Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Biển…ngày ấy và bây giờ!!

Biển…ngày ấy và bây giờ!!
“Có người từ lâu nhớ thương biển
Ngày xưa biển xanh không như bây giờ biển là hoang vắng”
Ngồi trong một quán café nhỏ bé và ấm áp trong một chiều mưa bay và lắng nghe “Biển cạn”. Như có một mối duyên kì lạ mà mưa luôn sánh đôi cùng với nỗi nhớ, mà cái nỗi nhớ đau đáu của một đứa con xa quê luôn nhắc về một mối tình tri kỉ : biển và em. Không phải là ngẫu nhiên hay tình cờ mà biển lại là một đề tài ưa thích trong thi ca nhạc họa, đơn giản bởi đứng trước cái mênh mông thăm thẳm ấy người ta không ngăn nổi những cảm xúc tuôn trào từ tận đáy lòng mình. Ai từng một lần lặng yên trước biển, sẽ không quên được cái cảm giác được thấu hiểu và sẻ chia những phần đời rất thật, mà đôi khi không được bộc bạch bằng lời. Xin dành cho những ai đã từng là một người con của biển, một chút ân tình xa xôi.
Những ngày còn bé, biển qua cách nhìn của một đứa trẻ thật sự là một chốn đẹp đẽ và bình yên. Biển khi ấy chỉ đơn giản là niềm vui được nghịch ngợm với những con sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa, là cái cảm giác mát rượi của chất nước xanh xanh mằn mặn cứ vấn vương trên da thịt, là những buổi chiều lộng gió ngồi trên một tấm bạt được trải căng lên lớp cát nhấp nhô, thưởng thức món cơm nắm ngon lành của mẹ trong tiếng cười hạnh phúc gia đình. Lần đầu tiên thấy biển, đứng trước cái bao la vô cùng của sóng và nước, trẻ con khi ấy chỉ độc một nỗi niềm háo hức được khám phá cái thế giới rộng lớn đang bày ra trước mắt. Lần đầu tiên trước biển, không phải là cái cảm giác choáng ngợp và yếu đuối giữa biển khơi bao la mà là một niềm tin sẽ là một ai đó thật vĩ đại chứ không hề nhỏ nhoi trước biển, “sẽ có một ngày, ta sẽ vượt được đại dương muôn trùng kia.”
Cái sắc xanh lơ thuần khiết của nước biển thỉnh thoảng được điểm xuyết bởi một vài sắc màu của cuộc sống con người luôn khơi gợi về một chốn thần tiên bên kia đường chân trời. Chỉ biết rằng trong cái suy nghĩ đơn giản của một đứa trẻ biển ngày ấy, là nơi ta biết định nghĩa sơ sài về cái gọi là bình yên. Biển ngày ấy là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng những giấc mơ đậm màu cổ tích, và sẽ mãi là một kí ức trong veo để rồi trở thành nỗi nhớ nhung cháy bỏng cho những ai đã từng là một đứa con của miền biển. 
Biển và ánh trăng - Hà Anh Tuấn & Phương Linh
Lớn hơn một chút, ta nhận ra rằng biển không chỉ có một màu xanh yên bình phẳng lặng mà thỉnh thoảng lại khoác lên mình tấm áo choàng màu xám xịt. Dải đất miền Trung dài và hẹp này mỗi năm đều oằn mình hứng chịu những trận bão giông! Chính những đợt sóng đã từng một thời mang lại cho biển vẻ nên thơ hiền lành lại trở nên hung hăng dữ tợn đem giá rét, mất mát và đau thương đến cho chính những người con của mình. Biển trong những ngày ấy, là biển đã cuốn đi bao nhiêu mái nhà thô sơ rách nát, là biển bắt
“Những người đàn bà goá bụa
Lặng nhìn nhau
Ngoài xa biển vẫn đục ngầu…
Gào thét.Đêm thao thức
Ôm con nhỏ vào lòng
Cố kiếm tìm chút hi vọng manh mong,
Thầm cầu nguyện…”
Phập phồng trong lo lắng chờ đợi tin từ chồng con “Những người đàn ông trải cuộc đời mình với biển” đang vật vã chống chọi với cơn thịnh nộ của đất trời.
Biển bình thường hiền hòa là vậy, nhưng cũng lắm lúc nóng nảy hung hăng. Những lúc ấy ta như thấy một phần của chính mình, của đầy đủ những cung bậc cảm xúc lúc nồng nhiệt, ấm áp, lúc lạnh lùng, giá băng, trong những đổi thay nơi biển cả bao la. Cũng chính vì thế, mà biển càng lúc càng gắn bó với sự đổi thay từng ngày từ những ngây ngô con trẻ cho đến những yêu dấu đầu đời.
Chẳng biết tự bao giờ, biển trong ta là hình ảnh nàng tiên cá với một tình yêu vĩ đại và khắc khoải nhớ thương.Và biển ngày ấy, vẫn đẹp và nhuốm màu cổ tích, có chăng chỉ đượm buồn với một cái kết không có hậu như vẫn thường thấy trong những câu chuyện dành cho trẻ con.
Ngày tháng trôi đi, những câu chuyện cổ được gói gọn và cất trong một khe hẹp nào đấy đã nhàu nhĩ màu thời gian.Những công chúa và hoàng tử rồi cũng theo những sách vở mùa thi chìm và quên lãng để rồi những rung động đầu tiên đã nhen nhóm một ngọn lửa yêu thương khác vào người cố nhân của biển. Ta đối diện với biển không phải là ta của một thời vô tư lự, mà là ta cùng với một người lần đầu tiên biết rằng biển thật sự đẹp khi tay mình nằm ấm áp trong một bàn tay khác. Rồi có đôi lần một vài ai đó đã từng mỉm cười vu vơ khi ngâm khe khẽ mấy dòng thơ của Xuân Quỳnh:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
.
Nhưng mối tình đầu dù đẹp đến đâu cũng không tránh khỏi những lần vụn vỡ. Trước biển kỉ niệm đã từng đẹp biết bao nhiêu thì giờ đây càng là những mảnh vỡ cứa vào tim đau bấy nhiêu. Biển những ngày mùa đông với những đợt gió gào thét mang theo cái rét căm căm như thể muốn cuốn bay tất cả , chỉ duy có nỗi buồn là vẫn nằm đó, thu hết giá rét vào cái lớp vỏ lạnh căm, như thể tin chắc rằng những nỗi đau này có thể phút chốc bị thay thế bởi một nỗi đau khác. Đối diện với biển, cũng chính là đối diện với nỗi niềm của chính mình. Dù có muốn hay không, đứng trước biển con người ta cũng tìm thấy được tiếng của trái tim mình, còn tìm được câu trả lời hay không lại là một chuyện khác. Tuy nhiên được sống thật với chính mình âu cũng là cái niềm an ủi giản đơn mà biển có thể làm được.
Ai đó từng kể câu chuyện về những mảnh vỏ sò chứa đựng những bài ca của biển cả. Đó là khi ta áp sát một mảnh vỏ ốc vào tai, những lời rì rầm của biển là những yêu thương hay mất mát, những hạnh phúc hay đắng cay mà biển đã lắng nghe và chuyên chở trong những dòng chảy xuôi ngược. Trong tiếng rì rầm của biển, ta nghe tiếng cá tôm giãy đanh đách vào mạn thuyền những ngày mùa bội thu, đó là niềm vui của những gia đình ngư dân luôn phải sống dựa vào lòng biển, có khi đó là những bản tình ca ngọt ngào cháy bỏng của những đôi lứa yêu nhau, đó là những lời cầu nguyện bão tố sẽ qua đi để những người dân chài được yên ấm trở về, và cả những nỗi đau không dễ gì xoa dịu của những mối tình đầy oan trái. Biển muôn đời vẫn thế, vẫn cứ miệt mài sống mãi với cái ý niệm lắng nghe và chia sẻ của mình.
Cuộc sống như những guồng quay vô hình kéo ta lao vào những tất bật lo toan không ngừng nghỉ, luôn tìm cách để vươn lên, tìm một chỗ đứng cho mình giữa những tòa nhà vuông vức chọc thẳng lên trời và những ánh đèn neon lấp lánh, con người ta đôi khi thèm được nhỏ lại giữa cái rộng vô cùng của biển để được che chở, được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin. Biển trong trái tim của những đứa con xa quê, không chỉ là một cố nhân mà còn là một chốn để trở về. Ta tìm về biển như tìm về một chốn bình yên sau những bôn ba mỏi mệt. Khi con người ta sống đủ để chiêm nghiệm bản thân, cũng là lúc họ nhận ra mình chưa thật hiểu nhiều về biển. Biển không phải lúc nào cũng bình yên khi mà lòng người luôn gợn sóng. Cũng như không phải lúc nào sóng gió cũng nhạt nhòa hơn là câm lặng còn bình yên thì không chứa đựng trong lòng mình vực thẳm. Những trạng thái đối lập của cảm xúc vẫn cứ tồn tại ở đó, vừa mâu thuẫn, vừa đấu tranh với nhau để tạo ra ta với đầy đủ những cung bậc cảm xúc của đúng nghĩa một con người. Chuyện của biển, cũng chính là câu chuyện đời của mỗi một người khi đứng trước biển. Hãy ít nhất một lần đứng trước biển, để lắng nghe những cảm xúc tự trái tim mình.
Mênh mông sóng nước – độc chiếc thuyền ta!
Tịnh Tâm
Theo http://gocsuyngam.com/


1 nhận xét:

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...