Tưởng niệm 50 năm
ngày mất thi sĩ Nguyễn Bính
1. Trong
những gương mặt tiêu biểu của Thi ca tiền chiến Việt Nam những năm 1932
-1945, Nguyễn Bính được định danh là thi sĩ của đồng quê như chính ông
đã tự nhận: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân
quê” (Chân quê). Cái chất “đồng quê” ấy đã chuyển hóa thành những thi giới chứa
đầy hồn quê, tình quê và đã trở thành một sự ám ảnh trong thơ ông. Vì vậy, đọc
thơ Nguyễn Bính ít ai nghĩ rằng ở con người nhà quê “chính hiệu” ấy lại ẩn chứa
một cảm thức về nỗi nhớ cố hương, vì những tháng năm phải sống biền biệt
trong cảnh ly hương. Nỗi nhớ ấy, dường như là sự an bài của định mệnh, nó
không chỉ hiển lộ trong thơ mà còn là một thực thể trong tâm thức của ông qua
những cuộc thiên di trên mọi miền đất nước, từ Hà Nội nghìn năm văn vật đến Cố
đô Huế cổ kính, rồi dạt vào Sài Gòn hoa lệ, tới những vùng đất phía Nam tổ quốc
mà bài thơ Hành phương Nam như một hiện hữu xác tín cho những tháng
ngày lưu lạc “giang hồ” của cuộc thiên di này như thi nhân đã tâm sự:
Đôi
ta lưu lạc phương Nam này Trải mấy mùa qua én nhạn bay Xuân đến khắp trời hoa rượu nở Mà
ta với người buồn vậy thay
(Hành phương Nam)
Và trong những tháng ngày “lưu lạc” ấy, Nguyễn Bính luôn khắc khoải một cảm
thức về nỗi nhớ cố hương. Nỗi nhớ ấy là tâm thức hiện sinh hiện hữu trong thơ
ông, là tiên đề tạo nên dự phóng để thi nhân sáng tạo. Thế nên, khi đọc những
câu thơ này, ta không thể không thấy nao nao một nỗi nhớ cố hương khởi lên từ
hồn thơ của tác giả dội vào lòng ta như những con sóng vỗ bờ. Nỗi nhớ ấy như
được chưng cất từ tâm cảm thi nhân, tan chảy vào thơ như một thứ mật đắng nhớ
mong và xa cách...
Quê nhà xa lắc, xa lơ đó Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
(Hành phương Nam)
Chao
ơi, Tết đến em không được Trông thấy quê hương thật não nùng
(Xuân tha hương)
2. Cảm thức về nỗi nhớ cố hương, không chỉ là cái
riêng có của Nguyễn Bính, mà là căn tính ở mỗi người trong kiếp nhân sinh đã
được thi nhân nâng lên thành một qui luật mang tính phổ quát. Đó là cái tình
hoài hương trong những ngày xuân phải sống “lênh đênh” xa cách, khi mà nhu cầu
đoàn tụ, sum họp bên ngôi nhà ấm êm ở quê hương mỗi khi Tết đến, đang là khao
khát thiêng liêng đối với con người hơn bao giờ hết!?
Lênh
đênh tóc rối cỏ bồng Chiều ba mươi tết ai không nhớ nhà
(Xuân về nhớ cố hương)
Hình như trong cõi nhân gian này, những thi sĩ đích thực đều mang trong
mình cảm thức của kẻ tha hương!? Và chính điều này đã kết tinh trong thơ họ một
nỗi nhớ cố hương như dấu ấn của nỗi đau xa cách. Bởi thế, Tản Đà đã từng “ngạo
nghễ” trong đắng chát khi tự thú:“Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Còn Huy Cận
từng xa xót thở than “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” nên suốt đời, luôn
mang trong cõi lòng một mối “sầu vạn cổ” của kẻ ly hương. Thế nên, không phải
ngẫu nhiên trong thơ Nguyễn Bính lại xuất hiện nhiều bài thơ xuân thể hiện cảm
thức tha hương như: Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương và ngay cả ở
những bài thơ không có từ “tha hương” thì cảm thức về nỗi nhớ cố hương vẫn
đong đầy trong thi đề, thi ảnh, thi tứ của các bài thơ như: Xuân nhớ,
Xuân thương nhớ, Xuân về nhớ cố hương, Hành phương Nam, Tết biên thùy,
Đêm mưa đất khách...
Vì vậy, trong thơ Nguyễn
Bính nói chung và thơ xuân của ông nói riêng, cảm thức về nỗi nhớ cố hương
luôn thường trực và là thi hứng chủ đạo làm nên hệ mỹ học trong vũ trụ thơ của
ông. Thế nên, trong bài thơ Xuân tha hương được Nguyễn Bính viết ở
Huế, tháng chạp năm Nhâm Ngọ 1942, câu thơ “Tết này chưa chắc em về được”,
thi nhân đã nhắc lại đến bảy lần và mỗi lần thể hiện một trạng thái khác nhau
của cảm thức này. Nhưng tựu trung vẫn là sự xa cách và nhớ thương trong cô độc
phận người của những ngày “xuân tha hương” mà khi chạm đến những câu thơ này
lòng ta không thể không thấy xa xót và cảm thương đối với thi nhân. Điệp ngữ
“Tết này chưa chắc em về được” như lưỡi dao cứa vào tim thi sĩ và người
tiếp nhận vì sự ám ảnh khôn nguôi của xa cách và nhớ mong. Thi sĩ – kẻ tha
hương dường như đang tha thiết kiếm tìm sự đồng cảm, tri âm trong nỗi đau xa
xứ đang đè nặng tâm hồn ông đến “não nùng”...
Tết
này chưa chắc em về được
Em
gửi về đây một tấm lòng Ôi, chị một em, em một chị Trời
làm xa cách mấy con sông...
Tết này chưa chắc em về được Em gửi về đây một tấm lòng Chao ơi, Tết đến em không được Trông thấy quê hương thật não nùng
(Xuân tha hương)
Song, cảm thức về nỗi nhớ cố hương trong thơ xuân Nguyễn Bính không chỉ
đơn thuần là sự cách xa, là nỗi buồn và niềm thương nhớ đến quặn lòng đối với
cố hương mà đó còn là nỗi cô đơn của thân phận vốn là một yếu tính của kiếp
người. Và khi nỗi cô đơn đẩy đến tận cùng thì cảm thức về nỗi nhớ cố hương kết
lại thành nỗi đau nhân thế. Bài thơ Xuân lại tha hương của Nguyễn
Bính là hiện thân của nỗi đau này, khi mỗi độ xuân về nhưng thi nhân vẫn là kẻ
bơ vơ, lạc loài, vẫn “ăn cái Tết ngoài thiên hạ”, vẫn sống lặng thầm trong cảnh
tha hương:
Bốn
bể vẫn chưa yên sóng gió; Xuân này em chị vẫn tha hương, Vẫn
ăn cái Tết ngoài thiên hạ,
Son sắt say hoài rượu bốn phương.
(Xuân tha hương)
Phải chăng, những bài thơ thấm đẫm nỗi buồn nhân thế này cũng là một giá trị
trong thơ Nguyễn Bính. Nỗi buồn ấy là kết tinh từ thân phận của thi nhân
trong những mùa xuân tha hương, trong những ngày tháng “giang hồ” trên khắp mọi
miền đất nước, mà có những lúc ông phải sống như kẻ không nhà, sống trong đói
cơm, thiếu áo và chỉ còn có thơ để ông “vịn” (từ của Phùng Quán) vào đó mà tồn
sinh, mà hiện hữu... Cho nên, có thể nói, những bài thơ xuân với cảm thức
“tha hương” của Nguyễn Bính đã tạo nên một cảm thức mỹ học về nỗi buồn trong
thân phận con người. Vì vậy, Đào Trường Phúc trong bài viết: “Nguyễn Bính những
mùa xuân tha hương”, khi nhận định về tính chất tha hương của Nguyễn Bính, rất
có lý khi cho rằng: “Có hay chăng một thứ định mệnh ràng buộc Nguyễn Bính với
những chuyến đi? Đó là những chuyến đi vừa thơ mộng vừa cay đắng, những chuyến
đi thất bại. Đó là những chuyến đi cô quạnh, nếu có một kẻ đồng hành nào thì
cũng chỉ là kẻ đồng hành tình cờ, gặp nhau trong nỗi cô đơn của mỗi người để
chia sẻ một chút gió bụi buồn của giang hồ, rồi lại chia lìa nhau suốt đời.
Đó là những chuyến đi chất chứa đầy nhớ thương, đầy chua chát, đầy tan nát.
Đó là những chuyến đi tượng trưng đầy đủ nhất cho định mệnh của một thi sĩ
giang hồ, của thi sĩ và giang hồ” (1) Và Nguyễn Bính gọi đó là nỗi buồn của
“tên lính ở biên cương” như chính ông đã thú nhận ở bài thơ Xuân tha
hương:
Em
đi non nước xa khơi quá! Mỗi độ xuân về bao nhớ thương; Mỗi độ xuân về em lại thấy, Buồn như tên lính ở biên cương.
(Xuân tha hương)
Và theo Đào Trường Phúc chính nỗi buồn, niềm cô đơn của những ngày tháng
giang hồ đó đã đốt cháy trong tâm thức Nguyễn Bính một khao khát trở về, một
khát vọng hoài hương, một cái “ngoảnh lại” trong cuộc phiêu lưu của việc chạy
đua với định mệnh. Chính “Nỗi cô đơn, tình hoài hương, tâm trạng lưu đày cùng
một lúc phả vào thơ Nguyễn Bính trong giai đoạn sau này của đời ông, một hơi
thở chua chát thê lương và đốt nóng lên trong dòng thơ ấy ngọn lửa khao khát
của một ngày về.” (2) Nhưng cay đắng hơn, cảm thức về nỗi nhớ cố hương ấy
không chỉ là hệ quả của sự xa cách quê hương bởi những cuộc thiên di, để từ
đó thi nhân khao khát một ngày trở về như Đào Trường Phúc đã viết mà có khi
ông đã trở thành “kẻ xa lạ” trên chính quê hương mình. Vì vậy, có thể nói, cảm
thức về nỗi nhớ cố hương trong thơ xuân Nguyễn Bính là một phẩm tính hiện
sinh của thân phận, của thế giới nội cảm kết tinh và lan tỏa trong vũ trụ thơ
ông. Nó không phải là những “tinh tú rực rỡ” vô hồn mà là những “vì sao trơ
trọi” của nỗi cô độc phận người trong kiếp tha hương. Vì vậy, nó gần gũi với
tâm cảm của con người như một sẻ chia, bởi trong kiếp sống lênh đênh phận người,
ai lại không có những ngày tháng xa quê. Thơ Nguyễn Bính chân thật mà say đắm
hồn người là vì thế...
Quê
nhà gối chiếc, thôi rồi kẻ Chia nửa vầng trăng với dặm trường
(xuân vẫn tha hương)
Để rồi, “Trong nỗi cô quạnh ấy, ngọn lửa khát vọng của ngày về quê hương vẫn
không tắt trong lòng Nguyễn Bính, ngọn lửa thắp sáng giữa cõi phi - ý -
thức đó đôi lúc đã khiến cho chính ông có những ảo giác về một ngày về. Lời ước
hẹn và giấc mơ của những bài thơ chất chứa lòng sầu xa xứ.” (3)
Đất
Bắc phải đâu là đất khách Sao lòng mãi nặng mối tình quê?
(Xuân nhớ) Nhưng dù có đi đến đến tận
cùng của nỗi khao khát “qui cố hương” thì Nguyễn Bính cũng không thể nào vượt
qua sự đặt để của số phận trong kiếp sống của một “thi sĩ giang hồ”. Vì theo
Đào Trường Phúc thì “tình hoài hương của Nguyễn Bính, như thế, vẫn không biến
đổi gì từ cái bản chất đặc biệt phảng phất trong mỗi câu thơ, từ Lỡ bước
sang ngang đến những bài thơ cuối cuộc đời ông. Nguyễn Bính trước sau vẫn
chỉ là một thi sĩ giang hồ, một thi sĩ tha hương.” (4) Và lý giải điều này từ
góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, Đào Trường Phúc đã rất có lý khi cho rằng:
“Nỗi cô đơn của Nguyễn Bính, của một kẻ tự lưu đày trong những chuyến lang
thang tìm kiếm quê hương bằng những bước rời xa quê hương, như thế, trở thành
gần như một nỗi cô đơn thu kín và tuyệt vọng.” (5) Và đây chính là nhân duyên
làm nên kiếp sống giang hồ của Nguyễn Bính trong những ngày hiện hữu ở cõi đời
mà cảm thức về nỗi nhớ cố hương trong thơ xuân của ông là một phần trong cuộc
sống của thi sĩ.
Trót
đà mang số sinh ly Bao
giờ tôi mới được về cố hương Xuân
về những nhớ cùng thương Trời ơi! Muôn vạn dặm đường xa
xôi!
Chiều
ba mươi hết năm rồi Nhà
tôi, riêng một mình tôi vắng nhà Tôi
còn lận đận phương xa Để
ăn cái tết thật là vô duyên.
(Hành phương Nam)
Bài thơ Hành phương Nam như một dự báo cho cuộc đời ông khi ông dự
cảm: “Chiều ba mươi hết năm rồi/ Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà”. Bởi,
cách đây năm mươi năm, ngày 29 Tết, Bính Ngọ 1966 (năm ấy, tháng Chạp
không có ngày 30) ông đã “đi ra ngoài cõi sống” không phải trong ngôi nhà của
mình mà ở nhà một người bạn yêu thơ ông. Thì ra, ngay cả đến khi chết, Nguyễn
Bính vẫn chọn cái chết của một kẻ tha hương, một kẻ không nhà. Sinh thời, có
thể nói, Nguyễn Bính là một trong không nhiều thi sĩ viết nhiều, viết hay và
đắm đuối về mùa xuân... vậy mà đời ông hình như chưa có một ngày xuân viên
mãn!? Số phận luôn đẩy ông vào những bi kịch của cuộc sống. Phải chăng, vì thế,
ông đã trở thành thi sĩ thiên tài, dù chỉ là một thiên tài lỡ dở như Tạ Tỵ đã
xác quyết: “Bính là một thiên tài, nhưng là một thiên tài lỡ dở, vì tổng kết
từ cuộc sống bản thân tới nghệ thuật, ở bên trong mỗi dữ kiện người ta cảm thấy
như Định Mệnh đã an bài cho Bính sự trừng phạt hơn ân thưởng. (...) Sự lỡ dở
do Tình Yêu, do cuộc đời, do bạn hữu, do bản thân tạo nên, tất cả như a vào
nhau để làm cho tiếng thơ buồn của Bính vút lên rồi tỏa ra những làn ánh sáng
kỳ diệu giữa trời thơ nước Việt hôm qua, hôm nay và mãi mãi.” (6)
3. Có
thể nói, số phận đời ông đã vận vào những câu thơ của ông như một định mệnh,
để rồi ông mãi mãi là một kẻ suốt đời rong ruổi trên dặm đường thiên lý mà
ngày trở về chỉ là một ước vọng mù khơi. Vì vậy, cảm thức về nỗi nhớ cố hương
trong thơ xuân Nguyễn Bính cũng là một phần cuộc đời ông, là một hệ giá trị
trong thiên tài thơ Nguyễn Bính mãi mãi còn lại với thời gian... Đọc thơ xuân
Nguyễn Bính trong cái se lạnh của những ngày chuyển mùa, không thể không day
dứt bởi những vần thơ chân mộc nhưng hàm chứa triết lý nhân sinh sâu sắc:
Khát vọng gắn bó con người với quê hương luôn là một hằng số văn hóa, là cội
nguồn của sự sống. Với Nguyễn Bính, ngày Tết không trông thấy quê hương là nỗi
buồn đau tột cùng… Và kiếp tha hương chỉ khiến nỗi nhớ cố hương đầy thêm
trong tâm cảm của nhà thơ. Đây cũng là chìa khóa giải mã cảm thức về nỗi nhớ
cố hương, một giá trị nhân văn trong thơ xuân Nguyễn Bính còn neo đậu mãi ở bến
bờ tâm thức của người tiếp nhận và là căn tố tạo nên sự bất tử của đời thơ
Nguyễn Bính...
Chú thích:
(1) (2) (3) (4) (5)
Đào Trường Phúc: “Nguyễn Bính, những mùa xuân tha hương” Văn 189/1971,
tr.45, tr. 50, 51, tr.52, tr.53, tr.51
(6) Tạ Tỵ, Mười khuôn
mặt văn nghệ, SG, 1970, tr.134
Xóm Đình An Nhơn - Gò Vấp, 20/12/2015
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét