Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Phê bình phải tri âm với sáng tác

Phê bình phải tri âm với sáng tác
Một nền văn chương phát triển lành mạnh bên cạnh thành tựu của sáng tác bao giờ cũng nổi lên tên tuổi các nhà phê bình. Theo tôi, bản chất của mối quan hệ giữa sáng tác và phê bình là sự gắn bó mật thiết, sự gắn bó tác động qua lại biện chứng; quan hệ giữa các nhà thơ, nhà văn với các nhà phê bình là mối quan hệ tri âm tri kỷ. Từ kinh nghiệm bản thân mình, tôi thấy nhà phê bình nào không có được sự tri âm tri kỷ với sáng tác thì chắc chắn không thành công.
1. Sau ba chục năm cầm bút viết phê bình, đến nay tôi đã xác định dù ở đâu, làm gì, cuối cùng cuộc đời mình vẫn gắn với phê bình văn chương. Đây là cái nghiệp của mình. Tôi tâm đắc với ý nghĩ giản dị của một nhà phê bình: "Phê bình cũng đáng cho người ta sống cả đời vì nó". Đáng lắm chứ! Trước hết, phê bình cũng là một nghề chân chính như mọi nghề lương thiện khác. Nó quyết không phải là nghề "ăn theo". Nhà văn Tô Hoài còn nói: "Nhà phê bình là nhà văn sáng tác theo cách riêng của họ". Hơn thế, với tôi đây là một nghề thiêng liêng. Tôi đã từng làm và công bố nhiều bài thơ khi buổi đầu bước vào văn chương. Tôi nhận thấy phê bình cũng thiêng liêng như làm thơ và viết tiểu thuyết vậy. Một bài phê bình ngắn mà hay rất có giá trị đối với đời sống văn chương và xã hội. Một nghề cao quý như thế mà ít người gắn bó thì thật đáng tiếc!
Một nền văn chương phát triển lành mạnh bên cạnh thành tựu của sáng tác bao giờ cũng nổi lên tên tuổi các nhà phê bình. Theo tôi, bản chất của mối quan hệ giữa sáng tác và phê bình là sự gắn bó mật thiết, sự gắn bó tác động qua lại biện chứng; quan hệ giữa các nhà thơ, nhà văn với các nhà phê bình là mối quan hệ tri âm tri kỷ. Từ kinh nghiệm bản thân mình, tôi thấy nhà phê bình nào không có được sự tri âm tri kỷ với sáng tác thì chắc chắn không thành công.
Đời sống phê bình văn chương đã và sẽ diễn ra theo quy luật khách quan của nó. Phê bình văn chương không thể cưỡng lại được dòng chảy của cuộc sống. Kinh tế và xã hội của chúng ta hiện nay theo cơ chế thị trường. Phê bình thuộc về kiến trúc thượng tầng. Nó tất phải là hình bóng của cơ sở hạ tầng là kinh tế - xã hội. Nó sẽ có tất cả tích cực và tiêu cực mà xã hội đang có.
Nói phê bình văn chương là một nghề thiêng liêng nhưng không nên thần thánh hóa các nhà phê bình. Các nhà phê bình trước hết cũng là con người. Họ cũng có thể là những người quân tử, chứ quyết không phải là những chàng Đôngkisốt chống lại cối xay gió. Họ là những người biết "dĩ bất biến ứng vạn biến" chứ quyết không khư khư chịu chết như những kẻ gàn dở chỉ làm cái này không làm cái kia, nhưng cuối cùng cũng không làm được gì cho đời trong khi tiêu chí đo giá trị của xã hội đã thay đổi. Điều này đặt ra cho các nhà lãnh đạo, người quản lý văn học nghệ thuật rất nhiều suy nghĩ. Nếu muốn có một nền văn chương lành mạnh xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại thì phải biết đầu tư thích hợp, vừa khoa học vừa nghệ thuật để có được một đội ngũ phê bình văn chương chuyên nghiệp, yên tâm sống và viết với nghề nghiệp của mình.
2. Đầu tư cho các nhà phê bình thì phải biết một người viết phê bình văn chương cần phải có những điều kiện gì, nếu không thì đầu tư sẽ phản tác dụng, như khách đi đường xa đến nhà đang khát nước mà lại mang bánh khô ra mời. Theo tôi, một người viết phê bình cần ít nhất bốn yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, người viết phê bình văn chương phải có năng khiếu bẩm sinh viết phê bình giống như năng khiếu làm thơ và năng khiếu viết truyện của các nhà văn, nhà thơ vậy. Không có điều này thì có đầu tư đến mấy cũng thành vô ích. Điều đó cắt nghĩa vì sao khoa Văn của các trường Đại học Xã hội và Nhân văn và Đại học Sư phạm đào tạo hàng năm rất nhiều người để làm công việc nghiên cứu và giảng dạy văn chương mà bản chất là phê bình văn chương thì lại không có mấy người trở thành nhà phê bình văn chương; ngược lại, có người không được đào tạo gì về văn chương thì lại trở thành nhà phê bình văn chương có tiếng.
Hai là, người viết phê bình cần có cuộc sống ổn định về vật chất và tinh thần. Nhà thơ Chế Lan Viên có viết: "Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết". Làm thơ mà còn thế thì làm phê bình ít nhất cũng cần thời gian gấp mười lần người làm thơ. Đó là phải khép phòng văn mà đọc hàng núi sách, nhất là núi sách của thời kinh tế thị trường rất cao và to. Tôi đã từng làm một việc đơn giản nhất của công việc phê bình là đọc một cuốn tiểu thuyết dày 700 trang để viết một bài phê bình, khi đăng (năm 2009) được trả 200 nghìn đồng nhuận bút. Còn có bao nhiêu bài phê bình muốn viết được phải đọc gấp nhiều lần như thế. Tôi nghĩ rằng, những việc như vậy lặp lại đến lần thứ ba thì các nhà phê bình bình thường đã phải suy nghĩ. Điều này cần các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và hoạch định chính sách lưu tâm. Bởi vì theo chủ nghĩa duy vật biện chứng thì quan tâm về vật chất cũng chính là quan tâm về tinh thần vậy.
Yêu cầu thứ ba và yêu cầu thứ tư đối với người viết phê bình gắn liền với nhau. Đó là, một người viết phê bình phải được trang bị lý luận có hệ thống, đồng thời phải có vốn sống của một nhà văn. Thiếu một trong hai điều kiện này thì nhà phê bình sẽ như con chim một cánh không thể bay được, chỉ có thể nhảy lò cò trên mặt đất mà thôi. Bây giờ chắc không còn ai ngây thơ để cãi rằng viết phê bình văn chương chỉ cần năng khiếu bẩm sinh không cần lý luận. Nhưng cũng phải hiểu rằng hệ thống lý luận của người viết không nhất thiết phải được đào tạo qua các trường đại học văn chương hay phải được hướng dẫn làm luận án các bậc sau đại học.
Các nhà phê bình lớn xưa nay phần nhiều đều phải tự trang bị, tự học, tự mở đường đi lên, sau đó những trước tác của họ sẽ bổ sung vào kho tàng lý luận. Nhà phê bình kiệt xuất Hoài Thanh, khi làm "Thi nhân Việt Nam" cũng mới học Tú tài phần thứ nhất. Chỉ có một hệ thống lý luận văn chương tiên tiến kết hợp với năng lực thẩm văn bẩm sinh mới mang lại những bài viết phê bình có giá trị tư tưởng, khoa học và thẩm mĩ cao. Tức là một bài phê bình một tác phẩm không chỉ là để hiểu tác phẩm ấy, mà từ hiểu tác phẩm ấy để hiểu cả nền văn chương, như từ một giọt nước mà thấy được biển cả vậy.
Có hệ thống lý luận dẫn đường, người viết phê bình không phải viết tự phát, mò mẫm; nhưng nhà phê bình cũng cần có vốn sống của một nhà văn, hay trước hết về mặt bản chất nhà phê bình phải là một nhà văn, dẫu họ không sáng tác. Không có vốn sống của một nhà văn thì làm sao hiểu được tác phẩm, hiểu được những điều mà nhà văn, nhà thơ viết ra. Nếu chỉ có lý luận mà không có vốn sống thì sẽ không tránh khỏi đẻ ra những bài phê bình kinh viện, sách vở, không có ích cho một ai. Bài học về việc Tô Đông Pha chữa sai thơ của Vương An Thạch bên Trung Quốc (Đời Tống) nghìn năm trước, theo tôi là một bài học thấm thía về việc thiếu vốn sống cho những người viết phê bình. Một nhà thơ lớn như Tô Đông Pha mà không có thực tế thì điều đơn giản cũng có thể nhầm lẫn... Hội Nhà văn Việt Nam trong kế hoạch công tác cần có kế hoạch thường xuyên đưa các nhà phê bình đi thực tế cùng với các nhà văn, nhà thơ. Đừng để các nhà phê bình ở mãi trong tình trạng như những con chim lệch cánh, hoặc thiếu lý luận, hoặc thiếu thực tế.
3. Phê bình văn chương phải có phong cách. Giống như các nhà văn nhà thơ, chưa có phong cách thì không thể gọi là nhà phê bình. Tạo ra được một phong cách phê bình riêng khác với mọi người quả thật là không dễ. Đối với một số người, phong cách phê bình của họ là do trời phú. Đối với một số người khác đó là cả một quá trình phấn đấu gian khổ. Một số người viết phê bình hiện nay chưa nổi rõ phong cách, tức là không rõ khuôn mặt. Tạo ra được những phong cách, đó là chất lượng của phê bình. Nhưng phong cách không có nghĩa là tất cả, là mọi giá. Nền phê bình của chúng ta cần tạo ra những phong cách phê bình đẹp, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bây giờ là thời mở cửa hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa, trong đó có văn chương. Tôi thấy, về mặt kinh tế chúng ta hội nhập khá thành công. Một nền kinh tế nhỏ bé lạc hậu mà hội nhập thành công! Nhưng về văn hóa, một đất nước có bốn nghìn năm lịch sử, văn hóa mà giao lưu văn hóa rất thiếu tự tin, cứ run lẩy bà lẩy bẩy, để cho văn hóa nước ngoài tràn vào như vào chốn không người. Có phải văn chương Việt Nam là "tiểu nông", là nhỏ bé không? Nhỏ bé mà lại có được "Truyện Kiều", "Chinh phụ ngâm"!
Về phê bình văn chương thì lại cho rằng chúng ta không có được hệ thống lý luận về phê bình, liền rước các phương pháp phê bình phương Tây vào giải mã các sáng tác văn chương Việt Nam, thì việc lệch kênh như thế làm gì có kết quả được. Vì thế phê bình yếu kém là phải. Sau mấy chục năm thử nghiệm có thể khẳng định việc áp dụng các phương pháp phê bình phương Tây vào Việt Nam đã không thành công. Tôi thấm thía câu chuyện thi sĩ Xuân Diệu trao "chìa khóa" phê bình cho nhà thơ Phạm Tiến Duật bằng cách tặng quyển "Mái Tây" của Vương Thực Phủ, có lời bình của Kim Thánh Thán do Nhượng Tống dịch. Điều đó chứng tỏ sự trăn trở của Xuân Diệu đi tìm lý thuyết cho phương pháp phê bình phương Đông. Theo tôi, đó là một phương hướng đúng, cần phải tiếp tục khơi mạch, phát triển. Làm sao để đi tìm và xây dựng cho được một hệ thống lý luận phê bình nghệ thuật phương Đông, hệ thống lý luận phê bình văn chương Việt Nam là nhiệm vụ của các nhà phê bình, chứ không phải là việc nhập khẩu các lý thuyết lý luận phê bình phương Tây. Các lý luận phê bình văn chương phương Tây chỉ là để tham khảo mà thôi. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII phải đặt kế hoạch và phải nghiêm túc thực hiện những vấn đề đặt ra về lý luận và phê bình này.
 Đinh Quang Tốn
 Theo http://www.bichkhe.org/

1 nhận xét:

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...