Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Nghệ sỹ Tiến Thành sôi nổi, trẻ trung trong những ca khúc nhạc nhẹ

 Nghệ sỹ Tiến Thành sôi nổi, trẻ trung 
trong những ca khúc nhạc nhẹ
Sinh năm 1950 tại Nam Định, Nghệ sỹ Tiến Thành là ca sỹ cùng thời với các nữ nghệ sỹ Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa, Ái Vân, Vân Khánh, Thúy Lan, Bích Việt ..., các nam nghệ sỹ như Ngọc Tân, Dương Minh Đức, Huy Hùng, Trọng Nghĩa, Hữu Nội..., là thế hệ tiếp nối của thế hệ thứ hai với những Tường Vy, Bích Liên, Tuyết Thanh, Vũ Dậu, Trung Kiên, Quý Dương, Trần Hiếu..., và xa hơn nữa là thế hệ đầu đàn với những Thương Huyền, Khánh Vân, Kim Oanh, Tân Nhân, Mai Khanh, Trần Thụ, Quốc Hương, Văn Hanh ...  Nếu hệ thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai đã xây dựng nên những tượng đài của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với những bản anh hùng ca và tình ca bất hủ trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc thì thế hệ ca sỹ thứ ba mà Tiến Thành là đại diện tiêu biểu là thế hệ kế thừa, phát huy những giá trị âm nhạc của của các thế hệ đi trước, đồng thời là thế hệ cất lên những tiếng hát ngợi ca non sông đã thu về một mối, tiếng hát của thời kỳ dựng xây lại đất nước với biết bao đam mê, kỳ vọng và cũng đầy rẫy những khó khăn thách thức lòng người. Là ca sỹ của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, cái nôi nuôi dưỡng lớp lớp các nghệ sỹ hàng đầu của Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua, nếu theo cách nói tương đối mang tính phê phán hiện nay thì sẽ có người gọi Tiến Thành là một «công chức đi hát». Bởi lẽ trong một thời kỳ mọi thứ đều được thực hiện theo kế hoạch, theo phân công công tác và đều được bao cấp từ vật chất đến tinh thần thì ngoài những cảm xúc xuất thần, vô tư, trong sáng và cao cả, thì cũng có cả những cảm xúc được tạo ra theo tem phiếu, theo lịch công tác và bảng chấm công, hoàn toàn đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử. Nếu có dịp nghe lại các băng tư liệu của Tiến Thành, chúng ta sẽ không khỏi tủm tỉm cười khi nghe ca từ của những bài như «Mùa tôm gọi», «Em về hồ nuôi cá», «Nói với em về Đảng», «Đảng dệt mùa xuân» ... Ở Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, con đường ca hát chuyên nghiệp theo kiểu công chức của Tiến Thành không phải là con đường bằng phẳng ngay từ đầu. Trong những năm đầu (từ khoảng 1976 đến 1978) Tiến Thành hầu như chỉ được đứng trong dàn đồng ca, hợp xướng. Phải từ năm 1979-80 người ta mới thấy Tiến Thành hát lĩnh xướng và song ca, rồi mới đến đơn ca.
Đặc biệt, những năm đầu 80, các bạn nhỏ cả nước không thể quên giọng nói và tiếng hát của thầy giáo Tiến Thành trong các chương trình dạy nhạc, dạy hát trên đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Nghe Tiến Thành hát từ những bản tráng ca, lĩnh xướng trong dàn hợp xướng, với dàn nhạc giao hưởng, những bản tình ca hát cùng dàn nhạc nhẹ, cho đến những «ngành ca, địa phương ca» thuần túy theo phân công công tác, người ta đều cảm nhận được một giọng hát hết chỉn chu, chuẩn mực có nền tảng thanh nhạc vững chắc. Tiến Thành có làn hơi khỏe, chắc, đầy đặn, âm vực rộng. Có những nghệ sỹ mà đẳng cấp của họ thể hiện ở khả năng chuyển giọng, có kỹ thuật vững vàng nhưng lại không bị gò bó bởi kỹ thuật. Ở các nữ nghệ sỹ thì Lê Dung là một trường hợp điển hình. Còn Tiến Thành là trường hợp điển hình trong các nam nghệ sỹ. Tiến Thành có thể hát hết sức kinh viện trong Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Hồ Chí Minh giai điệu bốn mùa (Trần Chung), Lá xanh (Hoàng Việt). Nhưng rồi Tiến Thành ngay lập tức lại có thể thiết tha, nồng nàn, trải rộng cảm xúc đến độ mênh mang như sóng biển như trong bài Nơi đảo xa (Thế Song), Hát cùng trời nước Hạ Long (Tân Huyền).... Giọng Tiến Thành đằm thắm, nồng đượm trong các bản tình ca như Hương thầm (nhạc Thanh Phúc, thơ Phan thị Thanh Nhàn), Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân). Rồi Tiến Thành lại rất sôi nổi, trẻ trung trong những ca khúc nhạc nhẹ như Hà Nội những công trình (Quốc Trường), Tình yêu người thợ mỏ (Hoàng Vân). Tiến Thành còn hát rất nhiều làn điệu dân ca của các vùng miền khác nhau. Tiến Thành hát quan họ đặc biệt hay. Thỏa nỗi nhớ mong mà ông song ca cùng liền chị Thanh Hiếu là một làn điệu quan họ mẫu mực. Một ngày cuối năm 1984, công chúng yêu văn nghệ bàng hoàng hay tin về một vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà nạn nhân là các nghệ sỹ của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đi trên một chiếc xe ca trên đường lưu diễn phục vụ đồng bào tại một địa phương phía Bắc. Nghệ sỹ hát Chèo lừng danh Như Hoa đã qua đời ngay khi chiếc xe nạn. Nghệ sỹ Thúy Lan khi đó bị bất tỉnh. Những người chứng kiến vụ tai nạn thấy Nghệ sỹ Tiến Thành tuy bị thương nhưng vẫn rất cố gắng đỡ các bạn đồng nghiệp bị thương lên băng-ca đi cấp cứu. Tuy nhiên chỉ sau đó vài giờ, Tiến Thành đã quỵ xuống và rồi người nghệ sỹ ấy đã ra đi mãi mãi... «Người nghệ sỹ lãng mạn ấy đã vĩnh biệt chúng ta quá sớm... Anh để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và nhưng người yêu ca hát» (Dihavina).
Chắc chắn còn quá nhiều kế hoạch Tiến Thành chưa kịp thực hiện và những người yêu ca hát hoàn toàn có quyền nói về nhiều tốt lành cho nền âm nhạc nước nhà mà Tiến Thành có thể còn tiếp tục cống hiến «giá như, giá như, và giá như»...
Các ca khúc do Tiến Thành trình bày
Dân Huyền .Trình bày: Tiến Thành - Bích Diệp
Trình bày: Tiến Thành
Sáng tác: Hoàng Vân. Trình bày: Tiến Thành
Sáng tác: Mác Tuyên Trình bày: Kim Oanh - Tiến Thành
Trình bày: Tiến Thành
Thể loại: Dân ca Nùng Soạn lời: Dương Toàn Thắng Trình bày: Thúy Lan - Tiến Thành
Thể loại: Dân ca Dao Soạn lời: Dân Huyền Trình bày: Hồng Liên - Tiến Thành
Thể loại: Quan họ Bắc Ninh  Trình bày: Tiến Thành
Thể loại: Dân ca Tày  Trình bày: Tiến Thành
Thể loại: Dân ca Dao Soạn lời: Mai Sao Trình bày: Thúy Lan - Tiến Thành
 Trần Mạnh Hà
Theo http://baicadicungnamthang.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chỉ là… – Chùm thơ Thảo Kim Bùi 16 Tháng Sáu, 2023 Ừ thì…/ một thoáng mây vương/ xin về chung lối/ đã dường hư hao. Chỉ là…   Ch...