Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Khu vườn âm nhạc của Northern Star

Khu vườn âm nhạc của Northern Star
Bộ sưu tập âm nhạc NORTHERN STAR’s SILENT GARDEN - New Age music & More…được mình thực hiện cách đây 6 năm, như là để ghi nhớ một chặng đường thưởng thức, nghiên cứu thể loại âm nhạc New Age huyền diệu. Tính đến nay, mình đã nghe qua khoảng 300 nghệ sĩ/ ban nhạc thuộc thể loại này. Càng tìm hiểu sâu về thể loại New Age, mình cảm thấy thêm hứng thú với nó. Dù sau này biết thêm nhiều nghệ sĩ xuất sắc nữa, nhưng mình vẫn không thấy tiếc vì Bộ sưu tập này đã bao gồm khá đầy đủ các loại nhạc mà mình đam mê, từ các nhánh của New Age, đến những nhạc phẩm dân gian đương đại (world music), chill-out, jazz, electronica… Điểm đáng tiếc nhất của Bộ sưu tập là thời lượng vượt quá 80 phút nên 1 CD không thể chứa hết 16 nhạc phẩm. Nhằm mục đích lưu giữ và chia sẻ, mình đã cập nhật và chỉnh lý lại bài viết và một lần nữa giới thiệu với các bạn Bộ sưu tập này.
Ngôi sao phương Bắc (Northern Star) là nickname của mình, được lấy từ ý tưởng về Sao Bắc Cực (Polaris – North Star). Ngôi sao này nằm trong chòm sao Tiểu Hùng, không nên nhầm với Sao Bắc Đẩu. Sao Polaris rất gần thiên cực nên nó hầu như không chuyển động biểu kiến trên bầu trời đêm. Ngược lại các thiên thể khác trong các chòm sao cận thiên cực bắc như thế xoay quanh sao Polaris. Vì vậy Polaris là ngôi sao định hướng, là người bạn đồng hành cho người đi biển, đi rừng hay sa mạc vào ban đêm. Từ thời cổ đại, sao Polaris đã xuất hiện trong các bảng chỉ dẫn cổ xưa của người Assyria (trích ý từ Wikipedia). Từ ý nghĩa của Sao Bắc Cực, mình lấy nickname này để thể hiện mong muốn được làm bạn của mọi người.
Cảm ơn bạn Văn Chương đã giúp mình tải nhạc lên Nhacso! 
Danh sách nhạc phẩm
1. Yanni – Nightingale (5:45) MV
2. Kitaro – Thinking Of You (6:50)
3. QuốcTrung – Đào Liễu (The Young Lady) (6:08) MV
4. Sarah Brightman – Harem (5:45) MV
5. Ginkgo Garden – Ginkgo Tree (4:24)
06. Enya – Only Time (3:40) MV
7. David Lanz – Cristofori’s Dream (6:05) MV
8. Secret Garden – Song From A Secret Garden (3:34) MV
9. Kevin Kern – Sundial Dreams (4:46) MV, MV
10. Chrisde Burgh – When Winter Comes (3:45)
11. Matthew Lien – Bressanone (5:13) MV
12. 5 Dòng Kẻ – Sắc Màu (5:03)
13. Enigma – Sadeness Part I (4:10) MV
14. Vangelis – Conquest Of Paradise (4:48) MV
15. Trần Mạnh Tuấn – Về Quê (6:14)
16. Medwyn Goodall – Deepest Secrets (7:24)
Nghe trực tuyến
Tặng kèm Lyrics các bài hát bên trong file.
hoặc
Mình vẫn luôn mơ ước có được một khu vườn nhỏ, ở nơi đó có những loài cây xanh tươi với tiếng chim hót líu lo và nước suối chảy róc rách… Ở nơi đó mình cùng người thân và bạn bè có thể thư giãn bằng những giai điệu nhẹ nhàng và đầy cảm xúc sau những tháng ngày làm việc mệt nhọc.
Trong niềm đam mê âm nhạc, mình chịu ảnh hưởng từ gu nghe nhạc của ba mình. Từ năm lên 4 tuổi, mình thường được nghe những bản nhạc hòa tấu của Paul Mauriat, Francis Goya và Richard Clayderman từ cái máy cassette của nhà. Từ đó nhạc khơi lòng (cách chơi chữ của nhạc không lời) đã thấm vào máu thịt và tâm hồn mình. Theo năm tháng, mình được nghe nhiều thể loại âm nhạc hơn nữa, nhưng đặc biệt là mình có duyên với thể loại New Age. Đây là thể loại âm nhạc mới, được hình thành từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, nó mang đến nhiều bản nhạc không lời cực hay, được sáng tác và thể hiện bởi những nghệ sĩ đương đại.
Nhưng New Age không chỉ có vậy, bên cạnh các bản nhạc khí là những bài hát hết sức cuốn hút. Được biết âm nhạc New Age bắt nguồn từ một trào lưu triết học mang âm hưởng tôn giáo, nhưng càng về sau thì người ta chú trọng đến yếu tố thư thái của thể loại này hơn. Chủ đề mà New Age đề cập là không có giới hạn, đặc biệt âm nhạc của thể loại này rất gần gũi với thiên nhiên, đồng thời cũng xoáy sâu vào thế giới huyền bí của tinh thần, những góc khuất của tâm hồn con người. Ngày nay, New Age được đặt tên cho một phong cách tươi trẻ và sang trọng, chẳng phải ngẫu nhiên mà những hãng xe lớn của thế giới như Mitsubishi vàHonda lấy New Age làm slogan quảng cáo cho các mẫu xe mới của mình.
Bắt nguồn từ ý tưởng Khu vườn bí ẩn của ban nhạc Secret Garden, Khu vườn đắm saycủa Kevin Kern và Khu vườn bạch quả của Ginkgo Garden, mình đã liên tưởng đến mộtKhu vườn yên tĩnhcủa tâm hồn mình được thể hiện bằng âm nhạc.
Và bây giờ, mời bạn hãy nhẹ bước vào khu vườn yên tĩnh của mình, hãy đi dọc theo con đường uốn khúc, hãy lắng nghe tiếng gió nhẹ nhàng thổi vi vu, hãy tìm một góc nào đó thật tĩnh lặng và cùng mình cảm nhận những giai điệu sâu lắng…
1. Yanni - Nightingale
Ở Việt Nam, Yanni và Kitaro là hai nghệ sĩ nhạc New Age được biết đến nhiều nhất. Âm nhạc của họ thường xuyên được sử dụng làm nhạc nền, nhạc hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên sân khấu biểu diễn và đặc biệt là các chương trình truyền hình. Mình chọn là những bản nhạc mang âm hưởng phương Đông là Nightingale của Yanni và Thinking Of You của Kitaro để mở đầu cho bộ sưu tập, và cuộc hành trình của chúng ta sẽ bắt đầu từ đây – Phương Đông huyền diệu.
Trong khu vườn yên tĩnh, mình sẽ nuôi một vài chú chim để mỗi khi có khách đến chơi, chúng sẽ cất tiếng hót hân hoan chào đón. Mình sử dụng bản nhạc Nightingale của Yanni để mở đầu bộ sưu tập, cũng là lời chào tốt lành của mình muốn gửi đến các bạn.
Trong tác phẩm này, Yanni đã sử dụng tiếng sáo để diễn tả tiếng chim họa mi. Nhiều bạn đã từng biết đến một Yanni sôi động trong album Live at the Acropolis, một Yanni tinh tế chơi piano solo trong album Love Songs, hay một Yanni huyền bí với album Ethnicity… thì nay chúng ta sẽ được biết đến một Yanni sâu lắng qua album Tribute. Bản nhạc Nightingale được Yanni trình diễn tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc và ở ngôi đền Taj Mahal của Ấn Độ, đã phát hành DVD vào năm 1997.
Đây được xem là bản nhạc giàu cảm xúc nhất của người nghệ sĩ có mái tóc dài lãng tử và bộ râu đặc trưng này. Mở đầu bản nhạc là tiếng sáo trúc dịu dàng mời gọi, tiếp theo là những âm thanh êm dịu của dương cầm cùng với điệu dặt dìu của vĩ cầm được ngân lên. Đây là ba trong số những nhạc cụ mà mình yêu thích nhất, những âm thanh đó hòa vào nhau để vẽ nên một bức tranh thiên nhiên sống động. Bức tranh kể về câu chuyện chú chim họa mi (sáo trúc thể hiện) yêu đời, say mê hót vang gọi bầy trên bầu trời xanh, bên dưới là những dòng suối đang chảy (dương cầm) và tiếng gió thổi giao cảm của bầu trời (vĩ cầm) cùng hòa quyện vào nhau thành một thể hoàn chỉnh.
2. Kitaro - Thinking Of You
Điều chúng ta dễ cảm nhận được trong Thinking Of You đó là một lời tự sự, một tâm trạng tiếc nuối khi hoài niệm về một thời đã qua. Cùng với những giai điệu da diết của bản nhạc, bạn hãy nhắm mắt và hồi tưởng những kỷ niệm thời thơ ấu. Trước mắt chúng ta sẽ là cuốn album chứa hình ảnh ghi lại những kỷ niệm vui buồn đã qua. Hãy lật những trang đầu tiên của cuốn album, bạn có thấy không hình ảnh của chính mình tuổi thơ ấu qua tấm ảnh đen trắng bị ố màu. Nào, hãy lật tiếp cuốn album, bạn sẽ thấy chính bạn bên bố mẹ và những người thân trong gia đình, trông ai cũng ngồ ngộ vì khung cảnh, phong cách thời trang của hồi đó khác với bây giờ nhỉ. Tiếp đó là những hình ảnh cùng bạn bè thuở đến trường với những kỷ niệm khó phai, mắt bạn sẽ cảm thấy cay cay khi nhớ lại khoảnh khắc tạm biệt mái trường, chia tay với bạn bè để từ đó lựa chọn con đường riêng của mình… Cuốn album của mỗi chúng ta hãy còn dày lắm và có rất nhiều trang trống chưa có ảnh. Mình mong rằng những bức ảnh tiếp theo của mỗi cuộc đời chúng ta sẽ thật đẹp và ý nghĩa, đó cũng là lời chúc của mình gửi đến các bạn.
Hai bản nhạc ở track #1 và track #2 là những kỷ niệm gắn liền với một người bạn, một người chị thân của mình. Lần đầu tiên mình nghe Thinking Of You là qua… điện thoại, đó là thời điểm cuối năm 2002. Mi còn nhớ không Mập, đó là một buổi tối cuối tuần, mi với tau tranh luận xem bản nhạc nào là xuất sắc nhất của Kitaro, rồi cuối thống nhất đó chính là bản nhạc này. Thinking Of You nằm trong album cùng tên của Kitaro, đã xuất sắc giành được giảiGrammy năm 2000 cho đề mục Album nhạc New Age xuất sắc nhất. Còn Nightingale thì thường xuyên được làm nhạc nền các chương trình truyền hình. Cũng chính bạn Mập đã phát hiện và báo cho mình biết rằng bản nhạc này được lồng vào bộ phim truyền hình Trung Quốc Truyền Thuyết Liêu Trai (kịch bản dựa theo tác phẩm văn họcLiêu Trai Chí Dị của nhà văn Bồ Tùng Linh). Cũng từ đó bạn Mập thay đổi quan điểm cho rằng nhạc của Yanni chỉ dừng lại ở sự hoàng tráng, sôi động và thấy được một Yanni sâu lắng, giàu cảm xúc. Thân tặng bạn Mập những bản nhạc gắn liền tâm hồn của mi và tau, hãy lắng nghe cho một thời để nhớ nhé!
3. Quốc Trung - Đào Liễu (The Young Lady)
Cuộc hành trình của chúng ta đã đi qua Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, bây giờ ta trở vềViệt Nam, quê hương yêu dấu của chúng ta. Trải suốt chiều dài lịch sử của đất nước, nền văn hóa nghệ thuật của chúng ta tuy bị ảnh hưởng, giao thoa với nhiều nền văn hóa ngoại lai vẫn giữ được những nét riêng đậm đà bản sắc dân tộc.
Ai ngược lên Tây Bắc mà chưa từng được nghe những điệu khèn, kèn lá giao duyên của các đôi trai gái bản địa. Ai ghé qua vùng đất Kinh Bắc mà chẳng đôi lần được nghe làn dân ca Quan Họ của những liền anh, liền chị. Ai về đất Hà thành xưa mà chưa từng nghe tiếng hát Ả đào sâu lắng. Ai qua Nghệ Tĩnh mà chẳng thấm đôi câu ví dặm da diết. Ai đến Bình Trị Thiên mà chưa thưởng thức các điệu hò thân thương trên dòng sông thơ mộng. Ai lên Tây Nguyên mà chưa được nghe âm thanh cồng chiêng cao nguyên giục giã trong các lễ hội dân gian. Ai lênh đênh trên sông nước miền Tây mà chưa kinh qua tiếng ca vọng cổ khắc khoải và những điệu lý thắm đượm tình quê hương…
Với những bạn đã dừng chân ghé lại vùng đất quê lúa Thái Bình, chắc hẳn đã từng được nghe một vài bài chèo cổ đặc sắc. Mình muốn gửi đến các bạn một bản phối nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung, lấy nguyên liệu từ bài chèo cổ Đào Liễu của Thái Bình, trích từ album Đường Xa Vạn Dặm phát hành năm 2005, đây là một nhạc phẩm world music có âm hưởng của phong cách chill-out.
Theo mình hiểu thì đào liễu tức là đào tơ liễu yếu, có nghĩa là một cô gái trẻ đẹp ngày xưa. Làn điệu chèo Đào Liễu được viết dựa đoạn thư lục bát có tên là Đào Liễu Một Mình (hay còn gọi là Đường Thư), xuất hiện ở hầu hết các vở chèo dân gian. Ở bản phối của Quốc Trung, bạn sẽ được thưởng thức sự độc đáo, luyến láy của ca từ trọng giọng hát chèo và tiếng đàn nhị dặt dìu của nghệ sĩ Xuân Diệu. Những âm thanh tinh tế của các loại nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo… đan xen những tiếng nhịp trẻ trung và mát dịu của dòng nhạcchill-out sẽ đem đến cho chúng ta cảm giác sảng khoái vô cùng.
4. Sarah Brightman - Harem
Chia tay quê hương Việt Nam và câu chuyện về đào liễu, chúng ta sẽ đến với câu chuyện của một người phụ nữ khác. Điểm đến tiếp theo của chúng ta sẽ là thế giới Ả Rập qua bài hát Harem của nữ casĩ Sarah Brightman. Harem có nghĩa là nơi ở của người phụ nữ trong những ngôi nhà Hồi giáo. Trong bài hát, nữ ca sĩ thổ lộ tâm sự của một người phụ nữ với niềm khát khao cháy bỏng, trông ngóng mỏi mòn người đàn ông mình yêu thương.
Không chỉ được biết đến vợ của nhạc sĩ lừng danh Andrew Lloyd Webber, Sarah Brightman còn là một nữ ca sĩ tài năng có chất giọng opêra đặc biệt. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, cô đã thể nghiệm trong âm nhạc với những mảng đề tài khác nhau, bắt đầu từ album Dive – album nhạc viết về biển và đại dương. Harem là bài hát chủ đề trong album cùng tên phát hành năm 2003, đây là một cuộc phiêu lưu bằng âm nhạc của cô vào thế giới Ả Rập nhiều bí ẩn.
Hãy thưởng thức bài hát Harem và thưởng thức chất giọng opêra của cô hòa nhịp được với cách phân nhịp truyền thống của âm nhạc vùng Ả Rập không chút gượng gạo. Sarah Brightman và nhà sản xuấtFrank Peterson đã khéo léo kết hợp chất liệu âm nhạc đương đại vào những nhịp điệu khiêu vũ pop/ dance sôi động của vùng Trung Đông – Ả Rập, cùng với sự hòa âm phối khí kỳ diệu dựa trên những đoản khúc của âm nhạc bản xứ cổ xưa để tạo nên một nhạc phẩm đầy tính mê hoặc đến vậy.
5. Ginkgo Garden – Ginkgo Tree
Bạn đã bao giờ nghe nhắc đến cây Bạch quả (Ginkgo, hay còn gọi là cây Ngân hạnh, cây Lá rẻ quạt) chưa nhỉ? Đó là một loài cây lớn được dùng nhiều để trang trí có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng xuất hiện nhiều ở Nhật Bản, được gọi là Cây Nhật.
Lần đầu tiên mình được biết loài cây này qua bộ truyện tranh của Nhật Bản là Conan – Thám tử lừng danh (phần Mối tình đầu trong tập 40). Trong tập truyện này, đây là loài cây minh chứng cho tình yêu vượt thời gian của tiến sĩ Agasha với người phụ nữ ông thầm yêu (và yêu ông). Sau đúng 40 năm, họ gặp lại nhau tại nơi từng có nhiều kỷ niệm sâu đậm trong khung cảnh lá bạch quả vàng rơi xào xạc, một hình ảnh rất lãng mạn… Không ít bạn cũng đã vô tình thấy ảnh lá bạch quả mà không biết, đó là trên những bức tranh được trang trí trên tường nhà.
Bạch quả là loài thực vật duy nhất trong số 12 loài sinh vật “hóa thạch sống” trong lịch sử, nó có sức sống mãnh liệt (có cây trên 1.400 năm tuổi), bền bỉ đến mức bom nguyên tử cũng không thể hủy diệt. Cây bạch quả mang ý nghĩa sâu sắc trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống và học thuật như triết học, tôn giáo, y học, thời trang… đồng thời nó biểu tượng củaNiềm tin, Hy vọng và Tình yêu bất tử. Chính nguồn cảm hứng bất tận từ cây bạch quả, nghệ sĩ người Đức Eddy F. Mueller đã thành lập dự án âm nhạc có tên Ginkgo Garden với phương châm hoạt động nghệ thuật “Tôi muốn chạm vào trái tim mọi người” (I want to touch the people’s hearts) như của đại văn hào William Shakespeare.
Eddy F.Mueller đã kết hợp các loại nhạc cụ của phương Tây và phương Đông lại với nhau để tạo nên những giai điệu nhiều cảm xúc mang âm hưởng đương đại đặc trưng của Ginkgo Garden. Ông đã dẫn lối đưa chúng ta vào khu vườn cây bạch quả, để rồi được nghe ông kể những câu chuyện về loài cây kỳ diệu này. Ginkgo Tree – ca khúc chủ đề trong albumLetters From Earth của Ginkgo Garden phát hành năm 1999. Album này gồm 13 nhạc phẩm và như lời giới thiệu của tác giả thì đây cũng là 13 bức thư được gửi từ Trái đất được viết bằng ngòi bút âm nhạc của Mueller.
Lá cây bạch quả có hai nhánh và nhập thành một cũng giống như cầu nối, sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây mà âm nhạc của Mueller mong muốn hướng tới.
Qua âm nhạc của Ginkgo Garden, chúng ta sẽ hiểu được vì sao cây Bạch quả lại tượng trưng cho sự đồng nhất giữa những cặp phạm trù đối lập như: Đông – Tây, Trời – Đất, Ngày- Đêm, Trắng – Đen, Âm – Dương, Cứng – Mềm…
Âm nhạc và Hội họa, Thiên nhiên và Con người, Bầu trời và Mặt đất… tất cả được chuyển tải vào âm nhạc của Ginkgo Garden. Hãy để trí tưởng tượng của bạn được bay cao trong cuộc hành trình của tinh thần hòa hợp. Những bài hát của Ginkgo Garden được thể hiện bởi nữ ca sĩ Anja Bitzhenner, lời bài hát còn chứa đựng cả những vần thơ haiku, tanka (các thể loại thơ của Nhật Bản) và những câu trích dẫn từ Kinh thánh. Các album nhạc của Ginkgo Garden được thiết kế dựa trên những bức tranh về cây bạch quả của nữ họa sĩ Atsuko Kato, người dành tình yêu lớn lao cho loài cây này và là chủ đề nghệ thuật xuyên suốt mà chị hướng tới.
Trong giữa khu vườn yên tĩnh của mình, chắc chắn sẽ có vài cây bạch quả nằm ở vị trí trung tâm như trái tim của con người vậy. Mời bạn lắng nghe bài hát Ginkgo Tree để thêm hiểu vì sao mình yêu quý loài cây này đến vậy. Mình có thể trò chuyện với bạn cả ngày về chủ đề cây bạch quả, hy vọng trong một ngày đẹp trời nào đó mình sẽ có đủ cảm hứng để viết một bài cảm nhận âm nhạc trọn vẹn về cây bạch quả. Mong rằng ngày ấy không xa!…
6. Enya - Only Time
Enya là nữ ca sĩ hát nhạc Celtic được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam. Xuất thân từ ban nhạc gia đình Clannad nhưng cô chỉ thực sự nổi tiếng từ khi cô bắt đầu sự nghiệp solo của mình. Ai nghe nhạc của Enya chắc hẳn đã từng yêu thích những ca khúc phổ biến như: Orinoco Flow, Anywhere Is,Caribbean Blue, Only If, May It Be (nhạc phim Lord Of The Rings), Storms in Africa, The Celts,Amarantine… Đối với người yêu nhạc Enya, mỗi câu hát của nữ ca sĩ này đều mang lại những cảm xúc mới mẻ, thậm chí có bài hát chỉ toàn những câu ngâm “Hmm hmm…” vẫn để lại những ấn tượng cực kỳ sâu sắc cho người nghe.
Không chỉ xuất sắc ở phần giai điệu, ca từ của bài hát, những music video (MV) của Enya cũng luôn được đánh giá cao bởi khung hình đẹp, thường gắn liền với thiên nhiên hoặc những câu chuyện về cuộc sống ẩn chứa đằng sau mỗi clip. Một người bạn của mình từng ví âm nhạc của Enya giống Trịnh Công Sơn ở tính triết lý sâu sắc, được đúc rút từ những trải nghiệm cuộc sống, một trong số đó là nhạc phẩm Only Time mà mình muốn giới thiệu với các bạn dịp này.
Với lối hát ru, Enya nhẹ nhàng đưa ta vào giấc mộng đẹp của giai điệu và ca từ. Nội dung bài hát đưa ra hàng loạt câu hỏi, kiểu như “Who can say where the road goes? Where the day flows?”, “Who can say when the roads meet that love might be in your heart”… và câu trả lời chung cho tất cả các câu hỏi này là Thời gian. Ừ, hãy yên lòng, rồi thời gian sẽ trả lời tất cả… Hãy tìm xem MV của bài hát này, bạn sẽ thấy được sự biến chuyển của thời gian được thể hiện qua các mùa với những hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên.
7. David Lanz - Cristofori’s Dream
Piano (dương cầm) được sinh ra ở nước Ý vào năm 1709, với tên gọi ban đầu là piano et forte (hoặc pianoforte, hoặc fortepiano, nghĩa là âm thanh to và êm dịu), đến giữa thế kỷ XIX nó mới được đổi tên thành piano như ngày nay. Người sáng tạo ra piano là ông Bartolomeo Cristofori di Francesco(1655-1731), một người làm công việc trang trí và trông coi các nhạc cụ nhấn phím tại cung điện của công tước Ferdinand de Médicis của xứ Florence ở thế kỷ XVIII.
Vào thời điểm đó, có hai loại nhạc cụ nhấn phím phổ biến là harpsichord và clavichord. Khi ta nhấn vào phím của đàn harpsichord, một cái móc kim loại nhỏ sẽ gảy vào dây thích hợp, rồi âm thanh được tạo ra. Nhưng điều trở ngại lớn nhất của harpsichord là nó không có khả năng phát tiếng to, nhỏ theo độ mạnh nhẹ khi bấm của người chơi, do đó người nghệ sĩ không thể biểu lộ những giai tầng của cảm xúc bằng loại đàn này.
Đàn clavichord thì có cải tiến hơn một chút, mặc dù vẫn gảy dây, nhưng sau đó dây đàn vẫn tiếp tục ngân vang cho đến khi ta rời tay khỏi bàn phím. Chính sự cách tân này cho phép người nghệ sĩ kiểm soát tốt hơn cường độ và trường độ âm thanh của đàn. Tuy nhiên âm thanh của nó lại quá mỏng manh, dễ dàng bị át đi bởi những nhạc cụ khác khi cùng biểu diễn phòng hòa nhạc.
Cristofori đã tìm ra các kết hợp sự mạnh mẽ của đàn harpsichord và tính năng điều khiển âm thanh của đàn clavichord, bằng cách thay dây móc của hai loại đàn này bằng những chiếc búa nhỏ đệm da. Chẳng ai biết Cristofori đã phải thử nghiệm bao nhiêu lần, thành quả sau cùng là tạo ra loại đàn có âm thanh vừa êm dịu, lại vừa mạnh mẽ và được tên là pianoforte. Đến nay, từ nguyên lý do Cristofori sáng tạo, piano đã được cải tiến rất nhiều và đạt đến độ hoàn hảo. Nó trở thành nhạc cụ không thể thiếu trong chương trình giảng dạy ở các nhạc viện, cũng như ở các dàn nhạc, đặc biệt là ban nhạc Jazz, Blues… Điều đáng tiếc là dù đã phát minh ra một nhạc cụ tuyệt vời, nhưng đương thời chiếc đàn này loại không được yêu chuộng tại Ý. Năm 1731, người cha đẻ của cây đàn đã chết trong cảnh nghèo khó.Để tưởng nhớ đến ông, 150 năm sau khi ông mất, người ta đã cho dựng một tượng đài ông tại quê nhà ở thành phố Padua (thuộc nước cộng hòa Venice thời kỳ đó).
Với sự yêu thích tiếng đàn piano và lòng ngưỡng mộ đối với sự đóng góp thầm lặng của Bartolomeo Cristofori, trong bộ sưu tập này mình xin dành trọn bốn nhạc phẩm ở vị trí trung tâm để tôn vinh âm thanh của đàn dương cầm. Điểm chung của bốn nhạc phẩm này là âm thanh của đàn dương cầm sẽ đi liền với âm thanh của violin dù trong vai trò nào đi nữa. Dương cầm (Piano) được xem là Ông hoàng của các nhạc cụ và Vĩ cầm (Violin) được ví là Nữ hoàng của các nhạc cụ, quả thật rất xứng đôi. Chính vì thế mà chúng ta thường thấy hai loại đàn này thường xuất hiện cùng nhau trong các bản hòa tấu, tựa như đôi tình nhân quấn quít bên nhau vậy. Trong khiêu vũ cổ điển, người nam thường đóng vai trò như là một trục quay để người nữ thể hiện những nét biểu cảm của điệu nhảy. Với một chút liên tưởng, mình muốn mời bạn hãy thưởng thức đến những bước chân khiêu vũ của chàng Dương Cầm và nàng Vĩ Cầm trong khu vườn yên tĩnh.
Em gái Kitty của mình cũng là một người rất thích tiếng đàn dương cầm và có thể chơi nhạc cụ này, hơi tiếc là mình chưa từng được nghe em mình chơi nhạc lần nào. Qua đây mình cũng muốn tặng em gái mình âm thanh tiếng đàn piano trong bộ sưu tập này nhé, hy vọng là một ngày nào đó không xa anh mi sẽ được nghe em gái mời thưởng thức tiếng đàn dương cầm dịu ngọt nghen.
David Lanz là một tên tuổi lớn trong dòng nhạc piano solo và sự thành công của nhạc phẩm Cristofori’s Dream đã góp phần giúp ông có vị trí trong lòng người yêu nhạc. Nội dụng bản nhạc mô tả giấc mơ của nhà sáng chế Cristofori mong muốn tạo ra một nhạc cụ hoàn hảo, kết hợp giữa sự hoàn thiện trong cấu trúc kỹ thuật và tính năng biểu đạt cảm xúc con người. Thưởng thức âm thanh nhẹ nhàng, sâu lắng của bản nhạc, ta thầm biết ơn Bartolomeo Cristofori – người đã tạo ra piano, một phát minh lớn trong âm nhạc  cũng như của lịch sử loài người.
8. Secret Garden - Song From A Secret Garden
Một người bạn của mình từng nhận định rằng nhạc của Secret Garden nghe thật buồn nhưng không ủy mị, bi lụy mà nhẹ nhàng, sâu lắng và thanh tao như những dòng suối nhỏ cuốn trôi đi những ưu phiền trong tâm hồn con người. Mình gọi đó là “nỗi buồn được chia sẻ”. Đặc biệt ta dễ dàng cảm nhận được những “giọt piano lóng lánh” ngân lên tựa như tiếng những hạt mưa rơi bên thềm khi lắng nghe bản nhạc Song From A Secret Garden – bản nhạc buồn dành cho những tâm hồn cô đơn…
Nếu bạn có dịp nào đó đến với cố đô Huế mộng mơ trầm mặc này và bắt gặp một cơn mưa chiều thì có lẽ bạn sẽ hiểu được cái cảm giác buồn rất riêng của cơn mưa xứ Huế… Từng giọt mưa tí tách rơi xuống những con đường nhỏ, lá cây bỗng chốc lìa cành cuốn theo dòng nước nhẹ lững lờ trôi. Ai nấy đều ở trong nhà để tránh mưa, từng con đường vắng tanh và thấp thoáng ngoài kia là bóng ai đó hối hả đạp xe tìm về mái ấm. Còn mình những lúc này thường nghe bản hòa tấu gợi cho ta cảm giác man mác buồn – Song From A Secret Garden. Không biết đã ai trong các bạn nghe bản nhạc này chưa, nhưng thực sự khi nghe bài này trong lòng mình luôn trào dâng một nỗi buồn xao xuyến, mênh mang để rồi cuối cùng bỗng thấy lâng lâng một niềm vui thích lạ kỳ…
Những hạt mưa rơi bên thềm như muốn hòa tan cùng những giọt piano lóng lánh mở đầu bản nhạc nghe thật buồn. Rồi âm thanh của đàn violin như tiếng khóc nghẹn lời của ai đó len vào làm cho nhịp của bản nhạc như lắng lại và nỗi buồn dường như đạt tới cực điểm. Giai điệu ngân lên như kéo dòng cảm xúc của mình lại, để tâm hồn mình chìm trong suy ngẫm, trầm tư… Tiếng nhạc đều đều, chầm chậm ru như những chiếc lá nâu vàng rơi giữa bầu trời mang màu buồn. Giai điệu bản nhạc này còn cho mình sự liên tưởng đến mạch nước dòng Hương chảy mỗi khi chiều buồn mình vẫn thường ra ngắm để suy tư. Dòng Hương Giang theo năm tháng vẫn lặng lẽ trôi như những âm thanh u sầu ngân lên từ bản nhạc.
Quả thật không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng Violin là Nữ hoàng của các loại nhạc cụ, âm nhạc của loại đàn này đã thể hiện rất chân thực cái hồn của bản nhạc, cái hồn đó như đồng cảm với nỗi niềm của những người nghe trước những chuyện buồn đau của cuộc đời.
Dòng giai điệu vẫn lững lờ trôi như nước qua cầu, nhưng mỗi lần tiếng nhạc ngân lên là mỗi lần trong mình vơi đi một ít nỗi buồn, bởi vì bản nhạc dường như đã chia sẻ và xoa dịu những buồn phiền của mình. Thanh âm này tiếp nối thanh âm khác quyến luyến, dịu dàng làm xao xuyến lòng người. Đến cuối bài khi tiếng sáo được lồng vào cũng là lúc mình chợt bừng tỉnh, những nỗi buồn của vơi đi rất nhiều và mình cảm thấy sảng khoái, yêu cuộc sống này hơn. Cái tên của bản nhạc gợi cho ta một cảm giác thật huyền bí, có lẽ bài hát này được Rolf Lovland viết nên từ những cảm xúc rất thật, được chắt lọc tinh tế trong vô vàn cảm xúc trong tâm hồn anh. Và cả Fionnuala Sherry nữa, có lẽ chị phải yêu thích và có sự đồng cảm sâu sắc mới có thể cho chúng ta thưởng thức những tiếng đàn violin giàu xúc cảm đến vậy.
Bản nhạc này thường xuyên được lồng vào các phân cảnh trong phim các bạn ạ, nhất là những thời điểm cần đặc tả nội tâm. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng đối mặt với sự ướt át, lạnh lẽo và bất tiện của những cơn mưa, mình cũng vậy. Nhưng Song From A Secret Garden cùng với những cơn mưa ở đất Thần Kinh này thường mang lại cho mình những cảm xúc lãng mạn nhiều hơn. Giờ đây khi thành phố sắp về đêm, chỉ còn mình mình đứng dưới mái hiên trống trải, thả hồn mình vào từng giọt mưa nhỏ li ti bay bay trước cột đèn vàng. Một luồng cảm xúc nhè nhẹ, miên man mãi xao động trong tâm hồn và lòng mình bỗng thấy nao nao đến lạ kỳ, để rồi mình chìm dần, chìm dần trong những giai điệu êm đềm của bản nhạc.
9. Kevin Kern – Sundial Dreams
Sundial Dreams là một trong những nhạc phẩm nằm trong album In The Enchanted Garden của nghệ sĩ piano Kevin Kern. Ông là nghệ sĩ có tài năng thiên bẩm, biết chơi piano từ 18 tháng tuổi và được đào tạo một cách bài bản, 4 tuổi đã có thầy dạy kèm riêng. Ông cũng là người có nhiều bằng cấp, chứng chỉ âm nhạc danh dự của các học viện âm nhạc nổi tiếng tại Mỹ. Mỗi lần ngắm nhìn Kevin Kern ngồi say sưa chơi những bản nhạc do ông sáng tác một cách lôi cuốn đến khó tin, dễ khiến cho chúng ta yêu mến và khâm phục.
Dòng chữ chào mời bạn đến bộ sưu tập âm nhạc này của mình được mượn từ lời giới thiệu cho âm nhạc của Kevin Kern đấy. Hãy cùng lắng nghe giai điệu của Sundial Dreams, một nhạc phẩm New Age pha chút nhạc classic và jazz sẽ khiến tâm hồn ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm và dễ chịu hơn rất nhiều. Trong album In The Enchanted Garden còn có một bản nhạc rất được mọi người yêu thích là Through The Arbor. Tên tuổi của Kevin Kern không chỉ dừng lại ở nước Mỹ mà còn lan rộng khắp thế giới, ông đã có nhiều buổi lưu diễn tại các nước châu Á như Đài Loan (2002) và Hàn Quốc (2006)…
10. Chris de Burgh - When WinterComes
Bạn có thấy cái tên Chris de Burgh quen không? Ông chính là người đã hát ca khúc nổi tiếng The Lady in Red trong bộ phim cùng tên. Sẽ thật bất ngờ thúvị khi biết rằng ông là một rocker lại có thể sáng tác và biểu diễn một bản nhạc When Winter Comes dịu dàng và trữ tình đến thế. Phải chăng khi những ngôn từ không đủ để diễn tả cảm xúc của con người thì hãy để các giai điệu lên tiếng?!
Mình thích cách mà Chris de Burgh tỏ bày tâm sự với người nghe nhạc thông qua những tiếng piano, violin khắc khoải và dặt dìu đó. Ta như cảm nhận từ bản nhạc này một chút u buồn, một chút nuối tiếc về những kỷ niệm đẹp đã qua gắn liền với mùa đông lạnh lẽo buốt giá.
Giọng hát của Chris de Burgh ở cuối bản nhạc cất lên: “All I know… she’s the one… think of me… when winter comes…” dễ làm cho người đa cảm bật khóc khi hòa mình vào tâm hồn bản nhạc giữa cái giá rét của mùa đông. Để cảm nhận được hết ý nghĩa của bản nhạc này, cũng như những nhạc phẩm có giai điệu sâu lắng trong bộ sưu tập, mình khuyên bạn nên thưởng thức nhạc ở một không gian tĩnh lặng với ánh sáng dịu nhẹ.
11. Matthew Lien - Bressanone
Bây giờ, bạn hãy tự pha một tách trà ấm rồi ngồi xuống, mình sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về Bressanone…
Vài năm trước, Matthew Lien từng yêu sâu đậm một người con gái và một vùng Nam Tyrol (nằm ở vùng núi Alpes) ở miền bắc nước Ý. Ở đây có dãy núi Brenner là ranh giới tự nhiên phân chia hai nước Ý và Áo. Vùng Nam Tyrol nối với Bắc Tyrol (phần lãnh thổ của Áo) và Tây Tyrol (phần lãnhthổ của Thụy Sỹ). Trước đây người dân ở Tyrol nói tiếng Đức, nhưng từ khi bị chia cắt, Nam Tyrol trở thành một phần lãnh thổ của nước Ý thì tiếng Ý cũng dần trở thành một ngôn ngữ chính của vùng đất này.
Chính nơi này Matthew Lien đã gặp lại người con gái từng khiến trái tim anh rung động. Họ gặp nhau khi cùng tham gia tổ chức nhân đạo Greenpeace (Hòa bình xanh) cách đây nhiều năm. Khi đó họ cùng làm việc tại một nhà dưỡng lão ở công viên quốc gia Yosemite, bang California (Hoa Kỳ). Sau đó, cô ấy trở lại văn phòng của tổ chức ở Colorado, rồi quay về trường học ở New York. Còn anh quay về văn phòng của tổ chức ở San Diego rồi trở về nhà ở Yukon (Canada). Nhiều tháng sau đó, họ vẫn giữ liên lạc với nhau. Thật vui biết bao khi họ biết rằng sẽ sớm có cơ hội gặp lại nhau.
Ở châu Âu, họ gặp nhau tại một nơi nằm gần thành phố Florence (Ý) và Munich (Đức). Họ đã trải qua nhiều ngày thăm những ngôi làng trên núi cũng như khám phá thêm nhiều điều về nhau. Rồi giây phút chia tay cũng đã đến. Hôm đó, anh dẫn cô đến nhà ga ở gần ngôi làng, và họ nói lời từ biệt. Thật buồn khi họ lại phải chia tay nhau một lần nữa. Matthew Lien bắt xe buýt và thẳng hướng về thành phố Bressanone với những giọt buồn ướt trên khóe mắt. Trong suốt 40 phút ngắn ngủi ngồi trên xe buýt, anh đã ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ, anh nghe trái tim mình ngân giai điệu buồn và những ca từ sâu lắng. Khi tỉnh dậy, anh xuống xe buýt và đi đến quán cà phê gần nhất, rồi viết lời và nhạc lên một chiếc khăn ăn. Một vài năm sau đó khi ghi âm bài hát này, Matthew Lien biết rằng anh sẽ luôn dành một nơi trong tim để ghi nhớ những kỷ niệm về cô gái ấy, về ngôi làng và cả thành phố Bressanone nữa
Thưởng thức bài hát, lắng nghe chất giọng bâng khuâng nhiều cảm xúc, tiếng piano và saxophone khắc khoải, ta có thể cảm nhận tâm trạng của anh trong một lần quay lại Bressanone, nơi chất chứa nhiều kỷ niệm khó phai trong đời. Cuối bài hát là tiếng tàu chuyển bánh như gợi nhớ về khoảnh khắc chia ly.
12. 5 Dòng Kẻ - Sắc Màu
Sắc Màu là một ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến đáng để nghe và suy ngẫm. Bài hát được viết lên khi ông ngắm nhìn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ. Khi ấy, ông đã tự hỏi liệu họ Trịnh có tự vẽ được chân dung của chính mình không, rồi ông cầm đàn và hát lên những giai điệu của bài hát Sắc Màu. Bài hát cũng chỉ là một phút ngẫu hứng của người nhạc sĩ “bụi đời” này mà sao nghe triết lý quá: “Làm sao vẽ bóng tối, làm sao vẽ cánh hoa đêm không màu?!”, rồi “Một đêm nhớ, nhớ ra ta vô hình…”, phải chăng đó là nét ngẫu hứng được rút ra từ sự trải nghiệm của cả một đời người.
Có ai đó đã nói: Cuộc đời là một bức tranh nhiều màu sắc và mỗi người là một họa sĩ. Chúng ta có màu đỏ của niềm vui, màu xanh dương của nỗi buồn, màu xanh lục của sự tươi trẻ, màu xám của sự cô đơn, màu tím của nỗi nhớ mong…Ai trong đời cũng từng kinh qua những màu sắc ấy, ai cũng từng chấm màu xanh thêm vàng thành cánh đồng hoang, gợi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu… Rồi trong bức tranh đầy lung linh màu sắc đó, liệu có khi nào ta chợt nhận ra rằng: “Một đêm nhớ, nhớ ra ta vô hình”…
Bài hát gắn liền với tên tuổi của nữ ca sĩ Trần Thu Hà, đến mức người ta nói Sắc Màu nghe chỉ hay nhất khi được Hà Trần thể hiện, bài mà Hà Trần hát hay nhất cũng chính là Sắc Màu. Tuy nhiên mình lại rất có cảm hứng với bản cover của nhóm nhạc 5 Dòng Kẻ. Với lối hát A Cappella dựa trên bản phối khí mang âm hưởng world music, 5 Dòng Kẻ đã thổi vào Sắc Màuhơi thở của văn hóa dân tộc, khiến một bài hát đầy tính triết lý, phiêu diêu như Sắc Màu thêm phần gần gũi và huyền diệu. Là một người yêu thích âm thanh của các nhạc cụ, mình cực kỳ thích đoạn hòa tấu ngẫu hứng của các loại đàn dân tộc là đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, sáo.
13. Enigma – Sadeness Part I
Enigma là tên không thể thiếu sót khi người ta nhắc đến âm nhạc New Age. Thủ lĩnh của ban nhạc là nghệ sĩ Michael Cretu, anh là người sáng tác, thiết kế, sản xuất các sản phẩm âm nhạc. Vợ anh là nữ ca sĩ nổi tiếng Sandra, chị là người thường xuyên góp giọng trong những tác phẩm do chồng sáng tác. Âm nhạc của Enigma luôn khiến cho con người ta cảm thấy sự tươi trẻ, gợi cảm nhưng nhiều bí ẩn và đầy mê hoặc. Tiêu biểu đó là tác phẩm Sadeness Part I mà mình muốn giới thiệu với các bạn. Phải nói trước nó là một bài hát cực kỳ gợi cảm (a sexy song). Đây là một trong những tác phẩm thành công nhất của ban nhạc khi bán được trên 7 triệu bản, đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc của hơn 20 nước trên thế giới.
Bài hát này từng được sử dụng trong những bộ phim nổi tiếng mà khán giả Việt từng biết đến như Những thiên thần của Charlie và Trở về Eden. Bài hát được viết theo phong cách gregorian chantvới hai thứ tiếng Pháp và Latin. Nội dung kể về hầu tước Donatien Alphonse-François de Sade, một nhà văn quý tộc người Pháp chuyên viết nên những câu chuyện đầy tính triết lý và sự gợi cảm một cách mãnh liệt. Cuộc đời và những tác phẩm của Sade là đề tài của nhiều tác phẩm kịch, điện ảnh và hội họa.
Bạn nên xem MV của bài hát ở YouTube để hiểu thêm về nội dung bài hát. Câu chuyện kể rằng hầu tước Sade đang ngủ thiếp đi bàn trong căn phòng của ông khi đáng sáng tác văn học, rồi ông chìm vào một giấc mơ quái dị và say đắm. Vị học giả nhìn thấy ông đang lang thang giữa một thánh đường đổ nát, ông ta bước đến gần Cánh cổng của địa ngục. Khi ngắm nhìn cánh cổng, ông thấy một người phụ nữ trẻ đẹp. Cô ấy thì thầm với ông những lời mời gọi “Sade, dis-moi”, “Sade, donnes-moi”. Ông quay đầu cố gắng chạy trốn, những thân xác ông như tan chảy và bị cuốn trôi xuống cánh cổng bởi những lời dịu ngọt ma quái kia. Đúng lúc này thì vị học giả tỉnh dậy, ông nhìn quanh với vẻ bồn chồn, lo lắng nhưng chỉ tìm thấy một tia sáng từ cửa sổ căn phòng chiếu thẳng vào… Mình đặc biệt thích âm thanh của tiếng chuông và tiếng kèn hơi trong bài hát, chính nó đã làm cho nhạc phẩm này trở nên vô cùng biểu cảm và ấn tượng.
14. Vangelis - Conquest Of Paradise
Vangelis là giữ vai trò sáng tác và hát của ban nhạc progressive rock Aphrodite’s Child, từng thành công với bản hit Rain And Tears vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Sau những thành công đạt được cùng ban nhạc, Vangelis quyết định tách ra và bắt đầu sự nghiệp solo của mình. Là một trong những nghệ sĩ lớn của thể loại New Age, Electronica, ông sáng tác âm nhạc với nhiều phong cách như Neo-Classical, Progressive Electronic, Ambient. Tên tuổi của Vangelis gắn liền với rất nhiều chủ đề mà ông thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc. Thưởng thức âm nhạc của ông, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều chủ đề ông viết về lịch sử, địa lý và văn hóa của nhiều quốc gia, vùng miền, vũ trụ…
Ông cũng là một nhạc sĩ viết nhạc cho nhiều phim như Chariots Of Fire, Missing, The Bounty và nhạc nền trong một số phim tài liệu của cố thuyền trưởng Jacques Cousteau. Những bạn yêu bóng đá chắc hẳn vẫn còn ấn tượng bởi bản nhạc chính thức của FIFA World Cup 2002 do Vangelis sáng tác và trình bày. Trước đây ở VTV thường sử dụng bản Theme from Antarctica trong phim tài liệu về đại dương, còn ChariotsOf Fire được sử dụng tại lễ khai mạc Olympic London 2012.
Trong dịp này, mình muốn gửi đến các bạn một bản nhạc của Vangelis, được dùng làm nhạc phim1492: Conquest Of Paradise. Bộ phim kể về hành trình khám phá ra châu Mỹ của nhà hàng hảiChristophe Colomb năm 1492. Nhạc phẩm Conquest Of Paradise được hát bởi dàn đồng ca do Vangelis làm người chỉ huy kiêm phụ trách dàn nhạc điện tử, điều này mang lại cho chúng ta một nhạc phẩm cực kỳ hoành tráng về giai điệu. Những lời ca trong bài hát này không có nghĩa, nó được viết dưới dạng chữ Latin và được hát để miêu tả tầm vĩ đại của việc phát hiện ra châu Mỹ,  đó là hiện tượng “vẽ chữ” (wordpainting) rất độc đáo mà Vangelis đã sử dụng.
15. Trần Mạnh Tuấn - Về Quê
Trong mắt của giới nghệ sĩ nước ngoài, Saxophonist Trần Mạnh Tuấn được xem là một trong những đại diện của Việt Nam trong lĩnh vực âm nhạc. Dù trong cương vị là giám đốc công ty Saxophone & Nghệ thuật, hay là chủ quán Sax& Art, dù ở trên sàn diễn hay ngoài đời, ở Trần Mạnh Tuấn vẫn giữ nguyên vẹn hình hài của một nghệ sỹ lãng tử với khát khao tạo nên những tiếng kèn saxophone đẹp dâng hiến cho đời.
Nhưng Trần Mạnh Tuấn không chỉ có thế. Với khát vọng Việt hóa nhạc jazz, anh đã nỗ lực làm việc cho mục đích của mình. Kết quả là công chúng yêu nhạc jazz đã thực sự say mê và đón nhận nồng nhiệt những album hòa tấu saxophone nhạc Việt chứa đựng tình yêu, hơi thở và hạnh phúc từ anh. Âm nhạc của anh bao gồm nhạc Jazz, Pop, R&B và kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam. Điều này giúp cho công chúng yêu nhạc tìm thấy một tiếng nói chung.
Với việc giữ gìn trọn vẹn bản sắc Việt trong cách thể hiện âm nhạc của mình, Trần Mạnh Tuấn đã khai thác những nét luyến láy, nhấn nhá đặc trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam trong bản nhạc này. Như anh từng tâm sự, định hướng sáng tạo của anh đầu tiên dựa trên cảm xúc, tác phẩm của anh phải có giai điệu đẹp và mang âm hưởng dân gian. Anh muốn mang những gì chân chất, mộc mạc đơn sơ của non nước, làng quê vào âm nhạc, với mong muốn chất dân tộc và hiện đại trong tác phẩm phải hòa hợp với nhau chứ không lắp ghép gượng gạo.
Một trong những tác phẩm ấn tượng nhất của Trần Mạnh Tuấn là Về Quê, một tác phẩm mang đậm chất quê hương do nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác. Đi một vòng quanh thế giới, ta hãy quay lại với Về Quê để được đắm mình trong tiếng đàn tranh, tiếng sáo và tiếng kèn saxo mộc mạc mà thân thương ấy.
16. Medwyn Goodall - Deepest Secrets
Đã từ lâu Trăng là biểu tượng cái đẹp, cùng với Gió - Hoa - Tuyết, Trăng là một trong bốn chủ đề và thi ca thường hướng đến. Từ xưa đến nay, vầng trăng gắn liền đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người phương Đông. Ở Việt Nam có câu chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa trên mặt trăng. Ở Trung Quốc có truyền thuyết về nàng Hằng Nga xinh đẹp, đó là khi người ta muốn tả trăng với vẻ đẹp trong sáng, thùy mị và đầy nữ tính. Trong hội họa ta bắt gặp hình ảnh trăng lưỡi liềm có khuôn mặt cười của ông trăng, đó là khi người ta muốn nhân cách hóa trăng thành một người đàn ông phúc hậu và vui tính. Bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh ông trăng trong lời bài hát Sleeping Child của ban nhạc Đan Mạch Michael Learns To Rock.
Ly kỳ hơn, dân gian lưu truyền về câu chuyện nhà thơ Đường Lý Bạch yêu trăng đến mức trong lúc trà dư tửu hậu, nhìn xuống dòng sông thấy trăng đẹp quá đã lao mình xuống để được ôm trăng vào lòng. Và lãng mạn hơn thế, ở nước ta cũng có một nhà thơ tài hoa (Hàn Mạc Tử) yêu trăng tha thiết đến nỗi muốn gắn vầng trăng lên bút danh của mình (Hàn Mặc Tử).
Medwyn Goodall là nghệ sĩ âm nhạc mà mình ngưỡng mộ nhất từ trước đến nay. Ông đã tự học và sử dụng thành thạo rất nhiều nhạc cụ, trong đó có mandolin, dương cầm, trống, đàn hạc (harp), sáo, đàn chuông (glockenspiel), kèn panpipe, đàn tăng rung (vibraphone) và bộ tổng hợp (synthesizer). Sức lao động nghệ thuật của ông thật đáng nể, tính đến tháng 4/2012 ông đã phát hành 110 album nhạc. Hiện nay ông đã thành lập công ty âm nhạc của riêng mình, nhiều nghệ sĩ được ông đào tạo đã thành danh. Thật kinh ngạc khi biết rằng ông giữ gần như toàn bộ vai trò để một sản phẩm âm nhạc đến tay chúng ta, từ sáng tác,chơi các loại nhạc cụ, hòa âm phối khí, đến biên tập nhạc, thiết kế bìa đĩa và phát hành album ra thị trường.
Nằm trong album Moon Goddess (Ả Hằng), bản nhạc Deepest Secrets chính là biểu trưng cho những nét đẹp bí ẩn sâu thẳm nhất của vầng trăng và người phụ nữ. Với những âm thanh phiêu bồng của kèn panpipe trên nền nhạc khí đương đại, bản nhạc mang đến cho tâm hồn ta cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng như đang ngồi trên những đám mây cuốn theo làn gió mát và khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của vầng trăng huyền diệu.
Cuộc dạo chơi bằng âm nhạc trong khu vườn yên tĩnh đến đây tạm dừng. Mình chọn Deepest Secrets (nhạc hiệu Dự báo thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam) là muốn gửi lời chúc các bạn luôn có những ngày tháng đẹp trời.
Admin piano – Huyền thoại mùa thu
John chơi piano mộc trong quán cafe
Jacob Whitesides (Acoustic Cover)
Summer hit – Supergirl remix
Angus & Julia Stone
Your Lie in April – Bản tình ca của mùa xuân
 Trần Anh Tuấn
Theo http://tapchiamnhac.net/


1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...