Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Hoài vọng về cái đẹp. cái tình

Hoài vọng về cái đẹp. cái tình
 TỐNG BIỆT

Lá vàng rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi!

Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn rêu nhạt
Nước chảy huê trôi
Cái hạc bay vút lên tận Giời!
Giời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng giăng chơi.
Tản Đà

  Có lẽ trong thi ca Việt Nam, ở thời kì chuyển mình theo hướng hiện đại hóa, Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu xứng đáng là bậc Tiên chỉ của làng thơ lãng mạn.Cái-Tôi tràn đầy xúc cảm của hồn thơ thi sĩ họ Nguyễn, thường phiêu diêu thoát tục mà kiếm tìm vẻ đẹp nơi chốn bồng lai, tiên cảnh. Bài thơ “Tống biệt” đi theo hướng lãng đãng, đa tình ấy.Nồng nàn gặp gỡ và cũng buồn thương bởi sự cách trở, li biệt Tiên-Trần:
             “Lá vàng rơi rắc lối Thiên Thai
              Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi !”

  Không gian của cảnh “Tống biệt” khơi gợi cho ta cảm nhận và rung động với một giai thoại đẹp và buồn.Giai thoại về hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu ở đời nhà Hán-Trung Hoa.Một lần Lưu, Nguyễn vào núi Thiên Thai hái thuốc. Rồi, hai chàng gặp gỡ và nên duyên cùng hai nàng tiên nữ nơi này.Tụ rồi tán.Mộng rồi sầu.Bởi thời khắc chia li Tiên-Trần đã điểm trong thương nhớ và nuối tiếc khôn nguôi của cả kẻ ở lẫn người đi. Không gian “Tống biệt”, thoắt biến ảo thành không gian-tâm cảnh.Với lá đào rơi, với con suối Thiên Thai tiễn biệt. Và, cả những âm thanh ngọt buồn của tiếng oanh đưa. Hai câu thơ đầu của thi nhân, có dáng vẻ, hình hài hòa quyện cùng thanh âm. Song, nỗi niềm đưa tiễn “những ngậm ngùi”, vẫn bâng khuâng, thổn thức thật đượm buồn.Thật ám ảnh.
  Bởi thế, “Tống biệt” của Tản Đà mượn lời ngâm buồn của hai tiên nữ-cũng là tiếng lòng của hai chàng Lưu-Nguyễn; hay cũng chính là nỗi tình hoài của Tản Đà thi sĩ, mà cất lên niềm nuối tiếc:

               “Nửa năm tiên cảnh
                 Một bước trần ai”

  Chao ôi, cái khoảnh khắc chia lìa như rung ngân, như thổn thức trong hai tiếng “một bước”. Những thời khắc nồng nàn trong yêu đương của “nửa năm tiên cảnh”-thoắt đánh đổi bởi thời khắc rùng mình trong chia ly: “một bước trần ai”. Mượn cách đo đếm tỉnh táo về thời gian, nhà thơ diễn tả nỗi niềm tiếc nuối cùng cả nỗi bẽ bàng của kẻ ở lẫn người đi. Một bước thôi mà thoắt thành xa xôi. Xa xôi , cách trở của không gian Giời-Đất, Tiên-Trần, đã đành.
Xa rồi mà nhớ.Mà tiếc nuối, mới thực sự vương vấn Nỗi-Niềm-Yêu.
  Những lời thơ nhớ thương, lưu luyến... như chuyển thành tiếng thở dài trước cảnh buồn sầu “Giời đất từ đây xa cách mãi”:
                “Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
                 Đá mòn rêu nhạt
                  Nước chảy huê trôi
                  Cái hạc bay lên vút tận Giời!”

  Làm sao không khỏi buồn thương, tiếc nhớ khi điều ao ước, tâm nguyện mối lương duyên Tiên-Trần đã lùi vào quá vãng xa xôi.Duyên tình bỗng thành “duyên thừa”. Tất cả chỉ còn là chảy trôi, xa nhạt. Một chuỗi từ ghép danh-động vừa diễn tả cái mất lại vừa mang niềm hoài cảm khiến xúc cảm biệt li thêm bâng khuâng, vời vợi: “Đá mòn, rêu nhạt. Nước chảy huê trôi”. Và, lời thổn thức chia xa như chới với giữa hư không :
                 “Đá mòn, rêu nhạt
                  Nước chảy,huê trôi
                  Cái hạc bay lên vút tận trời !
                  Giời đất từ đây xa cách mãi.”

  Vị trí, điểm hẹn, điểm tình với “cửa động, đầu non, đường lối cũ”...mãi mãi trôi vào xa xôi.
  Có cái tỉnh trong nhận biết sẽ đánh thức cái đau thấm thía, tận lòng. Với cách ngắt ra ba dòng thơ cuối bài, Tản Đà đắc địa khi dùng cái tỉnh để đánh thức cái buồn đau.
  Nỗi buồn nhớ đọng lại và ngân nga khôn dứt trong câu thơ cuối cùng của “Tống biệt”; Một nỗi buồn không năm tháng: “Nghìn năm thơ thẩn bóng giăng chơi...”
  Với nhạc điệu du dương đến chơi vơi, với ngôn ngữ và hình ảnh thanh nhã mà cũng rất đỗi mơ màng, bài thơ “Tống biệt” của thi sĩ Tản Đà như vẽ nên bởi khói sương huyền ảo nơi tiên giới. Chất tài hoa, lãng mạn của thi nhân là ở chỗ : dựng nên cảnh tống biệt mà tịnh không có bóng dáng con người. Chỉ thấy ngân lên như tiếng vọng ai hoài, chất chứa đầy tâm trạng. Đấy là nỗi niềm tiếc nhớ cảnh Bồng lai hay cũng chính là tiếc nhớ Cái-Đẹp, Cái-Tình đã tuột khỏi tầm tay. Nỗi niềm ấy, tự nó đã gợi mở niềm khát khao muôn thưở của thi nhân. Cũng là của bao người về vẻ đẹp của Tình-Đời và Tình-Người. Ước vọng khát khao ấm lành ấy, có bao giờ tàn phai theo thời gian?!.
Hà Nội 5/2014
 Trần Trung
Theo http://vannghenamdinh.com.vn/ 

 



1 nhận xét:

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...