Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Vai trò các nhạc sĩ Thiên Chúa Giáo trong lịch sử âm nhạc nước nhà

Vai trò các nhạc sĩ Thiên Chúa Giáo 
trong lịch sử âm nhạc nước nhà
Kể từ khi Thiên Chúa giáo truyền vào Việt Nam (1533), nhất là từ sau năm 1954 đến nay, ngoài một số ít linh mục và giáo dân chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm công dân của mình thì phần lớn người Thiên Chúa giáo Việt Nam là yêu nước và đã có những đóng góp không nhỏ đối với văn hóa, tri thức nước nhà. Đồng bào và nhiều trí thức Thiên Chúa giáo, trong đó có các vị chức sắc đã bỏ sức người, sức của đồng thời trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và xây dựng đời sống mới hiện nay, nhất là trong hoạt động từ thiện, nhân đạo. Riêng lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sĩ của Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam đã góp phần không nhỏ cho sự ra đời nền nhạc mới Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XX, đồng thời đưa những tinh hoa âm nhạc cổ truyền nước nhà vào trong thánh lễ. Bài viết này sẽ khắc họa bức tranh âm nhạc Thiên Chúa giáo Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XX đến nay để thấy được những đóng góp không nhỏ của giới nhạc sĩ, trí thức Thiên Chúa giáo nước nhà.
“Chất xúc tác” cho quá trình cải cách âm nhạc
Như đã biết, năm 1937 được coi là năm đánh dấu nền nhạc mới Việt Nam chính thức định hình và đi vào phát triển. Sự kiện này được coi như một cuộc cách mạng trong văn hóa âm nhạc nước nhà. Nó đi từ đời sống sinh hoạt âm nhạc dân gian - mà những sáng tạo chủ yếu trên cơ sở “lý thuyết” âm nhạc truyền thống dân tộc - đến với âm nhạc chuyên nghiệp bác học - mà về mặt lý luận cơ bản tiếp thu từ nền âm nhạc phương Tây. Những tác phẩm bước ngoặt cho sự ra đời này gắn với tên tuổi của một số nhạc sĩ như Lê Yên với Vườn xuân (1937), Văn Chung với Trên thuyền hoa (1937), Nguyễn Xuân Khoát vớiBình minh (1938), Nguyễn Văn Tuyên với Một kiếp hoa (1938 - lời Nguyễn Văn Cổn), Lê Thương với Tiếng đàn đêm khuya (1938), và một số nhạc sĩ khác như Vũ Khánh, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Thiện Tơ, Nguyễn Trần Dư(1) v.v... Đây được coi như những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đầu tiên mà ở đó đã giải quyết được mối quan hệ tự nhiên giữa cao độ âm nhạc với thanh điệu trong tiếng Việt theo ngữ hệ La tinh trên cơ sở hệ thống bình quân luật của thang âm nhạc Tây Âu.
Để có được các tác phẩm này cũng như nhiều bài hát viết từ những năm 40 của thế kỷ trước (và cho tới ngày nay), các nhạc sĩ nước nhà đã phải trải qua một hành trình “quá độ” từ phong trào dịch và đặt lời ca vào giai điệu âm nhạc phương Tây, trong đó khởi đầu phải nhắc đến phong trào dịch thánh ca trong Nhà thờ từ những năm 1910(2). Có thể nói âm nhạc Nhà thờ (nói theo cách của một số nhà nghiên cứu âm nhạc) giai đoạn này như là một “chất xúc tác” giúp quá trình cải cách âm nhạc diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn, để trở thành phong trào “hát lời ta theo điệu Tây” bên ngoài Giáo hội ở Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn khác những năm cuối thập kỷ XX của thế kỷ trước - tác động và thu hút ngày càng đông thành phần và đối tượng người tham gia. Công lao khởi đầu cho thành quả ấy không thể không nhắc đến tên tuổi các nhạc sĩ, trí thức Thiên Chúa giáo như Tađê Đỗ Văn Liu, Nguyễn Văn Giệp, Đỗ Văn Lành, Đỗ Tình, Nguyễn Hữu Hiếu(3) v.v... Trong cuốn Lịch sử âm nhạc Việt Nam của tác giả Nguyễn Minh Tâm đặc biệt nói đến đóng góp của nhạc sư, Cha Tađê Đỗ Văn Liu, một người Thiên Chúa giáo và công dân sinh ra ở Nam Bộ. Từ khi ra Bắc năm 1906 đến năm 1954, ông không những đào tạo được nhiều thế hệ những người làm âm nhạc trong và ngoài Giáo hội mà còn tham gia sáng tác nhiều bài hát thánh ca thực sự Việt Nam cho Ban hát ở các Nhà thờ. “Trở lại những tập nhạc lễ ‘lời ta theo nhạc bình điệu’, ‘lời ta điệu Tây’ (lời Việt nhạc ca vịnh Pháp), “lời ta điệu ta” (nhạc và lời do người Việt sáng tác), in bằng máy sắp chữ roneo, thạch bản, giấy nến... chúng ta có thể khẳng định rằng người tiêu biểu nhất trong số ‘sáng tác’ đó là Tađê Liu. Ông không chỉ đặt lời Việt theo nhạc nước ngoài như Phaolô Quy, Paulus Của... mà còn sáng tác cả nhạc và lời, và còn có nhiều hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền nhạc mới Việt Nam và đào tạo khá nhiều những nhạc sĩ có tên tuổi đầu tiên cho nền âm nhạc mới Việt Nam”(4).
Từ phong trào dịch và đặt lời Việt vào giai điệu âm nhạc phương Tây do các nhạc sĩ Thiên Chúa giáo khởi xướng ngay từ những năm 1910 đã tác động không nhỏ tới phong trào “hát lời ta theo điệu Tây” được các nhạc sĩ Việt Nam thực hiện vào cuối những năm 1920. Trong cuốn giáo trình Lược sử âm nhạc Việt Nam (bậc đại học - Nhạc viện Hà Nội), tác giả Thụy Loan cho biết (khoảng cuối những năm 1920 - tổng hợp từ sách của tác giả) “từ chỗ hát nguyên theo tiếng Pháp người ta phỏng dịch lời Pháp ra lời Việt cho ‘phổ thông hơn’. Tiến xa hơn, họ đặt luôn lời Việt cho những ‘bài xi nê’ [...] Người ta in những bài tương tự vào những trang cuối của những tiểu thuyết 5 xu như Đoan Hùng, Lệ Hằng phục thù…”(5). Nhìn vào đây ta có thể thấy, ngay từ giai đoạn đầu này, phong trào cải cách âm nhạc Thiên Chúa giáo đã góp phần quan trọng cho phong trào cải cách âm nhạc nước nhà mà cụ thể là phong trào “hát lời ta theo điệu Tây”, để những tác phẩm âm nhạc Việt Nam xuất hiện trước Cách mạng tháng Tám ấy tạo một bước ngoặt lớn của lịch sử văn hóa âm nhạc nước nhà.
Các nhạc sĩ Thiên Chúa giáo về sau tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả đó và cũng đã có những đóng góp và thành công không nhỏ, tiêu biểu như các nhạc sĩ Hùng Lân (Phêrô Hoàng Văn Hường), Thiên Phụng (Anrê Trần Quang Phụng), Tâm Bảo (Giuse Nguyễn Văn Để). Trong những năm 1945-1946 có sự tham gia lần lượt của Hoài Đức (linh mục Lê Đức Triệu), Nguyễn Khắc Xuyên, Duy Tân (Trần Duy Tân), Hoài Chiên (Nguyễn Văn Chiên), Hùng Thái Hoan, Vĩnh Phước (Bùi Vĩnh Phước) v.v...
Phát huy âm nhạc truyền thống
Không chỉ có vai trò mở đầu cho quá trình cải cách nền nhạc mới nước nhà, các nhạc sĩ trong Giáo hội còn tham gia vào quá trình phát huy và phát triển nền âm nhạc truyền thống Việt Nam; đưa những tinh hoa âm nhạc dân tộc vào trong các thánh lễ. Nếu như giai đoạn đầu của nền tân nhạc, các sáng tác cho thánh nhạc chủ yếu viết ở thang âm bình quân luật của âm nhạc phương Tây, thì giai đoạn sau này, thang âm trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó chủ yếu là nằm trong hệ thống thang 5 âm không bán cung đã được áp dụng đưa vào sáng tác thánh nhạc. Tùy theo từng giáo phận ở mỗi vùng miền mà các nhạc sĩ khai thác chất liệu dân nhạc ở địa phương để sáng tác cho phù hợp. Nhiều loại hình âm nhạc tín ngưỡng khác cũng đã được khai thác và sử dụng trong thánh lễ, như hát Then của các Saman Tày, Nùng, Thái; đặc biệt là trường hợp điển hình như cồng chiêng - vốn là nhạc cụ thiêng của các tộc người thiểu số khu vực Tây Nguyên đã được đưa vào thánh lễ ở Giáo phận Kon Tum; cùng với đó là âm điệu nhiều thể loại dân ca của đồng bào được khai thác, sử dụng một cách sáng tạo và phù hợp. Ở Giáo phận Bắc Ninh thì từ lâu dân ca Quan họ đã là một trong những “đặc sản” địa phương không những chỉ được đưa vào trong các sinh hoạt cộng đoàn mà còn được khai thác đưa vào trong các Bộ lễ. Theo tôi được biết, ở Giáo phận TP.Hồ Chí Minh hiện nay, âm điệu dân ca Nam Bộ, thậm chí cả đờn ca tài tử và cải lương cũng đã được các nhạc sĩ giáo phận sử dụng để sáng tác và đặt lời thánh ca vào. Không chỉ cồng chiêng Tây Nguyên và giai điệu âm nhạc trong các thể loại dân ca, mà các nhạc cụ cổ truyền khác của người Việt cũng được các nhạc sĩ Thiên Chúa giáo phát huy trong nghi lễ như đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn bầu, sáo v.v...
Có thể nói, đến nay, trong sinh hoạt âm nhạc của Giáo hội, thậm chí trong các thánh lễ, sắc thái âm nhạc cổ truyền dân tộc được biểu hiện một cách rõ nét và ngày càng phong phú, đa dạng. Đây là kết quả không nhỏ do các nhạc sĩ, trí thức Thiên Chúa giáo với tâm huyết và những sáng tạo trong quá trình phụng sự Thiên Chúa cùng với tinh thần yêu âm nhạc dân tộc đã giúp đưa diện mạo âm nhạc của Giáo hội ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp nhưng vẫn đậm đà sắc thái truyền thống
(1) Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam (Giáo trình cho bậc Đại học), Nhạc viện Hà Nội, NXB آm Nhạc, Hà Nội, 1993, tr.71.
(2) Xem Nguyễn Minh Tâm (bản in roneo), Lịch sử Âm nhạc Việt Nam (Bản thảo lần thứ nhất), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội.
(3) Nguyễn Minh Tâm, tlđd, tr.13.
(4) Nguyễn Minh Tâm, tlđd, tr.9.
(5) Thụy Loan, tldd, tr.70.
 Nguyễn Đình Lâm
Theo http://honvietquochoc.com.vn/

1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...