Cao Duy Thảo không phải giả văn
Nhà
văn 'địa chủ' & 'chúa' sai vặt
Ấy là biệt danh nhà văn Thái Bá Lợi đặt cho nhà văn Cao Duy Thảo. Ông còn hào
hứng tiết lộ: Nhà văn gốc Bình Định, ẩn trên đất Nha Trang là “chúa” sai vặt.
Hễ ai ngồi cạnh ông đều bị sai khiến cả, nhà văn Nam Trung bộ không chịu mó tay
việc gì.
Chúng
tôi đến thăm Cao Duy Thảo tại nhà riêng của ông ở thành phố Nha Trang. Ngồi
trên taxi, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Nguyễn Hoàng Thu thi nhau kể xấu Cao
Duy Thảo và bài ca ấy vẫn tiếp tục, ngay cả trước mặt chủ nhân. Chẳng
thấy “địa chủ” Cao Duy Thảo phản ứng gì, ông chỉ cười, để anh em thoải mái
“chọc”. Cuộc tiếp đón của “địa chủ” dành cho bạn bè không ồn ào nhưng chu đáo,
có sẵn hai nắm tré, được nhà văn quảng cáo: Chính hiệu tré Bình Định quê ông.
Biết các nhà văn vốn mê uống hơn mê ăn, nên Cao Duy Thảo chuẩn bị sẵn sàng cả
bia lẫn rượu, thứ nào cũng đề huề. Có một điều, ông không xuề xòa trong khâu
bày biện, thậm chí cầu kỳ hơn mức cần thiết: Tré để trên một chiếc đĩa nhỏ, đĩa
nhỏ lại được đặt trên một chiếc khay nhỏ. Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu châm chích:
Cần gì cái khay? Cao Duy Thảo cười: Để thế cho đẹp. Nguyễn Hoàng Thu lại buông
câu cửa miệng: Đúng là nhà quê. Vẫn thấy “địa chủ” nhoẻn cười.
Gia
đình địa chủ mê “Cụ Hồ”
Trước
khi chúng tôi rời Nha Trang về Hà Nội, Cao Duy Thảo chạy xe máy qua chơi. Lúc
này, các nhà văn đi vắng, được ngồi một mình với ông, tôi tò mò hỏi về biệt
danh “địa chủ”. Bằng giọng rành mạch nhưng chậm rãi, ông “khai” đầy đủ: “Theo
gia phả thời xưa để lại, ông tổ tôi, đi đường biển từ Quảng Ninh tới Bình Định.
Đất lành chim đậu, ông tổ tôi ghé vào một làng ven biển Bình Định, cùng với
người trong gia đình, tập hợp bà con khai hoang, ông gần như tiền hiền của vùng
đất ấy. Sau này, xuân thu nhị kì dòng họ tôi cúng những người xưa, dân làng hay
đến bái lạy thắp nhang để tưởng nhớ người khai sáng vùng đất đó. Từ thời ông tổ
tôi đến đời ông nội tôi tương đối giàu có, thành ra thứ điền chủ tương đối
nhiều ruộng. Nhưng ông nội tôi thuê người làm ruộng, cho các con đi học, ra
Huế, ra Quy Nhơn học. Bố tôi sau này dạy học, rồi xin nghỉ về nhà trồng trọt,
được bình bầu là chiến sỹ nông nghiệp huyện. Đời ông tôi là điền chủ, còn gia
đình tôi là trí thức nông thôn. Vì lí do đó mà nhiều người gọi tôi là con địa
chủ”.
Cao
Duy Thảo kể tiếp: “Thời đó bố tôi mê Cụ Hồ lắm. Gia đình ít con trai nhưng ông
dám cho một đứa con trai thương quí là tôi ra Bắc, ông bảo: Ra có Cụ Hồ”. Những
đứa trẻ khác theo cha mẹ ra Bắc, riêng Cao Duy Thảo đi một mình, vào học
tại trường nội trú. Xa quê, sự cô độc càng kích thích tình yêu văn chương sẵn
có trong ông. Ông có những người bạn, sau này đều trở thành hội viên Hội
Nhà văn Việt Nam như Ngô Thế Oanh, Thanh Quế… Họ chơi với nhau thành nhóm thậm
chí ra một tờ báo riêng. Những sáng tác chào làng văn chương của ông từ chiến
trường lấy bút danh: Cao Duy Thao, sau này mới trả lại tên khai sinh: Cao Duy
Thảo. Từ đây văn đàn Việt Nam đón thêm một cây bút cẩn thận, nghiêm ngắn, không
thiên về số lượng.
Nhắc
đến nhà văn Nam Trung bộ này, người ta thường nhớ đến hai mảng: Truyện và ký.
Dù là bút kí hay truyện ngắn, Cao Duy Thảo vẫn giữ giọng văn đều đều, điểm độc
đáo của ông là sự phát hiện chi tiết. Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét khi đọc
truyện ngắn ấn tượng nhất của ông “Thời gian”, kể về người mẹ đi tìm sự
mất tích của đứa con trong chiến tranh chống Mỹ. Sau hòa bình, tuổi cao sức yếu
bà vẫn lang thang khắp nơi tìm tung tích của con với một niềm tin bất diệt, đứa
con trai yêu quí của bà không có mặt trong trại chiêu hồi của địch như dư
luận đồn đại: “Truyện ngắn này rất tiêu biểu cho lối viết Cao Duy Thảo: Không
cố ý tạo những tìm tòi đột phá về kỹ thuật; cũng không cố tình bố trí những
“thắt nút”, “cao trào”, “cởi nút”… khéo léo, gay cấn; một lối kể chuyện đều
đều, từ tốn, với rất nhiều chi tiết cụ thể, gây cảm giác hoàn toàn là chuyện
thật… Cuối cùng một chi tiết rất nhỏ, giấu trong những chi tiết khác, bỗng phá
vỡ tất cả dòng chảy hầu như tầm thường đến nhàm chán kia, và ta bỗng nhận ra:
Vậy đó, đằng sau cái bằng phẳng êm ả hằng ngày, là những bi kịch của con người,
vừa sâu thẳm, đau đớn lắm, vừa nhân hậu biết bao, mà người cầm bút tinh tế nhỏ
nhẹ phát hiện ra”.
Ngòi
bút Cao Duy Thảo thấm đẫm nhân văn, giống như cách nhìn nhận của nhà văn đối
với những sự việc nhỏ trong đời sống hằng ngày. Ông nói với tôi rằng, nếu cho
chọn lại, ông vẫn cứ chọn nghề văn, bởi nghề văn cho ông quyền năng được giãi
bày. Nhưng ông thương những đồng nghiệp khác của mình, có những lần đến nhà họ
chơi, nghe vợ của họ phàn nàn về cái nghề cặm cụi bên trang giấy mà Cao Duy
Thảo chạnh lòng: “Họ nói vậy mà không biết đã xúc phạm đến nghề nghiệp của
chồng”.
Nhà
văn Cao Duy Thảo trong buổi gặp gỡ các
nhà văn TP. HCM tại Nha Trang 9/2015
Được
tiếng là nhà văn “địa chủ” song ông lại sở hữu gia tài văn chương
khá khiêm tốn: Khoảng chục đầu sách, phong phú về thể loại từ truyện
ngắn, tiểu thuyết, bút kí đến thơ. Chẳng phải vì máu “địa chủ” lười cày cuốc
hay giữ sang chảnh trong viết lách nên mới ít sản phẩm, mà vì Cao Duy Thảo cày
một cách nhọc nhằn trên cánh đồng câu chữ: “Tôi quí trọng chữ nghĩa. Cho nên
khi tôi gửi cái gì đó định in đâu, tôi đều gọi điện tới gọi điện lui, phải sửa
chữa chữ này, chữ nọ. Thứ nữa, là lỗi vùng miền, quê tôi ăn cục nói hòn. Cách
nói của chúng tôi không được suôn sẻ, không được bay bổng mướt mát, dân Nam
Trung bộ là thế. Tôi đánh vật với câu chữ mất thời gian. Nó thậm chí còn hạn chế
mình về mặt cảm hứng, chữa đi chữa lại mãi thành chai lì, thành ra viết chậm
chứ chẳng sang trọng gì”.
Nhưng
cũng chính vì sự viết chậm nên Cao Duy Thảo để lại nhiều câu văn đẹp, ngay
trong thể ký: “Xe đi trong miên man là rừng thưa. Đang giữa tháng ba, mùa khô…
Cây lá còn kịp khoe cái vẻ huy hoàng lần cuối cùng trước khi có ngọn gió
Tây-Nam đầu tiên thổi tới. Rừng trầu lá đỏ ối, cháy lên như lửa. Săng lẻ tỏa
những cành nhánh màu lam nhạt lãng đãng sương khói. Có thể cảm được từ xa cái
vàng son tiếc nuối của bằng lăng: Vòm lá đồng thau trải rộng và thân cây thì
chới lên từng tia sáng trắng”. Trong thể loại nào, dù chỉ thoáng qua, như thơ,
Cao Duy Thảo cũng ghi dấu ấn ở sự nghiêm túc, chỉn chu. Ông có những câu thơ
bàng bạc ca dao khiến nhiều người làm thơ phải tị: “Nhớ nón Gò Găng vầng trăng
Đập Đá/ Sông dài nước cả/ Người quân tử khăn điều/ Chim quyên tắm mát ăn
xoài…”. Tuy vậy, Cao Duy Thảo khiêm tốn tự xếp hạng: “Tôi là loại nhà văn trung
bình”. Nhưng ông tự hào: “Anh em cho mình là văn thứ thiệt chứ không phải giả
văn”.
Viết
tự truyện dành cho con cháu
Hai
năm nay nhà văn “địa chủ” đang viết tự truyện, đã được khoảng 200 trang, ông
viết nhẩn nha, không có câu thúc của nhà xuất bản nào: “Trong chiến tranh tôi
viết khoảng 20 truyện ngắn, bút kí thì ít hơn. Đến hòa bình tôi viết nhiều hơn,
viết mấy tập truyện ngắn, một tiểu thuyết, mấy tập bút kí… Thời điểm sung sức
nhất của tôi là sau giải phóng những năm 85-90. Còn đến lúc này tôi viết tự
truyện. Không nên tham, khả năng sáng tạo của mình không được như trước, có cố
thì cũng trượt đi như quán tính vậy thôi. Mình phải viết cái gì gan ruột nhất”.
Mười
năm lăn lộn trong chiến trường, như bao người cầm bút khác, với tư cách chiến
sỹ, Cao Duy Thảo tự nguyện đứng về phía dân tộc mình, viết những điều có lợi
cho cuộc chiến đấu trường kỳ. Có những phản ánh ông biết là phiến diện
nhưng vẫn làm: “Chúng tôi sẵn sàng viết những bài báo, những truyện ngắn nhằm
cổ động hô hào, tránh những điều đau thương, mất mát làm chiến sỹ yếu lòng,
chúng tôi tự nguyện làm điều này cho chiến thắng chung”. Nhưng khi chiến
tranh đã đi qua, viết trung thực là khát vọng của nhà văn, bởi: “Nó không phải
vấn đề xét lại hay sám hối mà là anh viết sao cho người ta nhận thức được đầy
đủ về cuộc chiến”. Chính vì vậy, tự truyện của Cao Duy Thảo là những
trang văn trung thực, có thể vừa lòng người này, chưa vừa lòng người kia nên
ông không có ý định xuất bản, chỉ viết cho mình, cho con cháu xem, để họ hiểu
hơn về ông, về chặng đường ông đã đi qua. Nhưng chắc chắn tự truyện cũng giống
như văn chương Cao Duy Thảo mà độc giả từng yêu mến, sau tất cả sự thật đắng
đót được phơi bày, đọng lại vẫn là cái tình ấm áp.
Người
thật thà và may mắn
Phẩm
chất Nam Trung bộ thật thà vẫn lồ lộ khi Cao Duy Thảo nói chuyện. Nói về văn
Bắc, ông “hạ” câu điếng người: “Dân Bắc viết văn chỉ sợ nhạt thôi”. Tên tuổi và
tác phẩm của Cao Duy Thảo có thứ hạng nhưng ông vẫn chưa nhận Giải thưởng Nhà
nước về Văn học nghệ thuật. Nhà văn “địa chủ” lí giải: “Tôi cảm thấy chuyện
giải thưởng như là ban ơn cho mình. Điều đó tôi không thích. Nhiều người được
giải tôi thấy xứng đáng, nhiều người tôi xem tác phẩm thấy… như nào”. Về giải
thưởng của Hội Nhà văn, ông cũng bày tỏ thẳng thắn: “Những tác phẩm đoạt giải
Hội Nhà văn sau đó không ai biết đâu cả. Rõ ràng có vấn đề. Trừ “Nỗi buồn chiến
tranh” hay “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Thời sau đổi mới có lẽ là đoạn xuất
sắc nhất, sau đó mấy chục năm giải thưởng Hội Nhà văn trao rồi không ai biết”.
Ông không hề buồn vì sự nghiệp văn chương ít giải đình đám: “Tôi không thấy có
gì cám cảnh chuyện đó cả vì nghề này mình tự chọn mà, có ai bắt ép gì mình đâu
và mình viết trong lí tưởng tươi đẹp của mình, mình sống với nó”.
Cao
Duy Thảo tự nhận là người may mắn, đi chiến trường ngót chục năm mà trở về an
lành, không một vết thương. Ông cũng không lận đận trong đời sống riêng. Nhà
văn “địa chủ” còn có một sự nghiệp điện ảnh thoáng chốc. Ông từng học khoa biên
kịch của Trường Sân khấu điện ảnh, từng tham gia đóng phim. Vai diễn “để đời”
của Cao Duy Thảo chính là vai lính dõng trong bộ phim Kim Đồng, lướt qua màn
ảnh độ một phút nhưng lại được giới thiệu tên rõ to khiến sau này nhiều bạn văn
có chuyện để chọc “minh tinh màn bạc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét