Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Vịnh Hạ Long - Niềm đam mê của các văn nghệ sĩ

Vịnh Hạ Long - Niềm đam mê của các văn nghệ sĩ
Khám phá, chinh phục vẻ đẹp Vịnh Hạ Long là khao khát của bao người, đặc biệt là các văn nghệ sĩ. Với sự rung cảm đặc biệt, các văn, nghệ sĩ luôn dành cho vẻ đẹp phóng khoáng và hết sức nên thơ này sự ưu ái đặc biệt trong các sáng tác của mình...
Những xúc cảm với cảnh sắc thiên nhiên cùng vô vàn huyền thoại của Hạ Long là nguồn cảm hứng cho biết bao nhà thơ. Sáng tác thơ về Hạ Long không chỉ nhiều về số lượng mà chất lượng nghệ thuật cũng khá cao như “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận), Chơi thuyền trên Vịnh Hạ Long (Trần Nhuận Minh), Hạ Long (Triệu Nguyễn), Một chiều Hạ Long (Long Chiểu), Hòn Gà Chọi (Nguyễn Ngọc Sính), Hòn Đũa (Phạm Xuân Tâm)...
Bên cạnh thơ, Hạ Long cũng đã đi vào nhạc tương đối sớm với những bản tình ca về biển chinh phục lòng người bằng giai điệu trữ tình mượt mà, sâu lắng. Nhiều ca khúc sống mãi với thời gian như Chiều Hạ Long (Đức Minh), Nhớ Hạ Long (Thế Hiển), Bình minh Hạ Long (Xuân Giao), Hạ Long biển nhớ(Đỗ Hoà An) v.v... Và gần đây nhiều ca khúc mới ra đời tạo được ấn tượng tốt với công chúng như Tấm thảm xanh trên sóng (Đỗ Hồng Quân), Huyền thoại Hạ Long (Xuân Nhật), Hạ Long thu sang và Giữ mãi Hạ Long xanh của tác giả Lê Nguyên Thêm...
Hạ Long trong các hoạ phẩm cũng để lại nhiều dấu ấn riêng, đặc biệt không thể quên những bức tranh vẽ biển, vẽ buồm nổi tiếng thơ mộng của hoạ sĩ Lê Vân Hải. Những gam màu vàng với sắc độ tươi sáng làm ta như chìm trong biển vàng hết sức lãng mạn của người hoạ sĩ tài hoa này. Là vài nét màu đưa qua mà ta thấy những cánh buồm như rập rờn bay trên sóng biển Hạ Long, đang chao nghiêng, phồng lên trong gió lộng, lung linh trong những giấc mơ tuổi thơ. Mây nước Hạ Long cũng mơ màng, sóng sánh đầy mê hoặc. Khác với những nét vẽ mê hồn giàu chất thơ của hoạ sĩ Lê Vân Hải là những nét vẽ lụa bạo liệt của Trần Công Phú khi vẽ về Hạ Long. Đó không phải những cảm xúc dâng lên từ sự bình yên lãng mạn mà là những cảm xúc mãnh liệt với những cơn dông lốc của biển, những ánh chiều báo hiệu bão tố. Biển trong tranh Công Phú không trong xanh êm đềm, không vàng mơ êm ả mà rực lên bởi sắc đỏ, đen, vàng sẫm đầy cá tính, đẹp vẻ đẹp kỳ lạ, độc đáo trong những khoảnh khắc đặc biệt của trời nước Hạ Long... Ngoài ra, nhiều hoạ sĩ khác của Quảng Ninh cũng vẽ về Hạ Long với những cảm nhận khác nhau, khám phá vẻ đẹp này ở những góc độ nhất định. 
Cuối cùng, xứng đáng được nhắc đến đó là những bức ảnh về Vịnh Hạ Long. Một số tác giả nước ngoài khi đến với Hạ Long đã thả hồn cho những cảm xúc về đá, mây, nước nơi đây, ảnh của họ có những cảm nhận khá độc đáo về cảnh sắc và con người Hạ Long. Còn các tay nhiếp ảnh của tỉnh cũng tham gia sáng tác từ lâu, xem đây như một đề tài hấp dẫn, có nhiều góc độ khám phá, nhưng chinh phục vẻ đẹp kỳ ảo của Vịnh Hạ Long thì không phải ai cũng thành công. Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật về Vịnh Hạ Long tổ chức trong 2 năm, kết thúc vào tháng 4 vừa qua, đã tập hợp được hơn 300 bức ảnh. Trong đó, nhiều bức các tác giả phải kỳ công mới chụp được do đặc thù ánh sáng trong các hang động rất khó nắm bắt, phải là những tay máy lão luyện mới có cơ may thành công.
Mặt khác, sự mênh mông của vịnh biển cũng là thử thách không dễ vượt qua. Như một tác giả đã tâm sự: Không phải mặt vịnh lúc nào cũng trong xanh, bầu trời lúc nào cũng sáng rõ, ánh nắng lúc nào cũng lộng lẫy, rạng rỡ tạo thuận lợi cho các tay máy tác nghiệp... Bởi vậy, các tác giả đã bằng mọi cách để nắm bắt được vẻ đẹp muôn màu, kỳ ảo của Vịnh. Một số tác giả còn tự thuê thuyền rồi dong đi lang thang qua các tuyến điểm để tìm những cảnh quan độc đáo chưa ai khám phá ra, bất chấp nhữnghiểm nguy sông nước mà họ có thể gặp phải. Bởi vậy ảnh về Hạ Long đa dạng, đưa vẻ đẹp của di sản này tới gần với công chúng hơn. Từ những dáng núi thân quen, những hang động kỳ thú, sinh động, những khoảnh khắc biến đổi của trời đất, sắc mây, màu nước tới sinh hoạt văn hoá của ngư dân làng chài đều đi vào các tác phẩm ảnh hấp dẫn, quyến rũ bao người.
Có tác giả cả đời dành tâm huyết cho sáng tác về Hạ Long như Đỗ Kha. Ông hiện cũng là tác giả duy nhất của Quảng Ninh còn giữ được những tác phẩm ảnh về Hạ Long xưa rất độc đáo, đặc biệt là những cánh buồm nâu kiểu cũ và những con thuyền gỗ truyền thống của ngư dân sinh sống trên Vịnh. Đến nay, ông có lẽ cũng là tác giả duy nhất có được tập Sách ảnh Vịnh Hạ Long công phu như thế. Bộ sách này đã được trao tặng thưởng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 2003. Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ như Hào Minh, Đỗ Lợi, Đỗ Khánh, Xuân Phương, Đoàn Đức Chính... cũng đi vào khám phá đề tài này, chinh phục vẻ đẹp thiên nhiên, con người trên Vịnh Hạ Long. Như Đoàn Đức Chính say vẻ đẹp mang hơi hướng cổ tích của bầy chó đá, thành công với Giao hưởng trong lòng đá... Đỗ Lợi khám phá cảnh Đêm trên Vịnh Hạ Long gây ấn tượng bất ngờ bởi vẻ đẹp như thực, như mơ khi bắt được ánh nến các bàn khách từ con tàu du lịch tạo thành những đốm sáng lấp lánh cùng ánh sáng của vầng trăng biển. Tác giả Nguyễn Văn Tuấn và Xuân Phương có lợi thế là cán bộ có một thời gian dài gắn bó trực tiếp công tác quản lý Vịnh, bởi thế ảnh của họ có chiều sâu, tìm được những góc độc đáo của thiên nhiên, bắt được những cảnh sinh hoạt bình dị, nên thơ của ngư dân làng chài...
Phải khẳng định rằng, dẫu ở loại hình nghệ thuật nào, cách thức, sự cảm nhận cũng như thành công có khác nhau chăng nữa, nhưng mỗi tác giả khi chinh phục vẻ đẹp Vịnh Hạ Long đều có chung sự say mê, chung một tình yêu tha thiết với Hạ Long quê hương. Đó là điều đáng trân trọng nhất!
Theo http://www.baoquangninh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...