Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Phạm Khang: “Ký ức thời gian”- Thơ của một tấm lòng (Thanh Hóa)

Phạm Khang: “Ký ức thời gian”- Thơ của một tấm lòng 
 Trên tay của bạn đọc là tập thơ “Ký ức thời gian” của tác giả Hương Sắc- Nguyễn Hữu Vinh; một kỹ sư nông nghiệp về hưu, một người có nhiều ân tình với thơ, yêu thơ đến cháy lòng. Thơ “Ký ức thời gian” là sự phản ánh thế giới nội tâm, tình yêu cuộc sống, con người và những suy ngẫm sâu sắc của chính cuộc đời tác giả. Những biến động và đổi thay to lớn của thời đại và cuộc sống chính là nguồn cảm hứng, là sự tiếp cận và lý giải mà tập thơ ôm chứa. Đó là một thế giới muôn màu muôn vẻ, được tỏa sáng và hát lên từ những dòng thơ mộc mạc, giản dị, giàu hình ảnh và sự liên tưởng không ngơi nghỉ, không đứt đoạn của tâm hồn tác giả. Đó mãi là ý thức vươn lên để hoàn thiện chính mình, hoàn thiện nhân cách, cao hơn là hoàn thiện bút lực sáng tác của ông đối với thơ.
    “Ký ức thời gian” có âm hưởng hào hùng của quá khứ dân tộc, có trầm tích gắn liền với những chiến công oanh liệt của cha ông, của quê hương Việt Nam yêu dấu. Tác giả tự hào, biết ơn, khâm phục:
          Đuổi giặc gầm vang tiếng trống đồng 
          Chiêng khua, mõ thúc khắp non sông
          Kẻ thù khiếp vía ong vỡ tổ
          Xâm lược kinh hồn nhảy xuống sông 
          Tướng mạnh binh hùng tan xác pháo
          Quân dân Đại Việt phá xiềng gông
          Non sông gấm vóc muôn năm vững 
          Rạng rỡ năm châu giống Lạc Hồng
                   (Tiếng trống đồng)
    Đó là thứ thơ Đường tự nhiên, ư nhiên, giản dị và không cầu kỳ làm duyên làm dáng, bởi nó được viết ra từ đáy lòng tác giả, là niềm tự hào bất diệt về lịch sử dân tộc. Rồi ông nhận ra, ngộ ra hoa văn trống đồng là linh khí của đất nước, là hồn cốt của tinh thần Đại Việt, là đất nước “hóa thành văn” trong văn hiến, là ý chí kiên cường, bất khuất, quật cường, anh hùng của tiền nhân xứ sở:
          Núi Đọ Đông Sơn vang trống trận 
          Ngàn Nưa Triệu Âủ động binh xa
          Lê Hoàn đuổi Tống xa bờ cõi
          Nguyễn tộc khua chiêng mở nước nhà
          Huyệt địa Hàm Rồng chôn giặc Mỹ
          Muôn năm rạng rỡ đất Thanh ta
                          (Điệu dô tà)
    Văn hiến ấy, tinh thần ấy, những gương nghĩa liệt anh hùng ấy không phải là thứ tự nhiên mà có, cũng không phải do lịch sử bịa ra hay phóng ngôn, truyền ngôn, mà nó mãi mãi là tinh hoa, hồn thiêng dân tộc ngời sáng trong suốt trường kỳ 4000 năm đấu tranh để giữ yên bờ cõi và xây dựng đất nước của nhân dân ta.
    “Ký ức thời gian” không sa vào lối thơ viết để mà chơi, lối viết nhàn đàm, đề vịnh vô phương vô hướng, vô thưởng vô phạt khi tác giả đã cảm nhận, ý thức và lắng nghe được cái mới của thời đại; cái mới tất yếu và mang tính lịch sử:
          Gạo phiếu, cơm tem quá khứ rồi,
          Tìm đường…đổi mới rộn niềm vui
          Người lo khoán thẳng chia phần ruộng
          Đảng cứu dân tình…mở lối thôi…
          Mùa vàng chật ních bao bồ cót
          Đoạn tuyệt từ đây…bao cấp ơi!
                         (Mở lối)
    “Ký ức thời gian” cho thấy tác giả là người tha thiết và gắn bó với cách sống chuộng nhân nghĩa, ghét hư vinh. Vẫn còn đây tấc lòng thương nhớ khôn nguôi, cái ơn chưa trả khi ông viết về các bậc sinh thành, về những người thân yêu đã đi qua cuộc đời ông. Cảm động biết bao khi ông viết về mẹ của mình; người mẹ hiền một nắng hai sương, tần tảo sớm hôm nuôi ông nên người:
          Bao bão giông, gió lạnh sương sa
          Lạc loài giữa chốn đường xa
          Sáng đồng, chiều chợ canh ba chưa về!
          Kẽo kẹt đường xa chân liêu xiêu bước
          Vuốt mặc mồ hôi, áo bạc như vôi!
          Mẹ đã gánh đời con trên đôi vai ấy
          Để bây giờ con được thấy hôm nay!
                              (Khóc mẹ)
    “Vuốt mặt mồ hôi” là tả thực nhưng “áo bạc như vôi” thì đã đạt tới cái vừa thực vừa hư vậy. Câu thơ neo đậu vào lòng chúng ta những quá vãng không mờ phai, thổn thức và da diết, đủ thấy ông nhớ mẹ và yêu quí mẹ biết nhường nào. Mãi còn đây hình ảnh người cha gió sương, người cha được ông lưu giữ, cất giấu vào nơi sâu thẳm cõi lòng với sự biết ơn và nuối tiếc:
          Rừng sâu, núi thẳm xông pha
          Vẹt bàn chân bước, sần da vai gầy…
          Đời cha vất vả cơ hàn 
          Ước mơ chưa thỏa…vội vàng cha đi.
                               (Cha ơi)
    Tôi đọc tập thơ và chợt nhận ra Hương Sắc là một người thơ sôi nổi, sống có trước có sau đầy trách nhiệm. Trong một không gian, thời gian rộng lớn của tập thơ, ông có điều kiện để chia sẽ yêu thương, trải lòng mình với cháu con, với bè bạn, với các bậc cao niên, với quê hương qua hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò, kẻ chợ… Có thể gọi ông là người thơ đa cảm cũng không ngoa vậy. Tôi biết, ngoài đời ông cũng là con người sống khiêm tốn, giữ gìn và luôn hết mình vì bè bạn, vì những cảnh đời còn gian khó, trái ngang. Ông thấu hiểu và thương cảm da diết những nỗi niềm trắc ẩn của người đời; bài thơ dài viết tặng Đỗ Việt Bắc (bố của Đỗ Trọng Hưng, Phó Bi thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, khóa 18, nhiệm kỳ 2015-2020) là một thông điệp cảm động và giàu ý nghĩa. Có chí ắt làm nên, cái khó, cái bất lợi chỉ là thử thách, cái bể khổ thì ở đời mấy ai tránh được!
    “Ký ức thời gian” trong một chừng mực nhất định đã trình bày quan niệm nhân sinh và lẽ sống của tác giả. Hương Sắc - Nguyễn Hữu Vinh không có tham vọng làm mới thơ mình, có chăng thơ đối với ông là một đời sống tinh thần thứ hai - một đời sống tinh thần đa cung bậc, có ý thức và trách nhiệm trong những chính kiến, những quan niệm, những phát biểu rất riêng không khô cứng và sao chép của mình. Đó là cái quý của tập thơ này, như ông đã tâm niệm:
          Ký ức thời gian chẳng nhạt nhòa 
          Mượn thơ lướt lại tháng năm qua 
          Được, thua, còn, mất bao nhiêu chuyện 
          Để lại muôn sau một chữ: HÒA!
          …Ký thời gian những chặng đường 
          Đời tôi đã trải mấy phong sương 
          Viết ra gửi lại cho con cháu
          Lược sử mươi dòng những vấn vương
                             (Hòa)
    Xin được dừng bút ở đây và cùng tác giả tri ân bạn đọc hạ cố lưu ý tới tập thơ này. Mùa xuân đã bắt đầu ló rạng, vườn thơ mùa này đa sắc lắm! Hẹn ngày Nguyên tiêu gặp nhau đọc thơ cùng đất nước bên mai vàng, hoa đào và rượu đế của quê hương.
Phạm Khang 
  Theo  http://www.vandanviet.com/ 



1 nhận xét:

  Xin làm gió thổi lại đôi – Chùm thơ Huỳnh Liễu Ngạn 21 Tháng Sáu, 2023 Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường m...