Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Cái thừa trong nghệ thuật

Cái thừa trong nghệ thuật
Lâu nay, ta vẫn quen với quan niệm nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng cần hàm súc. Những con chiên của đạo hàm súc vẫn coi sự ít lời, ăn bớt chữ là dấu hiệu duy nhất của văn hay, thơ hay. Vì thế, những tác phẩm độc đáo và bản lĩnh như Mùa sạch của Trần Dần bị họ đánh giá là thừa lời lảm nhảm. Có đúng vậy không?
Những con chữ đi hoang và gầm thét
Quả thực sự hàm súc là một phẩm hạnh cao quý của thơ ca, nhưng nó cũng chỉ là một loại phẩm hạnh giống như sự dịu dàng là phẩm hạnh giành cho phái nữ. Bên cạnh sự dịu dàng, còn có sự mạnh mẽ, quyết liệt, tính nguyên tắc, sự xả thân dường như đối lập với sự dịu dàng, nhưng cũng là những đức hạnh lớn của phái nam, của các anh hùng. Bên cạnh sự hàm súc, thơ ca nhân loại có không ít những kiệt tác đồ sộ như những trường ca, những thánh thi. Ngay ở phương Ðông nơi sự hàm súc ở ngôi vị mỹ học chính thống cũng còn có sự lặng im vô ngôn của thiền sư và sự biện giải tôn giáo kiên nhẫn, hùng hồn trong những bộ kinh đồ sộ.
Sự hàm súc không thể được coi là một thông số cơ bản để đem ra thẩm định thơ ca bằng quyền lực của Viện đo lường quốc gia. Bên cạnh sự hàm súc còn có sự phong phú, sự kỳ vĩ, sự kiên nhẫn, sự vô tận của trí tưởng thi nhân. Nếu xét từ góc độ hàm súc thơ Paul Eluard, thơ Pablo Neruda, thơ Whitman đều là những loại thơ thừa lời, lảm nhảm. Paul Eluard trong bài “Tự do” nổi tiếng đã lặp lại đến mấy chục lần câu "Anh viết tên em". Nhưng sự lặp lại đó không cho ta thấy nhà thơ tham lam, thiếu điêu luyện, mà bộc lộ một lòng yêu tự do vô bờ, giản dị, hồn nhiên của nhà thơ. Lòng yêu rồ dại của trẻ thơ trong những lời lảm nhảm không chừng mực ấy còn giá trị hơn cái kỹ nghệ nhốt chữ vào trong những khuôn khổ già cỗi như người ta nhốt thú vào trong cũi ở vườn bách thú.
Những con chữ đi hoang của Eluard, Neruda, Whitman là những con mãnh thú muốn gầm thét chấn động toàn vũ trụ, nó bất chấp mọi ranh giới, nó đối thoại với vô cùng, nó tuôn chảy trong tư cách một vô tận và cuốn phăng tất cả những cái cũi mỹ học hàm súc mốn thuần dưỡng nó. Nó là núi lửa, là cách mạng và tất cả những kẻ đem những bài học vỡ lòng về mỹ học ra chặn đường của nó chỉ là những anh hề.
Thi pháp cầu kinh trong “Mùa sạch”
Trong Mùa sạch, Trần Dần cũng đã thể hiện một thi pháp độc đáo và bản lĩnh: thi pháp kiên nhẫn của người cầu kinh. Một thi sĩ uyên bác như ông đã từng có những bài thơ súc tích đến mức như đánh đố, giờ đây lại viết bằng cái giọng kể lể chi ly vừa quanh quẩn vừa lảm nhảm: "Tỉnh sạch/ Thành uỷ sạch/ Chi uỷ sạch/ Gạo sạch/ áo sạch/ Cao xạ sạch/ Ðảo sạch/ Duyên sạch/ Nền sạch/ Bền sạch/ Lực sạch/ Tăng năng sạch/ Mức sạch/ Mực sạch/ Ngực sạch...". Có những đoạn lảm nhảm đến ma mỵ, ám ảnh: "Pháo ất tỵ mạng nội thành ất tỵ/ Gái ất tỵ mạng gạo thừa ất tỵ/ Ngực ất tỵ mạng luận chương ất tỵ/ Thủ đô ất tỵ mạng mưa ất tỵ/ Hy vọng ất tỵ mạng phố phường ất tỵ/ Tua rua ất tỵ mạng dẻ xoan ất tỵ/ Ðại thắng lợi ất tỵ mạng non sông ất tỵ..."
Ðọc những đoạn thơ trên ta vừa nghe cái âm hưởng cầu kinh gõ mỏ của các bà làm lễ trong chùa, cảm được cái linh thiêng của dân tộc trong những cầu nguyện và nghi lễ rất thân quen, lại vừa thấy cái tâm thế của nhà thơ trân trọng cuộc đời, trân trọng từng điểm mốc thời gian, từng mảnh đời chi tiết.
Trong thái độ thi ca của Trần Dần có dáng dấp lam lũ tội nghiệp của bà mẹ nông dân Việt Nam nghèo, đang lau sạch từng đồ vật, kiểm kê tính đếm từng đồ vật, cả những cái chổi cùn rế rách cũng vô cùng gắn bó và quý giá, không thể bỏ đi, không cái gì thừa. Ðó là cái văn minh bảo tàng của những người nghèo nặng tình nặng nghĩa. Nó đối lập với kiểu văn minh của nhà giàu kỹ thuật cao, sẵn khăn giấy, bút bi và những thứ đồ hộp lạnh lùng dùng xong vứt bỏ không lưu luyến, không kỷ niệm, cũng khác hẳn với văn minh máy giặt cho tất cả vào làm sạch đồng loạt bằng một cú bấm nút nhẹ nhàng, đơn giản, dửng dưng.
Cái kể lể tham tham của Trần Dần là phát lộ cái tâm lý trân trọng cái cụ thể của người Việt, cái gắn bó ân tình của người nông dân với những đồ vật nghèo cũ rách đã theo mình đằng đẵng bao năm. Không thể lấy vật này thay vật kia, lấy người này thay người kia, vì mỗi vật, mỗi người là một vương quốc riêng một kỷ niệm riêng đầy giá trị và máu thịt. Nếu có một Mùa sạch trời cho, thì cái sạch đó phải đến với từng người từng vật. Nếu có một mùa xuân trời tặng thì xuân ấy toả rạng trong từng con người cụ thể và công việc cụ thể của người đó: 
Nữ thợ cấy xuân cấy xuân  
Nữ thợ tiện xuân tiện xuân  
Nữ tự vệ xuân xạ kích xuân  
Nữ vận động viên xuân thi xuân... 
Và mỗi một vật một người cụ thể, dù chỉ là một điểm mốc thời gian bình thường như năm ất tỵ cũng có thể được toả lan nhân cách mình vào trong từng ngõ ngách của cuộc đời.
Thế giới thơ Trần Dần trong Mùa sạch là một nhà gương, các gương phản chiếu nhau, hình trong hình, gương soi gương, luỹ thừa lên cuộc đời đúng như nhà thơ Dương Tường đã nói. Khi bước vào nhà gương, ta thấy hình ảnh ta trùng điệp, lặp lại, khi cao khi lùn, khi méo khi nghiêng, nhưng không có hình ảnh nào là thừa cả. Vì đó là hình ảnh của ta, nó đa bội phiêu diêu trong một cuộc chơi, một cách chơi, ta không thể đem nó làm bội số chung của cuộc đời, nhưng ta thẩm định được niềm vui trong lễ hội của khoảnh khắc. Mùa sạch là một nhà gương, là một lễ cầu kinh, một bảo tàng ấn tượng về một thời, một cõi. Ðọc chưa quen, ta thấy thơ có vẻ lặp và thừa, nhưng hiểu luật chơi nghệ thuật của thơ Trần Dần, ta thấy cái lặp cái thừa đó lại chính là thi pháp, là tâm linh, là bóng dáng cuộc đời trì trệ, khổ nghèo, quanh quẩn và tính đếm, là âm vang tôn giáo như những lời nguyện cầu nhẫn nại của chúng sinh trong những mái chùa giản dị quanh ta.
Giá trị thẩm mỹ của những cái thừa nghệ thuật
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tư duy duy lý tóm gọn cái phong phú đa dạng của thế giới cảm tính vào trong những công thức, những khái niệm, những khẩu hiệu. Và sự hàm súc đã có không ít khi trở thành con sen của thói sơ lược, khái niệm, hô khẩu hiệu trong nghệ thuật. Nhà thơ, thay vì cảm nhận một thế gian cụ thể, với phố phường cụ thể, tắc xi cụ thể, len lụa cụ thể, mành mành cụ thể thì anh ta tóm gọn lại trong hai chữ "thành phố thân yêu" rất hàm súc nhưng cũng rất là công thức. Ðó là sự hàm súc của những viên thuốc Vitamin thay thế cho bữa cỗ cụ thể, cái chân gà cụ thể với cái gân thừa và dai nhưng nhấm nháp nó, đánh vật với nó thú vị biết bao!
Thật vô vị những bữa cỗ toàn những lọ vitamin. Chúng ta cần thịt cá, mắm tôm, rau sống, hành ớt và những gia vị rườm rà khác để kéo dài sự nhấm nháp vì chúng ta không chỉ cần chất bổ, chúng ta cần văn hoá, cần tình cảm gia đình, bạn vè và xã hội. Tóm lại, là chúng ta cần giao tiếp và đối thoại trong cái không gian ẩm thực chứ không chỉ cần nạp vào cơ thể một lượng chất bổ như cách các nhà du hành vũ trụ và các bệnh nhân bắt buộc phải ăn. Và nếu như cùng là những bữa tiệc trong ngày vui nhưng cỗ quê chỉ có một số món đủ ăn và những người chủ mến khách gắp cho ta, áp đặt vào ta những miếng thịt rất ngon mà ta không thể từ chối, thì những bữa tiệc Cocktail thịnh soạn lại luôn luôn thừa thãi thức ăn và luôn luôn ta phải tự mình chọn lựa và phục vụ. Nhưng cái thừa đó, cái tự phục vụ đó là những phẩm chất nội tại trong cấu trúc tiệc Cocktail - nó là điều kiện cho tự do của ta, giao tiếp của ta.
Trong bản chất, tiệc Cocktail là một môi trường giao tiếp, đồ ăn chỉ là phương tiện, phương tiện ấy có thể được sử dụng tối đa, có thể không được sử dụng. Vì thế, thức ăn trong bữa tiệc được bày ra đấy không được chủ nhân tiếp vào bát như trong mâm cỗ cổ điển, mặt khác, thức ăn đó có quyền thừa. Thừa là phẩm hạnh của tiệc nhà giầu, tiệc trong lễ nghi sang trọng. Tương tự như vậy, trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng và thơ ca nói chung cũng luôn luôn có hai loại: hàm súc tằn tiện và thừa thãi phóng khoáng, áp đặt thông điệp nghệ thuật vào tâm hồn người đọc và cứ sắp đặt ngổn ngang chất liệu để mỗi người đọc tuỳ nhu cầu thẩm mỹ tự chọn lấy một ý tứ, một thông điệp cho mình từ sự sắp đặt phóng khoáng của nghệ sĩ, của nhà thơ.
Nói cách khác, tác phẩm văn học, thơ ca và nghệ thuật có kết cấu tuyến tính hay phi tuyến tính, khép kín hay mở ngỏ, áp đặt ý đồ hay lửng lơ gợi mở... đều là những tác phẩm bình đẳng về mỹ học mà giá trị của nó phụ thuộc vào tài năng nghệ sĩ và trình độ thưởng thức. Không thể cấp thẻ ưu tiên cho loại tác phẩm hàm súc, rõ ràng ý tứ như tập quán phê bình và thưởng thức lâu nay.
Thế nào là “cái thừa nghệ thuật”?
Khi xem xét đánh giá một tác phẩm là thừa, là lặp, hay hàm súc, ta không thể căn cứ vào một tiêu chí chung, một công thức vạn năng, càng không thể căn cứ vào khuôn thước của số lượng chữ theo kiểu lấy thơ hai-ku, thư tứ tuyệt, thơ Ðường luật làm tiêu chí. Phải xét mục tiêu thẩm mỹ, phương thức truyền thông điệp nghệ thuật và đặc thù thể loại của từng tác phẩm.
Trong phim "Hoa của trời" của tôi có cảnh gia đình em Ky ăn cơm buổi tối giữa cái sân mênh mông. Cảnh kéo dài tới gần một phút. Khi duyệt phim có nhiều người nói cảnh dài quá, thừa, nên cắt bỏ đi hai phần ba chỉ để mười giây thôi là đủ. Nhưng đạo diễn vẫn bảo vệ cảnh phim dài như đã quay, vì mục đích nghệ thuật của các tác giả không phải chỉ dừng ở thông báo về sinh hoạt mà còn muốn gây dựng trong người xem cảm nhận về thân phận.
Ðúng là chỉ cần năm giây thôi, người xem cũng có thể biết đó là họ đang ăn cơm, một bữa cơm ấm cúng của nhà nghèo. Nhưng thêm mười giây nữa, thấy những người ăn im lặng và cơm, tiếng đũa lách cách, tiếng chó sủa văng vẳng, người xem có thêm một thông điệp nghệ thuật về sự lầm lũi. Nếu cắt đi chỉ còn năm giây hình ảnh, ta không thể có cảm nhận về sự lầm lũi, lặng lẽ, vì biết đâu giây thứ sáu những con người kia sẽ cất lời nói chuyện rôm rả suốt bữa cơm? Kéo dài thêm sự im lặng lầm lũi đó, thêm con chó tha thẩn, người ông cầm quạt nan phe phẩy, cảnh phim bồi đắp thêm những vi lượng cảm xúc trong tâm hồn người xem, để họ thương hơn một chút. Tích tụ lại những vi lượng cảm xúc đó sau tám chín cuốn phim, nghệ sĩ mới có thể tạo dựng được trong người xem một tâm cảm để thừa cơ tạo nên cú sốc thẩm mỹ ở cuối phim, làm choáng váng người xem, lấy được của họ những giọt nước mắt, hay một phút bàng hoàng.
Ozu đạo diễn vĩ đại của Nhật Bản đã có những bộ phim thật dài dòng tẻ nhạt, dường như chỉ toàn những hình ảnh đời thường nhàm chán, nhưng ông mưu toan dẫn dắt đến một khoảnh khắc ở cuối phim, một khoảnh khắc quyết định, ở đó, người xem có thể phải ứa nước mắt khi nhìn một chiếc cốc thuỷ tinh đặc tả, cảm thấy cuộc đời thật rợn ngợp, thật hư vô. Nếu chỉ để người xem hiểu một sự việc, một con người, một triết lý thì chỉ cần cuốn người xem trong tiết tấu dồn dập ly kỳ của hành động và cho nhân vật phát ngôn những câu nói thông minh dí dỏm là đủ. Nhưng nếu muốn đạt được một hiệu quả đặc biệt, bất thường, lộn trái tâm hồn người xem, thách đố những quan niệm sống, xâm lấn vào những định kiến hằn sâu trong tâm cảm thì cần một sự kiên nhẫn nghệ thuật, cần kén chọn độc giả và khán giả, cần có một thi pháp mới, một bản lĩnh mới, một cấu trúc nghệ thuật mà có lúc như thừa, dài dòng và lảm nhảm.
Trong một bài báo viết trên Tiền Phong Chủ Nhật trước đây, nhà văn Lê Lựu đã nói rằng xem phim Việt Nam rất chán vì nhiều câu thoại rất thừa, rất hàng ngày, chẳng có gì triết lý. Chẳng hạn các nhân vật hỏi nhau "ăn cơm chưa", "ăn rồi!". Theo ông, lẽ ra phải nói: Năm bốn nhăm lấy đâu gạo mà ăn! Quả thật, nhiều phim Việt nam rất chán như ông nói, nhưng cái vị dụ ông đưa ra tôi không thấy thuyết phục. Thú thực, nếu làm phim theo kiểu Người giàu cũng khóc hay Ðơn giản tôi là Maria để người xem vừa có thể vừa ngồi ở bếp thịt gà vừa lắng nghe phim, theo dõi chuyện phim thì những câu thoại như thế chẳng có gì là nghệ thuật. Nhưng nếu làm phim cho người ngồi xem hình ảnh thì câu thoại "ăn cơm chưa", "ăn rồi!" cũng có thể là nghệ thuật điện ảnh.
Ta thử tưởng tượng hình ảnh một người vợ chờ chồng về ăn bữa tối, bồn chồn ngong ngóng trước mâm cơm đã bày sẵn ra với hai chiếc bát và hai đôi đũa. Người chồng đẩy cửa vào nhà, dáng lảo đảo say hỏi vợ bằng giọng lè nhè: "Ăn cơm chưa?", người vợ buông thõng "Ăn rồi!" và lên giường nằm khóc. Rõ ràng, hai câu thoại đó bộc lộ tính cách, tình huống và số phận, đâu phải là thừa. Ðó là dối thoại nghệ thuật sâu sắc, vì nó được neo vào hình ảnh, nó phát lộ tính cách và tâm lý trong văn cảnh, trong bối cảnh, trong vẻ mặt, dáng điệu và ngữ điệu. Ðể những câu thoại bình thường ấy trở thành nghệ thuật, nghệ sĩ phải phối hợp để bày biện ra bao nhiêu cái cụ thể: mâm cơm cụ thể, bộ mặt cụ thể, áo quần cụ thể, hành vi cụ thể.
Nhiều khi trong nghệ thuật, cái ta tưởng thừa và lặp dường như vô tích sự có thể vứt bỏ đi, nhưng chúng lại tối cần thiết cho một kiểu thi pháp giống như hơi thở ra của sinh vật hay cái đuôi áo dài tha thướt của mỹ nhân.
ĐỖ MINH TUẤN
Theo http://vanhoanghean.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...