Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Lãng Thanh - Nắng ngang chừng, mây tới quãng, khói vừa hương

Lãng Thanh - Nắng ngang chừng, 
mây tới quãng, khói vừa hương 
Ngoảnh lại thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, nếu chọn một hiện tượng thơ Việt, có lẽ phải nhắc đến Lãng Thanh. Chàng trai tên thật Lê Quốc Tuấn sinh năm 1977 bất đắc dĩ ngừng cuộc chơi thi ca trên cõi nhân gian ở tuổi 25 bởi một cái chết tức tưởi và bi thương. Tên nghiện xông vào nhà cướp của giết người vào chiều ngày 20-7-2002 không biết rằng nhát dao oan nghiệt từ tay hắn đã kết liễu một tài thơ đang độ chín muồi. Bây giờ nấm mộ nhỏ của Lãng Thanh đã xanh cỏ trên vạt đồi Việt Trì, còn những câu thơ anh để lại vẫn chùng chình len vào tâm hồn độc giả hôm nay.
Lúc còn sống, Lãng Thanh đã có tự tay tuyển chọn một số bài thơ với ham muốn trình làng một thi phẩm mang phong cách cá nhân. Đột ngột rời bỏ dương thế, di cảo ấy của Lãng Thanh được NXB Thanh Niên in thành tập “Hoa” vào năm 2003, vỏn vẹn 14 bài. Để tiếp tục tưởng tiếc Lãng Thanh, bạn bè đã tái bản “Hoa” và in thêm “những trang viết còn lại” gồm 7 bài thơ mới tìm thấy, thơ dịch, lời ca khúc và tản văn. Tuy nhiên, dường như Lãng Thanh đã tiên liệu được số phận mình, cho nên phần thơ do chính Lãng Thanh sắp xếp thành tác phẩm hoàn chỉnh đã bộc lộ toàn bộ tinh túy của anh, mà “những trang viết còn lại” chỉ giống như dư vị nhớ thương thôi. Và một miền “Hoa” cũng đủ để dành cho Lãng Thanh một vị trí tỏa hương trong lòng người yêu thơ!
Bài thơ đơn sơ nhất trong tập “Hoa” là “Bài ca trái tim” phản ánh giai đoạn Lãng Thanh vẫn lung túng theo điệu vần kể lể. Chỉ từ bài “Thơ trước tuổi 21” được viết ngày 25-8-1996 thì bàn chân thi ca của Lãng Thanh đã bước sang thế giới khác. Chín khúc đắm chìm “Thơ trước tuổi 21” khẳng định một cuộc chuyển dịch run rẩy của nhiệt khí tinh thần, đánh dấu bởi khoảnh khắc người làm thơ trẻ chợt nhận ra “Hoa ngô đồng in nốt ruồi đỏ trên da thịt của đất” và “Lá thu! Như lãng quên hiện về đỏ sẫm”. Bằng kinh nghiệm tích lũy mang tính sự kiện nghệ thuật, “Thơ trước tuổi 21” phơi bày tất cả vẻ đẹp mong manh, vẻ đẹp yếu đuối, vẻ đẹp nghi ngờ của một trái tim bơ vơ: “Muốn viết câu thơ lạc quan/ Cô gái không còn hiểu nữa/ Có nỗi đau nào đau hơn/ Một người không còn xấu hổ”.
Lẽ thường trong thi học, thủ pháp tỷ dụ luôn tạo cơ hội cho thi sĩ phô diễn nội lực. Chữ “như” tưởng chừng đơn giản vẫn có thể chia câu thơ ra làm hai vế, và cũng chia ranh giới rạch ròi năng lực thơ giữa người bình thường và thi sĩ. Người bình thường đưa ra hai vế ngang nhau về giá trị tiếp nhận thì chữ “như” phá sản. Ở cấp độ thi sĩ, chữ “như” lại giúp bạn đọc phân chia thi sĩ khoa trương và thi sĩ tinh tế. Chỉ cần cao giọng quá đà hoặc huênh hoang quá mức, thi sĩ khoa trương khiến vế trước chữ “như” biến mất, vế sau còn sự lạ chứ không rung động gì. Ngược lại, thi sĩ tinh tế thăng hoa vế sau chữ “như” mà vẫn bổ trợ vế trước tỏa sáng. Dựa trên phân tích này, Lãng Thanh đáng được tuyên dương thi sĩ tinh tế với hình ảnh một cô gái được biến tấu bốn lần ẩn hiện “em đến bàng hoàng như cơn sốt”, “em đến bất ngờ như dao sắc”, “em đến vùng vằng như tơ rối” và “em đến lao đao như lá rụng”. Không những vậy, Lãng Thanh chứng tỏ được một tư duy thẩm mỹ độc đáo khi mạnh mẽ chối từ những ngoa dụ hoặc phúng dụ, để viết theo lối nghịch dụ: “Hoa phù dung hết chậm như nghiên mực nhà nho”, “ngôi nhà lạnh toát như một thứ vũ khí, đi trên đường như bước giữa hàng họng sung” và “sông chảy dài như oan hồn” hay “thõng đôi tay khô chết như nhân sâm”.
Bóng dáng Lãng Thanh lướt qua cuộc đời hơi ngắn ngủi, độc giả đành lưu trữ chân dung anh qua mấy câu thơ trong bài “Hai mốt tuổi” chứa đựng chút yếu tố tự họa: “Hiền như một vật nuôi tỉnh lẻ ăn niềm vui tỉnh lẻ/ Tròn trĩnh như bổn phận/ Được lớn từ tuổi thơ tầm thường/ Bàn chân ngủ dưới đất, đôi mắt ướt nỗi buồn lang thang”. Bởi phẩm chất mềm mại kia, điểm nhìn nghệ thuật của Lãng Thanh thường rơi giữa chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa lãng mạn mới. Lãng Thanh vượt trội khi viết những câu thơ suy tưởng “hai mốt tuổi, em vừa đủ để xòe que diêm ra ngoài bóng tối” và “con chuồn ngô bất động trên cánh cửa sắt, như mảnh vỡ từ nỗi buồn tuyệt đối”, hoặc những câu thơ u uẩn “cây đang hát màu xanh giọng khan, triệu xác ve mờ đục màu mắt bà lão lòa”, hoặc những câu thơ bay bổng “em mặc váy ngắn màu hoa cúc, cứu thân thể khỏi cái chết mùa hạ”. Do đó, ưu việt của Lãng Thanh không nằm ở những câu thơ triết luận. Khi Lãng Thanh khao khát biện giải thì ngôn ngữ chông chênh và hao hụt, ví dụ “cái đẹp của vầng trăng tròn lại là cái đẹp của vầng trăng khuyết” hoặc “cái chết là một cám dỗ nhưng cuộc sống lại là nhiều cám dỗ”. Chỉ cần khắt khe sẽ thấy, một Lãng Thanh lý sự bao giờ cũng phản bội một Lãng Thanh thổn thức. Chẳng hạn, viết về tình yêu, câu thơ thổn thức “tình yêu ra đời trên lưu vực của dòng sông nước mắt” hơn hẳn câu thơ lý sự “tình yêu lạnh nhạt có khi là con của hai tâm hồn nồng nàn tha thiết”. Trường hợp khác, viết về đôi mắt, Lãng Thanh lý sự “đôi mắt là hai hột nước đẹp nhất thế gian” không thể so được với Lãng Thanh thổn thức “mắt em đong đầy hoa cúc tím”.
Tự thú “yêu những khúc ca phương Đông”, Lãng Thanh thừa thiên khiếu viết những câu thơ mang phong vị trầm lạc như: “Nắng ngang chừng, mây tới quãng, khói vừa hương/ Chèn quỳnh say, rời rợi trăng Đường, Tống/ Cảm sầu chinh phụ canh chầy/ Đầu khăn máu chảy, lệ đầy khóc khăn” nhưng Lãng Thanh vẫn neo được cảm xúc vào những câu thơ hiện đại như “Ba người khách thấm vào không gian đầy tuổi tác”. Nhờ vậy, ý tứ của Lãng Thanh xôn xao trong những câu thơ vừa mông lung vừa huyền ảo: “Mẹ ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió/ Con phiêu lãng cùng non tận thủy/ Nhưng những bong hoa đánh con đau quá/ Con trở về nhà băng vết máu đầy tay… / Con hái trộm nhiều hoa Chămpa thả trôi sông xanh/ Nhưng con muốn tên dòng sông chảy về cửa biển” hoặc “Bông hoa thả chân trong bình cổ/ Một chiếc lá đỏ mặt, một chiếc lá lên gân/ Sắc mùa thu ấm hơn màu tình ái/ Nhà có người con gái đi mãi không về/ Cửa gỗ nhỏ không mọc răng mà day day rứt rứt”
Những ai trân trọng thi ca, đọc thơ Lãng Thanh chắc có nhiều liên tưởng thú vị. Nếu chỉ đọc “chiếc áo dài trắng em đang mặc dính nhiều dấu vết khỏa thân” của Lãng Thanh trong “Mùa thu I” có thể sánh với “áo em trắng quá nhìn không ra” của Hàn Mặc Tử trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, nhưng Lãng Thanh viết thêm “cho tôi một vò nước lạnh” và “tôi chia tay em để chấm dứt một mưu đồ” thì lại thấy anh có nét tương đồng với Trịnh Công Sơn hơn qua “Mưa hồng” có ca từ “em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào”. Ngoài ra, Nguyễn Bính từng có câu thơ “Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm” có tính xa gần góc nhìn mỹ thuật, thì Lãng Thanh có câu thơ “Cánh cửa màu đỏ xóa bớt một số ngôi nhà” có tính tương phản sắc độ hội họa, mà có lẽ những người yêu tranh đều hài lòng khi thưởng lãm năng lực tạo hình trong thi ảnh của cả hai người!
Dù tích tụ được nguồn mộng mơ lai láng, Lãng Thanh vẫn không quên hướng thơ mình vào thực tại xã hội. Bài “Hồi kịch bất kỳ” thể hiện nhân sinh quan bùi ngùi cho thế tục trần trụi với trắc ẩn “thiên thần òa khóc” liên tục lặp đi lặp lại. Bài “Ghi chép nhỏ” tung tẩy như một diễn văn bênh vực những thân phận lầm lũi và đắng cay phía “chàng học trò lười đây sống hoang mái phố, đuổi bóng con mèo của Baudelaire đến con mèo của Đặng Tiểu Bình” xao xác cúi xuống nỗi đau đồng loại. Bài “Từ chiếc vỏ ốc biển đến thị trường chứng khoán” vượt qua nhịp điệu trữ tình để hướng đến hành vi cảnh tỉnh kiếp sống: “Những tiếng rên cùng bàn chân run rẩy của em là quà của gió/ Ru em đỡ lạnh, tôi thử nói bâng quơ về cô bạn thiếu thời/ Cô công nhân thợ may ưa xem phim và cả nghe quảng cáo/ Cô công nhân thợ may dễ xót xa trước cú ngã của Cantona/ Cô công nhân thợ may mủi lòng vì công nương Diana…/ Đã quỵ xuống lúc bốn giờ sáng, mệt và đói”
Từ mảnh đất Phú Thọ, Lãng Thanh vụt qua làng thơ Việt Nam với ấn tượng “tôi chạy vùng vằng quanh cánh đồng nứt nẻ quê tôi” và để lại “những mảnh vỡ” hồn nhiên cho bạn đọc. Có thể chia sẻ với Lãng Thanh bái vọng quá khứ: “Tôi trầm ngâm dạo trong nhà bảo tàng/ Nghe hàm răng đã cười sáu nghìn năm trong miệng đất/ Tiếng loảng xoảng gương khua, tiếng hát ru từ các bộ xương”. Và cũng có thể đồng cảm với Lãng Thanh ngưỡng vọng thực tại: “Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời/ Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà/ Bầu trời bên phải kéo cha mẹ trở về ruộng đất quê tôi”. Thế nhưng, vẫn thoáng băn khoăn khi nghĩ đến một bài thơ trọn vẹn cho tâm tình của Lãng Thanh gắn bó cùng độc giả ngày càng khó tính với thi ca. Một bài thơ chinh phục được độc giả ví như một bức tranh treo trong nhà mỗi người, không phụ thuộc vào tác giả hay giá cả, mà hoàn toàn nhờ vào kết nối tri giao. Một bức tranh dẫu bé như bàn tay hoặc chiếm lĩnh nguyên bức tường, đều phải chấp nhận luật chơi của cái khung. Với chất liệu thi ca nồng nàn “điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay”, Lãng Thanh không khác gì một họa sĩ tài hoa luôn phóng khoáng vẽ ra ngoài cái khung, nên một bức tranh khi anh ngừng cọ thở phào nhẹ nhõm thì công chúng ngỡ nhiều bức tranh cộng lại, mà bức tranh nọ xô đẩy và che khuất bức tranh kia. Thật may, trong nhiều bài thơ mà câu chữ nảy nở như sắp triển khai bài thơ khác, “Mắt mẹ rợn da trời” vững vàng một cấu tứ độc lập: “Ánh mắt người mẹ nhìn con/ Sừng sững và cổ thụ/ Ánh mắt trải một niềm thương da diết đến mức bầu trời có thể mọc lông tơ như mênh mông một tấm da người/ Xác đứa trẻ thản nhiên/ Vài cây nấm ngả sau mưa…”.
Lê Thiếu Nhơn
Nguồn: Phongdiep.net

1 nhận xét:

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...