Người đẹp…kinh dị
Với sự cần mẫn trong lao động nghệ thuật cộng với một giọng
văn lạ và đẹp, nhất là những tìm tòi để tìm một lối đi riêng ít “đụng hàng”
trên văn đàn là một điều không thể phủ nhận ở cây bút này.
Lối rẽ để là mình ở Di Li trước hết là sự dũng cảm khi chọn
dòng văn học trinh thám để khẳng định tên tuổi. Ở góc độ này thì nàng
là…Người đẹp…kinh dị. Cũng chỉ là một cách gọi thân thiết thôi, bởi một giảng
viên tiếng Anh dấn thân vào nghiệp viết lại chọn cho mình một lối rẽ đầy
gai góc trên văn đàn Việt Nam hiện đại đã là một điều đáng nể. Bởi một lẽ,
ít ai, kể cả đàn ông viết và thành công để tạo nên một dòng văn chương
trinh thám kinh dị “made in VietNam”… Tất nhiên là so sánh trong diện mạo
văn học trinh thám đương đại.
Ban đầu tôi đọc Di Li nhiều trên mạng. Trong suy nghĩ là một hình dung đầy
góc cạnh về nàng. Vậy nhưng vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà khi gặp Di Li khiến tôi
nghĩ em là người sinh ra để dành cho những cảm xúc lãng mạn và sâu lắng. Di
Li viết khỏe, viết khá nhiều và tất nhiên trong sáng tác của em không phải
là không có “đất” dành cho những xúc cảm thẩm mỹ thiên về chủ nghĩa lãng mạn.
Nhưng thể loại sáng tác chủ đạo của Di Li đang và sẽ theo đuổi là trinh
thám kinh dị và hài hước. Mà đúng là trí tưởng tượng và tư duy trinh thám của
Di Li thật đáng nể. Những chi tiết, kỹ năng, kiến thức trong các vụ án hình
sự được dựng lên một cách hết sức tự nhiên, logic để lôi cuốn độc giả đi hết
từ bất ngờ này sang bất ngờ khác cho đến hồi kết cục.
“Trại Hoa Đỏ”, cuốn tiểu thuyết trinh thám của Di Li là một minh chứng cho
điều này. Khi cuốn sách “trình làng” đã tạo ra một cơn sốt với các bản in gần
như bán chạy nhất tại các nhà sách. Nhà văn Trần Thị Trường nhận xét:
“Không thể bỏ cuốn sách xuống khi chưa đọc xong. Lôi cuốn từ tình tiết đến
cách dẫn dắt trong một bố cục chặt, điều này chỉ những người có đẳng cấp viết
truyện tưởng tượng mới làm nổi. Có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên về thể loại
này với người viết là nữ ở Việt Nam. Một ưu điểm nữa, đó là người viết có vẻ
như giấu được tình cảm chủ quan của ngòi bút, để cho sự kiện dẫn dắt là một
trong những yếu tố gây nên sự cuốn hút…”.
Tôi không có ý PR cho hình ảnh của Di Li, bởi không có PR thì em cũng đã nổi
tiếng, nhưng qua những lần gặp gỡ ở Di Li toát lên một vẻ trí thức thiện cảm.
Nghĩa là xa đấy mà gần đấy, đủ chín chắn, đủ mặn mà để tiết chế cảm xúc và
tránh nói quá nhiều về mình. Văn chương đã trót mang nghiệp vào mình thì cứ
phải xem là cái nợ giời đày. Cách mà Di Li thai nghén tác phẩm cũng đầy những
khó khăn, nhưng Di Li lại viết nhanh và không tốn quá nhiều công sức nên việc
“trả nợ đời” cũng nhẹ. Tất nhiên những con chữ kia chỉ có thể tràn ra sau
những tưởng tượng tích tụ qua lang lớp sự kiện và thời gian.
Đã từng gặp, chuyện trò và là bạn của nhiều người viết văn trẻ, gặp gỡ với
nhiều tính cách, thấy tính cách Di Li không lạ, nhưng chính sự điềm đạm đó
làm cho Di Li có chiều sâu và ra dáng đàn chị hơn. Văn là người, hiển nhiên
thế, nhưng tiều thuyết trinh thám kinh dị đơn giản chỉ là sự thỏa mãn những
sự phiêu lưu cảm xúc của Di Li mà thôi. Bởi ngoài đời thực, sự trải nghiệm
phiêu lưu để đi đến tận cùng của cảm giác sợ hãi và yêu thương về con người
sẽ là điều không tưởng.
Đa đoan nhàn hạ
Chả cần phải cắt nghĩa hai từ “đa đoan” theo từ điển tiếng
Việt, nhưng rõ Di Li là một phụ nữ đa đoan. Thường đa đoan thì cực, nhưng ở
em lại là một sự đa đoan nhàn hạ, tôi cảm giác thế. Vì là thế này, lúc thì
em xuất hiện trên bục giảng, mà giảng lắm chỗ chứ không phải chỉ ở trường học
nơi mà mình biên chế ở đó. Lúc lại thấy đi tổ chức sự kiện, làm MC. Rồi
nhoay nhoáy viết báo, viết sách, dịch sách. Rảnh rang chút thì… luợn như
đèn cù, cà phê cà pháo lúc thì nhà báo này, khi thì nhà văn nọ. Lúc lại thấy
Di Li dập dìu trong điệu Salsa hay Bachata ở một sàn nhảy nào đó. Và rồi ở
vai trò nào cũng chưa thấy ai kêu ca em “chưa hoàn thành nhiệm vụ”.
Năng động thế nên có bạn đọc truyền thống sẽ thắc mắc các câu hỏi truyền thống,
đại khái “đảm việc nước” thế chắc dở tệ việc nhà. Tôi thì chưa ăn các món
ăn em nấu, nhưng nhiều bạn bè em bảo em làm bếp khéo, khéo cả chăm sóc con
cái. Tôi tin điều này. Đây cũng là một “bật mí” về đời tư của em, bởi em
xinh xắn thế, trẻ trung thế nhiều người tưởng em “chưa có gì”, nhưng Di Li
đã hạnh phúc với một mái ấm gia đình, đi về trong tiếng cười con trẻ.
Một phác họa không đầu không cuối và có phần lộn xộn để bạn đọc thấy đúng
“chất” của con người Di Li. Điều hay nhất khi mọi người tiếp xúc với em là
nụ cười. Hình như ít lúc thấy em cáu giận, chắc vậy mà em luôn tươi tắn với
đời.
Tạm thời thế, biết đâu ngoài những sự đa đoan trên, một ngày đẹp trời, bỗng
dưng Di Li cầm cọ, cũng có thể lắm, nhưng may là em không phải là một “nhà
chung cư…lắm cửa sổ”. Em bảo: “Với em đó là một quá trình tìm sự trải nghiệm,
mình cứ dùng hết năng lượng của tuổi trẻ vào việc khám phá cuộc đời và khám
phá mình. Để sau rốt còn nhận ra được mình là ai và mình đang ở đâu…”
“Nội lực…thâm hậu.”
Nội lực vừa phải thì không thể cho ra đời nhiều đầu sách
“dày” nhau như thế. Theo quy luật thông thường “đẻ dày” thì nhạt. Sách Di
Li xuất hiện trên “giang hồ” lắm thế thì lấy đâu ra chất văn chương trong
đó, ý tưởng, chữ nghĩa, thông điệp… đâu lắm thế nên không nhạt thì cũng chẳng
“mặn mà” gì.
Logic là thế, nhưng nếu bạn yêu mến Di Li, đọc nhiều tác phẩm của em thì sẽ
thấy yêu mến cây bút này hơn bởi thực đơn cảm xúc và giác quan trong mỗi một
cuốn sách không có sự lặp lại. Mỗi một cuốn sách là một sự cống hiến cho bạn
đọc những thông tin, thông điệp và những trải nghiệm rất riêng từ xúc cảm
và ý tưởng văn chương của chính người viết.
Một điều cũng ít người biết, nhưng lắng nghe những sẻ chia của Di Li mới
hay đó còn là cái tâm của người cầm bút. Di Li viết nhanh, bất kể lúc nào
và ở đâu, kể cả trên máy bay, em đều viết. Đôi khi từ hành trình một chuyến
bay từ điểm đầu đến điểm cuối thì một truyện ngắn đã ra đời. Em chia sẻ: “Ý
tưởng thì nhiều, cuộc đời thì ngắn thế, em sợ một lúc nào đó mình già đi
không còn sức mà lao động. Vậy nên phải viết, viết kẻo cảm xúc trôi tuột
theo dòng đời hối hả ngoài kia. Phải lưu nó lại bằng mọi giá. Em còn tham
lam nữa, đề tài thì nhiều, mảng nào cũng muốn viết cho ra viết, vậy thì làm
sao được phép dừng lại? Ngồn ngộn những ý tưởng còn dang dở khi chưa chuyển
tải nó thành con chữ anh ạ…”.
Một thái độ nghiêm túc với văn chương như vậy chính là một thứ nội lực sung
mãn thôi thúc Di Li viết như để trả nợ cho chính mình. Có lẽ tôi sẽ chứng
minh sức làm việc đáng nể của em qua sự liệt kê các đầu sách mà em đã cho
ra mắt bạn đọc.
Tính đến nay, chỉ trong vòng 3 năm, kể từ tập truyện ngắn đầu tay “Tầng thứ
nhất” ra mắt cuối năm 2007, Di Li đã có hơn chục đầu sách, với 5 tập sách dịch
và 7 tập sáng tác bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và ký. Nặng ký nhất vẫn
là Trại Hoa Đỏ và mới đây nhất là tập truyện ngắn “Tháp Babel trên đỉnh
thác Ánh trăng” (2010). Trong tập này, 11 truyện ngắn thể hiện sự đa sắc
màu, đa cảm xúc, nhưng có lẽ mới mẻ và ấn tượng hơn cả là lần đầu tiên Di
Li “thử” tái hiện không khí của chiến tranh qua truyện ngắn “Cuốn trôi
trong gió”. Không gian và thời gian nghệ thuật lấy bối cảnh của Huế năm Mậu
Thân 1968.
Thú vị khi tôi là người đầu tiên đọc truyện ngắn này của em và trước đó, ý
tưởng của truyện ngắn đã chợt đến khi chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê trong
một chiều hạ tàn trên một quán cà phê ở Cầu Giấy. Tôi nói về Huế, về tuổi
thơ mình, về những câu chuyện xa xăm không đầu không cuối, và rồi một cốt
truyện lóe lên trong đầu Di Li, mấy hôm sau em nhắn tin bảo: “Cảm ơn anh đã
cho em một cốt truyện hay, em viết xong rồi, anh đọc nhé…”. Chính tôi cũng
bất ngờ trước “độ nhạy” và “sự nhanh” của em, và càng bất ngờ hơn về trí tượng
tượng bay quá xa những gì tôi kể để có một không gian nghệ thuật hoàn hảo về
những tình đời, tình người với các nhân vật “Cuốn trôi trong gió”, và về một
Huế những năm còn chinh chiến…
Tư duy văn học, sự nhạy cảm cộng với nội lực viết và sự thông minh của một
cô gái thuộc chòm sao Song Tử đã thực sự khiến tôi có cảm hứng để viết một
bài ký sự nhân vật về em.
Hiện tại, Di Li vẫn đang thai nghén một tiểu thuyết trinh thám kinh dị mà
qua những tiết lộ ban đầu sẽ hấp dẫn, hoành tráng và kỳ bí hơn cả Trại Hoa
Đỏ, lấy không gian nghệ thuật ở Hội An vào những năm cuối thế kỷ 18. Với sức
lôi cuốn từ các tác phẩm đã xuất bản, chắc chắn bạn đọc đang mong chờ những
tác phẩm tiếp theo của cây bút “đa đoan nhàn hạ” này.
Trần Ngọc Hà
|
hàng không eva airline
vé máy bay 2 chiều đi mỹ
hang ve may bay korean
mua vé máy bay đi mỹ
đặt vé máy bay đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich