Mở mắt ngày đã trôi
Tôi gọi xóm tôi là xóm vũ
phu. Ấy là tôi gọi thế, chứ xóm này có tên một vị anh hùng dân tộc hẳn hoi. Bệnh
đánh vợ nó lây qua đường không khí, đầu tiên là nhà Mãn, gã đánh vợ huỳnh huỳnh,
tuần nào cũng đôi trận, lý do nào cũng chính đáng cả. Vợ đánh phấn nó bảo chỉ
đi làm đĩ mới dồi phấn trắng dày mặt thế, vợ nó đón con về muộn 5 phút nó tát bốp
má phải gắn ngay cho thị cái tội đứng buôn dưa lê với trai…Con vợ thua thằng
chồng 5 tuổi, học chưa hết cấp 2, phụ tiệm làm tóc cho cô họ, thằng này làm thợ
hồ đời bố truyền đời con. Làm theo mùa xây dựng. Hết mùa ngồi nhà vá xe, uống
rượu vặt. Thằng này ghen bệnh hoạn, trong đầu nó lúc nào con vợ cũng có dấu hiệu
sắp đi ngoại tình. Vợ nó đau lòng, uất ức nhiều lần bỏ đi nhưng nó tìm, năn nỉ
cầu xin tha thứ, khóc lóc hứa sửa thói hư và ngoen ngoét luôn mồm chỉ vì “anh
yêu em quá, anh lo mất em”. Bài này, mấy câu trơn nước bọt này chả cứ con vợ học
hết lớp 2 mủi lòng, tôi tin chắc 90% phụ nữ nhà ta sẽ xuôi giận, sẽ tặc lưỡi
cho qua chuyện, lại ậm ừ biện minh là do chồng nó yêu mình mới thế, thôi thì về
cho con nó có bố, cho thiên hạ nó khỏi xầm xỉ xầm xì cái thứ gái bỏ chồng... thế
là cắp giỏ trở về cùng chồng. Đàn bà cả tin, nông cạn là chuyện muôn đời, đặc
tính giống cái thay đổi sao được. Tôi cũng đàn bà, có khi tôi còn dại bằng 10
con vợ thằng thợ hồ xóm tôi ấy chứ.
Một đêm cả xóm đồng loạt mở
cửa lao ra đường nghiêng ngó, tiếng la hét kêu cứu chữa cháy, mùi khói, mùi
xăng, mùi quần áo, đồ nhựa ăn lửa khét sặc. Nhà thằng Mãn nhốn nháo. Nhà
thằng Mãn lửa cháy rừng rực. Tôi chạy tìm vợ nó. Không thấy. Tôi chạy tìm con
nó. Không thấy. Chồng tôi theo mấy ông hàng xóm quần đùi lộc cộc tạt cát, tạt
nước ầm ầm vào nhà thằng thợ hồ. Tôi chạy loăng quăng miệng gọi ời ời, đám đàn
bà xóm tôi cũng chạy loăng quăng gọi vợ con thằng thợ hồ ời ời. Đến khi lính cứu
hỏa đến được cái xóm nằm trong con hẻm nhỏ xiu ba lần cua trái - phải - trái
thì nhà thằng thợ hồ đã như đống rác lún ngún những sợi khói mỏi mệt. Cả xóm
nhem nhuốc về nhà lúc trời sắp sáng. Cả xóm buồn buồn, một nỗi buồn chẳng gọi
được thành tên.

Chồng bảo đêm qua đi nhậu
anh gặp con Phù Sa, nó làm tiếp thị bia tiger, nhìn mãi mới nhận ra nó em ạ. Hả?
Nó sao làm nghề đó được? Anh cho nó 200 ngàn, nó không lấy. Anh có hỏi được nó
đang ở đâu không? Tôi nghe trong bụng ran ran. Thằng Mãn sau vụ đốt nhà, công
an bắt rồi thả, nó bỏ xóm đi luôn. Xóm có nhà anh Đông bác sĩ, chị Hải kế toán
ngân hàng, em Ngân giáo viên anh văn thỉnh thoảng lại làm một cơn rộn ràng, rượt
đuổi chửi hét chẳng khác gì phim Hồng Kông. Quanh quẩn những chuyện đời sống va
chạm kiểu tiền vay tiền nợ, nhà anh nhà tôi, ghen tuông bóng gió, tự ti tự ái
chồng thấp vợ cao, con anh con tôi con chúng mình. Đời là chuỗi luẩn quẩn những
chuyện ái ố hỉ nộ, dân xóm đa phần theo Phật mà ai cũng chẳng thể tĩnh tâm lâu
bền. Xóm có hơn 30 nhà, hơn nửa là công chức viên chức nhà nước, kẻ làm quan to
thì lương lậu nhiều, nhà xe to, kẻ lính lác thì lương ba cọc ba đồng, sấp ngửa
làm thêm mới đủ ăn. Nhà quan to cửa đóng then cài, chó dữ xồng xộc gầm gừ, xóm
có việc chung nhồ ra nộp thùng bia, uống tượng trưng một ly rồi giơ tay chào
như Tôn Trung Sơn, rồi chắp tay sau đít khệnh khạng về, quan to phải lo việc nước
thời gian đâu mà tụ họp xóm giềng quê kiểng. Quan to về, các quan bé, lính lác,
dân lao động tự do ngồi quây lại cụng ly côm cốp, hô vô vô, nói râm ran đủ thứ
chuyện trong nước quốc tế, chuyện dân sự quân sự, chuyện ăn ở phúc phần… chả ai
nhắc gì đến chuyện rượt đuổi chửi hét, đàn ông thằng nào cũng chứa một bụng sĩ
diện. Cái gì xấu là giấu như mèo giấu cứt. Nhà báo, kế toán ngân hàng, giáo
viên, hướng dẫn viên du lịch gặp cơn điên tiết của mấy lão thì cũng bầm da tím
thịt, nhắm vào tay đùi lưng bụng còn giấu che bằng trang phục chứ vào mặt thì
phấn kem tô đắp lên vẫn lồ lộ, lên cơ quan nói bị té xe, va cửa, đồng nghiệp ừ ừ
xuýt xoa trước mặt, sau lưng xì xào lao xao đến hết tuần, hết tháng, hết năm,
chẳng ai cắt phép chờ hết bầm vì chồng uýnh để đợi đi làm, thời buổi của khó
người đông, sểnh ra là mất chén cơm hộp sữa cho con như chơi. Thế nên, cơ quan
nào người cũng đông lúc nhúc nhưng làm việc chỉ nửa số ấy, còn một nửa cứ lượn
lờ đến tháng nhận lương, săm soi, bóc móc nhau những chuyện vụn vặt đời tư. Tôi
sợ hai từ đồng nghiệp, trải qua bốn cơ quan, tôi cảm nhận rõ giá trị của hai từ
này, loại vô tư cả tin như tôi từng tai bay vạ giá mấy phen nên khiếp.

Sau khi đốt nhà nó cũng không đi tìm mẹ con em. Em không tính về với lão thật à? Thôi chị ạ, đời người là duyên nợ, em nợ lão đến đoạn đó là đứt duyên rồi, cái gì xong cho xong luôn để bắt đầu vào đoạn khác, vui buồn sướng khổ có căn kiếp rồi. Tôi ôm nó vỗ vỗ. Đàn bà sinh ra đã vốn khổ, mạnh mẽ mà sống em ạ. Đức năng thắng số. Nó khóc tu tu. Nó bảo lâu rồi em không khóc. Nó hỏi chị có hạnh phúc không? Tôi bảo chắc là hạnh phúc vì vợ chồng chị lâu nay ít cãi cọ đánh đập nhau. Trả lời xong tôi chợt thấy mình vô duyên, chả lẽ tôi - người đàn bà đã học hết bậc đại học, cử nhân luật, viên chức nhà nước, kết hôn 12 năm rồi lại chỉ bám vào một tiêu chí “ít cãi cọ đánh đập nhau” là “Hạnh phúc”?. Tôi chợt nghĩ đến mấy chị em công chức, viên chức trong xóm trên, mấy chị em bán buôn tự do nơi xóm dưới, mấy ả đồng nghiệp và bao người phụ nữ thân/sơ tôi gặp, tôi quen biết, tôi quan hệ giao du, họ có cảm giác giống/khác nhau khi bị chồng chửi đánh vì 1001 lý do đúng/sai?. Đàn bà dĩ nhiên nhiều dạng, nhiều loại nhưng đặc tính cơ bản nhất vẫn là phức tạp. Xong cứ hằm hè nhau làm chi chi, mở mắt/nhắm mắt ngày trôi, đêm đã trôi, cuối cùng phận người cũng chỉ là tro bụi.
Hoàng Thanh Hương
hãng bay eva
Trả lờiXóavé máy bay đi mỹ giá rẻ
hang khong korean air
vé máy bay đi mỹ bao nhiêu
mua vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich