Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Hình ảnh người nông dân trong ca dao Việt Nam

Hình ảnh người nông dân trong ca dao Việt Nam

Làng quê Việt Nam ở đâu cũng vậy, ẩn chứa trong nó bao điều gần gũi và thân thương. Mỗi một miền quê đều có những câu hò, điệu hát rất chung mà lại rất riêng, mang âm hưởng của từng vùng, miền. Tất cả cùng hòa vào câu thơ, giọng hát của những làn điệu, tạo thành dòng ca dao dân ca Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Ca dao là tiếng nói trung thực miêu tả sự việc xảy ra trong cuộc sống và trở thành những câu hò, điệu hát của nhân gian như những bản tình ca bất diệt, đượm màu thế tục, tình yêu, tình đời với một ẩn dụ tự nhiên làm cho người ca ngâm cũng như người nghe có một cảm nhận gần gũi, thân thiết.
Ca dao là khúc hát tâm tình của người dân quê Việt Nam lưu truyền qua năm tháng thời gian, lan tỏa theo hương lúa đồng nội quê hương. Ngọt ngào biết bao những vần thơ dân dã ấy đã thấm sâu vào tâm hồn thơ bé mỗi chúng ta qua những điệu ru của mẹ, tiếng hát của bà. Chúng ta yêu vô cùng những bài ca dao nói về công việc nhà nông “hai sương một nắng”, ca ngợi đức tính cần cù, lòng kiên nhẫn của người dân cày quê ta.
                                          “Cày đồng đang buổi ban trưa
                                        Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
                                              Ai ơi, bưng bát cơm đầy
                                      Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.
Hai câu đầu miêu tả cảnh cày đồng. Câu ca dao gợi lên trước mắt chúng ta hình ảnh người nông dân đang lội bùn, tay cầm cày, theo sau con trâu, dưới ánh nắng “ban trưa” chang chang mùa hạ. Người và con trâu phải làm việc vô cùng vất vả. Mồ hôi luôn ra như mưa. Từ tượng thanh “thánh thót” gợi tả mồ hôi rơi xuống từng giọt… từng giọt liên tiếp, gieo vào không gian âm thanh “thánh thót”. “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” là hình ảnh so sánh thậm xưng gợi tả công việc cày đồng vất vả, cực nhọc không thể nói hết. “Mưa” làm cho lúa xanh tươi, cũng như “mồ hôi” đổ xuống luống cày làm cho đất đai thêm màu mỡ. Nghệ thuật so sánh “mồ hôi” với “mưa” thật là sáng tạo, làm cho người đọc, người nghe thấm thía, cảm thông với bao cực nhọc của nhà nông. Thật vậy, bà con dân cày đã đổ biết bao mồ hôi, công sức vào luống cày, sá bừa, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, để làm ra bông lúa, củ khoai nuôi sống xã hội. Bài ca dao đã vẽ lên một hình ảnh tuyệt đẹp về người nông dân trên cánh đồng quê hương. Đó là một con người khoẻ mạnh, dẻo dai, cần mẫn và chịu khó. Hai tiếng cảm thán “ai ơi!” vang lên một cách tha thiết, đã tạo nên âm điệu êm ái, ngọt ngào. Nhà thơ dân gian nhắn gửi mọi người gần xa một ý nghĩ với bao tình cảm đẹp. Mỗi khi “bưng” bát cơm đầy chúng ta ghi nhớ công ơn khó nhọc của người nông dân đã cuốc bẫm cày sâu, sản xuất ra lúa gạo cho nhân dân no ấm. Bài ca dao đã nâng nhận thức và cảm xúc cho mọi người về giá trị của bông lúa, hạt gạo, bát cơm dẻo thơm mà ta được hưởng thụ hàng ngày thật đáng quý vô ngần. Cho nên, nhân dân ta mới gọi hạt gạo là “hạt vàng”, “hạt ngọc” với tất cả lòng tự hào, trân trọng.
Người nông dân Việt Nam từ xưa đã đi vào thơ ca như những hình tượng đẹp nhất: Nông dân sống lặng thầm như đấtCó thể hoang vu, có thể mùa màngXin chớ mất, chớ niềm tin sai lạcChín phần mười đất nước - nông dân”Người nông dân vẫn ngày đêm lặng thầm lao động làm ra “hạt ngọc” dâng cho đời, nhưng họ vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.
Nước ta là một nước nông nghiệp, trên 80% dân số sống bằng nghề nông. Người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác, hiền lành, dũng cảm và giàu lòng yêu nước. Nhà nông quê ta tượng trưng cho sức sống bền vững của dân tộc qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Với đức tính cần mẫn, dẻo dai và sáng tạo, nhà nông đã làm nên những mùa vàng bát ngát, đem đến sự ấm no cho xã hội. Mọi gia đình có bát cơm dẻo thơm, đất nước có nhiều lương thực xuất khẩu là nhờ vào công sức nhà nông. Thời điểm chiến tranh, hạt gạo mang nặng tình hậu phương, ai mà quên được: “Hạt gạo làng ta - Gửi ra tiền tuyến - Gửi về phương xa - Em vui em hát - Hạt vàng làng ta” (Trần Đăng Khoa). Yêu kính và biết ơn nhà nông, mỗi một chúng ta khắc vào tâm hồn lời nhắn gọi thiết tha đã mấy ngàn năm vang lên sau luỹ tre xanh:
                                                           “Ai ơi, bưng bát cơm đầy
                                                    Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng!”.
Quê hương là cánh đồng lúa thơm ngát, luỹ tre xanh trải dài dọc bờ đê, là những hình ảnh thân thương nhất đối với cuộc sống mỗi con người. Hai tiếng quê hương nghe gần gũi và thân thương, đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã nuôi dưỡng ta trưởng thành. Qua ca dao dân ca những hình ảnh của miền quê như trở nên gần gũi hơn, lung linh hơn nhờ những ca từ đầy hình ảnh. Khi nói đến dân ca, chúng ta không thể quên những lời ru con thiết tha trìu mến, qua tiếng ầu ơ mẹ ru con, những hình ảnh của miền quê yêu dấu của biển rộng non cao, của gió Lào cát cháy, những người mẹ năm tháng tảo tần một nắng hai sương nuôi dậy con khôn lớn. Những lời hát ru của mẹ đã hòa đồng với tâm hồn trẻ thơ, vừa đằm thắm nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần trầm tư sâu lắng. Trong câu hát của mẹ có ánh trăng soi rọi như đưa con vào giấc ngủ êm đềm, có áng mây trôi bồng bềnh trên đỉnh núi, có dòng sông bên lở bên bồi, có mặt biển long lanh ánh bạc và những con thuyền thấp thoáng ngoài khơi xa. Nghe lời ru của mẹ, trẻ thơ như được tiếp thêm nguồn dự trữ lớn lao về lòng yêu quê hương, đất nước, chắp cánh cho tuổi thơ của con thêm vững bước và sáng ngời niềm tin.
“À…ơi…con cò…bay lả bay la…bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng…”
Đã từ rất lâu, “cánh cò” theo lời mẹ hát đã đi vào trong tiềm thức mỗi người dân quê Việt Nam. Đến khi ta lớn lên, “cánh cò” lại theo ta trên những cánh đồng, trên những đồi cây, “cánh cò” trải dài khắp mảnh đất quê hương, làm bạn với nhà nông trên những cánh đồng bao la bình dị. Và, không biết tự bao giờ, “cánh cò” ấy đã len lén đi vào những bài ca dao của nhân dân ta, làm nên những cung đàn muôn điệu cho khúc tâm tình của những người quê nghèo chân chất. “Con cò” - hình ảnh luôn nổi bật trong phần lớn các bài ca dao than thân chính là đại diện tiêu biểu cho số phận vất vả của nhân dân lao động. Than rằng:
                                                 “Con cò mà đi ăn đêm
                                         Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
                                                  - Ông ơi, ông vớt tôi nao,
                                        Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
                                                  Có xáo thì xáo nước trong,
                                         Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con.”
Não nề và buồn thảm, bài ca dao như nói lên được tất cả những tâm tư tình cảm của những người nông dân nghèo làm lụng vất cả, đồng thời ca ngợi đức tính quý báu của những con người nghèo khó quanh năm chân lấm tay bùn: phải luôn giữ cho tâm hồn mình trong sạch. Xưa nay, con cò chưa bao giờ đi ăn đêm. Nhưng vì hoàn cảnh sống thiếu thốn, cò kiếm ăn ban ngày không đủ, đêm đến phải kiếm thêm mới có thể nuôi sống đàn con của mình. Chữ “mà” ở đây được dùng rất khéo! Nó như một điểm nhấn của câu ca dao, làm nổi bật sự mâu thuẫn, nghịch lý, gợi lên cho ta cảm giác xót xa cho số phận của con cò. Rõ ràng ta thấy, có cùng đường lắm, “con cò” mới phải “đi ăn đêm”. Hình ảnh “con cò” cần cù bắt từng cái tôm, cái tép, nhặt từng hạt thóc vụn chính là hiện thân của những người nông dân nghèo khó, phải làm lụng vất vả, chắt chiu từng li từng tý nhưng cũng không đủ sống đành phải vay đầu này, mượn đầu kia, cày thuê cuốc mướn để mong sao sống được qua ngày. Nông dân nghèo, suốt ngày chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ấy thể mà chỉ cần một cơn lũ, một đợt sâu bệnh là coi như mất trắng.
Cần cù, chịu thương chịu khó như thế những tưởng sẽ kiếm được nhiều thức ăn cho đàn con nhỏ, nhưng ngờ đâu, số phận đã đẩy đưa “con cò” vào hoàn cảnh hoạn nạn. Rủi ro đã xảy ra: vì trời quá tối còn cò lại sức tàn lực kiệt, nên đã “đậu phải cành mềm” để rồi “lộn cổ xuống ao”. “Cành mềm”, là nguyên nhân bất ngờ dẫn đến tai hoạ đe doạ mạng sống của “con cò”. Đó phải chăng là ẩn dụ cho những áp bức, bất công trong xã hội đã đè năng lên vai của những con người cần cù lao động? Động từ “lộn” như một lời khẳng định “con cò” chắc chắn sẽ không thể nào thoát khỏi cái tai nạn này. Đời cò lênh đênh giống như thân phận của người nông dân nghèo cứ trôi nổi bấp bênh, và giờ đây, lại gặp thêm thăng trầm, biến cố của cuộc sống. ta đã từng nghe:
                                                  “Nước non lận đận một mình
                                              Thân cò lênh thác xuống ghềnh bấy nay…”
Để rồi:
                                                     “Ai làm cho bể kia đầy
                                                Cho ao kia cạn cho gầy cò con”
Cuộc đời cò nắng mưa dãi dầu cũng giống như cuộc đời của nông dân nghèo khi đói khi no. Họ không những chỉ làm để nuôi sống bản thân mà con mang thêm cả gánh nặng gia đình. Họ chính là nạn nhân của sự nghèo đói, số phận của họ như đã được trời đất an bày là phải sống cuộc đời gian nan, vất vả. Chính bài ca dao này đã gieo vào trong ta một sự đồng cảm, một sự cảm thông đến lạ kì...
Biết được không thể nào thoát nạn, cò không vùng vẫy, quẫy đạp mà chỉ còn biết cất lên lời cầu cứu thảm thương:
                                                  “- Ông ơi, ông vớt tôi nao,
                                           Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.”
Nếu như hai câu đầu, ta thấy được một nghịch lý thực tế, thì khi đọc hai câu tiếp theo, ta lại nhận thấy có sự tương phản trong cách nói giữa “ông vớt tôi nao” và “ông hãy xáo măng”. Lời cầu cứu van xin ấy nghe chua xót làm sao! Biết chắc sẽ không thể nào sống sót được nhưng con cò vẫn rực lên nghị lực sống mạnh mẽ. Bởi chuyện “đi ăn đêm” cũng chỉ là do hoàn cảnh sống quá khắc nghiệt gây nên. Một nồi măng nấu với cò là kết cục thê thảm của kẻ sa cơ thất thế. “Con cò” chính là người dân cày làm lụng cực khổ kiếm được không bao nhiêu ấy thế mà lại bị bọn cường hào hà sức bóc lột, vơ vét, họ phải đưa lưng ra để nộp sưu, nộp thuế mà không cách nào phản kháng. Họ như bị đẩy đưa vào bước đường cùng của cuộc đời nhưng vì khát vọng sống quá cháy bỏng, và vì quá yêu con, thương con nên “cò” mới “đi ăn đêm”. Sự đau xót đó đã tìm được sự đồng cảm khi Chế Lan Viên đã viết:
                                           “Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
                                              Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”
Đời “cò đói” cũng như đời người nông dân nghèo dường như đã gắn chặt với những nỗi khó khăn, gian khổ. Ấy thế mà ước muốn cuối cùng trước khi chết của “con cò” thật là cao đẹp:
                                                 “Có xáo thì xáo nước trong,
                                              Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con.”
Một lần nữa, hình ảnh ẩn dụ - sự tương phản giữa “trong” và “đục” lại làm cho ta có cảm giác xót xa, cay đắng cho thân phận “cò”. Dù có thế nào đi chăng nữa, “cò” vẫn luôn muốn giữ cho mình hình ảnh đẹp đẽ, trong sáng, muốn mình có bị “xáo măng” cũng phải được “xáo” trong dòng “nước trong” tinh khiết. Ý nghĩa ấy như đã khẳng định, khắc sâu thêm cái ước muốn nhỏ nhoi sau cùng của “cò”, rằng nó không muốn làm “đau lòng cò con”, không muốn phải để lại những vết nhơ cho con cái nó mà chỉ muốn giữ tiếng thơm cho con cháu đời sau. Đức hy sinh của “con cò” đã được thể hiện một cách mạnh mẽ. Cái chết trước mặt, ấy thế mà điều nó nghĩ đầu tiên chính là nghĩ về con cái nó, về thế hệ tương lại của nó. Nó chết vì sự nghèo đói, lòng thương con vô bờ bến của mình. Nó chết vì con, hy sinh tất cả vì con đó là cái chết cao đẹp.
Hai cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc đã đi qua, những người dân quê nghèo đã khoác lên mình chiếc áo của anh bộ đội Cụ Hồ, làm nên những chiến công oanh liệt. Hình ảnh “con cò” với cái đức tính cao quý ấy còn theo mãi biết bao thế hệ Việt Nam. Họ đã anh dũng chiến đấu vì dân, vì nước, họ đã hy sinh cả bản thân mình, “thà chết trong” trong vinh quang của đất nước còn hơn “sống nhục” trong ách áp bức của bọn ngoại xâm. Có những bà mẹ VN anh hùng, những ngưòi vốn đã lam lũ với cuộc đời nhưng khi đất nước cần, đã hy sinh bản thân mình, để cho đứa con mình đứt ruột sinh ra đi theo tiếng gọi của non sông...Họ chính là những “con cò” bất hữu của thời đại, làm nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử.
Cuộc sống của chúng ta ngày càng tất bật với những bươn chãi, bồn bề, lo toan tính toán chuyện áo cơm danh lợi. Hình ảnh những “con cò” cần cù chịu thương chịu khó vẫn hiện hữu đâu đây. Dẫu cho những “con cò” ấy không còn phải mang trên mình số phận bi thảm như thế nữa nhưng dù xã hội có thay đổi, con người có thay đổi, nhưng những đức tính cao đẹp ngày nào vẫn còn sống mãi nơi tận đáy lòng. “Thân cò lặn lội” là hiện thân của những ngưòi phụ nữ đảm đang, là mẹ, là bà, là cha, ông đêm ngày một nắng hai sương làm lụng vất vả để nuôi con nuôi cháu:
                                                          “Con cò bay lả bay la
                                                  Bay ra cửa miếu bay ra cánh đồng
                                                            Cha mẹ sinh đẻ tay không
                                                  Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi
                                                          Trước là nuôi cái thân tôi
                                                  Sau nuôi đàn trẻ nuôi đời cò con”…
Và phải chăng, “cành mềm” chính là những đứa con bất hiếu, trời đánh, phản bội lại tình cảm chân thành của những người đã vất vả sinh ra mình, nuôi nấng mình khôn lớn...Là người học sinh, ta phải biết tránh xa những tệ nạn xã hội, những thói hư tật xấu, phải biết thấm nhuần triết lý “đói cho sạch, rách cho thơm”, không được làm những chuyện đồi bại, trái với lương tâm. Chúng ta, thế hệ tương lai của đất nước, phải biết “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, phải ra sức học hành thật tốt, lao động thật tốt để những “con cò” ấy giảm bớt nỗi cực khổ, để “con cò” không bao giờ phải “lộn cổ xuống ao” như thế nữa.
Tuy bận rộn vất vả trong những ngày mùa nhưng trâu cũng có ngày thong thả đứng bên bờ ruộng ăn cỏ tươi hoặc nằm trong chuồng nhỏ nhẹ nhấm bó rơm khô. Số phận của con trâu và người nông dân gắn bó đồng cam cộng khổ:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, nhưng những cánh cò dường như đã trở thành biểu tượng bất hữu của con người Việt Nam. Giữa cái nền ngát xanh của bầu trời, của đồng lúa của dòng sông, những cánh cò trắng lượn lờ bay bổng nổi bật làm cho lòng ta thấy nhẹ nhàng phơi phới. Nhìn những cánh cò bay yếu đuối, khẳng khiu nhưng có ngờ đâu lại mang trong mình một sức sống mãnh liệt, một tầm hồn sống trong sạch, thanh cao đến như vậy. Bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm” mang dáng dấp của một câu chuyện nhỏ đã vẽ nên tấm bi kịch thảm thương cho số phận của một “con cò” cần cù, chịu khó, thương con cái vô bờ bến. Ngỡ như một tiếng vọng về một nơi nào đó, mỗi khi có dịp nghe được bài ca dao này, ắt hẳn phần lớn trong số chúng ta đều cảm thấy lắng đọng, thương vừa vừa cảm phục “con cò”, bởi đó chính là cha anh, là bà, là mẹ...là tất cả những người đã hy sinh bản thân vì thế hệ tương lai chúng ta. Và hơn bao giờ hết, bài học luân lý “thà chết trong còn hơn sống đục” mà ta rút ra được từ bài ca dao này, chắn chắn sẽ còn lưu mãi giá trị đến muôn đời sau.
Lương Bích Luyến
Theo http://thegioiao.woo.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...