Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Những ca khúc bất hủ về biển đảo

Những ca khúc bất hủ về biển đảo 
Trong lúc nhân dân cả nước đang sục sôi hướng về Hoàng Sa, một lần nữa các bài thơ, bài hát về biển đảo quê hương lại được vang lên như một lời tri ân, cổ vũ tinh thần của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
1. Nơi đảo xa
Nhạc sĩ Thế Song
Nơi đảo xa được nhạc sĩ Thế Song sáng tác năm 1979 (nhưng đề tài đã được tác giả ấp ủ từ rất lâu). Nhạc sỹ kể, 16 năm sau ngày "Nơi đảo xa ra đời", ông mới có cơ hội đặt chân đến Trường Sa.
Thế Song đã viết xong lời một của bài hát ngay trên đường công tác từ Quảng Ninh trở về Hà Nội. Lời hai cũng được nhanh chóng hoàn thành sau đó.
Ông không hề chỉnh sửa "Nơi đảo xa" một lần nào từ ngày nhạc phẩm ra đời nên có thể khẳng định không có “dị bản” từ phía tác giả. Hỏi vị nhạc sỹ già: “Ông tâm đắc với phần ca từ nào nhất trong bài hát?”, ông cười: “Tất cả ca từ tôi đều thích: Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa, từng mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua...
Người đầu tiên thể hiện thành công nhạc phẩm "Nơi đảo xa"  là NSƯT Tiến Thành. Sau này, rất nhiều giọng ca đã thăng hoa cùng "Nơi đảo xa", tác giả công nhận: “Bây giờ ca khúc này nhiều người hát hay lắm”.
Nghe ca khúc "Nơi đảo xa" do ca sĩ Trọng Tấn 
 Anh Thơ và nhiều ca sĩ trình bày
2. Biển hát chiều nay
Ca khúc "Biển hát chiều nay" được nhạc sĩ Hồng Đăng viết từ những năm 1979- 1980, nhưng phải đến những năm 1990 nó mới bắt đầu ghi dấu trong lòng khán giả.
Nhạc sĩ Hồng Đăng
"Có thể nói, đây là một trong những ca khúc thành công nhất với đề tài biển của tôi bởi nó đã được hát qua rất nhiều thế hệ ca sĩ như Tuyết Thanh, Cẩm Vân, Ngọc Bích, Lê Dung... và được khán giản đón nhận cho đến thời điểm này. " - vị nhạc sĩ chia sẻ.
Nhạc sĩ Hồng Đăng cũng từng tâm sự: "Những ca khúc ấy không chỉ được hát lên trong hòa bình hay trong những lúc có biến động. Những ca khúc ấy có thể được hát lên bất kì lúc nào khi người ta nghĩ về biển, nghĩ về những mảnh đất tươi đẹp của tổ quốc Việt Nam hay đơn giản, người ta muốn hát để thể hiện tình cảm dành cho quê hương."
Nghe ca khúc "Biển hát chiều nay" do Mai Hương trình bày:
3. Gần lắm Trường Sa
Nhạc sĩ Hình Phước Long
Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi bài hát ra đời, nhưng giai điệu thân thương, quen thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn không bị lãng quên mà ngày càng đi sâu vào lòng người. Bài hát chẳng những là “bài ruột” của người lính hải quân mà còn là bài hát được nhiều người trên khắp mọi miền Tổ quốc yêu thích.
Và mỗi lần biển Đông “dậy sóng” thì giai điệu bài hát lại vang xa, càng nhắc nhở chúng ta luôn hướng về nơi ấy- nơi quần đảo xa xôi đang có những người lính ngày đêm chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhạc sĩ Hình Phước Long, sinh năm 1950, tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tỉnh Khánh Hòa quê ông ngoài thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, còn là nơi đặt bản doanh của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 với vịnh Cam Ranh nổi tiếng về vị trí chiến lược quân sự, nên ông có dịp chứng kiến nhiều hình ảnh cũng như hoạt động của lực lượng Hải quân Nhân dân.
Về hoàn cảnh ra đời bài hát ông cho biết: Trong một lần dự trại sáng tác được tổ chức tại TP Nha Trang, vào năm 1982 của thế kỷ trước, một chiều khi ông đạp xe dọc đường Trần Phú đã bất ngờ bắt gặp hình ảnh một cô gái mặc áo dài đang đứng dõi mắt về hướng biển khơi.
Hình ảnh một người con gái đứng cô đơn giữa trời và biển trong ánh hoàng hôn dần buông, đã làm trái tim người nhạc sĩ xúc động thật sự và ông đã tự đặt cho mình câu hỏi: Phải chăng cô gái ấy có người yêu là lính Hải quân đang làm nhiệm vụ tận ngoài quần đảo Trường Sa và cô đang gửi nỗi nhớ thương của mình về phương trời xa xăm ấy?.
Nghe ca khúc "Gần lắm Trường Sa" quagiọng hát 
của ca sĩ Khánh Hòa hát về Trường Sa năm 2013
4. Đất nước bên bờ sóng
Nhạc sĩ Thái Văn Hóa
Nhạc sĩ Thái Văn Hóa sinh năm 1959 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh nhưng thời gian sống ở quê hương lại không nhiều. Do phụ thân anh là một cán bộ địa chất thuộc Sở Thủy lợi của Nghệ An nên ông thường xuyên mang anh theo trong những chuyến công tác dài ngày trên khắp đất nước. Những năm tháng ấy đã in dấu vào tuổi thơ cũng như suốt cuộc đời anh, nhen nhóm một tình yêu tha thiết với từng ngọn núi, dòng sông, từng miền đất thiêng liêng đầy tự hào của Tổ quốc.
Tháng 2/1975, chàng thanh niên Thái Văn Hóa lên đường nhập ngũ. Thế rồi sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, anh trở về Quân đoàn 1 ở Ninh Bình tiếp tục công tác với vị trí của một người lính, phụ trách phong trào văn hóa văn nghệ cho quân đoàn, tham gia dàn dựng, biên kịch, chỉ đạo, sáng tác cho nhiều hội diễn văn nghệ của quân đội. Cho đến thời điểm này, những kiến thức âm nhạc anh có được chủ yếu là tự học, chưa từng được đào tạo qua một trường lớp nào.
Ca khúc "Đất nước bên bờ sóng" là tác phẩm tốt nghiệp của Thái Văn Hóa môn học sáng tác ca khúc được viết và công bố năm 1980, đánh dấu con đường sáng tác chuyên nghiệp và trở thành nhạc sĩ khi mới 21 tuổi đời. Có lẽ nhạc sĩ Thái Văn Hóa đã làm nên một kỷ lục khi là người trẻ nhất có ca khúc thành công về đề tài đất nước.
Ca sĩ đầu tiên thể hiện "Đất nước bên bờ sóng" là Xuân Thanh, liền ngay sau đó là bản thu âm của Đài tiếng nói Việt Nam do ca sĩ Bích Việt thể hiện, nhạc sĩ Phú Quang là người viết bản phối. Bên cạnh giọng ca thành công của Bích Việt, sau này NSND Quang Thọ là người tiếp tục thể hiện ca khúc một cách xuất sắc.
Giai điệu mượt mà, lời ca đẹp, trữ tình, sâu lắng đã quyến rũ người nghe suốt hơn ba thập kỷ, chỉ đọc riêng phần lời đã thấy như một bài thơ đầy xúc động lòng người: “Khi còn trong nôi, nghe mẹ ru cha đánh giặc cuối trời. Khi ta cầm súng ra đi, người thân ta thức cùng sao trời. Thương đất nước bao năm vẫn hát câu tiễn biệt. Việt Nam đất nước bên bờ sóng, bão tố của cuộc đời trọn niềm tin thiêng liêng. Việt Nam đất nước bao trận thắng, chiến đấu vì độc lập tự do hôm nay. Cho ta hát tên Người, Việt Nam ơi…”
Nghe ca khúc "Đất nước bên bờ sóng" 
Tốp nữ Nhà hát ca mùa nhạc Quân đội
5. Chút thơ tình của người lính biển
"Chút thơ tình của người lính biển" được Hoàng Hiệp phổ nhạc từ bài thơ "Thơ tình người lính biển" của Trần Đăng Khoa sáng tác vào năm 1981. Khi đó, Trần Đăng Khoa còn là một người lính trên đảo Trường Sa. Là một bài thơ tình, nhưng tác phẩm không có lấy một từ “yêu”, từ “thương”. Thế nhưng, cả bài thơ lại tuôn trào bởi sức mạnh của tình yêu. Đó chính là cái tài của Trần Đăng Khoa.
Nhắc tới Trần Đăng Khoa, bạn đọc lại nhớ về một cậu bé - một nhà thơ “thần đồng” đã có rất nhiều bài thơ viết về các chú bộ đội. Lúc còn nhỏ, Trần Đăng Khoa đã rất yêu quý, ngưỡng mộ các chú bộ đội. Khoa đã từng reo lên khi phát hiện các chú bộ đội là những con người phi thường trong chiến đấu nhưng lại rất đỗi thân thương, bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Trong bài thơ “Gửi theo các chú bộ đội”, Khoa đã viết:
“Cháu nghe chú đánh những đâu
Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi
Đến đây chỉ thấy chú cười
Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi.”
Chính từ lòng cảm phục đó, Trần Đăng Khoa đã nguyện đi theo con đường mà các chú bộ đội đã chọn. Và anh đã trở thành một người lính trên đảo Trường Sa. Khi đã trở thành một người lính, Trần Đăng Khoa lại say sưa viết về người lính, nhưng bây giờ là cái say sưa của người trong cuộc. Trần Đăng Khoa hiểu được cả những điều sâu kín, hiểu cả những phút xao lòng, bịn rịn, lưu luyến của người lính trước giờ phút chia tay.
Còn nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người con của miền đất Mỹ Hiệp, Chợ Mới, An Giang, tác giả của nhiều ca khúc để đời, là một trong số ít nhạc sĩ Việt Nam được giải thưởng Hồ Chí Minh. Hoàng Hiệp là bút danh thường dùng của ông Lưu Trần Nghiệp.
Sau Cách mạng Tháng Tám, rồi Nam bộ kháng chiến, từ thời thiếu niên, Hoàng Hiệp đã thích hát, từng tham gia biểu diễn trong Đoàn Tuyên truyền xung phong ở địa phương. Thần tượng âm nhạc của Hoàng Hiệp lúc đó là Văn Cao và Lưu Hữu Phước.
Trong kháng chiến chống Pháp, Hoàng Hiệp sáng tác âm nhạc song song với việc tham gia công tác cách mạng. Nhưng chỉ đến khi tập kết ra Bắc, ông mới có điều kiện phát triển năng khiếu. Trong hồi ký của mình, Hoàng Hiệp đã ghi lại: “…Chính cách mạng đã thúc đẩy tôi ngày càng đi sâu vào con đường âm nhạc.
Nghe bài hát "Chút thơ tình của người lính biển"
Ca sĩ Trung Hậu và Vũ Bảo
6. Bay qua Biển Đông
Đầu tháng 6/2013, sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp hai tàu thăm dò của Việt Nam trong lãnh hải của nước ta khiến dư luận trong nước và thế giới bất bình. Sự kiện này đã dấy lên tình yêu quê hương đất nước của giới trẻ, trong đó có chàng chuyên viên thiết kế đồ họa sinh năm 1979 Lê Việt Khánh.
Khi đang lên cơn sốt và bị mất ngủ lúc 4h sáng, Lê Việt Khánh đã cầm cây guitar và dạo những nốt nhạc đầu tiên. Chỉ sau 4 tiếng, từ một tay guitar chưa thạo hết những ngón đàn, Lê Việt Khánh đã hoàn thành ca khúc "Bay qua Biển Đông".
Nói về ca khúc của mình, Lê Việt Khánh tâm sự: "Bài hát này là tình cảm của riêng tôi và chứa đựng tình cảm cũng như công sức của cả một tập thể đã tạo nên hình dáng cho nó! Ca sỹ Hồng Dương, ca sỹ Đinh Mạnh Ninh, và đặc biệt là ca sỹ kiêm nhạc sỹ phối khí Trần Minh Vương đã  cùng tôi thức trắng nhiều đêm để hoàn thành tác phẩm này. Tôi đã chứng kiến Trần Minh Vương kiệt sức thế nào khi trao bản đã hoàn thành đến tay tôi. Tôi thật sự cảm động và tri ân tình cảm, công sức của anh em!".
Về chất âm nhạc của ca khúc, Lê Việt Khánh cho biết, anh đã thử đặt những ca từ đó trên rất nhiều chất liệu nhạc, cuối cùng tình yêu dành cho rock đã khiến một bản pop ballad nhẹ nhàng thành một bản rock hừng hực và dữ dội, khiến người nghe có cảm giác mọi cảm xúc đi thẳng tới trái tim mình.
Ca khúc với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ nhưng nội dung lại chứa chan tình cảm của đất liền dành cho những người lính đảo. Sự xuất hiện của nhạc phẩm Bay qua biển Đông như một làn gió mới trong rừng các ca khúc trẻ của âm nhạc Việt Nam.
Chia sẻ cảm nhận về ca khúc này, Thượng úy Thái Đàm Hồng từ đảo Song Tử Tây cho biết: "Nghe "Bay qua biển Đông" như nhớ lại một thời tuổi trẻ rất sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết của đồng đội và tôi. Suốt gần 10 năm công tác ở Trường Sa, đây là lần đầu tiên tôi nghe một bài hát về Trường Sa  lạ đến như vậy. Lạ từ giai điệu cho đến phong cách, cả sự thể hiện cũng mới mẻ và đặc biệt rất “bốc”.
 Nghe ca khúc "Bay qua Biển Đông"
7. Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Đằng sau "Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình" là một tình bạn, tình đồng nghiệp và lòng yêu nước bền chặt, sắt son của 2 người phụ nữ Việt Nam duyên dáng.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người phụ nữ vẫn chưa thôi kì lạ với những dòng thơ đan xen giữa dịu dàng - quyết liệt, giữa điềm tĩnh - mơ mộng, giữa điều nhỏ bé đời thường và cái lớn lao của đất nước đã viết những vần thơ như cháy rực trong tim mình.
Khi nhận được bài thơ nhạc sĩ Quỳnh Hợp tâm sự, chị "bị khẩu khí của  bài thơ Tổ Quốc gọi tên cuốn hút". Qua lời giới thiệu, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã nghĩ tác giả là một nhà thơ nam, lớn tuổi…
Vậy mà, khi gặp người giới thiệu, chị mới biết Quế Mai là một nhà thơ nữ còn rất trẻ… Nhạc sĩ có cảm tình ngay với nhà thơ bởi giọng điệu thơ  đĩnh đạc, nhiều chiêm nghiệm và có tính khái quát cao với cách diễn đạt thẳng thắn, có quan điểm rõ ràng cùng những tình cảm lắng sâu trong từng câu thơ.
Và "Tổ quốc gọi tên mình" đã có khoác lên một tấm áo mới, với những nốt nhạc và giai điệu làm rung cảm tâm hồn, ngoài những lời thơ. Ngoài phần phổ nhạc của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, giờ đây, bài hát còn trở thành một mối duyên nghệ sĩ đẹp đẽ giữa hai người phụ nữ cùng yêu nước, yêu Tổ quốc và yêu nghệ thuật.
Từ Philippines, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai nhắn gửi cho nhạc sĩ Quỳnh Hợp:
"Cảm ơn chị đã đồng cảm với bài thơ "Tổ quốc gọi tên" của em để phổ nhạc thành bài hát. Em rất xúc động khi nhìn thấy bản nhạc.
Em đang ở Philippines, nhưng vẫn theo dõi tình hình ở nhà ..... Chắc lúc này chị đang bận rộn lắm .... Em chúc chị thật nhiều sức khỏe và tin rằng chương trình giao lưu thơ nhạc "Tổ quốc nhìn từ biển" sẽ thành công"
Bài hát "Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình" nằm trong album "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, đã phát hành đầu tháng 10/2011.
Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình
Ca sĩ Lê Anh Dũng - Phạm Thu Hà
Hương Ly (Tổng hợp)
Theo http://giadinh.net.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trong hương xuân em nghe giai điệu mềm môi xứ sở Thông điệp xuân// Tràn ngập trăng mà da diết nhớ trăng/ Nốt nhạc mùa xuân vừa kịp tra đ...