Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

"Kéo chày" - Lễ hội độc đáo của dân tộc Pà Thẻn

"Kéo chày" - Lễ hội độc đáo của dân tộc Pà Thẻn
Hà Giang - Mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc hội tụ 22 dân tộc anh em cùng chung sống với sự đa dạng về văn hóa.
Đến với Hà Giang những ngày trung tuần của tháng 10 Âm lịch, du khách sẽ được thưởng thức, đắm mình cùng lễ hội "kéo chày"- Một lễ hội độc đáo, nguyên sơ và huyền bí của dân tộc Pà Thẻn.

Dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang hiện có 5.975 người sống tập trung ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Khác với dân tộc Mông thường sinh sống ở trên các triền núi cao, dân tộc Pà Thẻn lại thường sinh sống, cư trúở vùng tương đối thấp. Những năm 90 trở về trước, các hoạt động kinh tế của người Pả Thẻn chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, nguồn thu chính từ nông nghiệpnương rẫy, họ thường du canh du cư. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhữngnăm gần đây, dân tộc Pà Thẻn bắt đầu định cư ổn định cuộc sống. Rừng núi bạt ngàn, đất đai màu mỡ là điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Sau những ngày thu hoạch xong vụ lúa mùa, bà con dân tộc Pà Thẻn chọn ngày tốt, thường là ngày 16/10 Âm lịch hàng năm là ngày tổ chức lễ hội "kéo chày."Theo các già làng dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc (huyện Quảng Bình), người thầy cầm chịch ở lễ hội "kéo chày" rất quan trọng. Người thầy phải là người giỏi vềvõ công, khỏe và phải luyện tập rất công phu, đồng thời phải biết niệm thần chú để cho chiếc chày được nâng lên khỏi mặt đất mặc dù rất nhiều thanh niên kéo chày xuống bằng mọi cách cũng không thể kéo được.
Trước khi vào buổi lễ "kéo chày" người thầy dùng một chiếc chày được làm bằng một đoạn gỗ hoặc vầu, có đường kính khoảng 10 cm, dài từ 2,5-3m. Sau đó, thầy cầm tay vào chiếc chày, xoay đi xoay lại mấy vòng và niệm thần chú.
Cùng đó, hai thanh niên người Pà Thẻn trai tráng, khỏe mạnh ôm chặt chày ở tư thế đối ngược nhau. Vừa xoay chày, người thầy vừa đọc thần chú, sau đó như cómột phép thuật mà không ai có thể diễn tả nổi, chiếc chày khắc tự xoay và nâng lên khỏi mặt đất, mặc dù hai thanh niên ra sức kéo xuống cũng không thể kéo được. Lúc này hàng chục thanh niên trai tráng trong bản cùng nhau kéo chày xuống nhưng cũng không kéo nổi, chỉ khi nào có người bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chiếc chày thì chiếc chày mới chạm đất, khi đó lễ kéo chày kết thúc.
Ở lễ hội "kéo chày", những chàng trai Pà Thẻn nào tham gia luôn nhận được sự tin yêu, thán phục và ngưỡng mộ của du khách nói chung và các cô gái Pà Thẻn nói riêng. Với dân tộc Pà Thẻn, lễ hội "kéo chày" là một tục lệ mang tính chất cộngđồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn sau một ngày mùa bội thu. Qua lễ hội họ cầu mong các thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm. Trong lễ hội "kéo chày," các chàng trai Pà Thẻn ai cũng diện áo mới, mặc quần chân què, trang trí thêm hai chiếc khăn vắt chéo qua ngực và dùng thắt lưng màu trắng. Các cô gái Pà Thẻn lại nổi bật hơn trong bộ trang phục màu đỏ tươi, một bộ nữ phục của các cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề. Màu chủ đạo trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ, nhưng có phối màu với các màu sáng khác như màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành đường kẻ sọc.
Nếu chú ý một chút, trong trang phục của các cô gái Pà Thẻn, du khách sẽ thấy cách cắt may và trang trí áo không giống với bất cứ một kiểu áo nào của dân tộc khác. Với một hình thức trang trí của áo, kết hợp với những đường thêu và ghép vải khéo léo đã tạo nên cho các cô gái Pà Thẻn một sự độc đáo riêng có. Đến với lễ hội, các côgái Pà Thẻn không chỉ xúng xính đẹp hơn trong bộ quần áo mới mà họ còn đẹp hơn khi đeo các trang sức bằng bạc gồm vòng cổ, vòng tay và hoa tai.
Mỗi du khách đến với các làng bản của người Pà Thẻn, Hà Giang trong những ngày này không chỉ được chứng kiến lễ hội "kéo chày" mà còn được xem lễ hội nhảy lửa, xem các hội thi gói bánh dài, bánh xường, bánh ốc; được thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc Pà Thèn.
Gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo của dân tộc trong cuộc sống của người Pà Thẻn ở Hà Giang nói chung và lễ hội "kéo chày" nói riêng là một điều rất đáng trân trọng. Với tín ngưỡng tâm linh, lễ hội "kéo chày" truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn. Với kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian và tri thức địa phương của dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang đã góp phần bảo tồn nềnvăn hóa Pà Thẻn trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Minh Tâm

Mai Châu (Hoà Bình), xứ sở của những điệu xoè
Múa xoè là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian phát triển mạnh trong các lễ hội của người Thái Mai Châu. Ngoài những đặc điểm chung thì xoè Mai Châu có những nét độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của những điệu xoè duyên dáng, chắc khoẻ.
Xoè có nhiều điệu: Xoè chá, xoè ồng bổng, xoè kiếm, xoè đánh máng… các điệu xoè đều xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất, tập quán sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Ví như điệu xoè “ồng bổng” là hình thức múa cổ, động tác đơn giản, mọi người cầm tay nhau nhảy nhót xung quanh đống lửa theo nhịp “hò huậy, hò huây” mừng thắng lợi giòn giã sau một buổi đi săn hoặc xung quanh vò rượu cần trong lễ mừng nhà mới. Đặc điểm của điệu xoè này là trang phục bình thường chỉ có đàn ông xoè, “nhạc” đệm là miệng tự hô, có sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem, động tác đơn giản nhưng mạnh mẽ, vui nhộn, phóng khoáng. Còn điệu xoè “đánh máng” lại dành riêng cho nữ giới. Cứ 3 cặp một, mỗi cặp cầm hai chày gõ vào thành máng dùng để giã gạo, tạo ra những tiếng chày chắc giòn, nhịp điệu mỗi lúc một nhanh, mạnh. Bên cạnh đó còn có xoè đơn lẻ, vừa xoè vừa đánh trống đánh chiêng. Vừa xoè vừa đánh máng có 2 người tham dự, nam đánh trống, nữ đánh chiêng, cả hai vận lễ phục, đầu chít khăn, lưng thắt dải lụa màu, tay tung dùi trống lúc mềm mại, khi mạnh mẽ, chân nhún nhảy nhịp nhàng theo tiếng trống, chiêng.
Hiện nay ở bản Lác, bản Pom Coọng có gần 10 đội xoè thường xuyên luyện tập phục vụ đời sống văn hoá tinh thần ở địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch văn hoá Mai Châu ngày càng phát triển. Hầu hết các điệu xoè cổ đều đã được cải biên và nâng cao, trở thành các điệu múa hấp dẫn với nhiều động tác, đạo cụ, trang phục và nhạc đệm thu hút người xem. Các đội văn nghệ vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, tăng thêm thu nhập, lại có cơ hội gìn giữ, quảng bá bản sắc văn hoá dân tộc.

Đến với Mai Châu, khi tiếng trống, tiếng chiêng được thăng hoa, bước chân thêm rộn rã thì cũng là lúc những vòng xoè như bông hoa ngũ sắc được mở rộng thêm mãi. Không còn phân biệt già trẻ, gái trai, chẳng kể người Việt Nam hay du khách nước ngoài, tất cả cùng ngất ngây trong vũ điệu đam mê của núi rừng Tây Bắc.

Nguồn dulichvn
Gìn giữ hát ống
Tưởng chỉ còn là ký ức của những bậc cao niên trong làng, nhưng không ai ngờ hát ví, hát ống lại sống lại ở miền quê Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang. Những ngày lễ hội hay cấy cày, trên cánh đồng hay giữa sân đình, lời ca tiếng hát mộc mạc, dân dã vẫn được cất lên chứng tỏ sức sống của nghệ thuật dân gian.
http://www.baodulich.net.vn/Uploaded/haunguyen/anh2.1.jpg
Hồi sinh 
Đi về xã Liên Chung, nghe người dân trong thôn ngoài làng kể chuyện, chúng tôi mới biết hát ống, hát ví là niềm tự hào của làng quê yên bình này. Không ai biết được lối hát này đã tồn tại được bao nhiêu lâu, nhưng theo trí nhớ dân gian thì cũng phải đến hàng trăm năm, đã từng nức tiếng xa gần. Người đàn ông trung niên chỉ đường cho chúng tôi còn hào hứng cất lời: ‘‘Hỡi cô thắt cái bao xanh/ Có về Làng Hậu quê anh thì về/ Làng Hậu có gốc cây đề/ Có sông tắm mát có nghề làm ăn”. Lời ca mộc mạc, không gian khoáng đạt, lời hát cất lên tự nhiên làm sống lại không khí những buổi sinh hoạt dân gian ở nông thôn xưa là tinh thần của hát ống, hát ví. Hát ví là lối hát đối đáp, giao duyên giữa hai bên nam, nữ. Lời hát thường là những bài lục bát dân dã và đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ thuộc, được cất lên tự nhiên trong khung cảnh làm đồng, trong những ngày nông nhàn hay lễ hội của làng xã. Hát ống vẫn dùng ca từ và giai điệu của hát ví, lối đối đáp của hát ví, chỉ khác là đôi bên sử dụng những chiếc ống tre nối với nhau bằng những sợi dây mảnh khi hát để truyền âm. Ống ở đây là hai chiếc ống bằng tre thông hai hai đầu, có đường kính khoảng 10cm, dài khoảng 20cm. Hai ống được liên kết với nhau bởi một sợi dây tơ tằm buộc vào hai chiếc kim khâu. Một đầu ống tre được bịt bằng da ếch. Khi hát, các màng da ếch rung lên, truyền tới người nghe âm thanh ấm và dịu hơn. Theo ông Nguyễn Vân Đài, người có công khôi phục lại lối hát ví, hát ống tại địa phương, các cụ xưa làm ống hát bằng tre ngà, nhưng cũng có thể dân dã với những nguyên liệu tự nhiên vốn rất sẵn ở các vùng quê như ống tre hoặc nứa. Khi bên này dùng ống loa để hát thì bên kia đặt ống nghe lên tai để nghe và đổi ngược lại. Hát ống, hát ví có thể diễn ra ngay trong những buổi cấy cày, tát nước, người ta cất tiếng hát, lời trêu đùa để tìm kiếm niềm vui, xua tan đi mệt nhọc. Chỉ cần vài người có thể trở thành một cuộc hát.

“Duyên đâu vướng sợi tơ hồng” 
Sinh ra ở nông thôn, hát ống, hát ví được nuôi dưỡng trong sự khoáng đạt của thiên nhiên và những người dân lao động lạc quan, yêu đời. Người dân quê muốn giao lưu, làm quen đều dùng dến hát ví. Hát ví còn được dùng để hát mời trầu, giao duyên, để giao lưu với khách xa gần. Những cuộc ví như thế là ví đơn, ví lẻ. Còn những cuộc hát kéo dài là những cuộc vào dịp lễ hội, ngày nông vụ chí kỳ, trong đám cưới hay khi có việc làng. Đặc biệt hơn cả, những buổi hát ví, hát ống còn bắc cầu cho nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau, không ít người nên duyên vợ chồng. Trai gái muốn tìm hiểu nhau, họ lại tự tổ chức lên các cuộc hát ống. Theo những người lớn tuổi trong làng, không phải ngẫu nhiên mà họ phải dùng đến hát ống. Có thể để cho đôi bên vừa quen, còn e ngại chưa dám đối diện nhau dùng đôi ống tre nối bằng sợi chỉ tơ là để bắc cầu nói lên tiếng lòng mình. Cũng có khi vì quan niệm nam nữ “bất tương thân” nên phải dùng sợi tơ như thước đo, để không ai vì quá si mê tiếng hát mà làm trái với quan niệm ấy. Trong trí nhớ của nhiều người, những ngày hội làng xưa, thanh niên đến hát ống, hát ví rất đông. Sự hấp dẫn của loại hình này còn bởi tùy hoàn cảnh, tùy hứng thú mà người hát còn có thể thêm bớt từ ngữ, biến đổi sao cho linh hoạt dựa trên những câu hát cổ, hoặc là sáng tác thêm để cho buổi hát thêm sinh động. Vì thế, buổi hát ống, hát ví trở thành nơi hò hẹn, tâm tình, có khi hai bên hát những câu bông đùa, trêu chọc nhau. Những lời hát thông minh, dí dỏm đã bắc cầu cho những mối quan hệ lâu dài và thân thiết hơn. Vậy mà sợi tơ mỏng manh ấy lại thành sợi nhớ, sợi thương, thành tơ hồng kết duyên cho bao nhiêu người: ‘‘Nếu ai đã nói thật lòng/ Thời anh chẳng dấu kẻo lòng hoài nghi/ Bờ đê đường cũng dễ đi/ Về thôn Liên Bộ nhà thì gần sông/ Duyên đâu vướng sợi tơ hồng/ Thành ra tri kỷ mặn nồng cũng nên”.
Cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi đã từng khiến loại hình văn nghệ dân gian này mai một và gần như biến mất trong đời sống cộng đồng. Nhưng những người trong CLB hát ống xã Liên Chung vì mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống của quê hương đã cất công sưu tầm lại lời hát ví của các bậc cao niên trong làng, mời người già truyền dạy cho thế hệ trẻ để gìn giữ cho đời sau.

Nguyễn Thảo
Theo http://www.coviet.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...