Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Chớ để sóng biển ướt chân em

Chớ để sóng biển ướt chân em
Bẵng đi một thời gian khá lâu, nay tôi mới hoàn thành được tập ca khúc thứ 39 này. Âu cũng chẳng muộn màng gì, bởi vì ngày của tháng năm còn dài, vẫn tiếp nối theo nhau. 
Không phải ngẫu nhiên mà tôi chọn đề tựaChớ để sóng biển ướt chân emcho tập ca khúc; một điều thật dễ hiểu, vì quê hương tôi cũng cùng chung với người nghệ sỹ tài hoa, mà tôi chưa hề quen biết, gặp mặt: Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Minh Đường ở TP. Qui Nhơn - Bình Định; trong lần tình cờ tôi quen đọc được trên Internet. Và cũng không khỏi ngạc nhiên lắm khi tôi lấy làm đề tựa cho tập ca khúc 39 này; cũng chỉ vì quá yêu, lắm nhớ quê hương, xứ sở bên bờ biển xanh của tôi vậy - TP. Qui Nhơn, Bình Định  ngày nào!. 
Người ta thường ca tụng cái “duyên” rất có duyên của người con gái, nào là: Má lúm đồng tiền, gương mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mái tóc dài tha thướt, môi son má phấn, đôi mắt huyền duyên dáng, dễ thương...
Bài ”Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, được người yêu thơ thuộc nằm lòng, cũng là tên một bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Phạm Đình Chương, mà người yêu nhạc còn mải mê gần nửa thế kỷ qua. Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây/ Cho nhẹ lòng nhớ thương. Tôi còn nhớ hai câu của nhà thơ Lưu Trọng Lư ngợi ca đôi mắt thời nào, làm đắm say lòng người bao đời: “Mắt em là cả một dòng sông. Thuyền tôi bơi lội trong dòng mắt em”. Đôi mắt ấy đã có một sức quyến rũ kỳ lạ được gởi gấm qua ca khúc: “Đôi mắt mùa xuân”: ''Đôi mắt biếc lóe lên màu hạt nắng/ Say men tình đắm đuối sợi mây hồng/ Sương khói mỏng giữa trời mơ lắng đọng/ Bờ môi mọng phiêu lưu cõi tình xa". Và rồi nữa''Đê mê lạ tròn xoe đôi mắt ấy/ Nụ xuân tình dâng tới đáy con tim/ Chìm mộng tưởng hay mơ màng chân trời tím/ Vang khúc hoan ca mùa xuân chín bên đời'' . Khi mùa xuân về trên đôi mắt em, cũng là lúc hạnh phúc đang ngập tràn cùng với Chúa xuân về với mọi người; để cõi lòng ai kia mê say mi mắt lạ, làm cháy bỏng con tim một người: ''Em! Đôi mắt mùa xuân dâng lời chúc/ Cố nhân ơi hạnh phúc Chúa xuân về/ Cõi lòng ai say mê mi mắt lạ/ Đón xuân về trong đôi mắt cháy tim ta".
Mùa xuân, mây núi và biển cả khôn cùng...
Ở đây chúng ta bắt gặp một bài thơ khá hay và hơi ngộ nghĩnh: "Trên đỉnh mê xưa'' của thi sĩ họ Đặng với cái tên đầy đủ: Đặng Kim Côn - Một người mà tôi từng quen biết gặp gỡ từ lâu, anh là một con người ''Văn võ song toàn''. Mở đầu bài thơ ''Trên đỉnh mê xưa'' anh viết với một giọng điệu hiếm hoi, một thái độ ngông nghênh chưa từng có trên đời: "Trời đất thấy ta ngồi trên núi không/ Ngồi với trái tim một kiếp bềnh bồng/ Như trăng đỉnh đồi trông mây gió/ Tưới sợi tơ vàng khắp cùng núi sông''. Cũng với một điệu giọng thách thức cùng đất trời mênh mông, mà thổn thức trong lòng nỗi hắt hiu bao ngày của: Một chút hào quang, một vì sao muộn và muôn chim trong những buổi sớm mai; để rồi một lần nữa: ''Trời đất thấy ta ngồi trên núi không/ Hát với muông chim những sớm mai hồng/ Đâu chút hào quang những vì sao muộn/ Hiu hắt nỗi lòng về đời mênh mông''. Bài thơ khá dài, thế là từ nhịp 4/4, tôi phải chuyển sang nhịp 2/4 khác, để bớt sự trùng lặp, nhàm chán. Thế rồi trong một ngày, ngoài một sớm mai hồng, những sớm sương giăng, lại đến một chiều mây dựng, mà ta vẫn cứ mãi đi tìm lại chính ta, kiếm tìm loanh quanh nơi chốn nào, ai mà biết được: Giữa đêm ngày - Nhật nguyệt đầy vơi à. Ô hay! Ta đi tìm lại chính ta, nhưng chỉ tìm lại được chiếc bóng của hình hài mà thôi: ''Những sớm sương giăng những chiều mây dựng/ Ta vẫn còn đây hay ở đâu rồi/ Cho ta tìm ta trong từng chiếc bóng/ Giữa những nhập nhàng nhật nguyệt đầy vơi''. Chưa đủ, nhà thơ tiếp tục kêu gào đất trời qua 2 đoạn kế tiếp 8 câu nữa cho thỏa lòng ước mong: ''Trời đất thấy ta ngồi trên núi không/ Trái tim như mây chợt sáng vô cùng/ Để soi thấy ta ngùi từng lệ nóng/ Bay ngút ngàn qua muôn lối mù không'' ''Trời đất thấy ta ngồi trên núi không/ ngọn thấp ngọn cao đá dựng đá chồng/ Đã rêu phong ta nghìn năm sinh tử/ Mưa nắng cõi người bao giờ đơm bông''. Rêu phong đời ta và mưa nắng trong cõi người bất tận theo tháng ngày. Một trái tim yêu thương vô bờ bến của kiếp người, trái tim ấy vẫn rộn ràng trong đất trời bao la. Bóng nhân thế vẫn mang mang trong cõi muôn trùng soi bóng. Và ''Trên đỉnh mê xưa'' năm nào, ai nào hay biết ai đang tồn tại hay biến hút một nơi nao. 
Hết lên núi rồi lại quay về với biển cả mênh mông, muôn trùng với sóng vỗ, đá ghềnh. Chính biển đã làm rạo rực, xuyến xao biết bao những tâm hồn văn nhân, thi sĩ của muôn đời. May mắn thay; chỉ có đất nước ta mới có những thành phố chạy dọc theo bờ biển cả mông mênh, sẵn sàng trông ra đại dương vô tận mà những nơi nào khác hiếm có được, ví như Lào, Cam Pu Chia chẳng hạn. Thế nên, chúng ta không yêu quý, nâng niu từ “Biển” sao được. 
Thú thật, trong tôi rất trân trọng phụ nữ nói chung và những người con gái nói riêng; ai nào nỡ ''động" đến phụ nữ dù là bằng một đóa hoa hồng, huống hồ chi: ”Sóng biển ướt chân em”, cho nên tôi thích thú với tựa đề đã chọn: ”Chớ để sóng biển ướt chân em” cho tập ca khúc thứ 39 này. 
Năm tháng dần trôi, đời người rồi cũng phôi pha theo dòng thời gian; chỉ có núi sông, biển trời là vĩnh viễn tồn tại mãi mãi. Nước sẽ theo sông xuôi trôi về biển cả mênh mông. Cuộc đời này cũng chỉ là giấc mộng trăm năm có chừng. Một buổi sớm mai kia, bên bờ bãi cát vàng tuyệt đẹp của biển mà liên tưởng đến cảnh”Sóng vỗ thì thầm ướt chân em/ Để sóng vỗ bờ ướt chân em”. Những con sóng từng đợt dạt trôi vào bờ, bên ghềnh đá gập ghềnh làm đắm say lòng người; sóng như vuốt ve ướt mềm đôi chân du khách đang tinh nghịch bên bờ biển kia“Miên man con sóng biển vỗ bờ/ Sóng bạc đầu thấm ghềnh đá nâu/ Ve vuốt ướt mềm chân du khách/ Cô gái nhoẻn cười da đỏ au”. Thế rồi bên bờ biển nọ không chỉ một mình cô gái mà có cả những vỏ ốc, chú còng chạy vội về biển, đằng xa nơi chân trời bóng hoàng hôn chìm dần xuống thật đẹp: những đám mây hồng tím giăng, để rồi miên man con sóng vỗ thì thầm làm ướt cả chân em lần nữa”Miệt mài vỏ ốc sóng đưa lên/ Chạy vội chú còng quay về biển/ Chiều sớm buông dần mây hồng tím/ Sóng vỗ thì thầm ướt chân em”. Cảnh tượng đẹp nhất trên bãi biển có lẽ là những đêm trăng thanh gió mát, được đẫm mình nơi biển vắng để ngắm nhìn mây trời trong ánh sáng của đêm trăng, thử hỏi lòng ai kia không ngất ngây theo trời đất bồng bềnh cho được”Những ngày trăng mật trên biển vắng/ Tắm cảnh mây trời dáng ngọc phơi/ Tâm hồn dào dạt lòng ngây ngất/ Trời đất bồng bềnh giấc ngủ quên”. Bây giờ là mùa hạ trời nóng nực, sóng biển làm mát rười rượi đôi chân em chứ sao lại lạnh; hay chỉ cái cớ, cái duyên tình nào đó, cái dịp để chàng trai nọ lau nhé đôi chân trần trụi cho em?. Tình đời ai nào biết được!. Chỉ có hai ta trên biển vắng người, thế là cô gái chỉ có mỉm cười nũng nịu làm duyên cho đôi má ửng hồng lên; và rồi sóng biển cũng đã làm ướt chân em tự bao giờ: “Sóng ướt chân em có lạnh không/ Cho anh lau nhé đôi chân trần/ Cô gái mỉm cười má đỏ thắm/ Để sóng biển vỗ bờ ướt chân em”. 
Đó là những lời lẽ rất có duyên trong bài thơ: “Sóng biển ướt chân em” của nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Minh Đường ở thành phố biển Qui Nhơn.
Hết xuống biển, để ''sóng vỗ bờ ướt chân em..''; lại lên vùng rừng núi cho thỏa thích. Cuộc đời mà như thế thì có gì vui sánh bằng. Chúng ta hãy quay về với rừng núi điệp trùng của miền cao nguyên lạnh: Đà Lạt
Một ''Đà Lạt trăng mờ'', ''Đà Lạt hoàng hôn'', Đà Lạt xứ mộng mơ, hay một ‘’Đà Lạt mùa trăng’’ của nhà thơ Trương Văn Long‘’Đà Lạt ta về để nhớ em/ Nhớ mùa trăng trước ướt hương đêm/ Xa em xa cả mùa trăng ấy/ Xa áo thu bay tóc gió mềm’’. Đó là một đoạn dạo đầu cho bài thơ‘’Đà Lạt mùa trăng’’. Đà lạt thật  mộng mơ, nếu ai đã từng ở nơi ấy thì biết rõ – Một hồ Xuân Hương bát ngát mênh mông trải khắp phố phường Đà Lat, ai chỉ một lần ghé thăm Đà Lạt sao mà không biết được. Một hồ Than thở, nơi ấy đã từng mang dáng dấp của những cuộc tình tan vỡ, biệt ly, mà ''Đồi thông hai mộ'' năm nào đã in đậm dấu ấn. Một dòng thác Prenn cao ngất, hùng vĩ, hay một Cam Ly giữa lòng thành phố lững lờ trôi chảy như một khúc nhạc lòng bên suối thơ, để ta liên tưởng đến‘’Trăng mờ bên suối’’ của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên năm xưa nào. Và chúng ta không bao giờ quên Đồi Cù thênh thang trải rộng, nơi xóa tan bóng dáng huyền thoại như một lịch sử: ''Ngôi nhà trăm nóc'' của kiến trúc sư tài danh Lữ Việt Phương. Đồi Cù cũng là nơi hò hẹn của những cặp tình nhân, nay chỉ còn lại dấu vết cũ xa xưa của một thời yêu đương say đắm, hay những cuộc tình vỡ lỡ chia xa biền biệt trong nỗi đợi chờ, mong ngóng nhớ trông. 
Nói đến Đà Lạt mà không nói đến sương mù và thông reo trong gió thì cũng là một điều thiếu sót lắm vậy: ‘’Đâu khúc đàn mơ bên suối thơ/ Mảnh trăng chìm nổi giữa bơ vơ/ Đồi Cù thuở ấy mình ly biệt/ Hai nẻo chia xa nỗi đợi chờ’’. Và rồi không bao giờ quên được hình ảnh: ‘’Lung linh như nước hồ Xuân Hương/ Mắt em buồn lệ mờ trong sương/ Người đi nghiêng ngả vầng trăng lạnh/ Ngã bóng trăng rơi rải mặt đường’’. Những hình ảnh trong đoạn thơ như: ‘’Mắt buồn’’; ‘’Lệ mờ trong sương’’ rất đẹp.
Gặp nhau đây như một khách lữ hành, rồi cũng xa thôi. Ta xa em và xa cả Đà Lạt mùa trăng nữa: ‘’Ta cũng xa rồi em cũng xa/ Thương trời Đà Lạt hạt mưa sa/ Thương mùa trăng cũ soi trên áo/ Áo lụa tình trăng sáng mượt mà’’. Và đây là đoạn kết của bài thơ: ‘’Lấp loáng đồi thông những bóng mây/ Những mùa trăng lạnh biếc trên cây/ Ta qua phố cũ buồn muôn lối/ Áo trắng ai bay gió lạnh đầy’’.
‘’Đà Lạt mùa trăng’’, ở đâu chúng ta cũng bắt gặp ‘’Trăng’’ cả, chẳng thua kém gì một thi sĩ họ Hàn ngày trước. Con chữ ‘’Trăng’’ tần ngần, hiện diện trong mỗi một đoạn thơ. Nào là ‘’Mùa trăng trước’’,’’Mùa trăng ấy’’, ”Màu trăng cũ’’, ”Mùa trăng lạnh biếc’’,‘’Tình trăng sáng’’; nào là ‘’Mảnh trăng chìm nổi’’, ‘’Vầng trăng lạnh’’, ‘’Bóng trăng rơi’’... cũng đủ nói lên những ảnh hình của mùa trăng Đà Lạt lắm vậy.
   Một cơn gió thoảng, một làn mây bay nơi xa vắng. Bao chừng ấy cũng đủ để làm ngất ngây, xao động tâm hồn người nghệ sĩ đến dường nào, trước vẻ đẹp của thiên nhiên huyền ảo, mầu nhiệm. Hiện tượng nắng mưa bao mùa đã len vào cõi lòng người, để rồi một ngày kia ca khúc''Đôi khi nắng mưa'' được ra đời''Đôi khi nắng mưa về bên phố/ Đôi khi thở than lời của gió mông lung/ Tiếng chim kêu hót vang tận nghìn trùng biển khơi/ Khóc than lời của gió bão bùng bên trời.''.
Ngày mặt trời mọc và đêm xuống mênh mông khôn cùng, đứng trước cảnh bao la, hùng vĩ của đất trời mà cảm thấy thân phận người nhỏ bé vô cùng, con người như một kiếp phù du ngắn ngủi - mới đó mà đã vĩnh viễn xa rồi, như‘’Hoa nở để rồi tàn, trăng tròn rồi lại khuyết, bèo hợp để rồi tan, Người gần để rồi ly biệt” thế thôi; chẳng từ một thừ gì còn tồn tại mãi mãi với thời gian. Thi sĩ ngày xưa họ khôn lắm”Thôi công đâu chuốc lấy sự đời, tiêu khiển một vài chung lếu láo’’ cho vui với tháng ngày nơi trần thế. Rồi một ngày kia ai nấy cũng phải lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng đêm ngày thì vẫn tồn tại mãi“Ngày nào còn sống hay vắng bóng trên đời/ Ngày chói chan mặt trời hay đêm xuống mênh mông khôn cùng/ Ôi! Thân phận người/ Ôi! tựa cánh phù du/ Một đời phiêu lưu đây đó ngậm ngùi’’. Những buổi chiều ngồi bên phố nghe tiếng mưa rơi, mà chạnh lòng nhớ nhung về chốn xa xăm nghìn trùng bên kia bờ đại dương. Một bóng đêm chìm xuống, thế là một ngày đã qua rồi. Hết đêm rồi đến ngày, hết bóng tối của đêm đen sẽ đến một ngày của ánh nắng mặt trời. Vạn vật cứ thế mà luân chuyển theo định luật. Một ngày mới bên khung trời, nắng vừa lên cũng là lúc nỗi nhớ nhung da diết về phương trời cũ’Đôi khi nắng mưa chiều bên phố/ Đôi khi bóng đêm chìm đâu đó hư không/ Ngày nắng tắt bên sông/ Đêm mưa gió bão bùng/ Chờ ta với ngày nắng mới bên khung trời nhớ nhung’’.
   Nắng mưa là qui luật muôn đời của trời đất mà sao ta cứ băn khoăn, ray rức mỗi khi nắng lên hay một chiều mưa rơi nào đó, nó làm xuyến xao trong lòng tôi’Đôi khi nắng mưa làm ta nhớ/ Đôi khi gió lên từ đâu đó hỡi em”. Và rồi “Nắng mưa trong đời/ Mưa nắng bên hiên thềm/ Nắng mưa trong lòng tôi/ Mỗi khi nghe chiều rơi bên trời’’. 
Đề tài nắng vẫn còn còn bàng bạc đâu đây bên dòng sông trong ca khúc‘’Nắng mới bên dòng sông’’
Nắng gió mây trời vẫn là chủ thể muôn đời trong thi ca. Bởi vậy, tôi lấy làm thích thú lắm khi viết lên ca khúc''Nắng gió mây trời'' vào một ngày tháng 7/2015 tại TP. HCM, ca khúc có đoạn"Nắng gió bên trời cho ta tắm thở/ Nắng ở trên cao gió trốn phương nào/ Nắng gió bên đời như gọi như mời/ Nắng tươi gió mới rong chơi cuộc đời''. Trong cả ca khúc, tôi vẫn thích nhất hai câu"Nắng gió còn đó như có như không/ Tháng ngày mênh mông ngắm trông mây trời''.
Một chút nắng vàng tưng bừng, một tí gió reo mừng bên dòng sông ngày nào vẫn còn lắng đọng trong lòng người; lời ca, tiếng hát bên dòng sông ngày ấy vẫn còn nghe văng vẳng bên tai. Cuộc đời như thế mà vui thay, cái vui sướng nào sánh cho‘’Nắng tưng bừng/ Gió reo mừng ngày vừa lên trong nắng/ Hát vang lừng/ Ngày thênh thang đời miên man nắng ấm/ Vui ca lên/ Ngày nắng mới mênh mông bên dòng sông’’. Trên dòng sông một con thuyền lững lờ trôi theo gió nhẹ; trong một buổi chiều thật êm ả và giọng hát nào cứ mãi vang xa theo gió đưa’Bên dòng sông/ Mây nước trôi lững lờ thuyền ai đậu đó/ Ngày nắng gió/ Sông nước xuôi con đò giọng hát vang lên/ Thuyền lên đênh/ Trên dòng sông một chiều êm’’. Dòng sông kỷ niệm, bến sông dài xa vắng tanh khi màn đêm buông xuống, để rồi chúng ta bắt gặp một người vẫn còn thẫn thờ như còn luyến tiếc một kỷ niệm bên dòng sông ấy‘’Bóng chiều tan nhanh/ Đêm xuống dần dòng sông giờ vắng tanh’’... ‘’Bên dòng nước trong một người ngóng trông/ Mơ về nơi xa xăm bên dòng sông’’. 
Vẫn là cái nắng, cái gió trong đời người. 
Có ai từng chứng kiến cái nắng của miền Nam Trung bộ thì biết, nhất là cái nắng gió vùng Phan Rang, Phan Thiết, ở Cam Ranh thì chẳng kém. Nắng quá, quá nắng vào những ngày tháng hè, cho nên tôi đã hì hục viết thành lời nhạc cho ca khúc’Bao mùa nắng hạ’’ như một lời thở than, than thở cùng đất trời, mong sao cho thỏa lòng‘’Nắng lung linh long lanh bên người/ Nắng mênh mông xa đưa chân trời/ Bao mùa nắng hạ dần trôi qua/ Ôi còn gì lắng đọng trong ta’’.
Một năm có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng sao mùa hè ở đây lại nóng bức đến thế, đến nỗi‘’Nắng chói chang lan tràn bầu trời/ Nắng gắt gay cháy da thịt người’’. Năm tháng cứ dần trôi qua để rồi tóc trên đầu cũng phai theo màu thời gian‘’Bao mùa nắng hạ nối theo nhau/ Sợi tóc trên đầu dần trắng phau”. Thôi ta cứ lãng quên đi cái nắng hạ bên trời để một đời phiêu lưu đây đó tận cùng của kiếp phù du này“Nắng bên trời đếm đong tháng ngày/ Nắng hạ bao mùa như múa như reo/ Nhớ những ngày nắng hạ tan theo/ Ô kiếp phù du một chiều phiêu lưu/ Đời phiêu lãng, lãng quên bao mùa’’
Mùa hạ rồi mùa thu. Cái nắng quái ác và oi bức đã nhường chỗ cho một mùa thu mát mẻ, trong lành. Thế rồi ‘’Tình thu’’ chớm nở, ca khúc:‘’Nhớ chăng tình thu’’ sẽ nói lên những gì đáng nói về một mùa thu kỷ niệm. Nói đến mùa thu, chúng ta liên tưởng ngay đến mùa lá vàng rụng rơi bên thềm, trong sân vườn nhà, và rồi ca khúc‘’Mùa thu lá rơi” được hình thành từ đó. Đó là những ca khúc viết về mùa thu được đề cập tới trong tập 39 này. 
Nhà thơ Phạm Nguyên Lộc có bài”Tình thu’’ rất hay ngay từ những câu đầu, mà tôi mạo muội viết thành ca khúc và xin trích ra đây”Diện bích chờ bóng em/ Cung đàn xưa vời vợi/ Lòng chợt trải năm cung/ Khúc tình ca mây khói’’. Mùa thu là mùa của tình yêu đôi lứa, mùa của những nhớ nhung tha thiết, ai mà cân đo, đong đếm được. Và thử hỏi đã mấy mùa lá vàng rơi để tình ta vấn vương theo ngày tháng: ''Tháng ngày như đi hoang/ Mấy mùa thu lá vàng/ Cân đong đầy nỗi nhớ/ Gió chiều hồn đấy em’’. Cuộc tình nào rồi cũng ra đi, nếu chúng ta không kiềm hãm được những oan trái, éo le, như con sáo kia sang sông biết bao giờ trở lại‘’Cuộc tình người có biết/ Con sáo đã sang sông/ Một lần không gặp mặt/ Lá ủ kín mộ hồn’’. Một chiều kia gió thu về, một mình ta ngồi đây lặng lẽ lắng nghe lá vàng rơi xào xạc, mà nghĩ suy về một dĩ vãng xa xôi chất chứa đầy kỷ niệm‘’Chiều nay gió thu sang/ Ta ngồi ngắm lá vàng/ Rơi lạc về dĩ vãng/ Chất đầy cổ kính không’’
Mùa thu cũng là mùa đẹp nhất, bởi vì cây lá hoa xinh tươi, ong bướm hút nhụy hoa trong vườn, chim chóc reo vui chuyền cành‘'Cây lá hoa xanh tươi muôn màu/ Người yêu dấu ơi trọn đời yêu thương nhau/ Đàn ong bướm sân vườn lượn lờ/ Hút nhụy hương hoa bên đời trong nắng chiều nên thơ’’. Một mùa thu tới làm gợi nhớ những tình cảm xa xưa nào, mà chỉ có lặng ngắm nhìn nơi chân trời, góc bể vắng xa, may đâu mới nguôi ngoai nỗi nhớ nhung, đợi mong trong lòng‘’Mùa thu, mùa thu tới muôn nơi/ Ngập lối lá thu rơi, rơi nơi hiên thềm/ Một người phương xa trông chân trời vắng/ Có nhớ chăng tình này ai thấu cho cùng mây trăng’’
Thật cảm xúc khi mùa thu về, để ‘’Mùa thu lá rơi’’ cho những câu thơ duyên dáng, dễ thương‘’Hôm nay trời vào thu/ Đường ngập lối sương mù/ Chim kêu cành cây cao/ Đường chiều lá thu xôn xao”. Ở nơi xa xăm kia, một mình ai đang âm thầm trên lối đi khi mùa thu sang ngập những lá vàng rụng rơi dưới chân‘’Mùa thu, mùa thu về bên thềm/ Lá vàng. Lá vàng rơi dọc đường đi tới/ Bước chân ai đi về trên lối/ Âm thầm nghe lá thu chiều rơi‘’. Một hình ảnh rất đẹp về mùa thu trong tưởng tượng vẫn còn đọng mãi trong tâm hồn. 
Ngoài trời kia, lá mùa thu rơi rụng khắp nơi nơi, chỉ còn những cành cây trơ xương đứng thẳng, lá rơi tơi bời như cõi lòng ai tan tác. Đêm khuya vắng muôn trùng, ai thấu cho ai tình cảnh này, chỉ có thở than, than thở theo chiều gió cuốn, mây trôi‘’Một chiều thu lá rơi tơi bời/ Tan tác cõi lòng tôi muôn lối/ Đêm xuống dần bước chân ai về qua ngõ tối/ Than thở than cùng ai đêm thanh vắng muôn trùng’’. Và mùa thu này lá vẫn rơi như bao mùa thu khác, nhưng lá thu sao rơi rụng tiêu điều hơn những mùa thu xưa:’’Hôm nay trời vào thu/ Đường vương nắng bóng chiều/ Mùa thu lá vẫn rơi/ Lá thu rơi, rụng rơi tiêu điều’’.
Nhà thơ Bùi Giáng có hai bài thơ nhỏ tuyệt hay, đọc qua tôi cảm thấy thích thú vô cùng. Hai bài đó là ‘’Có lẽ’’ và ‘’Nhìn thấy’’. Nếu tách bạch từng bài một, một bài chỉ có 4 câu ngắn ngủi thì làm sao có thể viết thành một ca khúc, vì còn thiếu chữ nghĩa, mà thêm chữ thì cũng khó không kém. Nên đành suy nghĩ mãi, phải cố gắng viết cho nên một ca khúc để nhớ về một nhà thơ tuyệt vời mà tôi hằng mê thích: Bùi Giáng. Thế rồi tnh cờ một sáng nọ cùng đi ăn; uống với cả nhà hôm 14/7/2015 ở khu nhà đẹp quận 7, khu phố Phú Mỹ Hưng TP. HCM. Ngồi trong quán càfe, tôi chợt nghĩ và viết liền một mạch với tựa đề cho ca khúc ‘’Có lẽ nào nhìn thấy’’, phỏng thơ của ông: ‘’Người nằm ngủ ơ...mơ thấy gì/ Thấy rất nhiều nắng lạ/ Những chùm bông ơ...giờ rất xanh/ Có lẽ bông là lá’’. Và tiếp 4 câu 5 năm chữ nữa cũng trong trạng thái lơ mơ ngủ: ‘’Người nằm ngủ i...thì thấy gì/ Chẳng thấy gì hết cả/ Ngài thử nằm... nhắm mắt ngủ đi/ Đừng hỏi gì hết cả i.. í.. a’’. Thật là trên cả tuyệt vời của chữ nghĩa. Đoạn thơ này được viết với giọng la trưởng, nhịp 2/4. 
Hai lần nằm ngủ mơ: Mơ thấy nhiều nắng lạ, nhưng có cái nắng nào lạ đâu, thế mới thật là hay. Mơ thấy bông là lá - ô hay; bông là bông mà lá là lá, chứ sao cái này là nguyên nhân của cái kia, thật là lạ. Thế mới hay chứ trong việc dùng chữ nghĩa. Mơ lần thứ hai thì chẳng thấy gì hết cả. Và còn thử thách đố ‘’Ngài’’. Ngài cứ nằm nhắm mắt ngủ đi và lặng thinh, không hỏi han gì nhé, vì có hỏi cũng chỉ bằng thừa. 
Bởi vì xét cho cùng, trong giấc mơ cũng chỉ là ảo ảnh: Có và không, không và có cũng là chuyện hư vô mà thôi.
Đoạn thứ hai, tôi chuyển sang nhịp ¾ cũng với giọng la trưởng: ‘’Mỗi sáng mai tôi nhìn mặt trời mọc trong mây/ Mỗi chiều tối tôi nhìn mặt trời lặn trong mây/ Suốt ngày tôi lắng tai nghe/ Tiếng chim hót trong lá cây reo/ Và nhìn thấy rất nhiều/ Mùa xuân mênh mông đang đi tới ...bên đời’’. Đây là mấy câu thơ ngắn trong bài thơ ‘’Nhìn thấy’. 
Bài thơ ‘’Có lẽ’’ là một dấu hỏi lớn trong đời, còn bài ‘’Nhìn thấy’’ thì là những chuyện thực sững sờ trước mắt. Hư và thực, thực và hư trong cuộc đời đan xen nhau. 
Trong cõi đời, ít ai để ý đến những hiện tượng thiên nhiên của trời đất, tưởng chừng như những điều bình thường nhất, như mặt trời mọc buổi sáng, lặn buổi chiều. Nhưng đối với nhà thơ thì lại khác, nhất là đối với Bùi Giáng - Ông lấy chữ nghĩa từ trên trời xuống. 
Mặt trời mọc và lặn trong mây thì đẹp biết chừng nào, ta hãy cứ thử tưởng tượng đi sẽ biết, đôi khi còn có thể vẽ nên một bức tranh tuyệt tác nữa là đằng khác. 
Còn nữa, chưa hết chuyện đâu, trong một ngày hết sáng rồi lại chiều, nhà thơ còn nghe cả tiếng chim hót trong lá cây reo nữa. Người mà thảnh thơi như thế thì sướng vô cùng tận trên cời đời này. Bùi Giáng có cặp mắt tinh anh khác người, như có lần ông viết''Còn hai con mắt khóc người một con''. Trong bài thơ ''Nhìn thấy'', ông quan sát thật kỹ, thấy rất nhiều, nhất là thấy mùa xuân mênh mông đang đi tới...bên đời. 
Chỉ có chừng chữ ấy thôi, nên tôi đành phải thêm thắt vào 2 đoạn nhỏ nữa cho đủ một ca khúc, nhưng lại chuyển sang giọng la thứ một đoạn ngắn, rồi trở lại la trưởng như ban đầu với nhịp 3/4.
    Từng giọt đời đậm nở trên môi, những khi nghe chiều rơi. Nó làm ta băn khoăn, tiếc nuối về một thời xa xăm, thoáng như hình ảnh ''Nhớ rừng'' trong thơ Thế Lữ. Ngày ấy nay đâu rồi, giờ chỉ là kỷ niệm trong ngăn kéo. Thôi níu kéo, nuối tiếc tháng ngày cũ mà làm chi cho mệt nhọc một đời...Tôi muốn nói đến hai chữ: ''Thời gian''.
Trong cơ học cổ điển, không gian và thời gian là hai khái niệm hoàn toàn riêng biệt.
Thời gian là một khái niệm để diễn tả trình tự xảy ra của các sự kiện, biến cố và khoảng kéo dài của chúng. Thời gian được xác định bằng số lượng các chuyển động của các đối tượng có tính lặp lại và thường có một thời điểm mốc gắn với một sự kiện nào đó.
Từ ‘’thời gian’’ có trong tất cả các ngôn ngữ của loài người. Khái niệm thời gian có thể có cả ở động vật. Định nghĩa về thời gian là một định nghĩa khó nếu phải đi đến chính xác. Đa số chúng ta ai cũng phải dùng từ đó và nói đến nó, ví dụ ‘’thời gian trôi’’,.. và do đó dứt khoát phải có một cách hiểu chung nhất.
Thời gian là một thuộc tính của vận động và phải được gắn với vật chất, vật thể. Giả thử rằng nếu mọi vật trong vũ trụ đứng im, khái niệm thời gian trở nên vô nghĩa. Thời gian chỉ có một chiều duy nhất, đó là từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Thời gian là một đại lượng mang tính vĩ mô.
Không gian là phạm vi không giới hạn, trong đó vật thể và sự kiện có khoảng cách và vị trí tương đối. Không gian vật lý thường được hiểu là không gian ba chiều, tuy nhiên các nhà vật lý hiện đại coi nó, cùng với thời gian là một phần của không - thời gian, không gian bốn chiều liên tục.  
Trong văn thơ, âm nhạc, người ta cũng dùng khá nhiều khái niệm thời gian như bài thơ‘’Dòng sông, thời gian và cuộc đời’’ của nhà thơ Nguyên Nhung hoặc bài thơ‘’Thời gian’’ của nhạc sĩ Văn Cao - Triều Châu, mà tôi sẽ trích dưới đây trong ca khúc ‘’Thời gian’’“Thời gian qua kẽ lá/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi như tiếng sỏi/ Trong lòng giếng cạn”. Và đoạn thứ hai nữa‘’Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh/ Và đôi mắt em/ Như hai giếng nước’’. Hai đoạn thơ trên là của Văn Cao, ý tưởng thật cao siêu, ai mà hiểu cho được ông muốn nói lên điều gì muốn nói, âu đành vậy. Nhưng với nhà thơ Triều Châu thì bình dân, mộc mạc và chân tình hơn cũng trong bài thơ ‘’Thời gian’’‘’Hai mươi năm, hai mươi năm và hai mươi năm sau nữa/ Mỗi thời gian khoảnh khắc cách xa nhau/ Từ xuân xanh đến buổi bạc đầu/ Thời gian không đứng đợi/ Bao thăng trầm theo nhau mãi/ Như dòng sông từ nguồn tuôn chảy/ Chảy về xuôi mãi mãi với thời gian’’.
Thời gian, mới ngày nào đó còn chẳng biết cái chi chi....mà đến nay đã gần cập kê cái tuổi ‘’Lục thập’’ rồi, nên đành phải nói lời chia xa nơi chốn cũ, để có dịp nghỉ ngơi, dưỡng sức, để có những dòng hồi tưởng‘’Ngày về hưu những trăn trở theo dòng đời’’. Thời gian luôn có chờ đợi một ai đâu, ví như dòng sông kia từ nguồn tuôn chảy ra biển cả, qua bao quá trình gập ghềnh của sỏi đá, rong rêu, của những ngày bão giông như cuộc đời.
''Dòng sông cũ, vài chiếc thuyền con, gió khuya, bờ sông lạnh, một vầng trăng úa, vỡ làm đôi...''. Đó là những từ ngữ phảng phất trong ca khúc‘’Dòng sông, thời gian và cuộc đời’’ của nhà thơ Nguyên Nhung‘’Mai về ngắm lại dòng sông cũ/ Vài chiếc thuyền con cũng rã rời/ Gió khuya phả xuống bờ sông lạnh/ Một vầng trăng úa vỡ làm đôi’’. Thời gian trôi qua đi không bao giờ quay trở lại. Hôm nay là hiện tại, ngày mai là tương lai, nhưng ngày hôm nay qua đi, nó sẽ trở thành quá khứ của ngày mai, thế thôi. Nhanh thật như tia chớp, như bóng câu qua cửa sổ của một ngày đi qua. Đời người cũng như dòng sông mãi trôi theo bóng thời gian; và mai kia, mốt nọ cũng lên màu xanh rêu theo dòng thời gian, có gì đâu‘’Mỗi một ngày bóc một tờ lịch mới/ Thời gian trôi trôi mãi như dòng sông/ Không thấy bao giờ thời gian quay trở lại/ Chỉ thấy cuộc đời xanh như màu rêu’’. Cuộc đời là một bức tranh đậm nhạt của sắc màu, của muôn hồng ngàn tía. Nếu có lúc ta đắm hồn mình trong mộng ảo, thì có khi sẽ bừng tỉnh một cơn mơ trong giấc mơ đời người hư ảo. 
Dòng sông, cuộc đời và thời gian chắc có lẽ gắn bó hữu cơ với nhau. Sông cứ chảy xuôi về biển cả, đời người như một giấc mộng dài và ta lại đếm đong thời gian: Quá khứ, hiện tại, tương lai’Đời trôi đi như giấc mộng dài/ Sông cứ chảy về biển xa khắc khoải/ Hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi mai sau’’
   Bài thơ nghe ra thật thâm thúy vô cùng, nó chất chứa đầy một triết lý nhân sinh của đời người lắm ru.
   Một buổi chiều mưa thật buồn nơi phương trời xa thẳm tận Chicago, mà lắng lòng mình để nghe bao kỷ niệm dần về, của ngày tháng cũ đong đưa bên đời. Thế rồi những cảm xúc lắng đọng trong ca khúc‘’Mưa rơi chiều kỷ niệm’’ ‘’Ngày tháng nào phương trời mưa rơi bên thềm/ Ngày tháng nào êm đềm chiều mưa bay/ Buồn này ai thấu hay/ Chiều mưa bay trong đời’’. Hạt mưa rơi, hạt mưa bay, mưa bụi bay, mưa lắt lay trong những chiều thu nơi phương xa ấy thật hao gầy theo ngày tháng‘’Hạt mưa bay theo gió lay/ Hạt mưa rơi trôi phương trời nào xa xôi/ Mưa bụi bay tháng năm này/ Mưa lắt lay trong những chiều thu hao gầy’’. Chiều mưa rơi nơi phương trời gợi nhớ bao kỷ niệm chốn xa xưa, ngày tháng cũ, mà không khỏi xót xa, ngậm ngùi những nỗi đau nơi trần thế‘’Chiều nay cơn mưa chiều kỷ niệm/ Chiều nay khung trời chiều nhuộm tím/ Trông về nơi chốn xa xưa ngày ấy/ Nhớ về đâu bóng xuân xanh sao tìm thấy/ Mà xót xa niềm đau’’. Thế rồi, ngày tháng bên nhau êm đềm xưa cũ, ta lại nuối tiếc thời gian sao chóng qua, một chiều phôi pha tình sầu ngày ấy. Giờ chỉ còn là kỷ niệm của nhớ thương trong một chiều mưa rơi‘’Mưa rơi chiều kỷ niệm’’ thôi.
   Nhà thơ Vũ Hữu Định có nhiều bài thơ hay được phổ nhạc, bài thơ‘’Đời vẫn có em’’ là một trong những bài thơ hay đó’Về một nơi nào ta vẫn có em/ Đường xa không đốt được ưu phiền/ Những con đường núi sâu hun hút/ Những phố đìu hiu không nhớ tên’’. Mấy từ ngữ ''Không đốt được''; ''núi sâu hun hút''; ''phố đìu hiu'' thật đẹp mà sâu lắng. Thế rồi, nơi rừng núi Tây nguyên đèo heo hút gió: Một rừng sương, chim muông, hoa rừng, lũ vượn cũng đủ cho tình tri âm, tri  kỷ của những ngày sống nơi rừng rú kia vơi đi nỗi cô đơn‘’Ta ở đây sống giữa rừng sương/ Có bạn là chim không chút chán chường/ Có hoa không bán giăng đầy núi/ Có lũ vượn về chung thủy trên nương’’. Cuộc đời, em và thơ thế cũng đủ lắm sao, thở hơi sương khói, quét lá rừng đốt tương lai mà chẳng cần đoái hoài đến một ngày mai làm gì‘’Ta vẫn có em đời vẫn có thơ/ Ta đi quét lá đốt tương lai/ Thở hơi sương khói tình xanh ngát/ Không biết ngày mai ôi một mai’’. Vượn yêu rừng, hoa núi lừng hương, chim hót là những hình ảnh đẹp của rừng núi, của thiên nhiên mà ta hằng yêu quí, có gì đâu mà phải sầu, phải thảm cho một ngày mai: ‘’Sao chẳng yêu như vượn yêu rừng/ Như hoa núi thở thả lừng hương/ Như chim vẫn hót trên cành mát/ Mà lại sầu phải khóc tương lai’’. Em và thơ, thơ và em là nguồn an ủi, ủi an cho cuộc đời này, chẳng bao giờ vắng bóng một trong hai, để rồi đời người sẽ được tấu lên những khúc nhạc rừng ban mai bên khe suối: ‘’Ta chẳng về đâu đời chẳng có em/ Có em khi núi thở sương đêm/ Có em là mộng ru trăng ngủ/ Bên suối hồn sao hát nhạc rừng’’. 
Bài thơ giàu nhạc điệu, đầy âm hưởng của núi rừng Tây nguyên, mà tưởng chừng như lãng quên năm tháng.
Một mùa thu về rồi, mùa thu của lá rơi làm ta liên tưởng đến ca khúc: ‘’Mùa thu lá rơi’’ trong tập này, một hình ảnh thật đẹp của mùa thu hiện ra trước mắt: ‘’Hôm nay trời vào thu/ Đường ngập lối sương mù/ Chim kêu cành cây cao/ Đường chiều lá thu xôn xao’’. Mùa thu lá vàng rơi khắp lối, người lữ lặng lẽ đi về trên con đường ngập lá vàng, mà lắng lòng nghe tiếng lá rơi thì thật thú vị biết nhường nào: ‘’Mùa thu mùa thu về bên thềm/ Lá vàng lá vàng rơi dọc đường đi tới/ Bước chân ai đi về trên lối/ Âm thầm nghe lá thu chiều rơi’’. Có ai biết được một chiều thu nào đó, lá thu rụng rơi tơi bời để lòng ai kia tan tác theo lá thu chiều rơi, để những lời thở than về thân phận đời người vang theo đêm thanh vắng ngút ngàn, nhưng chỉ riêng có một mình tôi với ta thôi: ‘’Một chiều thu lá rơi tơi bời/ Tan tác cõi lòng tôi muôn lối/ Đêm xuống dần tiếng gót chân ai về qua ngõ tối/ Than thở than cùng ai đêm thanh vắng muôn trùng’’. Một mùa thu nữa lại đến bên thềm xưa, nhưng lá thu rơi rụng rơi sao tiêu điều quá đỗi, không như những mùa thu năm trước‘’Hôm nay trời vào thu/ Đường vương nắng bóng chiều/ Mùa thu lá vẫn rơi/ Lá thu rơi rụng rơi tiêu điều’’.
   Xuân hạ thu đông, bốn mùa đủ cả. Một mùa thu qua đi, mùa đông sẽ tới. Cỗ máy thời gian cứ mãi quay đều theo tháng ngày, nó ghi nhận tất thảy mọi sự kiện, hiện tượng trong trời đất. Một ngày đã qua, một chiều chóng qua, một ngày xót xa của thân phận con người. Bao buồn vui, khổ đau hay vinh quang và cay đắng của đời người, rồi cũng có ngày qua thôi, ví như ngày kia chóng tàn, sẽ nhường chỗ cho đêm xuống mênh mông khôn cùng. Mọi sự vật, hiện tượng cứ thế mà luân chuyển nhau theo một chu kỳ định sẵn. Tâm trạng đó được thể hiện trong ca khúc ‘’Rồi một ngày’’’Một ngày ngày đã qua/ Ôí một ngày xót xa/ Một chiều chiều chóng qua/ Sao phận này thật lạ/ Buồn vui khổ đau / Ngày vinh quang ngày cay đắng ngọt bùi’’. Thân phận con người thật mong manh trong đất trời bao la muôn trùng, chúng ta vẫn đau đáu trong lòng những ước mơ xa xôi nào đó hay mơ ước ăn ngon, mặc đẹp hoặc nhà cao cửa rộng trong một cuộc đời vật chất sung túc, đủ đầy: ‘’Một ngày ngày qua đi/ Thân này có sá chi/ Một chiều chiều mơ gì/ Ước mơ bao điều xa xôi trong đời’’. Rồi một ngày nơi chân trời mới, ta sẽ vui với niềm vui say chới với, ngất ngây trong đời‘’Một ngày kia bến bờ rất lạ ta qua/ Ta đi rong chơi cuộc đời chân trời mới/ Niềm vui say chới với ta đi’’. Thế rồi, ngày vui chóng tàn, đời người cũng héo tàn theo dòng thời gian, như loài hoa kia sớm nở, tối tàn theo qui luật tự nhiên. Đời người có gì đâu mà băn khoăn, lo lắng một đời cho mệt’Rồi một ngày ngày chóng qua/ Ôi phận người nỗi  xót xa cho vừa/ Rồi một chiều chiều đã qua/ Thân phận này thêm tàn phai héo úa theo tháng đong đầy’’.
Cuộc đời là như thế, cho nên chúng ta ‘’Hãy yêu thương’’ nhau. ‘’Hãy yêu thương’’ như một thông điệp của người đời. Chỉ có tình thương mới lấp che đi những khốn khổ đời người: ‘’Hãy yêu thương nhau bên đời mưa gió/ Hãy yêu thương nhau tận cõi xa mờ/ Nước sông vẫn trôi lững lờ năm tháng/ Hãy yêu thương nhau ngày tháng trên đời’’. Lời yêu thương như một hồi chuông cảnh tỉnh người đời, như một mệnh lệnh thôi thúc bên trời, bởi vì ‘’Còn có bao ngày’’ nữa đâu nơi trần thế: ‘’Hãy yêu thương đi ngày tuổi xuân thì/ Hãy thương yêu đi ngày ấy mơ gì/ Tháng năm qua mau rày đây mai đó/ Hãy yêu thương đi cón có bao ngày”. Tình yêu thương vô bờ bến, kể cả những ngày giông tố, bão bùng trong cuộc đời, vì một ngày mai kia khi nhắm mắt xuôi tay, khỏi phải lời ân hận, muộn màng‘’Hãy yêu thương thôi những ngày giông tố/ Hãy yêu thương thôi ngày đó muộn rồi/ Bến sông nước trôi theo dòng năm tháng/ Hãy yêu thương thôi đừng khóc than bên trời’’. Trong ca khúc ‘’Hãy yêu thương’’, chắc có lẽ cũng đủ chữ nghĩa của ‘’yêu thương’’nào là ”yêu thương nhau, yêu thương đi, yêu thương thôi’’, cứ như thế mà lập đi lập lại nhiều lần như một điệp khúc, như một lời mời gọi thế nhân‘’Hãy yêu thương đi xua bao ngày gian khó/ Hãy yêu thương thôi xin đừng nói dong dài/ Ngày mai trọn đời bên nhau/ Dù chốn nào nơi đâu/ Cho vơi tan u sầu kiếp người’’.
Một sáng sớm hôm nọ, tình cờ tập thể dục trên tầng 9 sân thượng của chung cư tại quận 7 TP. HCM, tôi quen gặp một người em Hoàng Gia Lâm - kỷ sư điện tử. Thế rồi hình như ‘’Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cả hai bỗng dưng mến mộ nhau liền, chụp hình kỷ niệm và tôi viết liền ca khúc ngay ngày hôm đó, bởi vì ‘’Tình người bao la’’ để tặng người em, bởi vì ngày mai kia sẽ không còn gặp gỡ nhau tại nơi này nữa, bởi cả nhà tôi chuyển đi nơi khác rồi‘’Thôi chia tay từ đây/ Lòng dạt dào mến thương những ngày/ Mai chia tay rồi đây/ Lòng nhớ thương những chiều bao điều’’. Tình người thật bao la muôn trùng, xin nói lời chia tay nhau nhé, biết đâu một ngày nào đó, ta sẽ gặp nhau nơi chân trời góc bể: ’Xin nói lời chia tay từ đây/ Tình người bao la đong đầy trong ánh mắt/ Xin nói lời chia xa ngày tháng qua/ Đất trời mông lung/ Lòng người bao dung tháng ngày”’. Gặp nhau rồi chia tay nhau là chuyện bình thường trong cuộc sống, nhưng có sự chia xa nào mà không luyến tiếc nhớ nhung, dù không phải là người thân; xét cho cùng bởi vì anh em năm châu bốn biển đều là một nhà đó sao, vì ”Tình người bao la’’ vô cùng tận. Rồi một ngày‘’Từ đây cách xa nghìn trùng/ Từ nay xa cách ngày nhớ nhung/ Tình người tha hương muôn phương một nhà’’. Ngày chia tay thật sự sẽ đến trong nay mai, xin một cái vẫy tay lần cuối nơi đây, hẹn một ngày nao trong đời, ta luôn có nhau nhé, và nhất là chẳng bao giờ quên đâu‘’Nghĩa cũ, tình xưa’’ ngày nào, vì ”Tình người bao la’’ trong đời: ‘’Thôi xin nói lời chia tay thôi nhé/ Hẹn ngày mai bên lề cuộc đời ta luôn có nhau/ Thôi xin vẫy tay chào nhau/ Hẹn ngày sau trong đời ta chẳng bao giờ quên đâu”’.
Nhiều người cứ đi kiếm tìm thiên đường để coi như một cứu cánh cho thân phận mong manh của kiếp người. Thôi, tìm kiếm nơi đâu cho xa xôi ‘’Thiên đường nơi hạ giới’’ đây mà. 
Thế rồi, một ngày lên thiên đường để thấy cảnh: ‘’Nơi thên đường nắng gió mênh mông/ Ta nghe đời như có như không/ Mắt em buồn vấn vương chiều đông/ Tiếng tơ lòng hắt hiu ngoài song’’. Đời người còn lắm nỗi gian nan, vất vưởng, rồi cũng sẽ đến một ngày sức lực cùng kiệt, những sợi tóc trên đầu kia dần dà pha nhuốm màu thời gian điểm sương, bạc tóc; ngày đó sẽ cận kề nơi chốn thiên đường mà chúng ta hằng mơ ước. 
Có lẽ nơi trần thế còn nhiều điều khốn khổ, âu lo lắm chăng, nhưng nơi chốn thiên đường lại khác: ‘’Nơi thiên đường ban phát tình thương/ Ôi sao người kiếm tìm muôn phương/ Rồi một chiều tóc ngả phai màu/ Dòng thời gian vẫn tiếp nối nhau’’.
Đời buồn tênh, mình ta với ta trong lặng lẽ, quạnh hiu đi về. Một ngày nắng mai vừa lên hay đêm xuống. Đời mưa gió bão bùng hay những ngày nắng mưa triền miên nơi hạ giới, để rồi một ai đó mơ bóng dáng nơi thiên đường‘’Ôi thiên đường ước mơ trìu mến/ Bên hiên thềm nắng mai ngày lên/ Đời buồn tênh nắng mưa triền miên/ Bước chân về quạnh hiu ngày đêm’’. 
Ô kìa kìa, chốn thiên đường rồi đây. Ai đó hãy chờ ta đi với, đến nơi chốn thiên đường, nhưng mà: ‘’Thiên đường nơi hạ giới’’ chứ nơi đâu xa xôi, sao ta cứ mãi tìm kiếm hoài cho phí sức. Vậy mà bấy lâu nay ta cứ ngỡ !!!...
''Ôi thiên đường ngát thơm ngàn hương/ Ta lên đường về miền tiên giới/ Ai gọi mời chờ ta đi với/ Tới thiên đường nơi hạ giới chốn trần gian’’.
   Nhiều lúc tự nghĩ suyĐời tôi có đôi khi như con ong cần mẫn, chăm chút nhụy hương hoa cho đời ngày thêm ngát hương.
   Tập ca khúc 39 ra đời vào những ngày cuối năm 2015. 
  Hỡi những người bạn tri kỷ của tôi trên con đường âm nhạc, bạn đã theo tôi đến đây trong tập ca khúc: Chớ để sóng biển ướt chân em” thứ 39 này. Chẳng có gì hết để riêng tặng bạn, ngoài những lời chúc tụng sự bình an trong tâm hồn.
  Tôi xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn tập ca khúc thứ 39. Và những người bạn của tôi, những người yêu thích âm nhạc hãy cùng tôi hát ca cho vui ngày tháng bên trời.
  TP. Cam Ranh 24/12/2015
Triều Châu 
Biển và ánh trăng - Hà Anh Tuấn & Phương Linh
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Những bản hòa tấu Saxophone 
về Biển nhẹ nhàng lãng mạn
Mục lục
(20 ca khúc xếp theo A,B,C...)
1) Bao mùa nắng hạ – Triều Châu
2) Có lẽ nào nhìn thấy – Bùi Giáng
3) Đà Lạt mùa trăng – Trương Văn Long
4) Đôi khi nắng mưa – Triều Châu    
5) Đôi mắt mùa xuân – Triều Châu    
6) Đời vẫn có em – Vũ Hữu Định      
7) Dòng sông, thời gian và cuộc đời – Nguyên Nhung   
8) Hãy yêu thương – Triều Châu    
9) Mưa rơi chiều kỷ niệm – Triều Châu  
10) Mùa thu lá rơi – Triều Châu     
11) Nắng gió mây trời – Triều Châu    
12) Nắng mới bên dòng sông – Triều Châu       
13) Nhớ chăng tình thu – Triều Châu 
14) Rồi một ngày – Triều Châu   
15) Sóng biển ướt chân em – Minh Đường   
16) Thiên đường nơi hạ giới – Triều Châu   
17) Thời gian – Văn Cao - Triều Châu    
18) Tình người bao la – Triều Châu   
19) Tình thu – Phạm Nguyên Lộc       
20) Trên đỉnh mê xưa – Kim Côn 
Ca khúc
   Con đường
  đến 
   Giai điệu 
    Tập 39
    Triều Châu

     "Của tin còn một chút này làm ghi... ” Nguyễn Du 
 TP. Cam Ranh 24/12/2015
          

1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...