Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Đặc trưng ngôn ngữ trong “Hát nhà tơ - Hát cửa đình” Quảng Ninh

Đặc trưng ngôn ngữ trong 
“Hát nhà tơ - Hát cửa đình” Quảng Ninh
Tôi không ngạc nhiên khi nhận ra trong các bài ca “Hát nhà tơ - hát cửa đình” Quảng Ninh có một số bài lẩy ra từ thơ ca cổ điển Việt Nam, chẳng hạn như: 
“Quân tạo hoá trêu ngươi chi tá 
Đem sắc tài đúc cả vào khuôn 
Hiên thì thấp thoáng trăng tròn 
Gió vàng hiu hắt như khuôn mặt sầu 
Niềm tâm sự thấp cao mọi lẽ
Tình cảnh này biết kể cùng ai 
Chống tay ngồi nghĩ thở dài 
Bực mình muốn gửi mấy lời phân vân…”. 
Nhưng tôi lại rất ngạc nhiên vì trong đó có nhiều câu hay mà tôi chưa thấy có trong các tập sưu tầm ca dao đã xuất bản từ nhiều năm trước đây. Tôi rất yêu hình ảnh lão làng ra đình, được viết rất gợi cảm, câu thơ sinh động, sung mãn, đầm ấm mà vẫn ngang tàng:
“Người làng đây, phơ phơ đầu bạc 
Bước ra đình con cháu theo sau 
Chiềng làng quan, cụ lão đi đâu 
Già thong thả ra đình nghe hát 
Áo mặc vào, chân đi chữ bát
Mũ đội đầu, tay lại vẫy ngang...”. 
Nhiều câu ca ngợi quê hương, sông nước, xóm làng v.v. rất, nhuần nhị, ngôn ngữ là ngôn ngữ mang tính biểu cảm của thi ca: 
“Chim bay về sườn núi Lục Sơn 
Ve gọi sầu, chim nhạn rủ rê đàn 
Sông lai láng tràn ra cửa bể
Non lại tạnh, ánh trăng vàng xê xế
Thuyền đung đưa đủng đỉnh tiếng chày 
Chú tiều phu chở củi chất đám mây…”. 
Hình ảnh chú tiều phu chất củi như chất đám mây lên xe là rất mới, chưa thấy trong thi ca tương tự về đề tài này. Tôi ngờ là bài ca trên do một nhà nho khá sành thơ cổ điển Trung Hoa sáng tác, bởi cái tiếng chày đủng đỉnh trong ánh trăng xế vàng, có lẽ là thoát thai từ tiếng chày đập vải quen thuộc của thơ Đường, và dù có như thế, không gian của bài thơ vẫn bát ngát, khí hậu vẫn hài hoà, riêng biệt.
http://www.baoquangninh.com.vn/dataimages/201211/original/images654801_Tr6_7.hat_nha_to.jpg
Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Tự, ở xã Đầm hà (huyện Đầm Hà), mặc dù đã trên 90 tuổi, nhưng vẫn còn nhớ 39 bài hát nhà tơ, 
với 746 câu, thuộc 9 giai điệu cổ. 
Ảnh: NGUYỄN TRUNG HÀ (Sở VH-TT&DL)
Nhiều câu gợi cảm khác: 
“Chênh bóng nguyệt đầu ghềnh góc núi
Hiên chờ mây, bướm lượn vai mòn”… 
Hình ảnh “Chênh bóng nguyệt…”, “hiên chờ mây…” rất hay, là sáng tạo chữ của nhà thơ. Hoặc câu ca rất sinh động: 
“Trên ngàn gió cuốn rung cây/ 
Dưới khe cá lượn, chim bay về ngàn...”.
Có một số nội dung khác được nói đến nhiều là tình yêu, đi thi đỗ đạt, nỗi niềm nhân thế về sự ăn ở ở đời và thờ phụng bố mẹ tổ tiên. Vì bài viết không nhằm khám phá nội dung mà chỉ tìm hiểu về vẻ đẹp ngôn ngữ của lời ca, nên tôi chỉ xin nói đôi điều về tình yêu trai gái, mà tôi thấy về nghệ thuật ngôn từ có những nét đặc sắc. Tình yêu cũng lắm vẻ: 
“Yêu nhau yêu vụng, yêu thầm 
Yêu liếc con mắt, yêu cầm cổ tay…”. 
Câu “yêu liếc con mắt, yêu cầm cổ tay” là rất hay, tinh tế, cho thấy tác giả là một nhà thơ có tài. Cảnh chia tay: 
“Bước đường từ lúc chia phôi 
Nhạn nam én bắc, mỗi người một phương”. 
Hình ảnh nhạn, én thay cho người, làm cho sự chia xa đã được tình cảm hoá, cao sang và sâu sắc. Ngôn ngữ của ca từ như thế là ngôn ngữ thơ có giá trị nghệ thuật.Nhiều câu thể hiện rất rõ bút pháp truyền thống của ca dao đồng bằng Bắc bộ:
“Bây giờ sum họp trúc mai
Xin chàng đừng ở ra hai tấm lòng
Đừng nghe miệng thế xa xôi
Đừng thấy vắng mặt mà nguôi tấm lòng…” 
Có khi ý tứ rất giản dị: 
“Muốn cho gần bến gần thuyền 
Gần cha, gần mẹ, nhân duyên càng gần”. 
Có câu hay đến không ngờ: 
“Bẻ một cành lá cắm đây
Sang năm thì cứ nẻo này mà sang…”. 
Sang năm thì cành lá đã khô, và cũng có thể là đã mất rồi, nhưng cái nẻo cắm của lòng người thì tôi chắc suốt đời không quên được. Bất cứ nhà thơ nào, viết được một câu thơ như thế, đều đáng được kính trọng.Lại có câu thắm thiết mà bâng khuâng, ngổn ngang bao nỗi niềm về tương lai, đọc mà nao lòng: 
“Em thương anh lắm, anh ơi
Biết rằng lên ngược xuống xuôi đường nào…”. 
Hoặc: 
“Loan thương phượng lắm, phượng ơi 
Đang ăn nhớ đến lại rời đũa ra
Đêm năm canh, em ngủ có ba 
Còn hai canh nữa em ra trông trời…”.
Tình yêu trong lòng người phụ nữ thắm thiết đến như thế, cũng cao sang đến như thế, làm tôi vô cùng xúc động. Nếu biết câu này là của cô gái nào, người đàn bà nào, tôi chỉ ao ước một lần được nhìn thấy mặt, mà bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ. Không phải nhà thơ tình nào cũng viết được hai câu ý tứ sâu xa như thế này: 
“Thương cho đến chiếu đến giường 
Thương cho đến chỗ phòng hương anh nằm”. 
Nhiều hình ảnh ví von rất hợp lý và có ý nghĩa: 
“Nếu anh là một con thuyền 
Thì em là gái dáng chuyên đưa đò 
Nếu anh là một cánh diều 
Thì em là gió lựa chiều bay cao…”. 
Quả thật là “sang vì vợ”, nếu em là gió cho cánh diều anh bay cao…Và như thế, cả không gian và thời gian nghệ thuật đều được làm mờ bằng đặc trưng của nghệ thuật thi ca phương Đông. Đây là điều làm cho những câu ca tiêu biểu của “Hát nhà tơ - hát cửa đình” Quảng Ninh khu biệt với kho tàng ca dao dân ca đồng bằng Bắc bộ của các tỉnh khác. Có đặc điểm này, như tôi đã nói ở trên, đây không phải là lời ca tiếng nói của quảng đại nhân dân, rồi được nhân dân nhuận sắc qua nhiều năm, như hầu hết các câu ca dao được sưu tầm ở nhiều tỉnh thành khác, mà rõ ràng nó là sáng tác ẩn danh của các nhà nho có tài làm thơ…Lời ca trong những câu trên của “Hát nhà thơ - hát cửa đình” Quảng Ninh nằm ở ranh giới giữa ca dao và thơ cổ điển, mang dấu ấn khá rõ của lao động thơ, đó là thơ của nhà thơ đã được dân gian hoá. Tất nhiên không phải câu ca nào trong “Hát nhà tơ - hát cửa đình” Quảng Ninh cũng đều đạt được “đẳng cấp” như vậy, nhưng cũng không ít. Và nó là nét làm nên giá trị của loại hình thi ca này ở Quảng Ninh.
Điền Nam
Người Mày phía núi Ku Lôông
Người Mày là một trong những bộ tộc ít người hiện còn lại ở Quảng Bình, cư trú chủ yếu trong 2 xã Trọng Hóa và Dân Hóa thuộc huyện Minh Hóa. Gắn bó với vùng núi rừng và thiên nhiên khắc nghiệt của Quảng Bình từ bao đời nay, người Mày đã xây dựng được những tập quán sinh hoạt văn hóa rất riêng, trong đó có những câu ca điệu hát, lời ru mộc mạc mà đằm thắm, thấm đẫm tình người…
Người Mày anh em
Điệu ru mộc mạc
Những người Mày biết hát ru hiện không nhiều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở trong vùng Lòm thuộc xã Trọng Hóa chỉ còn khoảng mươi người. Một trong những người biết một vài điệu hát ấy là chị Y Phăng. Tôi nghe chị hát ru đứa cháu nhỏ: 
I…í í í...
Lầm lét con
Chớ miệt dút ra
Lế làm lế cư đo
Tế chi ăn
Lầm lét con ơi. 
Chị hát, còn anh chồng phiên dịch ra tiếng Việt cho chúng tôi: 
I…í í í…
Ngủ đi con
Cho mẹ đi làm
Lấy cây ngon, lấy quả ngọt
Để cho mình ăn
Ngủ đi con ơi.
Điệu ru con của người Mày dường như được thẩm thấu từ âm điệu của gió, của suối nơi góc rừng nguồn nước. Lời ru là các từ ngữ lắp ghép giản đơn, thật thà như bản chất của đồng bào. Bài hát mà chị Y Phăng hát ru là một trong những bài ru con mà phụ nữ Mày còn ghi nhớ qua truyền khẩu cho nhau từng thế hệ nối tiếp.

Nhưng ru con của người Mày không bất biến ở một bài hay một điệu dân ca như thế. Người phụ nữ Mày, theo lời kể lại, họ có thể nhìn mái nhà để sáng tác ra một bài ru con cho hôm nay, rồi ngày mai họ có thể nhìn cây cối, rừng núi để hát cho con nghe công tích cha ông, hoặc núi rừng quê hương yêu dấu của họ. Chị Y Phăng kể: “Mình nhìn cái gì mình hát cái đó cho con cháu nhỏ nghe. Hôm nay thì nhớ nhưng ngày mai mình quên. Quên nên mình hát cái khác cho con, mình tự sáng tác ra thôi, chỉ biết mần răng nó gần gũi với con mình cho đến khi chúng lớn lên…”.
Chúng tôi nghe một bài hát dài, được phiên âm ngắn gọn và cụ thể về lời ru con gái: 

Con gái ơi
Bình minh sớm dậy
Nhớ chủi quét nhà
Giã pồi, múc nước
Làm ăn bố mẹ vui
Mệt ơi
Nuôi lợn
Nuôi gà
Trồng sắn
Trồng khoai
Cuốc đất trồng chuối
Mà trồng mía ngọt
Mà trồng lúa thơm
Cho bố được vui
Cho mẹ được nhờ
Con ơi, này con ơi. 
Ở đồng bào Mày, lời hát ru có lối tự sự và lối hát lãng mạn, tất cả đều được truyền khẩu hàng ngày theo cuộc sống, nó tự thấm vào tâm khảm của mỗi thế hệ.
Không có trường học cho lời hát ru, nhưng trong tâm hồn của mỗi cá thể người Mày đều chứa chan làn điệu mẹ cha truyền lại. Mỗi bản có mỗi cách hát khác nhau, và mỗi người có một giọng ngân khác nhau, nhưng chung lại, âm điệu thì da diết, ngôn từ thì mộc mạc như lời tự sự với lòng mình mong cho con cái lớn khôn.
“Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu có”
Lân la với một số cụ già của người Mày, chúng tôi biết thêm về tình yêu quê hương bản quán của họ qua câu hát rất riêng mà tinh túy; như bài Brú Lòm (Núi rừng Lòm): 
Núi rừng bản Lòm ta
Giàu có và ấm no
Có song bột, trầm hương
Quê hương mình giàu có
Giặc đến cùng nhau đánh
Cho đến chết mới thôi
Còn một người cũng đánh
Đánh hết giặc mới thôi
Giữ lấy bản rừng của ta
Ơi con cháu ta ơi… 
Họ tự hào với vùng đất sinh ra họ. Với người ngoài, đó là non cao rừng thẳm, là rừng sâu nước độc, nhưng với bà con người Mày, đó là quê hương và giặc đến thì cùng nhau đánh, “đánh đến chết mới thôi”...
Người Mày ở Lòm còn có một bài hát mà người Khùa, người Sách cũng thuộc làu, bởi nó nói đúng đạo lý của những con người sinh ra và lớn lên nơi núi rừng: 

Tôi không đi đâu hết
Tôi ở núi rừng cha mẹ đã sinh ra tôi
Núi rừng này cha mẹ đã nuôi tôi
Dễ kiếm ăn con cá con ốc
Củ nâu, củ mát, con ong
Mà nuôi tôi khôn lớn
Tôi không đi đâu hết
Không bỏ núi rừng tôi
Núi rừng tôi dễ kiếm ăn
Dễ kiếm sản vật
Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu
Tôi không tham rừng của họ
Đi rừng của họ khó kiếm ăn
Đất bằng ở không quen
Ốm đau thì không có thuốc men
Không tiền bạc chạy chữa
Tôi ở rừng quê tôi
Ốm đau thì có thuốc men rừng quê tôi
Lấy cỏ dã về xông
Tôi không đi đâu
Tôi ở nơi mẹ cha đã cắt rốn chôn nhau. 
Bài hát thể hiện tình yêu thương da diết quê hương bản xứ. Người Mày thường hát bài này vào mùa cuối năm lễ tết, bởi khi đó tình cảm của người với đất bản xứ luôn được khơi dậy.
Người Mày còn truyền tụng nhau nhiều lời ca điệu hát khác. Cùng với tập tục và nghi lễ cưới vợ, những làn điệu hát ru của người Mày có thể coi là một gia tài văn hóa độc đáo của một tộc người được sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Trường Sơn đại ngàn. Mặc dù đã đi qua chiến tranh, đã ít nhiều bị văn hóa hiện đại xâm nhập… nhưng đến nay bà con người Mày ở Minh Hóa Quảng Bình vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo ấy.
Nếu có dịp trở lại Trường Sơn huyền thoại, qua địa phận Quảng Bình, du khách hãy dừng chân ở Minh Hóa để biết thêm một tộc người anh em bản địa, dân số tuy chỉ ngàn người có lẻ, nhưng họ có một tư duy triết lý thông minh, một gia tài văn hóa độc đáo rất cần được tìm hiểu và chung tay gìn giữ bảo tồn…
Minh Phong
Theo http://www.coviet.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...