Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Mai tuyết- Lặng lẽ bên đời một “Vầng trăng thiếu phụ”

Mai tuyết- Lặng lẽ bên đời một “Vầng trăng thiếu phụ”
 Thật bất ngờ trên nhiều website cùng vài tờ báo trong tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh tôi đã đọc được những vần thơ rất dễ thương của Mai Tuyết. Hóa ra đã từ khá lâu cô đã đến với thơ thế mà tôi chưa hề phát hiện! Những cây bút nữ ở Tây Ninh rất hiếm hoi mà những người đã thực sự tạo được dấu ấn trong lòng người yêu thơ càng hiếm hoi hơn. Giờ có thêm Mai Tuyết là điều đáng quý vô cùng!  
    Tuyết không hề xa lạ với tôi vì chúng tôi đã từng trải qua một thời phóng viên sôi nổi, trẻ trung từ đầu thập niên 80 thế kỷ trước bên cạnh lớp nhà báo đầu tiên ở Tây Ninh từ sau ngày đất nước thống nhất như Võ Hữu Thành, Phương Hùng, Lê Năm, Lê Bá, Phương Vũ, Võ Thành Lập, Đinh Lộc... Khi ấy tôi là phóng viên Văn xã -chính trị Đài Phát thanh Tây Ninh còn Tuyết là Phóng viên Văn xã Báo Tây Ninh nghĩa là cùng "Hát mãi khúc quân hành" trên mọi nẻo đường tác nghiệp trên quê hương Tây Ninh.
    Năm nay Mai Tuyết (tên thật là Thành Mai Tuyết) cũng đã ngoài 50 rồi. Cô nữ sinh hồn nhiên, bé bỏng của Trường Trung học phổ thông Trảng Bàng (nay là Nguyễn Trải) ngày nào bây giờ đã trở thành một thiếu phụ hai con. Dù có vẻ gầy gò hơn thời thiếu nữ đã xa thế nhưng vẫn còn vẹn nguyên nét hồn nhiên, trong sáng và vẫn ngọt ngào, dòn dã trong câu chuyện tâm tình, trong những hồi ức về những tháng năm làm báo không thể nào quên!
    Thật ra Mai Tuyết yêu thơ và chập chững bước vào thơ từ thời nữ sinh trung học. Từ đầu năm 1980 Tuyết trở thành phóng viên Báo Tây Ninh. Bên cạnh làm công việc của một nhà báo chuyên nghiệp với những bản tin, những trang phóng sự... Tuyết đã lặng lẽ làm thơ, thế nhưng chỉ có cô là người duy nhất thưởng thức những tác phẩm của chính mình mà thôi! Không hiểi vì sao Tuyết luôn dấu kín niềm đam mê ấy bên lòng?
   Từ năm 1986 do quá nhiều khó khăn trong cuộc sống Tuyết đã phải nói lời chia tay với tờ báo thân yêu và các đồng nghiệp của mình rồi đi làm nhân viên tuyên truyền phim tại Công ty Chiếu bóng Hòa Thành rồi làm kế toán cho một đơn vị sản xuất kinh tế ở xã Hiệp Ninh - huyện Hòa Thành (nay là Phường Hiệp Ninh - Thành phố Tây Ninh), một công việc mà suốt ngày chỉ loanh quanh với những con số khô khan nghĩa là không có bất cứ một điều gì quan hệ với... thơ! Rồi 2 năm sau đó (1988) cô làm biên tập cho một bản tin của Phòng Văn hòa và Thông tin huyện Hòa Thành... Mãi đến sau năm 1990 Tuyết trở về với đời thường và sinh sống tại Phường 3 Thành phố Tây Ninh.
    Bên cạnh những vất vã trong cuộc sống Mai Tuyết còn mang một vết thương lòng mà cho đến bây giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai. Hơn 20 năm từ biệt mối tình đầu với cuộc sống lạnh lùng không có tình yêu. Sống lại những kỷ niệm tuổi trẻ, nhớ lại những thói đời cay đắng, điêu ngoa, hiểu được cái vị mặn của những giọt nước mắt một thời... Tuyết đã trải lòng mình lên trang giấy... Hơn 3 năm qua Tuyết đã thực sự sống với thơ và thơ đã trở thành một không gian rộng mở như tâm sự của cô:
    - Trong những ngày còn lại của đời mình, em đã thực sự sống trọn vẹn cho thơ, thơ bây giờ đã trở thành một phần quan trong của ý nghĩa cuộc sống chính mình và đã thực sự là một niềm đam mê lớn nhất. Em làm thơ để giải tỏa những nỗi đau của số phận và để vết thương lòng nhanh chóng lành lặn. Qua những vần thơ của em, mọi người sẽ hiểu mình hơn. Vâng! Em làm thơ không phải là để trở thành nhà thơ... không phải để nổi tiếng, để được ca ngợi đâu anh! Mà em làm thơ để sống!
    Vâng! Đúng như thế, thế nhưng thơ Mai Tuyết không chỉ với riêng tôi mà là rất nhiều bạn yêu thơ trong ngoài tỉnh không hề là một làn gió thoáng qua như những một câu nhạc trẻ vu vơ, hay những câu thơ trẻ nhạt nhẻo, tắt tị hiện nay mà khi đọc rồi nó vẫn đọng lại trong tâm tư, nó buột mình phải suy nghĩ và phải nhớ... Đấy mới gọi là thơ chứ!
    Với Mai Tuyết có nổi đau nào da diết hơn thời con gái mà cô đã đánh mất. Không thể giữ được đâu dù chỉ là nỗi nhớ chao nghiêng! Những nụ hôn khờ dại đã trượt dài... và tất cả đã qua đi:
          "Không thể nào giữ nỗi nhớ chao nghiêng
          Đã trượt dài nụ hôn môi khờ dại
          Em về đâu
          Bỏ lại thời con gái
          Cánh diều, cỏ may và tiếng dế ru buồn..."
                 (Không thể giữ cho em)
    Cô gái hồn nhiên ngày nào bây giờ đã trờ thành thiếu phụ tay bế, tay bồng mà kỷ niệm buổi xa người vẫn loáng thoáng đây đây. Đi về đâu bây giờ.người xưa ơi! ngay xưa ơi! Làm sao mà gặp lại:
          "Buổi xa người
          Biết có còn gặp lại
          Trái đời xanh chưa chín
          rụng chân cầu
          Em đánh rơi tuổi xuân
          thời con gái
          Nay tay bế tay bồng
          Ai biết sẽ về đâu?
          (Trăng thiếu phụ)
    Đi qua mùa đông của cuộc đời biết trách số phận hay ai đó đã mang đến cho mình nổi bất hạnh không cùng hay là trách chính sự vụn dại, non nớt của mình ngày ấy? Có còn gì rớt lại ngoài nỗi buồn chỉ một mình ta đi nhặr cho mình...
          "Có người đàn bà
          Đi qua mùa Đông
          Nhặt nỗi buồn rớt lại
          Thời xuân thì thơm tho
          Ai đã hái
          Suốt một thời con gái
          Nỗi trôi với tình yêu vụn dại
          Thả cuộc đời vào những vũng mưa!
          (Người đàn bà nhặt nổi buồn)
    Lục bát của Mai Tuyết tuy không nhiều lắm, Nó chỉ là những tự tình đơn sơ thế nhưng nó lại rất mênh mang và đủ sức cứa vào lòng người thành những vết đau:
        "Tưởng rằng không hẹn vẫn đưa
          Dang tay làm nón che mưa một thời
          Đâu ngờ lục bát bẻ đôi 
          Bên sông người bỏ lại tôt, nát lòng..."
                (Chạnh lòng mà đau) 
    Đọc gần 10 bài thơ của Mai Tuyết. Chân tình quá, day dứt quá... Cái dễ đi vào lòng người nhất là thơ nói được những cảm xúc thật tức là nói bằng lời của chính trái tim mình và những gì mà Tuyết nói đến không phải chỉ cho một mình cô hiểu mà ai cũng hiểu, cũng dễ cảm thông cho tâm trạng của tác giả. Cô đối mặt với thực tại và chấp nhận thực tại chứ không hề chạy trốn nó. Thơ bây giờ có những câu thơ bí ẩn quá, chung chung quá đọc mãi mà không hiểu nhà thơ muốn nói đến cái gì... Đó là điều đáng buồn nhất cho thơ. Mai Tuyết thì khác hẳn vì thơ cô có hồn, có sức sống tức nhiên phải khác hẳn những câu thơ chỉ có cái xác..!
    Nói về thơ Tuyết còn cho tôi biết hiện nay cô đã có hơn 100 bài thơ, cô đang tập hợp và rất khao khát được xuất bản tập thơ đầu tiên của mình. Mong sao điều đó sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực và tôi luôn tin rằng đó chỉ là vấn đề thời gian cũng như tin rằng mạch cảm của Mai Tuyết sẽ không hề dừng lại mà càng ngày sẽ càng nồng hơn cái vị phù sa của tâm tư...
Phan Kỷ Sửu
Theo  http://www.vandanviet.com/


1 nhận xét:

  Tháng 8 năm 1903 - Truyện ngắn của Leonid Andreev Năm phút sau, bác sĩ thăm khám người tiếp theo, còn nhà văn bước dọc theo con phố, nhe...