Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

CoyoteTheory - Những âm thanh đẹp của tuổi thanh xuân

CoyoteTheory - Những âm thanh đẹp 
của tuổi thanh xuân
Tạm dịch: Sức sống không chỉ ở khả năng tồn tại mà còn ở khả năng để bắt đầu lại từ đầu. – F. Scott Fitzgerald (đại văn hào người Mỹ, người đã viết nên tác phẩm Gatsby vĩ đại)
Hôm nay, sau bao năm tháng lỡ hẹn và bận rộn, tôi cuối cùng cũng có khả năng để viết một bài trên tạp chí âm nhạc. Nghĩ về tạp chí âm nhạc, tôi lại nhớ đến câu nói của F. Scott Fitzgerald. Câu nói đó cũng làm tôi nhớ lại những giai điệu của năm nào. Vài năm về trước, cái thời của những sự kiện lớn diễn ra trên thế giới, bitcoin bước ra ánh sáng và giới truyền thông không ngừng bàn luận về nó. Julian Assange cùng với wikileaks công bố những tài liệu mật của chính phủ mỹ. Anonymous không ngừng khủng bố, tấn công nước mỹ và những chính phủ họ cho là xấu xa. Giữa những ngày tháng đó, có một thế hệ trẻ cũng đang dần trưởng thành và mang trong mình những khát vọng riêng của họ, họ theo đuổi những điều họ muốn chứ không muốn làm công nhân cho bất cứ ai, những tác phẩm indie đã được trào đời, trong số đó game indie và nhạc indie là những thứ để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hoá thời gian này.
Coyote Theory không phải là một ban nhạc được biết đến rộng rãi, họ cũng không có nhiều tác phẩm. Coyote Theory là một ban nhạc indie đến từ Florida, gồm có 4 thành viên. Cái tên Coyote Theory tạm dịch là “lí thuyết của sói”, có lẽ điều mà họ muốn nhắm đến là hình tượng của những con sói đầy kiêu hãnh và đơn độc, đi tìm lẽ sống cho riêng mình. Tác phẩm đầu tiên tôi được nghe của họ là single track:”taking over the world”. Mới nghe tên sẽ thấy sự ngạo nghễ và tham vọng trong đó, nhưng khi nghe bản nhạc này thì chúng ta lại cảm thấy những day dứt nhiều hơn.
Sử dụng nhiều âm trầm trong bài hát, đôi khi tôi có cảm giác nó lấn mất cả giọng của Lead Vocals, phần nào làm ta cảm thấy nặng nề và mệt mỏi. Đó có khi lại là cái hay của bản nhạc, nó cố gắng khắc họa cho người nghe những âm trầm nhưng luôn trực chờ bùng nổ của những người trẻ, giai điệu đôi lúc uyển chuyển như khắc họa cái day dứt của một thời thanh xuân vừa muốn thực hiện tất cả những điều mình mơ, vừa đôi chút e dè sợ sệt những thứ mà mình chưa từng gặp hay chưa từng nếm trải trong đời. “Silver weeds and oil honey have you seen the water?” Lời bài hát gợi nhiều suy tưởng với mỗi người trong chúng ta, mỗi ngày xanh mà ta đã đi qua.
Sau này, khi có cơ hội tìm hiểu và nghe lại album trước đó của Coyote Theory, tôi lại càng thấu hiểu cảm xúc trong những ca từ của họ. Trong album Color ra đời năm 2011, có lẽ track vibe là đáng chú ý nhất. Tiết tấu của bản nhạc được đẩy lên khá nhanh, các hợp âm của bản nhạc trong trẻo và khá dễ nghe dù vẫn hơi nhiều âm trầm. Về tổng thể, âm thanh của bài hát khá tươi sáng và nhẹ nhàng. Lướt qua các bản nhạc còn lại trong album, bạn có thể tìm được những âm sắc tươi vui, mang nhiều hy vọng và làm người ta nhớ nhiều về những ngày tháng tuổi trẻ với bao giấc mơ và những kỉ niệm.
Coyote Theory có lẽ không phải là một ban nhạc tạo ra được những bản nhạc làm vừa lòng những người nghe nhạc khó tính. Những bản nhạc của Coyote Theory có lẽ cứ trôi nổi giữa hai thế giới, nó không hẳn là những bản nhạc thị trường, nhưng có lẽ cũng chưa đạt đến tầm của những bản nhạc có thể làm bạn nghe đi nghe lại từ năm này qua năm khác. Nghĩ về nó như thể nghĩ về những người ở những ngày tháng cuối của tuổi trẻ, họ không thể hoà nhịp với những người vừa mới mười tám, đôi mươi nhưng cũng lại không muốn cuộc đời mình trở lên lặng lẽ và quá yên bình như những người ở tuổi xế chiều. Dù sao thì tôi yêu cái âm nhạc của Coyote Theory cũng như nhớ về những ngày tháng mà mình đã trải qua với nhiều mơ mộng và khát vọng.
 Tiểu Long
Theo http://tapchiamnhac.net/

1 nhận xét:

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...