Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Vĩnh Hy, Bình Tiên và con đường mới ven biển

Vĩnh Hy, Bình Tiên và con đường mới ven biển
Một ngày mới bắt đầu, khi bầy chim biển ríu rít sà xuống phía cầu tàu và Mặt Trời nhô lên từ ngực biển cùng với gió ru êm bản tình ca thiên nhiên, khiến du khách phải thốt lên: “Vĩnh Hy là một giấc mơ hoang dã…”
Cây cầu nhỏ vắt ra nhoi Vịnh nếu đứng từ trên con đèo khúc khuỷu của núi Chúa nhìn xuống thì nó là dấu gạch nối lạc lõng giữa hai mũi vịnh hẹp. Cũng từ điểm nhìn ấy, vịnh Vĩnh Hy như một mặt hồ phẳng lặng êm ả phản chiếu mây trời. Xa xa có những mái nhà thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện và ít ai biết rằng tại nơi có khung cảnh lãng mạn này mấy trăm hộ dân đang sống chung với Vịnh trong tình trạng thừa nước mặn thiếu nước ngọt. Cả vùng chỉ có một con suối nước ngọt chảy về từ Núi Chúa mà người ta hay gọi là suối Lồ Ồ.
Suối Lồ Ồ là điểm đến thú vị cho những ngày cuối tuần nhất là những gia đình sau một tuần làm việc vất vả nơi tấp nập xe cộ ở phố xá với những bộn bề của cuộc sống. Con suối dễ dàng chinh phục bước chân lữ khách bằng tiếng chảy róc rách, bóng mát của tán rừng, làn gió mát căng chứa đầy hơi nước đã xua  tan cái nắng Phan Rang. Những tảng đá dọc con suối bỗng thành những chiếc ghế đá tiện lợi cho du khách tùy ý ngã lưng sau một hành trình dài, một du khách tinh nghịch đã tìm được một cái võng lí tưởng bằng những dây leo bên suối. Người Răglai ở đây coi con suối là mạch sống của họ, đến mùa hạn trên con đường dài xuyên rừng vẫn thấy những bóng người đàn ông Raglai đi gùi nước về palei (làng).
Lần này đi chúng tôi không rẽ xuống con đường ra vịnh mà đi thẳng theo con đường mới dọc biển để đến với Bình Tiên, con đường mới uốn lượn giữa núi rừng hoang vu như đưa bạn vào thế giới của chuyện cổ tích. Đi trên con đường này bạn sẽ ngạc nhiên về một Bình Tiên thơ mộng e ấp nép mình bên núi non trùng trùng điệp điệp.
Con đường mới dọc biển mang lại cho bạn một cảm nhận trọn vẹn về vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây, thu vào tầm mắt chúng tôi là một tuyệt tác kỳ diệu của tạo hóa, này nhé kia là mô hình thu nhỏ cong cong hình chữ S quen thuộc hay hình ảnh mô phỏng đèo Hải Vân và vịnh Lăng Cô được tạo ra theo những đường cong của dãy núi và những eo vịnh ngay dưới kia, khiến cho chúng tôi phải ồ lên thích thú. Nhìn khung cảnh nơi đây khiến tôi hồi tưởng lại những lần ít ỏi về quê được đi xe leo lên trên đèo Hải Vân, thú vị nhất khi xe ở lưng chừng đèo cũng giống như cảm giác của tôi lúc này vậy, quay đầu nhìn lại mỗi khi đi qua những nơi có khung cảnh tuyệt vời như thế này để được nhìn lại những con đường xếp lớp lớp phía sau, phía trên và phía dưới rồi mãi miết lướt theo những sườn núi thoai thoải từ trên cao xuống tới tận bãi cát trắng mịn không dấu chân người và chạm vào làn nước xanh trong dưới kia.
Có điều ở Đèo Hải Vân và vịnh Lăng Cô tôi ấn tượng với hệ thống dây leo lá to, bao trùm lên những thân cây mà tới mùa hè những bông hoa màu trắng hoặc màu vàng đua nhau nở rực cả một dải kéo dài từ đỉnh đèo tới chân đèo. Còn tại vùng nắng gió này thì những thân cây không cao dóng lên, lá thường nép vào bên trong đất liền để thân trắng giơ ra trước vịnh hứng lấy gió biển tạo nên một nét đáng yêu rất riêng.
Thân cây giơ xương trắng ra ngoài như thế đó nhưng nhìn cả dãy núi lại hết sức mềm mại uyển chuyển đến lạ thường bởi những sóng vân màu xanh, trắng của cây cối. Làn nước trong xanh có thể nhìn thấy những hòn đá nhỏ và cát dưới lớp nước được điểm tô bởi những nhánh xương rồng đang trổ hoa càng làm tăng thêm nét hoang sơ, vẹn nguyên hấp dẫn lạ kỳ.
Đoàn dừng lại ở bãi Kinh, đứng bên bờ nhìn qua bên kia là những ốc đảo nhỏ, tôi rất ngạc nhiên khi biết đến sự tồn tại của ngôi làng mang tên Bình Hưng, ngôi làng không lớn lắm, những ngôi nhà nhỏ nhưng khang trang với khoảng vài chục hộ dân đang sinh sống, hệ thống điện, nước được kéo từ trên đường mới nơi chúng tôi đang đi băng qua tận đảo có ngôi làng nhỏ ấy, nhìn mới hoành tráng làm sao.
Chính giữa làng có con đường rất lớn mọc ngay giữa làng, nhìn từ xa tới trông giống một dải lụa được buông hững hờ từ trên đỉnh núi xuống. “Con đường đó dẫn tới đâu và nó đi đâu nhĩ?” tôi đã tìm một người sống ở đó để hỏi và nhận được một câu trả lời vô cùng thú vị: “Con đường đó được xây dựng để lên đỉnh núi ngắm cảnh đấy”.
Thử tưởng tượng xem nếu lên được đỉnh núi nhìn xuống thì ngôi làng nhỏ kia sẽ như thế nào? cả bãi Kinh này nữa trông giống cái gì và những vằn sọc màu xanh trắng trên dọc sườn núi, khi được thu nhỏ liệu có giống những cái vân trên các cánh của bông hoa màu xanh không?
Thật đáng tiếc khi tôi không có cơ hội để kiểm nghiệm những điều đó. Bởi vì khi thuyền cập bến một hòn đảo nhỏ cạnh đó cách bờ không xa lắm tôi đã bị San hô và những chú cá nhỏ đủ màu sắc đủ các loài quyến rũ, chúng mới tuyệt làm sao, những chú cá bạo dạn bơi quanh khi tôi lặn xuống ngắm những dãi san hô muôn màu sắc. Tôi reo lên một cách thích thú và gọi những người di cùng tới xem khi nhìn thấy cái đầu ngộ nghĩnh của chú rắn biển đang trườn từ từ bên những tảng san hô màu tím, ban đầu tôi cũng hơi ngại không dám bơi gần cho tới khi anh hướng dẫn sống tại nơi đó cho biết đó là một loại rắn biển rất hiền.
Khi ngoi lên khỏi mặt nước tôi bắt gặp những chú cá nhỏ tinh nghịch tranh thủ nhảy vọt lên khỏi mặt nước đùa nghịch, ban đầu tôi lầm tưởng là những chú tôm nhỏ đang bật trên mặt nước ấy chứ, tuyệt thật! Tất cả mọi thứ ở đây đã khiến tôi quên cả cái nắng giữa ban trưa, quên mất việc tôi dự định rằng sẽ leo lên con đường như dải lụa đó và quên rằng tới lúc phải quay vào bờ rồi, có anh trong đoàn gọi với đùa rằng: “Em mà còn không lên thuyền là anh để em lại đảo luôn đó”.
Chuyến hành trình dọc tuyến đường ven biển cũng phải kết thúc khi trời đã xế chiều, chúng tôi ra về với biết bao nuối tiếc và lời hứa sẽ trở lại vào một ngày gần nhất. Chuyến đi đã mang lại cho chúng tôi những cảm nhận mới mẽ về Vĩnh Hy, về Bình Tiên, cũng từ tuyến đường này việc tiếp cận các điểm du lịch khám phá như mũi Sừng Trâu, mũi Dinh, bãi Thùng…với những dải đá cheo leo kéo dài mang nhiều hình dáng ngộ nghĩnh đã trỡ nên thuận tiện hơn rất nhiều. Trong tương lai nơi đây sẽ có sự hiện diện của những  khu nghỉ dưỡng, khu du lịch cao cấp hứa hẹn nhiều lựa chọn cho du khách khi đến với vùng đất này.
Cảm ơn con đường mới đã nối những thắng cảnh quê nhà, tạo một bức tranh sinh động trong tầm mắt của chúng tôi.
Hương Lan
Trung tâm TTXTDL Ninh Thuận
Theo http://www.ninhthuantourist.com/


1 nhận xét:

  Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thươn...