Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Phùng Hiệu đa điệu trước nỗi đời đa đoan

Phùng Hiệu đa điệu trước nỗi đời đa đoan
Thơ Phùng Hiệu mang cảm thức của một kẻ “giời đày” vì tấm lòng của anh dễ rung cảm trước chị công nhân quét rác, người thợ hồ, em bé và xấp vé số trên tay. Anh đã biết nhập vai vào họ, nói bằng ngôn ngữ của họ…
Phùng Hiệu bước vào đời, vào nghiệp văn chương, báo chí không mấy suôn sẻ như bao bạn bè cùng trang lứa. Anh đi làm đủ nghề để sống ở Sài Gòn, từ làm thợ đúc ống cống, lái tắc xi, học đại học mỹ thuật và đột ngột rẽ ngang sang con đường văn chương.
Miền chữ nghĩa dường như một định nghiệp, đã chọn Phùng Hiệu làm thiên sứ của ngôn ngữ. Ở địa hạt này, Phùng Hiệu bằng vốn sống và sự trải nghiệm trong đời sống đã đưa vào thơ một giọng tự sự - trữ tình độc đáo. Thơ anh mang nặng vị mặn đắng đằng sau mồ hôi, nước mắt và nụ cười của từng thân phận, sự lộng lẫy của cái đẹp ẩn khuất đằng sau những gương mặt  thoáng qua. Cảm thức của một người từng học mỹ thuật đã cho Phùng Hiệu một lăng kính đặc biệt để biết chớp lấy những khoảnh khắc của tâm tư và vĩnh cửu hóa bằng ngôn ngữ thi ca.
Tư duy lập thể của hội họa đã được Phùng Hiệu chọn lựa như một sở đắc để anh  tạo nên những câu thơ đong đầy ám ảnh, như một bức tranh lập thể bằng chất liệu ngôn ngữ; soi chiếu cảm thức của thi nhân vào tận cùng âm bản của mỗi phận người. “Hướng về ngã tư/ người thiếu phụ lê những bước chân trên con đường chông chênh nắng/ hướng về sân ga/ xấp vé số trên tay người đàn ông mù lòa ướt đẫm/ hướng về mái trường/ cung đường nhầy nhụa bùn lầy quắn bước em thơ/hướng về phía hoàng hôn/ những vách lá liêu xiêu loang lổ bóng đêm/ một gia đình trú ngụ trên nền đất cái bang…” (Số phận)
Luật xa gần, sắc độ tương phản của những bảng màu cuộc sống đã được Phùng Hiệu quảng diễn bằng những câu thơ đầy trăn trở. Đó là sự cộng cảm của sự đồng hành, hóa thân, sẽ chia của một người thơ dự phần vào nhip luân hành của đời sống bề bộn hôm nay.
Tính đa điệu trong thơ Phùng Hiệu còn thể hiện qua những bài thơ tả chân đậm chất thông tấn của báo chí. Ở đây, nhà thơ nhìn cuộc đời bằng ánh nhìn trực diện, đúc kết bằng những luận đề cụ thể: “Thế giới sự sống đang bị suy thoái/bởi những đố kị, tranh giành, tham ô, đốp chát/được ngụy trang và quy hoạch đàng hoàng” (Tưởng thức),” Em nổi trôi theo từng dự án/như thể dòng sông không dừng lại bao giờ/ lán trại mùa này không chứa nổi giấc mơ/để em có được bầu trời yêu thương hoang tưởng” (Sau lưng tiếng kẻng công trường), “Đêm thành phố xa hoa/… tên em được hiển thị trên muôn hình hộp đen bí mật/ ở đây không có tôn giáo/ở đây không nói chuyện học đường/ cũng không có chuyện đo lường nhân phẩm/ chỉ có men rượu trần truồng trong tiếng nhạc mê ly…” (Phía sau ánh đèn lừa dối). Phùng Hiệu đã biết mang vào thơ nỗi vui, niềm đau của đời người, đánh thức những khát vọng còn ngủ quên trong tâm thức, như một sự vẫy gọi, níu kéo tha nhân trở về miền viễn mơ trong trẻo, tinh khôi. “Em mơ thấy mẹ/người đàn bà trung thành hai bữa sắn khoai/cho em có được mái trường/ và thân hình gợi cảm hôm nay…”, “Giải pháp nào cho hơi thở của em/ Giữa cánh đồng/ hoang vu/Cỏ cháy/ Và căn bệnh hai mùa thế kỉ” (Cạm bẫy là em).
Thơ Phùng Hiệu mang cảm thức của một kẻ “giời đày” vì tấm lòng của anh dễ rung cảm trước chị công nhân quét rác, người thợ hồ, em bé và xấp vé số trên tay. Anh đã biết nhập vai vào họ, nói bằng ngôn ngữ của họ. Cho nên thơ của anh gần với hơi thở cuộc đời hơn, lột tả chân thực nhiều cung bậc của cảm xúc mà vẫn giữa được nét độc đáo riêng cái tôi tự sự-trữ tình của người thơ. Như tên gọi của tập thơ mới ra đời gần đây của anh “Trong thế giới ngụy trang”, thơ của Phùng Hiệu đã giải thiêng những khái niệm ngụy tín của của cuộc sống, nhận diện cuộc sống bằng “đôi mắt thơ” để thấu thị, công cảm tình yêu thương, giả dối, thiện và ác…đang hiện hữu xung quanh chúng ta. “Khi tất cả đường truyền nghẽn mạch/Câu mật ngữ ái tình lạc lối/dòng tin còn chăng hy vọng/mong manh…/mơ hồ…/ Thời gian nghĩ gì khi đêm đã dần vơi?” (Lạc mất dòng tin).
Bằng nỗi ưu tư của một triết gia băn khoăn, luôn tự vấn với tự thể, thơ Phùng Hiệu có khi như là ngọn lửa thổi bùng lên soi tỏ mặt người, lửa để thử vàng, sau lửa là những tàn tro vun cho cây đời xanh mãi, sau thơ vẫn là nỗi ám ảnh khôn khuây của người làm thơ trước bao công án còn dang dở…
 Bảo Trung
Theo http://nhavantphcm.com.vn/

1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...