''Thoát y dưới trăng'' và dấu hỏi lớn
về tính chân thật nghệ thuật của tác phẩm văn học
(Đọc tiểu thuyết Thoát Y Dưới Trăng
của Thuỷ Anna. NXB Văn Học 2010)
“Bóng trăng đổ ập xuống căn nhà rất sớm. Di tắm trần
như nhộng dưới bóng trăng nhễ nhại, cảm giác đau đớn và bỏng rát khi
dội nước lên cơ thể đang nổi mần đỏ. Dường như trăng càng sáng nỗi đau đớn
hành hạ Di dữ hơn. Cô lăn lộn dưới trăng như con sói hoang lăn lộn giữa rừng
già cô độc” (tr.148). Đó là hình ảnh Di sau khi cô phát hiện ra mình bị
phong cùi. Và chỉ một thời gian ngắn ngủi sau đó linh hồn Di tan vào ánh
trăng. Hình ảnh cô gái thoát y dưới trăng có ý nghiã gì?
Thoát Y Dưới Trăng (TYDT) kể lại số phận của ba nhân vật Di, Mạnh và Mây. Di
lên 10 thì bố bị lò gạch sập đè chết. Mẹ Di phải chịu đựng kiếp đời tủi nhục làm
đĩ nuôi con. Mẹ Di chết vì lây bịnh Sida của người tình là một con
nghiện. Số phận dun rủi, Di phải nuôi con người anh họ can tội giết vợ ngoại
tình và cưu mang thêm đưá bé bị bỏ rơi trong bụi rậm. Công việc chuyển cá từ
thuyền lên xe không đủ tiền nuôi hai đưá bé, Di phải bán mình cho Lão Độ lấy
6 triệu. Sau đó, để có thể nuôi con, Di lại làm lẽ lão Hồng 3 năm, với điều
kiện có con cho lão. Nhưng lão vô sinh. Di thoát được tay lão trở về nhà xưa.
Để làm được giấy khai sinh cho con, Di phải ngủ với lão trưởng phòng. Một
sáng sớm tập thể dục trên bãi biển, Mây quen với Di. Mây có mẹ là bác sĩ viện
trưởng một bệnh viện tư, cha là PGĐ Cty Xuất nhập khẩu Tranh đá mỹ nghệ. Từ
lúc học lớp 10 cô đã ăn chơi thoải mái. Mây ăn ở với Mạnh cho đến khi anh
chán cô. Mạnh là PGĐ CyTNH. Xuất thân từ một trẻ mồ côi, thuở nhỏ Mạnh cũng
phải chứng kiến cảnh mẹ làm đĩ nuôi con. Lớn lên Mạnh sống
với băng nhóm trẻ bụi đời, rồi nhờ thời cơ mà phất lên. Khi biết Mây giao du
với nhiều người, Mạnh cho bọn đàn em xử Mây, nhưng không ngờ Mậy lại bị làm
nhục như vậy. Di đã cứu Mây. Bà viện trưởng xử lý cái thai cho con và cho Mây
sang Hàn Quốc lánh mặt mấy tháng. Mạnh bị đột quỵ sau một đêm uống rượi và lo
lắng. Bọn đàn em thuê Di làm ôsin chăm sóc Mạnh. 4 tháng sau Mạnh hồi phục.
Di lại trở về ngôi nhà xưa cuốc đất trồng rau nuôi con. Cô bị lây bịnh cùi do
bốc mộ thuê cho môt bà già cùi. Mạnh tịnh tâm ở chuà một tháng rồi đi tìm Di.
Hai người bày tỏ tình yêu. Đám cưới được tổ chức khi máu trên các vết thương
cùi của Di chảy ròng ròng. Mây có đến dự đám cưới nhưng không vào. Nhìn Mạnh
dìu Di, Mây tha thứ cho Mạnh. Di ra đi trong vòng tay tình yêu của
Mạnh.”Di đã tìm thấy hạnh phúc ở chặng đường ngắn ngủi trong cuộc đời “(tr169)
Thuỷ Anna nói về chủ đề của tác phẩm:” Đây
là cuốn tiểu thuyết viết về những người trẻ. Ba nhân vật của em bao gồm Di,
Mạnh và Mây. Ba nhân vật này có công việc và hoàn cảnh sống hoàn toàn khác
nhau nhưng có điểm chung là họ đều bị gạt ra ngoài xã hội, ước mơ khao khát
rất bình thường thôi là gia đình rất bình thường, không phải to tát nhưng họ
vẫn không đạt được ước mơ nhỏ bé ấy.
Thuỷ Anna nói về thông điệp tác giả gửi đến
người đọc qua tác phẩm: Đó là khát khao mãnh liệt của con người để
vượt qua được bế tắc, khổ đau của cuộc đời nhằm đạt được hạnh phúc. Thân
phận con người trong "Thoát y dưới trăng" hơi bi đát một chút, hơi
cay đắng một chút nhưng điều em muốn mang đến cho độc giả là có những thân
phận cực kì bất hạnh và cay đắng trong cuộc đời vốn tươi đẹp này. Vì thế
những người trẻ phải luôn biết trân trọng những thứ nghiêm ngắn mà mình đang
có.(1) (Hồn Nhiên phỏng vấn Thuỷ Anna)
Vấn đề là ở chỗ nhà văn đã xây
dựng tác phẩm như thế nào đề thể hiện nội dung
và chủ đề, tư tưởng trên? Sự thành bại của tác phẩm tuỳ thuộc
vào tài năng xây dựng được những hình tượng tư tưởng có sức thuyết phục.
Với nội dung và chủ đề như vậy, tác phẩm đã
giúp người đọc nhìn thấy chung quanh mình đang có những số phận phải sống
trong hòan cảnh khốn nạn đáng được cảm thông, chia sẻ. Tác phẩm toát lên tình
cảm nhân đạo đáng trân trọng.
Xét về nghệ thuật tiểu thuyết, Thoát Y Dưới Trăng có
nhiều vấn đề cần được trao đổi.
Trước hết là văn báo chí lấn át văn
tiểu thuyết. Ít nhất là 100 trang đầu, người đọc truyện có cảm giác như
mình đọc một bản tin báo chí, tuy có tường thuật chi tiết hơn một chút. Đó là
những bản tin đã cũ nhàu mà người đọc gặp trên báo hàng ngày. Dường như tác
giả chưa phân biệt được đặc trưng phong cách văn báo chí và đặc trưng thể
loại tiểu thuyết (?).
Báo chí thuật lại một tin, một sự việc đã xảy ra.
Tác giả là người hiện diện trực tiếp để tường thuật; còn tiểu thuyết là dựng
lại dòng chảy cuộc sống ở thì hiện tại. Cuộc sống trong tiểu thuyết
hiện lên như cuộc sống thực đang diễn ra trước mắt người đọc. Kỹ thuật dựng
truyện của tiểu thuyết và cách viết một bài báo là hoàn toàn khác nhau.
Xin đọc một đoạn :” Ôi cuộc đời! Mây nghĩ thầm. Ở
nhân gian này vẫn còn những ông bố bà mẹ như vậy. Kẻ thì ôm con
nhễ nhại đi ăn xin, kẻ thì bán trinh con gái lấy tiền đánh
bạc, kẻ thì giết con vì ghen tuông. Tội ác nào cũng có thể
bỏ qua, nhưng riêng tội ác hắt hủi giọt máu của mình thì thật đáng tống xuống
địa ngục”(tr/53) . Đây là một đoạn văn trong một bài nghị luận của học
trò. Đoạn văn có cấu trúc lập luận diễn dịch. Câu chủ đề ở đầu đoạn, sau đó
là những dẫn chứng cụ thể và phần bày tỏ cảm tưởng. Câu “Mây nghĩ thầm” có
thể bỏ đi mà không ảnh hưởng đến nội dung đọan văn. Hoặc có thể thay tên Mây
bằng bất cứ ai, kề cả bằng đại từ nhân xưng Tôi. Xin đọc một đoạn nữa,
đoạn thuật lại Di có ý định cứu đưá bé :” Mỗi bước chân cô đi cô không
ngớt cầu trời phù hộ cho đưá trẻ bất hạnh . Đưá bé đáng thương hơn cả cuộc
đời của cô, nó chẳng biết cha mẹ nó là ai? Vì sao sinh ra nó mà không yêu
thương nó. Cô đứng lại một giây…”. Đại từ nhân xưng
ngôi thứ ba “cô” chỉ ra, đó là một đoạn trần thuật, không
phải đoạn miêu tả cuả văn tiểu thuyết.
Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ hình tượng biểu
cảm, ngôn ngữ đa nghiã và mang phong cách cá nhân, không
phải kiểu ngôn ngữ trung tính của báo chí. Trong TYDT, tác giả như
một khách thể thuật truyện về người khác ở ngôi thứ ba (chẳng hạn, đại từ cô ở
trên và câu : lồng ngực bà mẹ thanh tân căng tròn.tr35
); Chính vì thế cách viết của Thuỷ Anna làm giảm mất nhiều hứng thú khi người
đọc tiếp cận tác phẩm. Những chuyện về trẻ bụi đời, về con nhà giàu hư hỏng
là chuyện thời sự, báo chí đã nói quá nhiều. Tính thời sự trong Thoát
Y Dưới Trăng lấn át tính tiểu thuyết.
Dường như có sự lúng túng trong chọn lựa bút
pháp, khiến cho tác phẩm khập khiễng khó đứng vững. Ở phần
đầu (tr.01-156) là bút pháp hiện thức. Thuỷ Anna nói về những cảnh
đời thực, bằng những dòng tả chân, nhưng ở phần sau lại chuyển hoàn toàn sang
bút pháp lãng mạn. Cuộc kết hôn của hai bút pháp này không cứu rỗi được ngòi
bút Thuỷ Anna. Cuộc sống làm đĩ cuả mẹ Di và mẹ Mạnh, cuộc
đời dưới đáy của Di và Mạnh, cuộc sống ăn chơi con nhà giàu của Mây là hiện
thực. Vấn đề là , bức tranh xã hội Thuỷ Anna vẽ ra chẳng khác bức tranh xã
hội trước 1945. Di phải bán mình cho lão Độ, phải làm lẽ lão Hồng, phải ngủ
với trưởng phòng, xung quanh Di không có ai là người lương thiện, cuộc sống
không có chỗ cho Di làm người, ngoại trừ làm con vật, con đĩ…Chẳng nhẽ xã hội
VN những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI lại đen tối, bi đát đến thế
sao?
Cuối tác phẩm Thuỷ Anna để cho Mạnh lên chuà tịnh tâm một
tháng, sau đó tìm đến Di. Lúc này đã ở trong trại cùi, cơ thể đang bị tàn phá
dữ dội. Hai người yêu nhau trong đêm trăng và làm đám cưới trong khi cùi tay
của Di máu chảy ròng ròng. Di chết trong hạnh phúc tình yêu. Tác giả có thể
an ủi Di bằng cách kết như vậy. Nhưng tôi nghĩ, những cảnh như thế chỉ có thể
diễn trên sân khấu cải lương (nghệ thuật ước lệ). Trong đời thực đó là những
tưởng tượng hão. Tiểu thuyết không thể bẻ cong quy luật khách quan của hiện
thực, dù tác giả có viết bằng bút pháp lãng mạn.
Như vậy tác phẩm không có sư thống nhất về bút pháp, phần
đầu là bút pháp hiện thực, phần sau là bút pháp lãng mạn, điều này làm mất đi
khả năng thể hiện chủ đề của tác phẩm. Với bút pháp hiện thực, tác giả phải
đặt được vấn đề và chỉ ra con đường gỉai quyết vấn đề. Nghệ thuật hiện thực
là nghệ thuật góp phần cải tạo xã hội. Thạch Lam, dù là một nhà văn lãng mạn
cũng nhận thức được yêu cầu này :”Đối với tôi, văn chương không phải là
một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên ; trái lại, văn chương
là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vưà tố cáo vừa thay
đổi một cái thế giới gỉa dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong
sạch và phong phú hơn “(Lời tựa Gío lạnh Đầu Mùa). Rõ ràng thế giới
mà Thuỷ Anna miêu tả là một thế giới giả dối và tàn ác, thế nhưng
cách giải quyết vấn đề của tác giả lại duy tâm. Giải pháp ấy là gì ? cả Di và
Mạnh đều nói đến chữ TÂM của Phật giáo. Một tay anh chị như Mạnh, một tay Phó
Giám Đốc công ty như Mạnh thì không thể có chuyện vào tu trong chùa, và sau
đó lại lấy một người vợ cùi! Chính Thuỷ Anna cũng nghi ngờ giải pháp của
mình. Mạnh nhìn con thạch sùng trên tường và tự hỏi về con đường của mình ”Phật
dạy rằng : Biển cả vô biên, quay đầu lại là bờ. Vậy sao gã này khổ thế “(tr.171).
Mạnh đã quay đầu lại con đường lương thiện (?) sao không thấy bến bờ hạnh
phúc ? Câu trả lời có thể là : Những vấn đề xã hội đòi hỏi phải giải quyết
bằng các giải pháp xã hội, không thể chỉ giải quyết bằng chữ TÂM như cách đề
xuất của tác giả.
Nhưng TÂM là gì trong cách hiểu của Thủy Anna?
Sau ba năm làm lẽ ở nhà lão Hồng, về nhà, đêm đầu
tiên không phải làm nô lệ tình dục, Di ngồi bàng hoàng không tin được những
gì cô đã trải qua. “Đôi mắt Di sáng lên, ánh sáng ở tâm, con đường
cũng ở tâm “(tr.120) Phải chăng Di đã “ngộ” ra được điều gì ?
Tâm của Di là gì? Con đường của Di là con đường nào? Còn Mạnh ? Nhờ đâu Mạnh
có thể trở nên giàu có? Sao Mạnh lại xử ác với Mây? Khi ở trong chùa, Mạnh
nghĩ :” Thánh nhân cũng là người, kẻ phàm trần cũng là người, Phật
tại tâm”(tr.116) Khi “xuống núi” anh hay nói đến lòng vị tha :”Chẳng
lẽ trải qua đau thương con người biết vị tha và sống vì
người khác”(tr156).Còn Mây ? Mây là nạn nhân của chính cô. Mây chưa
có ý thức xã hội, chưa có ý một tráo tim biết sám hối, sao Mây có thể đến gặp
Mạnh nói lời tha thứ :” Cách duy nhất để em quên đi quá khứ buồn là học
cách tha thứ. Chính vì vậy em quyết định tha thứ cho anh “(
153). Tất cả những điều Thuỷ Anna miêu tả trên, có lẽ đều là TÂM, là tấm lòng
từ bi hỷ xả, biết hướng về người khác và sống yêu thương. “…tình yêu không
có chỗ cho nỗi đau đời và sự thù hận “(tr.170) . Kềt thúc tác phẩm
là hạnh phúc nồng ấm của tình yêu, hạnh phúc ấy lớn lao đến nỗi có thể làm
tan đi những đớn đau máu chảy ròng ròng từ thân xác Di, xoá sạch những vết ô
nhục và những nỗi hận thù trong tâm hồn Mây. Chữ TÂM đã sáng lên giữa đêm tối
của đau thương và tội ác. Phải chăng Thuỷ Anna muốn xây dựng tác phẩm của
mình thành tác phẩm tư tưởng? Nếu quả có ý thức sáng tạo này thì đây là một ý
hướng tốt, tuy nhiên trong TYDT tác giả chưa thực hiện được. Đó chỉ là cách
chọn lựa miễn cưỡng khi tác giả bế tắc trước phút pháp hiện thực. Máu, nước
mắt, bất công, cái ác vẫn sừng sữ đó. Lão Độ, lão Hồng, lão trưởng phòng vẫn
nhở nhơ ? còn sự đau đớn khôn cùng của bịnh cùi Di phải chịu là vì ai? Vì cái
gì ? Hai đưá con của Di vẫn bơ vơ trôi dạt không biết về đâu, người đọc nhói
tim nếu hai đứa trẻ ấy lặp lại số phận của mẹ nó!
Thoát Y Dưới Trăng thất bại trong việc lý giải những vấn đề xã hội, vậy tác
phẩm còn lại điều gì ? Người đọc dễ nhận ra thái độ cảm thông, bênh vực của
tác giả với những người đàn bà vì hoàn cảnh mà phải làm đĩ nuôi con (mẹ Di.
Mẹ Mạnh và Di). Tuy nhiên ngay cả tình cảm nhân đạo ấy cũng không có cơ sở để
đứng vững. Nếu cho điều ấy là đúng thì ngày nay những cô gái chân dài, những
diễn viên, ca sĩ làm gái gọi, đi tour, họ có vì hoàn cảnh đói nghèo và bức
bách đến nỗi không thể làm gì khác ngoài việc bán thân ? Câu trả lời sẽ là
khác với điều Thuỷ Anna đã đặt ra. Việc miêu tả quá nhiều lần cảnh người mẹ làm
đĩ trước mặt con (Di và Mạnh ) là sự cố ý lộ liễu. Không người mẹ
nào lại làm chuyện tồi bại đó trước mặt con và không người con nào khi chứng
kiến những cảnh thú vật như thế lại có thể tha thức cho mẹ được. Thử
hỏi,trong những hoàn cảnh đói nghèo và chiến tranh ác liệt nhất suốt 30 năm
kháng chiến (1945-1975), có bao nhiêu phụ nữ Việt Nam chọn nghề làm đĩ nuôi
con ? Hơn thế, mẹ của Di, mẹ của Mạnh còn tìm thấy hạnh phúc trong công việc
hoàn toàn bản năng ấy. Khi đẩy vấn đề lên tầm khái quát, Thuỷ Anna đã đặt vấn
đề một cách võ đoán, ngay cả đó là hư cấu cũng không thể chấp nhận được.
Sự bênh vực, cảm thông với những người phụ nữ phải bán
thân để nuôi con là đáng qúy, nhưng vấn đề là giải pháp nào để giúp họ thoát
ra khỏi cảnh ô nhục đó ? Tác giả không có câu trả lời, bởi vì tác phẩm đã cô
lập hoá nhân vật, không đặt họ trong một bối cảnh lịch sử cụ thể nào. Các tổ
chức đoàn thể Nhà Nước, các tổ chức từ thiện xã hội, các chính sách xoá đói
giảm nghèo…đều có thể giúp đỡ họ được. Vậy mà tác giả lại miêu tả xung quanh
các nhân vật của mình chỉ có caí xấu, cái ác và bóng tối. Điều này làm sao có
thể thuyết phục được người đọc?
Thoát Y Dưới Trăng cũng có nhiều hạn chế về kỹ thuật dựng tiểu thuyết.
Đó là những trang văn xô bồ, ít chất văn chương. Nhiều câu chữ
còn rất thô, thiếu sự tinh tế của tiếng Việt, dùng từ sai ngữ pháp, dùng từ
không đúng nghiã, lặp từ vụng về.
Thí dụ
“Là một bác sĩ, bà nghĩ rằng, sẽ vô hiệu hoá nếu
dùng lửa dập lửa”(tr.112). Chữ vô hiệu hóa dùng
không đúng cách về ngữ pháp. Vô hiệu hoá là một động từ, đòi
buộc sau nó phải là một tân ngữ. ( thí dụ : vô hiệu hoá âm mưu khủng bố )
“Tất cả những tiềm thức ấy trôi đi rất
nhanh, nó giống như một thước phim mà được quay khi đang cưỡi ngựa”(tr.92)
Trong mỗi bộ não người chỉ có một vùng tiềm thức, không thể có những
tiềm thức. Hơn nữa, tiềm thức là một danh từ không
đếm được, không thể đặt Lượng từ những đứng trước.
“Di biết rất rõ rằng, cuộc sống phải luôn
luôn chấp nhận sự thay đổi để thích nghi với cuộc sống mà
mình đang có”(tr.131). Trong một câu mà dùng hai lần chữ cuộc
sống, chứng tỏ khả năng diễn đạt không phong phú nếu không nói
là vốn từ của tác giả rất nghèo.
Ngôn ngữ nhân vật chưa được cá thể hoá, vì thế nhân
vật không có cá tính. Tác phẩm chỉ có một giọng của tác giả. Di, Mây, Mạnh có
cùng một giọng điệu, cùng một kiểu nói năng. Hình ảnh Mây hoàn toàn là sự áp
đặt chủ quan, cách nhìn phiến diện có phần méo mó của tác giả đối với thế hệ
học trò phổ thông.
Thuỷ Anna đặt vào miệng Mây, cô học trò lớp 10 mới 17
tuổi, lời khẳng định này: “Ở lớp em, các bạn sống thử với nhau lâu rồi.
Đã yêu nhau thì phải yêu đến tận cùng chứ” (tr 97), và miêu
tả lối sống của Mây: “hàng xóm láng giềng cứ xì xèo về chuyện cô Mây hay
về nhà rất muộn, có các chàng công tử nhìn phong lưu mã thượng, có xe ô tô
đưa đón đi về. Mà cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy cô Mây thay người khác “(tr.45).
Có thể có trong đời thực một cô học trò như thế, nhưng không phải là tất cả.
Sự áp đặt này là chủ ý điển hình hoá hay do năng lực thâm nhập thực tế và khả
năng tiểu thuyết hoá của Thuỷ Anna còn hạn chế ? Cũng có thể là do cách viết
trình thuật báo chí, nhân vật tôi (tác giả) quán xuyến tất cả (?).
Yếu tố thời gian trong Thoát Y Dưới Trăng cũng rất
lỏng lẻo, nếu không nói là không logic với cốt truyện. Thời gian trong TYDT
là thời gian thực, không phải là thời gian tượng trưng hay thời gian nghệ
thuật. Truyện được kể theo thứ tự thời gian: một ngày, một tuần, một tháng,
hai tháng mười ngày, một năm, ba năm, nhưng hành động của hai nhân vật lại
diễn ra trong một thời gian so le. Di đi làm vợ lẽ cho Lão Hồng ba năm trở về
nhà, Mây đi Hàn Quốc ba tháng về, hai người gặp nhau. Mây cho quà con của Di.
Người đọc có cảm giác ba năm làm lẽ của Di xảy ra cùng một lúc và bằng với 3
tháng đi Hàn quốc của Mây. Nhiều cảnh đang từ hiện tại, nhân vật hồi tưởng
quá khứ sau đó không thấy trở về hiện tai, hoặc người đọc không rõ đâu là
thời gian tiểu thuyết (thời gian sự việc đang diễn ra ở hiện tại)?
Thoát Y Dưới Trăng lấy nguyên văn ý tưởng và cách thể hiện cuả I’m
Đàn Bà (Y Ban ) ở đoạn tả Di làm ôsin cho Mạnh, giúp Mạnh hồi
sinh, sau đó chung đụng xác thịt với Mạnh, làm nảy nở tình yêu (tr.130-139) .
Việc lấy ý tưởng của người khác là không nên (tôi không tin rằng Thuỷ Anna
không biết I’m Đàn Bà của Y ban), vì sẽ tạo ra sự ngộ
nhận nơi người đọc và lộ ra sự hạn chế trong năng lực sáng tạo của tác giả.
Ai cũng hiểu rằng, năng lực sáng tạo là một tố chất quyết định tài năng của
nhà văn.
Tôi cứ băn khoăn điều này, phải chăng tác
giả bắt Di phải đi con đường số phận do mình hư cấu ? Bỗng
dưngngười anh dẫn con về và bỏ trốn vì tội giết vợ, rồi bỗng dưng có
đưá trẻ bị bỏ rơi trong bụi rậm, thế là Di phải làm mẹ hai đưá trẻ. Khả năng
kiếm sống cũa Di để nuôi hai con trở nên ngặt nghèo, đẩy Di vào con đường bán
thân cho lão Độ. Sao Di không đem cháu bé cho tổ chức từ thiện nào ? Chính
cái bỗng dưng ấy làm người đọc hoài nghi tính logic
hiện thực của cốt truyện. Rồi lại bỗng dưng Di đi bốc mộ cho
bà già bịnh cùi, để lây bịnh cùi. Y khoa chỉ ra rằng, bệnh cùi từ lúc nhiễm
đến lúc phát là rất lâu, có khi 15-20 năm, vậy mà chỉ mấy tháng thì tay Di đã
bắt đầu cụt dần, máu chảy ròng ròng…(ngày nay y khoa đã có thuốc chữa khỏi
căn bệnh này).Tất cả những điều như thế đặt một dấu hỏi lớn về tính chân thật
nghệ thuật của tác phẩm
Có một chi tiết có thể làm người đọc bình thường
rối trí. Đó là, toàn bộ đối thoại của các nhân vật đều không được đánh dấu
bằng dấu gạch ngang đầu dòng. Lời đồi thoại được viết liền mạch với lời kể
cuả tác giả. Điều này có ý nghiã gì ? Phải chăng viết như vậy, tác giả muốn
lưu ý người đọc rằng đó là dòng ý thức của nhân vật, không phải là dòng hiện
thực đang diễn ra. Tôi thấy rằng cách viết của Thuỷ Anna chưa đạt tới kỹ
thuật “dòng ý thức” của văn chương hiện sinh. Cách trình bày như vậy
chỉ làm rối trí người đọc thôi, không mang lại hiệu quả diễn đạt nào.
Trở lại tên truyện Thoát Y Dưới Trăng và
đoạn tả cảnh Di tắm trần dưới ánh trăng:”Bóng trăng đổ ập xuống căn nhà
rất sớm. Di tắm trần như nhộng dưới bóng trăng nhễ nhại, cảm giác đau đớn và
bỏng rát khi dội nước lên cơ thể đang nổi mần đỏ. Dường như trăng càng sáng
nỗi đau đớn hành hạ Di dữ hơn. Cô lăn lộn dưới trăng như con sói hoang lăn
lộn giữa rừng già cô độc”, tôi đã tra hỏi xem tác giả có ngụ ý gì trong
hình ảnh ấy và nhan đề ấy ? Có thể nhận xét của An ninh Thủ đô là một kiến
giải.
An ninh Thủ Đô nhận xét thế này: Ngoài lối hành văn truyền thống,
biểu cảm, thì ấn tượng đối với “Thoát y dưới Trăng” chính là những…
“cảnh nóng” được chị xây dựng trong câu chuyện đầy bản năng nhưng
cũng rất con người, đó là những hình ảnh gây xúc động đối
với người đọc. (2)
Có thật rằng nhan đề truyện và đoạn tả cảnh trên là chí
có dụng ý gây tò mò? Tôi đã không đọc được ngụ ý gì trong đoạn tả trên,
ngoài hình ảnh trần trụi của việc tắm. Nhưng nếu chỉ quy TYDT về còn lại ấn
tượng ở những “cảnh nóng”, tôi nghĩ người đọc đã không hiểu đúng những thông
điệp cuả tác giả. Có điều, tác giả khai thác nhiều lần đoạn tả cảnh mẹ làm
đĩ với khách một cách hoang dã trước mặt con, và sử
dụng những hình ảnh tục để tô đậm những cảnh sex sẽ là trái với quy
luật sáng tạo nghệ thuật của văn chương.
Xin đọc:” mẹ là người lọc lõi trong tình trường, mẹ
kéo khoá quần gã xuống. Di nhìn thấy rõ cái bộ phận đàn ông của gã như con
chó con mới đẻ. Mẹ mơn trớn con chó con ấy đến khi gã không chịu được nữa
vùng lên và quăng mẹ Di xuống ven đường, lột sạch quần áo, cả cái quần chip
mẹ mới mua chiều nay trên phố huyện, trông diêm duá, nửa kín nửa hở. Mỗi nhịp
gã thúc mạnh xuống người mẹ Di, lạ thay, mẹ tỏ ra mãn nguyện”(tr.12)
Sẽ chẳng ai tin rằng người mẹ này vì nghèo
khổ mà phải làm đĩ nuôi con, như ý định của tác
giả trong tác phẩm. Nếu An Ninh Thủ Đô có cho rằng “ấn tượng đối với
“Thoát y dưới Trăng” chính là những… “cảnh nóng” được chị xây dựng trong câu
chuyện đầy bản năng nhưng cũng rất con người, đó là những hình ảnh gây
xúc động đối với người đọc”, thì nhận xét đó có lý của nó,
nhưng Tôi không rõ “xúc động” người đọc nhận được qua “cảnh nóng” ấy là xúc
động gì? Hay cũng chỉ là “xúc động” bản năng ? Nếu vậy thì cả người viết và
người đọc (ANTĐ) chưa hiểu điều này là, con người khác loài vật ở chỗ, con
người đã nâng bản năng lên thành văn hoá. Đó là điều đáng tiếc. Tôi nghĩ, có
lẽ do mục đích câu khách, hay do “phong trào” viết sex bẩn như một mốt
thời trang của tư tưởng giải phóng phụ nữ (kiểu đòi nữ quyền phương Tây) mà
Thuỷ Anna chịu ảnh hưởng chăng ? Dù thế nào, Thuỷ Anna đã tỏ ra chưa đủ tự
tin trong sự sáng tạo của mình.
Thoát Y Dưới Trăng có được ý tưởng sáng tạo tốt, có những trang văn hay (thí dụ,
đoạn tả tâm trạng Mạnh sống trong mộng du, tr.108-116), có khơi gợi được tình
cảm nhân đạo nơi người đọc, nhắc nhở người đọc quan tâm đến những con người
bất hạnh chung quanh mình. Tác phẩm cũng hé lộ chút ánh sáng bất chợi trong
năng lực sáng tạo của tác giả (Thí dụ, đoạn tả giấc mơ của Mạnh với thằng Đỏ
- tr.114), điều ấy đem đến cho người đọc hy vọng ở ngòi bút trẻ này
Xin đọc giấc mơ của Di:”Di thấy mình bay bổng trên những
chòm sao. Trong giấc mơ của Di, mỗi vì sao giống như một ngôi nhà trong xóm
nghèo này, nhưng trên các chòm sao ấy có đầy ắp ánh sáng. Di cầm từng nắm ánh
sáng ném vung vãi xuống nhân gian như cô tiên cầm cây đũa thần kỳ ban phát
phép màu. Trên cơ thể Di khoác tấm áo màu lụa có gắn đôi cánh bạc lấp lánh,
khi khoác đôi cánh ấy trên vai Di có thể bay từ chòm sao này đến chòm
sao khác..(tr.107)
Tất nhiên để đạt được thành tựu trong tiểu thuyết,
Thuỷ Anna phải vượt qua được cách viết báo chí, đem văn chương vượt lên thời
sự; phải tự tìm kiếm cho mình một bút pháp phù hợp (không phải là sự lắp
ghép hiện thực và lãng mạn một cách vụng về như trong TYDT) và phát huy hơn
nữa năng lực sáng tạo để không bị ảnh hưởng người khác. Điều ấy cần có thời
gian, nỗ lực rèn luyện và sự tìm tòi khổ công. Văn chương bao giờ cũng
đền bù xứng đáng cho những khổ công như vậy.
Bùi Công Thuấn. Tháng 7. 2010
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét