Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Nhạc phẩm Đà Nẵng - Xưa và nay

Nhạc phẩm Đà Nẵng - Xưa và nay 
Kể từ ngày 26/8/1945, khi cờ đỏ sao vàng tung bay khắp thành phố và trên Tòa Đốc Lý cùng tiếng hát đồng ca của những đoàn người biểu tình cướp chính quyền tại Đà Nẵng với những giai điệu Cờ thiêng liêng của La Hối, “Trái đất Việt” của Dương Minh Ninh … thì có thể nói cũng đồng thời từ đấy, đã qua một vận hội gần 70 năm người Đà Nẵng hát về thành phố mình cùng bao biến chuyển lịch sử từ ngày Cách mạng thành công.
Từ ngày ấy, bên cạnh những bản hành khúc cách mạng của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận … vang lên trong cả nước, những nhạc sĩ ở Đà Nẵng và Hội An đã có ngay những sáng tác về thành phố của mình trong đất nước độc lập tự do. Những đoàn tàu Nam tiến dừng chân tại ga Đà Nẵng với những người lính giải phóng quân tràn đầy sức trẻ đang hăm hở vào chiến trường Nam Bộ kháng chiến đã trở thành nguồn cảm xúc cho nhạc sĩ trẻ Phan Huỳnh Điểu viết nên hành khúc “Giải phóng quân” nổi tiếng mà có lúc ta còn gọi là “Đoàn Vệ Quốc Quân”. Giống như các tác giả thuộc nhóm Tân nhạc Hội An như La Hối (đã bị Nhật bắn tại núi Phước Tượng vì tham gia chống phát xít từ đầu năm 1945), Dương Minh Ninh, Lê Trọng Nguyễn …, Phan Huỳnh Điểu – tác giả của “Trầu cau” đầu tay đã thực sự chuyển mình trong sự nghiệp âm nhạc nhờ cách mạng, nhờ Đà Nẵng thân yêu. Sau “Giải phóng quân”, Phan Huỳnh Điểu còn da diết trong “Mùa đông binh sĩ” và sôi nổi trong “Tuyên truyền xung phong” và trở thành một nhạc sĩ quan trọng của Đà Nẵng – Khu V những năm kháng chiến chống Pháp. Tầm vóc của ông sừng sững tới bây giờ. Cái hay của âm nhạc trong “Giải phóng quân” là cái thần thái của một dân tộc trong đó có người Đà Nẵng dám hy sinh và quan niệm đúng hy sinh như một người tự do là đồng nghĩa với hạnh phúc chứ không chịu sống kiếp đời nô lệ nữa.
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui.
   Đến khi toàn quốc kháng chiến, Đà Nẵng cũng chiến đấu ngoan cường như Sài Gòn 23/9/1945 và Hà Nội cùng ngày 19/12/1946. Nếu ở Hà Nội lúc đó có những tác phẩm của Lương Ngọc Trác như “Thủ đô huyết thệ”, “Ngày về” … thì ở Đà Nẵng cũng có “Bến Hàn Giang” của Ngọc Trai. Bài hát “Bến Hàn Giang” được tác giả đề từ thật xúc cảm.
Đoàn quân từ buổi rời sông lạnh
Ngày tháng mây trôi nước não nề
Trên bờ sông vắng ai ngồi đó
Đợi bóng vinh quang chiến sĩ về
  Mang khát vọng ngày về giải phóng Đà Nẵng, Ngọc Trai đã viết “Bến Hàn Giang” tràn đầy âm hưởng “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong khi xưa nhưng lại lấp lánh ước mơ của người chiến thắng.
Bến Hàn Giang bao người chờ mong
Giờ vinh quang đoàn chiến sĩ về
    Song tác giả “Bến Hàn Giang” - người đồng niên với Phan Huỳnh Điểu (Ngọc Trai cũng sinh năm 1924) đã không còn đến ngày về. Ông đã hy sinh năm 1950.
    Đà Nẵng khi thuộc về chính quyền cách mạng đã được đặt tên là thành phố Thái Phiên. Ngay năm 1949, khi thành phố Thái Phiên là nơi tạm bị chiếm thì người Đà Nẵng vẫn tin có một ngày thành phố Thái Phiên sẽ trở thành một thành phố công nghiệp như bây giờ. Võ Đăng Minh trong “Thái Phiên hoài phố” đã viết như thế:
Thành Thái Phiên mai sau
Một thành phố sao vàng phấp phới
Thành Thái Phiên công nhân say đời sống huy hoàng…
Đất anh hùng dấu vết khôn phai
Như giục ta gươm súng xây hòa bình.

    Và người Đà Nẵng đã nhịp bước trường chinh cùng cả nước trong kháng chiến trường kỳ. Vừa nhịp bước, họ vừa hát lên những chiến công vang dội. Vừa nhịp bước họ vừa hát nỗi nhớ về Đà Nẵng. Ta vừa hùng hồn đi cùng “Trung đoàn 108” của Nguyễn Trọng Cát để chất ngất “Hải Vân chiến thắng” cùng Hoàng Chi Lăng và say sưa “Chiến thắng Xuân Đài” cùng Thái Hào Quyền thì lại chợt tươi vui cùng Huỳnh Tú Mỹ “Dưới nắng xuân” hay Lê Trọng Nguyễn với “Quán bên đường” và “Đường chiều” của Dương Minh Ninh rồi trẻ trung như “Sinh quân ca” của Đức Tùng. Và bỗng nhiên nhớ “Làn sóng mơ” của Vũ Hùng, “Về bên sông Hàn” cùng Võ Đăng Minh và “Nhớ miền Duyên hải” cùng Dương Minh Hòa. Năm tháng chống Pháp vừa chộn rộn một tình mới ngất ngây, vừa dào dạt thương nhớ về Đà Nẵng thành phố qua bao giai điệu.
   Một thực tế buồn là sau ngày kháng chiến chống Pháp, người Đà Nẵng không được về giải phóng thành phố của mình mà lại chứng kiến những người con của thành phố mình tập kết ra Bắc, còn thành phố mình thì vẫn sống dưới “chính quyền của đối phương” như lời trong bài “Quê tôi miền Nam” mà Phan Huỳnh Điểu đã viết.
   Những ngày đấu tranh thống nhất, những nhạc sĩ Đà Nẵng tập kết ra công tác ở Hà Nội đã trăn trở bao nỗi niềm: “Ban ngày ở miền Bắc - ở miền Nam ban đêm”. Phan Huỳnh Điều sau khi thảng thống “Liên khu Năm yêu dấu” thì lại mềm mại đến thắt lòng trong “Quê tôi miền Nam” và day dứt chất liệu hò ba lý trong “Tình trong lá thiếp”. Văn Cận với phong cách hồn hậu, dân gian từ chống Pháp của “Đắp kênh Ba Kỳ”, “Đánh giặc tăng gia”đã gửi lòng mình vào “Giữ trọn tình quê” tính tế và tài hoa. Chàng nhạc sĩ Văn Cận mà tên thật là Võ Văn Hòa lại một lần nữa đổi tên thành Tân Nam để trở lại miền Nam từ 1966 và đã hy sinh ngày 24/1/1968 trong Tổng tấn công Mậu Thân, sau khi đã tung ra hành khúc đầy khát vọng “Giành lấy chính quyền về tay nhân dân”.
    Phan Huỳnh Điểu còn trở lại hoạt động ở vùng ven Đà Nẵng từ Noel năm 1964 với bút danh Huy Quang để khi tháng 3/1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng là đã có thể thét lên hành khúc “Ra tiền tuyến” đối kháng lại những giai điệu nhạc rock Mỹ. Cũng ở đó, ông viết “Tiếng hát từ Đà Nẵng”.
   Trương Đình Quang thì cung như Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận, trút nhớ thương vào âm hưởng quê nhà qua “Nhắn về trong ấy” tha thiết. Để rồi ít năm sau lại “Nhắn về Đà Nẵng yêu thương”.
   Cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 đã đem lại cho âm nhạc viết về thành phố Đà Nẵng những tác phẩm hàng đầu trong toàn bộ phần âm nhạc chính ca viết về cuộc Tổng tấn công này ở khắp miền Nam. Nên “Người Đà Nẵng” là tiếng gọi của con tim Phan Ngọc ngay giữa chiến trường thành phố thì “Đà Nẵng rực lửa chiến công” của Thái Cơ lại là nhịp đập cảm phục của người hậu phương hướng về tiền tuyến. Có một cuộc cộng hưởng tạo ra một tác phẩm ở trên cả âm nhạc và thơ của hai tác giả: Cầm Phong và Lưu Trùng Dương. Từ một bài thơ hừng hực thực tế chiến đấu Mậu Thân của Lưu Trùng Dương, Cầm Phong đã tìm ra được chất rock trong sự phản kháng vĩ đại, quyết liệt của người Đà Nẵng trước đế quốc Mỹ. Bản tráng ca “Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp” là một tác phẩm vạm vỡ về thành phố Đà Nẵng có thể sánh với “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi ở một thời điểm chiến tranh khác. Những đảo phách, biến phách tả về lửa chiến đấu đã mở ra không khí chiến trường. Không chỉ cuồn cuộn như “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời – Hà Nội hồng ầm ầm rung sông Hồng reo – bừng cháy các phố ta đi …” mà là ngọn lửa phần phật của cuộc chiến tranh hiện tại:
Lửa ơi lửa cháy ngút đêm nay Đà Nẵng đứng lên rồi
Cả phố phường hò vui náo nức sóng biển reo hòa cùng khúc hát tự do vang

Lửa ơi lửa cháy ngút đêm nay Đà Nẵng đứng lên rồi
Pháo ơi! Hãy gầm lên nữa gầm lên nữa này pháo ơi ờ ờ …
   Sau những đặc tả chiến đấu, hình tượng lửa lại ngùn ngụt dâng cao một cao trào chất ngất của tâm hồn người Đà Nẵng trong cuộc “Đi đầu diệt Mỹ” hào hùng:
Lửa ờ ớ ơ ờ Lửa ờ ớ ớ ơ
Ôi thuốc súng căm hờn từ lâu nén chặt
Trong lòng ta nay đã vút bay cao
Ôi đã mấy ngàn đêm mối giận hờn thế kỷ chờ mong
Này súng mác gươm dao
Hỡi Ngũ Hành Sơn đang tiến bước
Hỡi sông Hàn đang cuộn sóng
Thái Phiên ơi! Ơi thành phố kiên trung …
   Hình tượng lửa lại khép tráng ca để mở ra một coda để kết tràn trề lãng mạn như mơ:
Ơi cửa biển nhớ thương ơi
Như trái tim ta đêm ngày sóng vỗ
Lửa chiến thắng
Cả Đà Nẵng sôi lên
Giữa những ngày bão táp.
   Trong những ngày Tổng tấn công Mậu Thân 1968, giọng hát Mạnh Hà đã lai láng “Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp” trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam không ngớt. Bản tráng ca đã ngấm vào tâm hồn thế hệ thanh niên thời chống Mỹ thật hào hùng. Rất tiếc, nó đã không được thường xuyên dinh dưỡng trong các thế hệ sau như “Người Hà Nội” nên đến nay, nhiều thanh niên không biết Đà Nẵng mình lại có bài hát hay ngang tầm “Người Hà Nội” mà cứ đi tìm mãi ở một không gian âm nhạc khác mà thành phố chưa tạo ra được ấn tượng mạnh để bật ra giai điệu như Đà Nẵng thời chiến tranh. Chiến tranh hay thanh bình không quan trọng. Miễn là giai điệu hay, đi vào lòng người, chan chứa trong lòng người, thúc giục sâu lòng người như “Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp” là niềm tự hào của người Đà Nẵng như người Hà Nội tự hào có “Người Hà Nội”, người Hải Phòng có “Thành phố Hoa phượng đỏ”, người Huế có “Huế - tình yêu của tôi” … Hy vọng sau khi tuyển tập 60 năm bài hát về Đà Nẵng này ra đời, thanh niên Đà Nẵng sẽ tìm lại cho mình được niềm tự hào đối với tráng ca “Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp” như chính tầm vóc vốn có của nó.
    Cuộc chiến đấu chống Mỹ ở Đà Nẵng nhìn từ một góc độ khác, lại có những giai điệu sinh động đặc sắc mà chẳng thành phố nào có được. Nếu ta đã yêu mến “Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn” của Phạm Minh Tuấn hay “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” của Lư Nhất Vũ thì ta càng mỉm cười ngỡ ngàng khi hát “Cô du kích Đà Nẵng” của Thanh Anh:
Bạn gái bảo em: mi là dũng sĩ
Em chỉ cười chưa biết nói chi
Bạn gái hỏi em diệt bao nhiêu Mỹ
Giữa Đà Thành mà Mỹ - ngụy hoang mang…
Biển Thanh Khê em đã tới
Đường Ngã Năm em đã qua
Về sân bay, chợ Mới, Sơn Trà
Ai biết em là quân du kích
Truyền đơn tung trên đường phố Hùng Vương
Cờ đỏ em treo kìa rực rỡ nắng hồng ...
    Âm hưởng đậm chất dân ca với ca từ chân phác, hồn nhiên, «Cô du kích Đà Nẵng » quả là «rất Đà Nẵng».
Ở Đà Nẵng còn có di tích nhà mẹ Nhu. Mẹ là người mẹ già «giặc đến nhà đàn bà cũng đánh » đã đào bao đường hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ dội, biệt động thành phố. Cuối 1968, cơ sở hầm bị lộ, 3 tiểu đoàn Mỹ - ngụy đến bao vây, khủng bố ác liệt. Mẹ Nhu bị tra tấn dã man rồi bị bắn chết ngay miệng hầm bí mật. Bảy chiến sĩ giải phóng quân đã từ dưới hầm xông lên phản công đánh trả lại Mỹ ngụy, trả thù cho mẹ Nhu, tiêu diệt sinh lực địch. Đà Nẵng có mẹ Nhu như Sài Gòn có bà mẹ Bàn Cờ. Giống nhau mà cũng rất khác nhau ở ứng xử chiến tranh. Bài thơ của Bùi Minh Quốc về mẹ Nhu đã được Hoàng Hiệp thăng hoa thành một ca khúc độc đáo thời chống Mỹ ở Đà Nẵng «Đất quê ta mênh mông»:
Mẹ giấu cả sư đoàn dưới đất
Nơi hầm tối là nơi sáng nhất
Nơi con tìm ra sức mạnh Việt Nam
Có những đoàn quân từ trong lòng đất
Xông lên bạt vía quân thù
Xung quanh chúng đều là trận địa
Đất quê ta mênh mông
Lòng mẹ rộng vô cùng.
   Khi Đà Nẵng được giải phóng trong Đại thắng mùa Xuân vào ngày 29/3/1975, những bài hát trong dịp này về Đà Nẵng cũng hay không kém gì những bài hát dịp Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Bên cạnh “Đà Nẵng ơi! Chúng con đã về” mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sử dụng lại nét nhạc mở đầu bài “Giải phóng quân” khi xưa làm nét nhạc dẫn vào, còn có “Đà Nẵng quê ta giải phóng” rộn ràng của Nguyễn Đức Toàn và “Đà Nẵng kiên cường, chiến thắng vẻ vang” của Thuận Yến - một người con Đà Nẵng tên thật là Đoàn Hữu Công nhưng trong chiến tranh lại hoạt động ở vùng Thừa Thiên- Huế. Mãi đến khi Đà Nẵng giải phóng mới có dịp viết về thành phố mình. Đặc biệt trong chùm bài hát giải phóng Đà Nẵng có “Sông Hàn vang tiếng hát” mà Huy Du thăng hoa từ bài thơ Bùi Minh Quốc viết từ Tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Ta đi giữa đất trời giải phóng
Tà áo trắng tung bay như mùa xuân tỏa nắng
Ánh mắt em thơ in cánh sao vàng bay
Tiếng hát câu ca phơi phới trong lòng ta
Đà Nẵng ơi! Đà Nẵng ơi …
Để dựng lên tầm vóc hai thời kỳ đầu vận hội và chiếm thời gian nửa vận hội (30 năm) những người biên soạn và tuyển chọn đã chọn ra 30 bài hát tiêu biểu cho hai thời kỳ. Thời kỳ cách mạng và phống Pháp: 15 bài. Thời kỳ đấu tranh thống nhất và chống Mỹ: 15 bài. Trong đó, những bài hát thời kỳ đấu tranh thống nhất và chống Mỹ về Đà Nẵng đạt tới đỉnh cao như “Giữ trọn tình quê” của Văn Cận, “Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp” của Cầm Phong (thơ Lưu Trùng Dương) và “Sông Hàn vang tiếng hát” của Huy Du (thơ Bùi Minh Quốc). Bên cạnh đấy là những tầm vóc sáng láng như “Đà Nẵng rực lửa chiến công” của Thái Cơ, “Người Đà Nẵng” của Phan Ngọc, “Cô du kích Đà Nẵng” của Thanh Anh và “Đất quê ta mênh mông” của Hoàng Hiệp (thơ Bùi Minh Quốc). Riêng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – người con gắn bó với Đà Nẵng thì ngoài “Tiếng hát từ Đà Nẵng” có thể kể đến một loạt tác phẩm của ông như: “Quê tôi miền Nam”, “Tình trong lá thiếp”, “Những ánh sao đêm”, “Ra tiền tuyến”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm” … đều rất có giá trị với Đà Nẵng, với cả nước.
   Trong thời kỳ đấu tranh thống nhất và chống Mỹ, để có tính biên niên sử bằng âm nhạc, những người biên soạn và tuyển chọn đã chú ý đến cả những bài hát viết trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Huế - Đà Nẵng – Sài Gòn ngày ấy. Ngoài “Người về thành phố” của Phạm Thế Mỹ làm tiêu biểu, còn có thể nhắc đến những bài hát như thế của tác giả Nguyễn Duy Khoái như “Trong mưa bom mặt trời sẽ đến” hay “Xuống đường, giành mùa xuân” với những khẩu khí âm nhạc thật quyết liệt và thành thực.
    Thời kỳ đầu thanh bình mở ra với những năm vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa khôi phục và bước đầu xây dựng kinh tế. Thành phố Đà Nẵng cũng đã phải nếm trải những ngày đối mặt với cơ chế quan liêu bao cấp đầy khó khăn thử thách, nhưng cũng đầy ấp ủ hy vọng. Những bài hát viết về thành phố thời kỳ này dường như cũng chia sẻ với cuộc sống những ưu tư kia trên từng giai điệu. Vẫn là dòng sông Hàn chảy giữa thành phố từ bao đời. Nhưng sông Hàn thời chống Pháp lại có âm vang của sóng khác với âm vang sông Hàn thời chống Mỹ và đến thời kỳ đầu thanh bình, âm vang ấy còn trở trăn khác nữa. Nếu xưa kia “Về bên sông Hàn” của Võ Đăng Minh và “Làn sóng mơ” của Vũ Hùng dập dờn bao nhiêu, rồi sông Hàn trong giai điệu Cầm Phong hay Huy Du dội trào bao nhiêu, thì giờ đây, sông Hàn ở Tân Huyền đã được ngẫm nghĩ bấy nhiêu:
Sông Hàn yêu thương
Nắng đã lên rực rỡ lạ thường…
Sông Hàn yêu thương
Còi tàu âm vang tiễn bạn lên đường…
Em lại ra đi từ dòng sông Hàn …
   Sông Hàn lại chảy trong giai điệu Hoàng Vân với “Xin mời người đến thăm nơi đây” viết vào đúng năm 1978 thắt ngặt của đất nước. Vậy mà Hoàng Vân vẫn đầy tin tưởng:
Đà Nẵng đây
Thành phố mới lớn lên từng ngày
Từng đường phố
Từng bến sông
Từng hòn đá
Từng gốc cây
Với bao nhiêu tình thương mến …
   Sông Hàn lại chảy trong giai điệu Trương Quang Lục – Trương Đình Quang qua “Gửi Đà Nẵng” viết năm 1979: “Sông Hàn êm trôi rộn rịp bóng thuyền cánh buồm ngược xuôi … sông Hàn xanh càng thắm” và chợt trẻ thơ, tung tăng trong giai điệu Phạm Tuyên và Trương Xuân Mẫn. Đấy là: “Dòng sông Hàn lên tiếng ca – chào mùa xuân đã về trên đất Quảng quê ta” (Trương Xuân Mẫn – “Mùa xuân Đà Nẵng”) hay “Nắng lấp lánh trên dòng sông Hàn – Thành phố em xinh đẹp vô vàn …” (Phạm Tuyên – “Khăn quàng đỏ bên sông Hàn”).
    Hình như lúc thanh bình, con người bắt đầu có thời gian nhiều hơn để vừa sống, vừa nhận ra vẻ đẹp của thành phố mình. Ở Ngô Quốc Tính, Đà Nẵng được giai duyên thành “Đà Nẵng của đôi ta”, mà khi bên nhau trong đêm mùa thu bên sông Hàn, họ đã thấy:
Đà Nẵng! Đà Nẵng!
Ngôi sao, ngôi sao của miền Trung
Lấp lánh lấp lánh bờ biển Đông
   Với Thuận Yến thì “Đà Nẵng trong tôi” được nhận ra như một ngọn lửa cháy bên “Sông Hàn sóng vỗ khúc dân ca, một ngọn lửa chân thành của con tim:
Đà Nẵng thành khúc tình ca
Đà Nẵng thành ngọn lửa cháy
Lửa cháy trong tim tôi
Xanh thắm mãi lòng tôi
     Ngay từ 1985, một người tuyển chọn và biên soạn tập bài hát này cũng đã thật tự nhiên mà thốt lên giai điệu “Đà nẵng - Thành phố lên cao”, vì hình như cũng cảm nhận rằng ở thành phố giữa đất nước này, có vị thế không thể mãi mãi nhỏ bé và nghèo nàn được:
Thành phố đang lên cao
Giữa nắng in bóng xuống sông Hàn
Mọi miền đất nước
Có Đà Nẵng trong hình dáng mỗi tòa cao
Và ngoài khơi xa
Đoàn tàu ra đi
Là Đà Nẵng giữa đại dương vươn tới …
          Và nhịp bước của Đà Nẵng cuối thời kỳ đầy nhạy cảm này đã tạo ra nhịp hành khúc mới của thành phố. Một nhịp hành khúc như hồi xuân của thời gian:
Viền sóng biếc tỏa về nơi đâu
Làn gió mát dập dềnh trên sông phượng đỏ
          Nhạc sĩ Trần Hinh và nhà thơ Thanh Thảo đã bắt gặp nhịp bước này như trong giấc mơ trẻ thơ:
Cháy mặt trời lấp ló
Gối bến lơ mơ
Những con tàu như trẻ thơ…
Tầm vóc mới nơi nơi tươi mãi
Từ con tàu người bốc vác với dòng sông.
          Dòng sông Hàn lại quành về giai điệu Vĩnh An thật dịu dàng bất ngờ: “con sông Hàn quê em chảy dài ra biển lớn – Nơi đảo xa anh đứng có con sóng vỗ về bờ - mang âm điệu dân ca – ngọt ngào của quê mẹ”, “Có phải không anh” là tâm tình của Vĩnh An với những người dân người lính nơi đảo xa thuộc thành phố Đà Nẵng với quan niệm thật gần gũi:
Có phải không anh
Đảo xa mà không xa
Anh mãi là con sóng
Sóng chao về đất liền
   Giai điệu Vĩnh An cũng đã khép lại một thập niên thời kỳ đầu thành hình trong tuyển tập này.
    Những bài hát được tuyển chọn trong phần thời kỳ mở cửa và đổi mới được cấu trúc với nhau tạo thành một bức tranh âm thanh đầy màu sắc, tiết tấu tượng hình lên một Đà Nẵng trẻ trung, đổi sắc thay da đến không ngờ, mà giờ đây đang hiển hiện như một sự thực đầy huyền thoại. Có cảm giác từ trên máy bay đang hạ dần độ cao để dần dà nhìn rõ Tiên Sa, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn … rồi đến cây cầu treo bắc ngang sông Hàn khi hát lên giai điệu “Bay giữa quê nhà” của Từ Huy:
Tôi bay lơ lửng qua Sơn Trà
Bay qua Bà Nà là đà níu mây
Gió cuốn lên cho tình căng đầy
Đà Nẵng cũng bay trong lòng tôi say.
          Nhận ra ở sự đổi mới này những giai điệu của những nhạc sĩ đàn anh mà người bền bỉ nhất là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Trong rất nhiều bài hát viết về Đà Nẵng thời thanh bình đều rất hay thì “Về với sông Hàn” đã cho ta cảm giác như Phan Huỳnh Điểu đang muốn đọng lại trong người nghe một cái gì đó về thành phố quê hương đã được chiêm nghiệm tới mức thanh lọc như cách Xê-lô Ê-vích-xê-đôi đến Mát-xcơ-va bằng “Chiều ngoại ô Mát-x cơ-va”. Trần Hoàn và Trần Hồng cũng trải lòng mình trong “Chiều Đà Nẵng” và “Ngũ Hành Sơn quê tôi”. Phan Ngọc và Thanh Anh đã ghi dấu ấn thời kỳ đấu tranh thống nhất và chống Mỹ thì giờ đây cũng tự đổi mới mình trong luồng gió trẻ hóa của thành phố. Với Phan Ngọc là “Chuyện tình Tiên Sa”. Với Thanh Anh là“Đà Nẵng – thành phố tôi yêu” – một tựa đề mà những người tuyển chọn và biên tập soạn tập bài hát 60 năm thành phố Đà Nẵng này đã chọn làm tựa đề của toàn tập.
   Trong khi Trọng Bằng đang thả hồn theo “Bà Nà mây bay” thì Hoàng Vân đột ngột nhói lên một nỗi nhớ“Nhớ Hoàng Sa”. Hoàng Sa là một quần đảo của Việt Nam đã từng được cha ông gọi là “bãi cát vàng”. Từ tháng 1/1997, quần đảo Hoàng Sa trở thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng. Tình cảm của Hoàng Vân trong nỗi nhớ này thật đáng trân trọng:
Nhớ Hoàng Sa không chỉ là nỗi nhớ
Một khoảng trời Tổ quốc một vùng biển quê hương
Nhớ Hoàng Sa như một vết đau nhức nhói
Một vết thương chảy máu chưa cầm.
Như đứa con xa sẽ trở về với mẹ
Bãi san hô và ghềnh đá Hoàng Sa
Sẽ trở về đất tổ quê cha
Tôi sẽ về Hoàng Sa cho ngày vui trọn vẹn
Tôi sẽ về Hoàng Sa như tình yêu đã hẹn
     Suốt một vận hội 60 năm hát về thành phố Đà Nẵng, có một điều thú vị đặc biệt là giữa các nam nhạc sĩ, có duy nhất một nữ nhạc sĩ. Đó là nghệ sĩ nhân dân Tường Vy. Ngay từ những ngày ở miền Bắc tập kết, Tường Vy đã từng đoạt giải thưởng sáng tác bài hát như “Quê hương anh là biển cả”, “Theo ngôi sao sáng” và đã có một bài hát rất hay về không quân – “Phi đội ta xuất kích”. Trong tuyển tập này, Tường Vy xuất hiện với bài hát “Tâm tình với biển” phổ thơ Vũ Kim Thông. Người con gái của Đà Nẵng, người nữ nhạc sĩ của quê hương đã biết bao xúc cảm khi hát lên những tâm tình về thành phố biển của mình:
Anh đi bên em giữa ngư trường
Chiều nay biển lặng gió đưa hương
Kìa làn tóc trắng bay trong nắng
Biển với lòng người tựa đại dương…
Nhìn về Sơn Trà nắng tung tăng …
     Sông Hàn chợt trẻ lại đến kỳ lạ bởi những bút pháp trẻ trung hào hoa của Vũ Đức Sao Biển, An Thuyên và đặc biệt là Minh Khang. Ông thày dạy sáng tác của Nhạc viện Hà Nội này đã vớ được của quý. Đấy là bài thơ“Sông Hàn tuổi mười tám” của Bùi Công Minh. Sau “Hành khúc ngày và đêm” do Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc,“Trên những tuyến đường quan họ” do Đoàn Nhương phổ nhạc, thì lần này, thơ Bùi Công Minh lại được cất cánh bởi giai điệu của Minh Khang:
Ta có một sông Hàn mười tám tuổi
Như em sáng nay duyên dáng áo học trò
Sông mở cửa đưa cánh buồm theo gió
Sóng mang hồn thành phố đến khơi xa
Rồi một ngày nhịp cầu mới bắc qua
Đường Bạch Đằng sóng đôi cùng sông Hàn tình tự
Những ngôi nhà vút cao bên dòng sông tư lự
Ta vẫn muốn trong mình một sông Hàn mười tám tuổi thơ ngây …
          Điều đặc biệt cần nói về bức tranh âm thanh này là về những nhạc sĩ trưởng thành từ Đà Nẵng sau mùa xuân đại thắng 1975. Suốt 30 năm, cùng sự lớn dậy của thành phố, các anh đã tự tu nghiệp ngoài những năm tháng tu nghiệp ở trường, để có thể tự tìm ra bút pháp riêng của mình khi viết về thành phố mình. Các anh đã tạo ra một không gian âm nhạc rất riêng của Đà Nẵng mà nếu không có không gian ấy, bức tranh toàn cảnh này sẽ rất hạn hẹp và thiếu hơi thở hừng hực của miền đất này. Đấy là “Đà Nẵng trong tôi” của Thái Nghĩa, “Thành phố đầu biển cuối sông” của Minh Đức (thơ Nguyễn Văn Soong), “Nhịp điệu thành phố” của Trần Ái Nghĩa, “Đà Nẵng tình người” của Đình Thậm (thơ Ngân Vịnh), “Đà Nẵng câu hát thời gian” của Nguyễn Duy Khoái, “Đà Nẵng – thành phố tuổi thơ tôi” của Trương Duy Huyến và “Đà Nẵng thành phố tuổi thơ tôi” của Hoàng Dũng … Diện mạo của tuyển tập bài hát 60 năm thành phố Đà Nẵng này còn có thêm nét chấm phá của một người Đà Nẵng xa xứ (hiện cư trú tại Canada) là nhạc sĩ Lâm Hoàng với “Đà Nẵng quê tôi” như một gợi mở cho tương lai của những tuyển tập sau.
     Nhìn lại toàn bộ tuyển tập, thấy đứng lên vững chãi một hồn cốt bài hát thành phố Đà Nẵng qua một vận đội đầy giông gió và biến động. Một hồn cốt mà không phải địa phương nào, thành phố nào cũng có được. Đấy là điều đáng mừng do chính thành phách xứ sở này tạo nên.
    Đà Nẵng đang trên đường phát triển ở thế kỷ mới. Một sự phát triển nhảy vọt khiến ta luôn bất ngờ và rưng rưng cảm kích. Hơn thành phố nào hết, thành phố Đà Nẵng muốn có bài hát hay về thành phố mình mang tầm cỡ như “Người Hà Nội”, “Thành phố hoa phượng đỏ” … Thiết nghĩ, muốn có cái mới hay và thu phục lòng người thì rất cần tới sự tôn vinh những cái cũ đã hay mà ta còn xao lãng, chưa lắng lại để cảm nhận. Bên cạnh đấy cũng phải chiêu hiền đãi sĩ ở bốn phương trời hội tụ về Đà Nẵng để viết những Đà Nẵng ca. Trong nhiều năm nay, có rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Trần Tiến, Nguyễn Cường, Vũ Thiết, Đỗ Hồng Quân, Quỳnh Hợp … đã đến Đà Nẵng và đã để lại rất nhiều giai điệu đẹp cho Đà Nẵng hôm nay. Ngay trong thành phố cũng có những cuộc vận động sáng tác được hưởng ứng khá nhiệt tình. Đầu tháng 9.2011, với ý nghĩa chào mừng “Ngày âm nhạc Việt Nam 2011”, Hội âm nhạc Đà Nẵng đã mở trại sáng tác âm nhạc Đà Nẵng. Đã có 77 ca khúc của hội viên và nhiều nhạc sĩ khắp nơi gởi về hưởng ứng trại. Xem ra, khát vọng về một “Đà Nẵng ca” ngày càng chín hơn và sôi sục hơn trong làng nhạc Đà Nẵng nói riêng và nhạc sĩ sáng tác nói chung. Và điều đó được nhận ra ngay trong các tác phẩm.
          Lão tướng Thanh Anh từng rất nổi tiếng với “Cô du kích Đà Nẵng” thời chống Mỹ, giờ với phong độ ấy thêm chất ngẫm nghĩ của tuổi già, đã đưa âm hưởng dân ca xứ Quảng vào “Về thăm thành phố quê hương” (thơ Vạn Lộc) rất tinh tế và ngọt ngào. Vẫn cách như thế với “Dòng sông tôi yêu” tác giả Trần Bình với nhịp điệu trẻ trung trong “Đà Nẵng yêu thương”. Nhịp điệu trẻ trung, chất ngất trong “Biển phố tình yêu” của tác giả Trưỡng Sỹ Linh, trong “Đà Nẵng bên em” và “Nhớ anh” (thơ Vạn Lộc) của Thái Phá. Ông bạn già “Tám xòa” của tôi – tác giả Nguyễn Văn Tám lúc nào cũng hồn nhiên như thuở thanh xuân đưa ra bộ tứ bình “Đà Nẵng, nơi tôi về”, “Dòng sông tuổi thơ”, “Thành phố bên sông Hàn”, “Chiều cửa biển” đầy trữ tình và lãng mạn. Tác giả Trịnh Tuấn Khanh lại tự sự sâu lắng, da diết trong “Ký ức vùng ven”. Tác giả Trần Ái Nghĩa vẫn mạnh mẽ, sôi động trong “Hải Châu viên ngọc biển” và dịu dàng Boléro trong “Lời yêu trên đỉnh Bà Nà”. “Bến đợi” của tác giả Nguyễn Thanh Tố phổ thơ Trần Nhật Tân tuy không có chữ Đà Nẵng nào trong ca từ nhưng vẫn gợi ra những bến bờ Đà Nẵng và ca khúc “Thành phố biển xanh và cát trắng” cũng chỉ có từ Đà Nẵng ở câu kết cuối cùng. Tác giả Phương Tài với giọng ca trầm ấm hình như viết “Khúc hát tâm tình” và “Liên Chiểu quê tôi” là để dành cho chính mình suy tư và ngẫm ngợi. Tác giả Trần Phước Khiêm cũng đầy tâm trạng trong “Hoa nở bên dòng sông”, “Như chưa hề có cuộc chia ly” (thơ Việt An). Tác giả Minh Đức tinh tế trong thơ Thuận Hữu để viết ra “Thành phố và em”. Điệu thức chủ La thứ luôn luôn muốn cựa quậy sang Đô trưởng. Tác giả Nguyễn Bá Sĩ thổ lộ chân thành, nhẹ nhàng trong nhịp 3/8 ở “Hãy hát về thành phố tôi”. Tác giả Phan Thanh Trường có vẻ là một “fan” cứng của nhạc Trịnh trong “Bên tượng đài người mẹ”. Tác giả Phạm Quang Trung đưa ta trở về với ký ức hào hùng ngày giải phóng qua “Chào mừng Đà Nẵng ngày quê hưởng giải phóng” (thơ Trường Sơn). Nữ tác giả Nguyễn Thị Thanh Hiền có vẻ vẫn chưa muốn rời bỏ cấu trúc ca khúc Pháp từ xửa xưa trong “Sông Hàn khúc hát mùa xuân”. Cũng là sự thổ lộ đáng trân trọng bằng hơi thở Boléro “Đà Nẵng sông Hàn bến mơ” như một tâm sự dài không cần cao trào. Tác giả Mai Danh tỏ ra rất vui mừng trước ngày hội bắn pháo hoa Đà Nẵng qua “Mang tình yêu Đà Nẵng đến muôn người”. Tác giả Mạnh Hùng mong muốn vươn tới một tác phẩm hoành tráng về sông Hàn qua “Sử thi sông Hàn”. Tác giả Trịnh Mạnh Hùng tỏ ra đa dạng trong bộ ba “Một thời để nhớ” (thơ Phùng Ngọc), “Trường Sa sóng hát”, “Lời nguyền” (thơ Thuận Tĩnh). Tác giả Hướng Dương nhìn chữ viết có lẽ là con gái vì tư duy rất thanh thoát, vấn đề rất giản dị trong “Dịu dàng con phố xanh”, “Chợt nhớ” (thơ Lê Huy Hạnh), “Lửa cho con” (thơ Văn Luân), “Đà Nẵng trong tôi” (thơ Võ Đức Hưng), “Về nghe mẹ hát” (thơ Văn Luân). Cũng lạ khi tác giả Trương Xuân Hùng định nghĩa lại Đà Nẵng qua “Thành phố hoa” (thường dùng cho Đà Lạt) và đầy thiết tha qua “Thu về trên sông Hàn”, “Nối nhịp cầu mơ”. Tác giả Trương Duy Huyến vẫn chung thủy với những giai điệu thiếu nhi qua“Vũ khúc dưới trăng”, “Non nước vào thu”.
Tác giả Phạm Quang Thức chợt có bước lùi quãng bảy rất lạ trong“Bài ca Đà Nẵng” (thơ Thùy Nga – Phạm Quang Thức). Tác giả Nguyễn Đức vẫn đầy hồ hởi, mới mẻ trong“Thành phố bên bờ biển xanh”. Tác giả Nguyễn Duy Khoái đầy tự tin trong “Thành phố niềm tin”. Tác giả Huỳnh Ngọc Hải hình như đã tìm được sự dùng dằng trên đường Đà Nẵng bởi những biến phách đuôi ô nhịp 4/4 qua“Bài thơ Đà Nẵng”. Tác giả Đỗ Xuân Đồng – cán bộ Ngân hàng Công thương mê văn nghệ, cũng gửi lòng mình vào giai điệu qua “Chiều về trên sông Hàn”, “Đêm hoa đăng, Đà Nẵng gọi ta về”. Tác giả Kim Hùng cũng trút xúc động và “ngũ tử” tác phẩm “Đà Nẵng quê anh” nhịp slow-rock điệu thức si trưởng (5 dấu # ở hóa biểu), “Về thăm Đà Nẵng”, “Mãi là mùa xuân”, “Nét xưa” ở điệu thức rê giáng trưởng (5 dấu b ở hóa biểu) và dễ thương với “Mùa pháo hoa kỷ niệm” chép tay bản thảo rất ngộ. Tác giả Cao Tâm mộc mạc trong “Thương lắm Đà Nẵng yên bình”(thơ Lê Thanh Minh). Cũng mộc mạc không kém, tác giả Trương Công Ảnh ở công ty điện lạnh khu công nghiệp Hòa Khánh với “Đà Nẵng xưa và nay”, “Trường Định – khúc ru hời”, “Biển hát mãi lời ru của mẹ”. Tác giả Phạm Anh Cường gửi tâm hồn qua “Chuyến phà dĩ vãng”, “Thành phố hạnh phúc”. Cặp bài trùng Đình Thậm và Ngân Vịnh lần này lại thẩm thấu Đà Nẵng bằng nỗi nhớ qua “Nhớ Đà Nẵng” với tiết nhịp bossanova uyển chuyển. Thực ra, “Hát cùng dòng sông” của Trương Quang Thành cũng chỉ là ca khúc hai đoạn đơn, nhưng tác giả rất linh động đã khoác cho nó chiếc áo hợp xướng bởi lòng nhiệt tình với thành phố của mình. Khác với Trương Quang Thành, bậc thày Phan Ngọc lại gọi “Tình yêu Hoàng Sa” của mình là một trường ca với ba phần “Tình yêu Hoàng Sa”, “Ra khơi”, “Cát vang”. Các phần đều chung điệu thức la thứ, đều viết ở thể hai đoạn đơn nhưng sử dụng bè, các thủ pháp hát đuổi, hát nổi các giọng nam nữ. Có thể gọi “Tình yêu Hoàng Sa” là một liên ca khúc mang hình thức hợp xướng được chăng? Tác giả Xuân Minh lâu nay đã được biết đến với những giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam. Trong lần dự trại này, Xuân Minh muốn mang tới một cảm nhận mới về Đà Nẵng qua “Nhịp sống thành phố”. Nhịp sống này được nhấn bằng những biến phách thường xuyên, hình như để gửi gắm một sức sống chưa biết dừng lại của Đà Nẵng. Sự tươi vui của Đà Nẵng mới qua những tươi vui khác lạ. Tác giả Thái Nghĩa, mặc dù rất bận bịu với công tác phong trào và các hoạt động âm nhạc khác của Hội âm nhạc Đà Nẵng, vẫn phối hợp với nhà thơ Lê Thị Thu Sinh để có bài hát bất chợt “Cảm tác ngũ hành sơn”, một địa danh nổi tiếng với thắng cảnh và chiến tích, đã và đang được thành phố Đà Nẵng quy hoạch thành khu du lịch tâm linh.
     Trại sáng tác Đà Nẵng còn nhận thêm được những tác phẩm của các tác giả ngoại tỉnh, nhiệt tình gửi về góp lửa. Tác giả Lê Anh của Huế thật lạ trong thiết tấu ở “Bài thơ trên cao” (thơ Nguyễn Ngọc Hanh). Tác giả Huỳnh Tú Mỹ ngoại bát tuần ở Hội An lại rất trẻ khi đưa ra “Đà Nẵng khúc hoan ca” bằng tiết điệu cha cha cha. Cũng thế, tác giả Phan Văn Minh ở Thăng Bình (Quảng Nam) lại qua “Thành phố những cánh diều”. Tác giả Hoàng Bích tuy đã về công tác với Quảng Nam những vẫn thủy chung tình nghĩa giữa Quảng Nam – Đà Nẵng với bài “Quảng Nam – Đà Nẵng một khúc ca” và nghĩ về một Đà Nẵng là nghĩ đến sự tươi tắn, năng động, thân thiện qua bài “Đà Nẵng thành phố triệu nụ cười” giống như một câu thơ: “Em nắng gió trong phiêu lãng của ta- Nếu nụ cười có thể tách được ra- Ta sẽ đền em triệu bông hồng thắm- Nhưng em và Đà Nẵng- Sẽ ra sao khi thiếu nụ cười”, tên bài hát này có thể lấy làm tên của tuyển tập bài hát về Đà Nẵng hôm nay. Tác giả Trần Hồng tuy ở Đà Nẵng nhưng quê ở Quảng Ngãi và một nửa tác phẩm “Trăng hoa biển” là thơ của Thanh Thảo – nhà thơ ở Quảng Ngãi, có lẽ cũng nên tặng thêm Quảng Ngãi một xuất góp lửa cho vui cùng “Đà Nẵng – xưa và nay” của Nguyễn Hoàng và “Bà Nà nhớ”, “Đà Nẵng thành phố biển quê hương” cũng là các tác giả Quảng Ngãi. Tố Hải Nha Trang cũng góp lửa qua “Tình ca gửi sông Hàn” (thơ Nguyễn Nhã Tiên), “Thành phố ước mơ xanh”, “Đà Nẵng một tình ca”. Tác giả Bùi Nguyên Lâm thành phố Hồ Chí Minh cũng nhiệt tình góp lửa qua “Lung linh sắc hoa”, “Thành phố muôn sắc hoa”, “Biển xanh yêu thương”. Tác giả Vũ Viết Đắc ở văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cũng qua thơ Nguyễn Đức Hiền mà gửi gắm vào “Gửi thành phố sông Hàn”. Tác phẩm viết ở điệu thức đô trưởng xuống quá trầm (nốt mì ngoài dòng kẻ). Có thể tăng lên điệu thức mi giáng trưởng thì sẽ hợp cho giọng hát hơn. Hà Nội cũng có hai tác giả góp lửa là Nguyễn Hằng Giang – chắc là nữ tác giả, qua “Đà Nẵng quê hương tôi” và Vũ Thiết với “Nồng say Đà Nẵng”, “Đà Nẵng của tôi” đều rất say sưa và kỹ lưỡng.
    Bằng nhiệt huyết với Đà Nẵng, bằng khát vọng về một “Đà Nẵng ca”, các tác giả đã cho thấy sự nỗ lực lao động nghệ thuật của mình qua từng tác phẩm. Ở đâu cũng thấy những cảm xúc dễ thương.
     Đối với riêng tôi, Đà Nẵng đã đi vào tâm tưởng từ thời chiến tranh khi công tác ở chiến trường khu V. Nhưng phải đến sau giải phóng mười năm, năm 1985 khi mục kích những mầm mống phát triển của Đà Nẵng, tôi mới có thể viết được một ca khúc đầu tiên về Đà Nẵng mang tên “Đà Nẵng – thành phố lên cao” với một nhịp điệu trẻ trung, sôi nổi. Trong sự đổi sắc thay da của Đà Nẵng thế kỷ mới, năm 2005, tôi viết tiếp một ca khúc thứ hai về Đà Nẵng mang tên “Người Đà Nẵng”. Ca khúc đã được ca sĩ Minh Huyền – người Đà Nẵng – thể hiện và được đưa vào CD “Miền yêu dấu” của tôi ra mắt vào cuối năm 2009. Mùa thu 2012, tôi lại trở về Đà Nẵng, trong suốt một tuần thăm thú, nghiền ngẫm về sự phát triển của thành phố, tôi đã viết được ca khúc thứ ba “Lung linh đêm Đà Nẵng”, với sự thể hiện đầu tiên bằng phần đệm guitar và giọng hát của ca sĩ - nhạc sĩ Đình Thậm.
Trên con đường đi tìm “Đà Nẵng ca”. Có thể vẫn phải dùng chiến lược ba mũi giáp công: đặt hàng, lập trại, khai thác tự nhiên. Nhưng “lòng thành cảm kích trời đất”. Biết đâu vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng, lại có một “Đà Nẵng ca” xuất hiện nghiêng ngửa chẳng kém gì “Hà Nội ca”, “Hải Phòng ca”, “Sài Gòn ca” … Hãy vừa sáng tạo, vừa hy vọng.

Đà Nẵng Tình Người


Nghe
Tải về
Đà Nẵng ơi chúng con đã về
Sáng tác: Phan Huỳnh Điểu
Trình bày: Diệu Linh + Đức Chung

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi
Sáng tác: Nguyễn Đức Toàn
Trình bày: Kim Tiến

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Chiều Đà Nẵng
Sáng tác: Trần Hoàn
Trình bày: Thanh Hằng

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Thành phố Mùa Xuân về
Sáng tác: Trung Ngọc
Trình bày: Quỳnh Hoa

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Nhịp điệu thành phố
Sáng tác: Trần Ái Nghĩa
Trình bày: Sao Mai

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Khát Vọng sông Hàn
Sáng tác: Cát Vận
Trình bày: Minh Thúy

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Thao Thức
Sáng tác: Quang Trung
Trình bày: Thanh Trà

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Gió mặn
Sáng tác: Nguyễn Đức
Trình bày: Quang Trung

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Chuyện tình tiên sa
Sáng tác: Phan Ngọc
Trình bày: Tùng Dương

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Đà Nẵng thành phố tôi yêu
Sáng tác: Thanh Anh
Trình bày: Ánh Phượng

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Đà Nẵng Tình Người
Nhạc: Đình Thậm - Lời: Ngân Vịnh
Trình bày: Thanh Hiền

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Sông Hàn tuổi mười tám
Nhạc: Minh Khanh - Thơ: Bùi Công Minh
Trình bày: Lan Anh

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Thành phố đầu biển, cuối sông
Nhạc: Minh đức - Thơ: Nguyễn Văn Soong
Trình bày: Tố Nga- Tốp nữ

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Thành phố tuổi thơ tôi
Sáng tác: Hoàng Dũng
Trình bày: Trọng Tấn

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Về với sông Hàn
Nhạc : Phan Huỳnh Điểu - Thơ: Nghiêm Thị Hằng
Trình bày: Tố Nga

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Sông Hàn vang tiếng hát
Sáng tác : Huy Du
Trình bày: Hợp Ca

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Sông Hàn cầu nối bờ vui
Sáng tác: Mạnh Hùng
Trình bày: Hà Bắc

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Dịu dàng bóng dáng sông Hàn
Sáng tác: Trần Hữu Pháp
Trình bày: Q Thuận & Công Lý

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Đà Nẵng Tình yêu và nỗi nhớ
Sáng tác: Trần Ngọc Sanh
Trình bày:Hà Bắc

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Huyền thoại Ngũ Hành Sơn
Sáng tác: Vũ Đức Sao Biển
Trình bày: Bích Phượng

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Xôn xao sông Hàn
Sáng tác: Hoàng Sông Hương
Trình bày: Thanh Hoa

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Đà Nẵng của đôi ta
Sáng tác: Ngô Quốc Tính
Trình bày: Kim Tuấn

http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoPlay.gif
http://www.drt.danang.vn/Portals/0/Images/Ico/icoDownload.gif

Nguyễn Thụy Kha
Theo http://www.danang.gov.vn/


1 nhận xét:

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...