vời/ Trong giấc mơ hạnh phúc (Thơ tặng Êlêna); Tưởng có thể òa vỡ/ Trong sớm thu này/ Nỗi lo âu đã bao ngày dồn chứa (Không đề)...
Trước hết, nỗi lo âu này xuất phát từ một tâm hồn nặng lòng với cái Đẹp, với những giá trị tinh thần cao quý trong cuộc sống; luôn khao khát tìm kiếm và hướng đến "những gì trong sạch/ những gì như mùa thu" (Mùa thu), và do đó, đặc biệt nhạy cảm trước sự hiếm hoi, mong manh, "xa xỉ" của chúng trong một môi trường xã hội luôn chỉ chực lật nhào mọi giá trị tinh thần, hoặc bởi lối sống vô cảm, thờ ơ, hoặc bởi những thói quen thời thượng, xô bồ, thực dụng. Vì vậy, thiên nhiên trong thơ Ý Nhi không chỉ gợi nên cảm giác bình yên. Là biểu tượng cho cái đẹp tự nhiên, thuần khiết, trong lành, thiên nhiên cũng đồng thời gợi lên trong nhà thơ nỗi bất an bởi môi trường sinh thái ấy cũng đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi chính lối sống "hiện đại" của con người. Đó là lí do giải thích cho những phản ứng cảm xúc có vẻ "bất thường" và trái ngược trong chủ thể trữ tình khi đối diện với thiên nhiên: Đôi lần/ em nhìn tán cây mà ứa nước mắt/ vì màu xanh/ Đôi lần/ em nghe tiếng chim khuyên mà ứa nước mắt/ vì sự trong trẻo/ Rồi em khóc vì đốm nắng lan trên vạt cỏ/ vì bông hoa trắng như giọt lệ/ vì phiến đá dần tan trong ly nước mùa hè (Vườn)...
Nhưng cảm giác bất an ấy còn xuất hiện thường xuyên hơn khi tác giả viết về những người nghệ sĩ mà cuộc đời của họ đã "như một vì sao/ Chợt tắt giữa bao la". Đấy là những con người mà số phận, nhân cách, hành động, thậm chí cả cái chết của họ cũng có ý nghĩa như một lời kêu gọi thức tỉnh lương tri và khát vọng. Đấy là hình ảnh của một nhà thơ Nguyễn Du "tóc bạc bơ phờ trước gió/ suốt đời chỉ một mối u hoài", "một mình khêu ngọn đèn trong đêm đã bắt đầu dài" (Nguyễn Du, 1813); đấy là hình ảnh họa sĩ Dương Bích Liên luôn "thu mình lại/ tránh hết mọi chào mời, đưa đón" để có thể "đến gần cái đẹp/ đến gần các nguyên mẫu/ không ràng buộc/ không tô vẽ" (Họa sĩ); đấy là hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng như "một kẻ lang thang tìm đất mới/ với giọt lệ lớn nằm dưới đáy đôi mắt nheo cười" (Nhà văn Nguyên Hồng); đấy là hình ảnh nhà văn Nguyễn Minh Châu, với khả năng "tự thức tỉnh", "tự lìa bỏ", "tự bước ra khỏi lối mòn" để có thể "bừng sáng/ giữa bao nhiêu ràng buộc tối tăm" (Nhà văn Nguyễn Minh Châu)...
Khao khát Cái đẹp, dũng cảm nói lên tiếng nói của Lương tri và Sự thật, nhưng chung cục, số phận của những cá nhân ưu tú ấy luôn là sự "ngặt nghèo, buồn khổ", là sự "đơn độc, đau thương, tuyệt vọng", là "nỗi đau đớn cùng cực". Nhưng với Ý Nhi, nghịch lí nhân sinh mang sắc thái bi kịch đó là kết quả của một hành động "lựa chọn" đầy can đảm và có ý thức. Vì vậy, trước những cuộc đời và nhân cách ấy, đi cùng cảm giác lo âu hay sự xót thương còn là sự ngưỡng mộ, là niềm tin rằng những giá trị đích thực vẫn tồn tại trong cuộc đời này, bất chấp mọi đọa đày, bất hạnh.
Lo âu và bất an cũng là nỗi ám ảnh của tác giả khi phải chứng kiến cảnh tượng con người đứng trên đỉnh cao của sự nổi tiếng, vinh quang và quyền lực, đặc biệt là những nghệ sĩ hoặc là những vận động viên nổi tiếng như Maradona, Platini, Olek Blokhin....(cũng là một kiểu nghệ sĩ trong cách nhìn của Ý Nhi). Đó là một tình thế mà khi rơi vào con người rất dễ đánh mất bản thân bởi "danh vọng ồn ào, vinh quang xí xố" (ý thơ Chế Lan Viên). Sự tỉnh táo và nhạy cảm thường trực khiến nhà thơ thấu suốt rất nhanh những tình thế nghịch lí trong thể thao (mà thực chất là của đời sống nói chung) cũng như cái ranh giới mong manh giữa một bên là "nụ cười và giọt lệ"; "cái đẹp và cái phù phiếm", được và mất, vinh quang và điếm nhục, hạnh phúc và đau khổ dày vò... Chỉ trong/ bằng cái nhìn ấy, Ý Nhi mới có thể nhận ra cái cơn khát tới đích của người vận động viên như là một "nỗi đau", một sự "giày vò" tinh thần khủng khiếp - khao khát vượt lên chính mình. Chỉ bằng cái nhìn ấy, Ý Nhi mới có thể nhận thấy vinh quang là một gánh nặng. Và cũng chỉ trong cái nhìn ấy, nhà thơ nhận ra cái quy luật đổi thay tàn nhẫn mà tất yếu của cuộc đời: Rồi sẽ có người anh hùng mới/ đỉnh cao mới/ vinh quang mới/ sự chia lìa mới (Trận đấu giã từ của Olek Blokhin)...
4. Tuy nhiên, cái cảm giác căng thẳng lo âu trước trạng thái bất trắc, chênh vênh của đời sống, (mà tác giả ví như là cảm giác "người nghệ sĩ trên chiếc dây đàn căng qua khoảng trống") nhiều khi dường như quá ngưỡng chịu đựng của một trái tim nhạy cảm. Nó trở đi trở lại trong thơ Ý Nhi, thành một ám ảnh "vùi lấp", "gãy đổ" vừa mơ hồ vừa nặng trĩu. Nhưng cũng chính vì vậy mà tận trong sâu xa, chị luôn khát khao hướng tới tìm kiếm một sự "cân bằng" tuyệt đối, được diễn tả bằng hình tượng một đứa trẻ thuần khiết, ngây thơ mà đầy mạnh mẽ "đến biển mà không sợ bị vùi lấp/ lên núi mà không sợ bị gãy đổ". Thực chất, đó là một trạng thái tinh thần cao cả mà con người chỉ có thể đạt tới khi tự mình vượt qua những níu kéo xô bồ của danh vọng, hư vinh cũng như nỗi sợ hãi khi phải đơn độc đối diện trước chính bản ngã. Như vậy, cân bằng còn là một sức mạnh, nó giải phóng tâm hồn con người khỏi nỗi sợ hãi, những vướng bận phàm tục, thấp hèn để đạt đến sự tự do về mặt tinh thần, tư tưởng: Đã vượt qua mối vướng bận đời thường/ đã vượt qua mối vướng bận vinh quang/ đã vượt qua nỗi sợ âm thầm/ khi phải đứng riêng về một phía (Đắc đạo)...
Với một con người mà khát vọng tự do tuyệt đối luôn đi cùng ý thức tỉnh táo về những giới hạn tất yếu của cuộc đời như Ý Nhi, chắc chắn hành trình đi đến cái đích đó chưa bao giờ là điều dễ dàng. Và trên hành trình ấy, lo âu vẫn là một hành trang nặng trĩu. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, nỗi lo âu trong thơ Ý Nhi cũng có thể là một trải nghiệm hạnh phúc, bởi nó cho con người biết mình vẫn còn khả năng nhận ra cái đẹp sau những xô bồ của đời sống và biết rằng mình vẫn còn một thứ quý giá nhất của tâm hồn nghệ sĩ: sự nhạy cảm. Như vậy, còn Lo âu, nghĩa là còn Sống. Còn Lo âu có nghĩa là còn Gắn bó. Còn Lo âu có nghĩa là còn Yêu, còn Khắc khoải... Trong thơ Ý Nhi, lo âu đã trở thành một trạng thái sống phổ quát. Nó cũng trở thành một thứ "nhãn quan thẩm mĩ" riêng để nhà thơ soi ngắm về thế giới. Ta cũng có thể nói thêm, ở đây, bóng dáng của cuộc sống hậu chiến đầy gian khó, vất vả, ngặt nghèo với bao nhiêu biến động khốc liệt dù không đi vào thơ Ý Nhi theo lối "tả thực", nhưng vẫn hiển hiện ra trong một tâm trạng đầy bất an của nhà thơ về một đời sống "giả trá, ồn ào, ác hiểm" .
5. Như một tất yếu, khi thơ đào sâu đến tận cùng diện mạo của cái tôi, của cái riêng, cái cá nhân, bao giờ người ta cũng bắt gặp chủ đề tình yêu. Tình yêu cũng là một chủ đề quan trọng của thơ Ý Nhi, nhưng quả thực, thơ tình của chị rất hiếm bài được viết theo kiểu giãi bày cảm xúc nồng nàn mà ta quen gặp trong thơ của nhiều tác giả nữ cùng thế hệ với chị... Thơ chị nghiêng về việc mô tả một cảm giác nảy sinh trong một tình huống cụ thể, thường là một tình huống trữ tình hơn là tả thực và ở đó, con người vừa trọn vẹn đặt mình trong cái khoảnh khắc đầy tâm trạng ấy, mặt khác, lại vừa như đang bình tĩnh tách ra, lặng lẽ nghiêng tai đón đợi tiếng vọng nội tâm từ sâu thẳm, chẳng hạn: Thật buồn/ khi trở về trên chuyến xe cuối cùng/ thành phố đã ngủ yên/ Thật buồn trước lá xuân/ trước nắng/ trước trời mây/ Thật buồn khi thơ viết không người đọc/ khi gọi không ai đáp lời/ khi biết mình đã yêu (Không đề)... Tình yêu trong thơ Ý Nhi đầy những phức hợp cảm giác, vừa ngóng trông vừa khắc khoải, vừa lo âu vừa hân hoan, vừa sướng vui vừa ngậm ngùi, vừa hạnh phúc vừa buồn khổ...
Ngay cả khi viết về sự hòa hợp và gặp gỡ trong tình yêu, những cảm giác đầy mâu thuẫn ấy vẫn không rời bỏ chị: Bấy giờ/ em băng qua ngã tư đèn đỏ/ để kịp đến nơi anh/ Bấy giờ/ cây cối/ cửa nhà/ xe cộ/ cuồn cuộn chảy một dòng ngũ sắc/ Bấy giờ/ những khuôn mặt/ thảy đều thơ dại/ Bấy giờ/ cỏ xanh/ trời xanh/ áo người rực rỡ/ Bấy giờ/ em gầy hao, đầy đặn/ hân hoan, buồn khổ/ dưới một ánh nhìn (Kí ức)... Ngôn ngữ tình yêu của chị nhiều khi thật trực diện, giản đơn mà sao vẫn đầy u uẩn: Xin anh/ trong niềm vui/ nhớ đến em/ Xin anh/ trong nỗi buồn/ chia sẻ cùng em/ Xin anh/ mãi như em đã gặp/ đã yêu/ đã luôn chờ đợi/ Xin anh/ hãy yêu/ và tha thứ (Mùa thu)...
Có thể nói, tình yêu là một cõi riêng nội tâm mà tác giả đã đắm mình trong đó với những xúc cảm tận cùng sâu sắc và mãnh liệt. Dĩ nhiên, thơ tình của một người phụ nữ ở độ tuổi và sự trải nghiệm như Ý Nhi thì không thể giống như các tác giả thế hệ 8X, 9X sau này, với những khao khát hoang loạn về tình yêu, tình dục. Đó là những vần thơ viết về tình yêu với tất cả độ chín của bản năng và sự từng trải nhưng đồng thời nó vẫn được dắt dẫn bởi một ý thức bên trong đầy tự chủ. Nhưng tình yêu trong thơ chị cũng không phải là thứ tình cảm ân nghĩa gắn với hình ảnh một mái ấm gia đình đời thường ấm áp như trong thơ nhiều nữ tác giả cùng thế hệ. Với Ý Nhi, tình yêu đã phần nào trở nên trừu tượng hóa, và mang sắc thái tinh thần, lí tưởng rất rõ nét. Là đối tượng của sự suy ngẫm, tình yêu trong thơ chị gần như đã trở thành một thứ biểu tượng cho con người khao khát hướng tới. Trong tình yêu, con người có thể tìm thấy sự vững vàng, niềm kiêu hãnh, sự dồn nén của những khát vọng đẹp đẽ. Chính vì vậy mà đến với tình yêu của anh (như một giá trị tinh thần phổ quát chứ không đơn thuần là với một con người cá biệt, cụ thể nào) là đến với "sự bình yên", đến với "sự trong trẻo", đến với "bản tình ca cầu ước sum vầy"... Đó là một giấc mơ lớn lao đến đỗi: Em chẳng kể cùng ai giấc mơ của mình/ bởi có ai mà hiểu thấu, ngoài anh/ người cũng hòa nhập với cuộc đời này bằng một giấc mơ (Năm lời cho bài hát)... Và đó cũng là một món quà đã được "mang cho" một cách hào phóng, vô tư và không đợi đáp đền: Anh đã đem cho tâm hồn anh/ anh đã đem cho cuộc đời anh/ nhưng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây/ anh còn muốn cho cô, những gì anh có thể có trong đời (Quà tặng)... Như vậy, tình yêu không chỉ là một trạng thái cảm xúc, tâm lí, mà còn là một phương tiện để con người nhận thức sâu hơn về đời sống. Bản thân tình yêu là một giá trị, và ý nghĩa lớn nhất của nó, có lẽ chính là khả năng đánh thức con người khỏi sự thờ ơ và quên lãng, để nhận ra được sự thiếu vắng của khát vọng và xúc cảm trong cuộc đời mình. Và nếu hiểu như vậy thì tự thân nỗi đợi chờ, niềm thất vọng, sự khắc khoải, thậm chí là nỗi đau..., cũng có vẻ đẹp và thứ ánh sáng riêng của nó. Đó là lí do giải thích vì sao nhà thơ lại hình dung và mô tả về tình yêu, một mặt, như là sự "nát tan", là "phút giây chia biệt", là "giọt cuối cùng làm tràn cốc cay đắng" nhưng mặt khác, lại là cái "thời khắc huy hoàng" của "phận số". Bởi vậy, khi nghĩ về tình yêu, về "anh", có lúc nhân vật trữ tình dường như quên mất sự trầm tĩnh vốn có để thốt lên đầy đắm say, quyết liệt: Cùng anh/ tôi có thể đối chọi/ có thể hòa nhập/ với cả thế gian này (Không đề)... Cách nói hơi "cao giọng" thách thức ấy có thể làm ai đó bất ngờ, nhưng thật ra, đấy cũng là một phản ứng tâm lí thường gặp ở những con người có cá tính mạnh mẽ và dám sống đến tận cùng niềm tin của họ. Nên cũng dễ hiểu vì sao trong thơ Ý Nhi, sự chia ly của tình yêu (thơ chị từng nói rất hay về hình ảnh "người đàn bà đi khỏi mối tình của mình") thường được mô tả như một sự ra đi đầy "biết ơn" và "hân hoan", thanh thản: Ra đi mà tràn đầy biết ơn/ ra đi/ mà từ đôi mi đã khép/ còn lăn chảy giọt nước mắt hân hoan (Vườn).... Cũng cần nói thêm rằng, trong thơ Ý Nhi, hình ảnh "nước mắt" (vốn rất quen thuộc trong thơ tình, gắn liền với các motip chủ đề như tan vỡ, chia ly, đau khổ...) cũng đã hàm chứa một sắc thái thẩm mĩ mới. Nó là tượng trưng cho nỗi xúc động lớn lao của con người trước hạnh phúc, trước tình yêu, cho dù hạnh phúc và tình yêu ấy có thể không còn mãi.
Một điều đáng chú ý là càng về sau, đặc biệt trong tập Vườn, chủ đề tình yêu càng trở nên đậm nét hơn trong thơ Ý Nhi. Như đã nói ở trên, nếu có thể hình dung hành trình thơ Ý Nhi như một hành trình đi tìm chính mình thì càng ngày chị càng đến gần cái đích của mình. Càng ngày, thơ chị càng đến gần hơn với sự an tĩnh của tâm hồn với biểu tượng tập trung nhất là Vườn. Nhưng cũng chính ở đây, độc giả nhận ra có một sự đồng nhất đầy ý nghĩa giữa hình ảnh khu vườn nội tâm an tĩnh với tình yêu của con người: Em tìm đến góc xa nhất của khu vườn/ em muốn trốn vào sự bình yên/ em muốn trốn sâu mãi, sâu mãi vào tình yêu của anh (Vườn)... Phải chăng, tình yêu, trong giá trị và ý nghĩa phổ quát của nó, luôn luôn là cái khát vọng về một sự bình yên bền vững, vĩnh cửu?
Dĩ nhiên, khi nhìn nhận về tình yêu trong độ lắng đọng của những triết lí, suy tư, phần nào đấy thơ tình Ý Nhi sẽ mất đi cái mà người ta thường gọi là độ tươi mát, nồng nàn trong cảm xúc hay sự phong phú, đa dạng trong các cung bậc trạng thái được mô tả. Như đã nói trên, trong thơ chị, những trạng thái tâm lí cụ thể ấy thường được khái quát hóa thành những trạng huống nhân sinh - thẩm mĩ có tính phổ quát. Bởi vậy, ngay niềm vui sướng hay nỗi đắng cay dường như cũng mất đi tính chất "thái quá", vẫn được hình dung như một đặc tính của tình yêu lứa đôi, vốn không thể kìm giữ hay giấu che (tính chất "sục sôi", "tràn bờ" này được thể hiện rất rõ trong thơ một số không ít tác giả nữ). Nhưng phải chăng ta cũng nên nhìn nhận điều này như một biểu hiện của ý thức đổi mới lối "trữ tình" của Ý Nhi trên đường sáng tạo?
6. Ý thức cá nhân đồng thời cũng đem lại cho tác giả những quan niệm mới về thi ca và hoạt động nghệ thuật nói chung. Với Ý Nhi, thơ là tinh chất gạn lọc "từ bùn bẩn, từ đau thương, cùng quẫn", nó gắn liền với cuộc sống và nó nhằm phục vụ cho đời sống của con người (đây cũng là một quan niệm thơ phổ biến trong nền thơ Cách mạng). Nhưng làm thơ, làm nghệ thuật cũng chính là hành động tìm kiếm và sáng tạo cái đẹp. Đó là một công việc hạnh phúc và nhọc nhằn, bởi sáng tạo cũng đồng nghĩa với việc phải biết "tự lìa bỏ/ những giá trị đã một đời xây đắp", phải biết "tự bước ra khỏi lối mòn/ (cái lối mòn từng dẫn tới vinh quang)", nó đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn là "một lương tâm trong sạch", một bản lĩnh "mạnh mẽ". Do đó nghệ thuật đích thực bao giờ cũng hội tụ trong đó một vẻ đẹp phi thường, cao khiết: câu thơ/ lan tỏa như sóng/ quẫy cựa như sóng/ trắng xóa/ và xanh biếc (Tặng một người làm thơ trẻ)... Với tư cách là một nhà thơ, Ý Nhi luôn có những tâm niệm thiêng liêng về nghề nghiệp. Cho dù, trong cái nhìn "ngày thường", hành động sáng tạo hình ảnh, ngôn từ, thi tứ...được ví như hình tượng người phụ nữ đi chợ, tính toán, bán mua, pha chế thực phẩm thành những món ăn, bao giờ cái đích chị hướng tới cũng là "vẻ đẹp thực chất"của bữa ăn - thi ca ấy, đó là "niềm hạnh phúc tôi có thể đem lại cho mọi người". Cũng như những bộc bạch về cái tôi ở trên, đó là những tâm niệm hết sức chân thành, nghiêm trang, mang đậm dấu ấn lí tưởng của một thế hệ nghệ sĩ luôn gắn bó đời mình với sự nghiệp chung của dân tộc. Đồng thời, nó cũng bộc lộ những nhận thức độc lập, mới mẻ của một nhà thơ luôn ý thức về nghệ thuật như một hành động cách tân, sáng tạo. Quan niệm này rõ ràng đã được hậu thuẫn bởi một bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam thời kì hậu chiến, với những biến động, thay đổi to lớn trên nhiều phương diện kinh tế, văn hóa, cũng là một bối cảnh lịch sử xã hội đã tạo đà cho sự xuất hiện của nhiều quan niệm, tư tưởng nghệ thuật ngày càng cởi mở và toàn diện, sâu sắc hơn.
7. Ứng với nhãn quan nghệ thuật nói trên là một hình thức thể hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới. Thơ Ý Nhi sử dụng phổ biến thể tự do, với sự kết hợp đa dạng những câu thơ dài ngắn khác nhau, cách ngắt nhịp, gieo vần tự nhiên, linh hoạt, cho phép tác giả dễ dàng thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình về đời sống mà không phải bó buộc vào khuôn khổ câu chữ. Nhiều bài thơ khá dài, được đánh số thứ tự theo từng phần, mỗi phần thể hiện một tiểu chủ đề riêng nhưng chúng lại gắn kết chặt chẽ trong một hệ chủ đề thống nhất, ví dụ: Thư mùa đông, Hải Phòng, tháng 11 năm 1979, Biển, Cát, Nguyễn Du, 1813, Gửi bạn, Gửi một người bạn đọc, Thơ về Marina Xvetaeva, Dương Bích Liên - mùa đông 1988, Hà Nội, tháng 5.1987, Bóng đá, Kí ức, Năm lời cho bài hát, Không đề... Cùng với thể tự do, ngôn ngữ thơ rất giản dị, kiệm lời, lối nói tu từ bóng bẩy được hạn chế tối đa. Mặc dù trong những sáng tác thời kì đầu của Ý Nhi, độc giả cũng bắt gặp những hình ảnh khá mượt mà như Cây bàng vừa nhuốm lửa/ khóm trúc mới đổ vàng/ lòng suối Đôi rộng quá/ chúng mình đưa nhau sang (Mưa dạo tháng mười)... nhưng càng ngày, nỗ lực lược bỏ những ngôn từ êm ái, ngọt ngào để đạt tới một cách diễn tả nội tâm giản dị và chân thực càng rõ trong thơ chị. Thể thơ tự do với những câu thơ thường bị bẻ gãy thành nhiều phần (và đầu câu thường không viết hoa), không chỉ tạo nên tính chất gập ghềnh, trúc trắc, khó đọc, mà còn tạo áp lực buộc nhãn quan của "cái thời lãng mạn" phải thay đổi. Thay cho cái nhìn mơ mộng, trữ tình trước đây là một cái nhìn trực diện, thẳng thừng vào hiện thực - cái hiện thực xã hội bên ngoài vốn xù xì, gai góc và cả cái hiện thực bên trong tâm hồn mà càng dấn sâu, con người càng thấy rõ là không hề đơn giản. Có thể nói thơ tự do là một lựa chọn thích đáng cho việc chuyển tải dòng nội tâm của nhà thơ trước một bối cảnh đời sống mới. Tất nhiên, đây cũng không chỉ là lựa chọn riêng của Ý Nhi. Sau 1975, đặc biệt là sau cái mốc Đổi mới và mở cửa, những tìm tòi theo hướng mở rộng khung hình thức thơ, đặc biệt là thể thơ tự do cũng là một hướng đi của nhiều tác giả.
8. Với thể thơ tự do và lối thể hiện trực tiếp, không cầu kì "làm chữ", thơ Ý Nhi đem lại ấn tượng về sự phóng khoáng, giản dị nhưng vẫn rất giàu sức gợi nhờ vào hệ thống biểu tượng phong phú. Đây là một hướng tìm tòi vừa tự nhiên, vừa như là một tất yếu đối với một hồn thơ ưa ngẫm nghĩ và luôn muốn tìm ra sau những hiện tượng, sự vật cụ thể một ý nghĩa sâu xa hơn so với bề mặt hình ảnh chính nó. Người đàn bà ngồi đan vừa là một bài thơ ghi dấu thành công nổi bật của Ý Nhi, đồng thời cũng là một biểu tượng nội tâm rất độc đáo. Nhìn bản thân bằng con - mắt - bên - ngoài, tác giả đã làm hiện lên một cách sinh động hình ảnh "một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ", "giữa chiều lạnh" và dưới chân chị, "cuộn len như quả cầu xanh/ đang lăn những vòng chậm rãi". Tuy nhiên, bằng lối mô tả như là dửng dưng và thuần túy khách quan, bằng việc lược bỏ triệt để những cảm xúc cá nhân, bằng việc đặt ra liên tục những câu hỏi về tâm trạng - bản chất đích thực và trái ngược của người đàn bà ngồi đan..., chân dung con người ấy đã bị/ được trừu xuất khỏi cái ý nghĩa tả thực cụ thể để trở thành một biểu tượng ám ảnh về đời sống tinh thần lặng lẽ mà phức tạp, mà khắc khoải, day dứt của chính tác giả, hay nhìn rộng ra, là của người phụ nữ hiện đại. Thơ Ý Nhi cũng viết nhiều về nghệ sĩ (có thể nói chị có một "loại" thơ chuyên viết về nghệ sĩ) và ở những con người ấy, chị luôn biết cách "đọc" ra những phẩm chất cao quý trong cuộc đời, tính cách, số phận và thậm chí cả cái chết của họ. Do đó, từ những cá nhân riêng lẻ, bao giờ nhà thơ cũng biết nâng tầm vóc họ lên thành hình ảnh của những giá trị tinh thần cao cả và bất tử.
Đặc biệt, ngay cả những người bình thường, qua ngòi bút của Ý Nhi, cũng có thể trở thành những biểu tượng thơ có sức lay động mạnh mẽ nhận thức của độc giả. Điều tạo nên sự đồng cảm và cả sự khâm phục, ngưỡng mộ của nhà thơ với những con người bình dị ấy, chính là sự tự nhiên, trong trẻo, vô tư lợi trong niềm vui và cả nỗi buồn ngày thường của họ. Như một nghịch lí dễ hiểu, những khối óc duy lí, tỉnh táo nhất lại thường rất nhạy bén và luôn bị thu hút bởi những vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc. Với Ý Nhi, những biểu hiện cảm xúc hồn nhiên, thậm chí giản đơn, thô vụng ấy chính là một giá trị, nó là biểu hiện cụ thể của lối sống Chân, Thiện, và do đó mà cũng là biểu hiện của cái Đẹp tự nhiên, không màu mè gọt giũa, đối lập lại với cuộc đời trần trụi, xô bồ, với bao "tối tăm ham muốn".
Ta cũng rất dễ bắt gặp trong thơ Ý Nhi những bức tranh thiên nhiên tươi tắn, sinh động. Nhưng bằng cách này hay cách khác, bao giờ những hình tượng ấy cũng "biết cách" hé lộ cho người đọc một ý nghĩa sâu xa và bí ẩn hơn, đằng sau bề mặt hấp dẫn và cảm tính của nó. Biển chính là một biểu tượng thơ như vậy. Đó là tượng trưng cho một thời tuổi trẻ "cháy rực", "niềm khao khát", "chẳng nguôi yên"...; nhưng cũng lại là hình ảnh của "kết cục", là cái còn lại sau cùng của "đoạn đường ta đã qua"; đó là hình ảnh của "nỗi đắng cay/ được giấu kín sau màu xanh trầm mặc", nhưng đồng thời lại luôn gợi lên cảm giác "lớn lao thanh thản vô cùng"... Chính vì vậy, đến với Biển là đến với những giá trị như là vĩnh viễn, cũng là đến với sự hồi sinh của những ước mơ, khát vọng sau bao nhiều đổ vỡ. Cát cũng là một biểu tượng thơ gây được nhiều ấn tượng thẩm mĩ độc đáo. Trong thơ Ý Nhi, Cát là một miền "mênh mông", "ròng ròng tuôn chảy", "bỏng khô, chói lọi vô bờ". Nhưng qua cách mô tả của tác giả, Cát còn gợi liên tưởng mạnh mẽ đến hình tượng của những con người vô danh, "đã sống và chết/ giản dị và bình tâm/ không ai nhớ mặt đặt tên" (thơ Nguyễn Khoa Điềm). Vì vậy, đến với Cát là đến với những nhận thức sâu sắc về Tổ quốc, Nhân dân, đến với những thức tỉnh thiêng liêng: Người ta đứng nghiêm trang trước cát bạt ngàn... Ở đây, Biển và Cát là hình ảnh tượng trưng cho những sức mạnh vật chất, tinh thần lớn lao, cao cả, và đứng trước những sức mạnh to lớn ấy, con người luôn bị tác động mạnh mẽ, nảy sinh cảm giác xúc động và ngưỡng mộ sâu sắc. Đấy là những cảm xúc có sức mạnh thanh tẩy (catharsis) tâm hồn. Viết về Đất nước, Nhân dân trong một cảm hứng đậm nét sử thi nhưng với lối thể hiện bằng biểu tượng, nhà thơ đã đem lại cho motip chủ đề vốn dĩ rất quen thuộc của nền thơ chống Mỹ này một trữ lượng triết lí - trữ tình giàu có, mới mẻ.
Một biểu tượng thiên nhiên quen thuộc khác trong thơ Ý Nhi là Mùa thu. Đây không chỉ là một mùa thu của những thi liệu mà theo thời gian đã phần nào trở nên cũ mòn ước lệ với những "áo mơ phai dệt lá vàng", hay "vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông"... Theo cách mô tả của Ý Nhi, hình ảnh mùa thu thật đẹp, thật gợi cảm trong sự bay bổng của trí tưởng tượng nhưng cũng rất giàu tính tượng trưng. Đó là hình ảnh của một mùa thu ở "phía xa kia", "nơi đầu nguồn sông, nơi tận cùng biển lớn", và "mùa thu ngủ yên giữa tầng lá thắm", giữa "gió trong xanh", "cát vàng" và "bãi vắng". Đấy cũng là mùa thu mới của cuộc đời, một cuộc đời thanh tân, đầy sức sống với hình ảnh "sông nước, bầu trời, bờ bến mới" với "những buồn vui gay gắt dưới mặt trời". Đấy là mùa thu của ước vọng, của niềm khao khát. Song, cái mùa đặc biệt này còn làm dấy lên biết bao nỗi niềm "vừa hân hoan vừa ưu phiền/ vừa mong ngóng vừa ngại ngùng" trong con người. Với hình ảnh "chiếc lá chợt ánh vàng", "ngọn gió may", "đường chân trời xám bạc", mùa thu luôn gợi cảm giác về sự "trong sạch", cảm giác "hạnh phúc" và linh cảm về "điều lớn lao sẽ xảy ra trong thời khắc ấy". Nhưng nó cũng gợi nên bao nỗi lo âu, bởi đằng sau "vòm trời xanh dịu kia" có thể chính là "cơn bão lớn". Vượt ra khỏi ý nghĩa tả thực, một mùa thu đẹp, tinh tế, rực rỡ với bao khắc khoải (và càng đẹp hơn bởi chính cảm giác hồ nghi khắc khoải ấy) đã trở thành một biểu tượng cho một cái đẹp trùng phức, đa nghĩa.
Không kể các bài lẻ, nằm rải rác trong nhiều tập, có hẳn một tập thơ của Ý Nhi mang tên là Vườn. Hình ảnh Vườn thường được mô tả gắn liền với màu xanh của tán cây, tiếng chim trong trẻo, "đốm nắng lan trên vạt cỏ", "bông hoa trắng như hạt lệ"... Nhưng trong cái nhìn của Ý Nhi, hình ảnh Vườn đã được nâng tầm ý nghĩa thẩm mĩ. Vườn là biểu tượng của Thiên nhiên, một thiên nhiên đơn giản, bình yên. Vườn là một biểu tượng của sự an tĩnh tâm hồn, đem lại cho con người một sức mạnh nội tâm kì diệu. Vườn còn là một biểu tượng của tình yêu, một tình yêu lặng lẽ mà vững bền qua năm tháng đời người.... Từ một khu vườn cụ thể, dưới ngòi bút của Ý Nhi, nó đã chuyển hóa thành khu vườn tượng trưng, khu vườn tinh thần. Chính vì vậy, hình ảnh Vườn có thể gợi ra trong nhà thơ những liên tưởng đầy bất ngờ, trong suốt và ảo diệu: Rồi một lần/ em thấy cơn mưa rắc hạt xuống khoảng sân/ nếu hạt nảy mầm/ sẽ có lá trong suốt/ nếu mầm thành cây/ sẽ có nhánh cành trong suốt/ nếu cây đơm hoa/ sẽ có cành mềm trong suốt/ nếu hoa tụ quả/ ta sẽ có những hạt trong ngần nước mắt (Chuyện kể)...
Nếu chỉ nhìn qua tên các tập thơ của Ý Nhi, từ Nỗi nhớ con đường và Đến với dòng sông, đến Người đàn bà ngồi đan, qua Ngày thường, Mưa tuyết đến Gương mặt và đến Vườn, ta cũng có thể phần nào hình dung ra cái hành trình nội tâm của tác giả. Đó là một hành trình tinh thần lặng lẽ mà quyết liệt nhằm tìm kiếm cái diện mạo đích thực của bản ngã mà thực chất cũng là nhằm để tìm ra câu trả lời về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Đấy không phải là nỗi "băn khoăn siêu hình" có tính muôn thuở của triết học, mà là tiếng nói của một cái tôi cá nhân đầy trăn trở, nhưng vẫn luôn mang trong mình niềm tin vào chân lí, sự thật như cái cuối cùng sẽ còn lại của cuộc đời. Và như một logic, càng đến gần cái đích nhận thức ấy, thơ Ý Nhi càng bộc lộ một sự thanh thản, nhẹ nhõm đến "trong suốt". Đấy là trạng thái của kẻ đã tự mình vượt qua được những ràng buộc, giới hạn của chính bản thân để đạt tới sự cân bằng như một biểu hiện "đốn ngộ" trong tinh thần, tư tưởng.
Vườn là biểu tượng kết đọng ý nghĩa đó.
9. Đọc thơ Ý Nhi, độc giả thường có cảm giác thi tứ đến với chị rất dễ dàng. Nhiều nhan đề tác phẩm thường cho thấy một sự tự nhiên như là ngẫu hứng, không cần đến một sự gồng mình dụng công nào: Đưa con ra ngoại ô, Những cây sồi bên hồ Thuyền Quang, Thơ vui dưới hàng cây cơm nguội, Gửi một người bạn đọc, Theo dõi một trận đấu cờ vua, Người đàn bà ngồi đan, Đọc một bài thơ tình, Thơ tặng người say mê Platini, Trước chân dung Akhamatova...; Tên nhiều bài thơ của chị còn gắn liền với những địa danh rất cụ thể, chẳng hạn: Nhớ Hải Phòng, Về Chiêm Hóa, Về Thái Nguyên, Cà Mau, Qua Huế, Một buổi chiều ở Praha... Tuy nhiên, sự dễ dàng (chứ không phải là dễ dãi) trong cách đặt nhan đề ấy không dẫn nhà thơ cái cảm hứng "vịnh vật", "vịnh cảnh" thông thường. Với việc lược bỏ dứt khoát những từ ngữ, hình ảnh màu mè, sử dụng hiệu quả phép lặp và thủ pháp tương phản, kết hợp một cách tự nhiên và tinh tế giữa việc mô tả tình huống và bộc lộ cảm xúc..., nhà thơ luôn biết cách vượt lên sự kể, tả để làm nổi bật lên cái "lõi" trữ tình của sự vật, sự việc, và nhờ đó, mà luôn phát hiện ra những ý nghĩa sâu sắc, bất ngờ ẩn chứa trong đó. Những triết lí có khi được thể hiện qua những hình tượng khách quan. Chẳng hạn trong Người đàn bà ngồi đan, tác giả hạn chế triệt để việc bộc lộ cảm xúc cá nhân. Nhận thức về con người và đời sống chủ yếu được khơi gợi từ những câu hỏi tu từ liên tục xuất hiện, xoáy sâu vào các trạng huống nghịch lí được mô tả. Có khi triết lí được bộc lộ trực tiếp, qua những nhận xét, khái quát của nhà thơ về đời sống nhưng vẫn hết sức tự nhiên và có sức thuyết phục. Những cây sồi bên hồ Thuyền Quang là một ví dụ. Nhờ vào cái giọng điệu trữ tình giản dị và chân thật, như một lời tâm sự nhỏ nhẹ, nhờ vào những liên tưởng buông bắt đầy tính ngẫu hứng, với những triết lí được để trong ngoặc đơn như một chú thích thêm bên lề, mà "những ý nghĩ như lửa dưới vòm xanh trầm lặng" ấy lại có thể dẫn dắt người tới những suy tưởng rất xa về niềm vui và nỗi đau, ước mơ và sự thật, ý nghĩ về hạnh phúc và hạnh phúc có thực trong đời... Có khi, tác giả nhập hẳn vai mình vào nhân vật trữ tình để giãi bày tâm sự (thường là những nghệ sĩ có cuộc đời và số phận đặc biệt), và khi đó, dưới dạng độc thoại nội tâm của nhân vật, những triết lí về cuộc đời còn có thêm sức nặng của những trải nghiệm, những dồn nén bi kịch, chẳng hạn Nguyễn Du, 1813, Dương Bích Liên - mùa đông 1988... Bên cạnh cách cấu tứ vừa chặt chẽ vừa linh hoạt ấy, thơ Ý Nhi cũng mạnh về hình ảnh, đặc biệt là những hình ảnh so sánh, liên tưởng. Nếu có lúc nào đó, trong bài thơ, những câu chữ có phần trở nên lỏng lẻo thì chính là nhờ vào những "nhát cắt" hình ảnh ngắn gọn, bất ngờ, đập mạnh vào cảm giác mà mạch thơ lại trở nên mềm mại, nhất quán: Hà Nội/ mặt Hồ Tây trong vắt nỗi buồn thơ dại (Một Hà Nội); Giấc chiêm bao không tiếng nói cười/ sâu trong mắt/ ánh nhìn như nỗi đợi (Giáp tết); Có phải người/ áo trắng mong manh/ đã lặng lẽ/ qua vòm cây lá đỏ (Thành phố tràn đầy hoa cúc), Rồi ta về/ phố dài cô vắng/ sông lớn âm thầm thắm đỏ (Quê hương)... Những hình ảnh thơ ấy đã "mềm hóa" những cấu tứ đậm tính triết lí trong thơ Ý Nhi, đem lại những ám ảnh đầy khắc khoải và thi vị.
Với một nghệ sĩ, một nhà thơ, hành trình sáng tạo đồng thời cũng chính là hành trình tìm kiếm cái diện mạo chân thật của bản ngã. Đấy là một hành trình dài dặc, không dễ dàng và luôn phải tiếp tục, bởi nó cũng là hành trình truy tìm ý nghĩa của cuộc sống, của khát vọng và lí tưởng. Và một khi tiếng nói nội tâm đã tìm được cách diễn tả thích hợp bằng hình thức thơ ca, khi những tình cảm, tư tưởng dồn nén đã được giải phóng, thăng hoa qua ngôn từ, hình ảnh, có thể nói, đó cũng chính là khi con người đã tìm được sự "cân bằng" nội tại, tìm thấy niềm tin và sức mạnh trong bản thân mình. Và như một quy luật tất yếu, đi đến tận cùng ý thức cá nhân, ta sẽ bắt gặp bản chất nhân loại, bởi, "lời trong thơ không thuần túy là lời cá nhân. Ở đây, uy tín của tác giả nhà thơ là uy tín của dàn đồng ca... Bởi vì tôi nghe thấy bản thân mình trong người khác, cho người khác và với người khác" [dẫn theo Trần Đình Sử - Tuyển tập. II. Nxb Giáo dục, tr.265].
Đọc thơ Ý Nhi, ta không chỉ được nếm trải những cảm giác, cảm xúc nồng nhiệt, tinh tế, mà còn có thể cùng tác giả trải nghiệm một hành trình tâm tưởng, và ở đó, ta sẽ có được những nhận thức sâu sắc hơn về chính bản thân mình...
Tài liệu tham khảo
[1] Các trích dẫn thơ Ý Nhi trong bài viết đều rút ra từ tuyển Thơ Ý Nhi, Nxb Hội nhà văn - 2000.
[2] Trần Đình Sử (2005), Tuyển tập, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3] M.Bakhtin. Dẫn theo Trần Đình Sử, Tuyển tập, tập 2, tr.265. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Lê Hồ Quang
Theo http://www.bichkhe.org/

1 nhận xét:

  Trong hương xuân em nghe giai điệu mềm môi xứ sở Thông điệp xuân// Tràn ngập trăng mà da diết nhớ trăng/ Nốt nhạc mùa xuân vừa kịp tra đ...