Bức tranh chân dung Hoàng đế Hồ Quý Ly
Nhà Hồ, một triều đại gây nhiều dấu ấn thăng, trầm và bi ai
trong lịch sử của dân tộc cách đây hơn 6 thế kỷ mà Hồ Quý Ly là một nhân vật được
nhiều nhà xã hội học quan tâm nghiên cứu và có những ý kiến đánh giá khác nhau.
Dẫu rằng có những ý kiến ngược xuôi như thế nào đi chăng nữa,
nhưng ở Hồ Quý Ly đã hiện rõ ba vấn đề lớn trong sự nghiệp của ông:
Thứ nhất: Hồ Quý Ly là một nhà yêu nước, có tinh thần chống
ngoại xâm quyết liệt, không khoan nhượng với kẻ thù để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ và tiến hành đổi mới cách thức phòng thủ đất nước, nhằm đưa dân tộc
phát triển trong bối cảnh xã hội lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Thứ hai: Là một người sớm có ý tưởng cải cách xã hội một
cách toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự từ chính quyền trung
ương đến cơ sở khi ông còn là một đại thần của triều Trần.
Thứ ba: Bên cạnh tính quyết đoán táo bạo, quyết liệt
trong cải cách, chấn hưng đất nước, Hồ Quý Ly cũng bộc lộ tư tưởng độc đoán,
chuyên quyền nên mất lòng dân nghiêm trọng, dẫn đến anh hùng bị thất thế, dân tộc
bị lâm nguy là điều không thể không phê phán. Song hậu thế cũng không thể không
tôn vinh ông là một vĩ nhân của lịch sử. Ngay cả người cùng sớm hôm phụng sự
cho triều Hồ cũng đã tôn vinh và đồng cảm về sự nghiệp của Hồ Quý Ly mà trong
bài thơ Quan hải Nguyễn Trãi viết:
“… Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên…”
(Nguyễn Trãi toàn tập, tr.280, NXB Khoa Học Xã Hội,1976)
Vì vậy, người ta ví Hồ Quý Ly như một ngôi sao băng vừa mới bừng
sáng thì bị biến mất trong đêm trường lạnh giá.
Cuối triều Trần đã nảy sinh những mâu thuẫn hết sức gay gắt
giữa chính sách cai trị của nhà nước với các tầng lớp nhân dân, giữa quan lại
trong triều với nhau mà nhất là họ tộc nhà Trần và Hồ trở nên quyết liệt. Thực
chất mâu thuẫn ấy, xét cho cùng là mâu thuẫn giữa thiết chế chính trị với cơ cấu
kinh tế xã hội. Trong khi đó cuộc cải cách táo bạo, trực diện ngay vào quyền lợi
của vương hầu quý tộc quan lại như hạn điền, hạn nô, bãi bỏ, thay đổi chức sắc
của những quan tham đã gây nên mâu thuẫn lớn trong triều đình. Mặt khác nhân
dân đã đói nghèo, nay càng khó khăn hơn. Nắm được thời cơ đó, ngoại bang xâm lược,
đất nước nhanh chóng bị tiêu vong là điều không tránh khỏi.
Lịch sử nói về nhà Hồ đã hơn 6 thế kỷ, nhìn lại giữa công lao
và sự thất bại cũng đã rõ nhưng những gì của một người yêu nước và có lý tưởng
cải cách như Hồ Quý Ly, hậu thế cũng phải ghi nhận, trong đó còn đọng lại một
di sản văn hóa Thành nhà Hồ mà nhân dân ta sáng tạo ra trong đó có công lao to
lớn của Hồ Quý Ly.
Với cách tiếp cận đặt vấn đề như trên, tôi đã dành thời gian
nghiên cứu vẽ chân dung Hồ Quý Ly, một nhân vật trong lịch sử còn nhiều tranh
cãi rất nhạy cảm và đầy bí ẩn.
Là một họa sĩ và là người nghiên cứu văn hóa, tôi rất quan
tâm đến đề tài vẽ chân dung những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Thật sự là
nhiều thập kỷ qua, tôi đã vẽ những chân dung như Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Thánh
Tông, Dương Đình Nghệ, Trần Khát Chân v.v… nhưng chưa thành công vì không đủ cứ
liệu kể cả về yếu tố tâm linh.
Vậy thì vẽ chân dung Hồ Quý Ly như thế nào để miêu tả cho được
tính cách, dáng vóc, diện mạo, dung quang phù hợp với sự nghiệp trong lịch sử ở
thời kỳ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, Hồ Quý Ly ở ngôi vị Hoàng đế?.
Hoàng đế Hồ Quý Ly - tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai
Trong lịch sử vẽ chân dung của các danh họa thế giới về những
người đã khuất, cách đó nhiều thế kỷ, mà trong tay người họa sĩ không có một tư
liệu nào như tranh, ảnh, hoặc miêu tả thành văn hay truyền miệng, buộc họa sĩ
phải nghiên cứu đến lịch sử của người đó trong quá khư để sáng tác. Cách vẽ này
là để tìm tính cách hành động, tư tưởng, tình cảm, biểu hiện bên trong để xây dựng
cấu trúc hình thể, dung quang bên ngoài. Đây là công việc rất khó khăn, phải kỳ
công mới có thể tái dựng lại chân dung và sự thực nhiều họa sĩ cũng đã thành
công.
Cách vẽ thứ hai là dựa vào tâm linh, giác quan thứ 6, xuất hiện
ảo ảnh qua giấc mơ để nhận biết chân dung mà họa sĩ định vẽ, vấn đề này xảy ra
rất ít ỏi đối với họa sĩ. Trong thực tế giấc mơ thấy người, có thể là người đã mất
tích, đã chết hoặc người còn sống v.v… thông thường xuất hiện ở những ai có
cùng huyết thống hoặc quen biết với một tần số giao cảm đặc biệt.
Như đã phân tích và lý giải trên thì quả thật là việc tôi
miêu tả chân dung Hồ Quý Ly là vô cùng khó khăn, không thể không dày công
nghiên cứu tiếp cận tư liệu với mọi cách thức tối ưu được.
Hằng chục năm nay, có nhiều người trong dòng tộc họ Hồ, nhiều
nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học, nhiều họa sĩ ở trung ương, địa phương cũng
động viên tôi vẽ chân dung Hồ Quý Ly. Trong ý nghĩ, biết chắc chắn Thành nhà Hồ
sẽ được quốc tế công nhận là di sản văn hóa thế giới, càng lưu tâm tôi cố gắng
hoàn thành tác phẩm chân dung này. Tôi bắt đầu sáng tác bức tranh chân dung Hồ
Quý Ly từ năm 2006 và dự kiến công bố vào dịp Thành nhà Hồ được tôn vinh trên
quốc tế.
Thành nhà Hồ
Giữa ý tưởng sáng tác với kế hoạch hoàn thành tác phẩm đâu có
trôi chảy như mong muốn, mặc dù, tôi đã vẽ đến 5 phác thảo trong 6 năm mà vẫn
chưa đạt yêu cầu. Trong một lần gặp một số bạn đồng nghiệp ở Hà Nội, và họ có hỏi
về việc sáng tác bức tranh Hồ Quý Ly, tôi phải nói thật là đầu hàng, mặc dù tôi
đã tìm đọc rất nhiều tài liệu ngay cả trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng
không hề miêu tả gì về hình dáng, diện mạo của ông.
Nếu vẽ một chân dung của người đã khuất như Hồ Quý Ly cách
đây hơn 600 năm mà không có căn cứ tư liệu gì, còn một cách là phải phân tích
hành động, việc làm trong lịch sử của ông qua đó mà xây dựng dáng vóc, dung mạo.
Có lẽ do suy nghĩ, trăn trở nhiều về việc vẽ không thành công bức tranh Hồ Quý
Ly mà trong lúc đang tư duy cách tiếp cận tìm hiểu tư liệu thì trong thời khắc
của linh cảm, tôi hình dung ra được khái quát tổng thể cấu trúc về tướng mạo,
dáng vóc ông một cách logic và dựa trên cơ sở đó để miêu tả.
Như vậy các phác thảo ban đầu mà tôi vẽ có những điểm khác
nhau như bức vẽ ban đầu, mũ bình thiên, mái bằng có dây tua nhưng nhận biết
trong linh cảm là mũ hai cấp có họa tiết rồng và không có tua dây. Áo mà Hoàng
đế Hồ Quý Ly mặc rất đơn giản không giống như tôi vẽ ban đầu cầu kỳ theo phục
trang Trung Hoa. Diện mạo chân dung thần thái của ông gần sát với cách miêu tả
ban đầu, chỉ có chỉnh lại một số điểm trong cấu trúc của khuôn mặt, đặc biệt là
đôi mắt.
Xuất phát từ quan điểm biện chứng của duy vật lịch sử, với một
cách nhìn logic trong mối quan hệ nhiều chiều, toàn diện thì mới có thể miêu tả
được chân dung Hồ Quý Ly gần sát với hiện thực. Vì vậy, phương pháp vẽ tướng mạo
trên khuôn mặt phải biểu đạt cho được thần thái là người có tính quyết đoán mà
ý tưởng cải cách của ông được sử sách đã ghi chép lại là một ví dụ. Phàm những
người có tính quyết đoán, được bộc lộ trong khuôn mặt, ở đôi mắt to, sáng và
cách nhìn lúc nào cũng chủ định, nhìn thẳng, đối mặt với người đang giao tiếp,
cấu trúc giữa lông mày và đôi mắt thường có khoảng cách xa hơn.
Các chi tiết khác của tướng mạo như mũi cao, to, miệng và râu
bố cục có những điểm khác thường ở những khoảng cách trong cấu trúc trên khuôn
mặt chữ điền. Hồ Quý Ly là con người có dáng vóc bình thường không cao và cũng
không thấp, không béo, thông thường được biểu hiện ở những người thiên về văn
hơn là võ.
Ở Hồ Quý Ly, qua tư tưởng và hành động mà trong sử sách có
nêu thì đứng về mặt khái quát chân dung để miêu tả, đây là một con người
nghiêng về tính sách lược nhiều hơn chiến lược, kể cả về mặt chính trị, quân sự,
cho đến kinh tế. Việc vẽ hình tượng Hồ Quý Ly ở thời điểm ngôi vua, với thế ngồi,
tay cầm cuốn thư, mắt sáng nhìn thẳng về phía trước là biểu hiện sự trăn trở của
ông trong công việc triều chính. Toàn bộ bức tranh được đặt trong nền có màu
nóng, nói lên Hồ Quý Ly là vị vua đang sống và làm việc trong một bối cảnh hết
sức khó khăn về nhân tình thế thái, thù trong giặc ngoài - một áp lực lớn đối với
ông.
Ngoài việc nghiên cứu vẽ chân dung Hồ Quý Ly nói trên cũng cần
có phương pháp kiểm nghiệm là phải dựa vào yếu tố tâm linh dù đó cũng chưa có
cơ sở khoa học nào chứng minh là đúng, chỉ có điều trong thâm tâm người miêu tả
bức tranh đó có linh cảm thanh thản, tin tưởng và yên tâm hơn. Và không thực hiện
phương pháp kiểm nghiệm đó, người vẽ bức chân dung Hoàng đế Hồ Quý Ly cũng
không thể công bố tác phẩm này với công chúng được.
Sau 7 năm vẽ bức tranh chân dung Hồ Quý Ly, cơ bản đã hoàn
thành, tác giả phải tranh thủ tham khảo ý kiến của nhiều nhà sử học, họa sĩ ở
trung ương và địa phương để chỉnh sửa.
Sau khi bức tranh chân dung Hồ Quý Ly được công bố trên nhiều
phương tiện thông tin đại chúng, có người hỏi tôi, ai quyết định công nhận chân
dung đó? Thực ra, xưa nay, không có ai ra quyết định cả. Một tác phẩm văn học,
nghệ thuật hay và đẹp, bản thân nó có sức truyền cảm và sống lâu bền trong lòng
nhân dân hay không? Đó chính là người quyết định.
Là một họa sĩ chuyên vẽ chân dung và là người hoạt động văn
hóa, bức tranh Hoàng đế Hồ Quý Ly mà tôi sáng tác, phần nào nói lên tố chất bên
trong của một con người anh hùng trong lịch sử dân tộc và cảm nhận ông trong việc
thực hiện ý tưởng cải cách nhà nước, trong đó có cả công lao điều hành chỉ đạo
thi công Thành đá nhà Hồ có một không hai ở Đông Nam châu Á và đã thành di sản
văn hóa thế giới.
Hoàng Hoa Mai
eva flight
vé máy bay đi mỹ giá bao nhiêu
korean air vn
mua ve may bay di my hang korea
vé máy bay đi canada tháng nào rẻ nhất
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich